Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

20. Những diễn biến chính trị - an ninh đáng chú ý trong năm 2011

21:8' 29/12/2011
TCCSĐT - Nhìn lại ba thập kỷ gần đây, thập kỷ nào cũng mở đầu bằng các sự kiện không chỉ để lại dấu ấn lịch sử mà còn mang ý nghĩa định hình xu hướng phát triển cục diện chính trị - quân sự thế giới trong 10 năm tiếp theo. Năm 1990 là sự tan rã Liên Xô, kéo theo sụp đổ của trật tự thế giới hai cực. Năm 2000 là sự kiện 11-9 và việc Mỹ phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”. Còn năm 2011, thế giới chứng kiến chuỗi dài những biến động chính trị - xã hội cảnh báo thập kỷ thứ hai bất ổn trong thế kỷ XXI.

Các biến động chính trị - xã hội ở khu vực Trung Đông Lớn. Năm 2011 chứng kiến các biến động chính trị - xã hội đầy kịch tính bùng phát từ cuối năm 2010 ở nhiều nước Bắc Phi, Trung Đông và hiện nay đang có nguy cơ bùng phát trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn mà báo chí phương Tây gọi là “mùa xuân Arập”. Mong muốn “mùa xuân Arập” sẽ đem lại làn gió mát lành và hoa thơm quả ngọt cho khu vực đầy bất ổn này song thế giới lại đang phải chứng kiến một thực tế hoàn toàn trái ngược. Đó là tình trạng hỗn loạn triền miên sau khi chế độ cầm quyền cũ ở một số nước như Tunisia, Egypt, Libya bị lật đổ, còn chế độ cầm quyền mới được xây dựng từ nhiều lực lượng chính trị khác nhau, theo đuổi các mục tiêu khác nhau lại đang lâm vào trình trạng tranh giành quyền lực trước ảnh hưởng của một số thế lực bên ngoài.

Nguyên nhân trực tiếp của các biến động chính trị - xã hội ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông là do tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và chính trị ở các nước đó, còn nguyên nhân sâu xa nằm trong “Đề án Trung Đông Lớn” mà các đời tổng thống Mỹ ấp ủ từ những năm 1950 của thế kỷ trước tới nay và từng được Tổng thống G.W.Bush tuyên bố công khai vào năm 2004 nhằm thay đổi chế độ chính trị của hầu hết các quốc gia trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, kéo dài từ châu Phi, Trung Đông tới Trung Á, tạo cơ sở để Mỹ thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á - Âu. Có lẽ vì thế mà Tổng thống Barack Obama đã ví các sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông có ý nghĩa giống như sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989. Còn Thủ tướng Nga Vladimir Putin thì gọi đó là “cuộc thập tự chinh mới”.


Cuộc chiến tranh gây nhiều tranh cãi ở Libya.
Từ ngày 18-3-2011, bất chấp tình trạng sa lầy trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, Mỹ và NATO vẫn phát động thêm một cuộc chiến tranh nữa ở Libya. Đây là cuộc chiến tranh gây nhiều tranh cãi nhất ngay cả trong nội bộ NATO liên quan tới cơ sở pháp lý, mục đích và phương tiện tiến hành. Về pháp lý, Mỹ và NATO đã lợi dụng một số nội dung mập mờ trong Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để hợp pháp hóa sự can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền. Vì thế, giới quân sự ở nhiều nước cho rằng, chiến tranh Libya đã mở đầu hàng loạt cuộc chiến tranh và xung đột nhằm vào các quốc gia khác nhau mà Syria là mục tiêu tiếp theo. Về mục đích, tuy tuyên bố là tiến hành chiến tranh “để thiết lập vùng cấm bay” và “nhằm bảo vệ người dân” nhưng trên thực tế là để tiêu diệt cá nhân nhà lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi. Về phương tiện, Mỹ và NATO không chỉ sử dụng lực lượng trên không, trên biển mà cả lực lượng trên bộ, vi phạm quy định trong Nghị quyết 1973 là không được đưa lực lượng bên ngoài vào Libya. Vì thế có thể nói, chiến tranh Libya là cuộc chiến tranh nhỏ trong một cuộc chiến lớn có tên là “Chiến tranh thế giới thứ III”, nhằm đưa chủ nghĩa tư bản thời đại toàn cầu hóa thóat khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát từ Mỹ năm 2008.

Chỉ huy số 1 mạng lưới khủng bố quốc tế “Al-Qeada” bị tiêu diệt.
Năm 2011, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành chiến dịch bí mật trên lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt Osama Bin Laden - chỉ huy số 1 mạng lưới khủng bố quốc tế “Al-Qaeda”. Sự kiện này tuy được dư luận Mỹ và một số nước đánh giá là “thắng lợi lớn” trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Năm 2011 cũng là mốc thời gian đánh dấu vừa tròn 10 năm “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Tổng thống Mỹ G.W.Bush phát động sau sự kiện 11-9-2001 nhưng thế giới đã chứng kiến một nghịch lý kỳ lạ là Mỹ càng đẩy mạnh “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” thì khủng bố càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Nghịch lý điển hình nhất và cũng khó giải thích nhất là kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, hoạt động sản xuất và buôn lậu ma túy ở nước này từng một thời bị Taliban ngăn cấm thì nay đã tăng lên 40 lần. Một nghịch lý nữa không kém phần khó hiểu là trong số các lực lượng làm nên cái gọi là “mùa xuân Arập” được một số người trong chính giới ở Mỹ ủng hộ lại có cả lực lượng thuộc mạng lưới khủng bố “Al-Qaeda”. Từ đây, một câu hỏi chưa có câu trả lời được đặt ra: ai là kẻ đứng đằng sau các mạng lưới khủng bố toàn cầu?

Vụ “11-9 giữa lòng châu Âu”.
Năm 2011, Norway - một đất nước thanh bình ở Bắc Âu đã phải chứng kiến một vụ khủng bố đẫm máu chưa từng có do Anders Behring Breivik, một phần tử phát xít mới, tiến hành, nhằm vào Văn phòng của Thủ tướng Norway Jens Stoltenberg và các thành viên trẻ tích cực không có vũ trang của Đảng Công nhân trên đảo Utoeya. Có nhiều bằng chứng cho thấy, đứng đằng sau vụ khủng bố kinh hoàng này là lực lượng phát xít mới đang ngóc đầu dậy ở châu Âu. Từ sự kiện này bắt đầu lộ diện một vấn đề nổi cộm trong xã hội Norway nói riêng và một số nước châu Âu khác nói chung, là sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu và chủ nghĩa phát xít mới. Thậm chí, các lực lượng cực hữu đã thâm nhập vào một số cơ quan lập pháp cũng như hành pháp ở một số nước. Đáng lo ngại hơn là những người này đang hô hào đòi xét lại nguyên nhân, diễn biến và kết cục cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II - một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới.

Khủng hoảng nợ công dẫn tới khủng hoảng chính trị ở châu Âu.
Năm 2011, châu Âu -“miền đất hứa” của nhiều người trên hành tinh phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều nước EU đe dọa sự tồn tại của các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hóa ra, đằng sau sự phồn vinh hào nhoáng và lộng lẫy của một số nước thuộc “miền đất hứa” là sự tiêu xài quá mức cho phép, khiến nợ công ngày một phình to như một khối “u ác tính”, khiến nhiều nước ở khu vực này lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, dẫn tới khủng hoảng chính trị, buộc chính phủ các nước Hi Lạp và Italy phải ra đi, còn các chính đảng cầm quyền ở Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha... bị sụt giảm uy tín tới mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Điều khiến cả thế giới lo ngại là cho tới giờ phút sắp kết thúc năm 2011, thế giới cũng như chính nội bộ các nước EU vẫn chưa đưa ra được các biện pháp căn bản có triển vọng giúp họ thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng nợ công. Hết hội nghị thượng đỉnh này tới hội nghị thượng đỉnh khác của các nước thành viên EU và các nước thuộc Eurozone trong năm 2011 mà vẫn chưa tìm ta lối thóat khả dĩ và kết cục là EU đã phải ký kết một hiệp định mới, trong đó không có Anh tham gia. Vì thế, trong những năm tới, các nước Eurozone sẽ vẫn “ăn không ngon ngủ không yên” trên khoản nợ công, còn EU thì đứng trước tương lai bất định. 


Phong trào phản kháng xã hội chưa từng có.
Năm 2011 chứng kiến một phong trào phản kháng xã hội chưa từng có mang tên “Đánh chiếm Phố Wall” (“Occupy Wall Streets”). Nói là chưa từng có vì nó bùng phát ngay trong lòng một nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới rồi nhanh chóng lan tỏa sang nhiều nước phát triển cao khác ở châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp v.v.. Những người tham gia phong trào phản kháng xã hội ở Mỹ xuống đường biểu tình lên án sự tham lam của các tập đoàn tài phiệt và các công ty đã tạo ra sự bất bình đẳng lớn giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Họ không chấp nhận tình trạng 99% dân số ở Mỹ sống trong cảnh chật vật, còn 1% dân số còn lại sống trong cảnh xa hoa, thừa thãi quá mức. Những người biểu tình ở các nước châu Âu cũng không chấp nhận việc gánh các khoản nợ công mà chính phủ các nước đó bắt những người đóng thuế phải chịu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải thừa nhận rằng, trong khi 1% số người Mỹ là thủ phạm gây ra khó khăn cho nền kinh tế Mỹ thì có tới 99% lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do 1% đó gây ra. Năm nay Tạp chí Time của Mỹ đã chọn hình tượng “người phản kháng xã hội” là “nhân vật của năm 2011”.


Các “điểm nóng” đứng trước nguy cơ dẫn tới xung đột.
Năm 2011, thế giới không khỏi lo âu trước sự tăng nhiệt đột ngột tại các “điểm nóng” trên bán đảo Triều Tiên, trên Biển Đông, ở Iran và trong quan hệ giữa Pelestin và Israel. Ở Đông Bắc Á, quan hệ căng thẳng lúc bùng phát, khi tạm lắng giữa hai miền Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc diễn tập quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, giữa Mỹ và Nhật Bản đã đẩy tình hình tại đây đến trước nguy cơ xung đột. Sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il khiến một số nước liên quan tới khu vực này chuyển sang trạng thái báo động an ninh. Đối với Iran, việc Mỹ liên tiếp đưa ra những lời cáo buộc đối với Tehran đã đẩy quan hệ giữa hai nước lên tới nấc thang gần tới chiến tranh với sự kiện bất ngờ Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ xâm phạm vùng trời của quốc gia này. Ở Đông Nam Á, việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam trong bối cảnh sự tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này giữa nhiều nước có liên quan chưa được giải quyết đã đưa Biển Đông thành một “điểm nóng” mới rất đáng lo ngại trong năm 2011.

Quan hệ Mỹ - Pakistan đứng trước tương lai mờ mịt.
Sự kiện Mỹ bí mật tiến hành chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan, tiếp đến là chuyện máy bay của Mỹ và NATO ở Afghanistan tiến công một trạm kiểm soát của quân đội Pakistan và Quốc hội Mỹ quyết định cắt viện trợ quân sự cho nước này trong tài khóa 2012, đã đẩy quan hệ giữa Mỹ với đồng minh chiến lược của Washington trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” tới chỗ rạn nứt nghiêm trọng và đang đứng trước tương lai mờ mịt. Trong bối cảnh đó, Pakistan đã thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và cải thiện đáng kể quan hệ với Nga. Cục diện chính trị - quân sự ở Nam Á đang đứng trước những dịch chuyển lớn trong những năm tới.

Nạn đói hoành hoành ở châu Phi.
Năm 2011 chứng kiến nạn đói chưa từng có diễn ra ở một số khu vực Sừng châu Phi do tác động của một đợt hạn hán nghiêm trọng và kéo dài chưa từng có trong 60 năm qua ở các nước Somalia, Ethiopia và Kenya. Ngày 20-7-2011, Liên hợp quốc chính thức tuyên bố về nạn đói chưa từng có ở châu Phi kể từ những năm 1984-1985, trong đó có gần 12 triệu người ở Somalia, Kenya, Ethiopia, Jibuti, Sudan và Uganda thiếu ăn. Nạn đói ở châu Phi lại đánh thêm một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về nguy cơ mất an ninh lương thực trên thế giới nói chung.

Năm của các mạng xã hội “phát tác”.
Mạng Internet là một trong những thành tựu vĩ đại của nhân loại, được mệnh danh là “lục địa thứ 7”, đã và đang góp phần rất lớn và rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa và cả chính trị - an ninh. Nhưng năm 2011 thế giới phải chứng kiến một hiện tượng mới, trong đó một số người đã lợi dụng các trang mạng xã hội trên Internet như “Facebook” và “Twitter” để kích động tinh thần và thái độ phản kháng của dân chúng. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc bạo động chính trị - xã hội diễn ra tại nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông, cũng như làn sóng phản đối kết quả bầu cử vào Duma Quốc gia Nga. Từ tác động của các mạng xã hội trên Internet đang hình thành loại hình chiến tranh kiểu mới để giành giật trái tim và khối óc của công chúng nhằm đạt được mục tiêu chính trị. Các chuyên gia quân sự gọi đó là “chiến tranh bạo loạn”- một loại hình chiến tranh mới trong thế kỷ XXI, một thứ vũ khí quan trọng có tính quyết định và hiệu quả cao nhằm làm tan rã đối phương về tư tưởng - tâm lý và chính trị. Vì thế mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã dự báo về một kỷ nguyên mới trong đời sống chính trị - xã hội, đó là “kỷ nguyên cách mạng từ Internet”./.
Lê Thế Mẫu