Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

40. Trở lại châu Á


Ảnh minh họa
LTS. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vừa diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại Bali - Indonesia được xem là đạt được một bước tiến quan trọng khi Mỹ - siêu cường hàng đầu thế giới chính thức bước vào diễn đàn chính trị - kinh tế quan trọng bậc nhất này của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng không chỉ có vậy, việc trở thành thành viên mới của EAS còn được nhiều nhà phân tích đánh giá là một dấu mốc quan trọng cho thấy rõ chiến lược "Trở lại châu Á - Thái Bình Dương" của Washington trong thế kỷ 21.

Chuyển trọng tâm
Chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương hay còn gọi là Chiến lược tái can dự vào Đông Á của Mỹ được công bố lần đầu tiên vào năm 2009. Mặc dù Mỹ chưa bao giờ tách ra khỏi khu vực này nhưng do trong thập kỷ qua, trọng tâm đối ngoại của Washington chủ yếu tập trung vào vùng Trung Đông và Nam Á, cùng với những ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ và có phần lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực, điều này khiến không ít người cho rằng các mối quan tâm của Mỹ ở Đông Á đang suy giảm. Tuy nhiên, tình hình đã đổi khác. Trong một bài xã luận đăng trên tạp chí Foreign Policy tháng 11/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: "Khi cuộc chiến tranh ở Iraq lắng xuống và Hoa Kỳ bắt đầu rút các lực lượng của mình khỏi Afghanistan, thì nước Mỹ đứng ở một thời điểm then chốt. Trong 10 năm qua, chúng ta đã dành các nguồn tài lực lớn cho hai chiến trường đó. Trong 10 năm tới, chúng ta cần khôn ngoan và có phương pháp về việc chúng ta đầu tư thời gian và năng lực vào đâu… Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật quản lý nhà nước của Mỹ trong thập kỷ tới vì thế sẽ gắn chặt vào sự đầu tư gia tăng đáng kể - về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và các lĩnh vực khác - ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương." Tại Hội nghị APEC 19 ở Hawaii vừa qua, Tổng thống Obama bổ sung thêm khi phát biểu: “Không có khu vực nào trên thế giới mà chúng tôi cho là quan trọng hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Như vậy, rõ ràng việc chuyển trọng tâm quan hệ đối ngoại về châu Á đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Obama hiện nay.
Chìa khóa hợp tác đa phương
Có thể lý giải cho động thái đáng chú ý trên bằng một số lý do như sau:
Thứ nhất, Tầm quan trọng về mặt kinh tế - thương mại của khu vực này khiến tất cả các quốc gia trên thế giới không thể xem thường, kể cả Mỹ. Thời gian qua, trong khi nền kinh tế các nước Âu - Mỹ lao đao thì khu vực này vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Theo thống kê, 21 nền kinh tế thành viên của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiếm đến 55% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 43% thương mại toàn cầu và 58% tổng sản lượng hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông Ben Rhodes, Phụ tá Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, từng phát biểu: "Lượng xuất khẩu của Mỹ đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một yếu tố hết sức quan trọng trong kế hoạch tăng gấp đôi lượng hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ trong vài năm tới của ông Obama… Trên thực tế, gần như tất cả các nỗ lực mà chúng ta dự định tiến hành liên quan đến mục tiêu tăng cường lượng xuất khẩu đều liên quan đến khu vực này của thế giới…". Do vậy, việc chuyển trọng tâm đối ngoại sang châu Á có thể coi là một nỗ lực của chính quyền Washington nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế cũng như xoa dịu nỗi bất bình trong dân chúng.
Thứ hai, theo kế hoạch, cuối năm nay, Mỹ sẽ rút gần như toàn bộ quân khỏi Iraq, còn tại Afghanistan, đến cuối năm 2012, Mỹ và NATO sẽ rút tổng cộng 40.000 quân. Hai chiến trường chính đã tạm ổn định cũng có nghĩa là Mỹ sẽ giảm bớt được sự căng trải lực lượng trên toàn cầu và tập trung quân lực vào những vùng trọng điểm mới. Thời gian qua, Mỹ đã liên tục củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh truyền thống trong khu vực, duy trì đều đặn các buổi tập trận chung với các nước như Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan; tăng cường trao đổi quân sự với các quốc gia khác như Việt Nam, Indonesia… Tại chuyến công du Australia vừa qua, ông Obama nhấn mạnh sẽ đảm bảo duy trì hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương ngay cả khi Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự. Phát biểu trước phiên họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội Liên bang Australia ngày 17/11, Obama cho biết ông đã chỉ đạo bộ phận an ninh quốc gia Hoa Kỳ để đảm bảo rằng "sự hiện diện và nhiệm vụ của chúng tôi (Mỹ) tại Châu Á - Thái Bình Dương được đặt lên ví trí hàng đầu" và "việc Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách quân sự sẽ không ảnh hưởng tới những chi phí tại Châu Á-Thái Bình Dương".
Thứ ba, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, Washington cho rằng Chủ nghĩa đa phương ở châu Á sẽ chỉ gây phương hại cho lợi ích của người Mỹ và đe dọa phá hoại hệ thống liên minh "bánh xe và nan hoa" của họ. Mãi đến khi Chính quyền Bill Clinton quyết định tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), thái độ thù địch đối với Chủ nghĩa đa phương ở châu Á mới dịu bới đi. Đáng tiếc là sau đó, Chính quyền George W. Bush không hội nhập sâu hơn vào khu vực này. Chẳng hạn, khi EAS lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Ngược lại, Chính quyền Obama lại đặt các thể chế thuộc châu Á - Thái Bình Dương làm trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. Trong bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy đã đề cập đến ở trên, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton nhấn mạnh "tầm quan trọng của hợp tác đa phương", vì "chúng ta tin rằng những thách thức xuyên quốc gia phức tạp mà châu Á đang phải đối mặt sẽ chỉ được giải quyết nhờ việc thiết lập các thiết chế có khả năng thống nhất hành động chung". Do vậy, có thể thấy hiện Mỹ đã thể hiện thái độ tích cực hơn trong việc tham gia vào các cơ chế hợp tác trong khu vực từ ASEAN +, APEC cho đến EAS hiện nay.
Thứ tư, thời gian qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, Trung Quốc không ngừng tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực và trên thế giới trên mọi lĩnh vực: từ chính trị, thương mại, văn hóa cho đến quân sự. Chính quyền Trung Quốc đã tỏ thái độ quyết liệt hơn, đặc biệt là ở hồ sơ biển đảo khi một số nguồn tin cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được đảm nhận một vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách. Chẳng hạn: Chiến lược của quân đội Trung Quốc nhằm phát triển một lực hượng hải quân viễn chinh đã giúp nước này có thể giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với các tuyến đường biển, đặc biệt là ở Biển Đông trong mấy năm gần đây. Việc tăng cường đưa ra các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là chiến lược biển trong thời gian qua của nước này, theo đánh giá của Mỹ là đã tạo ra một thách thức đối với những lợi ích quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, buộc Mỹ không thể đứng ngoài cuộc.
Nâng cấp quan hệ đồng minh
Vậy Mỹ sẽ triển khai chiến lược trở lại châu Á như thế nào? Kurt M. Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, mới đây có bài phát biểu tại Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan, về chính sách can dự của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Campbell, cơ sở và ưu tiên số 1 để nước Mỹ thúc đẩy các lợi ích của mình ở châu Á là duy trì mối quan hệ an ninh hùng mạnh với các đồng minh hoặc đối tác chính trị như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và Singapore. Mỹ cũng sẽ có những bước đi trong thời gian tới để xây dựng một mối quan hệ tương xứng hơn với Thái Lan. Bên cạnh việc tiếp tục tìm cách củng cố và nâng cấp các mối quan hệ đồng minh ở trên, Mỹ cũng nhận thức đầy đủ rằng cần phải mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand và kể cả Việt Nam.
Bên cạnh các mối quan hệ quan trọng này, theo ông Kurt Campbell: "Rõ ràng việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong thế kỷ 21 cũng là điều quan trọng sống còn." Đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Mỹ. Theo ông Campbell: "Chúng tôi hoàn toàn thừa nhận đây là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất mà Mỹ chưa bao giờ có với bất kỳ quốc gia nào và chúng tôi sẽ có những nỗ lực lớn để bảo đảm một chương trình hướng tới tương lai trong quan hệ giữa hai nước". Mỹ và Trung Quốc đang tập trung nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự leo thang của những biến cố và những diễn biến có thể đe dọa mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai cường quốc này và "Mỹ cam kết mạnh mẽ với việc bảo đảm và duy trì một mối quan hệ đối tác tiến bộ hơn giữa Bắc Kinh và Washington".
Bên cạnh các mối quan hệ chính trị và chiến lược này, ông Campbell cho rằng một trong những điều quan trọng nhất mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn vào Mỹ, đó là việc Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò là một đối tác lạc quan, mở cửa về buôn bán và kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, ông Kurt Campbell cũng bày tỏ hy vọng APEC sẽ có những nỗ lực to lớn hướng tới việc ký kết một hiệp định khung giữa tất cả các đối tác quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Chúng tôi coi đây là một hiệp định buôn bán quan trọng của thế kỷ 21 với những tiềm năng to lớn cho khu vực và cho các quốc gia tham gia trong tổ chức chung này..."
Ngoài những vấn đề trên, Mỹ cũng muốn duy trì một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là sự hiện diện về an ninh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực này và đa dạng hóa nó. Do vậy, các bạn sẽ chứng kiến những nỗ lực của Mỹ trong vài tháng tới và vài năm tới nhằm đa dạng hóa khả năng của mình từ một số lượng nhỏ các căn cứ của mình ở khu vực Đông Bắc Á thành một loạt các dàn xếp dưới nhiều hình thức khác nhau ở khắp khu vực Đông Nam Á cùng với Australia" - ông Campbell cho hay.
Chính sách trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ chắc chắn sẽ khiến vũ đài chính trị - kinh tế của khu vực này vốn đã sôi động sẽ càng trở nên nóng bỏng hơn bởi lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, sự trở lại châu Á của Mỹ lần này chỉ có thể thành công khi mà lợi ích chính đáng của tất cả các nước trong khu vực được tính đến một cách công bằng thỏa đáng và bằng biện pháp hòa bình.
Trung Nguyên


Vì một Thái Bình Dương hòa bình
Thái Bình Dương hiện đang phải đối mặt với một vấn đề khó - đó là xử trí thế nào với sự nổi lên của Trung Quốc trong một khu vực mà Mỹ từng chiếm ưu thế kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Sự đồn trú của 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Australia - một quyết định được Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo trong công du mới đây tới châu Á - chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, nhưng nó là lời nhắc nhở rằng Mỹ quyết tâm ở lại khu vực. Dù vậy, mục tiêu của Mỹ vẫn không rõ ràng.
Trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự nổi lên của Trung Quốc được xem là một diễn biến được hoan nghênh, nhưng với điều kiện Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc đã được quốc tế công nhận. Dĩ nhiên, điều kiện này sẽ áp dụng cho tất cả các nước. Nhưng căng thẳng chắc chắn sẽ nổi lên nếu Trung Quốc không có tiếng nói trong việc lập ra các quy tắc này. Trong khi đó, Mỹ dù tiếp tục chi phối về chính trị, nhưng ảnh hưởng về kinh tế đang giảm sút.
Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, và các tuyến đường biển là tất cả các vấn đề xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng vì tính quan trọng của những vấn đề này, cả hai nên theo đuổi nỗ lực giảm thiểu sự thù địch Mỹ-Trung và qua đó tránh phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Và dù trong trường hợp nào thì Trung Quốc cũng sẽ phản ứng gay gắt với nỗ lực thiết lập sự có mặt quân sự trong khu vực của Mỹ. Kiềm chế Trung Quốc không phải là câu trả lời với các vấn đề an ninh châu Á.
Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội và muốn trở thành một cường quốc biển quan trọng, khiến nhiều nhà quan sát kêu gọi nước này minh bạch hơn. Nhưng không ai chắc chắn Mỹ có minh bạch với Trung Quốc về năng lực quân sự của mình hay không. Ngân sách quốc phòng của Mỹ chiếm đến 43% toàn thế giới, trong khi tỉ lệ này của Trung Quốc chỉ hơn 7%.
Sẽ không có nước nào công khai về năng lực quân sự của mình ngoài những điều chung chung. Nhiều quan sát viên quên rằng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc chỉ có tính ngăn chặn, quá nhỏ để có thể trở thành nước tấn công trước tiên. Và Trung Quốc cũng là một trong những nước đầu tiên sẵn sàng cam kết không sử dụng vũ lực trước, miễn là các cường quốc hạt nhân khác cũng làm tương tự.
Trung Quốc cũng đã cho thấy họ không thích thú gì trong việc cạnh tranh với các cường quốc châu Âu hồi thế kỷ 19 hay đế chế Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20. Lo ngại về điều này là đã bỏ qua lịch sử Trung Quốc. Người Trung Quốc chưa quên những ký ức đau thương về những hiệp ước không bình đẳng mà các nước Phương Tây áp đặt lên Trung Quốc và Nhật Bản trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Mặc dù yếu tố lịch sử rất quan trọng, nhưng lập trường của phương Tây lại dựa vào các động thái của hiện tại. Ví dụ như cho rằng Trung Quốc đã không đủ nỗ lực giúp giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, để giảm căng thẳng khu vực, có lẽ Mỹ nên bắt đầu đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, điều mà lâu nay Washington từ chối. Ngoài ra, tranh chấp các quần đảo có nguồn dầu khí và tiềm năng nghề cá, nên được giải quyết thông qua sự phân xử quốc tế. Điều quan trọng là các bên phải tuân thủ luật quốc tế và giữ cam kết để mở các tuyến đường biển trong khu vực.
Ngoại giao, chứ không phải vũ lực, là cách tốt nhất đề theo đuổi các mục đích này. Dĩ nhiên, ngoại giao cần được hậu thuẫn bằng sức mạnh, nhưng Mỹ có nhiều thứ mà không cần phải quân sự hóa. Một giải pháp hòa bình của những xung đột này đòi hỏi phải trao cho Trung Quốc một vai trò nhất định trong tiến trình ra quyết định. Châu Á ngày nay có hoàn cảnh hoàn toàn và khác biệt. Những bế tắc sẽ đòi hỏi các giải pháp mới chứ không phải các khái niệm đã lỗi thời của Chiến tranh Lạnh.
Malcolm Fraser*
Phương Nguyên (Theo Project Syndicate)
*Tác giả là cựu Thủ tướng Australia.



Những đối tác châu Á của Mỹ
Các nước mà Mỹ hy vọng là điểm tựa cho chiến lược của mình ở châu Á – Thái Bình Dương không muốn mối quan hệ của họ với Bắc Kinh bị ảnh hưởng, trong khi sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ đảm bảo tự do hàng hải, tăng cường các cơ hội kinh tế và củng cố vị thế lãnh đạo của các cường quốc đang nổi.
Sự thay đổi lãnh đạo cũng như thảm họa hạt nhân Fukushima giúp đưa Nhật Bản và Mỹ xích lại gần nhau hơn vì những vấn đề nội bộ làm Nhật Bản hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.
Australia cũng là một đối tác chiến lược cho những lợi ích của Mỹ tại khu vực. Australia coi quan hệ đối tác với Mỹ là một cách để xây dựng các cơ hội kinh tế, đồng thời bảo đảm tự do đi lại cho các nguồn tài nguyên quan trọng. Sự hiện diện tăng lên của Mỹ sẽ đóng góp cho sự cân bằng của khu vực và giúp Australia có lợi thế trong khu vực và với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này.
Một chiến lược tái can dự lâu dài của Mỹ dựa trên vấn đề an ninh hàng hải sẽ bắt đầu với Indonesia - quốc gia bao trùm các tuyến đường biển quốc tế quan trọng. Quan hệ đối tác Jakarta - Washington cũng giúp nâng cao quan niệm về vị thế lãnh đạo khu vực của Indonesia, đảm bảo được lợi thế của Indonesia trước các cương quốc khu vực.
Ấn Độ là một đối tác chiến lược tiềm tàng quan trọng nhất trong chiến lược Mặt nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Ấn Độ đã thể hiện các dấu hiệu của việc tham gia chiến lược của Mỹ ở Đông Á thông qua các mối quan hệ với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, quan hệ kinh tế với Myanmar…
An ninh hàng hải sẽ đòi hỏi khả năng hải quân và sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là khi Ấn Độ đánh giá Trung Quốc có thể đe doạ đến vùng biển Andaman và khu vực ngoại biên Ấn Độ Dương của mình.
Thu Cúc (Theo Stratfor)



Ý kiến
Mỹ chưa bao giờ thật sự rời khu vực Thái Bình Dương. Gần đây người ta nói nhiều đến việc Mỹ chuyển sự quan tâm từ Trung Đông sang châu Á. Những gì Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong thời gian gần đây là các cam kết mạnh mẽ về sự can dự sâu hơn vào vùng này. Sự cam kết ấy bao gồm về kinh tế (khi mà tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, ông Obama đã thúc giục hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP), về chính trị (vấn đề an ninh khu vực) và quân sự, điển hình và gần đây nhất là việc Mỹ thông báo sẽ tăng cường 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Darwin, cửa ngõ phía Bắc của Australia vào châu Á. Andrew Shearer, Giám đốc nghiên cứu về chính sách quốc tế - Viện Lowy (Australia)
Người Mỹ luôn hiểu rằng, để thực hiện được mục tiêu biến châu Á - Thái Bình Dương thành kỷ nguyên của Mỹ, Washington cần thực thi nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự tăng trưởng kinh tế cũng như ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Giáo sư Yakov Berger, Chuyên gia Viện Viễn Đông (Nga)
Stratfor: Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải có yếu tố an ninh hàng hải. Mỹ dựa vào việc kiểm soát các đại dương để phát huy sức mạnh của mình ra toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng cả về kinh tế và cạnh tranh. Do đó, Washington đang tìm cách tăng cường sự cộng tác của mình với các lực lượng quân sự có khả năng ở khu vực như Nhật Bản và Australia, để Mỹ nhận được cả sự hỗ trợ về an ninh và sự ủng hộ về chính trị cho sự hiện diện lâu dài tại khu vực.
Foreign Policy: Trong hơn 2 năm qua, chính quyền Obama đã tiến hành những bước đi mở đường cho việc hướng tới chính sách can dự tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong 6 thập niên tới. Tuy nhiên, để bảo đảm và duy trì vị trí lãnh đạo thế giới, Mỹ không được quên di sản mang tính lưỡng đảng đã định hình chính sách can dự khu vực trong 6 thập niên qua và tập trung vào các biện pháp củng cố bên trong: tăng tiết kiệm, cải cách hệ thống tài chính, giảm phụ thuộc vào vay nợ bên ngoài và tìm cách vượt qua chia rẽ đảng phái.

PV.
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/12/8E455A5DDEB3F0AF/