Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

32. Thế giới năm 2012: một vài dự báo

22:47' 4/2/2012
TCCSĐT - Năm 2012 là năm Con Rồng. Theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam và một số nước châu Á, năm 2012 được mong đợi là năm cất cánh như Rồng bay. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, bên cạnh những hy vọng, thế giới vẫn phải đối mặt với không ít những quan ngại, lo âu.

Trọng tâm địa - chính trị thế giới tiếp tục dịch chuyển từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương

Thế giới đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển địa - chính trị từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2012, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm chú ý của các nước, nhất là các cường quốc lớn và dự kiến các nước này đều có những điều chỉnh chiến lược, nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình ở đây. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chính sách với khu vực này. Trong chuyến thăm 6 ngày tới 5 nước châu Á - Thái Bình Dương, gồm Nhật Bản, Bruney, Niu Dilân, Australia và Quốc đảo Fiji đầu năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố, chính sách của Nga đối với khu vực này là một trong những hướng ưu tiên. Nga sẽ cùng với Trung Quốc và các nước khác xây dựng hệ thống cấu trúc an ninh, hợp tác toàn diện ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, năm 2012 sẽ là năm bản lề cho việc hình thành một trật tự thế giới mới. Những biến đổi của năm 2012 sẽ khiến thế giới thay đổi hẳn diện mạo. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là khu vực có dân số đông nhất thế giới, mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và tồn tại nhiều “điểm nóng” của thế giới.


Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Hơn thế, châu Á trong vài thập niên qua còn được nhắc tới như một khu vực phát triển năng động nhất của thế giới với sự xuất hiện của các cường quốc tiềm tàng, như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Gerard Lyons thuộc Ngân hàng Standard Chartered, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ kéo mọi thứ trở lại xu thế phát triển vào cuối năm.


Từ cuộc “chiến toàn cầu chống khủng bố” đến “Mùa xuân Arập”

Nếu nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ G.W.Bush đánh dấu bằng cuộc “chiến toàn cầu chống khủng bố” do ông phát động, đưa nước Mỹ lún sâu vào khủng hoảng và suy yếu sức mạnh toàn diện, thì nhiệm kỳ đầu của người kế nhiệm, Tổng thống B.Obama được đánh dấu bằng “Mùa xuân Arập”. Ban đầu, khi cuộc “cách mạng hoa nhài” bùng phát từ Tunisia, mở đầu “Mùa xuân Arập”, một số người nhận định rằng, Mỹ “bị bất ngờ” trước sự kiện chính trị này và dường như “Mỹ đứng ngoài cuộc” các biện động chính trị - xã hội ở Bắc Phi và Trung Đông. Nhưng rồi diễn biến của “Mùa xuân Arập” sau đó, với những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ B.Obama cũng như nhiều quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Mỹ, đưa ra yêu cầu mang tính chất tối hậu thư, đòi tổng thống các nước Ai Cập, Libya, Yemen, Syria... từ chức, cũng như việc Mỹ “dính líu” vào cuộc chiến tranh Libya, vai trò của Washington như là “tổng công trình sư” cho “Mùa xuân Arập” được thể hiện ngày một công khai và đậm nét hơn.


Như vậy, trong tiến trình thực hiện “Kế hoạch Đại Trung Đông” đã từng được nhiều đời tổng thống Mỹ ấp ủ, cuộc “chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan và Iraq, tiếp đến “Mùa xuân Arập” chỉ là hai giai đoạn kế tiếp nhau, với ý tưởng “phá để xây” mà ý tứ của nó được ẩn chứa trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ B.Obama trong chuyến thăm Anh hồi tháng 5-2011, trước khi sang dự Hội nghị G8 ở Pháp, rằng “đã tới kỷ nguyên Mỹ cùng các đồng minh dân chủ lãnh đạo tập thể đối với thế giới, trong đó sẽ ra đời các quốc gia mới”. Có thể thấy, phá các quốc gia cũ để xây các quốc gia mới là ý tưởng xuyên suốt của “Mùa xuân Arập”. Nhưng liệu Mỹ và các đồng minh của họ có làm được điều đó hay không khi lực lượng Hồi giáo đang lên nắm quyền tại các nước mà “Mùa xuân Arập” vừa đi qua, vẫn còn là một câu hỏi lớn.


Năm 2012: nước Nga đứng trước sự thâm nhập của “Mùa xuân Arập”

Vật cản lớn nhất đối với “Mùa xuân Arập” là vai trò của Nga và Trung Quốc. Nếu như hai quốc gia này không sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì “Mùa xuân Arập” từ lâu đã tràn qua Syria, thậm chí sang cả Iran. Vào những ngày cuối cùng của năm 2011 đã có dấu hiệu chứng tỏ “Mùa xuân Arập” lan tỏa tới các vùng thảo nguyên ở Trung Á, với những cuộc bạo động bất thành của các lực lượng nổi loạn ở thành phố Zhanaozen của Kazakhstan được các thế lực bên ngoài ủng hộ, khiến 16 người thiệt mạng. Những nỗ lực nhằm gieo trồng “Mùa xuân Arập” sang quốc gia then chốt này trong không gian hậu Xô viết đã không thu được kết quả.


Đáng chú ý hơn là “Mùa xuân Arập” đã gõ cửa nước Nga, dưới hình thức các cuộc bạo động mang tên “tuyết trắng” bùng phát ở Nga sau cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga cuối năm 2011. Ý tưởng của các nhà kiến trúc sư “Mùa xuân Arập” muốn thực hiện ở Nga là chấm dứt sự tồn tại của một nước Nga lớn và hình thành nhiều quốc gia nhỏ - điều mà Tổng thống Mỹ B.Obama đã nhắc đến trong bài phát biểu nổi tiếng của ông ở Quốc hội Anh.


Nguy cơ bùng nổ xung đột lớn ở Iran

Những ngày đầu năm 2012, thế giới chứng kiến bầu không khí chính trị quốc tế nóng lên cao độ. Tất cả liên quan tới quyết định của Mỹ đơn phương tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran diễn ra cùng các hoạt động phá hoại ngầm mà diễn biến gần đây là vụ nhà bác học nguyên tử của Iran bị “2 kẻ lạ mặt” cài mìn cho nổ xe ô tô giết hại ngay trên đường phố. Bên cạnh việc Mỹ “mất kiên nhẫn” về tham vọng hạt nhân của Iran còn một phần do lo sợ Iran có khả năng tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến ở Iraq và sắp tới là ở Afghanistan.


Việc Mỹ phản đối chương trình hạt nhân của Iran chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Ý đồ của Washington muốn lật đổ chính quyền ở Tehran còn ở hai lý do. Một là, Mỹ không bao giờ chấp nhận một quốc gia nào có ý đồ vươn lên nắm vai trò “lãnh đạo” trong khu vực Trung Đông mà Iran là một “đối tượng” như thế. Hai là, hiện nay Iran đang có thái độ và quan điểm chống Mỹ, trong khi đó “Mùa xuân Arập” là giai đoạn có ý nghĩa quyết định để Mỹ thực thực hiện “Kế hoạch Đại Trung Đông” nhằm xóa sổ tất cả các chính quyền không đáp ứng tham vọng của Mỹ ở khu vực này, dựng lên các chính quyền mới thân Mỹ và do Mỹ kiểm soát, trong đó Libya, Syria, Iran là 3 mục tiêu trọng điểm.

Thế giới đang dõi theo tình hình Iran với mối lo ngại sâu sắc. Khả năng Iran đóng cửa hay không đóng cửa eo biển Hormuz là 50/50. Một số chuyên gia nghiên cứu thiên về ý kiến cho rằng, Mỹ đang cố làm căng tình hình Iran để phát động một cuộc chiến tranh lớn tại đây, nhằm xóa bỏ một vật cản quan trọng đối với “Mùa xuân Arập”. Do đó, nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang là khó tránh khỏi, thậm chí có thể leo thang thành cuộc chiến tranh lớn. Đương nhiên, bên chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến đó sẽ không chỉ là Iran mà còn là nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trong những mối lo lớn không chỉ đối với các nước trong khu vực.

Sức ép từ khủng hoảng nợ công của EU và Eurozone

Năm 2012, EU và Eurozone vẫn tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công mà chưa tìm ra lối thoát, bởi các quyết định "mang tính đột phá" được đưa ra tại nhiều hội nghị thượng đỉnh của các nước trong khu vực này thực tế chỉ mới là “trên giấy”, chưa thể giúp các quốc gia tại đây. Làn sóng nợ công sẽ không dừng lại ở Hy Lạp, Italy hay Tây Ban Nha… mà còn lan toả sang các nước khác trong EU. Cuộc bầu cử ở Hy Lạp và Pháp trong năm 2012 sẽ chứng tỏ người dân châu Âu có chịu thích nghi với cách “thắt lưng buộc bụng” nhằm giúp chính phủ các nước sở tại thoát khỏi khủng hoảng nợ hay không.


Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, nỗi bất hạnh của EU và Eurozone đang lây lan sang các nước Mỹ Latinh, Trung Quốc và Nga. Các nước Mỹ Latinh đang lo ngại nhịp độ tăng trưởng của họ bị chậm lại do bị tác động từ suy thoái kinh tế trong Eurozone. Trung Quốc, nơi mà EU là đối tác thương mại chủ yếu, trong mấy tháng gần đây, nhịp độ xuất khẩu đang chậm lại và sẽ tiếp tục chậm hơn nữa trong năm 2012, trước nguy cơ EU tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Do đó, kinh tế Trung Quốc theo dự báo, sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng hoảng 8%, thay vì hơn 9% trong năm 2011. Còn Nga đáng ra có thể thu hút đầu tư nhiều hơn từ các nước láng giềng EU, nhất là sau khi gia nhập WTO vào cuối năm 2011 để hiện đại hóa nền kinh tế, thì nay sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Mỹ lại đang thúc ép các quốc gia EU không nhập khẩu dầu mỏ của Iran - một biện pháp mà chính các nước trong khu vực này không mặn mà cho lắm.


Tương lai mờ mịt ở Iraq trong năm 2012 sau khi Mỹ rút quân

Sau khi Mỹ rút hết các lực lượng chiến đấu ra khỏi Iraq vào thời hạn chót là ngày 31-12-2011, ngay trong ngày đầu năm 2012, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tuyên bố, lấy ngày Mỹ rút quân khỏi nước này là Ngày Quốc khánh của nước Iraq mới. Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq chỉ là quyết định nằm trong chiến lược bố trí lại lực lượng trên phạm vi khu vực và toàn cầu, còn trên thực tế chiến tranh vẫn tiếp diễn.


Theo giới phân tích, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq chưa phải đã chấm hết xung đột mà đúng hơn là sự mở đầu giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh ngầm. Chỉ một ngày sau khi quân đội Mỹ hoàn thành việc rút quân, hôm 18-12-2011, Chính phủ Iraq do người Shi’ite lãnh đạo, tuyên bố bắt khẩn cấp Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi, nhà chính trị cao cấp nhất của người Sunni. Hành động này đe dọa sự sắp xếp chia sẻ quyền lực giữa người Shi’ite, Sunni và Kurdish ở Iraq. Trong bài trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters, Chủ tịch Đảng Cộng hòa Mitt Romney, ứng cử viên sáng giá trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 đã chỉ trích Tổng thống Mỹ B.Obama rằng, quyết định rút quân khỏi Iraq là “một cam kết thất bại” vì sẽ không ngăn được nguy cơ quốc gia này rơi vào vòng xoáy xung đột mới.


Châu Phi gồng mình vươn lên trong hoạn nạn

Năm 2011 là năm các nước châu Phi gặp nhiều thách thức lớn về các mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Thiên tai, hạn hán đã gây ra nạn đói nghiêm trọng. Chưa bao giờ châu Phi lại phải đối mặt với những thách thức to lớn đến thế. Trong khi đó, nợ nước ngoài năm 2011 của châu Phi cũng tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng nợ nước ngoài của các nước ở khu vực nam sa mạc Sahara đã lên tới 231 tỉ USD, hằng năm phải trả nợ 14 tỉ USD trong khi viện trợ nước ngoài chỉ có 10 tỉ USD, cũng sẽ là nhân tố kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế các nước châu Phi trong năm 2012.


Thêm vào đó, các nước châu Phi đang đứng trước nhiều khó khăn, khi đối tác buôn bán lớn nhất của họ là châu Âu hiện chìm sâu vào khủng hoảng nợ công. Thị trường EU chiếm tới 60% tổng ngạch xuất khẩu của châu Phi, còn ngành chế tạo của châu Phi lại phụ thuộc trên 30% vào thị trường EU, nên dự kiến xuất khẩu năm 2012 của các nước châu Phi sẽ giảm sút. Tuy vậy, báo cáo “Tình hình phát triển kinh tế châu Phi năm 2011” do Cộng đồng Kinh tế châu Phi (CEA) và Hội đồng Liên minh châu Phi (CUA) phối hợp công bố cuối tháng 11-2011 cho biết, mặc dù tình hình mọi mặt khó khăn nhưng tăng trưởng GDP của toàn châu Phi vẫn đạt 5%, cao hơn mức 4,7% của năm 2010. Đây là thành tựu rất khả quan. Trong đó, kim ngạch hai chiều giữa Trung Quốc và các nước châu Phi năm 2011 đạt 150 tỉ USD và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2012. Đến năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Trung Quốc và các nước châu Phi có thể tăng gấp hai lần kim ngạch hiện nay và tới năm 2030 ước đạt 1.700 tỉ USD. Trung Quốc sẽ vượt châu Âu trở thành đối tác buôn bán lớn nhất của châu Phi.


Như vậy, trong 2012 tuy là năm Con Rồng nhưng thế giới sẽ phải sống trong lo âu nhiều hơn, với niềm hy vọng không nhiều vào sự ổn định và phát triển bởi năm tới sẽ là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình của những biến đổi lớn của lịch sử thế giới, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và sẽ kéo theo những nỗ lực cuối cùng của Mỹ nhằm duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của họ trong kỷ nguyên sau Chiến tranh lạnh./.
Lê Minh