Tôi chỉ là
một hạt cát trong cái biển người di cư từ Bắc vào Nam. Đã sấp sỉ 60
năm rồi. Những hạt cát ấy nay trở thành mảnh đất phù sa mầu mỡ của
miền Nam Việt Nam trước 1975. Những hiểu biết của tôi về cuộc di cư
ấy trước đây vẫn chỉ là những mảnh rời. Phần đọc còn nhớ lại lãng
đãng, nhớ nhớ quên quên trong cuốn: Cuộc di cư vĩ đại, Sàigòn
1956 do chính quyền miền Nam xuất bản. Sách in khổ lớn với rất nhiều
trang hình ảnh, trình bày trang nhã và đẹp mắt...
Nay tôi nhìn
lại cuộc di cư ấy trước hết là sống lại hình ảnh kỷ niệm quá khứ.
Như một cái
vẫy cánh của một con chim xa tổ, đã lìa cành, nhìn lại.
Sau nữa nhìn
lại chiến dịch Operation Passage to Freedom của hải quân Mỹ
để thấy rằng không có chiến dịch này, cuộc di cư của gần một triệu
người có thể không trọn vẹn. Nghĩa là thất bại và để lại nỗi tuyệt
vọng cho bao nhiêu người đã không ra đi được.
Và mặc dù đã
có những cố gắng tột bực trong việc đưa gần một triệu người di cư
vào miền Nam, nhiều người đã không đi được và bị kẹt lại. Việc bị
kẹt lại trở thành một hệ luỵ ê chề không tránh khỏi cho những người
còn ở lại miền Bắc như người viết sẽ trình bày ở cuối bài viết.
Và nếu nói
theo một thứ lý luận của người trong cuộc, tức người di cư từ Bắc
vào Nam, người viết nghĩ rằng đã có một thời những con người di cư
ấy không có một thời đại nào khác, không có thứ lịch sử nào khác
ngoài thời đại và lịch sử mà họ đã sống, đã trải nghiệm.
Đó là thời
đại của cuộc di cư không tiền khoáng hậu đã để lại dấu tích không
phai nhòa trong mỗi mảnh đời của họ.
Chẳng hạn,
hình ảnh bà mẹ còn giữ lại chiếc đồng hồ quả lắc cũ treo trên tường
cũng như những tấm phản đã mang vào miền Nam mà cho đến bây giờ, bà
vẫn nằm trên đó. Hay hình ảnh đồng bào Thiên Chúa giáo xứ Kẻ Sặt còn
mang theo quả chuông nhà thờ. Họ đã để lại hết, nhưng quyết đem cho
bằng được quả chuông này tượng trưng cho niềm tin sắt đá của họ.
Và hơn mọi
thứ khác, mỗi người di cư đã không mang được thứ gì khác ngoài niềm
tin rằng chủ nghĩa cộng sản là tàn bạo mà bằng bất cứ giá nào họ
cũng phải ra đi.
Và đó là tất
cả phần đời của họ còn lại.
Vì thế, tôi
bùi ngùi nhớ đến những người đã muốn đi mà không đi được và chịu cái
cảnh đọa đầy thêm mấy chục năm và nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Còn đối với
người Mỹ, qua chiến dịch của hải quân Hoa Kỳ, ngoài vấn đề chi phí
vật chất đồ sộ trong việc giúp người tỵ nạn di cư vào Nam, tôi còn
nhìn thấy ở đấy tính cách nhân đạo của chiến dịch này.
Cũng từ đó
tôi nhận ra hai điều: những tấm lòng của thủy thủ các tầu Mỹ, đồng
thời nghị lực phi thường với một quyết tâm sắt đá cuả người di cư.
Sự phi thường ấy làm ngỡ ngàng, gây ngạc nhiên cho các thủy thủ đoàn
trong các chuyến tầu của Mỹ chở người tỵ nạn vào Nam.
“The determination of the men of Viet Nam: determined to worship
their God, determined to be free, determined to escape to be so”.
Điều mà tôi
muốn nhắc lại ở đây là cái quyết tâm của lớp người di cư miền Bắc,
bằng mọi giá, giá nào cũng trả để di cư vào miền Nam. Không có cái
quyết tâm ấy, họ đã không đi được.
Cái quyết
tâm ấy còn giúp họ sau này xây dựng tương lai họ và cho con cái họ.
Việc di cư
ấy nói cho cùng chỉ là sự kéo dài tình trạng trốn chạy cộng sản mà
không
phải đợi đến
Hiệp định Genève, 1954. Ngay từ đầu thập niên 1950, phong trào tỵ
nạn cộng sản đã thành hình dưới hình thức ”phong trào nhập thành",
hay nói nôm na là phong trào “dinh tê”. Đã có bao nhiêu người
tìm mọi cách dời bỏ khu “an toàn Phát Diệm”, thoát đi bằng đường
biển, từ cửa Cồn Thoi, ra Hải Phòng vào những năm sau 1950? Và đã có
bao nhiêu người có tiền bạc của cải đã chạy trốn vào Nam khi mà Hiệp
định Genève chưa thành hình? Không phải theo Tây, cũng chẳng theo Mỹ,
không theo Nhật, không theo Tầu cũng chẳng vì theo Thiên Chúa giáo
mà người ta chọn đứng về phía này, phía nọ. Tất cả đều là những chọn
lựa bất đắc dĩ chỉ vì không thể sống chung với người cộng sản được.
Cộng sản trước đây và cộng sản bây giờ cũng vậy.
Cho nên đơn
giản là chỗ nào có cộng sản thì người ta chạy. Liều mạng mà chạy.
Chết cũng chạy. Cuộc di cư 1954-1955 và cuộc di tản 1975 đều giống
nhau ở một điểm: không chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản.
Không phải
chỉ người Việt mới trốn chạy như thế. Dân chúng Đông Âu, từ những
nước chư hầu của Nga cũng tìm cách trốn sang Tây Âu. Vào măm 1966,
6110 người Đông Đức đã đào thoát được sang Tây Đức. Tính từ năm
1949 đến 1952, 228.500 người đã trốn thoát khỏi các vùng do Nga Sô
kiểm soát để tới Bá Linh. Và cứ như thế, 5 vạn người Tiệp Khắc đã
trốn ra khỏi nước họ.{Trích Cuộc Di Cư lịch sử, Phủ Tổng Ủy Di Cư tỵ
nạn, trang 276}
Cũng vậy, ở
Hung Gia Lợi, ở Roumanie, ở Albanie, ở Ba Lan. Người ta cũng liều
mạng trốn ra đi để tìm Tự Do.
Vì vậy, thế
giới đã nhìn rõ thân phận người di cư, thấy họ lao đao khốn khổ liều
mạng và đã dơ tay cứu vớt và không khỏi không khâm phục họ.
Theo nhận
xét của phần đông thủy thủ Mỹ, nhiều người di cư đem theo những thứ
lỉnh kỉnh không có đáng một đồng xu. Như một cái chậu, một cái thùng
bằng nhựa, một tay nải quần áo cũ. Những thứ lỉnh kỉnh không đáng gì.
Phải, Nothing. Nhưng lại chính là gia tài của họ.
Sản nghiệp
ra đi có khi không có gì, có khi chỉ là đôi tay nải. Nhưng lòng lại
tràn ngập niềm tin tưởng.
Thủy thủ
Majesky trên chiến hạm Menard đã viết thư về cho cha mẹ tả lại hoàn
cảnh khốn cùng của những người di cư chân đất, chân không, không một
thứ gì mang theo, bước lên tầu.Trong khi đó, chẳng hạn trên chiến
hạm General House trớ trêu thay, có những thương gia Tầu giầu
có đem theo cả gia sản tới hàng 200 tấn kiện hàng đủ loại. {Trích
Operation Passage to Freedom, OPTF, trang 194}
Họ còn ngạc
nhiên như Zeigler và các bạn ông không hiểu được khi thấy những con
người tầm vóc loắt choắt bé nhỏ ấy vác những bao gạo 200 pounds lên
tầu LTS một cách nhẹ tâng, trong khi thủy thủ phải cần hai người Mỹ
mới giúp bê nổi những bao gạo ấy {ta gọi nôm na tầu LST là tầu há
mồm, tầu dùng để chuyên chở xe tăng, xe cộ v.v.}.
Hình ảnh con
tầu LST rất quen thuộc đối với người tỵ nạn vốn chỉ dùng để chuyên
chở xe tăng, vũ khí hạng nặng dùng để giết người, nay chở những con
người tỵ nạn bất hạnh. Và đã có 26 chiếc, {có tài liệu viết 74 chiếc
là không đúng, vì tất cả số tầu của hải quân Mỹ tham dự vào chiến
dịch là 113 chiếc bằng nhiều chuyến hải trình Hà Nội, Hải Phòng,
Sàigòn}. Dù chỉ là chiếc tàu nhỏ, bình thường chở được 170 người,
tối đa 700 người, nhưng trường hợp khẩn cấp, có thể chở đến cả 1000
người di cư. Các tầu LST có thể cập bến dễ dàng để vớt người tỵ nạn,
sau đó có thể dùng để chở ra các tầu lớn. {Trích Operation Passage
to Freedom, Ronald B. Frankum, Jr. trang 137}
Đó là những
chiếc LST- 526, LST-803, LST-825, LST- 840 v.v. Nhiều bạn đọc có thể
còn nhớ tên những chiếc tầu LST thân yêu này…
Các tầu há mồm LST là biểu tuợng cho những con tầu chở người di cư
Những người
di cư ấy đều quyết tâm như thế mới đi được. Người ta nói đến cuộc bỏ
phiếu bằng đôi chân. Có đến gần 2 triệu đôi chân đã bỏ phiếu như thế.
Đó là đôi chân trần, chưa hề biết xỏ chân vào đôi giầy, đôi dép. Họ
là những người dân quê nghèo nàn, cơ cực.
Cũng không
phải chỉ có đa số là người Thiên Chúa giáo di cư mà thôi như đã có
sự hiểu lầm từ trước đến giờ. Cuộc di cư 1954-1955 là của toàn thể
dân chúng miền Bắc, Kinh có, Thượng có và đủ thành phần xã hội và
tôn giáo.
Họ thuộc đủ
loại người, đủ thành phần xã hội. Đồng bào các tỉnh miền Thượng như
Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang {vốn là những nơi sào
huyệt của Việt Cộng} cũng cùng với đồng bào Thượng ở Hòa Bình bỏ lại
tất cả rừng núi quen thuộc lần mò về Hà Nội để vào Nam. Đã có hơn 10
ngàn người Nùng ở Hòn Gai được di cư dưới quyền đại tá Sung. Có 2340
người Nùng gốc Tầu đi vào Nam ngày 2/9 trên tầu Montrose. Có chuyến
tầu như Beauregard chở các người thuyền chài và gia đình họ mang
theo cả dụng cụ đánh cá. Đặc biệt hơn cả, có những gia đình và có
khi cả một làng ở trong các vùng do Việt Minh kiểm soát như Vinh,
Nghệ An tìm cách trốn thoát khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Tỉ dụ
dân chúng ở Ba Làng, huyện Tĩnh Gia tụ họp hơn 2 vạn người đòi di cư
bị việt cộng nã súng bắn giải tán.Tỉ dụ những người di cư ở Vinh đà
trải qua bao gian nan, khốn khó mới tìm được con đường đi đến tự do.
Sau này, họ tụ tập định cư trong khu vực Bình Giả, Bà Rịa.
Trên bước
đường đi tìm Tự do, nhiều người đã lên được tàu, nhưng vì quá mệt
mỏi, kiệt sức đã chết trên tầu.
Trên chiến
hạm Telfair, chuyến thứ tư chở người di cư vào miền Nam của Hải quân
Mỹ ngày19/8. Người ta ghi nhận đã có hai người di cư chết trên tầu
vì sốt rét và quá kiệt sức và bù lại có hai trẻ sơ sinh ra đời: “The
deaths were caused by malaria and general weakness. The physical
condition of the Vienamese as they boarded the American ships was
often observed as desperate. Many of the Vietnamese had traveled
great distances to reach the embarcation center, often at peril to
them and seldom without hardship”. Căn bệnh sốt rét và sự ốm yếu
chung đã gây nên chết chóc cho nhiều người. Người ta nhận thấy rằng
tình trạng cơ thể của người Việt Nam khi họ lên những chiếc tầu Mỹ
thường là tuyệt vọng. Nhiều người Việt Nam đã phải đi những đoạn
đường rất dài để đến trung tâm tiếp cư, thường là nguy hiểm cho
chính bản thân họ và ít khi mà không có sự gian khổ. {Trích OPTF,
trang 82}
Nhưng nếu
tính chung tất cả cuộc di cư thì đã có 66 người di cư chết trên biển
vì nhiều nguyên do, nhưng đồng thời ghi nhận có 184 trẻ sơ sinh trên
các tầu chiến.
Và còn bao
nhiêu người bỏ xác trên biển trên những bè mảng ghép vội vàng để đi
tìm tự do?
Tình trạng
đó cho thấy người di cư đã phải trả giá cho chuyến hành trình đi tìm
tự do của họ.
Bất kỳ ai,
đã là người Việt Nam đều có đủ lý do chạy trốn cộng sản. Cho nên, họ
đều có một quyết tâm phi thường dám từ bỏ tất cả chỉ để mưu cầu một
cuộc sống tự do. Và không thể có lời biện minh nào hùng hồn, xác tín
và rõ ràng hơn được nữa.
Có thể đó là
đôi chân của một ông già trên 60 tuổi, râu tóc đã bạc mà chính ra
chỉ còn đủ thì giờ để nghĩ tới chuyện đời sau, cụ đang ngồi nghỉ mệt
qua ống kính của William Ray Park trên tầu USS SKAGIT và người ta
hỏi: Sao cụ lại bỏ xứ ra đi.
Chắc là cụ
có sẵn câu trả lời.
Hay là hình
ảnh một bà cụ cõng cháu gái di cư, mang tương lai tuổi trẻ lên đường.
Hay câu chuyện về những trẻ em Việt Nam thưởng thức món quà tự do.
Đó là những chiếc kẹo Mỹ mà lần đầu tiên trong đời các em đã được ăn.
Henry Đỗ,
một trong những đứa trẻ đã nhận ăn cái kẹo do người thủy thủ Mỹ cho
năm 1954 viết lại như sau: “I cannot forget the first moment I
stepped onto a American ship to go to South Viet Nam. A sailor
handed me a candy, at the moment, I could not say thanks in English…
Oh, my God, it was very very delicious. It was the best candy in the
world. 21 year after, the sweet moment I meet the candy again at
American soil...I can eat the candy anytime I want, but I didn’t eat
many candy…I eat the candy only I want to remember the sailor and
the ship that brought me and my family to the freedom land”. {Trích
lại trong bài viết Passage to Freedom in Việt Nam của Gertrude
Samuels, số tháng 6-1955} Tôi không thể quên được cái giây phút
đầu tiên tôi bước lên một chiếc tầu Mỹ để đi đến miền Nam Việt Nam.
Người thủy thủ đưa cho tôi cái kẹo. Lúc ấy, tôi không nói được câu
cám ơn bằng tiếng Anh. Ôi, trời ơi! Ngon thật là ngon. Cái kẹo ngon
nhất thế giới. Hai mươi mốt năm sau, cái giây phút dễ thương là khi
tôi lại trông thấy kẹo ở đất Mỹ. Tôi có thể ăn kẹo bất cứ lúc nào
tôi muốn, nhưng tôi không ăn nhiều kẹo đâu... Tôi ăn kẹo chỉ để muốn
nhớ đến người thủy thủ và chiếc tầu đã đưa tôi và gia đình đến vùng
đất tự do.
Tôi cũng
muốn viết ra đây câu chuyện cảm động xảy ra trên tầu General
Brewster, chuyến chót của hải quần Hoa Kỳ chở người di cư vào ngày
15/3/1955. Trong chuyến tầu chót này, có một người cha và đứa con
gái phải ra đi vì người vợ muốn ở lại Hà Nội. Họ đành chia tay. Đó
cũng có thể là một thảm cảnh biểu tượng chia lìa trong một số gia
đình di cư khác. Như trường hợp nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh mà
chúng tôi trích dẫn ở cuối bài viết.
Có những
cuộc chia lìa bà con, anh em, họ hàng, làng nước.
Cũng đành
đoạn mà bỏ đi thôi. Nào ai muốn thế đâu? Sau này, liên lạc Bắc Nam
giới hạn vào một tấm bưu thiếp in sẵn. Nhưng dù chỉ là một tấm bưu
thiếp, gia đình tôi ở trong Nam gửi ra cho anh tôi nhiều lần, nhưng
đã không bao giờ nhận được thư trả lời của người anh Cả ở lại Hà Nội.
Họ đã vứt
thư của gia đình chúng tôi.
Nhưng dù sao, cuộc chia lìa 1954, người di cư miền Bắc mới chỉ mất
nhà, mất cửa
1975, kẻ ra
đi mới là kẻ mất nước
Bên cạnh
những khổ đau, cuộc di cư ấy không thiếu những nét đẹp
Tôi vẫn thấy
đẹp và ý nghĩa là câu chuyện do một anh thủy thủ người Mỹ tên John
Ruotsala trên chiến hạm Montrose kể lại như sau: Khi bước lên tầu,
các người di cư phải xịt thuốc DDT để diệt trừ chấy rận. {Mỹ chở
sang 6 tấn DDT bột dùng trong công tác này} Nhiều người di cư hoảng
sợ vì phải cởi quần áo, nhất là phụ nữ. Trong đó có trường hợp một
bé gái khoảng 9 tuổi bế đứa em khoảng 3, 4 tuổi. Thủy thủ Mỹ đã
chẳng may xịt thuốc vào mắt đứa em 3 tuổi. Nó khóc, chị nó bình tĩnh
dỗ dành em và lau mắt cho em. Sau đó như không có chuyện gì xảy ra,
ôm em bước lên thang để lên tầu.
Câu chuyện
có vẻ bình thường, nhưng lại là những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc
di cư này.
Nó cho thấy
tình nghĩa đùm bọc của gia đình Việt Nam, cho thấy tình chị em, cho
thấy tình người, cho thấy tình liên đới nhân loại vượt lên trên
những dấu ấn chính trị vốn đè nặng lên tâm trí người tỵ nạn.
Hình ảnh đó
làm thủy thủ đoàn cảm động và nhận ra tính cách nhân đạo, tình người
của cuộc di cư này. Đó là một khía cạnh đặc biệt bị quên lãng mà chỉ
đến bây giờ đọc lại tôi mới nhận thức được rõ rệt về điều đó.
Và những
thủy thủ đoàn trên các chiến hạm Mỹ có quyền hãnh diện về điều này.
Điều mà cô Anne Peterson phục vụ trên tầu Consolation đã
nói thay cho tâm tình của họ: “We were just heartbroken because
we couldn’t do anything to help them”. Chúng tôi chỉ đau buồn vì
chúng tôi đã không thể làm được gì để giúp cho họ”. {Trích Operation
Passage to Freedom, OPTF, trang 123}
Trong cuộc
di cư này, cần ghi nhận rất nhiều thiện chí và những tấm lòng bên
cạnh những con tầu chiến của hải quân Mỹ.
Đoàn lũ ấy
người di cư từ khắp nơi trên giải đất miền Bắc và một phần miền
Trung, trẻ già lớn bé mà phần lớn là trẻ con đã được bồng bế, gồng
gánh ra đi như thế.
Ra đi để tìm
ra một con đường sống... ý nghĩa, có tự do cho tương lai của họ.
Có lẽ đây là
cuộc di cư vĩ đại và có ý nghĩa nhất sau cuộc di cư trong việc phân
chia nước Ấn Độ làm hai giữa Hồi Quốc và Ấn Độ vào năm 1947. Cuộc di
cư này cũng nhắc nhở mọi người đến cuộc di cư từ Bắc Hàn sang Nam
Hàn vào mùa thu năm 1950.
Nó là bằng
cớ cho thấy không thể nào sống chung với cộng sản được, dù là cộng
sản Bắc Hàn hay cộng sản Việt Nam.
Hễ đã là
cộng sản thì con người muốn làm người không thể sống chung được.
Khi đã vào
đến miền Nam, họ nghĩ ngay đến việc tái định cự lập nghiệp. Và vô số
những trại định cư sau này ra đời. Có những địa danh mới, địa chỉ
mới trên bản đồ miền Nam Việt Nam. Tên nó là Gia Kiệm, Hố Nai, Cử
Chi, Phước Lý, sau này là Rạch Giá với các kênh 1,2,3,4.
Hố Nai đi
hàng đầu với 26.912 người ở giai đoạn đoạn đầu. Sau này con số người
đến Hố Nai là trên 40 chục ngàn người mà dự liệu lúc ban đầu chỉ là
10 ngàn người. Gia Kiệm với 10.107, Củ Chi với 4196 người và không
thể quên Xóm Mới với 8606 người. Có những nơi ít đến không hiểu được
như Đức Hòa, Chợ Lớn với 90 người, Chợ Gõ chỉ còn 50 người và Cây Co
chỉ có 32 người.
Tỉnh đứng
đầu trong việc dự liệu đón tiếp đông đảo người tỵ nạn là Xuân Lộc
200.000 người, Biên Hòa 100.000 người. {Trích OPTF, trang 98}
Trong số
những người mới di cư vào Nam thì đến 60% là nông dân, 10% là dân
thuyền chài. Còn lại trải đều cho công chức, sinh viên, thợ thuyền
và người buôn bán.
Những người
dân nghèo, 80%, ít học tưởng đi theo Việt Minh mới phải thì lại là
thành phần đông đảo sợ hãi cộng sản nhiều nhất. Và đi nhiều nhất. Đi
rất đông. Đi cả nhà. Và nhất là đi cả làng. Không phải một làng mà
nhiều làng. 25 ngàn người trong cùng khu vực không hẹn mà cùng nhau
bỏ ra đi.
Bài học ra
đi ấy nhắc nhở chúng ta nhiều điều. Nhưng cái chính là dạy cho người
cộng sản một bài học: con người không thể sống yên ổn và tử tế với
người cộng sản được. Phải ra đi thôi. Bài học đó còn được nhắc lại
một lần nữa vào năm 1975, nhưng xem ra người cộng sản vẫn chưa thuộc
hay không muốn học vì cái bệnh vĩ cuồng của họ đã che mờ tất cả.
Và tôi mường
tượng gần một triệu người di cư miền Bắc thì nay sẽ là bao nhiêu
người? Họ ra sao bây giờ? Họ là những ai?
Lịch sử một
đời người và lịch sử cả một dân tộc qua cuộc di cư này đánh dấu
những thời kỳ đen tối nhất của dân tộc dưới gọng kìm cộng sản, đen
tối hơn cả thời kỳ thuộc địa 100 năm thời Pháp thuộc, bị đè nén và
sợ hãi hơn 1000 năm đô hộ Tầu. Nói ra mà hổ thẹn.
Nhân chứng
cho những thời kỳ đen tối của lịch sử đất nước với con người của
1955 và 1975 vẫn còn cả vài triệu người.
Tôi viết bài
này để làm chứng cho cái thời kỳ đen tối ấy, cho thế hệ sau hiểu…
Cuộc di cư 1954-1955 dưới mắt người Cộng sản
Không gì tức
tối bực bội hơn cho chính quyền cộng sản là chiến thắng xong, đuổi
được thực dân Pháp phải ra đi. Vậy mà vô lý thay gần một triệu
người đã ùn ùn kéo nhau bỏ chạy cộng sản. Gần một phần mười dân số
toàn miền Bắc đấy. {Miền Bắc gồm 12 triêu người và chiếm 60.900 dặm
vuông, miền Nam 11 triệu người và chiếm 66.300 dặm vuông} Ngay những
người dân trong vùng bị Việt Minh kiểm soát từ 1946 như Vinh, Nghệ
Tĩnh càng lo bỏ chạy bán sống bán chết. Họ phải hiểu tại sao chứ? Họ
phải làm gì để hàng triệu người đã trốn chạy như vậy? Phải có một
câu trả lời chứ?
Nhưng họ cố
tình không cần biết điều ấy và tìm cách bôi nhọ hình ảnh cuộc di cư
1954-1955.
Vì thế, cộng
sản Hà Nội đã cho xuất bản cuốn sách: Sự thật về vấn đề di cư ở
Việt Nam, Hà Nội. Đó là sự thật của họ không phải là sự thật của
người di cư. Cuốn sách này không dễ mấy ai còn giữ lại. Nhưng nó
được tuồn sang Pháp. Sau này, ông linh mục, giáo sư Trần Tam
Tỉnh, dạy ở tỉnh bang Québec, Canada đã dùng tài liệu này viết một
cuốn sách rất bôi bác và tồi tệ về cuộc di cư này, đó là cuốn
Dieu et César. Les catholiques dans l’histoire du Việt Nam, Rome
ngày 19-5-1975, Vương Đình Bích, môt linh mục nữa đi theo cộng
sản mà tôi gọi là một trong bọn Tứ nhân bang đã chuyển ngữ ra tiếng
Việt và đã đổi nhan đề cuốn sách thành:Thập giá và lưỡi gươm.
Vương Đình Bích
cũng bỏ không dịch câu: Les catholiques dans l’histoire du Viet Nam.
Sự tùy tiện của Vương Đình Bích còn thấy ở phần cuối cuốn sách.
Ông đã bỏ phần Bibliographie selective của tác giả. Ông tự nhét thêm
bài viết của Nguyễn Quang Huy, trưởng ban tôn giáo chính phủ về vấn
đề phong thánh vốn chẳng ăn nhập gì với cuốn sách Dieu et Cézar. Đồng
thời cho in bức thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam 1986.
Phần ông Trần Tam Tỉnh, trong lời nói đầu của cuốn sách, ông đã
viết: “Ce livre écrit avec amour par un des membres fidèles, de
cette église catholique vietnamienne, n’a autre ambition que de
présenter la vérité historique} Cuốn sách này được viết ra do một
trong những đứa con trung thành của giáo hội Thiên chúa giáo Việt
Nam, không có một tham vọng nào khác ngoài việc trình bày sự thật
lịch sử. {Trích Dieu et César, Trần Tam Tỉnh, trang 13}
Nay thì chúng ta thử tìm
hiểu xem, căn cứ vào cuốn sách để thứ tìm hiểu thứ lịch sử mà ông Trần
Tam Tỉnh đưa ra là thứ lịch sử nào, một thứ lịch sử sao chép theo
tài liệu của cộng sản Hà Nội trong cuốn: Sự thật về vấn đề di cư
ở Việt Nam?
Và đây là những sự thật
dưới mắt Hà Nội:
- Có những tin đồn
rằng quân Mỹ sẽ ném bom nguyên tử tiêu diệt miền Bắc.
- Đức mẹ được
giao chức năng chính trị là để giải thoát những kẻ tôn sùng ngài.
- Chúa Ki tô đã
đi vào Nam.
- Đức mẹ đã rời bỏ
Bắc việt. Trong tập Passing the Torch, một trong những tuyển tập gồm
18 cuốn cũng nêu ra một nhan đề như sau: “The Blessed Virgin is
moving South”, trích trang 95 {Đây là một vài khẩu hiệu mà ngày nay
đọc lại người viết không mấy làm thích thú. Những khẩu hiệu này do đại
tá Edward Lansdale in và phổ biến chung quanh Hà Nội và Hải Phòng.
Sau
này đại tá Lansdale được giải thưởng: Distinguished Service Medal
on January 8, 1957. Ông là người trực tiếp chỉ huy những chiến dịch
tâm lý chiến vào giữa thập niên 1950, Psychological war-fare
projects}.
-
Lời một nhân chứng: Tôi không cầm nổi nước mắt, họng tôi nghẹn ngào,
trí óc ghi sâu bức tranh thảm cảnh di cư đó của những con người vô
tội bị giật lôi ra khỏi nơi chôn nhao cắt rốn, rồi bị bốc lên xe,
chở đi và bị đối xử chẳng khác nào những súc vật người ta chở tới lò
mổ. Một bầu khí rất nặng nề, còn những người ở lại thì nín bặt không
dám nói ra, vì chắc là sợ bị trả thù bởi những tay bạo chúa tổ chức
di cư.
-
Một tổ chức phá hoại có hệ thống tại Hà Nội trước khi quân Pháp rút
đi, chẳng hạn sẽ làm hỏng kho dầu xe buýt, phá hư các máy móc và đặt
mìn đánh sập chùa Một cột, ngôi chùa đầy giá trị lịch sử và tôn giáo
có từ hằng trăm năm.
-
Giám mục Phát Diệm, Lê Hữu Từ thì nhảy lên chiếc ca nô cuối cùng của
quân Pháp đang rời cảng, bỏ quân lính của ông tại chỗ. Một vài tên
thấy giám mục mình hành động hèn nhát như thế, bèn nổi giận đến nỗi
lấy lựu đạn ném theo ông.
-
Bị các linh mục lôi kéo vào cuộc mạo hiểm nhục nhã và bi đát này, họ
cảm thấy mình bị bỏ rơi do sự phản bội của quân Pháp.
-
Việc Đức mẹ hiện ra: một linh mục đã dàn dựng mặc áo Đức mẹ cho một
thiếu niên và đã cho em đứng vào sau bàn thờ Đức mẹ Fatima. Trước
mấy cây nến lung linh, một vài nhà “đạo đức” coi đó là Đức mẹ hiện
ra, nói với họ một giọng dịu dàng nhưng minh bạch rằng, phải từ bỏ
đất Cộng sản với bất cứ giá nào, mà tìm lánh sang vùng đất tự do,
Đức mẹ sắp bỏ miền Bắc. {Trích dẫn tóm tắt Thập giá và Lưỡi gươm,
Trần Tam Tỉnh, từ các trang 101-112}
Sau này
những khẩu hiệu có tính cách tuyên truyền này được nhóm Giao Điểm, ở
hải ngoại rêu rao cùng khắp trên báo chí của họ.
Sau đây, xin
dẫn một chứng từ của những người còn phải ở lại phải hứng chịu sự
tuyên truyền của cộng sản, cái thời 54-55 của thế kỷ trước. Người
bạn văn miền Bắc, anh Vân Hải đã viết cho tôi như sau : « lũ học
sinh vùng tạm bị chiếm chúng tôi vừa được anh bộ đội cụ Hồ tiếp quản...
Ai chẳng đọc thuộc lòng những lời thơ đừng đi theo giặc vào Nam:
Nghe ai lầm phải lời điêu
Mà đành cuốn gói bước liều ra đi.
Ra
đi là bước lưu ly
Đường vào Nam Bộ sầu bi não nùng.
Ra đi là bước long đong,
Bỏ nhà nằm bãi ngủ đồng quạnh hiu.
Ra đi là bước tiêu điều
Đem thân cho giặc sớm chiều vút roi
Ra đi là bước lạc loài
Chủ nhà lại hoá tôi đòi xứ xa....
Hay:
Một chiếc nhạn lià đồng tháng tám
Lũ cắt xanh rừng thẳm chực mồi
Nhắc trông ngát cảnh chim trời
Lòng tôi chất nặng những lời hờn căm.
Vì lũ giặc tay cầm thuốc độc
Mưu rắc lên đất nước hoà bình...
Bên cạnh đó là những tin đồn mà các thủy thủ Mỹ thu lượm được qua những
người di cư kể lại lúc lên tầu do Việt Minh tung ra như sau:
- Người Mỹ cắt tay của trẻ sơ sinh và quẳng đàn bà xuống biển,
còn đàn ông thì bắt đi làm cao su cạo mủ tại các đồn điền cao su.
- Tầu há mồm ra đến biển thì há mồm ra, rồi xô đẩy người ta
xuống biển.
- Với những áp lực đủ kiểu, nhờ một lối tuyên truyền xảo trá,
tạo ra một cơn hốt hoảng tinh thần nơi dân chúng công giáo.
- Một khi bầu khí hoảng loạn thì mạnh ai nấy chạy, trong khi
đó từng toán xe tải nhà binh tiến vào các làng để bốc hốt đi thật
nhanh, kể cả dùng bạo lực cưỡng ép tất cả dân chúng.
Độc
hại hơn cả, chính quyền Hà Nội còn dùng chiêu bài tôn giáo bằng cách
nhờ cậy đến phái đoàn tôn giáo Ba Lan nhằm thuyết phục giới lãnh đạo
Thiên Chúa giáo miền Bắc theo gương Ba Lan “sống đạo trong
lòng thế giới cộng sản”.
Cô Trần Thị Liên ở bên Pháp có phổ biến một tập tài liệu quý giá của
phái đoàn tôn giáo BaLan, vào năm 1954. Tài liệu có tựa đề: “Vấn
đề công giáo miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan’’
{1954-1956} được phổ biến trên Thời Đại Mới, số 4, tháng 3/2005.
Phái đoàn tôn giáo Ba Lan sang Việt Nam do lời mời của chính phủ Hồ
Chí Minh để cố vấn chính phủ về các vấn đề liên quan đến tôn giáo
trong đó có nhiệm vụ khuyến cáo các địa phận công giáo nên ở lại và
hợp tác với chính quyền cộng sản như ở Ba Lan. Theo báo cáo số
243/10/55 của đại sứ Jery Grudzinski gửi Bộ ngoại giao Warsaw một
cách sai lạc về số phận một số giáo dân đã di cư vào Nam: “Thất vọng
vì không được cấp phát ruộng đất và trâu cầy như chính quyền Bảo Đại
đã hứa hẹn, họ yêu cầu được trở lại miền Bắc”.
Tài liệu của phái đoàn Ba Lan cho biết vào những năm 1945-1947, có sự
liên minh, hợp tác giữa người Thiên Chúa giáo và Hồ Chí Minh. Hồ Chí
Minh có cả một chính sách “công giáo vận” mà tài liệu còn cất
giữ được tại thư khố quân đội ở Vincennes bên Pháp. Thật vậy, khi
thành lập chính phủ, ông Hồ đã chọn Nguyễn Mạnh Hà, một trí thức ở
Pháp về làm bộ trưởng bộ kinh tế. Trong phái đoàn tham dư hội nghị
Fontainebleau, ông Hồ đề cử ông Nguyễn Đệ tham gia phái đoàn. Ông Đệ
có nhiều liên hệ tốt với Pháp và giới ngân hàng Đông Dương. Trong buổi
lễ tấn phong giám mục Lê Hữu Từ, cùng một lúc có buổi lễ thành lập
liên đoàn công giáo {liên đoàn công giáo không nằm trong hệ thống
liên đoàn của Việt Minh} vào tháng 10/1945. Trong dịp này có phái
đoàn cao cấp chính phủ gồm Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp về dự, đồng
thời cũng cử tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao của chính phủ
Hồ Chí Minh.
Chính sách công giáo vận có đạt được điều gì cụ thể? Ung Văn Khiêm
đã nghiêm cấm mọi hành động phẫn nộ hay khiêu khích với người Thiên
Chúa giáo. Hồ Chí Minh đã ra lệnh không giới nghiêm trong đêm Giáng
sinh v.v.
Thật ra chính sách tôn giáo đó chỉ có cái bề mặt của một chủ trương
chiến lược, thực tế, người Thiên Chúa giáo vẫn là đối tượng nghi ngờ
số một. Nhưng sang đến năm 1950-1951, mối liên hệ tốt đẹp giữa hai
bên kể như chấm dứt. Khu tự trị Phát Diệm dần trở thành một thứ tiền
đồn chống Cộng Sản.
Không lạ gì, khi có cuộc di cư, khu Bùi Chu, Phát Diệm có tỉ số
người di cư cao nhất trên toàn miền Bắc. Khoảng 50% dân theo đạo
Thiên Chúa giáo.
Việt Minh và cả Pháp cũng không tiên liệu được số người di cư lên
cao đến như thế. Tài liệu của phái đoàn tôn giáo Ba Lan đã cắt nghĩa
tìm hiểu tại sao có số đông người di cư như thế và cố tình bóp méo
một số sự việc. Theo họ, yếu tố chính thức đẩy người ta di cư là
vấn đề tôn giáo.
-
Yếu tố tôn giáo: Trong bản báo cáo của đại sứ Ba Lan Tomasz
Pietka, ông đã xếp yếu tố tôn giáo lên hàng đầu. Ông viết: “Vấn đề
di cư của người công giáo vẫn tiếp diễn”. Chính phủ và đảng đã
làm tất cả những gì có thể để giảm bớt, nhưng vẫn gặp những khó khăn
to lớn...Vấn đề giáo dân sẽ còn đè nặng lên chính sách nội trị của
Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa {VNDCCH} trong thời gian tới đây…
Vì số yếu tố tôn giáo lên hàng đầu, ông viết: “Vấn đề di cư của
người công giáo vẫn tiếp tục, số lượng người Thiên Chúa
giáo bỏ nhà bỏ cửa đi quá đông. Một chiếc tầu Ba Lan, một chiếc tầu
duy nhất bên phe cộng sản vào Nam chở bộ đội Việt Minh và gia đình họ
ra Bắc, nhân tiện đó khi đi vào Nam, họ nhận chở giúp đồng bào di cư
Thiên Chúa giáo vào Nam”. Hiện nay, tầu Kilinski của ta phải lo
chuyển giáo dân vào Nam. Cho đến ngày 18 tháng 5, nó sẽ phải chở
10.000 người. Đang có tin đồn, người Pháp muốn đề nghị kéo dài thời
hạn 300 ngày cho dân chúng có thể chuyển vùng. Đại sứ Pietka xác nhận:
“Chính phủ ta đồng ý để cho tầu Kilinski chở 5400 giáo dân từ Bắc
vào Nam, trong tinh thần bắt tay người thiên chúa giáo”.
Trong phần bài viết về số giáo dân di cư vào miền Nam, chúng tôi ước
lượng vào khoảng 300.000 người. Số người có dạo di cư có đông, nhưng
không phải là yếu tố quyết định hàng đầu.
-
Yếu tố thứ hai là kinh tế: Kinh tế suy sụp với sự đe dọa của nạn
đói. Trong bản báo cáo tháng 2, ông đại sứ viết: Thị trường cần cung
cấp thêm lúa gạo và các nông sản khác đang bị thiếu hụt nghiêm
trọng. Cần phải ngăn ngừa nạn đói có thể xảy ra ở khu bốn là nơi hội
đủ những triệu chứng như: hạn hán, ruộng đất bị bỏ hoang.
Nếu Việt Nam không nhận được viện trợ to lớn về lúa gạo thì tình
hình sẽ trở thành nguy ngập và cuộc bầu cử sẽ hết sức bấp bênh. Báo
cáo của đại sứ Ba Lan tháng 3 như sau: “Một trong những khó khăn
nhất mà các đồng chí của chúng ta gặp phải là nguy cơ xảy ra nạn
đói... Hiện nay viện trợ của CHNDTQ đã tới nơi, nhưng không đủ đáp
ứng nhu cầu. Vụ mùa tháng 5 không khả quan vì hạn hán kéo dài. May
thay, nhờ có viện trợ Trung Quốc nên tháng 5, năm 1955, VNDCCH đã
tránh được nạn đói”. Theo báo cáo của đại sứ Ba Lan: “Cuối
tháng tư tình hình được cải thiện một chút nhờ gạo, gà và khoai lang
gửi từ Trung Quốc đã sang tới nơi ”. {Báo cáo của
đại sứ Pietka, Hà Nội, ngày 2/5/1955}
Báo cáo này
giúp chúng ta bây giờ mới hiểu ra rằng, Việt Minh khi vào Hà Nội đã
nhận một mảnh đất trống, chỉ còn xương với sẩu, chỉ còn lại “Vỏ
lon bia và thùng carton rỗng có nhãn hiệu Made in USA” như lời
nhận xét của bác sĩ T. Dooley. Bởi vì tất cả những gì xét ra có thể
dùng được thì người Pháp, qua tầu Mỹ đã chuyên chở hết vào miền Nam.
Các gia đình
phía quân đội Quốc Gia khi di cư vào miền Nam được phép mang theo cả
giường tủ bàn, ghế khảm xà cừ, sập gụ tủ chè v.v. Một người bạn trẻ,
anh Vũ Thế Thành có kể cho tôi là khi di cư vào miền Nam, gia đình
anh đã mang theo được chiếc đồng hồ quả lắc coi như gia sản quý giá
nhất, thêm hai tấm phản dày. Cho đến bây giờ đồng hồ vẫn chạy, dù
chạy chậm vì đã quá cũ.Còn hai tấm phản thì nay cụ bà này đã 92 tuổi
vẫn nhất định nằm trên phản đó, nhưng chập đôi lại.
Quá khứ ấy
ghi khắc sâu trong lòng cụ bà và cụ sẽ mang theo mình khi về bên kia
thế giới.
Nghĩ đến
chuyện này, tôi nghĩ người cộng sản còn hên và may mắn. Vì năm 1975,
họ đã không gặp hoàn cảnh tương tự như 1954-1955 và họ đã nuốt trọn
gói không trừ một thứ gì như một thứ cướp cạn, vì Mỹ quá sai lầm
trong cơn tháo chạy.
Tại miền
Bắc, những trang bị cơ sở kỹ nghệ tiêu biểu của kỹ nghệ như nhà máy
cement Hải Phòng, hãng thủy tinh, đài phát thanh Radio Hà Nội, trang
thiết bị cơ sở mỏ Hòn Gai, nhà máy dệt Nam Định. Tất cả cái gì có
thể tháo gở được thì tháo gỡ, còn không thì ở trong tình trạng bất
khả dụng.
Vì thế, họ
đói là phải và giả dụ không có viện trợ cấp thời của Trung Cộng thì
dân chúng miền Bắc còn ở lại sẽ ra sao?
Nhưng những
nhận định của phái đoàn Thiên Chúa giáo Ba Lan về việc người di cư ở
trên rất thiếu xót và thiếu một điều không thể thiếu: Sự kiện người
di cư đông đảo là vì người dân di cư sợ và trốn tránh cộng sản.
Không hẳn
chỉ là vấn đề đạo Thiên Chúa giáo. Nhưng nếu hiểu tôn giáo là mọi
đạo thì hoàn toàn đúng. Vì có khoảng 500.000 người là đạo Phật, đạo
Ông Bà, đạo Tin Lành và “đạo nào cũng có“.
Tất cả những
người di cư ra đi trước sau chỉ vì lý tưởng: chọn tự do đồng
nghĩa với không chấp nhận cộng sản.
Đó là lý do
chính yếu. Sợ mà đi, sợ mà trốn, thù ghét mà bỏ vào Nam. Cho nên
người giầu hay người nghèo, người các tôn giáo, người “đạo nào cũng
có”, rồi trẻ già lớn bé đều cuốn gói vào Nam cả.
Làm sao
người cộng sản giải thích được trường hợp một người què cả hai chân,
và từ chối không để hải quân Mỹ bế ông lền tầu chiến. Ông đã bò bằng
hai chân và cả hai tay, tay có hai đôi dép làm giầy. Các quân nhân
Mỹ đứng khoanh tay nhìn ông bò lên tầu? Chỉ cần một người khuyết tật,
một người thôi. Đáng nhẽ người ấy nên ở lại, vậy mà người ấy đã
cương quyết ra đi.
Cho nên,
không có vấn đề thúc ép phải di cư.
Không ai ép
người khác phải di cư được? Nếu tự chính họ không muốn.
Di cư là hình thức tự nguyện cao nhất để đi tìm Tự Do
Cũng vì thế,
phái đoàn Ba Lan đã phải thừa nhận thất bại của họ ở cuối bản
báo cáo như sau: “Để phản ứng lại chuyến đi thăm của phái đoàn, một
chiến dịch tuyên truyền chống Ba Lan đã được đẩy mạnh trong giới
công giáo Việt Nam”.
Cụ thể là
những sự việc sau đây được phái đoàn ghi lại:
Giám mục
Trịnh Như Khuê đã “treo chén” hai linh mục trong Ủy Ban toàn quốc
những người công giáo yêu tổ quốc, yêu Hòa Bình do linh mục Vũ
Xuân Kỷ làm chủ tịch.
Các giới
chức công giáo đã tỏ ra lạnh nhạt nếu không nói là thù nghịch với
phái đoàn Ba Lan như các vị giám mục Trịnh Như Khuê ở Hà Nội, giám
mục Trần Hữu Đức ở Vinh, linh mục Tân, đại diện ở Thanh Hóa, linh
mục Liêm, đại diện ở Phát Diệm, linh mục Hiệp đại diện ở Hải Phòng.
Đặc biệt là
giám mục Trịnh Như Khuê, Hà Nội, phái đoàn báo cáo: “Giám mục đã
tỏ thái độ thù nghịch đối với phái đoàn, chỉ cho phép hai linh mục
cử hành lễ thánh trong một nhà nguyện đóng kín”. Sine assistentia
populi. {Không cho phép giáo dân được dự lễ}
Đây là một
hình thức tẩy chay của Tổng Giám Mục Trịnh Như Khuê, dùng giáo luật
để loại trừ hai linh mục Ba Lan. Đến độ, phái đoàn Ba Lan đánh giá
hai giám mục Trịnh Như Khuê và Trần Hữu Đức là “phản động”, mặc dầu
hai giám mục này tình nguyện ở lại miền Bắc và khuyên giáo dân cũng
ở lại như họ.
Số người tập kết ra Bắc
Theo phúc
trình của Ba Lan, tàu Ba Lan đã chở 85 ngàn người ra Bắc so với con
số 800 ngàn người vào Nam. Theo báo cáo “chuyên chở bộ đội Việt
Minh trên tầu Kilinski 1954-1955. Nautologia 2001 n.1-2(136), trang
18-21” của thuyền trưởng tầu Jan Kilinski, ngày 7/4/55 thì tổng
cộng chỉ một mình chiếc tầu Ba Lan đã chở khoảng 85.000 người từ Nam
ra Bắc, 3500 tấn thiết bị quân sự và 250 tấn đạn dược ra Bắc. Con số
85.000 người do chỉ một chiếc tầu thôi, giả dụ mỗi lần chở được tối
đa 5000 người, tàu JanKilinski phải mất bao nhiêu chuyến hải trình?
Chiếc chiến
hạm Mỹ chở nhiều chuyến nhất và nhiều người nhất là tầu General
House, đã chở được 50.000 người di cư vào miền Nam. Chiếc General
House thuộc loại tầu đổ bộ T-AP, dùng để chuyên chở binh lính. Bình
thường chở từ 1200-2000 binh sĩ. Chở quá tải là 3000 người. Trường
hợp khẩn cấp có thể chở từ 5000-7000 người. {Trích OPTF, trang 213}
Nhưng ngược
lại, theo Ramesh Thakur trong cuốn Peacemaking in Viet Nam, The
University of of Alberta Press,1984, trang 131 thì con số người từ
Nam ra Bắc thật ít ỏi. Chỉ có 4269 người bỏ miền Nam ra miền Bắc.
Trong khi đó Ronald B. Frankum, Jr. viết như sau: “At the same
time, personnel and equipment moved to the South, The French and
Polish were involved in transporting those who wished to go to the
North.The French had allocated approximately ten shịps for Viet Minh
transportations and had estimated that sixteen thousand of the
possible one hundred fifty thousand personnel had already
completed the trip north” {trích OPTF, trang 138} Cùng lúc, các
nhân viên và các thiết bị được chuyển vào Nam, Pháp và Ba Lan đã để
hết tâm trí vào việc chuyên chở những người muốn được đi ra Bắc.
Nước Pháp đã phân phối cho Việt Minh độ 10 chiếc tầu để chuyên chở
và ước lượng vào khoảng 16 ngàn người trên tổng số ước lượng có thể
là 150.000 ngàn nhân viên đã hoàn tất chuyến đi ra Bắc rồi”.
Theo tài
liệu trong cuốn Cuộc Di Cư Lịch Sử trang 244, thì chuyến bay
đầu tiên chở người ra Bắc vào ngày 8-4-1955 và tổng cộng chỉ có 15
chuyến.
Có 1018
người được chở ra Bắc bằng phi cơ.
Và có 3340
được chở ra Bắc bằng tàu thủy của Pháp. Cộng chung là 4.358 người.
Tài liệu của
Phủ Tổng Ủy Di cư rõ ràng là thiếu xót, vì không đề cập đến số lượng
người được chở ra Bắc bằng tàu của Ba Lan như đã nêu trên. Vì thế
con số hơn 4000 người được chở ra Bắc là không sát thực.
Tuy nhiên,
có một sự thực không thể chối cãi là sau này có một số người tập kết
đã bỏ trốn về miền Nam như trường hợp anh Trịnh Minh Cầm ở tỉnh Bình
Định và đồng bạn. Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia thời 1955 có bài viết
tường thuật đầy đủ về trường hợp của anh Nguyễn Minh Cầm. Theo anh
Cầm, đã có khoảng 300 người đã cùng trốn đi như thế với anh và họ đã
vào được đến Quảng Bình, rồi từ Quảng Bình tới được bờ sông Bến Hải.
Nhưng khi tới được bờ sông Bến Hải thì chỉ còn lại có 195 người,
những người khác đã chết ở dọc đường. {Trích Cuộc Di Cư Lịch Sử,
Phủ Tổng Ủy Di Cư, trang 250}
Trên những
chuyến tầu chở ra Bắc của tầu Kilinski, Ba Lan, người viết có tấm
hình bộ đội Bắc Việt chở ra Bắc cả một đàn voi vốn là phương tiện
chuyên chở của bộ đội Bắc Việt ở Cao nguyên Trung phần.
Riêng một số
người di cư được tầu Ba Lan ”chở dùm” vào miền Nam thì không được
cái may mắn như những người di cư được chở vào miền Nam trên các tàu
Mỹ. Đó là trường hợp cuộc ra đi bất hạnh của một số đồng bào Ba Làng
{Thanh Hóa} di cư vào Nam trên tầu Kilinski của Ba Lan. Và đây là
lời kể lại của những con người bất hạnh đó:
“Chúng
tôi bước lên tầu Ba Lan với tất cả hồi hộp và lo sợ vì chúng tôi vẫn
có cảm tưởng bọn Việt Cộng sẽ đưa chúng tôi đi biệt tích một nơi nào
khác, chứ không phải vào Nam. Chính vì sợ thế mà nhiều đồng bào
chúng tôi không dám đi... Việt Minh chia chúng tôi làm 3 hạng, hạng
“phản động” bị giam xuống đáy tầu, nóng như lò lửa. Hạng “lừng khừng”,
hạng “tiến bộ” được đối xử khá hơn, bị gò ép như cá hộp, nghẹt thở
và không phân biệt lúc nào là ngày và đêm. Ăn thì mỗi ngày được lưng
bát cơm với một miếng thịt bò nhỏ xíu mà mặn không thể tưởng tượng...
Một số đàn bà trẻ con vì nhịn đói, nhịn khát, nóng bức quá nên bị
ngất đi...Thủy thủ Ba Lan trên tầu này không hề nhìn ngó đến chúng
tôi.{Trích Cuộc Di Cư Lịch Sử, Phủ Tổng Ủy Di Cư, trang 252}
Người Pháp
cũng nhờ hải quân Mỹ chở người tập kết ra Bắc. Vào ngày 15 tháng 8,
Hải quân đô đốc Sabin đã từ chối yêu cầu của người Pháp chở 18.000
người tập kết ra miền Bắc. Và kể từ đó, hải quân Mỹ được lệnh từ
chối tất cả mọi yêu cầu chở người tập kết ra Bắc. Chúng ta không kể
đến một số không nhỏ nhiều người theo Việt Minh còn lưỡng lự không
muốn rời bỏ miền Nam để ra sinh sống ngoài Bắc. Cũng không kể có một
số người được cài lại miền Nam để phá rối hiệp định Genève.
Tài liệu đọc
thêm:
Người viết hiện đang có trong tay tập tài liệu ghi lại về việc cộng
sản cài người ở lại miền Nam Việt Nam như sau: Cuộc xâm lược từ
miền Bắc, hồ sơ về chiến dịch chinh phục miền Nam Viêt Nam của
Bắc Việt của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Trong phần V của tập tài liệu có
ghi như sau: “Khi Việt Nam bị chia đôi, hàng ngàn đảng viên được
lựa chọn kỹ càng và được lệnh ở lại tại chỗ miền Nam và gìn giữ
guồng máy bí mật của họ cho nguyên vẹn hầu giúp tăng tiến mục đích
của Hà Nội. Võ khí và đạn dược được tích trữ để sau này được đem
dùng. Du kích quân trở về với gia đình để chờ lời kêu gọi của Đảng.
Những kẻ khác rút vào những sào huyệt ở tận rừng sâu.
Đa số,
khoảng 90 ngàn người đi ra Bắc Việt. {Trích tài
liệu trang 26}
Việt Nam
Cộng Hòa sau này cũng cho xuất bản một cuốn Bạch thư nhan đề:
Chính sách xâm lược của Việt Minh Cộng sản do chính phủ VNCH ấn
hành vào tháng 7/1962.
Trong các
con số Việt Minh tập kết ra Bắc, con số nào là chính xác? Khi những
người miền Nam được gọi là “tập kết” ra Bắc, phần không nhỏ, bọn họ
để lại gia đình trong Nam. Vậy con số 85.000 được chuyên chở trên
chỉ một chiếc tầu thủy theo thuyền trưởng tầu Ba Lan có tin được
không? Cũng không hiểu tầu Kilinski thuộc loại tầu gì? Khả năng
chuyên chở tối đa là bao nhiêu? Và họ đã chuyên chở bao nhiêu chuyến
từ Bắc vào Nam? Tỉ lệ quá chênh lệch giữa hai bên này muốn nói gì?
Những sĩ quan và quân đội quốc gia tiếp quản những
khu vực do Việt Minh trao trả lại trước khi ra Bắc theo Hiệp Định
Genève
Đây là một
vấn đề ít được sách vở tài liệu nói tới. Theo lời một nhân chứng,
đại úy Tùng lúc bấy giờ là sĩ quan tham dự vào chiến dịch tiếp quản
này kể lại như sau cho tôi như một chứng từ miệng:
Đại úy Tùng
thuộc đơn vị Sub Division Nam Định. Đơn vị này trước đây thuộc quân
đội Pháp và đã được chuyển giao cho quân đội Quốc gia vào năm 1954
do sĩ quan Dương Quý Phan làm Tư lệnh. Trong đơn vị này có các sĩ
quan như Tôn Thất Xứng {sau này thăng Thiếu tướng} trung tá Phạm Văn
Đổng {sau cũng thăng Thiếu Tướng}.
Sau đó, đại
úy Tùng được lệnh di chuyển vào miền Nam, tháng 7/1954. Đơn vị của
ông do đại tá Lê Văn Kim {sau này thăng Trung tướng} làm chỉ huy
trưởng cuộc hành quân. Tôn Thất Đính {sau thăng Trung Tướng} làm
Tham Mưu trưởng đi tàu há mồm LST của Pháp đổ bộ Sa Huỳnh rồi thẳng
đường đến Quy Nhơn. Tuy nhiên, việc tiếp quản lại do một tiểu đoàn
dù của Tây đi trước nhận bàn giao trực tiếp từ phía Việt Minh, sau
đó mới giao lại cho quân đội Quốc Gia. Sau khi tiếp quản Quy Nhơn
rồi lần lượt đến tiếp quản Sông Cầu, Tuy Hòa. Cũng xin nhắc lại
trước khi có Hiệp định Genève thì nơi đây đã xẩy ra một cuộc hành
quân lớn tên Opération Atlante có sự tham dự của Đỗ Cao Trí mang một
Tiểu đoàn Khinh binh từ Bắc vào Tuy Hòa. Cuộc hành quân kết cục là
thất bại.
Tình hình ở
Quy Nhơn lúc bấy giờ nằm trong tay quân đội Việt Minh. Không có điện,
nước. Chỉ ở đường phố chính có điện nhờ dùng hai dynamô của xe thiết
giáp chạy bằng dầu hỏa. Việc giao thông thì có một đoạn đường xe lửa
chạy dài chừng 20 kilô mét, chỉ có một toa. Không có đầu máy. Khi
chạy thì người ta dùng tay nhận một cái cần từ trên xuống dưới như
một thứ piston, cộng thêm sức của chừng 10 người đẩy cho toa xe lửa
có đà để chạy. Khi nào toa xe ngừng lại thì xuống đẩy tiếp. Đến nơi
thì họ lại nhảy xuống kéo thừng để cho toa xe ngừng lại thay cái
thắng.
Tình hình
dân chúng thì tỏ vẻ lạnh nhạt, nếu không nói là ác cảm với quân đội
Quốc Gia. Một lần, lính Quốc Gia mang trứng gà đến nhà dân để xin
luộc, dân chúng từ chối không cho mượn bếp để luộc trứng.
Sau này,
quân đội Quốc Gia phải bỏ công rất nhiều, dùng tâm lý chiến để lấy
được lòng dân. Đặc biệt, sau khi tiếp quản Quy Nhơn xong thì thủ
tướng Ngô Đình Diệm có ra thăm ủy lạo dân chúng và sau đó, trong dân
gian đã truyền tụng hai câu thơ như sau:
Mười năm không thấy cụ Hồ
Mới có 10 ngày đã đón cụ Ngô
Operation Passage to Freedom
Phải nói
rằng năm 1954-1955 đánh dấu một cuộc di cư vĩ đại về người trong
lịch sử nhân loại. Và đối với người Mỹ, nhất là những thủy thủ trực
tiếp trong việc cứu vớt người tị nạn thì công việc cứu giúp người di
cư từ miền Bắc vào miền Nam thì trước hết và sau cùng cũng vẫn chỉ
là một trách nhiệm tinh thần, một Moral obligation của một
dân tộc giúp một dân tộc để có thể sống tự do trong một chính thể
dân chủ, không bị đe dọa bởi cộng sản.
Thật vậy,
đối với phần đông các thủy thủ các tầu chiến, đại diện cho nước Mỹ
nay ở tuổi 70 và 80, họ chỉ nhìn thấy công việc của họ với tính cách
nhân đạo và cả đời họ sau này, điều gì còn lại vẫn là tình nhân loại
trong công việc làm của họ.
Hãy cho họ
cái đặc quyền được hiểu như thế.
Sự dấn thân
và tinh thần lý tưởng ấy vẫn phải được nhìn nhận. Mặc dầu sau này,
chính phủ Mỹ đã trực tiếp tham gia vào chiến trường miền Nam thì đó
lại là một vấn đề khác, nhất định không phải là vấn đề của họ.
Riêng đối
với người Việt Nam từ Bắc chí Nam, ý nghĩa cuộc di cư ấy là một
chọn lựa chính trị dứt khoát không chấp nhận chế độ cộng sản.
Cả thế giới
đã chú tâm theo dõi biến cố chính trị thời đó. Đặc biệt là báo chí
Mỹ. Tôi tâm đắc với nhan đề một bài báo với hàng chữ lớn: Let Our
People go. Hãy để cho dân chúng tôi đi. Hành trình ra đi đó gợi
nhớ cho người viết cuộc ra đi hơn 2000 năm trước đây của người Do
Thái ra khỏi Ai Cập đi tìm miền đất hứa.
Và xin được
dẫn một chứng từ về cuộc ra đi hào hùng ấy của đồng bào Thanh Hóa {thuộc
liên khu 4 của Việt Cộng}:
“Kế hoạch
bàn định xong, vào một đêm không trăng, chúng tôi cho đàn bà trẻ con
xuống bè mảng trước, còn đàn ông chúng tôi ở lại điều khiển đốt
làng.“Đốt cho sạch”, ấy là khẩu hiệu chung của chúng tôi. Mỗi gia
trưởng và trai tráng trong mỗi gia đình đều có nhiệm vụ thanh toán
bằng lửa túp nhà của mình, nên ai nấy đều hăm hở, mặc dù là đốt mồ
hôi nước mắt của chính mình.Thế rồi hiệu lệnh phát ra, trăm bó đuốc
châm lên, trăm ngôi nhà đỏ rực.
Đây mới thực
là lửa đỏ căm hờn bùng cháy.
Lửa đỏ đầy
làng, đốt cháy bao cơ nghiệp của dân làng, mà dân làng đều vui mầng
hớn hở cũng đau đớn thật. Xong công việc chúng tôi rút lui ra chỗ
thuyền bè đậu, cách xa bờ độ 100 thước, và hối hả chống chèo hướng
ra bể khơi. Chúng tôi say sưa chèo mãi cho đến khi ánh lửa trên bờ
tàn và dần dần tắt hẳn mới trở lại thực tại và thấy mình lênh đênh
giữa biển cả...
Đi là cái hy
vọng độc nhất của chúng tôi. Mãi cho đến lúc rạng đông, mặt biển
song sao, gió lộng, ánh thái dương ló dạng chúng tôi mới quay lại
phía sau, nhìn lên bờ, nhưng không thấy đâu là bờ bến cả.
Lênh đênh
trên mặt biển cho đến lúc đứng bóng thì đoàn chúng tôi trông thấy
một chiếc tầu chiến ở ngoài xa. Chúng tôi reo hò, dơ tay vẫy, có
người có sáng kiến hơn, cột mảnh áo trắng lên trên cây xào làm cờ
phất lia lịa. May quá, chiếc tầu chiếu đèn lên 5,6 lần hướng về phía
chúng tôi. Một hồi sau chúng tôi tiến đến bên tầu chiến. Các sĩ quan
và thủy thủ hình như đã được lệnh tiếp đón chúng tôi, nên họ không
hỏi han gì cả dòng thang giây xuống đón chúng tôi. Họ niềm nở, đỡ
tất cả bọn chúng tôi lên tầu, và mọi người lúc ấy mới thật là hú
vía, thoát hiểm.
Và tàu cập
bến Hải Phòng lúc 2 giờ đêm.
{trích Cuộc Di cư lịch sử, trang 90-91}
Nhưng đã có
bao nhiêu người di cư may mắn như đám người trên?
Tác giả Minh
Võ, trong bài viết: Di cư, một kỷ niệm đắng cay sau trở nên ngọt
ngào viết: “Mẹ tôi kể lại, bốn mẹ con phải đi 4 lần mới có
một lần thành công. Đường đi dài gần 200 cây số mà cứ gần đến Hải
Phòng thì lại phải dẫn nhau quay về, vì lần nào cũng bị Việt Minh
ngăn cản, dụ dỗ, đe dọa. Lần thứ bốn, may có một cán bộ địa phương
thương tình cấp giấy tờ cho đi hợp pháp mới tới nơi. Bà đã gặp lại
người cán bộ này tại miền Nam chỉ ít ngày sau đó. Anh ta nói khi cấp
giấy cho gia đình tôi, là trong bụng đã ôm mộng bỏ đảng ra đi rồi.
{Trích Minh Võ, trong Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc,
trang 293-294}
Cuộc di cư
này có thể chia ra ba giai đoạn: tiếp cư, di cư, và định cư.
Giai đoạn
tiếp cư:
Ngay khi
nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7/5 và thỏa ước Genève vừa được
ký kết ngày 20/7 chưa ráo mực thì đã có những chuyển biến trong dân
chúng.
Đúng ra là
một cuộc khủng hoảng, xáo trộn lựa chọn chính trị giữa đi hay ở. Nó
không giống hoàn cảnh một thứ tháo chạy rút quân như ở Ban Mê Thuột.
Nhưng nó cũng có một vài góc cạnh giống như thế. Việc đi hay ở tùy
thuộc khu vực dân chúng nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh cộng
sản hay trong vùng kiểm soát của Quốc gia. Nhiều cuộc di chuyển tháo
chạy, co cụm chuyển từ vùng ít an toàn sang vùng an toàn hơn.
Người Pháp
đã không nghĩ tới hoặc không có một kế hoạch cụ thể nào nhằm tạm cư
những người dời bỏ làng mạc ra đi. Trong Passing the Torch đã nhận
xét như thế này: “When refugees surged into Hai Phong, they
encountered the chaos of an overcrowded and hostile city. By August
10, 1954, an estimated two hundred thousand refugees were encamped
at Ha Noi and awaiting evacuation. {Trích trang 98} Khi số người
di cư tràn ngập về Hải Phòng, họ gặp phải tình trạng hỗn độn, tràn
ngập người và sự thù nghịch của thành phố. Đến 10/8/1954, có khoảng
200.000 người tỵ nạn tạm trú ở Hà Nội và chờ đợi được di cư.
Trong khi đó,
dân chúng các tỉnh phía Nam của Bắc phần bỏ làng mạc và tập trung về
những tỉnh như Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định và Phủ Lý mà họ cho là
an toàn hơn. Chẳng hạn tỉnh Bùi Chu có cả thảy 365 làng, nhưng phần
lớn đều không có an ninh. Khi nghe tin Điện Biên Phủ thất trận thì
dân chúng bỏ chạy co cụm về chung quanh tỉnh Bùi Chu.
Trong sách
Cuộc Di Cư Lịch Sử, trang 83 được viết lại như sau: “ Rồi
cùng với những cuộc triệt thoái của quân đội Liên Hiệp Pháp khỏi các
tỉnh miền Nam Trung-châu Bắc Việt, nhân dân các tỉnh Bùi Chu, Ninh
Bình, Nam Định, Phủ Lý vội vàng chạy về Hà Nội. Tiếp đó nhân dân các
tỉnh chung quanh Hà Nội như Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh,
Vĩnh Phúc Yên cũng hốt hoảng kéo về Hà Nội. Những lớp sóng người dồn
dập kéo về Hà Nội giữa khi dân chúng đô thành hoang mang lo lắng đã
thức tỉnh những kẻ hoài nghi, do dự và châm ngòi cho phong trào
di cư bùng nổ 3 ngày trước khi Hiệp định Genève được ký kết.
Chuyến tầu đầu tiên chở dân chúng Phát Diệm di cư vào Nam rời cửa
biển Bắc Việt vào ngày 17-7-1954 và cặp bến Sài Gòn ngày 21-7-1954.
Xin nói cho
rõ hơn, Bùi Chu và Phát Diệm là hai tỉnh bị triệt thoái đầu tiên của
quân đội Pháp nên Bùi Chu và Phát Diệm cũng là những tỉnh đầu tiên
mở đầu cho phong trào di cư vào miền Nam. Vì thế không lạ gì, tầu
Thuỵ Điển Anna Salen rời cửa biển Bắc Việt và vào đến cảng Sài Gòn
chỉ một ngày sau khi Hiệp định Genève được ký kết.
Như vâỵ,
người dân Phát Diệm là những người đầu tiên chính thức di cư từ miền
Bắc vào miền Nam.
Phong trào
di cư sau đó cứ thế mà lan rộng.
Ở đây, nơi
những khu vực tạm trú, mọi thứ đều thiếu thốn vì không được chuẩn
bị. Chẳng hạn toàn tỉnh Bùi Chu chỉ có một nhà thương với 85 giường
bệnh để phục vụ cho 440.000 dân. Chính quyền Quốc gia và Pháp tỏ ra
bất lực. May có cơ quan USOM của Mỹ giúp giải quyết được một phần
nào những khó khăn về thuốc men và nước uống.
Như đã nói ở
trên, chỉ tính đến ngày10/8/1954, người Pháp và chính phủ quốc gia
phải đối đầu với 200.000 người di cư chờ được đi vào Nam. Lo chỗ ăn,
chổ ở nước uống, bệnh xá cho 200.000 người? Chắc không dễ.
Phần chính
phủ Pháp, họ chưa thoát ra khỏi hết nỗi ám ảnh tuyệt vọng bị thất
trận ở Điện Biên Phủ. Và theo tinh thần Hiệp định Genève, họ phải
rút khỏi Đông Dương trong vòng hai năm. Trong thời gian này, họ cần
400 triệu đô la Mỹ để nuôi quân lính Pháp. Ai sẽ tài trợ số tiền này,
nếu không phải là Mỹ. Việc chuyên chở thương phế binh về Pháp cũng
phải thương lượng với người Mỹ. Không thì không xong. Mối bận tâm
hằng đầu của họ chỉ là triệt thoái an toàn binh đội Pháp ra khỏi Bắc
Việt. Ngay trước khi thất trận Điện Biên Phủ, người Pháp đã có kế
hoạch rút khỏi Bắc Việt các cơ sở hành chánh như ngân hàng, các cơ
sở giáo dục, các trường Tây đưa vào miền Nam.
Và họ đã làm.
Nhưng họ có
đủ phương tiện tiền bạc và kế hoạch để giải quyết vấn đề di chuyển
của người tị nạn sau hiệp định Genève không?
Phần chính
phủ ông Diệm mà người ta gọi là “l’homme nouveau”, người mới, tiếng
là thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam từ Nam ra Bắc, nhưng xem
ra quyền hành của ông thu gọn ở phía Nam hơn là phía Bắc. Không thể
trách được vì ngày 26/6/1954, ông Diệm mới đặt chân xuống Sài Gòn
trong một tình huống cực kỳ bấp bênh và hỗn loạn. Bấp bênh vì có
nhiều chống đối từ phía người Mỹ và nhất là phía người Pháp bằng đủ
thứ ngôn ngữ thô tục nhất gán ghép cho ông như: thiển cận, bướng
bỉnh, quá cứng rắn, một giải-pháp-khác-Diệm, chống cộng cực đoan,
người khó khăn để liên hệ, kẻ tiên tri không có lời rao giảng. Nhiều
giải pháp, nhiều tên tuổi được nêu ra trong danh sách những người có
thể thay thế ông Diệm.
Salan đã đón
chào ông Diệm về làm thủ tướng bằng cách ra lệnh triệt thoái quân
đội viễn chinh Pháp ra khỏi 4 tỉnh phía Nam của Bắc Việt và sau đó
để quân đội quốc gia thay thế. Việc triệt thoái binh đội Pháp ra
khỏi 4 tỉnh phía Nam trước sau cũng phải làm. Nhưng làm sao để không
gây ra những bất ổn chính trị, tình trạng hoảng loạn không tránh
được của thành phần dân chúng sống trong các vùng tề do Pháp kiểm
soát?
Xin trích
dẫn Trần Tam Tỉnh, kẻ đưa đường cho cộng sản, mô tả hoàn cảnh người
di cư các tỉnh phía Nam Bắc bộ như sau: Báo chí ngày 25/10/1954
viết: “Cuộc xuất hành bằng đường biển với những người di cư, phần
đông phương tiện khác rất yếu ớt, những người di cư, phần đông là
công giáo, từ các vùng Bùi Chu, Phát Diệm do Việt Minh kiểm soát,
trong vòng 24 giờ qua đã lên tới con số khổng lồ khiến bộ tư lệnh
hải quân Pháp đã phải quyết định vớt họ. Đêm qua và sáng nay, các
đơn vị hải quân Pháp đã chở tới Hải Phòng gần 2000 người di cư, họ
vớt được ngoài khơi hải phận Việt Minh, ở lối 100km mạn Nam Hải
Phòng.Theo lời những người di cư, hàng ngàn người khác thuộc địa
phận Bùi Chu và Phát Diệm đang tìm cách chạy trốn, có khi phải trả
5000 quan Pháp cho một chỗ trên các thứ thuyền hoặc bè. Nhiều thuyền
bè đã bị lật và đắm luôn trong các cơn bão đang làm dữ mấy ngày này.
Như vậy, hàng trăm người di cư đã bị chết đuối trong tai nạn đó.
Ngày 26/10/1954, báo chí đưa tin: 15.000 người công giáo bỏ trốn
bằng ghe thuyền hoặc bè để đi tìm tự do, từ các địa phận Bùi Chu và
Phát Diệm đã tới được Hải Phòng”.{Trích Thập giá và lưỡi gươm,
Trần Tam Tỉnh, trang 109}
Amouroux đã
viết trên tờ Aurore lời kêu gọi như sau: “Chúng ta, thế giới tự
do và không chỉ có nước Pháp, chúng ta có thể nào bỏ rơi những con
người đó mặc cho sự trả thù, đem quẳng họ lại vào bàn tay cộng sản
và làm cho cuộc bỏ trốn kỳ diệu của họ năm 1954 hóa ra vô ích sao?”.
Thực sự trên
thực tế, quân đội quốc gia cũng đã không thể thay thế quân đội Pháp
được. Người viết bài này đã theo anh rể thuộc Bảo An đoàn, từ Phủ Lý
được chuyên chở bằng xe camion ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội đáp máy bay
vào Tourane vào cuối tháng 7/1954. Đó là những chuyến bay sớm nhất
của quân đội Pháp chở binh sĩ Quốc gia và gia đình của họ di cư vào
miền Nam.
Dân chúng ở
các tỉnh bị quân đội Pháp bỏ rơi như Hưng Yên, Sơn Tây, Hưng Hóa Bắc
Ninh còn có nhiều cơ may di cư ra Hải Phòng hoặc Đồ Sơn bằng đường
bộ. Khốn đốn nhất là dân chúng di cư từ các tỉnh phía Nam Bắc Việt
không dễ dầu trốn đi được bằng đường bộ cũng như đường thủy ra Hải
Phòng.
Từ cửa Cồn
Thoi ra Hải Phòng trên những mảnh bè tre nứa ghép lại một cách vội
vã, tùy tiện bỏ mặc cho sự sống chết là trăm phần gian nan và khốn
đốn.
Được tin này,
ngày 29/6 ông Diệm phản đối kịch liệt quyết định của người Pháp và
yêu cầu người Mỹ can thiệp với thủ tướng Mendes-France. Sự thù hận
và mối hiềm khích nghi kỵ của ông Diệm đối với người Pháp từ những
sự việc trên kéo dài. Sau này, ông Diệm yêu cầu Pháp chấm dứt mọi
liên hệ với Hà Nội. Pháp không nghe. Ông cũng nghi ngờ người Pháp là
đầu mối giật giây, âm mưu với các giáo phái cũng như đứng đằng sau
bọn Bảy Viễn, Nguyễn Văn Hình.
Vì thế, khi
ổn định xong tình hình chính trị miền Nam thì đã đến lúc người Pháp
phải xách gói ra đi. Ngày 28/4/1956, ngày cuối cùng của một số binh
đội Pháp còn sót lại diễn hành trên đường phố Catinat, sau đó đáp
tầu ở bến cảng Sài gòn trên đường về nước. Cũng có nước mắt tiễn đưa.
Ở đâu, thời nào thì cũng thế, người ta nhìn thấy có những mệnh phụ
lén lút chùi nước mắt tiếc nuối. Cũng đầy đủ nghi lễ, cũng kèn trống.
Kể từ nay,
chế độ thực dân Pháp thực sự chấm dứt.
Phải chăng
những nghi thức bề ngoài là những thứ mà lúc nào một người Pháp lịch
sự, có văn hóa cũng cần đến? Hình ảnh này nhắc nhở người ta nhớ đến
buổi lễ cuốn cờ của quân đội Pháp ở Hà Nội vào tháng 10/1954.
Họ muốn ra
đi trong đàng hoàng, trật tự như khi quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội
để bàn giao lại cho Việt Minh thay thế họ?
Sau này, ông
Diệm chỉ riêng tặng huân chương cao quý Presidential Citation with
Ribbon of friendship cho hải quân đô đốc Sabin tại SàiGòn khi giai
đoạn di cư đã hoàn tất.
Nhiều tin
đồn cho hay quân đội Pháp bỏ bom các tỉnh phía Nam Bắc việt làm chết
cả ngàn người và rằng xe nhà binh Pháp chỉ chịu chở thường dân với
giá 100 đồng mỗi người. Tin đồn như thế không lấy gì làm chắc chắn
và bỏ bom xuống dân chúng để làm gì? Số lượng máy bay dùng để chuyên
chở binh đội Pháp và Quốc Gia còn không đủ, lấy đâu ra máy bay để
thả bom giết hại dân chúng? Và ở thời kỳ 45-54, những chiếc máy bay
quan sát Morane của Pháp bay chậm như rì, chỉ cần một cây đại liên
cũng có khả năng bắn rơi? Và xin nhắc nhở một chi tiết nhỏ là loại
máy bay Morane chỉ có sàn máy bay là làm bằng sắt, tất cả những phần
thân và nóc làm bằng vải bạt. Pháp còn bao nhiêu máy bay DC3 dùng để
đi ném bom?
Quân đội
Pháp còn rất eo hẹp, nghèo nàn và giới hạn lắm về phương diện máy
bay. Và đó cũng là một trong những lý do kỹ thuật làm mất Điện Biên
Phủ.
Ngày 30/6,
ông Diệm bay ra Hà Nội gặp giới chính quyền người Pháp và bàn thảo,
thương lượng về kế hoạch rút quân đội Pháp và Việt Nam. Đồng thời,
ông cũng gặp giới chức quân đội và hành chánh Việt Nam. Trong một
buổi lễ do chính quyền Việt Nam tiếp đón ông, có việc một số binh
đội Quốc gia quần áo, gươm súng nai nịt chỉnh tề, sau đó có buổi lễ
tuyên thệ của giới chức trong chính phủ, quỳ và thề trung thành với
Quốc Trưởng Bảo Đại.
Kết quả cuộc
thương thảo này không biết như thế nào?
Nhưng việc
ông Diệm ra Bắc gây được tiếng vang tốt cũng như tin tưởng trong đám
người di cư. Ông được coi như linh hồn của cuộc di cư và một thứ bản
mệnh tương lai cho họ, nhất là những người theo đạo Thiên Chúa.
Lúc này,
chung quanh Hà Nội như Gia Lâm, Hàm Long, Thái Hà Ấp, Nhà Ga Hàng Cỏ,
chung quanh hồ Hoàn Kiếm, la liệt người di cư từ khắp nơi đổ về. Chỗ
nào có đất trống là có người đến trú ở tạm. Ăn nằm la liệt ngổn
ngang khắp nơi, một vỉa hè, một công viên. Người Mỹ đã cung cấp
18.848 tấn gạo, 1200 tấn cá khô cho các trại tiếp cư chung quanh Hải
Phòng. USOM đã giải tỏa 31 triệu đồng để mua thực phẩm dự trữ. {Trích
OPTF, trang 23}.
Trú khu Hải Phòng
Khi Hà Nội
đã được chuyển giao cho Việt Minh theo thời hạn được quy định bởi
Hiệp Định Genève, các trung tâm tiếp cư phải chuyển xuống Hải Phòng
thì số người di cư tăng lên khủng khiếp.Tất cả các trường học cũng
như các công sở đều là nơi chứa người tỵ nạn, nhưng vẫn không đủ chỗ.
Nha đại diện Phủ Tổng Ủy di cư tại Bắc phần đã cho dựng hàng ngàn
lều vải tại vùng Vật-Cách, sát tỉnh Hải Phòng có khả năng đón tiếp
10.000 người, rồi một trú khu thứ hai được thiết lập ngay sau đó,
chứa được 15 ngàn người. Một trú khu khác của bác sĩ Dooley, cách
Hải Phòng 7 cây số, trên đường Hà Nội- Hải Phòng chứa được 12 ngàn
người.
Trong thời
gian tạm trú tại Hải Phòng, đồng bào di cư được phát gạo và 7 đồng
tiền thức ăn, chưa kể được cung cấp nước mắm, cá khô, sữa, củi và
mỗi hai người được cấp một chăn và một chiếu.
Trước khi
xuống tầu, đồng bào được cấp phát bánh mì và 35 đồng/mỗi người. Nếu
đi theo tầu Pháp, đồng bào được chở đến bến Sáu Kho, nếu đi tầu Mỹ,
đồng bào được chở đến bến Vật-Cách rồi từ đó chuyển ra các tầu chiến
lớn đậu ở vịnh Hạ Long.
Công việc
tiếp cư tại Hải Phòng cứ kéo dài như thế cho đến ngày 11-5-55 khi
chuyến tầu lịch sử của Hải quân Mỹ, chiếc Brewster chở 520 đồng bào
cuối cùng rời bến Hải Phòng. {Trích Cuộc Di Cư Lịch Sử, trang
129-130}
Một nhân vật
đại diện cho Phủ Tổng Uỷ di cư trông coi việc di cư này mà chắc
nhiều người còn nhớ và không quên được, xin được nhắc đến ông một
lần: Ông Mai Văn Hàm.
Cũng xin
được nhắc tới bốn vị đã lần lượt trông coi, chăm sóc cho người di cư
là: Bác sĩ Phạm Hữu Chương, ông Ngô Ngọc Đối, bác sĩ Phạm Văn Huyến
và ông Bùi Văn Lương.
Bên cạnh đó,
có đức cha Phạm Ngọc Chi được chỉ định làm chủ tịch Ủy ban hỗ trợ
định cư.
Về phía
người Pháp cung cấp 1500 tấn gạo cho Hải Phòng ngay từ những ngày
đầu 28/7/1954. Sau này, ngày 9/2/1955 tờ báo Figaro của Pháp đã
quyên góp được 35 triệu phật lăng gửi cho người di cư. Tấm ngân
phiếu được trao cho Thủ tướng Diệm trước các lều di cư ở Tân Sơn
Nhất.
Cũng vậy,
ngay ngày 31/8/1954, Phi Luật Tân đã gửi sang giúp Việt Nam 7 bác sĩ
và 3 nữ y tá trong khuôn khổ chiến dịch huynh đệ “Operation
Brotherhood” hay “Fraternity”. {Trích tài liệu của ông Đinh Quang,
tác giả Bình Giả, quê Hai, trang 4}
Mặc dầu vậy
dân chúng trong các trại tỵ nạn thất vọng và chán nản cũng than vãn
về tình trạng thiếu thốn đủ loại, cộng thêm tình trạng số người chờ
đợi lâu mà vẫn chưa chưa được bốc đi. Hải quân đô đốc Sabin chịu
trách nhiệm việc chuyên chở người di cư vào miền Nam đã thăm một
trại tiếp cư và ông đã ghi lại như sau: “There were some 14
thousand people huddled in what to me seemed to be cesspool. They
were dirty, had little food or water and no shelter except a few
pieces of cloth between two sticks in the ground. This is the
monsoon season and that isn’t a very comfortable to live. They had
given up the only thing they owned which probably was a little rice
paddy and a thatched hut. But they had done it willingly to
escape the jaws of Communism”. {Trích OPTF, trang 64}
Đã có khoảng 14 ngàn người túm tụm trong cái mà theo tôi nó là cái
hầm chứa phân. Họ bẩn thỉu, chỉ có một ít đồ ăn hoặc nước và không
có chỗ trú ẩn ngoại trừ một vài mảnh vải vắt ở giữa hai cây sào cắm
dưới đất. Đây là lúc gió mùa và đành chịu cho sự bất tiện đó. Có thể
họ đã phải từ bỏ sở hữu duy nhất cuả họ là một ruộng lúa nhỏ và một
túp lều tranh. Nhưng họ đã sẵn lòng làm điều ấy để thoát khỏi nanh
vuốt của cộng sản.
Những chứng từ cho thấy Việt Minh không tôn trọng Hiệp định Genève
Có rất nhiều
bằng cớ về điều này. Bằng cớ hiển nhiên không chối cãi được. Nếu tin
được lời của ông Frank N. Trager trong Why, Viet Nam? Paul Mall
Press, London, 1966, trang 97, một giáo sư ở Nữu Ước có thăm Việt
Nam và cho biết có đến 95.000 người di cư ký trong đơn tố cáo Việt
Minh vi phạm Hiệp định Genève mà không được giải quyết.
Xin dẫn chứng từ của linh
mục Trần Nam Bắc, một nhân chứng trong cuộc trong bài viết: “Le
drame des réfugiés catholiques Vietnamiens”, Paris, mars 1955,
trang 1-2 như sau:“Ces fuites s’accomplissaient dans des
conditions émouvantes, déchirantes mêmes, car les Viet Minh, en
pleine violation des accords de Genève, ont tenté et continuent
encore de s’y opposer. Ils ont employé d’abord la persuation, puis
la force et nombreux sont les réfugiés blessés par les balles
communistes. On a vu les habitants de villages entiers se mettre en
marche vers la mer, traversant les rizìères, pour éviter les routes
controlées par les forces Viet Minh, et construire des radeaux de
fortune se lancant sur la mer avec de grandes risques, sans aucune
certitude d’être secourus. Des centaines de fugitifs se noyèrent.
Qui pourraient jamais imaginer le spectacle impressionnant du 6
novembre dernier, quand une foule de 2000 réfugiés attendait sur un
banc de sable de Cửa Trà Lý d’êtres sauvès par des navires de
nations amies..
Thảm cảnh của người công
giáo Việt Nam... Những cuộc tháo chạy trong những hoàn cảnh thật cảm
động và đau lòng, bởi vì Việt Minh đã vi phạm trắng trợn Hiệp định
Genève trong cố gắng chống lại Hiệp định ấy. Mới đầu họ còn thuyết
phục khuyến dụ, sau đó dùng sức mạnh và nhiều người đã bị thương vì
mảnh đạn của cộng sản. Người ta đã thấy hàng ngàn dân cả làng ùn ùn
kéo nhau ra biển, đi tắt qua cánh đồng ruộng, tránh đi trên đường lộ
bị kiểm soát bởi Việt Minh, rồi kết những bè mảng sơ sài đi ra biển
với rất nhiều hiểm nghèo và chẳng có gì chắc chắn là sẽ được cứu vớt.
Hàng trăm người di cư đã chết trên biển. Người ta làm sao có bao giờ
có thể tưởng tượng ra cảnh tượng gây ấn tượng như thế vào ngày 6/11
vừa qua, khi một đám đông gồm 2000 người tị nạn trên một cồn cát ở cửa
Trà Lý chờ được các tầu các nước bạn đến vớt đi.
Xin dẫn chứng từ của tờ
Fides, communiqué du 29/1, trang 28 như sau: “Dans les premiers
jours de Janvier, 10.000 réfugiés catholiques qui s’étaient
concentrés à BaLang pour rejoindre le Viet Nam du Sud, furent
arrêtés par la force et conduits vers l’intérieur du pays, avant qua
la commission Intertionnale puisseintervenir.Dans cette opératiom
5000 soldats Viet Minh seraient intervenus pour prendre d’assaut
l’église dans laquelle les réfugiés s’étaient retranches. Ileut au
cours de la rencontre des pertes de deux côtés, mais les réfugiés,
qui disposaient seulement d’un armement inprovisé, furent rapidement
mâitrisés. Tous furent conduits vers des destinations inconnues...”
Vào những ngày đầu tháng
giêng, 10.000 người tỵ nạn Thiên Chúa giáo đã tập trung ở Ba Làng để
đi vào miền Nam, đã bị chặn bắt lại và dẫn độ vào sâu trong đất liền,
trước khi Ủy Hội Kiểm soát đình chiến có thể can thiệp.
Trong cuộc ruồng bắt này, 5000 binh lính Việt Minh đã tấn công vào
nhà thờ trong đó các người tị nạn đang ẩn nấp ở đó. Trong cuộc đụng
độ này, có sự thiệt hại cho cả đôi bên. Về phía người tị nạn chỉ có
những võ khí sơ sài, tùy tiện nên dễ dàng bị Việt Minh khống chế...
Tất cả đều được dẫn độ đến một nơi nào không ai hay biết...”
Tất cả những gì xảy ra ở
Ba Làng cũng đã xảy ra ở Lưu Mỹ với 3000 giáo dân. Kết quả có 12 người
chết, 50 bị thương và 200 người bị bắt sau đó. Ngày 26/9, hơn 2000
người di cư thuộc Hải Hậu, Bùi Chu bị Việt cộng ngăn chặn không được
lên bến phà đi Nam Định, từ đó đi Hải Phòng. Họ chờ cả tuần lễ không
được đi đành quay trở về nhà. Cũng vậy, 3000 người di cư Phát Diệm bị
chặn lại ở Phủ Lý. Ngày 29/9, 3000 người di cư thuộc tỉnh Thái Bình
bị chặn lại ở bến phà Nam Giang. Sau 15 ngày chờ đợi mỏi mòn, họ
đành quay trở về nhà. Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến được
thông báo đến nơi thì đám dân di cư đã không còn ai nữa. {Trích OPTF,
trang 160}
Trong Cuộc di cư lịch
sử cũng viết lại đầy đủ về sự vi phạm Hiệp Định Genève của cộng
sản như sau: “ Tại Thanh Hóa, ngày 8-1-55, dân chúng Ba Làng,
huyện Tĩnh Gia, tụ họp hơn hai vạn người đòi di cư bị bộ đội Việt
cộng nã súng bắt giải tán. Số lính của chúng dùng để đàn áp nhân dân
là 5 ngàn tên trang bị đầy đủ khí giới. Trái lại nhân dân chỉ có
gậy, dao đánh lại Việt Cộng. Vụ lưu huyết xảy ra, bọn quân đội ngụy
quyền cũng có nhiều đứa bị thương, bên nhân dân có 4 người thiệt
mạng, 6 người bị thương {có một người đã di cư vào Nam} Sau cuộc đấu
tranh đẫm máu này hơn 2 vạn người tập trung để di cư bị giải tán
bắng võ lực, dân chúng Ba Làng bị khủng bố, đàn áp thẳng tay, nam nữ
thanh niên bị Công an Việt Cộng bắt đem xử ngay tại một tòa án” nhân
dân” ở làng bên. Kết quả hai người bị khổ sai chung thân, 4 người bị
20 năm và 22 người bị 12 năm khổ sai. Những người khác sau khi bị
tra tấn dã man được lần lần trở về, nhưng bị quản chế , trừ 60 người
bị chúng coi là hạng cầm đầu nguy hiểm nên bị đưa đi biệt tích.
Tiếp đến vụ tàn sát ở Lưu Mỹ càng rung rợn hơn nữa..Rồi kết quả dân
Lưu Mỹ bị 11 người chết, nhiều người bị thương và đến tảng sáng toàn
thể dân chúng Lưu Mỹ bị bắt trói.
Dưới đây là chi tiết vụ
cứu vớt đồng bào ở Trà Lý do một sĩ quan hải quân ngoại quốc tham
gia cuộc cứu vớt ấy kể lại:” Trong đêm 5 rạng 6-11-54, một tiểu hạm
của Hải quân đang tuần hành ngoài khơi Trà Lý được một thuyền đánh
cá cho hay rằng có trên 2000 người hiện đang lâm vào cảnh nguy hiểm
trên bãi cát ngoài cửa biển Trà Lý. Tức thì Tiểu hạm ấy, báo tin cho
tầu khác, “ tầu La Capricieuse”- LSM 9.052- LCT. 9065 đến tiếp tay
cứu trợ...
Một ông lý
trưởng cho biết có vào khoảng 30 ngàn người di cư ở tỉnh Phủ Lý muốn
trốn đi mà không được: “The mayor also reported that
approximately thirty thousand Vietnamese wished to evacuate around
Phu Ly, but there was no way to confirm the report”. {Trích PPTF,
trang 127}
Bác sĩ
Dooley, vào năm 1960 được viện thăm dò Gallup ông là một trong số 10
người được dân chúng Mỹ ái mộ và câu chuyện về ông như sau: “On
October 27, the French LST arrived in Hai Phong with a load of
eighteen hundred Vietnamse from Van Ly; all of them rescued from
sampans and bamboo rafts. The refugees reported that many in the
group had been detained and beaten by the Viet Minh before their
escape. Two of these refugees who were wounded by the Viet Minh as
they escaped by raft from Bui Chu were treated by Lieutenant {junior
grade} Thomas A Dooley, M.D, and Vietnamse Roman Catholic priest
Father Khuê at the Haiphong hospital”. {Trích OPTF, trang 162}
Ngày 27/10, tầu Pháp LST chở 1800 người Việt Nam từ Van Ly đến Hải
Phòng. Tất cả họ đã được cứu nguy từ những chiếc thuyền tam bản và
những chiếc mảng tre. Những người tị nạn báo cáo rằng nhiều người
trong nhóm họ trước khi trốn thoát đã bị Việt Minh giam cầm và đánh
đập. Trong số những người tị nạn có hai người bị Việt Minh gây
thương tích khi họ trốn đi từ Bùi Chu bằng chiếc mảng đã được bác sĩ
Thomas A Dooley và cha Khuê điều trị tại nhà thương Hải Phòng.
Tất cả những
ghi nhận ở trên chỉ cho thấy rõ rằng: cuộc di cư 1954 là một cuộc ra
đi để đi tìm tự do và dân chủ, để tránh cộng sản. Người di cư đã bỏ
nhà, bỏ cửa, chấp nhận tất cả với bất cứ giá nào- ngay cả mạng sống
mình- miễn là được sống trong Tự Do.
Một số không
nhỏ những vùng như Vinh, Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định, Phủ Lý đã
bị Việt Cộng phá rối, ngăn chặn không cho đi. Một số những người di
cư đi được cho biết đã phải trả 7000 đồng cho mỗi đầu người, trái
ngược với những điều ông Trần Tam Tỉnh đã viết ở trên. Sự thất bại
của chính quyền cộng sản là không ngăn chặn được “làn sóng di
cư” ngay ở các tỉnh mà trước đây nằm dưới quyền kiểm sót của
họ như k trong vụ bạo động nổ ra ở Quỳnh Lưu vào tháng 11/1956,
thuộc tỉnh Nghệ An, chính quê quán của Hồ Chí Minh.Theo chính quyền:
giáo dân do sức ép của hàng giáo phẩm đã tập họp đông đảo, nơi
300 người, nơi 500, có mặt nhiều thanh niên. Ngày 12 và 13 tháng 11,
hằng trăm người công giáo đã tụ tập đòi quyền di cư vào miiền Nam,
hô khẩu hiệu ”Đả đảo cải cách ruộng đất” ,“Đả đảo cộng sản”, “đả đảo
Trung Cộng”, “Đả đảo Nga Sô“, “Đức Mẹ muôn năm”. Vẫn theo báo
cáo này: đã có những xung đột với bộ đội. Kết quả là mỗi bên có 5
người chết và nhiều người bị thương. Vài ngày sau, Hồ Chí Minh công
bố quyết định sửa sai và cuộc sửa sai kéo dài đến cuối năm 1977...
{Trích Bản ghi về hội nghị Trung ương ngày 30/11/1956 do Bộ
ngoại giao VNDCCH tổ chức}.
Giữa những
người di cư trong vùng tự do và người di cư trong vùng chiếm đóng
của cộng sản, việc đi tìm tự do của loại người thứ hai khốn đốn và
gian nan hơn nhiều.Thường ít ai lưu tâm đến “mảng nguời di cư”
này. Họ phải đi lén lút, tổ chức đôi khi kéo đi cả làng, ra khơi
trên những bè mảng ghép lại từ những cây tre và đôi khi xảy ra xung
đột đẫm máu với chính quyền Việt Minh. Có báo cáo cho biết có những
cuộc xung đột xảy ra có đổ máu, trong số đó giáo dân bị chết và bị
thương có thể lên tới 50 người. {Trích Trần Thị Liên trong Vấn đề
công giáo miền Bắc …} Người Pháp đã gửi 2 tầu đến Vinh để đón tiếp
dân di cư vào cuối tháng 12/1954. Trung bình có 500 dân di cư Vinh
được đón tiếp trong thời gian này mà tổng số lên đến 10233 ngàn
người. {Trích OPTF, trang 186}
Việt Cộng
cũng đã dùng đủ mọi cách để ngăn chặn làn sóng di cư này như tuyên
truyền rỉ taị, đe dọa, rải truyền đơn, ngăn cản cấm đoán và đôi khi
dùng cả võ lực để ngăn chặn làn sóng di cư này. Điển hình là nhạc sĩ
Thẩm Oánh làm cho đài Radio Hà Nội bị Việt Minh đe dọa tính mang nên
ông yêu cầu được di cư vào miền Nam ngay lập tức. Giám đốc chương
trình Phạm Mạnh Phan thì không muốn nhận trách nhiệm di dời các
trang thiết bị đài xuống Hải Phòng. Cuối cùng vì thiếu sự quản lý
chặt chẽ, các trang thiết bị đó cũng biến mất ít lắm là 20%, và dù
được chuyên chở vào trong Nam, đài phát thanh Hà Nội cũng không hoạt
động trở lại được. Việt Minh cũng tìm cách mua lại các nhà in như
trường hợp nhà in tờ báo Pháp, tờ l’Entente cho một kẻ vô danh với
giá 780.000 động Việt cộng dùng những nhà in này để phổ biến truyền
đơn và để ngăn cản làn sóng người di cư.
Để đánh bạt
những loại tuyên truyền này, hải quân Mỹ không có giải pháp nào hơn
là đối xử tử tế với người di cư, cho ăn uống đàng hoàng và chữa bệnh
săn sóc người đau ốm, mặc dầu có nhiều khác biệt văn hóa {Clash of
culture}.
Vai trò của Ủy Hội Quốc tế kiểm soát đình chiến ICC
ICC có ba
đại diện là Ba Lan, Ấn Độ và Gia Nã Đại. Nhưng vì thiếu thốn phương
tiện di chuyển nên lệ thuộc vào chính quyền địa phương là Việt Minh.
Họ bó tay, bất lực. Việt Minh dàn cảnh mỗi khi họ muốn đến thăm một
nơi nào.
Bác sĩ Tom Dooley kể lại
kinh nghiệm của ông về vai trò của ICC như sau: “Quand les
représentants de la visitaient un village, ils placaient une table
sur la place publique et faisaient savoir que n’importe qui,
désirait parler avec eux, pouvait le faire. Mais aux abords du
village, les Viet Minh bloquaient les routes, pour assurer, disaient
ils la protection des membres de la Commission. De cette manière,
ilks ne pouvaient receullir des informations et des plaintes que
d’un nombre limité de personnes, qui étaient par la suite soumise à
des représailles”. {Trích trong Catholiques et Bouddhistes au
Viet Nam, Piero Gheddo, trang 90}
Khi đại diện Ủy Hội Quốc
tế đến thăm một làng, Việt Minh đã đặt một cái bàn ở một nơi công cộng
và cho hay rằng bất cứ ai muốn tiếp xúc với phái đoàn đều có thể nói
truyện. Nhưng ở đầu làng, Việt Minh đã chặn đường mà theo họ là để bảo
đảm an ninh cho các đại diện của phái đoàn. Bằng cách đó, đại diện
phái đoàn chỉ có thể lấy được những thông tin và những khiếu nại của
một số người rất giới hạn mà sau đó họ có thể bị trả thù.
Ký giả người Anh Robert
Cardigan viết trên tờ The Tablet, Londres, ngày 12/2/1955, trang
125-153 như sau: “Sự bất lực của Ủy hội quốc tế trong nhiều trường
hợp trong đó họ không thể can thiệp trực tiếp giúp cho người tị nạn
có quyền chọn lựa ra đi và đôi khi quá trễ, bởi vì những người di cư
trốn đi đã bị bắt nhốt. Hoàn cảnh của những người di cư khốn khổ này
đã bắt buộc nước Pháp của đại tướng Brebisson ở Paris can thiệp với
Commission d’armistice”.
Cũng cùng
một nhận xét tương tự Ronald B. Frankum, Jr. viết: “The ICC was
incapable for dealing with violations of the Geneva Agreements and
the inconsistency of Viet Minh relocation. The Polish delegation
never failed to block American and South Vietnamese concerns about
the Viet Minh, while the North Vietnamese perceived the Canadian
representative to be nothing more than a puppet of the United
States.The Canadian members of the ICC were not reluctant to mention
the difficulties in working with the Polish representatives of the
ICC. In a conversation with Ainalie Kerr, Ottawa correspondent for
the Catholic weekly Ensign, several Canadian delegates confided in
the reporter that they were faced with insurmountable obstacles with
the ICC”. {Trích OPTF, trang 166} ICC không đủ khả năng để đối
đầu với sự vi phạm Hiệp định Genève và hành động mâu thuẫn của Việt
Minh. Đại biểu Ba Lan đã thành công trong việc ngăn chận mối lo ngại
của Mỹ và Nam Việt về vấn đề Việt Minh, trong lúc Bắc Việt nhận thấy
đại diện Gia-Nã-Đại không gì khác hơn là một thứ bù nhìn của Hiệp
Chủng Quốc. Các thành viên Gia-Nã-Đại của ICC đã không ngại ngần gì
đề cập đến những khó khăn khi họ phải làm việc với đại diện Ba Lan
của ICC. Trong cuộc đàm thoại với Ainalie Kerr, phóng viên ở Ottawa
cho tờ báo tuần Ensign, vài đại biểu Gia-Nã-Đại có tâm sự với người
ký giả rằng họ phải đương đầu với những chướng ngại không thể vượt
qua được với ICC.
Trong tờ
Actualité, ra ngày 15/4, 1955, trích lại trong sách của Piero Ghedo,
tác giả bài báo dự đoán, nếu không có những vụ bắt bớ, ngăn chặn,
hăm dọa thì số lượng người di cư không phải chỉ là con sồ gần một
triệu người, mà có thể là 3 triệu người.
Con số đưa
ra có thể hơi xa thực tế.
Có một nhận
xét mà Việt Minh không chối cãi được là các cuộc di cư từng cả làng
lại là những người di cư ở trong vùng Việt Minh chiếm đóng từ năm
1946… Chính những người dân đã từng sống dưới chế độ cộng sản trong
9 năm chiến tranh dưới quyền kiểm soát của họ lại là những người
muốn ra đi trước nhất. Xin trích dẫn một đọan
trong tờ Missi, 1956, số 2, trang 41: “Contastation humiliante
{pour le Viet Minh} la poussée la plus impétueuse et la plus
persistante vers le Sud vient des provinces qui, depuis 1946, se
trouvaient entìèrement sous le régime Viet Minh”. Một điều đáng
lấy làm tủi hổ cho Việt Minh là người ta nhận thấy làn sóng người di
cư kiên trì nhất và dữ dội nhất muốn di cư vào Nam lại là những tỉnh
hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của chế độ của Việt Minh từ năm 1946.
Hóa cho nên, càng sống
với Việt Minh thì càng muốn trốn thoát khỏi bọn họ. Bài học càng
đậm, càng sâu, càng thấm thía.
Chứng từ của
Ronald B. Frankum.Jr..: “Earlier, a priest who had escaped by
sampan from Thai Binh told American officials that twenty thousand
civilians from that district and fifty thousand from neighboring
district wanted to leave for the South but were denied transit to
Hai Phong by the Viet Minh … On october 1, two thousand refugees
arrived at Camp Pagoda in Hai Phong after a seventy-mile journey
through Viet Minh-held territory aboard twenty-seven sampans. The
new arrivals informed camp officials that another fifty sampans were
behind them trying to make their way to the embarkation point”.
{Trích OPTF, trang 139-140} Một linh mục đã trốn thoát được khỏi
Thái Bình bằng bè mảng đã nói với các viên chức Hoa Kỳ rằng còn có
20 ngàn thường dân ở Thái Bình và 50 chục ngàn người khác ở vùng lân
cận đã muốn đi vào miền Nam, nhưng đã bị Việt Minh ngăn chận không
cho đến Hải Phòng. Vào ngày 1 tháng 10, 2.000 người tị nạn đã tới
trại Pagoda ở Hải Phòng sau một cuộc hành trình dài 70 dặm xuyên qua
lãnh thổ Việt Minh trên 27 chiếc thuyền tam bản. Những người mới đến
đã thông báo cho các viên chức ở trại rằng còn có 50 chiếc thuyền
tam bản nữa đi đằng sau và đang cố tiến đến điểm tiếp cư.
Dựa theo tài
liệu chính thức của chính phủ VNCH kể từ ngày 7/7/1954 đến 7/7/1960,
phái đoàn chính phủ VNCH đã chuyển Ủy Hội Quốc tế 3.755 lá đơn xin
can thiệp cho 84.129 người và 1.973 gia đình ở miền Bắc di cư vào
miền Nam.
Phái đoàn đã
chuyển cho Ủy Hội Quốc -Tế 13.015 lá đơn xin can thiệp cho 13.843
người bị Việt Cộng ép buộc tập kết ra Bắc. Việt Minh khuyến dụ các
cán binh tập kết ra Bắc để gia đình vợ con ở lại trong Nam, hứa hẹn
2 năm sẽ trở về. Sau hai năm, tin trở về vẫn biệt tăm. Họ làm đơn
kiện đòi chồng đòi con, yêu cầu Ủy Hội Quốc tế can thiệp. {Trích Hồ
Đắc Huân, Sáu năm hoạt động của chánh phủ, trang 256}
Không bao
giờ có hồi âm hay hướng giải quyết của chính quyền cộng sản. Sau đây
xin ghi lại một câu truyện lý thú xảy ra khi có lệnh tập kết ra Bắc.
Trong số
người tập kết, người viết quen biết con gái một gia đình của một cặp
vợ chồng trẻ. Đã bao lần, người viết có dự định viết lại câu truyện
đẹp này để nhận ra những tình người trong những hoàn cảnh ngang
trái, éo le. Không phải để trách ai, nhưng để thấy và để cảm nhận.
Nay xin mượn mấy dòng này kể lại câu chuyện người chồng tập kết ra
Bắc để lại vợ trẻ và một cô con gái chừng vài tuổi. Người vợ trẻ
đành kiếm kế sinh nhai, mở một quán nước, nhờ đó quen biết một trung
úy quân đôi VNCH. Người sĩ quan này có một tấm lòng hào hiệp chấp
nhận lấy người phụ nữ này đồng thời coi đứa bé gái như con ruột,
nuôi nấng dạy dỗ bé gái đó nên người. Trước 75, cô con gái nay đã là
một thiếu nữ xinh đẹp, tốt nghiệp cử nhân luật.
Không có tấm
lòng của bố nuôi làm sao cô đạt được những điều như vậy. Còn vị
trung úy nay đã là đại tá trong quân đôi VNCH. Ông bị đưa đi học tập
cải tạo.
Phần cô gái,
ra nước ngoài, mở quán ăn, vừa học vừa làm để nuôi con, miệt mài lo
học lại luật ngành chưởng khế. Nay cô đã là một chưởng khế nổi danh,
tham dự và giúp đỡ vào nhiều công tác xã hội và văn hóa của cộng
đồng người Việt.
Nhưng cô vẫn
canh cánh bên lòng, phải tìm lại người cha ruột tập kết ra Bắc, nay
lưu lạc nơi nào. Sau nhiều thời gian và thử thách, cô đã quyết tâm
về VN một chuyến, lên Di Linh, vào trong vùng sâu, nơi ông già tập
kết nay về hưu ở với con cái của ông.
Nỗi mừng đã
gặp. Nhưng không khỏi ngậm ngùi cảnh ông già đời sống không khấm khá.
Cô quyết định bỏ tiền ra xây nhà và giúp đỡ các đứa em cùng cha khác
mẹ.
Chiến tranh
làm chia lìa, làm tan đàn rã gánh, nhưng chính ở nơi ấy vẫn có những
tấm lòng, vẫn có tình người vượt lên trên những hận oán không dễ dầu
gì tránh khỏi.
Tín Phiếu và vàng của đồng bào di cư vào Nam
Đây cũng là
những chi tiết tài liệu khá lý thú. Đây là những số tiền mà Việt
Cộng đã tịch thu của đồng bào cũng như số tiền tín phiếu Hồ Chí Minh
tổng cộng là: 2.533.257.860 đồng. Số tiền mà Việt Minh đã nuốt không
của đồng bào liên khu V khi di cư vào Nam tại các tỉnh Quảng Ngãi,
Bình Định.
Bao giờ đến
lượt chúng ta vác đơn ra tòa án quốc tế để kiện đồng loạt về sự
chiếm hữu tài sản đất đai của người di tản và nhất là tài sản của
các giáo hội như trường học, nhà thương, các cơ sở xã hội sau 1975?
{Trích Hồ Đắc Huân, 6 năm hoạt động của chính phủ, trang 257}
Như trường
hợp đòi đất ở Thái Hà hiện nay?
Tiếp theo là
vô số thư phản kháng gửi Ủy Hội về vấn đề phá rối miền Nam {trường
hợp Việt Minh ám sát đại tá Hoàng Thụy Nam, đại diện chính phủ VNCH
bên cạnh Ủy Hội}, phá hoại đường xá, cầu cống, đường sắt và các hồ
sơ tư pháp của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Phái đoàn
bên cạnh Ủy Hội của VN cũng cho xuất bản một cuốn Bạch thư bằng
tiếng Pháp, sau dịch ra tiếng Anh, năm 1959 {trích Hồ Đắc Huân với
cuốn 6 năm hoạt động của chính phủ VNCH} để kết án cộng sản
vi phạm Hiệp định Genève.
Những
ngày cuối cùng ở các trại tạm cư Hải Phòng
Xin nhấn
mạnh một chi tiết là việc rút quân không đồng loạt là 300 ngày,
nhưng được định riêng cho từng khu vực với các thời hạn khác nhau.
Nhất là trong việc di chuyển quân đội Pháp. Quân đội Liên Hiệp Pháp
phải rút khỏi:
-
Khu Hà Nội :
80 ngày
-
Khu Hải
Dương : 100 ngày
-
Khu Hải
Phòng : 300 ngày
Rồi thì cái
thời gian hết hạn nó cũng sẽ đến.
Nhưng ngày
12/10 cũng đánh dấu giai đoạn đầu của cuộc di cư đã chấm dứt và đã
thành công với hơn 200.000 đã được đưa vào miền Nam. Đây cũng là lúc
mọi người chờ xem Việt Minh, kẻ mới tới, đối xử ra sao với người dân
Hà Nội? Nhiều người hy vọng rằng sẽ được đối xử tử tế?
Dĩ nhiên còn
lại 200 ngày của Hải Phòng để người dân nhận biết vàng thực hay vàng
giả. Vì thế, không ít người đã trì hoãn lại việc ra đi vào miền Nam.
Cộng thêm tết nhất gần tới, dân quê thì muốn thu gặt cho xong... Bấy
nhiêu lý do để người di cư sống chờ đợi. Wait and see.
Dưới đây,
xin ghi lại chứng từ của bác sĩ Dooley, một trong những người Mỹ
cuối cùng còn ở lại miền Bắc, Hải Phòng trước thời hạn tiếp thu. Bác
sĩ Dooley {1927-1961} làm việc trên tầu USS Montague, sau ông tình
nguyện làm việc cho các trại tạm cư tại Hải Phòng, ông được đại tá
tình báo Edward G. Landsdale tin dùng. Sau 1955, ông tình nguyện
sang Lào mở chẩn y viện rồi bị bệnh ung thư, ông chết rất sớm. Có
những vận động phong thánh cho ông, nhưng không có kết quả, ông bị
tai tiếng vì đồng tình luyến ái.
Sau này, TT
Kennedy, nước Mỹ coi ông như một biểu tượng cho giới trẻ Mỹ.
Nhưng đối
với người Việt thì coi ông tượng trưng cho lòng nhân đạo và lòng bác
ái.
Cuộc di cư
này đậm nét với biểu tượng hình ảnh bác sĩ Dooley. Người Việt di cư
còn rất xa lạ với người Mỹ. Nhưng qua bác sĩ Dooley như một thứ đại
sứ tinh thần, người Việt di cư nhìn người Mỹ với đôi mắt thiện cảm
và lòng biết ơn.
Không mấy
người Việt di cư mà lại không một lần nghe về vị Bác sĩ này. Ông đã
sát cánh bên cạnh người di cư từ lúc đầu đến lúc cuối, nhờ đó ông
báo cáo những khó khăn đủ loại mà người di cư gặp phải trong lúc tạm
thời ở các trại tiếp cư. Ông cũng là một trong những người Mỹ cuối
cùng ở lại để thu dọn các trại tiếp cư trước khi ra Đồ Sơn và từ đó
lên tầu vào Miền Nam. Bác sĩ Dooley đã ghi lại hồi ức cái ngày cuối
cùng đáng ghi nhớ ở Hải Phòng như sau: “It was relatively quiet
during the transition. The Navy Base close to day, the piers are
gone, the building are emptied. There is nothing left in my
warehouse there; all have been transferred to the ship”.
{Trích OPTF, trang 204}
“Trong lúc
chuyển tiếp thì tương đối yên ổn. Căn cứ Hải Quân hôm nay đóng cửa,
các bến tầu đã mất dạng và tòa nhà thì trống không. Chẳng còn thứ gì
trong kho hàng của tôi ở đó cả, tất cả đã được chuyển lên tầu rồi”.
Điều này cần
được nhấn mạnh thêm, vì phần đông người di cư đã không biết rằng,
trong cuộc di cư người này, cả người Mỹ và người Pháp đều không muốn
để lại bất cứ tài sản vật chất nào xét ra có lợi cho cộng sản. Ngoài
300.000 ngàn tấn trang thiết bị quân sự trù liệu được chở vào Nam.
Phần còn lại gồm phần lớn các cơ sở kỹ nghệ nhẹ được người Pháp và
chính quyền Quốc gia giúp đỡ để chuyên chở vào miền Nam. Người ta
trù liệu đến việc tháo gỡ nhà máy cement Hải Phòng, mỗi năm sản xuất
khoảng 400.000 tấn. Mỏ than Hòn Gai chừng 2 triệu tấn/năm, nhà máy
dệt Nam Định v.v. Cho dù, dự định tháo gỡ toàn bộ trang thiết bị
không thể thực hiện đồng bộ thì công việc tháo gỡ từng phần cũng gây
trở ngại không ít cho chính quyền Việt Minh sau này.
Ngày 9 tháng
5, chuyển giao quyền hành cảng Hải Phòng cho Việt Minh mà không có
điều gì trục trặc xảy ra kết thúc hơn một năm trời việc tiếp đón và
chở người di cư miền Bắc vào miền Nam.
Chiếc tầu
chiến cuối cùng của Mỹ dời Đồ Sơn là chiếc General Brewster mang
theo toàn bộ lực lượng an ninh của Pháp còn ở lại cũng như tất cả
các trang thiết bị của họ. Chưa kể hơn 500 người di cư cuối cùng
trong đó có người cha và đứa con gái ra di để lại vợ, vì bà này
không muốn đi khỏi Hà Nội.
Giai đoạn di cư: Operation Passage to Freedom
Để di chuyển
hơn 800.000 người di cư từ miền Bắc vào miền Nam, một mình người
Pháp và chính quyền quốc gia không thể nào cáng đáng nổi.
Thủ tướng
Ngô Đình Diệm đã kêu gọi sự giúp đỡ của người Mỹ vào công việc này.
Tổng thống Eisenhower hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Diệm đã ra
lệnh cho chủ lực 90 của đệ thất hạm đội Mỹ đến Việt Nam giúp đỡ việc
chuyên chở người di cư. Đoàn này đã trở thành những chiến sĩ hòa
bình giúp đỡ dân chúng miền Bắc đi tìm tự do. {Trích Cuộc Di Cư
Lịch Sử, trang116}
Kể từ ngày 8
tháng 8 cho đến 20/ 8/1954, chương trình của quân đội Pháp là di
chuyển bằng máy bay vào khoảng 1500 người mỗi ngày với tổng số
15.400 người. Cho đến tháng 5 năm sau, máy bay Pháp đã di chuyển vào
Nam được 172.783 thường dân Việt Nam, 6187 quân đội quốc gia và
25.459 quân đội Pháp. Cộng chung, máy bay của Pháp đã chuyên chở
đươc 213.635 người di cư, 11.206 thường dân Pháp.
Tầu của Pháp
cũng di chuyển được tổng cộng là 234.975 người di cư. Nếu cộng chung
hai số lượng người di cư vào miền Nam bằng máy bay và bằng thuyền
thì người Pháp đã chở được gần nửa triệu người di cư vào miền Nam,
con số chính xác là 448.610 người. {Trích OPTF, trang 205}
Số còn lại
hơn 300.000 người di cư là do người Mỹ đảm trách theo kế hoạch có
tên Operation Passage to Freedom.
Những con số
vừa nêu trên so với tài liệu chính thức trong Cuộc Di Cư lịch sử
của Phủ Tổng Ủy di cư cũng không mấy khác khác biệt?
Theo tài
liệu trong Cuộc Di Cư Lịch Sử, máy bay Pháp chở được 4280
chuyến, tổng cộng 213.635 người. Bên cạnh máy bay của Pháp còn có
các hãng máy bay tư giúp sức như Air France, Air-Việt Nam, Autrex,
Aigle-Azur, Air-Outremer, Cat, Cosara và U.A.T. Đó là cây cầu hàng
không lớn nhất nối liền giữa Hà Nội, Hải Phòng- Sàigòn, dài 1174 cây
số.
Trong lòng
mỗi chiếc máy bay đã được tháo gỡ hết các ghế và dụng cụ để dành
thêm chỗ rộng trở thêm được nhiều người tỵ nạn.
Tàu thủy
Pháp chở được 338 chuyến, tàu Mỹ 109 chuyến, tàu Anh 2 chuyến, tàu
Trung Hoa, 2 chuyến, tàu Ba Lan, 4 chuyến, tổng cộng là 555.037
người.
Và một số
người đi bằng phương tiện riêng là 102.861 người.
Cộng chung
tất cả là 871.5533. Một con số được coi là khá chính xác. {Trích
Cuộc Di Cư lịch Sử, trang 120}
Trước khi
thực hiện kế hoạch này, người Mỹ đã chuẩn bị kỹ càng mọi chuyện như
thăm dò cảng đỗ cho tầu chạy dài từ Hải Phòng ra đến Đồ Sơn, phòng
ngừa sự phá hoại của Việt Minh đối với các tầu chiến đậu ở cảng và
ngoài khơi Hải Phòng. Chuẩn bị đủ các loại tầu cho việc di chuyển
này: đủ loại tầu tiếp viện, đủ loại tầu đổ bộ, đủ loại tầu chở xe
tăng, thiết giáp, tầu sửa chữa, tầu cao tốc, tầu tấn công, tầu dầu,
tầu bệnh viện vv..Tất cả là 113 chiếc.113 chiếc này đã chuyển người
từ Bắc vào Nam, có chiếc đã 3 hoặc 4 lần di chuyển từ Bắc vào Nam.
Chẳng hạn các tầu há mồm LST đã để ra 651 ngày hải trình trên biển.
Loại tầu LCU để ra 579 ngày. Loại tầu APA 264 ngày. Tổng cộng toàn
thể các tầu Mỹ đã để ra 2181 ngày hải trình để chuyên chở người di
cư từ Bắc vào Nam. {Trích OPTF, trang 139}
Đó là những
con số khó có thể tưởng tượng ra nổi. Nó nói lên nhiều điều, trong
đó báo hiệu kể từ nay, nước Mỹ sẽ còn dính dáng nhiều đến chính thể
miền Nam còn non trẻ. Những tên tuổi như Eisenhower, Nixon, Kennedy,
Johnson, Kissinger, Mc Namara sẽ gắn liền với những biến cố lớn nhỏ
ở miền Nam.
Số phận dân
miền Nam nay tùy thuộc họ. Lúc đầu họ đến với những hào quang, lòng
kính phục, lúc họ đi chỉ còn là cay đắng và miệt thị.
Nhưng dù thế
nào thì họ cũng đã đến.
Muốn chuyên
chở được như thế, hải quân Mỹ phải hủy bỏ tất cả các hải trình huấn
luyện đã nằm trong kế hoạch với chính phủ Nam Hàn v.v.
Ngoài ra họ
đã chuẩn bị 85 ngàn phao cứu sinh, life jackets, 85 ngàn chiếu,
700.000 đôi đũa, 17 ngàn sô đựng nước, 150 ngàn tấn gạo. Còn cần
chuẩn bị đầy đủ xăng dầu, đồ khô, đồ đông lạnh, ly giấy cho mỗi
chuyến hải trình.
Họ tổ chức
bài bản lắm. Từng chi tiết một. Từng nhu cầu nhỏ cho người di cư
theo cách sống của họ. Một cái kẹo cho trẻ nhỏ, nghe thì dễ, nào đã
mấy người nghĩ ra được? Vì thế, trẻ con mới nhớ đời. Người lớn thì
từ cái bàn chải đánh răng, kem đánh răng, chiếc khăn mặt mà rất
nhiều người di cư xử dụng lần đầu tiên trong đời họ.
Phải nói là
đâu ra đấy. Hơn Pháp nhiều. Không phải chỉ có tiền bạc mà còn là óc
tổ chức, rất lô gích. Tỉ dụ, để cho tầu chiến của họ có bến đậu,
Pháp chẳng giúp gì được cho họ. Họ làm đủ các thứ cần thiết để bảo
đảm cho tầu của họ có thể cập bến an toàn suốt từ Hải Phòng ra đến
Đồ Sơn. Trong vòng có mấy ngày phải xong.
Trên tầu,
vấn đề vệ sinh cá nhân cho người di cư là tối cần thiết. Thủy thủ Mỹ
đã “sáng chế ” những cầu tiêu dã chiến bằng các sô nhựa cắt
đôi, rồi ghép ván lên trên để ngồi. Một chiếc tầu chở 2000 người cần
có 50 chiếc cầu tiêu dã chiến như thế. Và còn phải chỉ dạy cách xử
dụng cho đúng, vì có nhiều người tị nan xử dụng các thùng cầu tiêu
này để giặt giũ và tắm rửa cho trẻ con.
Họ đáng hãnh
diện về những điều họ đã làm. Mà những việc làm này do những thủy
thủ tầm thường trên tầu tự nghĩ ra. Không ai dạy họ. Cũng không ai
ra lệnh cho họ phải làm. Không ai bắt họ phải dạy cho một đứa trẻ
lên 5 cách cầm cây gậy khúc côn cầu. Không ai dặn dò một thủy thủ da
đen cạo sơn trên thành tầu với một chú thợ phụ chưa quá 8 tuổi. Cả
hai làm việc một cách tự nhiên và thoải mái.
Những cảnh
như thế đẹp lắm. Rất là người.
Họ lo cho
bữa ăn người tị nạn một cách gọn và chu đáo, hợp khẩu vị được chừng
nào hay chừng đó.
Họ tỏ ra rất
nhân bản, đầy tình người. Còn người tị nạn tỏ ra một quyết tâm không
gì lay chuyển được. Hai yếu tố tinh thần đó đã làm nên chuyện lớn:
chuyện người di cư 54-55. Đó cũng là chuyện người đàn ông đang kéo
một chiếc xe bò, mặc quần xà lỏn, đôi chân trần gò lưng kéo xe. Đằng
sau chỉ thấy loáng thoáng một bóng dáng phụ nữ đẩy xe và ba bốn bàn
chân khác nhìn được dưới gậm xe.
Tôi nhìn và thấy ở đấy sức mạnh của người di cư 54-55
Như lời nhận
xét của tác giả OPTF, trang 163: The stories of the Vienamese
provide insight into not only the obstacles they had to face from
the Viet Minh but also the strenght of conviction that helped
them go on this passage to freedom. Mr Tran Van Tru, a
fifty-six-year-old catholic farmer from Hải Hậu district, Bui Chu
province, told what the eight people in his family went through to
arrive in Hai Phong: We abandoned our house, our garden, our rice
field to flee South. We arrived November 2, 1954, without having
been able to bring any thing with us”. ''Nội dung
câu chuyện của những người dân Việt cho thấy không chỉ vì những
chướng ngại mà họ phải đối diện với bọn Việt Minh, mà còn là niềm
xác tín vững mạnh đã giúp cho họ tiếp tục trên con đường đi tìm tự
do. Ông Trần Văn Trụ, một nông dân công giáo, 56 tuổi, đến từ huyện
Hải Hậu, tỉnh Bùi Chu, kể lại những gì mà 8 người trong gia đình ông
đã trải qua để tới Hải Phòng: Chúng tôi đã bỏ lại tất cả nhà cửa,
vuờn tược, ruộng nương để chạy trốn vào trong Nam. Ngày 2 tháng 11,
1954, chúng tôi đến nơi mà không mang theo được một thứ gì''.
Rất tiếc là
ngày nay, ít khi chúng ta còn được nhìn thấy những đôi mắt quyết tâm
như thế.
Trên mỗi
tầu, hải quân Mỹ yêu cầu người Pháp cung cấp thông dịch viên, nhưng
không có đủ. Một số người di cư có học và nhất là một số linh mục đã
giúp một tay đắc lực trong truyện này. Vai trò của mấy vị linh mục
trên mỗi chuyến tầu như trung gian để giải quyết những khó khăn cũng
như khi cần giải thích hoặc quy luật nội bộ cần phải được tôn trọng
và tuân theo trên tầu.
Người viết
nghĩ rằng, người Mỹ đã tổ chức, kế hoạch tỉ mỉ, quy mô, dự liệu tất
cả mọi nhu cầu cần thiết cho người tỵ nạn khi bước lên tầu cho đến
lúc rời khỏi tầu. Những kỷ niệm đẹp, nhiều kỷ niệm khó quên trên các
chuyến tầu Mỹ chở người di cư, nay nhiều người không thể không nhớ
lại.
Có những
thủy thủ đoàn đã quyên góp tiền lương và tặng lại cho người di cư đi
trên các chuyến tầu của họ.
Nhiều người
sẽ không quên được những giường nằm cá nhân treo lủng lẳng lên bằng
những giây xích sắt gồm bốn tầng đu đưa trên không. Những gói quà
nho nhỏ “welcome kits” do thủy thủ đoàn trao tặng mỗi người tị nạn
trong đó có thuốc đánh răng, bánh sà bông, khăn mặt, kẹo và hộp sữa
nhỏ có ghi: From the people of America to the people of Viet Nam
– a gift. {Tóm lược bài báo của Gertrude Samuels, Passage to
Freedom in Việt Nam, số tháng 6-1955, trang 15}
Khi đặt chân
xuống cảng Sàigòn, người ta nhận thấy hình ảnh những người di cư,
phần đông người nào cũng đội một cái nón, áo vải nâu đậm khác với
mầu đen của người Sài gòn. Người Bắc áo nâu, người Nam áo đen. Đàn
bà chít khăn, rẽ ngôi giữa, răng nhuộm đen, đi chân đất, dáng mệt
mỏi tay xách nách mang hoặc bồng con dại, nét mặt ngơ ngác, ngại
ngùng bối rối, câm lặng khi bước chân đến một nơi xa lạ như đất
Sàigòn. Một Sàigòn xa hoa, thanh lịch, xe cộ chạy như mắc cửi đến
lóa mắt, nhất là những chiếc xe gắn máy lao đi như một mũi tên nhả
khói mù mịt cộng với tiếng còi xe inh ỏi, tiếng nói lạ tai.
Xin dẫn một
chứng từ về tâm trạng một người di cư khi đặt chân lên bến cảng Sài
Gòn đã được đăng trên báo Tự Lập như sau: “Hải Phòng, tờ mờ sáng,
trên các ngả đường, đông đảo đồng bào đã lũ lượt chen chúc để lên xe
chở đến bến tầu thủy vào Nam. Tưng bừng và náo nhiệt... Tất cả nói
lên sức sống rồi rào và tinh thần bất khuất của quần chúng dưới ách
độc tài cộng sản... Hành lý cồng kềnh nặng nề của đồng bào đã có
đoàn cán bộ đeo thẻ trắng ở ngực tận tâm khuân vác giúp xuống tầu.
Chúng tôi đã nhanh nhẹn trèo lên boong tràn ngập niềm tin. Đối chiếu
luận điệu tuyên truyền của VM với những điều tai nghe mắt thấy ở
đây, người ta đều thông cảm nhau qua nụ cười mỉa mai có ý khinh bỉ.
Trông kìa, một thủy thủ ngoại quốc già đang học gánh, ông ta gù cả
lưng, rụt cả cổ, hai tay trước mặt cố đè cái đầu đòn gánh cho khỏi
bị võng mà vẫn nặng quá, loạng choạng không sao bước được. Trên tầu,
những tràng cười nổi lên.
Tầu nhổ neo
và dần dần ra biển. Tầu Marine Serpent, một chiếc tầu Mỹ lớn có thể
chở được 6.000 người...Chúng tôi tha hồ ngắm cảnh nước non, lòng tôi
thư thái, tâm hồn tôi phơi phới. Phải chăng, tôi vừa thoát khỏi một
chốn tù đầy mà sống lại ở giữa cõi đời? Gặp nhau đây là xóm làng họ
hàng, là bà con thân thích cả. Dưới trời tự do, sức lực con người sẽ
đem ra xây dựng cho đời mình cơm no áo ấm, khỏi phải ”ký cóp cho cọp
nó sơi”, kẻ làm, sống khổ, người ngồi ăn ngon. Sự tổ chức trong tầu
chu đáo và khoa học lắm. Người ta được lĩnh cơm ngày hai bữa, rất
đầy đủ, món ăn được săn sóc kỹ càng... Mấy vị bác sỹ người Mỹ thân
hành đi buồng này đến buồng khác, dừng lại trước giường nằm của từng
người đề phân phát thuốc chữa say sóng.
Tầu cập bến
Sài Gòn một sớm mai trời đẹp. Bình minh lên như đời sống đang vươn
lên.. ánh sáng rực rỡ của mặt trời phương Nam cũng là ánh sáng tự do
của đồng bào di cư Bắc Việt hàng khao khát.. Đồng bào chen chúc lên
đứng chật boong, lặng nhìn “cảnh ngựa xe như nước của hòn ngọc Viễn
Đông”. Lòng người bâng khuâng, hồi hộp trước sự tiếp đón dản dị
nhưng cảm động của chính phủ Quốc Gia...
Riêng gia
đình ông Phạm Hùng Sơn, chủ gia đình thứ 100.000 người di cư do tầu
thủy Mỹ chở vào... Hải quân Mỹ đã dành riêng chiến hạm G.C 12 để chở
mình gia đình ông vào Nam. Và chính Thủy sư đô đốc hải quân Mỹ cũng
có mặt trên chiến hạm này để săn sóc gia đình ông Phạm Hùng Sơn”
{trích Cuộc Di cư lịch sử, trang 122-123}
Và chỉ đến
cuối năm 1954, nghĩa là sau 4 tháng hoạt động, các chiến hạm Mỹ đã
chuyên chở được 175.227 thường dân và 14.089 binh sĩ từ Bắc vào Nam
Cộng thêm 6388 xe cộ và 50.238 tấn trang thiết bị. Nghĩa là hơn một
phần ba trên tổng số người di cư do hải quân Mỹ đảm nhận. {Trích
OPTF, trang 193}
Vấn đề số người Thiên Chúa giáo di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định
Genève
Có rất nhiều
con số khác nhau khi nói vế số người Thiên Chúa giáo di cư.
-
Số liệu
chính thức của giám mục Phạm Ngọc Chi, người chịu trách nhiệm trực
tiếp trông coi khối người Thiên Chúa giáo di cư lấy
tên là: “Ủy ban hỗ trợ định cư”, văn phòng ủy ban đặt cạnh
nhà thờ Huyện Sỹ, đường Bùi Chu, SàiGòn. Giám mục Phạm Ngọc Chi đã
làm phúc trình và chính thức gửi về Bộ truyền giáo La Mã. Theo phúc
trình, có tổng số 860.206 người di cư từ miền Bắc vào miền Nam,
trong số đó có 676.348 người là giáo dân .
-
Tài liệu của
cơ quan cứu trợ Mỹ đưa ra như sau: tổng số người di cư: 887.895.
Trong đó 85% là Thiên Chúa giáo: 754.710. Phật giáo và tin lành: 15%
133.185.
-
Theo Stephen
Denney trong bài viết mới đây nhất: Giáo hội công giáo tại Việt
Nam, bản dịch do anh Đỗ Hữu Nghiêm chuyển ý, một bài viết với
rất nhiều tài liệu dẫn chứng đã cho rằng có khoảng 900.000 người di
cư trốn khỏi miền Bắc, trong số đó 700.000 người Thiên Chúa giáo
và gồm có 619 linh mục, 5 giám mục và để lại miền Bắc 375 linh mục,
4 giám mục Việt Nam và 2 giám mục ngoại quốc.
-
Theo Trần
Tam Tỉnh trong Thập Giá và Lưỡi Gươm, trang 113, căn cứ vào
thống kê của các giáo phận và của Việt Minh, ông đưa ra một biểu đồ
tỉ mỉ và chi tiết về số người Thiên Chúa giáo di cư như sau: Các
tỉnh có số người Thiên Chúa giáo chiếm 50% tỉ số dân chúng di cư gồm
Bắc Ninh 52%, Phát Diệm 58%, Bùi Chu 60%, Thái Bình 50%, Lạng Sơn
50%, Hải Phòng 51%. Tổng số người Thiên Chúa giáo miền Bắc là
1.390.000 và tổng số người di cư có đạo là 543.500 người cộng
với 809 linh mục. Đây là con số người có đạo di cư thấp nhất được
đưa ra.
-
Theo Piero
Gheddo trong cuốn sách Catholiques et Bouddhiste au VietNam,
trong phần chú thích, trang 99, ông ghi lại như sau: Theo tài liệu
của ông giám đốc của ủy ban di cư thì có: 928.152 người di cư, trong
đó có 794.876 là người Thiên Chúa giáo.
-
Nhưng theo
cơ quan thông tin Thiên Chúa giáo quốc tế, số ra ngày 15/4/1956,
trang 17, có 860.206 người di cư, trong số đó có 676.384 người
theo đạo.
-
J. Buttinger
trong Viet Nam, a dragon embattled, London, 1967, trang 900
cho rằng khó có thể có con số chính xác về số người di cư. Vì tài
liệu về người di cư đã bị hỏa hoạn trong vụ nổi loạn của Bình Xuyên
vào năm 1955. Mặc dầu vậy, ông đã đưa ra con số hơn một triệu người
di cư trong đó có vào khoảng trên dưới 200.000 quân nhân. {Con số
200.000 quân nhân là không chính xác.} Thường dân có 706.000 người,
dân thuyền chài là 88.000 người, công chức, sinh viên, tiểu thương
gia là 133.000. Cộng chung là 927.000. Không cho biết số lượng giáo
dân là bao nhiêu.
-
Trong một
bài viết của bà Đặng Phương Nghi {Bà Đặng Phương Nghi tốt nghiệp
trường École des Chartes, cựu Giám đốc nha Văn Khố và thư viện VNCH
trước 1975}. Dựa vào báo cáo của ủy ban kiểm soát quốc tế cho thấy
có 888.124 người di cư {số của Nam Việt} và 892.876 {số của Bắc Việt}
so với số 4.269 người bỏ miền Nam ra miền Bắc. Nhưng những con số
trên không kể đến binh
lính,
hoặc những người đã trốn vào Nam sau ngày 20/7/1955. Bà Đặng Phương
Nghi cho rằng trong Nam vào đầu năm 1954, có 700.000 người Thiên
Chúa giáo, mà toàn quốc có 1.600.000. Trừ 700.000 của miền Nam thì
miền Bắc có 900.000 người có đạo. Nếu 700.000 người di cư thì ở miền
Bắc chỉ còn lại 200.000 giáo dân.Thế mà tài liệu chính thức của giáo
hội miền Bắc vào năm 1964, lập theo từng địa phận sau này cho biết
có 833.468 giáo dân. Phần giáo hội miền Nam nay tăng thêm 700.000
giáo dân thì tổng cộng sẽ là 1.400.000 người. Vậy mà theo ước lượng
của giáo hội vào năm 1960, trong Nam chỉ có từ 1 triệu mốt
đến 1 triệu hai giáo dân theo Seigliano ghi lại. Như vậy, con số
700.000 ngay cả 600.000 giáo dân di cư vào miền Nam là con số cần
được xét lại. Và theo bà Đặng Phương Nghi, con số 700.000 là con
số thổi phồng, quá khích. Theo cách tính của bà, con số giáo dân
di cư không quá 500.000 như Trần Tam Tỉnh xác nhận và có thể chỉ độ
200.000 người như các cách tính trước đây, tức chỉ tương đương với
25% đến 50% tổng số dân ci cư thay vì 65% như tối thiểu được ghi
chung trong các sách. Theo cách tính của bà, con số thích hợp
gần đúng nhất chỉ là 238.755 giáo dân mà thôi {Trích Về số người
Công giáo di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Genève, Đặng Phương
Nghi}
-
Mới đây nhất,
tác giả Ronald B. Frankụm Jr.trong Operation Passage to Freedom
khẳng
định như sau: “Those Vienamese who made the decision to leave
their homes in the North for so many reasons. Approximately
one-third of the people who fled were Catholics and left as a result
of Viet Minh treatment of those who followed the Church. {Trích
sách trang 14} Đối với những người Việt Nam đã quyết định dời bỏ nhà
cửa của họ ở miền Bắc thì có nhiều lý do khác nhau. Gần như một phần
ba những người trốn khỏi miền Bắc là người Thiên Chúa giáo và họ đã
ra đi vì lý do cách đối xử của Việt Minh đối với giáo hội của họ.
Một phần ba của con số 800.000 ngàn người là trên dưới gần 300.000
người theo đạo.
Cách tính
của bà Đặng Phương Nghi có thể là con số gần đúng.
Và tôi nghĩ
rằng, cách tính chính xác nhất là căn cứ vào danh sách các người di
cư có đạo ở trong các trại di cư là thuận lợi nhất.
Vì thế nên căn cứ vào số giáo dân nằm rải rác trong các trại di cư
lớn như Hố Nai, Gia Kiệm và Cái Sắn. Chẳng hạn ở các trại định cư
Cái Sắn, một trong những chương trình định cư lớn nhất, trù liệu là
120.000 dân, trong đó có 20.000 dân địa phương cho thấy số giáo dân
thực sự ở đây là 50.000 người và dự tính có thể thêm vài chục ngàn.
Nhưng thực sự các lô đất được chia làm nhà ở là 8086 lô. Giả dụ mỗi
gia đình trung bình là 6 người thì mới đạt con số 50.000 dân di cư.
Hố Nai và vùng phụ cận trù liệu 5, 6 chục ngàn người. Nhưng con số
lúc đầu chỉ là 41 ngàn. Và theo bảng dự tính số người định cư của Mỹ
trù liệu thì Biên Hòa là 100.000 người, Xuân Lộc là 200.000 người,
trong đó có nhiều người theo đạo ông bà và đạo Phật. Người ta sẽ
thấy số giáo dân không thể quá 300.000 người được.
Nhưng nay
nếu chúng ta căn cứ vào những con số của Hải quân Mỹ đưa ra có phần
chính xác hơn cả thì đã hẳn con số người Thiên Chúa giáo di cư
lại một lần nữa cần phải được xét lại. Theo Ronald B. FranKum,
Jr. trong Operation Passage to Freedom thì: người Pháp đã chở
bằng máy bay và tầu chiến tất cả là 448.619 người di cư vào miền
Nam. Tầu chiến Mỹ nhận chuyên chở phần còn lại là: 310.848, với
41.378 nguời đi tự túc. Và cộng chung hai con số của người Pháp và
Mỹ, ta có 800.786 người di cư. Nhưng nếu trừ ra số quân nhân Pháp
Việt và thường dân Pháp cộng chung là 200.000 người. Lấy 800.786
người di cư trừ số thường dân Pháp và quân nhân, chúng ta vỏn vẹn
còn 600.000 người di cư. Vậy mà phần lớn các tài liệu dẫn chứng ở
trên đều cho thấy số giáo dân di cư là khoảng 700.000 người. Nếu
chấp nhận con số người di cư của Hải quân Hoa Kỳ đưa ra thì con
số giáo dân di cư không thể quá con số 300.000 người được.
Ngoài các
trại di cư lớn mà con số lên đến vài chục ngàn người... Các trại còn
lại hơn trăm trại lẫn lộn các tôn giáo cũng có, mỗi trại từ 2000
người đến 5, 6000 ngàn người là nhiều rồi.
Vì vậy, căn cứ vào số người Thiên Chúa giáo định cư tại các trại thì
con số khoảng chừng 300.000 là con số tương đối xác thực nhất
Cho dù không
làm cách nào đạt được một con số thật chính xác và khả dĩ được mọi
người được chấp nhận thì cái tiếng là đa số người di cư theo đạo
công giáo cũng là một điều vinh hạnh rồi.
Và đứng về
mặt ý thức hệ thì hệ số tôn giáo thật sự không mấy quan trọng trong
tầm nhìn lịch sử trong việc đấu tranh loại trừ cộng sản ra khỏi con
đường mà Việt Nam đang phải đi tới sau này.
Di cư vào
được miền Nam đã là một kỳ công đối với mỗi người di cư. Nhưng vấn
đề trước mắt là làm sao ổn định được đời sống, bảo đảm tương lai cho
chính mình và con cái mình.
Tương lai
đang chờ đón những người mới tới ở giai đoạn định cư sau đây: Đã có
quyết tâm ra đi, người di cư miền Bắc còn có quyết tâm xây dựng một
đời sống mới ngay từ những ngày khởi đầu định cư. Nhờ đó sau này con
số chưa tới một triệu người di cư đã làm thay đổi bộ mặt dân miền
Nam về mọi phương diện: từ văn hóa đến giáo dục, xã hội và kinh tế
và quân đội. Ở mặt nào, hình như họ cũng có phần trổi bật lên và
điều đó có tác dụng thúc đẩy người dân miền Nam nói chung cùng tiến
lên trong bối cảnh đối đầu Nam Bắc. Nhưng đã hẳn cũng có những mâu
thuẫn, những clash về dị biệt đời sống không tránh khỏi.
Giai đoạn định cư
Có lẽ đây là
giai đoạn chính có sự trực tiếp chỉ đạo của chính quyền
VNCH mà cả người Pháp hay người Mỹ đều không thể trực tiếp
nhúng tay vào.
Ngày
4/8/1954 là ngày quyết định thiết lập một cầu hàng không chở người
di cư từ miền Bắc vào miền Nam mà tổng số là đã có hơn 200.000 được
không vận từ Bắc vào Nam. Con số thật không nhỏ.
Tiếp theo
sau đó, ngày 9/8/1954, chính quyền miền Nam do thủ tướng Ngô Đình
Diệm cầm đầu đã cho thiết lập một phủ Tổng Ủy di cư, phụ trách giúp
đồng bào tỵ nạn theo NĐ 111TTP-VP.
Ông Nguyễn
Văn Thoại làm Tổng Ủy trưởng di cư, phụ tá là kỹ sư Đinh Quang Chiêu.
Mỗi ngày có khoảng 50-70 chuyến bay từ miền Bắc vào miền Nam, đem
theo khoảng 1500 dân di cư mỗi ngày.
Đấy là cầu
không vận lớn nhất chưa từng có để chở người di cư từ miền Bắc vào
miền Nam.
Ngày
17/8/1954, có buổi họp giữa ông Thoại và các viên chức Pháp và Mỹ.
Về phía Pháp có tướng Ely, Jean Gambiez {cố vấn cho ông Nguyễn Văn
Thoại}. Về phía Mỹ có tướng O’Daniel và đô đốc Sabin, thông qua cơ
quan MAAG và STEM. Đại tướng O’Daniel đã chỉ định đại tá Rolland
Hamelin, đại diện ông để làm việc với hải quân Mỹ.
Kết quả là
phía người Pháp cung cấp 30 xe vận tải để chở người di cư từ bến tầu
đến các trại tạm trú. Phía chính quyền Việt Nam cung cấp 100 xe vận
tải trong việc chuyên chở này. {Trích OPTF, trang 97}
Những người
di cư đầu tiên được chở đến các trại tiếp cư rải rác khắp Sài
Gòn. Có 10 trung tâm tiếp cư chính là: Phú Thọ, Xuân Trường {Thủ
Đức}, Nhị Thiên Đường, Bình Đông 1, Bình Đông 2, Bình Đông 3, Bảo
Hưng Thái, Rạch Rừa, Bình Trị Đông và Bình Thới. Ngoài ra còn có
những trung tâm tiếp cư lẻ tẻ như Bệnh viện Bình Dân, Nhà Kiếng, Tân
Sơn Nhất, Dạ Lữ Viện, Rạch Dừa và các trường học ở Sàigòn, Chợ Lớn,
Gia Định, Thủ Đầu Một hay ở Gò Vấp như các trường Tôn Thọ Tường,
Nguyễn Tấn Nghiệm, Pétrus Ký, Cây- Gỗ lớn, Cây-Gỗ nhỏ, Đỗ Hữu
Phương, Phú Thọ, Đakao, Khánh Hội và các trạm cứu hỏa đường Trần
Hưng Đạo, tỉnh Gia Định và trại tiếp cư Hòa Khánh ở Chợ Lớn v.v..
Các thành phần như sinh viên, học sinh, nhất là phái nữ thì được ưu
tiên tạm trú tại trường Gia Long, trường Pétrus Ký và 2000 người tạm
trú tại các trường học ở Gia Định vì lúc đó các trường đang nghỉ hè.
Nhân dịp này,
nhắc lại các nữ sinh, hoặc nữ sinh viên nào có dịp đến tạm trú ở
trường Gia Long nhớ cho rằng đã có sự cứu trợ của cơ quan The
Intertionnal Rescue Committee đến giúp quý bà cho những nhu cầu
thiết yếu {in the form of living essentials} như tặng quạt máy, đèn
bàn học, thuốc diệt sâu bọ, bàn ủi, quần áo và sà bông, Vân vân và
vân vân… Chưa kể mở các lớp huấn nghệ xã hội như về sản khoa, chăm
sóc trẻ con v.v. {trích tài liệu International Assistance to
Refugees, The Junior Chambre International. J.C.I or JAYCEE}.
Chắc nhiều
người di cư không quên được những ngày đầu tiên ở trại di cư Phú
Thọ.
Xin để vài
dòng hồi ức lại trại tạm cư này. Trại di cư Phú Thọ còn được gọi là
Phú Thọ “lều”, vì ở trong các lều. Các lều này được chuyên chở từ
Nhật về trong các kho dự trữ của chính phủ Mỹ ngày 31/7/1954. Đợt
đầu tiên là 2000 căn lều bạt đã tới Sàigòn và trù liệu chỗ trú ẩn
cho 40.000 dân di cư. Tức khoảng 4 gia đình với trung bình 4 người
trong một nhà lều.
Phủ Tổng Uỷ
di cư đã phải cử về đây hằng trăm nhân viên để phục vụ đồng bào mà
trung bình có hai ba ngàn người mỗi ngày được chở đi định cư. Nhưng
ngay tức khắc có hai ba ngàn người khác được gửi tới.
Trại tiếp cư
Phú Thọ lều cũng như trại Tân Sơn Nhất là một trong vài trại đông
đảo và tấp nập nhất người đến kẻ đi.
Trại Phú Thọ
bao gồm trung bình khoảng 16 ngàn dân di cư và 28 ngàn quân nhân.
Trại di cư Phú Thọ là một trong những trại di cư kiểu mẫu, tổ chức
quy củ, sạch sẽ. Ai xả rác hoặc ở dơ dáy thì bị phạt. Trại được tổ
chức có các cửa hàng cắt tóc, tiệm thợ may, tiệm thuốc tây, tiệm bán
guốc, tiệm bán các đồ câu cá, tiệm bán nước giải khát... Dân trong
trại chỉ phàn nàn, vì họ chưa có một nhà nguyện, vì phần đông đều là
người theo đạo. Sau này, trại di cư Phú Thọ trở thành kiểu mẫu cho
các trại tạm cư.
Chẳng biết
đã có ai còn nhớ một câu viết bằng phấn trên mặt vải một lều tị nạn
một câu như sau: “Dân Sàigòn hân hoan chào mừng những người
anh em miền Bắc”.
Ngày
21/8/1954, giáo sư Ngô Ngọc Đối bằng mọi cách giải quyết trường hợp
các người di cư tạm trú trong các trường và làm thế nào đến hạn chót
là 30 tháng 9, phải trả lại các trường học cho dịp khai trường đầu
niên học.
Chi phí dự
trù cho việc tiếp cư này là 1.500.000.000, một tỷ rưỡi tiền Việt Nam
trong đó có các chi phí như tiền ăn uống trong 3 tháng cho mỗi người
di cư, 12 đồng/một người, 367.000.000. Chi phí cho việc xây cất một
trăm ngàn căn nhà, với giá 6000 đồng/căn, 600.000.000. Có lẽ, đây là
chi phí tốn kém nhất. Chi phí cho việc mua dụng cụ làm đồng như dạo
liềm, cuốc v.v. với số tiền 377.800.000 đồng. {Trích OPTF, trang 29}
Ngày
4/12/1954, một lần nữa, giáo sư Ngô Ngọc Đối từ chức và nhường lại
công việc cho bác sĩ thú y Phạm Văn Huyến lên thay. Ông phụ tá Bùi
Văn Lương thay chỗ phụ tá của bác sĩ Nguyễn Lưu Viên.
Số người di cư vào Nam cần định cư
Theo tài
liệu chính thức của phủ Tổng Ủy di cư thì tính đến
ngày 30/10/1955
có tất cả là 887.890 người đã được di cư vào miền Nam. Trong đó cần
định cư 596.031 người. Còn lại 140.000 sống rải rác khắp nơi
và 125.393 là gia đình các quân nhân. Để định cư con số hơn nửa
triệu người thì chính quyền đã cho thiết lập được 156 trại ở Nam
Phần, 65 trại ở Trung Phần và 34 trại ở vùng Cao Nguyên. Cứ giả dụ
mỗi trại định cư có số trung bình là 2000 người, chúng ta sẽ dễ dàng
nhận thấy sẽ có nửa triệu người được định cư trong các chương trình
tái định cư của chính phủ.
Hơn nửa
triệu người cần được tái định cư, phải lo cho họ có nơi ăn chốn ở,
có công ăn việc làm tự túc, có trường học cho trẻ em, có trạm y tế
cho người ốm đau và nhất là nơi thờ phượng tôn giáo. Ở chỗ nào có
dân di cư thì ở đấy có chùa chiền, nhà thờ có mái chuông nhà thờ,
thánh giá có mặt. Nhất là các khu di cư công giáo. Mỗi xứ là một nhà
thờ. Nhà thờ nhan nhản khi chúng ta có dịp đi qua các khu Hố Nai,
Gia Kiệm.
Niềm tin mọc
lên như nấm.
Kể ra lối
tuyên truyền Chúa vào Nam cũng có phần sự thật.
Cái tín
ngưỡng ấy, cái niềm tin ấy, thuần chất và đầy sức mạnh bên trong với
hình ảnh của một thanh niên có đạo, sau chuyến vượt thoát gian nan
và mệt nhọc, anh nằm lăn ra đất ở trại tiếp cư ngủ mê man, nhưng
trên tay, anh không quên nắm chặt cây thánh giá để trước ngực.
Cái hình ảnh
ấy của người thanh niên hay hình ảnh những người dân quê, nét mặt
khô cằn, chắp tay nguyện cầu vẫn ánh lên một ánh mắt hy vọng và
cương quyết.
Đó là những
hình ảnh tiêu biểu của cuộc di cư này.
Nó không
mang theo tiền bạc của cải, nhưng một niềm tin, một sức mạnh tinh
thần, một quyết tâm vững bền không gì lay chuyển nổi.
Vậy mà nay
đã có thể phai nhạt và chỉ còn là hình ảnh vang bóng một thời của
thời kỳ đã qua không trở lại.
Nay còn đâu
và còn gì? Hoài niệm và nuối tiếc. Điều gì đã cướp đi tất cả những
tình cảm tôn giáo tốt đẹp ấy? Phải chăng con người bị bứng ra khỏi
gốc rễ thì sẽ không còn là con người khi trước nữa? Và một lần nữa
sau 1975, con người miền Nam bị bật gốc và lần này thì chúng ta tự
chôn, tự xóa tất cả những gì còn lại mang theo vào đời cách đây 5, 6
chục năm.
Những địa điểm được chọn lựa để tái định cư. {Resettlement}
Miền Nam
đúng là miền đất hứa. Chỗ nào cũng có thể dung nạp người di cư. Biên
Hòa hứa hẹn cho 100.000 người di cư, Thủ Đầu Một 25 ngàn, Bà Rịa
cũng có khả năng cho 100.00 ngàn người. Riêng thị xã Vũng Tàu chỉ có
thể dùng làm trại tiếp cư thôi. Nhưng dọc con đường cách Vũng Tàu độ
10 km sau này có nhiều trại dành cho dân thuyền chài như Rạch Dừa
v.v. Long Xuyên 15 ngàn người. Tây Ninh qua hội thánh Cao Đài tin
tưởng có thể dung nạp 100.000 người. Cần Thơ dành 25 ngàn mẫu đất
cho người di cư. Chưa kể các tỉnh nhỏ như Bạc Liêu, Trà Vinh, nhất
là Rạch Giá.
Trong bấy
nhiêu tỉnh, Biên Hòa hứa hẹn nhiều nhất và là một trong những trung
tâm định cư lớn với khả năng 100.000 ngàn dân di cư. Mặc dầu đất
canh tác không nhiều và không thuận lợn cho nông nghiệp. Ngay đợt di
cư đầu tiên, Biên Hòa đã tràn ngập với khoảng 30 chục ngàn dân đến
định cư.
Cho đến cuối
tháng 10/1954 đã có 135.000 dân di cư được đi định cư tại 37 trại
định cư mới được thành lập ở 11 tỉnh phía Nam và khoảng 70.000 dân
di cư được định cư tại Trung Phần như Huế 27.000 người, Đà Nẵng
11.000 người, Khánh Hòa, NhaTrang 11.397 người, Quảng Trị 7564 người.
{Trích OPTF, trang 150}
Sau này, tôi
đi tìm mỏi mắt cũng không thấy một trại định cư nào nằm trong thành
phố Huế.
Chi phí cho mỗi đầu người di cư
Cơ quan STEM
ước định, để có thể cung cấp đầy đủ cho người di cư cho đến khi họ
tự túc được thì số tiền tài trợ phải bỏ ra là ở phía Nam là:
1.205.000.000 tỉ đồng. Chưa kể khoảng một tỉ đồng cho các tỉnh miền
Trung. {Trích tóm lược trong OPTF, trang 149}
Ngày
02/02/1955, Hoa Kỳ đã hoàn tất chương trình viện trợ để ổn định
500.000 người di cư. Ngày 28/2/1955, Hoa Kỳ tháo khoán 18 triệu Mỹ
Kim giao trực tiếp cho Việt Nam mà không qua tay Pháp.
Ngày
1/7/1955, ngân khoản mà Hoa Kỳ đã trợ cấp cho người di cư là 1 tỉ 58
triệu. Trong đó có 480 triệu để trợ cấp định cư, 300 triệu để trợ
cấp cho người định cư làm nhà.
Ngày
1/7/1955, đại sứ Mỹ Rheinarat trao cho Thủ tướng Ngô Định Diệm ngân
phiếu 11 triệu Mỹ Kim của dân chúng Hoa Kỳ tặng cho người di cư.
Không quên là trước đó tháng 12/1954, tướng Lawton Collins đã trao
một chi phiếu 28.571.428 triệu Mỹ Kim. {Trích Bình Giả, quê Hai,
Đình Quang}
Cũng cần ghi
nhận là những số tiền lớn như thế đã được trao cho Thủ tướng Ngô
Đình Diệm, sau đó được phân phối cho các trại tị nạn về phân phối
lại. Cho đến nay, ít có dư luận đồn thổi về vấn đề tham nhũng về
những khoản chi tiêu này, ngay ở các cấp dịa phương cũng không mấy
có dư luận không tốt về các cấp lãnh đạo tôn giáo đạo cũng như đời.
Đó là một
điểm son cho việc định cư gần một triệu người tỵ nạn. Vâng đó là một
điểm son.
Khi tới trại
tạm cư, mỗi người được trợ cấp 12 đồng/ngày cho người lớn và 6 đồng/
ngày cho trẻ em.
Nhưng bắt
đầu từ 11/3/1955 thì ngay khi tầu cập bến được cấp 800 đồng mỗi
người, cấp một lần một và sau đó được đưa tới các trại định cư. Khi
tới trại định cư được cấp 3.000 đồng để tự túc dựng lấy một căn nhà,
chia làm ba kỳ để mua vật liệu cất nhà như tre, nứa. Chưa kể được
cấp phát giường
chiếu, chăn mùng, cấp phát dụng cụ làm ruộng, hạt giống, phân hóa
học để mưu sinh. {Tài liệu Phủ Tổng Ủy di cư, trích lại trong Bình
Giả, quê Hai, tác giả Đình Quang}.
Bên cạnh đó,
có nhiều cơ quan từ thiện như CARE cung cấp 25 ngàn thùng quần áo,
giầy dép v.v. Công việc này xét ra không thực tế, vì quần áo thường
quá rộng, mầu sắc sặc sỡ, áo phần lớn quần áo ấm dành cho mùa đông,
giày dép quá khổ như những chiếc thuyền... Khi được phân phối đến
tay mỗi gia đình đã gây những trận cười bể bụng cho người tị nạn.
Cơ quan xã
hội công giáo Hoa Kỳ, The National Catholic Welfare Conference {NCWC}
với 400.000 pounds sữa bột và sau đó còn gửi thêm một số lượng khổng
lồ là 1.000.000 pounds sữa bột, 900.000 pounds dầu ăn, bơ và phó mát.
Thật là một phí phạm vì có nhiều gia đình không ăn quen sữa bột đã
dùng cho heo ăn. Cho đến năm 1960, khi còn là sinh viên nghèo, tôi
còn mua được những thùng mỡ Shortenning dùng thay bơ, ăn với bánh mì
mỗi buổi sáng.
Bên cạnh cơ
quan xã hội công giáo Hoa Kỳ, còn có cơ quan The Catholic Relief
Service đã cứu trợ 1.1000 tấn quần áo và thuốc men. 50 máy may và
trường học dạy may, giúp xây cất 69 nhà thờ, giúp xây dựng 81 Hợp
tác xã, giúp xây một nhà thương ở Biên Hòa với 250 giường bệnh,
giúp xây dựng các trại mồ côi ở ở Thủ Đức, Gò Vấp, Ban Mê Thuột,
giúp xây dựng nhà thương cho người cùi ỏ Di Linh, giúp xây dựng 4
nhà máy làm gạch ở Phước Lý, Biên Hòa, Tây Ninh và Đà Lạt.
Phải kể thêm
các cơ quan thiện nguyện khác như The Phiippine Jaycees, UNICEFF,
Rotary club và Jaycee, The American Women Association, Operation
Brotherhood, Hội cứu trợ công giáo Pháp và Đức do giám mục Rhodain
và Daniels đại diện v.v.{ trích tài liệu International Assistance To
Refugees}
Ôi, rất
nhiều bàn tay đã dơ ra để giúp đỡ người di cư trong lúc đầu đến lập
nghiệp ở miền Nam.
Về một vài trại định cư tiêu biểu
Thật ra có
rất nhiều trại định cư đã thành công, đã trở thành nơi ăn chốn ở
vĩnh viễn cho người di cư như các trại ở Di Linh, Bến Tre, Xuân Lộc,
Ban Mê Thuột, Đà Lạt và Biên Hòa. Sự thành công đó phần lớn dựa vào
đất đai trồng trọt, đất tốt, mầu mỡ có thể làm ruộng hoặc trồng rau
hoặc trồng cây ăn trái, trồng cây kỹ nghệ như cà phê xen lẫn đậu
phọng ở Ban Mê Thuột, trồng cây sợi Ki- náp, trồng cây bông vải,
nuôi bò tại Quảng Nhiêu …
Trừ trường
hợp ở Biên Hòa, diện tích trồng trọt thu hẹp lại không phải đất để
canh tác. Dân di cư tụ về đông chỉ vì mấy ông cha sở họ đạo Biên Hòa
cũng như ông đầu tỉnh Biên Hòa sẵn sàng dành 55 ngàn mẫu tây đất làm
trạm dừng chân cho người di cư. Thế là giám mục Phạm Ngọc Chi, phụ
trách người di cư cùng với Đức ông Harnett, phụ trách cơ quan xã hội
Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ ghé thăm Biên Hòa. Mảnh đất ấy gần một con
sông rộng và nằm cạnh một rừng tre vốn xưa là vùng đất của Việt Minh.
Diện tích rộng đến có thể chứa được 25 ngàn gia đình, nghĩa là
khoảng trên dưới 100.000 dân tị nạn.
Sự tụ tập
đông đảo dân di cư bắt đầu chỉ là như vậy. Dù không thuận lợi cho
việc trồng trọt, nhưng nó có thuận lợi khác như gần trung tâm Sài
Gòn, con cái có chỗ ăn học đàng hoàng, thanh niên có thể kiếm công
ăn việc làm ở Sàigòn hoặc ngay tại Biên Hòa, vì có căn cứ quân đoàn
III ở đó. Sau này lại có thêm căn cứ Long Bình của Mỹ.
An ninh rất
là tốt mà người ta bàn tán đến một “vòng đai chiến lược” của
các trại định cư như Hố Nai, Dốc Mơ, Gia Kiệm. Dốc Mơ là nơi tập
trung rất nhiều dân cư Phát Diệm, cách SàiGòn 40 dặm mà chỗ nào cũng
là rừng tre mọc khắp nơi. Tre sẵn đó để người di cư làm nhà. Cứ mỗi
ngày có thêm 100 căn nhà mới được dựng lên. Và chỉ trong hai tháng
thôi, đã có một trường tiểu học và một ngôi chợ mọc lên.
Chỉ sau hai
tuần lễ đã có người được vào ở trong những căn nhà mới cất xong và
cứ như thế, hằng
2, 3 ngàn người chờ đến lượt mình có nhà ở.
Ai cũng đến
lượt và ai cũng sẽ có một chỗ cư trú chờ đón một cuộc đời mới mà khi
bước lên tầu há mồm có thể họ đã không mường tượng ra được.
Cứ như một
phép lạ Ai Cập, chỉ thiếu một ông Moi Sen cầm gậy chỉ huy lên đường.
Có thể có một ông Moi Sen, nhưng người đời đã mau chóng quên lãng
ông. Cho dù có thiếu một ông Moi Sen đi nữa, nhưng lại có nhiều
những ông Trùm, ông Quản, ông Chánh Trương, ông Lý nay đứng ra lo
việc làng xứ.
Cứ như thế
mà lớn lên. Cả một “làn sóng di cư” chạy cộng sản lớn lên cùng với
đất nước miền Nam. Miền đất hứa, rộng lượng và khoan dung.
Tương lai
như mời mọc chờ đón. Tôi nghĩ rằng, nay những người di cư đó, có thể
có người đã không còn nữa, có người đã phải chống gậy, ngồi nghĩ lại
đời mình... thì đấy là thời đẹp nhất đời.
Tôi viết bài
này cho họ và cho tôi.
Đi đến đâu,
dù là ở vùng đất mới này, dù chưa được ổn định, chân ướt chân ráo,
dù chưa lo kịp vấn đề cơm áo, họ đã nghĩ ngay đến việc phải có
trường học cho con em họ.
Lo cho tương
lai trước đã rồi mọi việc tính sau.Thật đáng quý.
Mà phải là
một trường học đàng hoàng, khang trang và xây cất vững chãi. Cơ quan
FOA đã gửi sang những máy làm gạch để ngày đêm dân di cư sản xuất
lấy gạch xây trường học. Cho nên, không lạ gì và không ở đâu, ở bất
cứ tỉnh nào mà việc học Trung học ở các lớp thi tú tài 1 và 2 nhiều
như ở Biên Hòa và vùng Hố Nai, Gia Kiệm, Dốc Mơ. Chỉ riêng trường tư
thục Khiết Tâm của linh mục Yến có đến 8 lớp đệ nhất mà phần không
nhỏ học sinh là con cái các gia đình túa ra từ các trại định cư. Các
trường tư nhỏ khác cũng có một vài lớp đệ nhất như thế.
Về những
thành tích đáng kể về mở mang trường học ở những năm đầu chế độ đệ
nhất công hòa. Xin đưa ra một vài con số tiêu biểu.
-
Về tiểu học:
Năm 1954, toàn quốc chỉ có 1598 trường với 7000 lớp học.
Năm1959-1960, ta có 4418 trường với 29.000 lớp học và 1.001.757 học
sinh. Như vậy trong khoảng 6 năm, ta xây cất thêm 2820 trường với
13.100 lớp học.
-
Về trung
học: Năm 1954, trong toàn các tỉnh phía Nam, ta chỉ có 29 trường
trung học với 20.999 học sinh. Đến năm 1960, đã có 69 trường với
62.130 học sinh.{ trích Hồ Đắc Huân, 6 năm hoạt động của chính phủ,
từ 651-655}
-
Có thể nói
đến một sự “ bùng nổ” về giáo dục với 2379 giáo sư Trung Học và hơn
20 chục ngàn giáo viên tiểu học. Sau đó mười mấy năm dài, chúng ta
không còn thấy những điều như thế nữa.
Phần tôi,
nghĩ đến
điều này, nghĩ đến hàng hàng lớp lớp thanh niên trẻ, hàng vạn người,
không hơn thế nữa đã đi qua đời tôi mà tôi đã mời mọc họ vào ngôi
trường của Socrate. Và sáng nay, vừa thức dậy,
tôi nhận được một thư nhỏ từ một
người thân thương nhất
trong đám họ nhắc lại một đoạn trong bài 20 năm tuổi trẻ miền Nam
của tôi. Tôi đã viết như thế này: “Tôi đã không biết bao lần
quên lối về bởi chiếc áo dài con gái NhaTrang, Huế, Biên Hòa, Sài
Gòn để rồi hôm sau vào lớp nhìn em ngại ngần”.
Sau trường
học, sau chợ, một chẩn y
viện là đến nhà thờ. Ba cái nền đó làm nên cái khung hình người tị
nạn Thiên Chúa giáo. Trường học giải quyết vấn đề kiến thức, chợ cho
nhu cầu giao thương, buôn bán và nhà thờ cho nhu cầu tâm linh.
Chỉ còn
thiếu một điều: Nghĩa địa cho người chết. Nhưng đã hẳn là thể nào
cũng phải có.
Trường hợp trại di cư ở Củ Chi
Nhưng có một
vài trại đinh cư như các trại ở Củ Chi mà con số người di cư lúc đầu
lên đến 6, 7 ngàn người. Trại này do người Pháp đỡ đầu, được hưởng
nhiều quyền lợi từ hai phía, từ chính quyền đến người Pháp giúp ủi
đất, dựng nền nhà, đào giếng, xây dựng trường học, nhà thương, nhà
thờ do tiền quyên được của nhật báo Le Figaro ở bên Paris tài trợ.
Từng dãy nhà nền đắp cao, tươm tất, ngay hàng thẳng lối, chia ra khu
một, khu hai, khu ba, khu bốn và khu năm. Những
trại thiếu cầy trồng, thiếu cây trái, thiếu vườn tược như vùng đất
hoang dại. Cỏ chỉ mọc lởm chởm vì nền đất cứng như xi măng với một
mầu trắng
xóa. Nhà thờ được xây cất bằng gạch đâu ra đấy. Mái lợp tôn. Trường
học có đến cả các lớp bậc trung học mà từ trước đến giờ dân địa
phương không hề có. Con cái các gia đình địa phương muốn đi học
không còn cách nào khác ngoài đạp xe đến trại định cư ghi tên học.
Chắc không khỏi có nỗi bất bình. Nhưng nào phải lỗi của chính quyền.
Tình thế nó tạo ra như thế.
Vậy mà sau
này trại mỗi ngày mỗi ít người đi, vì nhiều người đi tìm chỗ lập
nghiệp khác. Vì là vùng đất phèn, nước đục lờ nhờ. Đào giếng độ nửa
mét sâu là đụng đất đỏ với đá đỏ. Ai đã chọn vùng đất này đã không
nghĩ tới điều đó. Dân di cư chỉ có thể trồng khoai mì, hay củ sắn và
trồng mía. Người ta không thể chỉ ăn khoai mì mà sống được
Đành bỏ mà
đi chỗ khác làm.
Củ Chi chỉ
là một trường hợp. Bởi vì sau này có một số trại định cư đã bị giải
tán và đưa người di cư đi nơi khác. Đó là các trại Vĩnh Phát, Trà Cổ,
Xuân Ninh, Cầu Vang, Gò Chai, Rạch Rẽ, Lương Hòa Trung, Lương Hòa
Thượng, Vĩnh Phát, Du Sinh, Cầu Đất v.v..
Trường hợp trại di cư Bình Giả
Trại Bình
Giả là do người di cư Thiên Chúa giáo địa phận Vinh mà tổng số hiện
nay là trên 10.000 người di cư vào Nam đến đó lập nghiệp. Miền đất
Đông Nam bộ đã gắn liền với số phận của hơn 10 ngàn giáo dân Nghệ
Tĩnh từ khắp nơi đổ về. Nó có tất cả các yếu tố để trở thành một
trại kiểu mẫu lý tưởng về tổ chức, về nếp sống đạo, về tinh thần
đoàn kết, đùm bọc, về tổ chức giáo xứ với đầy đủ các hội đoàn, các
ban ngành, được sắp đặt, bầu cử quy mô và chặt chẽ.
Cả một
truyền thống sống đạo hăng say và nhiệt thành đem theo. Người dân có
đạo vùng Thanh Nghệ Tĩnh theo đạo là theo lấy được, sống trọn vẹn.
Thời hạn 300 ngày sắp hết mà dân chúng trong vùng bị cộng sản che
đậy vẫn không hay biết gì. Đến khi biết được thì dấy lên phong trào
đòi di cư vào Nam, rồi cộng sản phải nhượng bộ. Thế là đồng bào gồng
gánh, thuê xe cộ để vượt qua cầu Bến Hải, vĩ tuyến 17 vào Nam.
Sống trong
bầu khí đạo hạnh ấy thì không ở đâu hơn được.
Nếp nhà, nếp
đạo vẫn y như cũ.
Nhưng mặc
dầu nó tồn tại cho đến 1975 và sau này. Đã hẳn, người dân trong giáo
xứ phải sống chật vật lắm mà chỉ vì yêu quý nhau cùng một cội nguồn
mà nhiều người cứ nấn ná ở lại.
Việc chọn
lựa địa điểm định cư này gồm những nhân vật nổi tiếng như Phó Tổng
Ủy trưởng, ông Mai Văn Hàm, ban đại diện di cư Vinh: cha Khai, cha
Đông, cha Kiệu, ban đại diện giáo dân như: quý ông Đinh Thế Lựu,
Nguyễn Báu, Nguyễn Xuân Hiền, Nguyễn Trọng Hiếu, Nguyễn Trọng Thanh
và Hoàng Công Phu.
Các đại diện
dân chúng đã đi thăm Ban Mê Thuột và một số nơi, nhưng không ưng chỗ
nào cả. Nay thì quyết định chọn Bình Giả.
Trong khi đó,
những đồng bào Thanh Nghệ Tĩnh may mắn hơn đã chọn Ban Mê Thuột, vì
đó là nơi đắc địa. Khí hậu và đất đai cho cây trồng thì không ở đâu
tốt hơn được.
Khi chọn
Bình Giả thì cũng nhờ các chuyên viên về thử mẫu đất, chuyên viên về
đo đạc, lập họa đồ cẩn thận lắm.
Nhưng Bình
Giả vốn là vùng đất dữ, hoang dã, khí hậu khắc nghiệt sinh ra lắm
bệnh thời khí như thương hàn, sốt rét, kiết lỵ, tử phúc trung {con
chết trong bụng mẹ}. Dĩ nhiên, bấy
giờ người ta biết rằng những bệnh như thế chưa chắc đã do khí hậu mà
sinh ra. Và vì vậy, nhiều người đã dời đi nơi khác và trại nào cũng
có người bỏ đi. Nhất là sau 1963, Bình Giả phải đối đầu trực diện
với cộng sản, nhiều gia đình có điều kiện một lần nữa bỏ ra đi…
Bình Giả là
một tấm gương sáng của người di cư từ Bắc vào Nam. Nhưng cũng là nơi
mà số phận đã dành cho quá nhiều cay nghiệt. {Trích Bình Giả, Quê
Hai của tác giả Đình Quang}
Trại định cư tiêu biểu: Cái Sắn
Cái Sắn hội
đủ các điều kiện về đất đai phì nhiêu, lý tưởng của một trại định cư
kiểu mẫu và trù phú.Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi vùng đất này là để “dành
cho con người, để nối liền Long Xuyên với Rạch Giá và qua Rạch Giá,
mảnh đất đem lại yên hàn và trật tự cho vùng này”.
Còn đối với
người Mỹ thì như nhận xét sau đây trong Passing the Torch: “Cái
Sắn was hailed by the US as a symbol of South Viet Nam‘s
determination to shelter people who linked their future with that of
the free government”. {Trích Passing the Torch, trang 141} Cái
Sắn được chính quyền Mỹ chào đón như biểu tượng về lòng quyết tâm
của miền Nam Việt
Nam
để che chở
những ai đặt tương lai của họ vào tương lai của một chính quyền tự
do”.
Nha định cư
đã đưa tất cả 42.145 đồng bào tới định cư ở Cái Sắn, gồm 15 trại
định cư và 8325 căn nhà.
Giải đất
hình chữ nhật, rộng đến 270.000 ngàn mẫu tây, chiều dài kênh Cái Sắn
là 25 dặm, chiều ngang 16 dặm, được tưới tiêu bằng con kênh Rạch Sỏi,
chạy dọc theo trại và đổ ra dòng sông Bassac. Kênh đó nay được gọi
là kênh Cái Sắn, một trong những vùng đất lý tưởng nhất cho việc
định cư. Phía Bắc có 14 con kênh đào, phía Nam có 3 kênh. Thêm vào
đó là 13 kênh nhỏ với chiều dài tổng cộng là 159 cây số. Những con
kênh này, bề ngang rộng 6 mét và sâu 4 mét, chiều sâu ở giữa kênh và
bờ kênh thì sâu 1 mét 50. Bên mỗi bờ kênh, sâu vào 20 mét là những
căn nhà ở của dân chúng. Đất đào ở các con kênh thì dùng để đắp nền
nhà. Việc đào kênh đều làm bằng tay mà trung bình một người đào được
khoảng 7mét khối/một ngày.
Các kênh
được gọi là kênh 1, kênh 2, kênh 3, kênh 4, kênh 5 rồi kênh Tân Hiệp
và sau đó tiếp theo là các kênh A, B, C, D, E, F, G, và H. Công
chung tất cả các kênh gồm 8.086 lô đất. Mỗi lô đất dành cho một gia
đình là 3 mẫu tây vừa là nhà ở và đất để trồng trọt. Mỗi lô đất rộng
30 mét tây chiều ngang và 1000 mét chiều dài.
Nhưng để đất
có thể trồng trọt được, cơ quan USOM đã dùng 110 máy ủi đất để cào
sới đất, sau đó dùng máy cầy san đất. Tính chung là 1.800.000 mét
đất đã được ủi và cào xới.
Chính quyền
có cấp phát cho các gia đình trâu để cầy ruộng. Trâu mua từ Thái Lan
về. Đã có 2148 con trâu đã được cấp phát cho các trại di cư ở Nam
Phần và 40 con ở Trung Phần.
Riêng ở Cái
Sắn, cứ 4, 5 gia đình chung nhau một con trâu để cầy ruộng. Sau này,
nhiều người có tiền thì có thể mỗi nhà có một con trâu để lo việc
cầy bừa ruộng.
Trên toàn
thể các trại di cư, chính phủ đã giúp đào được 5405 cái giếng và
phân phối khoảng 400 tấn phân bón. Đồng thời phân phối khoảng 60
ngàn cuốc xẻng. Chính phủ cũng cho nông dân đi định cư vay một số
tiền là 118.217.200 triệu đồng.
Hầu hết diện
tích 270.000 mẫu tây dành cho người di cư và một phần dành cho người
dân địa phương chưa có nhà cửa. Những cư dân địa phương, khoảng
20.000 ngàn người thì được ở khu vực kênh Tân Hiệp vốn đã có sẵn từ
trước.
Chính phủ
Hoa Kỳ còn cung cấp cho dân định cư, lúc đầu là 50.000 người, dự trù
thêm 50.000 nữa, một số tiền là 400 triệu đồng cùng với tất cả các
dụng cụ nông nghiệp mà số tiền tính ra khoảng 1 triệu Mỹ kim.
Mùa gặt đầu
tiên ở Cái Sắn đã thu về được 4000 tấn gạo mà phần lớn từ mùa thu
hoạch “lúa xả, hay floating rice”.
Cái Sắn là
một tiêu biểu cho sự thành công của người di cư tị nạn cộng sản.
Ghi lại một vài chứng từ của những người đã di cư vào miền Nam
Kiều Chinh,
tháng 8, 2004.
“Là con út
trong ba anh chị em, tôi được bố thương nhất. Suốt thời niên thiếu,
tôi chi biết có bố. Bố tôi quyết định vào Nam. Nhưng đêm trước
ngày ra đi, anh tôi bỏ nhà trốn ra khu theo phong trào thanh niên
cứu quốc. Anh Lân là con trai duy nhất của bố, năm đó mới 20 tuổi.
Sáng hôm sau, chỉ còn hai bố con ra phi trường Bạch Mai, Hà Nội.
Hàng ngàn người già trẻ lớn bé nằm ngồi
la liệt dưới nắng cháy, chờ đợi đển được lên máy bay di cư vào Nam.
Mãi tới cuối ngày mới tới lượt bố con tôi. Bố đẩy tôi lên máy bay
rồi bất ngờ nói: con vào Nam trước, bố ở lại tìm anh Lân rồi sẽ vào
sau. Tôi la khóc cố nhào ra với bố, nhưng bị đám đông xô lấn đẩy lui.
Cửa máy bay đóng xập xuống. Đó là lần cuối, tôi được nhìn thấy bố.
Lần đầu xa bố, lần đầu xa nhà, lần đầu đi máy bay. Tôi ngồi co rúm
trên sàn máy bay vận tải nhà binh Pháp, suốt chuyến bay nôn oẹ khóc
sướt mướt giữa đám người chen chúc ngột ngạt...Tôi chờ bố từng giờ.
Hy vọng mỏng dần..Tôi đếm từng ngày cho tới buổi phát thanh cuối
cùng của đài Pháp Á loan tin thời hạn 300 ngày đã hết...Tôi òa khóc.
Bức màn tre đã xập xuống, chia đôi đất nước ngăn cách bố con tôi.
Năm mươi năm sau cuộc di cư đã qua. Bố tôi đã chết. Anh tôi đã chết.
Nhiều người di cư thời năm mươi năm trước đã ra đi vĩnh viễn.Thế hệ
tôi cũng sắp ra đi. Xin thắp một nén nhang cho những người quá cố. {Trích
50 năm Bắc Kỳ di cư 1954-2004, trang 82-83}
Nguyễn
Duy Chính
“Cho đến
giờ phút này tôi vẫn không sao hiểu được tại sao gia đình tôi lại di
cư
vào miền Nam. Mà nào có phải ra đi một cách thoải mái, dễ dàng gì,
trải qua chín chết, một sống, ba bốn đợt mới dắt díu nhau xuống Hải
Phòng… hôm đó, cha tôi chở hai anh em trên xe đạp từ làng lên Thạch
Thất nói dối lá đưa chúng tôi sang làng Nủa ăn giỗ. Mẹ tôi và đứa em
út phải ở lại để cho người ta tin rằng chúng tôi không có âm mưu trốn
đi. Lên Sơn Tây, chúng tôi lên xe về Hà Nội, có chú tôi chờ sẵn, đợi
những đợt sau ra được để thu xếp cho gia đình xuống Hải Dương. Đầu
năm 1955, một ít ngày trước khi thời hạn di cư chấm dứt thì mẹ tôi
ôm đứa em trai đi thoát. Gia đình tôi phải đi làm nhiều đợt nên mới
lâu như thế.
Chúng tôi lại bồng bế nhau xuống tầu há mồm đưa ra tầu lớn đậu xa xa
ngoài khơi. Chiếc tầu đó là của nhà binh Pháp đi từ bến Hải Phòng đến
bến Sài Gòn mất cả thảy 3 ngày, hai đêm, sau đó có xe cam nhông chở
vào trại di cư Phú Thọ cạnh trường đua, xế trường Bách Khoa ngày nay…
Quả thực những người như gia đình tôi không đủ trí tuệ và kiến thức
để bảo rằng ra đi nhằm mục đích tìm tư do, hay chọn lựa một chính
nghĩa theo lằn ranh Quốc Cộng. Chúng tôi quyết định hoàn toàn do bản
năng, theo linh tính như những con thú đánh hơi thấy hiểm nguy, đằng
trước là sự sống, đằng sau là sự chết. Hình ảnh đó
tôi lại thấy trên khuôn mặt những người dân hoảng hốt di tản năm
1975. {Trích 50 năm Bắc Kỳ di cư, trang 69-70}
Đời
tỵ nạn của N.N.T
Cha tôi bị Việt Minh giết. Vâng, bị Việt Minh giết. Anh tôi, vì là
người phòng vệ Đức cha Phạm Ngọc Chi nên tính mạng luôn bị đe dọa.
Thời gian đình chiến, Việt Minh công khai hoạt động. Chúng lùng bắt
người quốc gia gán cho tội theo Tây theo Pháp hay theo Ki tô giáo.
Chúng gọi những thành phần này là phản động. Có những lần chúng đem
theo giáo mác, súng ống, gậy gộc, xiên nhọn, đi từng nhà lùng bắt,
chúng lục lạo từ nhà trên nhà dưới, bụi tre, đống rơm để tìm kiếm.
Vào một buổi chiều, đại gia đình tôi gồm 9 người chuẩn bị rời nhà. Từ
nhà đến địa điểm của thuyền chờ đợi cách xa chừng bốn cây số. Không
ai nói với ai, cứ đi theo người đi trước mình.. Thuyền được rời bến
ngay sau đó. Chừng hơn 30 thuyền lênh đênh trên sông Hồng. Người
thuyền trưởng cho biết đọan đuờng nguy hiểm đã qua. Nghe thế, mọi
nguời trên thuyền đều mừng rỡ. Xa xa, có nhiều ánh sáng như thiên
đàng chờ đón ngươòi tỵ nạn chúng tôi. Càng chạy tới thì ánh sáng
càng tỏ hiện. Nhiều tầu chiến, nhiều tầu há mồm, ánh sáng tỏa ra như
một thành phố trước mặt. Đối với tôi, đó là một thiên đường… {Trích
Đời Tỵ nạn, trong 50 năm Bắc Kỳ di cư, trang 64}
Ghi lại một vài chứng từ đối với những người còn ở lại miền Bắc
Phải xin thú
thực với lòng mình rằng khi viết về cuộc di cư 1954-1955, tôi chỉ
nghĩ đến những kẻ ra đi, đến những người di cư đã rời bỏ miền Bắc
vào miền Nam. Nghĩ đến tâm trạng của họ, đến nỗi lo âu khốn khổ cũng
như gương can đảm và lòng quyết tâm của họ.
Có nghĩa là
coi vấn đề di cư chỉ trực tiếp liên hệ đến kẻ ra đi mà không liên
quan gì đến kẻ ở lại.
Sách vở viết
về cuộc di cư cũng chỉ viết về kẻ đã ra đi. Không một ai nghĩ đến kẻ
ở lại nghĩ gì, sống ra sao, có hệ lụy gì?
Đấy là một
thiếu sót cần được bổ khuyết. Nhưng mặt khác, người di cư bỏ miền
Bắc ra đi không thể nghĩ hay viết thay cho người ở lại. Vì thế,
người viết xin ghi lại một vài tâm tình của một vài người bạn đã ở
lại miền Bắc sau 1954.
Chứng từ thứ
nhất:
“ Sau thời
hạn 300 ngày, gia đình tôi đã quyết định ở lại Hà Nội. Đúng ra là
gia đình tôi có người ở lại, có người ra đi. Phần không nhỏ đã di cư.
Chẳng hạn, ông anh tôi là thiếu uý, sĩ quan, cùng khoá 4, Thủ Đức
với ông Thiệu nên đã theo quân đội đi vào miền Nam. Sau này lên
Trung tá và hiện nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Trong gia đình có kẻ
đi người ở nên đưa đến cảnh chia lìa Nam Bắc trong mấy chục năm trời.
Đó cũng là
bất hạnh của nhiều gia đình.
Mẹ tôi hồi
đó 54 tuổi, Bố tôi 56, thấy mình đã già. Vì thế quyết định ở lại.
Quyết định ở lại của gia đình tôi không phải vì lý do chính trị gì
cả, chỉ là lý do gia đình.
Ông bố tôi
thì nghĩ rằng, gia đình mình là dân lao động, chắc ở lại cũng không
sao, họ để yên, không làm gì nên ở lại.
Phần cá nhân
tôi thì tôi cũng muốn đi vào miền Nam một chuyến, muốn đi để thay
đổi vì tò mò muốn biết miền Nam như thế nào. Tôi có người bạn là anh
Nguyễn Ngọc Bội, anh và gia đình quyết định đi vào Nam và có rủ tôi
đi theo. Nhưng tôi đã quyết định ở lại theo gia đình. Mặc dầu tôi có
đủ điều kiện để đi. Lúc đó tôi 15 tuổi rưỡi.
Mặc dầu
không đi vào Nam, nhưng như mọi người lúc bấy giờ, chúng tôi rất
hoang mang. Trăn trở gữa đi hay ở. Mỗi gia đình lại mỗi trường hợp.
Người quyết định ra đi thì lo bán tống, bán táng thứ gì có thể bán
được. Chợ trời mọc ra ở nhiều nơi, kẻ buôn, người bán.
Riêng trường
hợp tôi còn mê mấy ông Bộ đội thấy họ lý tưởng quá, mời về nhà đãi
đằng cơm nước, làm tội bà cụ phải hầu hạ cơm nước. Nhưng đần đần thì
bộ mặt cộng sản của họ cũng đã lộ ra.
Các ông bắt
đầu đặt loa phóng thanh ở mỗi góc phố. Đó là nỗi phiền và nỗi bực
mình cho chúng tôi. Mỗi sáng các loa phóng thanh đó cứ rót vào tai,
bắt phải nghe. Đó là lối tuyên truyền của họ, không nghe cũng phải
nghe.
Bắt đầu mệt
rồi, công an nay có thể xông vào nhà khám xét bất cứ lúc nào. Nhất
là sau giai đọạn Tập Trung cải tạo và Hợp tác hóa với chế độ tem
phiếu. Họ bắt đầu xiết chặt rồi. Người dân cảm thấy mình bị kẹt, bị
sa vào cái lưới thiên la địa võng. Nhưng trễ quá rồi. Muốn trốn đi,
nhưng không được nữa rồi.
Nghĩ tới
thân phận mình và số phận của những người di cư, tôi thấy người di
cư là những người may mắn quá. Và chúng tôi thì không được cái may
mắn như họ.Tôi ước gì được rơi vào số phận như họ. Tự nhiên là có sự
so sánh giữa họ và tôi. So sánh để thấy họ có cơ may mà mình không
có được. Từ đó, không khỏi rơi vào tâm trạng tiếc nuối. Cũng chẳng
phải chỉ có mình tôi có tâm trạng đó, nhất là ông bà cụ tôi. Ông cụ
tôi đau khổ, vò đầu bứt tai vì đã không chịu di cư vào miền
Nam.Trong bữa cơm, không ai được nói xa gần đến quyết định sai lầm
đã ở lại, đến truyện xưa. Một quyết định làm ông ân hận cả đời, nhất
là giết hại cả cuộc đời tuổi trẻ của tôi.
Chẳng phải
chỉ có gia đình tôi hoặc ông cụ tôi nuối tiếc.Tôi nghĩ bạn bè tôi
hoặc người dân Hà Nội nói chung, họ cũng có tâm trạng như chúng tôi,
nhưng không tiện nói ra. Mọi người đều vô cùng đau khổ, nhưng biết
trách ai bây giờ. Người ta so sánh và tiếc cái thời tây như một
thiên đường. Nghĩ tới đời sống thoải mái, no đủ, mặc dù có làm bồi
cho Tây cũng sướng hơn.
Trong khi
đó, miền Nam thì xa vời như một thế giới chỉ có trong trí tưởng
ttượng. Báo chí Hà Nội hay đài chỉ đưa tin nói cầu Thị Nghè bị xập,
chết người vô số. Giáo phái đánh nhau với quân chính phủ của ông Ngô
Đình Diệm. Tình hình trong đó rối loạn. Người di cư bị phỉnh gạt,
vào đó phải sống khốn khổ. Thanh niên thì bị đưa đi đến các đồn điền
cao su lao động, bị bóc lột.
Nhưng trước
tình hình mỗi ngày mỗi bị bóp nghẹt, đời sống khó khăn. Nhiều người
bàn tính đến chuyện chốn vào miền Nam? Nhưng không dễ gì trốn được.
Nói hở ra một tý là bị bắt liền.
Chẳng may,
năm 1961, tôi bị đi tù. Trong nhà tù, tôi thấy người ta bị bắt đông
lắm, không tưởng tượng nổi là có cả ngàn người, nhất là giới thanh
niên bị bắt vì muốn trốn vào miền Nam. Chỉ cần bàn bạc cũng đủ để
vào tù và bị ghép vào tội: trốn theo địch.
Nhẹ nhất
cũng bị 5 năm tù. Nặng có thể tử hình.
Như trường
hợp ông Trần Văn Tửu, ông cướp thuyền để trốn vào miền Nam, nên ông
bị lôi ra xử bắn. Và đó là trường hợp mê vào Sài Gòn nên có câu: Sài
Gòn ơi, ta chết vì người.
Nhiều lúc
ngồi trong tù, tôi nghĩ thà có bị chặt một ta, bị tàn tật mà đi được
cũng đi. Chán quá rồi. Cho nên, dù có bị tàn tật vẫn còn là một may
mắn hơn là phải ở lại với cộng sản.
Viết ra
những điều này, tôi mong mỏi đồng bào mình hiểu rằng, dù may mắn di
cư vào được miền Nam hay dù phải ở lại miền Bắc thì tâm trạng của cả
hai miền cũng không khác gì nhau. Ai cũng chán ghét cộng sản. Ai đi
được thì mừng cho họ. Ai không đi được thì buồn cho họ. Hơn phân nửa
cuộc đời tôi đã phải sống dưới chế độ ấy, nay còn lại phần cuối đời,
tôi mong mỏi Việt Nam mình thoát khỏi cảnh bạo tàn cộng sản để cho
dân chúng hai miền hưởng được tư do, dân chủ. Đời mình đã không đạt
được. Hy vọng thế hệ sau, thế hệ con cháu mình có cơ hội hưởng cuộc
đời tự do hạnh phúc.
Chứng từ thứ
hai:
Cuộc Di Cư 54-55 đã ghi dấu ấn trong lịch sử VN không thể phai nhoà.
Nó khẳng định ranh giới giữa cộng sản VN với những người Việt quốc
gia, để hình thành một nền đệ nhất cộng hoà non trẻ dân chủ, tự do,
nhân ái, nhưng cũng còn đầy rẫy nhưng gian lao, hệ lụy ở phiá Nam. Còn
ở miền Bắc tôi ở, nhà cầm quyền cộng sản đã tự xé bức màn chiêu bài dân
tộc, lột trần bản chất độc tài, khát máu, chuyên chính vô sản theo
cộng sản Tàu. Họ phát huy tối đa cao trào cải cách ruộng đất đẫm máu,
tàn ác, bất nhân. Đã phá vỡ kiến trúc xã hội ngàn năm từ văn hoá, tôn
giáo, tôn ti trật tự khắp nông thôn đến thị thành.
Cuộc di cư vào Nam hồi 54-55 của những người miến Bắc là một sự lưạ
chon đúng đắn và dũng cảm. Họ đã đứt ruột rời bỏ quê hương, nơi tổ
tiên họ đã bao đời sinh sống. Nơi từng nắm đất, ngọn cỏ, bụi cây
cũng chứa đầy máu, nước mắt, mồ hôi của những thế hệ ông cha. Họ ra
đi như một khẳng định dứt khoát và quyết liệt. Không thể sống chung
với cộng sản. Dẫu trước mắt, có thể còn đầy rẫy khó khăn, chập chững
bước đầu nơi đất khách, lập quê hương mới. Nhưng nơi đó, họ được có tự
do, hạnh phúc và nhất là nhân thân họ được tôn trọng.
Người đi đã thế. Những thân nhân còn ở lại chịu khổ ải bội phần. Họ
bỗng dưng thành những công dân loại hai. Rất nhiều người bị nhà cầm
quyền kéo ra đấu tố, tù đày chẳng kém gì những thành phần cường hào
đìạ chủ. Tuy họ không giàu, cũng không có chức tước gì trong thôn
xã. Nhưng họ bị tội là có thân nhân ruột thịt di cư vào Nam theo
giặc.
Những gia đình có thân nhân di cư vào Nam thường không được vào
đảng… Không được nâng đỡ, thăng tiến trong công tác. Nhất là sau khi
có tin tức về những vụ bắt gián điệp, biệt kích từ trong Nam gửi ra.
Thì những gia đình có thân ruột thịt di cư như ngồi trên đống lửa.
Vì lúc nào họ cũng bị theo dõi nghi ngờ với những tin đồn có cánh.
Họ sống trong nơm nớp sợ hãi, bất an và nghi kỵ... không kém chi
những thành phần địa chủ, cường hào.
Đọc bài Di Cư anh viết, tôi thấy người đi đã vậy mà người ở lại cũng
lãnh bao nhiêu hệ lụy. Những hệ lụy dai dẳng suốt mấy chục năm kéo
theo bao những cảnh đời cùng khổ. Mà chẳng giấy bút nào viết hết.
Không biết những người ra đi có hiểu cho người ở lại không?
Và như vậy bài Di Cư không đề cập đến hệ lụy của người ở lại là chưa
đầy đủ. Phải không anh?
Nhân đây tôi cũng chép lại bài thơ về người con gái có chồng theo
giặc vào Nam (Bài thơ khá được phổ biến, ngân ngợi, hò, vè). Thời đó
rất nhiều người thuộc:
CÔ LÁI ĐÒ
Khoan khoan cô lái đò ơi,
Có còn rộng chỗ cho tôi sang nhờ.
Khách đông, thuyền đã rời bờ,
Nể lòng cô gái quay đò, tôi sang.
Nắng thu như dải luạ vàng,
Trên sông Tam Bạc nhịp nhàng chảy xuôi.
Môi cô luôn nở nụ cười
Tay cô thoăn thoắt đưa đôi mái chèo.
Mạn thuyền tiếng sóng êm reo,
Có dòng nước bạc chảy theo con đò.
Thuyền sang tới bến bao giờ,
Bỗng dưng tôi thấy ngẩn ngơ, bàng hoàng.
Ước gì có chuyến đò ngang,
Dài bằng cả một thời gian mười ngày...
Thu qua, rồi đến xuân nay,
Tình cờ qua bến sông này năm xưa.
Vẫn còn nhớ lại trong mơ,
Vẫn sông, vẫn bến đôi bờ xôn xao.
Vẫn con đò của độ nào,
Vẫn cô gái nhỏ, má đào chưa phai.
Nhưng sao cô khẽ thở dài,
Thẫn thờ nhìn khách ngồi hai mạn thuyền.
Nụ cười tươi thắm, hồn nhiên,
Năm xưa, chẳng thấy nở trên môi hồng.
Hỏi dò mấy bạn sang sông,
Biết thêm cô đã lấy chồng thu qua.
Đời đang tươi đẹp như hoa,
Chồng cô theo giặc, bỏ nhà vào Nam.
Đêm thu dưới anh trăng vàng,
Dừng chèo trên bến, đò ngang đợi chờ.
Nước non ngăn cách đôi bờ,
Hờn căm đế quốc bao giờ cho nguôi...
Bài này viết theo thể lục bát. Từ ngữ bình dị mà vần điệu nhuần
nhuyễn. Tôi không biết tên tác giả.Mà thuộc lòng từ thuở lên mười.
Vân Hải.
Phần Kết luận
Bài viết này
đã đi được một đoạn đường dài, rảo qua tất cả những đoạn đường đầy
cam go và thử thách của cuộc di cư năm 1954-1955. Chắc
chắn còn rất nhiều điều chưa nói hết và chưa nói đủ. Kinh nghiệm khổ
đau của hàng trăm ngàn người, bút nào tả cho cùng?
Bỏ ra ngoài
những uẩn khúc, những tỵ hiềm, những truyện cá nhân giữa người với
người, ngay cả những mánh mung vặt vãnh hay có tổ chức cũng không
tài nào tránh được trong các tổ chức trại tỵ nạn. Rồi khi có nhiều
va chạm giữa những kẻ mới tới và dân chúng địa phương. So sánh có,
tỵ hiềm có, đố kỵ có, khinh khi có, tránh né nhau cũng có, thù hằn
nhau cũng có. Tất cả những điều đó đều có thể.
Cũng bỏ ra
ngoài truyện ăn chặn tiền cứu trợ, hoặc có những người di cư khai
báo đến hai ba lần để nhận tiền cứu trợ. Những điều như thế chắc
không cần viết ra đây làm gì.
Không kể
biết bao trở ngại, khó khăn để người tỵ nạn có thể an cư lạc nghiệp.
Chẳng hạn, như ở Cái Sắn, người di cư không phải chỉ trông vào ba
mẫu tây đất là có thể ngồi đó rung đùi hút thuốc lào. Phải xoay sở,
phải chật vật làm thêm đủ thứ để có thêm thu nhập gia đình như trồng
rau, hoa mầu, lưới cá, nuôi gà vịt, heo và trăm thứ khác.
Và đó mới là
cuộc sống thực, sống đích đáng và đúng nghĩa.
Tôi cũng đã
nghĩ tới những thành công về mặt chính trị trong thế đối đầu với
cộng sản mà cuộc di cư này như cái tát trái vào mặt người cộng sản.
Số lượng người di cư khổng lồ như thế làm thế giới kinh ngạc và nể
phục đồng thời tác động mạnh mẽ đến thất bại tinh thần của chủ nghĩa
cộng Sản.
Người di cư,
những 80% dân nghèo đã bỏ mà đi và bài học đó cần phải nhớ.
Về ảnh hưởng
của người di cư trên mảnh đất mới cho thấy ở thành thị, chỉ từ 10%
đến 20% chất sám, chất sám miền Bắc đã làm nên chuyện lớn.
Nhưng 70%
dân nghèo mà 60% là nông dân, 10% là dân thuyền chài đều là những
dân làm ăn cần cù, chăm chỉ {hard-working men} với một nếp sống giản
dị thu vén, liệu cơm gắp mắm nên ăn ít mà làm nhiều.
Chả mấy lúc
mà khá giả và góp phần vào sự thịnh vượng của mảnh đất này... Và về
mặt xã hội, nó là hiện tượng kích cầu thúc đẩy những thành phần khác
trong xã hội cố gắng vươn lên theo.
Nhưng tôi
nghĩ đến, từ kinh nghiệm cá nhân những gì tôi đã trải qua để thấy
báu vật vô vàn của đời dành cho người di cư: Đó là từ nay, họ có thể
sống cuộc đời của họ, tự do tôn giáo của họ, kinh nguyện của họ, bài
tụng của họ, nhà chùa của họ, nhà thờ của họ.
Một điều xem
ra tầm thường mà những người còn ở lại bên kia bức màn tre không bao
giờ có được. Họ có được những điều mà những người còn ở lại vô phúc
không có được.
Điều tôi
muốn được bày tỏ ở đây, tôi muốn nói cho rõ để thế hệ mai sau thấy
rằng cha mẹ, tổ tiên của họ đã có cơ may ngàn vàng có được cơ hội
”đổi đời” từ miền đất khô cằn phải lao lực, phải đổ mồ hôi nước mắt
mới có hạt cơm vào mồm.
Đời sống dân
cư miền Bắc, miền Trung là vô vàn khốn khổ. Thời của tôi, nhiều
người chưa bao giờ có cơ hội ngồi trên chiếc xe hàng chạy bằng hơi
nước, chưa bao giờ biết miếng bánh mì, chưa bao giờ biết ăn một cái
kẹo tây, chưa bao giờ biết đánh răng bằng bàn chải, chưa bao giờ
biết xỏ chân vào một đôi dép, chưa bao giờ biết cắt tóc, chưa bao
giờ biết sà phòng, chưa bao giờ biết đến xe đạp. Có khi bánh xe đạp
là bánh đặc. Chưa bao giờ thong thả, ngồi nghe vọng cổ, chưa bao giờ
biết cờ bạc...
Nhiều cái
chưa bao giờ lắm. Cả làng chỉ có một trường tiểu học trình độ biết
đọc, biết viết. Cả tổng chưa có trường trung học, cả huyện cũng thế,
may ra ở tỉnh thì có một trường. Các khu vực theo Thiên chúa giáo có
thể khá hơn. Cả làng có thể mù chữ, trừ vài người. Có được vài sào
ruộng đã lấy làm tự an ủi. Có dăm ba mẫu ruộng đã nên ông nên bà.
Cơm trắng là điều xa xỉ. Ngủ giường là điều không thể xảy ra. Quần
áo vá chằng vá đụp như một cái mền rách.
Tôi nghe kể
rằng, ngay ở Sài Gòn sau này, có trường hợp sư bà Đàm Hướng ở đường
Phan Đình Phùng chăm sóc trẻ mồ côi. Người Mỹ có phân phát cho mỗi
em một tube thuốc đánh răng. Nhiều em tưởng ăn được, mút ăn ngon
lành. Sinh đau bụng. Phải gọi cấp cứu bác sĩ Mỹ đến.
Hóa ra chỉ
vì những tube kem đánh răng, mùi thơm, hơi ngọt nên trẻ con tưởng ăn
được
Đời sống
người dân quê có được hai ba sào ruộng đã là quý. Nhà ở là túp lều
tranh vách đất, trống trước trống sau. Còn nếu không có nổi vài ba
sào thì đi cấy rẽ, cấy thuê, hoặc làm thuê làm mướn. Tôi đã thấy
những bữa ăn của thợ cấy, thợ cầy. Chỉ có vài quả cà. Khá lắm có
chút rau muống luộc thì lấy nước rau muống chan để và vội bát cơm.
Cả năm không biết có mấy lần ăn được một miếng thịt. Đi ăn cỗ
thường 6 người/một cỗ. Họ bảo nhau ăn vài miếng, thường sau đó chia
nhau ăn hết món nấu, rồi cả mâm chia phần còn lại làm sáu phần lấy
lá chuối gói về cho vợ con.
Vào trong
Nam, tại trại định cư Cái Sắn, mỗi người được chia đến ba mẫu ruộng.
Nhà
cửa
khang
trang. Cầy cấy
thì
có trâu thay cho người. Cấy lúa sạ làm chơi mà ăn thật khỏi phải
chân lấm tay bùn, quần quật từ sáng tới tối.
Vào Cái Sắn
người di cư phút chốc lên làm người. Kể từ nay, không còn vất vả
quần quật nữa.
Tại nơi đây,
một sức sống mới đang vươn dạy theo tinh thần Tự lực cánh sinh và
dần dần được địa phương hóa.
Trên tờ Nữu
Ước thời báo ra ngày 16-2-1956 đã viết như sau về trại định cư này:
“Trên địa hạt con người, đối với những người tỵ nạn, đây có nghĩa
là một đời sống sung sướng và có nghĩa lý hơn, vì họ sẽ không cần
những sự trợ giúp có tính cách làm phúc nữa. Trên địa hạt kinh tế,
điều này có nghĩa là trong một ngày gần đây, Nam Việt sẽ có thể xuất
cảng một triệu năm trăm ngàn tấn gạo, cũng như hồi tiền chiến”.
Chưa kể đủ
thứ bệnh. Chết lúc nào không hay. Các bệnh như toét mắt, ghẻ lở,
bệnh cứt trâu, bệnh tiêu chảy chỉ là bệnh ngoài da, bệnh thông
thường. Bệnh nặng thì đành chịu.
Chưa kể lúc
chết không có miếng đất để chôn, phải chôn nhờ.
Cho nên cuộc
di cư 1954-1955 đối với nhiều người là một sinh lộ giải thoát con
người ra khỏi tối tăm và cơ cực.
Cuộc di cư
1954-1955, phải chăng là cơ hội để con người có cơ may làm người?
Nguyễn Văn Lục