16:22' 6/1/2012
EU không đạt đồng thuận về kế hoạch sửa đổi Hiệp ước Lisbon
Điểm lại lịch sử quốc
tế hiện đại, thế giới đã từng chứng kiến 4 liên minh tiền tệ, với những
quy mô và mức độ gắn kết khác nhau, bị tan rã sau những biến động lớn về
kinh tế, chính trị, xã hội. Đó là đế quốc Áo - Hung tan rã năm 1919;
liên minh tiền tệ tại Mỹ năm 1932-1933 đổ sụp sau khi Cục Dự trữ bang
Chicago từ chối cho bang New York vay tiền; sự sụp đổ của Nhà nước Liên
bang Xô viết năm 1992-1993; đất nước Tiệp Khắc bị chia cắt thành hai nửa
vào thập niên 90 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, so với viễn cảnh Eurozone
sụp đổ, những biến động nói trên thật chẳng “thấm tháp” gì. Thực tế, sự
ra đi của những liên minh tiền tệ này đều chưa đến mức gây đảo lộn
nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới. Song nếu Eurozone sụp đổ, nhất
định nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn và chỉ có thể dùng hai từ duy
nhất để mô tả, đó là một “thảm họa”.
Thế nhưng, các nước EU
và trước hết là bản thân 17 quốc gia Eurozone đã làm gì để nền kinh tế
toàn cầu tránh khỏi một thảm họa được báo trước? Hội nghị thượng đỉnh EU
kết thúc hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, với việc các nhà lãnh đạo khu
vực chỉ dừng lại ở sự nhất trí thực thi những nguyên tắc nghiêm ngặt
hơn về ngân sách đối với Eurozone, mà không đạt được bất cứ đồng thuận
nào về đề xuất của Pháp và Đức, liên quan đến việc sửa đổi Hiệp ước
Lisbon - văn bản pháp lý cao nhất để quản lý EU. Thay vào đó, các nhà
lãnh đạo quyết định soạn thảo một “Công ước tài chính” dựa trên các hiệp
ước liên chính phủ, chỉ áp dụng cho Eurozone và những nước tham gia
công ước này. Tuy nhiên, chưa cần bàn tới những giải pháp, những điều
khoản sửa đổi siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, tránh lặp lại khủng
hoảng nợ công…, người ta đã cảm thấy lo ngại, bởi ngay từ khi công ước
nói trên đang được thai nghén và thông qua (dự kiến muộn nhất sẽ ký vào
tháng 3-2012), thì ban đầu đã có tới 4 trên tổng số 10 quốc gia ngoài
Eurozone ngập ngừng, không muốn tham gia, để rồi cuối cùng có Anh nhất
quyết xin đứng ngoài nếu không được hưởng một “luật chơi” ưu ái hơn. Thủ
đô Luân Đôn của “xứ sở sương mù” là nơi đóng đô của 75% ngành “công
nghiệp” dịch vụ tài chính, và Anh phản đối đề xuất của Pháp và Đức về áp
thuế giao dịch tài chính cũng như những quy định mới nhằm kiểm soát các
giao dịch này. Đương nhiên, các quốc gia EU không thể chiều lòng Thủ
tướng Anh David Cameron đòi dành cho Anh một số miễn trừ đối với các quy
định về dịch vụ tài chính, bởi đó chính là lý do khởi nguồn cuộc khủng
hoảng nợ công hiện nay. Nếu không lơ là trong việc tuân thủ các quy định
trong khu vực tài chính, hẳn tình hình đã không đến mức bi đát như lúc
này. Và rõ ràng, không thể có chuyện một khu vực tiền tệ tồn tại với một
đồng tiền duy nhất nhưng lại có nhiều luật chơi.
Kinh tế châu Âu đổ vỡ liên hoàn không còn là viễn tưởng
Có thể hình dung châu
Âu sẽ náo loạn thế nào khi Eurozone sụp đổ: cảnh người gửi tiết kiệm
hoảng loạn chạy khắp các nhà băng, giống hình ảnh từng thấy ở Mỹ trong
cuộc khủng hoảng năm 1929; tiếp đến là sự phá sản của hàng loạt ngân
hàng. Tất cả bị đẩy vào cảnh bần cùng với sự suy thoái của kinh tế các
nước… Tuy nhiên, với ít nhất 6 lần tiến hành cái gọi là “hội nghị thượng
đỉnh cuối cùng”, thì hội nghị thượng đỉnh “cuối cùng” lần thứ 6 diễn ra
trong hai ngày 8 và 9-12 vừa qua đã không thể đưa ra được quyết định gì
đột phá hơn. Rõ ràng, giới lãnh đạo chính trị châu Âu phản ứng quá chậm
chạp trong việc giải quyết khủng hoảng; Ngân hàng Trung ương châu Âu
(ECB) thì quá “oải” nên cũng đã ngừng trợ giúp tài chính đối với các
nước “vô kỷ luật” trong lĩnh vực tài chính; trong khi nợ công của Italia
đã gây ra những hành động đầu cơ tiêu cực, và theo đánh giá của giới
phân tích kinh tế, nền kinh tế Italia khó có thể trụ vững trong nay mai…
Một câu hỏi đặt ra, khi
các nền kinh tế Eurozone lâm vào tình cảnh đổ vỡ dây chuyền như những
quân bài đôminô, các quốc gia sẽ ra sao nếu quay trở về với đồng tiền
riêng trước kia? Điều này đồng nghĩa với việc các nước lớn ở Nam Âu sẽ
phá giá đồng tiền của mình xuống 30-40% để giành lại sức cạnh tranh với
các nước Bắc Âu, đồng thời giảm giá hàng xuất khẩu và nâng giá hàng nhập
khẩu. Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên không ai khác, chính là người
dân, bởi sức mua bị giảm sút do đồng lương giảm 30-40%. Ai sẽ là người
có trách nhiệm khi tiền gửi tiết kiệm của người dân khu vực Nam Âu bỗng
dưng giảm sút do đồng tiền bị mất giá? Và còn biết bao hệ lụy khác nữa
mà chúng ta khó có thể hình dung hết khi nó chưa thực sự diễn ra. Các
chuyên gia tính toán, toàn bộ châu Âu sẽ trải qua một đợt suy thoái trầm
trọng với GDP tăng trưởng âm 3% và kéo dài ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, số
liệu trên chỉ mang tính lý thuyết, bởi không thể đánh giá hết mức độ
hoảng loạn trên thực tế. Không ai có thể đánh giá hết hậu quả khi các
nhà đầu tư tháo chạy khỏi các quốc gia Eurozone.
Giấc mộng về một châu Âu thống nhất đã chấm dứt?
“Giấc mộng” về một châu
Âu thống nhất có vẻ như đã chấm dứt. Trong năm qua, người ta đã nói
nhiều tới nguy cơ tan rã của Eurozone. Có thể tin chắc rằng dù chỉ có
một thành viên yếu nhất rời khỏi khu vực này, thì hậu quả cũng đủ lớn để
gây ra sự hỗn loạn. Còn trong trường hợp Eurozone tan vỡ toàn bộ hoặc
tổng thể, có nghĩa là sẽ hình thành một nhóm nước sử dụng đồng mác (Đức)
và một nhóm khoảng 10 thành viên quay lại đồng tiền quốc gia cũ, thì
hậu quả sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Một số chuyên gia còn đặt giả thuyết,
nếu Italia và Tây Ban Nha rút khỏi Eurozone, một cuộc đổ vỡ có hệ thống
sẽ xuất hiện trong các tổ chức tài chính lớn khắp châu Âu, Bắc Mỹ, và hệ
lụy là một cuộc suy thoái toàn cầu kéo dài. Đó là chưa kể nếu Eurozone
tan rã, sẽ xuất hiện cả những vấn đề về cơ sở hạ tầng. Phải làm thế nào
để đưa đồng tiền quốc gia trở lại lưu thông? Làm thế nào để tính toán tỷ
giá trong tình hình bất ổn định? Cần làm gì để chuyển đổi tất cả các
khoản nợ? Làm gì với hàng tỉ euro đã được chi ra để cứu trợ các nước
trong khu vực? Dùng loại tiền tệ nào để chi trả các hợp đồng đang còn
hiệu lực? Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa.
Cuộc khủng hoảng nợ
công còn đe dọa sự tồn tại của các thể chế ở châu Âu, mà trước hết là
việc Pháp và Đức, cùng một số nước EU khác muốn sửa đổi Hiệp ước Lisbon,
cho dù EU đã phải mất rất nhiều công sức mới đạt được sự đồng thuận về
văn bản pháp lý này. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cải tổ Ủy ban châu
Âu (EC), cơ quan lập pháp của EU, và tăng thêm quyền lực cho Hội đồng
châu Âu như một người cầm lái có khả năng tiên lượng, quyết định và can
dự nhằm giải quyết tốt hơn mọi cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.
Liệu Eurozone có vượt
qua “cơn bạo bệnh”? Liệu thế giới có rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính
và suy thoái kinh tế mới? Điều đó chỉ có thể phụ thuộc vào những nỗ lực
và quyết tâm mạnh mẽ cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các
nước châu Âu. Không biết cuộc khủng hoảng nợ công sẽ còn “đeo bám” châu
Âu và Eurozone đến lúc nào, chỉ chắc chắn một điều, các khu vực khác
trên thế giới từng mong muốn xây dựng một liên minh thống nhất như EU và
Eurozone, hẳn đã thôi ấp ủ niềm mong ước này./.