Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

37. Thời kỳ dân chủ hóa các quan hệ quốc tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại phiên Khai mạc Hội nghị Ngoại giao 27.
Năm 2011, mặc dù tình hình thế giới có những biến động phức tạp, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Thành công này có sự đóng góp lớn của Ngoại giao Việt Nam. Nhân dịp Xuân Mới, TG&VN xin trân trọng trích giới thiệu một số nội dung cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 6/1/2012.

Thưa Bộ trưởng, năm qua, tình hình thế giới và các khu vực xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp mới, như bất ổn ở Trung Ðông - Bắc Phi, thảm họa thiên tai hoành hành, khủng hoảng kinh tế- tài chính chưa được khắc phục... Đây là những thách thức lớn đối với ngành Ngoại giao. Song với những hoạt động phong phú, tích cực, Ngoại giao Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Điều này cũng đã được tổng kết tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27. Theo Bộ trưởng, đâu là những điểm sáng nhất trong công tác ngoại giao của Việt Nam trong năm qua?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đúng là năm 2011 thế giới trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng tôi cho rằng thuận lợi cũng rất cơ bản. Những thuận lợi đó được tạo bởi sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, bởi xu thế vận động theo hướng dân chủ hóa của mối quan hệ quốc tế, bởi thế và lực của đất nước đang lên cao. Nắm bắt được cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng:
1) Thành công của Đại hội Đảng lần thứ XI là điểm sáng nhất về chính sách đối ngoại. Đại hội đã sáng suốt đánh giá và dự báo chính xác tình hình thế giới với những khó khăn và thuận lợi cơ bản đối với đất nước ta. Tình hình thế giới diễn ra cho tới nay đã minh chứng cho những đánh giá đúng đắn này. Đại hội đã đề ra đường lối đối ngoại đổi mới theo hướng tích cực và chủ động hơn nữa hội nhập quốc tế, trong khi vẫn quán triệt chủ trương lớn là độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
2) Đường lối đối ngoại đúng đắn đã tạo tiền đề cho những điểm sáng tiếp theo trong việc thực thi chính sách đối ngoại của đất nước: Hoạt động đối ngoại đã triển khai rất tích cực, toàn diện cả về song phương và đa phương; đặc biệt là các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao tới các nước láng giềng, khu vực, các đối tác chủ chốt đã đưa quan hệ nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, mở ra cơ hội to lớn nhằm nâng tầm quan hệ với một số đối tác quan trọng khác. Sự tham gia tích cực, chủ động của nước ta tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng như ASEAN, APEC, WTO… đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3) Tình hình Biển Đông năm qua có nhiều biến động, nhưng Ngoại giao đã góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ, trong khi chúng ta vẫn duy trì và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước liên quan, hòa bình, ổn định ở khu vực.
4) Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều tác động không thuận đến kinh tế nước ta, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, tham gia cùng với những ngành kinh tế đối ngoại tranh thủ những nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu của đất nước đạt gần 200 tỷ USD. Mặc dù các nước tài trợ khó khăn nhưng vẫn cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam gần 8 tỷ USD, nguồn FDI vẫn được đăng ký ở mức gần 14 tỷ USD.
5) Công tác bảo hộ công dân năm qua đã làm được nhiều việc quan trọng: đưa được gần 10.000 lao động trở về an toàn từ Libya, sơ tán an toàn toàn bộ học sinh và người Việt Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng hạt nhân do động đất sóng thần ở Nhật Bản,... Công tác bảo vệ ngư dân và ngư trường truyền thống của nước ta tiếp tục là trọng tâm của ngành Ngoại giao. Cùng với đó là công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài vẫn được thường xuyên chú trọng.
6) Ngoại giao văn hóa cũng giành được nhiều thành tựu lớn: năm qua 3 di sản văn hóa của đất nước đã được UNESCO công nhận: Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên được mở rộng thành khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
7) Hội nghị Ngoại giao 27 thành công cũng là niềm tự hào của ngành Ngoại giao. Hội nghị đã chuẩn bị hành trang cho những người làm công tác đối ngoại trong năm 2012 và những năm tiếp theo, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XI.
Nhìn chung, với nỗ lực và quyết tâm rất lớn trong năm qua, ngành ngoại giao đã đóng góp vào những thành tựu chung của cả nước, góp phần tạo thế và lực mới để đất nước đứng vững và phát triển trước những thử thách của thời cuộc. (…)
Năm 2011 được nhận định là một năm mà xu hướng thế giới đa cực trở nên rõ nét hơn, sự chuyển dịch trọng tâm từ Tây sang Đông cũng trở nên rõ ràng với vai trò nổi bật của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nằm ở khu vực này, Việt Nam có những cơ hội và thách thức gì ?
Còn quá sớm để cho rằng thế kỷ 21 là Thế kỷ Thái Bình Dương. Nhưng điều dễ nhận thấy là châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên như một khu vực năng động về kinh tế. Quá trình liên kết kinh tế khu vực đang diễn ra mạnh mẽ, cấu trúc khu vực với nhiều tầng nấc, nhiều cơ chế đang được hình thành và phát triển, trong đó vai trò đầu tàu và hạt nhân của ASEAN được củng cố. Các nước lớn đều đang tập trung sự chú ý vào khu vực, nhiều nước đã coi châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.
Tuy nhiên, khu vực cũng đứng trước những thách thức mới, nhất là cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tranh chấp biên giới lãnh thổ, nguồn tài nguyên gia tăng; tình hình nội trị nhiều nước diễn biến phức tạp và các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng.
Là thành viên tích cực của các cấu trúc khu vực như ASEAN, APEC, EAS... chúng ta cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung, cùng nhau hợp tác để phát triển. Những cơ hội thường không lặp lại. Trong một khu vực năng động như vậy, các nước đều tranh thủ cơ hội phát triển nhanh, nếu ta bỏ lỡ cơ hội, chậm chân, nguy cơ tụt hậu sẽ là nguy cơ lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Ngành Ngoại giao sẽ phải chủ động tích cực hơn nữa để phát huy vai trò của đất nước trong khu vực (…).
Bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu sau khủng hoảng tài chính đang đặt ra nhiều vấn đề đối với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định rằng Việt Nam phải xây dựng một chiến lược tổng thể, bài bản hơn về hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy Bộ Ngoại giao dự định như thế nào để triển khai kế hoạch này?
Việc xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế tổng thể là hết sức cần thiết và cấp bách. Chiến lược tổng thể sẽ giúp chúng ta triển khai hội nhập kinh tế quốc tế với tầm nhìn dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, lộ trình và biện pháp rõ ràng, đồng thời giúp chúng ta chuẩn bị ở trong nước chủ động và bài bản hơn, nhất là năng lực thực hiện các cam kết quốc tế.
Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngoại giao trong thời gian tới. Phát huy thế mạnh của mạng lưới các cơ quan đại diện ta trên thế giới và trên góc độ chính trị đối ngoại, Bộ Ngoại giao sẽ tập trung tích cực cùng các Bộ, ngành xây dựng Chiến lược tổng thể này, đặc biệt là trong việc tham mưu, đánh giá xu thế tình hình, tương quan lực lượng để có thể đề xuất lựa chọn đúng đối tác kinh tế - thương mại, các bước đi phù hợp, xác định đúng lộ trình, thời điểm, đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm, bài học các nước về hội nhập.
Như vậy, ngành Ngoại giao cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận, để chuyển từ "phục vụ, hỗ trợ" sang "triển khai" hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm chính trị đối ngoại gắn kết chặt chẽ với kinh tế đối ngoại, bảo đảm hội nhập kinh tế quốc tế là nền tảng, nội hàm then chốt của hội nhập quốc tế toàn diện.

(…)
Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ hội nhập sâu hơn với thế giới. Không chỉ hội nhập về kinh tế, chúng ta sẽ hội nhập toàn diện. Ngành Ngoại giao sẽ tham gia thúc đẩy quá trình này như thế nào? Theo ông, trong quá trình này, chúng ta phải chú ý những vấn đề gì?
Đại hội XI của Đảng đã đề ra đường lối đưa nước ta bước sang thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới, từ hội nhập kinh tế thuần túy, chúng ta sẽ mở rộng hợp tác sâu rộng sang các lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, văn hóa, xã hội…
Tại Hội nghị Ngoại giao 27 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi giao nhiệm vụ cho ngành Ngoại giao cũng đã nhấn mạnh như vậy. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã giao Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành khác chuẩn bị xây dựng nhiều văn kiện quan trọng cho tiến trình này, trong đó có Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế từ nay đến 2020.
Tôi muốn nhấn mạnh một số nội dung chính của Hội nhập quốc tế:
- Hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Trong 5 năm tới, chúng ta sẽ phải xây dựng các kế hoạch, mục tiêu, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, ODA, mở rộng thị trường xuất khẩu du lịch… phù hợp với các định hướng phát triển mới của đất nước.
- Đồng thời thúc đẩy quan hệ chính trị, an ninh, quân sự văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… nhằm góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nâng cao thế và lực của Việt Nam.
Trong quá trình đó, chúng ta cũng phải có nghiên cứu, đề xuất, xây dựng những quyết định dài hạn về hội nhập; chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực; đưa ra những sáng kiến vừa phù hợp với lợi ích của ta, vừa đóng góp vào việc giải quyết các công việc quốc tế, qua đó bảo vệ tốt nhất cho các lợi ích an ninh và phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế toàn diện đặt ra cho chúng ta một số thách thức mới. Hội nhập toàn diện đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ để bổ sung, hoàn thiện thể chế, cải cách và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, cần khẳng định một điều, mọi mối quan hệ quốc tế trong bất kỳ điều kiện nào cần phải tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị như một sự tự do lựa chọn mô hình phát triển của nhân loại.
(…)
Thưa Bộ trưởng, một trong những trọng tâm của đối ngoại của Việt Nam là tham gia tích cực nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kể cả trên biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Có thể nói rằng, một trong những thành tựu ngoại giao năm 2011 là đã xử lý “vững tay” về vấn đề Biển Đông. Điều này được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá cao. Ông suy nghĩ như thế nào trước ý kiến này?
Lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và của mỗi người dân Việt Nam, trong đó ngành Ngoại giao có sứ mệnh rất quan trọng.
Ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua đã chủ động làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ về thực trạng tình hình Biển Đông, về chủ trương chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Bạn bè quốc tế chia sẻ và đồng tình với những quan điểm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Đây là một trong những thành quả của công tác ngoại giao. Trong năm 2011, Việt Nam cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước ASEAN khác thúc đẩy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông và phù hợp với lợi ích chung của tất cả các nước./.
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/xuan2012/2012/1/C9F36F5C7F0C581E/