Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

6. Xu thế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012

16:20' 23/1/2012
TCCSĐT - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là khu vực có dân số đông nhất thế giới, mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và cũng là nơi tồn tại nhiều “điểm nóng” của thế giới.

Năm 2012, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm chú ý của các nước, nhất là các cường quốc lớn và dự kiến các nước này đều có những điều chỉnh chiến lược, nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình ở đây.

Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chính sách với khu vực

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm bản lề cho việc hình thành một trật tự thế giới mới, những biến đổi của năm 2012 sẽ khiến thế giới thay đổi hẳn diện mạo. Tại khu vực năng động châu Á - Thái Bình Dương cũng vậy. Như một sự trùng hợp của lịch sử, năm 2012, cả ở Nga, Trung Quốc và Mỹ đều sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực, chứng kiến những đổi thay to lớn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tham vọng chính trị và vị trí của các nước này trên chính trường quốc tế. Sức mạnh nổi lên của Trung Quốc, sự phục hồi của Nga tiếp tục làm cho Mỹ bận tâm. Nhưng quan trọng không kém, mỗi nước đều đối mặt với những vấn đề khổng lồ về kinh tế, nhất là sau cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và các biến động lớn về kinh tế, tài chính trên toàn thế giới.


Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn được chú ý và trông đợi nhiều nhất. Chính vì vậy, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2012, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ không thể tiến tới ký kết một hiệp ước quốc tế, dù trong lĩnh vực thương mại hay biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải đối đầu với một ứng cử viên Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ lật lại vấn đề về vai trò truyền thống của nước Mỹ, vốn được xem là nước bảo đảm cho hệ thống thương mại quốc tế.


Với Trung Quốc, năm 2012 cũng là một năm quan trọng với những thay đổi về ban lãnh đạo và chính trị trong nước. Trong khi Trung Quốc với chiến lược và quy hoạch lãnh đạo cấp cao luôn rõ ràng thì nước Nga dường như vẫn chưa có nhân vật chính trị khả dĩ nào có thể “đọ” được với Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin. Sự trở lại của ông V.Putin trên cương vị Tổng thống Nga vào tháng 3-2012 được dự báo sẽ đánh dấu sự quay lại của xu thế dân tộc chủ nghĩa trong bầu không khí chính trị quốc tế. Nếu như trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dmitry Medvedev, quan hệ Nga - Mỹ đã được cải thiện đáng kể, thì dưới thời ông V.Putin, mối quan hệ này được dự báo là có sự thiếu tin tưởng và dễ mang tính khiêu khích hơn. Xu hướng này sẽ quay lại trong quan hệ giữa Nga và quốc tế trong năm tới.


Một chính quyền mới lên nắm quyền, sẽ có những điều chỉnh trong chính sách đối nội và đối ngoại. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách của mỗi nước. Thực tế, những năm qua, Mỹ đã nâng tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động lên thành một ưu tiên chiến lược, Tổng thống Barack Obama đã chứng tỏ quyết tâm không để các lợi ích lâu dài của nước Mỹ bị chi phối bởi “các cuộc khủng hoảng" ở những khu vực khác. Ngay cả về mặt an ninh - quốc phòng, cho dù ngân sách bị cắt giảm nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn quả quyết "chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện đủ mạnh" tại khu vực.


Nước Mỹ coi trọng châu Á - Thái Bình Dương không phải vì một phần lãnh thổ của họ thuộc nơi đây. Tự thân khu vực này đã có sức hấp dẫn và những xu hướng phát triển không thể bỏ qua. Khi Tổng thống Barack Obama nói rằng, nước Mỹ là “một cường quốc Thái Bình Dương”, rằng mình là “Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên”, Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố, thế kỷ XXI là “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”… thì ngay trong thông điệp của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hiển nhiên ngụ ý về một vấn đề đối ngoại mang tính chiến lược. Năm 2012, theo dự báo của các chuyên gia, nước Mỹ có bầu cử nhưng chắc chắn sẽ không quên việc triển khai những bước đi cụ thể để thực thi sự điều chuyển chiến lược mang tính thế kỷ, nhất là khi cường quốc này, về lý thuyết "đang kết thúc" cuộc chiến hao người tốn của tại Iraq và sẽ dần rút quân ra khỏi vũng lầy Afghanistan.


Bởi vậy, trong quan hệ với các nước tại khu vực, Mỹ đặc biệt chú trọng quan hệ với Nga và Trung Quốc. Điều này lại càng trở nên quan trọng khi Nga và Trung Quốc đều có ban lãnh đạo mới trong năm 2012. Với Mỹ, điều hòa mối quan hệ vừa hợp tác, vừa kiềm chế Trung Quốc là lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Mỹ ngày nay. Chính quyền Mỹ đang "xây dựng một liên minh gồm những nước châu Á" để ngăn chặn Trung Quốc "mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Bắc và Đông Nam Á. Trong quan hệ với Nga, mặc dù quan hệ hai bên đã có những rạn nứt đáng kể sau bầu cử Duma tháng 12-2011 nhưng về cơ bản, Mỹ vẫn tăng cường đối thoại và hợp tác quân sự dựa trên những kết quả đã đạt được về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược theo Hiệp ước START mới; hợp tác trong các lĩnh vực: chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và chinh phục vũ trụ; hoan nghênh các nỗ lực của Nga trong việc bảo đảm an ninh ở châu Á. Ngược lại, Nga cũng đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC, được tổ chức vào tháng 9-2012 tại Vladivostok. Lãnh đạo Nga khẳng định, Nga là một phần không thể tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tham gia vào các chương trình hội nhập khu vực sẽ là ưu tiên tất yếu của Nga.


Châu Á - Thái Bình Dương - điểm tựa của kinh tế toàn cầu

Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Hơn thế, châu Á trong vài thập kỷ qua còn được nhắc tới như một khu vực phát triển năng động nhất của thế giới với sự xuất hiện của các cường quốc tiềm tàng như Trung Quốc và Ấn Độ.


Theo dự báo của các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á -Thái Bình Dương sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2012 do một số nhân tố bất lợi tiếp tục tác động đến các nền kinh tế khu vực. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ có những tác động nhất định đến nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Mặc dù vậy, châu Á -Thái Bình Dương sẽ vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Gerard Lyons thuộc Ngân hàng Standard Chartered, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm.


Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) dự báo, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này sẽ giảm từ 7,2% năm 2011 xuống còn 6,6% năm 2012. Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ 9,3% năm 2011 xuống còn 8,5% năm 2012, trong khi kinh tế Ấn Độ và Indonesia lần lượt tăng trưởng 7,8% và 6,5% năm 2012. Trong vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỉ USD, Trung Quốc thực sự là "nhà đầu tư" triển vọng để châu Âu hiện thực hóa các giải pháp đối phó với vấn đề nợ công.


Ngay chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định rằng, để chấn hưng nền kinh tế Mỹ, Washington cần tìm đến châu Á như một cứu cánh. Châu Á mà cụ thể là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu của nước này vào năm 2015, giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm để cải thiện tình trạng thất nghiệp hiện nay ở Mỹ. Điều đó thể hiện qua việc Washington đang ra sức thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thông qua hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Bên cạnh đó, viễn cảnh về sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 cũng ngày càng trở nên hấp dẫn, không chỉ với Mỹ.


Tuy nhiên, tại khu vực này, không hẳn đã hết những nguy cơ. Mối nguy lớn nhất đối với triển vọng châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục xuất phát từ khu vực đồng euro. Nếu các nỗ lực nhằm bình ổn nền kinh tế của các chính phủ sử dụng đồng tiền chung này thất bại thì Eurozone có thể bước vào một cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa và điều này tiềm tàng gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu với các cú sốc nghiêm trọng lan tới các nền kinh tế châu Á do thương mại toàn cầu suy giảm. Ngoài ra, nếu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải hứng chịu một “cú đáp” khó, với tăng trưởng GDP giảm dưới 5%, điều này cũng sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến khu vực.


Xu thế chạy đua vũ trang vẫn tiếp diễn

Trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được công bố ngày 5-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh hai định hướng chiến lược là gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục đầu tư cho các đối tác và liên minh quan trọng NATO. Sự quan tâm của chính quyền Mỹ tới châu Á được cho là do những quan ngại về sự lớn mạnh của hải quân và sự gia tăng hàng loạt các tên lửa chống hạm của Trung Quốc, có khả năng đe dọa sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Các đồng minh thân cận của Mỹ là NATO, Hàn Quốc, Australia đã hoan nghênh bản chiến lược quốc phòng này.


Trước đó, để phù hợp với chiến lược mới này, Chính phủ Mỹ đang có một loạt các động thái nhằm tăng cường sức mạnh của Mỹ tại châu Á và đẩy Trung Quốc vào thế phòng ngự. Những động thái trên bao gồm quyết định triển khai, ban đầu là 250 lính thủy đánh bộ Mỹ, sau này có thể tăng lên tới 2.500 người, tại một căn cứ không quân của Australia tại Darwin, và thực hiện “Tuyên, bố Manila” ngày 18-11-2011, cam kết thắt chặt các quan hệ quân sự của Mỹ với Philippines. Quan hệ giữa Mỹ và Myanmar, một đồng minh lâu nay của Trung Quốc, cũng được cải thiện nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Myanmar đầu tháng 12-2011. Mỹ cũng tăng cường thắt chặt quan hệ ngoại giao, quân sự với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á… Hành động của Mỹ là nhằm tối đa hóa những lợi thế của Mỹ tại khu vực.


Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cùng với trọng tâm quân sự rõ ràng của Mỹ, trong khi Trung Quốc lại đã đầu tư rất nhiều tiền của cho lĩnh vực phát triển quân sự, điều này khiến các nước trong khu vực không khỏi lo ngại. Bên cạnh đó, Kim Jong-un, con trai út của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, lên nắm quyền sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, thế giới hiện vẫn chưa biết nhiều về nhà lãnh đạo trẻ tuổi này và chính sách của Bắc Triều Tiên trong tương lai… Khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị càng khiến các quốc gia phát triển đẩy mạnh mũi nhọn công nghệ quốc phòng, một mặt củng cố địa vị quốc gia, tăng cường phòng thủ; mặt khác, cũng để tranh thủ các khoản lợi có được từ những hợp đồng mua bán vũ khí. Cuộc chạy đua vì thế ngày càng trở nên gay cấn.


Như vậy, châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai không chỉ là một khu vực phát triển năng động, thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới mà nó còn tiềm ẩn những bất ổn tiềm tàng, thu hút sự quan tâm, lo lắng của nhân loại. Số lượng vũ khí càng lớn trong các kho vũ khí của các nước có thể dẫn tới nguy cơ phát động những cuộc chiến tranh tranh chấp lãnh thổ đã tồn tại từ lâu giữa các nước, từ đó phá hoại sự ổn định của khu vực, nơi có nhiều tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa và dầu thô trên thế giới. Những xung đột nhỏ rất dễ trở thành sự kiện quy mô lớn để rồi sau đó tái diễn thành chiến tranh quy mô nhỏ. Bởi vậy, vai trò của các nước lớn trong việc ổn định tình hình tại đây là rất quan trọng./.
Minh Tâm