13:42' 18/1/2012
Bài viết xâu chuỗi các
sự kiện trong năm bằng một “sợi dây”, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu, hay nói cách khác, sẽ đặt những sự kiện hay tiến trình chính
trong năm 2011 trong khuôn khổ bức tranh khủng hoảng kinh tế toàn cầu để
phân tích.
“Giọt nước tràn ly” tại Bắc Phi - Trung Đông
Cuộc “cách mạng hoa
nhài” bắt đầu tại Tunisia, tháng 1-2011, đã mau chóng lan rộng ra toàn
bộ khu vực Bắc Phi - Trung Đông, đỉnh điểm là cuộc chiến tại Lybia, và
trở thành tiến trình chiếm vị trí trung tâm của cả năm 2011. Sự việc bắt
đầu từ vụ tự thiêu ngày 17-12-2010 tại Tunisia của người thanh niên 26
tuổi M. Buaadidi. Nếu ngọn lửa tự thiêu bốc cháy vào thời điểm trước
năm 2008 thì chắc nó sẽ đơn giản chỉ là một đốm lửa thông thường, hoàn
toàn không đủ khả năng tạo ra một đám cháy (với tên gọi “cách mạng hoa
nhài”) trên quy mô rộng khắp khu vực Bắc Phi như vậy. Nhưng nó lại diễn
ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính dưới tác động của
cuộc khủng hoảng này mà hành vi của các bên liên quan đã biến nó thành
ngọn lửa đủ sức thiêu rụi cả cánh rừng. Tham gia tiến trình này có ba
lực lượng chính: chính quyền sở tại, dân chúng và các lực lượng bên
ngoài.
Tại hầu hết các nước
Bắc Phi, các chính quyền trải qua hàng chục năm đều được điều hành bởi
những cá nhân. Trước khi xảy ra chính biến, tuy các số liệu về sự phát
triển của các nước Bắc Phi không đến nỗi quá tồi tệ (ví dụ: kể từ năm
1999, kinh tế tăng trưởng hằng năm tại Ai Cập là 5,1%, ở Tunisia là
4,6%) nhưng tình trạng bất bình đẳng xã hội cũng tăng theo tốc độ tăng
trưởng (hơn nửa số dân Ai Cập sống bằng 2 USD/ngày hoặc ít hơn trong khi
lợi tức trung bình mỗi đầu người là 6.200 USD/năm)(1). Sự bức xúc của
người dân đã âm ỉ từ lâu nhưng không có một cải cách nào hướng tới việc
hóa giải. Mặt khác, sự tăng trưởng của những nước Bắc Phi chủ yếu nhờ
vào việc xuất khẩu nguyên, nhiên liệu thô, các cơ sở sản xuất trong nước
hết sức lạc hậu. Chính vì thế, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, những
quốc gia này bị ảnh hưởng rất nặng nề, trong khi các chính quyền ở đây
vẫn tiếp tục điều hành theo kiểu cũ. Trước phản ứng của những người nổi
dậy, hầu như họ chỉ biết đối phó bằng các biện pháp cứng rắn, kể cả
bằng quân sự. Một trong những sai lầm nghiêm trọng của các chính quyền
này là không theo kịp những biến đổi của thế giới từ sau khi Chiến tranh
lạnh kết thúc, như vai trò của các tổ chức quốc tế, tiêu biểu là Liên
hợp quốc; khả năng bị can thiệp từ bên ngoài vì những lý do nhân đạo,
nhân quyền; khả năng chống đối của các lực lượng đối lập; ảnh hưởng của
các phương tiện truyền thông hiện đại, tiêu biểu như các trang mạng xã
hội v.v.. Điều này chỉ có thể giải thích rằng cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu đã thực sự làm tê liệt cách điều hành cổ điển của các chính
quyền sở tại.
Khác với những cuộc
“cách mạng màu” ở không gian hậu Xô viết vào những năm 2005-2006 được
kích hoạt bởi xung đột lợi ích giữa các đảng phái, các cuộc biểu tình,
bạo động diễn ra ở Bắc Phi được châm ngòi và thổi bùng từ tình trạng bất
bình đẳng, chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội kéo dài. Khủng hoảng
kinh tế khiến các chỉ số về giá cả, lạm phát, thất nghiệp v.v.. tăng vọt
(ở Tunisia là hơn 14%), đẩy các mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền
đến đỉnh điểm. Giới trẻ là nhóm người bị chịu thiệt thòi nhất trong xã
hội (như ở Ai Cập, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tăng 10 lần)(2). Đây
lại là nhóm người rất nhạy cảm với những biến đổi của thế giới, với sự
bất bình đẳng trong phân chia của cải hay khác biệt trong tiếp cận các
dịch vụ y tế, giáo dục. Giới trẻ là lực lượng chính trong các chính biến
tại Bắc Phi.
Sẽ không quá ngạc nhiên
về sự can thiệp của nhiều nước phương Tây hay Liên hợp quốc nếu nhìn
lại những sự kiện từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc như ở Somali (năm
1993), Bosnia - Herzegovina (1993-1995), Kosovo hay Đông Timor (năm
1999) v.v.. vì các lý do nhân đạo hay nhân quyền. Điều khó lý giải ở đây
là, trong bối cảnh còn đang gặp vô vàn khó khăn bởi cuộc khủng hoảng nợ
công (đối với các thành viên của EU) hay tình trạng kinh tế tiếp tục
trì trệ (tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở ngưỡng trên 9% năm 2011), nhưng
nhiều nước phương Tây vẫn rất tích cực can thiệp vào tình hình Bắc Phi,
cho dù họ biết sẽ hết sức tốn kém. Trong nhiều lý do thì rõ ràng, tác
động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chiếm vị trí hàng đầu. Bởi
lẽ, tình hình Bắc Phi sẽ giúp chính quyền các nước phương Tây phân tán
bớt sự bất mãn của người dân trong nước và không loại trừ niềm hy vọng
của một số nước về khả năng kích thích phục hồi kinh tế nhờ sự can thiệp
này (ví dụ như tại Lybia, Anh, Pháp và Mỹ đều hy vọng thao túng các
nguồn dầu mỏ chất lượng cao tại đây). Liên hợp quốc cũng thể hiện vai
trò trong các vấn đề tại Bắc Phi, bằng việc Hội đồng Bảo an thông qua
Nghị quyết 1973 (Nghị quyết về thiết lập vùng cấm bay đầu tiên trong
lịch sử 66 năm tồn tại của Liên hợp quốc). Nghị quyết này còn cho thấy
sự thỏa hiệp của nhóm P5 - điều chỉ có thể đạt được trong bối cảnh thế
giới đang trong khủng hoảng kinh tế.
Lẽ dĩ nhiên, sự sụp đổ
nhanh chóng của các chính quyền này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân,
nhưng rõ ràng, khủng hoảng kinh tế có ý nghĩa như đòn đánh tổng hợp chí
mạng cuối cùng, kích thích sự nảy sinh các cuộc “cách mạng hoa nhài”
chính là giọt nước cuối cùng làm bùng nổ những biến động tại khu vực
này trong năm 2011.
Điều phân tích trên
cũng thể hiện trong cả tiến trình hòa bình Trung Đông. Tiến trình này
vốn đã bế tắc từ đầu năm 2008 do chính sách cứng rắn của chính quyền
Israel. Những thay đổi tại khu vực dường như là một cơ hội cho dân tộc
Palestin và họ đã tận dụng nó. Ngày 23-9, việc Tổng thống Palestin
M.Abbas đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc đã thực sự tạo ra một bước
đột phá đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Trên thực tế, hành động
này của chính phủ Palestin đã đạt được kết quả, dù chưa phải như mong
đợi, vào tháng 11-2011, Palestin đã trở thành thành viên chính thức của
UNESCO.
Liều thuốc thử đối với các tiến trình liên kết tại châu Âu
Trong năm 2011, tại
châu Âu, đồng thời diễn ra hai quá trình trái ngược nhau nhưng đều mang
dấu ấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu:
Một là,
nhằm đối phó với những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế và hy vọng
sẽ tạo đà cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, ngày 18-10-2011,
tại St Petersburg (Liên bang Nga), 8 nước thành viên Cộng đồng các quốc
gia độc lập (SNG) đã ký thỏa thuận thành lập liên minh kinh tế Âu - Á mà
nòng cốt là Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Trong 2
thập niên qua, các nước thành viên SNG vẫn loay hoay tìm kiếm một mô
hình hợp tác có tính hiệu quả và thực chất hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế
thế giới đã đặt các thành viên SNG vào tình thế bắt buộc phải tăng
cường hợp tác. Tham vọng của các thành viên liên minh Âu - Á không chỉ
dừng lại ở không gian SNG, mà còn hy vọng tạo dựng được một thị trường
thương mại tự do bao phủ rộng lớn hơn, kéo dài từ châu Âu sang châu Á -
Thái Bình Dương. Như vậy, một liên kết mới đã được hình thành dưới sức
ép của khủng hoảng kinh tế.
Hai là, ngược
lại với khu vực SNG, Liên minh châu Âu (EU) - một liên kết vốn luôn
được coi là hình mẫu hợp tác khu vực thành công nhất thời hậu Chiến
tranh lạnh, đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Gần hai thập niên qua, EU đã
có lúc tưởng như tiến rất gần tới ngưỡng của nhất thể hóa với việc hình
thành Ngân hàng Trung ương (ECB), sử dụng duy nhất một đồng tiền (đồng
euro), chung một quốc kỳ v.v.., thậm chí đang tiến tới một chính sách
đối ngoại và quân đội chung (theo lộ trình của Hiệp ước Lisbon năm
2009).
Cuộc khủng hoảng nợ
công bắt đầu bùng phát từ cuối năm 2009, đầu tiên tại Hy Lạp, và ngày
càng có nguy cơ lan rộng ra toàn bộ các nước thành viên EU, đã làm đảo
lộn mọi sự sắp đặt trước đó. Trong suốt thời gian qua, từ EU đến Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF) đều nỗ lực bơm tiền cứu nền kinh tế Hy Lạp
nhưng kết quả thu được vẫn ảm đạm: đất nước này vẫn đứng trước nguy cơ
vỡ nợ; bản thân Thủ tướng George Papandreou phải từ chức; làn sóng phản
đối chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của EU ngày càng dâng
cao.
Sau hàng loạt cuộc đàm
phán, các nhà lãnh đạo EU tại cuộc gặp thượng đỉnh trong hai ngày 8 và
9-12-2011, cuối cùng đã đạt được thỏa thuận lập một “Liên minh tài
chính” với những chế tài nghiêm ngặt hơn nhằm tháo gỡ tình trạng khủng
hoảng. Tuy thỏa thuận này khó có thể cứu vãn tức thì tình trạng nợ công
hiện nay của EU nhưng cũng cho thấy quyết tâm không để liên kết này tan
vỡ của các nước thành viên.
Khủng hoảng nợ công nói riêng và khủng hoảng kinh tế nói chung “giúp” cho những vấn đề còn bị che khuất của EU bộc lộ rõ nét. Thứ nhất,
vấn đề chủ quyền quốc gia vẫn chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Cuộc
tranh chấp giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của khối vẫn hết sức gay
gắt. Thủ tướng Anh Đ. Cameron tuyên bố không tham gia Liên minh tài
chính và trước đó đã có những tuyên bố về khả năng rút khỏi EU. Lý do
được đưa ra là lo mất chủ quyền. Thứ hai, khoảng cách giữa các
thành viên vẫn là trở ngại vô cùng to lớn cản trở tiến trình nhất thể
hóa. Xét cho cùng, Hy Lạp hay Ireland (sắp tới là một loạt nước như Tây
Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia v.v..) rơi vào tình trạng hiện nay, một
phần, cũng có lỗi của toàn bộ cơ chế của EU. Đơn cử như việc ECB đã áp
dụng một chính sách tài chính duy nhất cho mọi thành viên, những khác
biệt giữa các quốc gia thành viên đã được châm chước với mong muốn có
được một liên kết hoàn hảo nhanh nhất. Thứ ba, mọi thành viên
của EU, đặc biệt là những thành viên mới thuộc khu vực Đông Âu sẽ phải
xem xét lại chính sách hội nhập của mình. Nỗi “ám ảnh Hy Lạp” sẽ gây áp
lực không nhỏ đối với những giấc mơ “đốt cháy giai đoạn” của những nền
kinh tế thành viên kém phát triển hơn. Thứ tư, bản thân EU
cũng còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tiếp tục hiện thực hóa hiệp
ước Lisbon (chắc chắn sẽ được chỉnh sửa), bởi khủng hoảng kinh tế lại
làm nảy sinh, chí ít, một nhiệm vụ mới: hàn gắn những rạn nứt mới xuất
hiện giữa các thành viên EU trong cuộc chiến chống khủng hoảng.
Như vậy, khủng hoảng
kinh tế không chỉ thúc đẩy vấn đề nợ công bùng phát mà còn buộc các nước
của châu lục phải đánh giá lại toàn bộ chính sách hội nhập quốc tế. Một
liều thuốc thử không dễ chịu chút nào cho những cố gắng liên kết tại
đây.
Cơ hội khẳng định vai trò mới của châu Á
Giống như các khu vực
khác, trong năm 2011, tại châu Á cũng đầy ắp các sự kiện, trong số đó
đều liên quan đến một sự kiện: sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Trước hết, xét từ phía
Trung Quốc, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế hàng đầu vẫn bị cơn
bão khủng hoảng tàn phá thì quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn duy trì
được đà tăng trưởng đáng kinh ngạc. Những hoạt động của Trung Quốc trong
năm 2011 cho thấy, quốc gia này đã tận dụng được bối cảnh khủng hoảng
kinh tế toàn cầu để khẳng định vị thế mới của mình. Trung Quốc bắt đầu
thể hiện sức mạnh tài chính bằng việc mua trái phiếu chính phủ của Mỹ
(theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến hết tháng 7-2011, Trung
Quốc nắm giữ tới 1.170 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và trở thành chủ
nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ)(3). Các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy
mạnh việc đầu tư vào đất đai ở nhiều khu vực trên thế giới như Ireland,
Trung - Nam Phi v.v.. Tại các hội nghị quốc tế quan trọng trong năm, như
G20 (Cannes, tháng 11-2011), APEC 19 (Hawai, tháng 11-2011), Trung
Quốc đã chỉ trích, những bất cập của hệ thống tài chính - tiền tệ hiện
nay do chủ yếu dựa vào đồng đô la. Một loạt hoạt động trên biển của
Trung Quốc trong năm 2011 đã tạo ra ấn tượng rằng, Trung Quốc cũng đang
sở hữu một sức mạnh quân sự tương xứng với sức mạnh kinh tế. Có lẽ cuộc
khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới chỉ giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc
giải quyết về mặt lý luận vấn đề cần phải can dự sâu hơn vào các vấn đề
quốc tế để tiến tới vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tuyên bố của Chủ tịch Hồ
Cẩm Đào tại G20 (Cannes) về việc “Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ trước
khi tham gia cứu trợ khu vực đồng euro, bởi dù sao Trung Quốc vẫn chỉ
là một nước đang phát triển” cho thấy, dường như Trung Quốc chưa thực sự
chuẩn bị đầy đủ về mặt thực tiễn vai trò mới của mình.
Xét từ phía các nước,
tâm lý lo ngại trước sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc có lẽ là cách
giải thích hợp lý nhất cho những sự kiện diễn ra trong khu vực. Mỹ đã
triển khai một loạt hoạt động mà cái đích nhắm tới là Trung Quốc. Tuyên
bố về một chiến lược Đông Á mới của ngoại trưởng H.Clinton; nỗ lực thúc
đẩy mở rộng Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại APEC 19
của Tổng thống B.Obama; triển khai quân đội tại Australia; cùng với
chiến dịch tuyên truyền về một cuộc chiến tranh tiền tệ, tháng 5-2011,
Thượng viện đã thông qua đạo luật cải cách giám sát tỷ giá hối đoái. Đạo
luật này cho phép chính phủ Mỹ áp đặt thuế đối với các sản phẩm từ các
quốc gia được cho là trợ cấp xuất khẩu bằng cách hạ giá đồng tiền của
mình, mà thực chất là mở đường cho những biện pháp trừng phạt đối với
hàng hóa của Trung Quốc v.v..
ASEAN tỏ ra mềm mỏng
hơn trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Một mặt, ASEAN đẩy mạnh triển khai
hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc (China - AFTA), mặt khác,
tăng cường hợp tác với Mỹ qua nhiều cơ chế, tiêu biểu như đối thoại cấp
cao hằng năm ASEAN - Mỹ. Khẩu hiệu “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng
quốc tế” của Hội nghị cấp cao ASEAN - 11 thể hiện rất rõ chính sách cân
bằng của ASEAN. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các nước trong khu
vực đều hiểu rằng, hợp tác và liên kết vẫn là liều thuốc hợp lý nhất
giúp tất cả có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hoạt động ngoại giao
đa phương tích cực của Ấn Độ, một cường quốc đang nổi lên khác của châu
Á là một ví dụ minh họa thêm về nhận định này. Trong năm qua, lãnh đạo
của tất cả các nước lớn đã tới thăm New Dehli và Thủ tướng Ấn Độ
Manmohan Singh cũng đã đáp lễ. Thông qua các hiệp ước trong khuôn khổ
quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ hay Nga, có lẽ các nhà lãnh đạo Ấn Độ
muốn gửi đi thông điệp, thế giới cần phải thích ứng với sự nổi lên của
các nền kinh tế mới, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, và, cách tốt nhất là
mở rộng quan hệ, hợp tác với tất cả.
Cơ hội tách khỏi “cái ô” của Mỹ cho Mỹ Latin
Ngày 2-12-2011, tại
Caracas (Venezuela), 33 nguyên thủ các quốc gia khu vực đã ký kết hiệp
định thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), đánh
dấu một bước phát triển mới của khu vực. Theo Tổng thống nước chủ nhà
H.Chavez, CELAC sẽ trở thành một “liên minh chính trị với mục tiêu xây
dựng một trung tâm quyền lực lớn trong thế kỷ XXI”(4). Phải chăng đây là
sự thể hiện: các nước Mỹ Latin muốn tách dần khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ?
Suốt một thời gian dài, những cơ chế khu vực (kiểu như MERCOSUR) luôn
chịu sự chi phối của mối quan hệ giữa khu vực với Mỹ. Những khó khăn mà
nước Mỹ đang phải loay hoay tìm giải pháp khắc phục khiến chính quyền
của Tổng thống B.Obama phải thi hành một chính sách “nhượng bộ” đối
với các nước Mỹ Latin.
Kể từ sau khi cuộc
khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bùng nổ đến nay, các nước Mỹ
Latin vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (4,5%/ năm). Sự thành công
của các nền kinh tế Mỹ Latin (như Brazin, Argentina, Chile) đã thu hút
các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Sự tăng
trưởng trong bối cảnh khủng hoảng còn giúp các nước Mỹ Latin tự tin hơn
trong việc hiện thực mong muốn thành lập một cơ chế độc lập, không chịu
sự ràng buộc với Mỹ.
Kết quả của Hội nghị tại Durban mang nặng tính thỏa hiệp tạm thời
Hội nghị về chống biến
đổi khí hậu tại Durban (Nam Phi) đã diễn ra trong bối cảnh thời hạn chót
2012 của Nghị định thư Kyoto đang cận kề cộng với sự bế tắc của các hội
nghị tại Copenhagen (năm 2009) và Cancun (năm 2010). Quá trình đàm phán
căng thẳng 14 ngày của hội nghị Durban và kết quả cuối cùng (ngày
11-12-2011) của nó phản ánh khá rõ nét mối quan hệ giữa các quốc gia
thời khủng hoảng. Đại diện của 194 quốc gia tham gia hội nghị đều nhận
thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của việc nhiệt độ Trái Đất đang nóng lên
từng ngày. Tuy nhiên, trong tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
những nguy hại do hiệu ứng nhà kính hay chất thải CO2 phải
nhường chỗ cho những mưu sinh thường nhật cũng là điều dễ hiểu. Mâu
thuẫn gay gắt giữa các quốc gia tại hội nghị, cũng giống như đối với vấn
đề nợ công tại Eurozone, đã khiến kết quả đạt được tại hội nghị Durban
mang nặng tính thỏa hiệp tạm thời và hướng tới tương lai nhiều hơn(5).
Biện minh cho kết quả không như mong đợi của cộng đồng quốc tế, người ta
lại viện dẫn bằng cụm từ quen thuộc “lợi ích quốc gia”. Diễn biến của
hội nghị Durban cho thấy cuộc đấu tranh giữa cái “Tôi” và cái “Chúng ta”
vẫn vô cùng căng thẳng và còn lâu mới đi đến hồi kết.
Tóm lại, những diễn
biến trong năm 2011 cho thấy, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn
cầu vẫn còn rất sâu đậm. Tuy nhiên, hai quá trình trái ngược nhưng lại
có tính bổ trợ nhau: đề cao lợi ích quốc gia song hành với nỗ lực mở
rộng hợp tác quốc tế như là hệ lụy tất yếu của cuộc khủng hoảng này, cho
phép chúng ta hy vọng bức tranh thế giới năm 2012 sẽ ít ảm đạm hơn, cho
dù còn rất nhiều thách thức ở phía trước./.
________________
________________
(1) CIA World Fact Book, 18-1-2011
(2) Duncan Green: What caused the revolution in Egypt, The Guardian, 17-2-2011
(4) Hội nghị thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe, báo Nhân Dân ngày 4-12-2011
(5) http://dangcongsan.vn/CPV/, Hội nghị Durban thoát khỏi thất bại vào giờ chót, ngày 18-12-2011