Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

38. Châu Phi trỗi dậy

Số 266: Châu Phi trỗi dậy
Ảnh minh họa
LTS: Năm 2011, thế giới chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về chính trị tại châu Phi với làn sóng biểu tình "Mùa Xuân Ảrập" gây náo động khắp nửa phía Bắc của châu lục. Nhưng ít người biết rằng một làn sóng thay đổi khác đang âm thầm lan tỏa, tuy không ồn ào nhưng hứa hẹn sẽ mang lại những biến chuyển tích cực và thực chất hơn cho châu lục này trong tương lai - đó chính là những tiến bộ vượt bậc về kinh tế của nhiều nước châu Phi.

Bức tranh màu xám
Châu Phi là châu lục đứng thứ ba trên thế giới về dân số và diện tích, sau châu Á và Châu Mỹ, với diện tích khoảng 30.244.050 km² (chiếm 20,4% tổng diện tích đất đai của Trái Đất) và 800 triệu dân sinh sống ở 54 quốc gia (chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới). Bị ngăn cách khỏi châu Âu bởi Địa Trung Hải, châu Phi nối liền với châu Á về phía tận cùng đông bắc bằng eo đất Suez (bị cắt ngang bởi kênh đào Suez) có bề rộng 130 km (80 dặm).
Trong một thời gian dài, châu Phi được xem như châu lục của xung đột và đói nghèo. Sau đêm dài nô lệ với vai trò là thuộc địa của thực dân phương Tây, kể từ thập niên 1960 khi phần lớn các nước trong châu lục giành được độc lập, châu Phi những tưởng sẽ bắt đầu một tương lai tươi sáng khi người dân được quyền làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng mọi chuyện sau đó dường như không khác thời kỳ thuộc địa là mấy: chiến tranh, xung đột liên miên, hạn hán, đói nghèo, dịch bệnh tràn lan trong khi kinh tế dậm chân tại chỗ. Hầu hết dân châu Phi hiện đang sống dưới mức 2 USD/ngày. Mức sản xuất lương thực bình quân đầu người không hề tăng kể từ những năm 1960 đến nay. Tuổi thọ bình quân của người dân một số nước vẫn thấp dưới 50. Tài nguyên thiên nhiên suy giảm, môi trường khí hậu đang rơi vào tình trạng tồi tệ khi nạn phá rừng và hoang mạc hóa diễn ra hết sức trầm trọng. Màu xám dường như vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh kinh tế - xã hội châu Phi.
Kịch bản lạc quan
Nhưng điều đó có vẻ như đang dần đi vào dĩ vãng: ngày 20/10/2011 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Phi đã cho công bố một bản báo cáo đầy ấn tượng về triển vọng phát triển kinh tế của châu lục này: Trong một kịch bản lạc quan nhất, GDP toàn châu lục sẽ tăng đến 900%, lên mức 15.000 tỷ USD vào năm 2060 - đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày châu Phi giành được độc lập. Thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng gấp ba trong vòng 50 năm tới: Từ mức 1.667 USD năm 2010 lên đến khoảng 5.600 USD vào năm 2060, tương đương mức thu nhập của người dân vùng Đông Nam Á hiện nay. Theo bản Báo cáo này, đến năm 2060, "hầu hết các nước châu Phi sẽ đạt được mức thu nhập trung bình cao, nạn đói nghèo sẽ bị xóa sổ".
Dự báo trên được minh chứng hùng hồn bằng những số liệu đáng khích lệ về tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực: Trong vòng một thập kỷ qua, 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Phi. Tăng trưởng toàn châu lục đạt 5,5%/năm so với 1,5% ở các nước phát triển và 1% ở châu Âu, giúp GDP toàn châu lục vượt qua mức 1.600 tỷ USD. Hoạt động kinh tế của châu lục đã chứng minh được năng lực kháng cự tốt trước các cú sốc: Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, trong khi tăng trưởng năm 2009 ở Mỹ giảm 2,4% và ở châu Âu giảm 4%, Châu Phi vẫn giữ được mức tăng 2% dù luồng tài chính đổ vào đây giảm từ 53 tỷ USD xuống còn 22 tỷ USD. Sự phục hồi được khẳng định trong các năm 2010 và 2011 khi tốc độ tăng trưởng của lục địa đen đạt 6% và dự báo sẽ tiếp tục tốc độ trên vào năm 2012, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng của Châu Á.
Lý do khởi sắc
Lý giải cho sự khởi sắc ấn tượng trên của kinh tế châu Phi, có thể đưa ra một số lý do sau:
Thứ nhất, những tiến bộ về chính trị đã góp phần đảm bảo cho kinh tế châu lục phát triển ổn định. Tuy vẫn còn xung đột, song hòa bình đã trở lại với nhiều nước bị tàn phá sau hàng thập kỷ đối đầu như Angola, Mozambique, Rwanda, Sierra Leon. Bầu cử tự do và đa nguyên mở rộng giúp tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng chính trị như ở Kenya. Tại Bờ Biển Ngà, Tổng thống Alassane Ouattara xác định mục tiêu là hòa giải dân tộc và tái thiết nền kinh tế hàng đầu ở Tây Phi bị điêu đứng sau 10 năm nội chiến. Người dân tại nhiều quốc gia cuối cùng cũng đã được hưởng bầu không khí hòa bình, được thực thi các quyền dân chủ cơ bản và được tự mình định đoạt vận mệnh của đất nước thông qua lá phiếu cử tri. Nhiều quốc gia đã dần được điều hành bởi các chính phủ dân chủ, có năng lực, qua đó có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, một số điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế của châu Phi đang được phát triển đúng hướng: Châu lục này có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chỉ tính về tài nguyên năng lượng, Châu Phi nắm giữ tới 30% tiềm năng thủy điện của thế giới cũng như nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió vô tận. Trước nhu cầu của dân số với 7 tỷ người có mức tiêu thụ thực phẩm gia tăng, châu Phi chiếm tới 80% trữ lượng đất nông nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành "trang trại của thế giới" trong tương lai. Châu Phi cũng có một tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng: Theo Ngân hàng Standard, Châu Phi hiện có khoảng 60 triệu người có thu nhập trung bình 3.000 USD một năm và dự báo đến năm 2015 số người này sẽ tăng lên đến 100 triệu. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, yếu tố trên sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong khu vực.
Thứ ba, châu Phi đang dần hình thành được một hệ thống đầu tàu kinh tế giúp kéo nền kinh tế cả khu vực đi lên. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tư bản toàn cầu được tái cơ cấu xung quanh các cực ngoại vi trong khi các nước trỗi dậy thu hút được nhiều sự chú ý. Châu Phi hiện có Nam Phi và Nigeria - hai nước đông dân và có tiềm lực kinh tế khá mạnh, có khả năng dẫn dắt kinh tế khu vực đi lên; tiếp sau đó, một loạt quốc gia được mệnh danh là "sư tử châu Phi" như: Algeria, Boswana, Ai Cập, Mauritius, Libya, Morocco, Tunisia đã đạt mức thu nhập tính theo đầu người 10.000 USD, cao hơn cả mức của nhóm BRIC (8.800 USD), cũng đang vững bước tiến vào quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, với việc hàng rào thuế quan giữa các nước đang được dỡ bỏ, thương mại xuyên biên giới giữa các quốc gia nội khối đang có chiều hướng phát triển tốt sau nhiều năm bị gián đoạn bởi xung đột chính trị, tạo điều kiện để các quốc gia trong khu vực tự lực cánh sinh giúp đỡ nhau thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ tư, do nguồn đầu tư từ nước ngoài: Thời gian qua, một trong những quốc gia hăng hái đầu tư vào châu Phi nhất là Trung Quốc. Khách quan nhìn nhận, việc nước này thâm nhập vào Châu Phi đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy ngành sản xuất chế tạo ở đây phát triển. Các nước ngoài phương Tây khác như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Ấn Độ cũng đang theo bước Trung Quốc tiến vào châu lục đầy tiềm năng này. Với sự tham gia của các quốc gia này, châu Phi có thể trở thành trung tâm của ngành sản xuất công nghiệp nhẹ và dịch vụ của thế giới trong tương lai. Theo thống kê, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào châu lục đã tăng khoảng 10 lần trong 10 năm qua và dự báo dòng vốn quốc tế chảy vào châu Phi có thể sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2020, một con số rất đáng khích lệ.
Và cuối cùng, một số điều kiện kinh tế - xã hội đang dần được cải thiện: Sức khỏe của nhiều triệu người châu Phi đang có những bước tiến rõ rệt, một phần nhờ vào việc các nước đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch phân phát màn chống muỗi cho dân chúng cũng như việc ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS; năng suất làm việc của người dân đang tăng tiến với tốc độ 3%/năm, ở châu Mỹ, tốc độ này ở mức 2,3%. Xu hướng phát triển dân số của châu Phi cũng đóng góp vào công cuộc phát triển của châu lục này. Trong thời gian qua, một số lượng lớn thanh niên được giáo dục đầy đủ hơn, thông minh hơn đã bước chân vào thị trường lao động, hứa hẹn sẽ giúp sức sản xuất của châu lục tăng vọt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm góp phần giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế. Dự báo dân số châu Phi sẽ tăng từ 860 triệu lên 1,8 tỷ người từ nay đến năm 2050, với lực lượng lao động hùng hậu, cơ cấu dân số với tỷ lệ người trong tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc, châu Phi đang có những yếu tố vô cùng thuận lợi để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Với những lý do trên, chúng ta có cơ sở để tin rằng trong thời gian tới, nền kinh tế châu lục này sẽ cất cánh, tất nhiên là với điều kiện các nước trong châu lục cùng quyết tâm phấn đấu vì một tương lai tươi sáng hơn.
Những căn bệnh trầm kha
Nhưng tương lai của châu Phi không chỉ có toàn ưu điểm, những biến đổi khó lường của tình hình quốc tế và khu vực cộng với hàng loạt căn bệnh trầm kha đã ăn sâu cắm rễ vào xã hội châu Phi chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề lớn phải giải quyết: Những hệ quả không mong đợi của các cuộc cách mạng ở Bắc Phi thời gian qua; khủng bố triền miên hoành hành ở khu vực Sahel; các mạng lưới tội phạm, buôn lậu và cướp biển phát triển mạnh ở các vùng lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của các chế độ đã sụp đổ, từ Somalia đến một số vùng khác ở miền Đông châu Phi; xung đột sắc tộc, biên giới; bất bình đẳng xã hội, khoảng cách phát triển giữa các vùng trong nước và giữa các nước trong khu vực với nhau còn rất lớn. Nhiều chính phủ ở châu Phi hiện vẫn còn yếu kém và tham nhũng. Quá trình chuyển đổi kinh tế ở châu Phi mới chỉ ở bước đầu và chưa vững chắc…
Hàng loạt vấn đề trên chắc chắn không thể được giải quyết chỉ trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó, quốc tế cũng cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để giúp kinh tế châu Phi tiến bước: Các nước phương Tây nên mở rộng giao thương với châu Phi hơn là chỉ cung cấp các nguồn viện trợ cho châu lục này. Việc Mỹ thông qua Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi được cho là một bước khởi đầu tốt khi giúp hạ thấp hàng rào thuế quan của Mỹ đánh vào nhiều mặt hàng đến từ các nước châu Phi tuy nhiên, mô hình trên vẫn còn là cá biệt và cần được nhân rộng ra nhiều nước khác nữa.
Dù còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về quá trình phát triển của châu Phi nhưng trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới đang ảm đạm, những tiến bộ của Châu Phi thời gian qua là một điểm sáng đáng khích lệ và cho ta hy vọng về một phép màu kỳ diệu có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt châu Phi, biến Lục địa đen trở thành lục địa phồn vinh trong một tương lai không xa.
Trung Nguyên

Cuộc đua song mã tại châu Phi
Với thị trường đầy tiềm năng và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, châu Phi đang trở thành điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư lớn và nơi đây có xu hướng trở thành điểm cạnh tranh nóng bỏng giữa phương Tây và Trung Quốc.
Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, Châu Phi từng là “chiến trường” giữa Liên Xô và Mỹ. Sau sự tan rã của Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây đã hoàn toàn khôi phục lại vị trí của họ ở Châu Phi. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã trở thành một thách thức đối với họ.
Ngoài việc nâng cao hình ảnh, vai trò chính trị của mình tại châu Phi như tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Bờ biển Ngà, Liberia hay Sudan thì trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang ngày càng có vị trí quan trọng ở châu lục này.
Từ năm 2009, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác buôn bán lớn nhất của châu Phi. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi năm 2009 đạt 79,8 tỷ USD trong khi kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ-châu Phi đạt 78,9 tỷ USD. Các công ty của Mỹ đang mất dần lợi thế của mình khi trong năm vừa rồi, các công ty của Trung Quốc chiếm tới 40% các hợp đồng được ký kết với châu Phi, trong khi các công ty của Mỹ chỉ chiếm có 2%.
Các phương tiện truyền thông phương Tây gọi chính sách mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi là chủ nghĩa thực dân mới, nêu rõ rằng Trung Quốc đang muốn biến Châu Phi thành thuộc địa. Tuy nhiên, họ không thể không thừa nhận mình ở vào thế yếu, rằng Trung Quốc đang được hoan nghênh hơn tại lục địa đen. Rõ ràng đặc thù chính sách thâm nhập của Trung Quốc khiến các nước ở châu lục này “yên tâm” hơn. Bởi Trung Quốc không quan tâm đến chế độ chính trị mà họ hợp tác, không cần đưa (ít ra là hiện nay) một chính phủ thân Trung Quốc lên cầm quyền; và thứ hai, khác với các công ty phương Tây chủ yếu tập trung khai thác nguồn tài nguyên, Trung Quốc thực hiện các dự án lớn và có tính định hướng lâu dài. Năm 2006 tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã xóa hầu hết các khoản nợ cho các nước châu Phi. Năm 2007, Trung Quốc vận dụng kinh nghiệm xây dựng thành công “các đặc khu kinh tế tự do” sang Châu Phi. Năm 2009, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi ở tại Sharm el-Sheikh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ chi 10 tỷ USD cho các dự án chung… Trung Quốc còn hứa cung cấp thiết bị y tế, xây dựng trường học, đào tạo sinh viên châu Phi, …
Mô hình phát triển của Trung Quốc cũng được “ưu chuộng” hơn. Trung Quốc đang mời chào các nhà lãnh đạo châu Phi mô hình phát triển của mình dựa trên sự tăng trưởng có sự chỉ đạo của Nhà nước, quản lý chặt chẽ về chính trị - một mô hình đối trọng với mô hình phát triển mà Mỹ muốn xây dựng tại đây. Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe thậm chí còn ca ngợi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, là "đất nước bạn có thể thành công mà không cần phải đi theo mô hình phương Tây". Còn Ethiopia, nước từ năm 2007 tới nay nhận được hơn 4 tỷ USD viện trợ của Mỹ, cũng quay sang ca ngợi sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Thêm vào đó, Bắc Kinh còn tích cực đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước Châu Phi: vũ khí của Trung Quốc có giá rẻ hơn, điều kiện thanh toán linh hoạt, kèm theo các khoản vay và giảm giá. Phương thức phổ biến là nguyên liệu đổi lấy vũ khí. Sudan mua xe tăng T96 và các loại xe bọc thép; Algeria, Sudan và Ai Cập mua pháo tự hành 155 mm; Ghana và Nigeria mua máy bay…
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã gây dựng cho mình được một chỗ đứng khá vững chắc tại lục địa đen, thì khu vực với những bất ổn về chính trị với xung đột, bạo loạn chưa có hồi kết, tương lai vẫn chưa thể nói trước. Thêm vào đó là các vấn đề về chất lượng lao động và sự cạnh tranh với các cường quốc khác. Đấy là chưa kể tình trạng bạo lực phe phái, đảo chính quân sự hay nạn tham nhũng chưa có lời giải. Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và phuơng Tây tại châu Phi còn kéo dài. Cả hai bên có thể đổ những lượng tiền khổng lồ vào châu lục này, nhưng kết quả cuối cùng như thế nào sẽ được quyết định ở chính châu Phi chứ không phải từ bất kỳ đối tác nào bên ngoài.
Phương Nguyên



Châu Phi vươn lên trong nghịch cảnh
Xã hội bất ổn, nhiều nguyên thủ quốc gia bị lật đổ, thiên tai hạn hán nghiêm trọng chưa từng có trong 60 năm qua khiến 12 người lâm vào cảnh thiếu ăn... Mặc dù phải đối mặt với những thách thức to lớn như vậy trong năm qua, nhưng theo báo cáo “Tình hình phát triển kinh tế châu Phi năm 2011” do Cộng đồng kinh tế Châu Phi (CEA) và Hội đồng liên minh châu Phi (CUA) cùng phối hợp công bố cuối tháng 11/2011, lục địa đen vẫn đạt tỉ lệ tăng trưởng 5%, cao hơn mức 4,7% của năm 2010. Bên cạnh những nhân tố bất lợi, năm 2011 cũng có nhiều nhân tố có lợi làm kinh tế châu Phi vươn lên trong nghịch cảnh.
Trước tiên là tiến trình nhất thể hóa kinh tế toàn châu Phi có bước tiến to lớn, nhất là việc thống nhất ba tổ chức kinh tế có uy tín và tiềm năng ở châu Phi là Thị trường chung Đông-Nam châu Phi, Thị trường chung Đông châu Phi và Thị trường chung Nam châu Phi. Ba tổ chức này, gồm 26 nước thành viên với dân số hơn 700 triệu, chiếm 57% tổng dân số châu Phi, GDP trên 625 tỉ USD, chiếm 58% tổng GDP châu Phi, đã thỏa thuận đẩy nhanh tốc độ nhất thể hóa kinh tế châu Phi. Đây là nhân tố thúc đẩy buôn bán nội khối tăng lên bù đắp tổn thất do thị trường thế giới bị suy giảm, đẩy tỉ lệ buôn bán nội khối cao hơn 10%.
Trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, Diễn đàn kinh tế châu Phi cũng đã đưa ra gói giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn châu lục, nhấn mạnh đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, mở rộng hơn nữa các kênh trao đổi buôn bán với các nước, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á, Mỹ La tinh. Hiện nay tỉ lệ kim ngạch buôn bán với các nước châu Á chiếm tới 38,5% tổng kim ngạch của châu Phi.
Một nhân tố rất đáng lưu ý là nhân tài ở nước ngoài đang trở về làm việc ngày càng nhiều, trong khi đó đầu tư nước ngoài vào châu Phi tăng lên. Năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới giảm 20%, nhưng FDI đầu tư vào châu Phi tăng 16%, đạt 62 tỉ USD. FDI làm cho tiến trình đô thị hóa ở châu Phi được đẩy nhanh và là nhân tố thúc đẩy GDP tăng trưởng trong năm 2011.
Tuy nhiên, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, triển vọng năm 2012 của châu Phi có phần kém “sáng” hơn 2011, với dự kiến mức tăng trưởng GDP bình quân của các nước châu Phi đạt 4,7%.
Thu Cúc



Ý kiến
Thế giới đã quen nhìn về châu Phi với nạn đói và xung đột liên miên đến mức không thấy những biến đổi to lớn đã diễn ra ở châu lục này. Các số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) khẳng định sau 50 năm độc lập thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, châu Phi đã phát triển với tốc độ chưa từng thấy và đang tiến tới tăng trưởng phổ quát hơn. Giáo sư Calestous Juma của Trường Đại học Harvard (Mỹ) thừa nhận tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang làm thay đổi nhận thức về triển vọng của châu Phi. Tuy nhiên, trọng tâm xóa đói nghèo đã làm các chính phủ châu Phi cũng như các nước tài trợ không xem xét nghiêm túc những biện pháp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của sự thịnh vượng như giáo dục công nghệ, thúc đẩy kinh doanh buôn bán. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn là nhân tố then chốt để giúp những người nghèo nhất trong xã hội châu Phi. Tạp chí Tài chính và Phát triển (F&D) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Được khích lệ bởi cách nhà đầu tư đầy háo hức, các chính phủ châu Phi đã bãi bỏ các ngành nghề yếu kém và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng… Nhiều chuyên gia tin rằng châu Phi có khả năng tiến gần đến việc trở thành một Ấn Độ tiếp theo, nước mà nhờ vào đô thị hóa mạnh mẽ và sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ và cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi tiểu lục địa Nam Á 15 năm trước. Ở châu Phi có sự tăng trưởng nhanh chóng của các thành phố lớn. Lục địa này tự hào có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới, thông qua phát triển công nghiệp và kinh tế. Hiện 1/3 cư dân châu Phi sống tại các đô thị, chiếm 80% tổng số GDP. Trong 30 năm tới, sẽ có một nửa số cư dân của lục địa này sống ở các đô thị lớn. Newsweek
Tổng GDP của Lục địa đen hiện nay mới chỉ tương đương Brazil và Nga, hơn một chút Ấn Độ. Trong nhóm “11 quốc gia kế cận” bao gồm các thị trường mới nổi với viễn cảnh hứa hẹn chỉ sau nhóm BRIC, có hai nước châu Phi là Ai Cập và Nigeria. Nếu xét tới tiềm năng của 11 nền kinh tế lớn nhất châu Phi trong vòng 40 năm tới, GDP của toàn châu Phi sẽ lên tới mức 13.000 tỷ USD trước năm 2050, khiến nền kinh tế lục địa này vượt qua Brazil và Nga dù vẫn còn kém Ấn Độ và Trung Quốc… Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia Châu Phi vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết như: sự ổn định của chính phủ, tăng cường pháp trị, cải thiện giáo dục cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với điện thoại di động và internet và có lẽ quan trọng nhất là bài trừ nạn tham nhũng. The Economist
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/1/C79D2C7E971E54C1/