Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

36. Ấn Độ - Trung Quốc: Những xung đột và đồng nhất

Gắn bó với nhau trong các cuộc gặp gỡ quốc tế nhưng Ấn độ và Trung Quốc lại có những giọng điệu hiếu chiến với nhau khi họ phải đối đầu. Theo Le Monde diplomatique số ra tháng 5/2011 “Điều mang tính cơ cấu là khả năng của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tách mối quan hệ song phương hình răng cưa và sự phối hợp của họ chống lại phương Tây trong các cơ chế đa phương”.

Tháng 4/2011 là lần đầu tiên nhóm các nước BRICS gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và từ nay cả Nam Phi, đã chứng tỏ họ là một mặt trận thống nhất, nhất là đối với cuộc can thiệp vào Libi, rất bị chỉ trích, hoặc về vấn đề đồng USD. Gắn bó với nhau trong các cuộc gặp gỡ quốc tế, Ấn Độ và Trung Quốc lại có những giọng điệu hiếu chiến với nhau khi họ phải đối đầu
Cứ cách vài tháng là giữa Ấn Độ và Trung Quốc lại xảy ra bất đồng. Tháng 12/2010, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã được đánh dấu bằng một thái độ lạnh nhạt nào đó: thông cáo cuối cùng đã không bao gồm sự đề cập “một Trung Quốc duy nhất” ( one China ), công thức được sử dụng thường ngày để đánh dấu sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Đài Loan. Sự bỏ sót này của Ấn Độ có lẽ là để trả thù việc Trung Quốc đã từ chối công nhận vùng Arunachal Pradesh và bang Giamu và Casơmia là phần lãnh thổ không thể tách rời của Ấn Độ. Trái lại, tháng 4/2011, trong hội nghị cấp cao lần thứ ba các nước thuộc nhóm BRICS, Trung Quốc và Ấn Độ đã cùng chia sẻ với nhau trong việc bảo vệ những lợi ích của các nước mới nổi và lên án cuộc can thiệp – được cho là của phương Tây – vào Libi. Trong khi đó, báo chí Ấn Độ đã đưa tin về sự ủng hộ của Trung Quốc, nhất là về mặt vũ khí, cho quân nổi dậy ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, các bộ tộc đang tiến hành cuộc đấu tranh theo tư tưởng ly khai từ nhiều thập kỷ nay.
Vào giữa những năm 2000, ông Jairam Ramesh, thành viên lỗi lạc của Chính phủ Ấn Độ, phụ trách các vấn đề về môi trường, đã đưa ra khái niệm về “Chindia”, như vậy là chứng tỏ có một sự hâm nóng nào đó mối quan hệ giữa hai nước này. Từ khi diễn ra chuyến thăm mang tính lịch sử của Thủ tướng Rajiv Gandhi tới Trung Quốc hồi năm 1988, kỷ niệm về cuộc chiến tranh năm 1962 giữa hai nước đã mờ nhạt đi, và nhịp độ các cuộc gặp gỡ chính thức đã không suy giảm. Các thỏa thuận quan trọng đã được ký như Quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác Ấn – Trung vì hòa bình và thịnh vượng (2005). Về mặt ngoại giao, Ấn Độ đã tái khẳng định rằng Tây Tạng thuộc về Trung Quốc – như Ấn Độ đã từng khẳng định như vậy ngay từ năm 1954 – và Trung Quốc đã công nhận rằng Sikkim, bị Ấn Độ thôn tính hồi năm 1974, thuộc lãnh thổ của Ấn Độ. Về mặt kinh tế, những sự trao đổi thương mại đã bùng nổ để đạt 61,7 tỷ USD năm 2010 so với 3 tỷ USD năm 2000; Trung Quốc trở thành đối tác hàng đầu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong khi những vụ tranh chấp biên giới được đưa ra thương lượng, thậm chí rất gian khổ, từ năm 1988, thì chúng lại bùng phát trong những năm qua. Năm 2009, Trung Quốc đã mưu toan phong tỏa một khoản vay 2,9 tỷ USD của Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) vì một phần trong số tiền này (60 triệu USD) là nhằm thực hiện một dự án ở Arunachal Pradesh, một vùng lãnh thổ mà Trung Quốc không công nhân chủ quyền của Ấn Độ. Khác với Ấn Độ, Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận tuyến đường McMahon – được thương lượng vào năm 1913 giữa người Anh và chính phủ khi đó ở Lhasa – vùng này được coi là thuộc “Nam Tây Tạng” và Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của mình. Cùng năm đó, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Arunachal Pradesh. Mối lo ngại bất ngờ này dường như liên quan đến sự có mặt của một nhà tu theo đạo Phật Tây Tạng ở Tawang, nơi Dalai – Lama đã ra đời.
Ngoài ra, năm 2009 – 2010, nhà cầm quyền Trung Quốc đã quyết định cấp thị thực cho những người dân ở Giamu và Casơmia trên những tờ giấy rời chứ không phải là theo những hộ chiếu Ấn Độ - đây là một cách không thừa nhận chủ quyền của Ấn Độ đối với bang này (Ấn Độ và Pakixtan tranh chấp vùng Casơmia từ năm 1947). Tháng 7/2010, khi nhà cầm quyền Trung Quốc hành động như vậy với một trung tướng đứng đầu khu vực quân sự phía Bắc, Ấn Độ đã hủy chuyến thăm chính thức Trung Quốc có ông tướng này tham gia.
Những xích mích này nằm trong bối cảnh tình hình căng thẳng Ấn Độ - Pakixtan lại bùng phát sau khi các cuộc tấn công thánh chiến diễn ra tại Mumbai vào tháng 11/2008. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Pakixtan không thể không khiến Ấn Độ lo ngại, nước này đặc biệt lo ngại việc xây dựng cảng Gwadar ở Baloutchistan hoặc sự cộng tác quân sự của hai nước này với việc đồng chế tạo các tàu khu trục JF – 17 đầu tiên hồi tháng 11/2009. Các tàu hộ tống chống tàu ngầm Sword (F - 22P) và một xe tăng cũng như các nhà máy điện hạt nhân, trong đó Ấn Độ lo ngại rằng các nhà máy điện hạt nhân này sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự. Thêm vào đó có thể là một cuộc xung đột liên quan đến vấn đề nước. Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy thủy điện, ở thượng lưu sông Brahmapoutre chảy vào Ấn Độ, có thể làm thay đổi lưu lượng nước của sông này.
Ngoài việc là những đối thủ trên mặt đất, Ấn Độ và Trung Quốc còn là những đối thủ ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ phải chịu đựng một tổ hợp bao vây liên quan đến sự phát triển của “chuỗi ngọc trai” dưới ảnh hưởng của Trung Quốc (việc xây dựng các cảng cho đến tận eo biển Ormuz) và liên quan đến việc triển khai các tên lửa trên cao nguyên Tây Tạng. 
Về phía mình, Trung Quốc tin chắc rằng Ấn Độ có khả năng tiến hành phong tỏa sự tiếp cận biển Trung Hoa của mình, nhất là nhờ thành lũy mà quần đảo Andaman tạo thành. Cả hai bên đều ngày càng lo ngại hơn vì việc cung cấp dầu chủ yếu cho mỗi bên đều phải qua khu vực Trung Đông và qua Ấn Độ Dương. Vì vậy, điều không đáng ngạc nhiên là hai nước đều đang gia tăng sức mạnh hải quân của mình – song không phải vì thế mà không chú trọng đến các vũ khí khác, như ngân sách quân sự đang tăng mạnh của hai nước đã chứng tỏ điều đó: ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 10% mỗi năm trung bình từ 30 năm nay và chính thức đạt 91 tỷ USD năm 2011. Ngân sách quân sự của Ấn Độ, tăng một phần ba so với năm trước, lên tới 32 tỷ USD năm 2009 – 2010.
Cuộc cạnh tranh này đã dẫn đến việc thành lập các liên minh khu vực. Thân thiết với Pakixtan, Mianma và Xri Lanca, Trung Quốc cũng ve vãn các đối tác mà Ấn Độ cũng đang mong muốn thiết lập và phát triển mối quan hệ tốt đẹp, như Iran, Nêpan và Bănglađét. Về phía mình, Ấn Độ đang tìm cách lợi dụng mối lo ngại trước cường quốc Trung Quốc của các nước khác như Việt Nam, Xinhgapo và Nhật Bản – đã ký với các nước này một thỏa thuận đối tác quan trọng mang tính chiến lược hồi năm 2006. Ấn Độ cũng xích lại gần Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể tức giận về mối quan hệ đối tác, cùng với trục Nhật Bản – Mỹ, càng củng cố thêm vai trò cường quốc châu Á của Mỹ.
Tuy vậy, các mối quan hệ song phương phức tạp này không cản trở hai nước trở lại với nhau – và đồng nhất – ngày càng thường xuyên trong các cơ chế đa phương. Việc nhiều thể chế tập hợp các nước châu Á hoặc, rộng lớn hơn, các nước mới nổi đã làm gia tăng tần số và cường độ của những sự trao đổi: Ấn Độ và Trung Quốc hiện là thành viên của của khoảng 6 tổ chức theo kiểu này, ở cấp khu vực hoặc liên châu lục.
Ngoài tam giác chiến lược gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, vấn đề mang tính tượng trưng nhất chắc hẳn là nhóm BRICS. Nghị quyết cuối cùng của cuộc họp cấp cao đầu tiên, diễn ra vào tháng 6/2009 tại Yekaterinburg (Nga), đã đưa ra những nguyện vọng về sự trỗi dậy của một thế giới đa cực. Hội nghị cấp cao thứ hai của nhóm này, diễn ra vào tháng 4/2010, tại Brasilia, đã nêu lên một cách cụ thể hơn những vấn đề mang tính địa chiến lược, như vấn đề về Iran: các nước thuộc nhóm BRIC - khi đó Nam Phi chưa thuộc nhóm này – đã nhất trí với nhau để cho rằng những sự trừng phạt của phương Tây không phải là một giải pháp.
Cuối cùng, vào dịp diễn ra hội nghị cấp cao lần thứ ba của nhóm BRICS, vào tháng 4/2011, tại Tam Á (Trung Quốc), câu lạc bộ các nước thuộc nhóm mới nổi trên đã biến thành một cơ quan chính trị thực sự với sự gia nhập của Nam Phi, nước trước đây chưa đủ tư cách nằm trong nhóm này về những thành tích kinh tế, vì Ấn Độ và Trung Quốc cùng tiến hành việc bảo vệ các lợi ích của các nước mới nổi, giống như họ đã làm tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong suốt chu trình đàm phán lâu dài Doha và trong hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu diễn ra tại Côpenhaghen năm 2009. Không những các nước thuộc nhóm BRICS đã chỉ trích cuộc can thiệp vào Libi, mà họ còn đòi có một vị trí ngày càng tăng trong hệ thống Liên Hợp Quốc, kể cả một chiếc ghế thành viên thường trực tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho Braxin và, với những lời lẽ kín đáo, họ còn nhăm nhe cả các chức vụ lãnh đạo Quĩ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới mà theo truyền thống là thuộc người Mỹ và người châu Âu.
Tính gay gắt tương đối trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ về mặt song phương được đền bù bằng cường độ của những sự trao đổi trong các khuôn khổ đa phương, nơi hai nước khổng lồ châu Á đều muốn chống lại phương Tây. Nếu thái độ thù địch này không đáng ngạc nhiên mấy về phía Trung Quốc, thì trái lại tính mập mờ trong lập trường của Ấn Độ lại gây ra sự lúng túng. Nước này dường như vận hành bằng một tình hình căng thẳng mạnh mẽ giữa một bên là những người “theo tư tưởng phương Tây” coi Ấn Độ là một nước – chiếc cầu nhỏ có thể giữ vai trò là chiếc cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam, và những người “theo tư tưởng phương Đông” tự nguyện thay thế “thỏa thuận Oasinhtơn” bằng một “thỏa thuận châu Á” – thậm chí bằng “thỏa thuận Bắc Kinh” nổi tiếng kết hợp chủ nghĩa tự do về kinh tế với tính chất chuyên quyền về chính trị (toàn bộ các biện pháp theo tư tưởng tự do được áp đặt cho các nước mắc nợ trong những năm 1980 – 1990).
Điều hấp dẫn mà sự tăng trưởng của Trung Quốc tác động đến các tầng lớp tinh hoa Ấn Độ đã thúc đẩy họ đi theo đường hướng thứ hai này. Ông Rajiv Kumar, giám đốc liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp của Ấn Độ, đã nói trong cuộc họp ở Tam Á: “Điều đáng chú ý trong chủ nghĩa tư bản Trung Quốc là sự xóa nhòa hoàn toàn sự cách biệt giữa các lĩnh vực công và tư. Cả hai lĩnh vực này đều làm việc một cách rõ ràng, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản”.
Đối với một số nhà lãnh đạo Ấn Độ, nền dân chủ trong chính sách đối ngoại không còn là một lý tưởng nữa, mà là một công cụ chính trị: như vậy, việc tiến hành can thiệp nhân danh nước này vào Ápganixtan – điều này sẽ làm suy yếu Pakixtan – dường như là chính đáng; nhưng việc chia sẻ với những sự phản đối của phương Tây chống việc Nga tiến hành xâm lược Grudia hoặc nghị quyết số 1973 – cho phép tiến hành can thiệp Libi – dường như là không cần thiết.
Bên lề hội nghị cấp cao Tam Á, Ấn Độ và Trung Quốc đã quyết định lại tiếp tục tiến hành hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, vốn bị ngừng trệ sau khi diễn ra các vụ rắc rối hồi tháng 7/2010, giảm bớt những sự mất cân bằng về thương mại (Ấn Độ thâm hụt 25 tỷ USD) và thảo ra một cơ chế mới giải quyết những tranh chấp về biên giới.
Tình trạng hâm nóng này, phản ánh mong muốn mang tính cơ hội của Ấn Độ trong việc gây sức ép với việc Mỹ mà theo Ấn Độ là quá thân Pakixtan sẽ kéo dài trong bao lâu? Không ai biết điều đó cả. Điều mang tính cơ cấu là khả năng của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tách mối quan hệ song phương hình răng cưa và sự phối hợp của họ chống lại phương Tây trong các cơ chế đa phương.


Theo Le Monde diplomatique
 Vũ Hiền (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-khu-vuc-khac/1568-n--trung-quc-nhng-xung-t-va-ng-nht