Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

3. Chủ nghĩa xã hội Soviet - một giải pháp của nhân loại trong thế kỷ XX

22:5' 27/1/2012
TCCSĐT- Cách đây hơn 20 năm, thế giới diễn ra một biến cố lớn: chủ nghĩa xã hội theo mô hình Soviet đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu. Thời gian càng lùi xa, có lẽ chúng ta càng nhìn nhận thấu đáo hơn biến cố lịch sử ấy, từ đó cũng cho chúng ta thấy rõ hơn những vấn đề của hiện tại và tương lai.

Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ đầy đủ tính chất dã man, phi nhân đạo, đó là: chế độ sở hữu tư bản tư nhân dẫn đến bần cùng hóa giai cấp công nhân và nhân dân lao động; thị trường tư bản tự do dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, hủy hoại cơ sở vật chất, của cải xã hội và gây nên những tai họa cho nhân dân lao động; các nước đế quốc đem quân đi xâm lược các nước lạc hậu, biến các nước này thành thuộc địa, áp bức, bóc lột dã man nhân dân các nước thuộc địa; các nước đế quốc gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa, chiến tranh chia lại thị trường thế giới, hủy hoại nghiêm trọng của cải vật chất, các nền văn hóa và biết bao sinh mạng con người.
Chống lại sự dã man, thực hiện chủ nghĩa nhân đạo là giải pháp của nhân loại trên con đường tiến hóa và phát triển. Sự ra đời của mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet chính là nhằm thực hiện giải pháp ấy. Chống lại những sự dã man của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội Soviet mang những đặc trưng và vận hành đối lập với chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn như:
- Chủ nghĩa tư bản dựa trên chế độ tư hữu, thì chủ nghĩa xã hội xóa bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu trên phạm vi toàn xã hội.
- Chủ nghĩa tư bản vận hành theo thị trường tự do, thiếu sự quản lý, điều tiết của nhà nước, thì chủ nghĩa xã hội xóa bỏ thị trường tự do, quản lý nền kinh tế theo kế hoạch; nhà nước trực tiếp điều hành mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.
- Chủ nghĩa tư bản xâm lược, áp bức, bóc lột các nước thuộc địa, thì chủ nghĩa xã hội giúp các nước này đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, giành độc lập dân tộc.
- Chủ nghĩa tư bản gây ra chiến tranh đế quốc, thì chủ nghĩa xã hội chống lại chiến tranh đế quốc.
Ra đời và tồn tại gần 74 năm (1917-1991) chủ nghĩa xã hội theo mô hình Soviet (chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô) đã đạt được những thành tựu to lớn:
Thứ nhất, trên phạm vi toàn xã hội không còn giai cấp bóc lột. Mọi người lao động đều làm công ăn lương dưới sự lãnh đạo, quản lý của những người cộng sản hết lòng vì sự nghiệp chung, nhất là trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; qua đó, khơi dậy được cao trào lao động quên mình trong đời sống xã hội, tạo nên bước phát triển nhảy vọt về kinh tế - xã hội. Chỉ sau hai kế hoạch 5 năm thực hiện công nghiệp hóa (1929 - 1939), đã tạo ra tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, đủ sức đánh trả chiến tranh phátxít. Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô trở thành cường quốc về quân sự và kinh tế, đi đầu trong lĩnh vực chinh phục không gian vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác.
Thứ hai, mọi nguồn lực xã hội đều do Nhà nước quản lý nên có thể tập trung phát triển nhanh công nghiệp nặng, xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết các vấn đề giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội. Dưới thời Soviet, nhiều ngành công nghiệp hiện đại được hình thành, phát triển; hệ thống giao thông, liên lạc được xây dựng và hoàn thiện; hàng loạt công trình văn hóa, trung tâm khoa học - công nghệ được mọc lên; giáo dục không phải trả tiền, mọi người đều được đi học, ai có khả năng thì học cao hơn, trở thành kỹ sư, bác sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ để đóng góp tài năng cho đất nước; chữa bệnh không phải trả tiền, người già được chăm sóc, nuôi dưỡng; mọi người thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau... Với trình độ kinh tế - xã hội như Liên Xô trước đây, có thể nói, không có một quốc gia nào lại giải quyết được những nhiệm vụ ấy và có quan hệ giữa người và người tốt đẹp như thế.
Thứ ba, toàn xã hội đoàn kết thành một khối, chung một ý chí, dưới sự chỉ huy thống nhất, tạo nên sức mạnh có thể đánh bại tất cả các cuộc tiến công của các thế lực đế quốc từ bên ngoài, càng đánh càng mạnh và chiến thắng. Ngay từ khi còn non trẻ, chính quyền Soviet đã phải chống lại sự can thiệp của 14 nước đế quốc bên ngoài và giành thắng lợi. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại phátxít Đức và đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật Bản.
Thứ tư, Liên Xô là thành trì của cách mạng thế giới, là chỗ dựa và ủng hộ, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình, dân chủ, tiến bộ của nhân loại; là lực lượng đối trọng với chủ nghĩa tư bản, đế quốc, khiến chúng không thể "làm mưa làm gió" trên trường quốc tế. Đó cũng là nhân tố khiến cho chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh mình, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ tan rã.
Như vậy, mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet đã có sự đóng góp lớn lao cho sự phát triển của nhân loại, có giá trị vẻ vang trong cả một chặng đường lịch sử. Mặc dù mô hình ấy đã sụp đổ, nhưng những giá trị nhân đạo, nhân văn của nó không mất đi, mà hòa vào dòng tiến hóa chung của nhân loại trên con đường tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa - xã hội nhân đạo hoàn bị.
Do ra đời trong điều kiện đặc biệt - trong vòng bao vây của chủ nghĩa đế quốc, luôn có nguy cơ bị tiêu diệt bởi chiến tranh đế quốc, trong khi cơ sở vật chất còn ở trình độ thấp (công nghiệp cơ khí, "văn minh công nghiệp ống khói") - và cũng do sai lầm chủ quan, ảo tưởng của các đảng cộng sản về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet, ở Liên Xô cũng như ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây, đã mang tính chất "dân chủ quân sự", phi tự nhiên, đó là:
- Xóa bỏ mọi hình thức sở hữu tư nhân, xác lập chế độ công hữu trong toàn bộ nền kinh tế dưới hai hình thức: toàn dân và tập thể. Trong điều kiện lực lượng sản xuất phát triển chưa đầy đủ, sở hữu tư nhân tất yếu còn tồn tại, vì nó còn tạo địa bàn cho lực lượng sản xuất phát triển. Và khi lực lượng sản xuất phát triển chưa đầy đủ, trình độ xã hội hóa chưa cao thì cũng không thể xác lập chế độ công hữu trong phạm vi toàn xã hội, có chăng chỉ xác lập được ở một số bộ phận của nền kinh tế. Mặt khác, xóa bỏ sở hữu tư nhân cũng có nghĩa là xóa bỏ lợi ích tư nhân của con người gắn liền với sở hữu ấy, mà lợi ích tư nhân chính là động lực hoạt động của con người và cũng chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Và như vậy, đã xóa bỏ động lực phát triển, gây nên trạng thái trì trệ. Còn chế độ công hữu được xác lập không dựa trên xã hội hóa sản xuất thì cũng không có cơ sở khách quan để xác lập thể chế kiểm soát, quản lý có hiệu quả, dẫn đến tình trạng vô chính phủ, "cha chung không ai khóc", gây nên tham nhũng, sử dụng không có hiệu quả tư liệu sản xuất, lãng phí của cải xã hội.
- Xóa bỏ thị trường tự do, trên thực tế đã hạn chế, triệt tiêu tác động của quy luật giá trị, quy luật cung cầu, cạnh tranh; cũng chính là hạn chế, triệt tiêu động lực đổi mới kỹ thuật - công nghệ, động lực phát huy sức sáng tạo của con người. Và do vậy cũng xóa bỏ cơ chế tự điều chỉnh, tự cân đối, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, xóa bỏ "bàn tay vô hình", sự tự điều tiết của thị trường. Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế phi thị trường của Liên Xô trước đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất so với các nước phương Tây có nền kinh tế thị trường diễn ra rất chậm, mặc dù sự phát minh khoa học - kỹ thuật của Liên Xô đứng vào hàng đầu thế giới. Chỉ có ngành công nghiệp quốc phòng, không gian vũ trụ là ứng dụng nhanh, còn các ngành khác, đặc biệt là công nghiệp hàng tiêu dùng, rất ít có sự thay đổi. Mặt khác, nền kinh tế kế hoạch hóa, phi thị trường cũng không thể thiết lập được sự cân đối liên ngành, một cơ cấu hợp lý, phù hợp với yêu cầu khách quan của nền kinh tế luôn vận động, phát triển; bởi nó thiếu "bàn tay vô hình" tự điều tiết kinh tế phù hợp với quy luật khách quan, trong khi cân đối liên ngành theo kế hoạch hóa chỉ là sản phẩm chủ quan. Sự mất cân đối của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế bất hợp lý phát sinh trong nhiều năm, không thường xuyên được khắc phục, tồn đọng lại và bộc lộ ra rõ nhất trong thời kỳ Liên Xô khủng hoảng và sụp đổ, dường như phải phá hủy toàn bộ và cấu trúc lại toàn bộ.
- Nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu và kế hoạch hóa dưới sự điều hành, chỉ huy trực tiếp của nhà nước. Nhà nước vốn là tổ chức quan liêu, trong khi kinh tế - xã hội lại luôn sống động, thay đổi, phát triển. Để có thể điều hành được kinh tế - xã hội, bộ máy nhà nước phải phình to lên, và càng phình to lên thì nó lại càng quan liêu, bất lực. Nhà nước ấy lại là một bộ phận của hệ thống chính trị được tổ chức theo kiểu hình tháp, trong đó Đảng ở đỉnh cao quyền lực, còn nhà nước và các tổ chức chính trị khác chỉ là cánh tay nối dài thực hiện mệnh lệnh của Đảng. Đó là một hệ thống chính trị tập trung quyền lực, nhưng lại thiếu cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực. Do vậy, không chỉ hạn chế sự thích ứng và tự điều chỉnh của hệ thống, mà còn nảy sinh quan liêu, tham nhũng, lạm quyền, tha hóa quyền lực. Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước vốn là của nhân dân, trở thành xa lạ, đối lập với nhân dân.
Những khuyết tật trên đã manh nha xuất hiện ngay từ khi mô hình Soviet mới được xác lập. Nhưng trong thời kỳ đầu của một chế độ mới, khi khí thế cách mạng của quần chúng còn đang dâng cao, những người cộng sản giữ vai trò lãnh đạo hết lòng vì nhân dân, xã hội đang cần sự đoàn kết, nhất trí, chỉ huy thống nhất để chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, thì những khuyết tật trên ít biểu hiện ra hoặc bị che lấp đi. Hơn nữa, trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất, cơ sở vật chất là nền công nghiệp cơ khí, "văn minh công nghiệp ống khói", sự phát triển sản xuất chủ yếu theo bề rộng, thì mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet còn có khả năng thích ứng.
Những khuyết tật vốn có của mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet cứ âm thầm diễn ra trong nhiều thập kỷ và ngày càng trầm trọng là nguyên nhân nội sinh dẫn đến khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Song, sự khủng hoảng còn do nguyên nhân sâu xa từ sự phát triển của lực lượng sản xuất và bối cảnh quốc tế thay đổi. Từ sau thập kỷ 60 của thế kỷ XX, thế giới diễn ra cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ hai, rồi lần thứ ba, chuyển sang xã hội hậu công nghiệp, sản xuất cần phát triển theo bề sâu bằng việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thì mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet không còn thích ứng được nữa. Thực tế cho thấy, các nước tư bản với nền kinh tế thị trường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ rất nhanh, còn các nước xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế hành chính, bao cấp lại ứng dụng rất chậm. Những năm 70, 80 của thế kỷ XX, các nước tư bản có bước tiến nhảy vọt về kinh tế - xã hội, còn các nước xã hội chủ nghĩa thì chững lại. Vấn đề ai thắng ai quyết định bởi năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, khiến cho xu hướng đối đầu giữa hai hệ thống thế giới không còn phù hợp và chuyển sang đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia dân tộc, các hàng rào ngăn cách bị xóa bỏ, mở đường cho giao lưu, hội nhập toàn cầu. Do vậy, vào những năm 80 của thế kỷ XX diễn ra cuộc khủng hoảng toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Các nước trong hệ thống này thực hiện công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới để chuyển đổi mô hình xã hội.
Sự chuyển đổi mô hình chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, nhưng có dẫn đến sụp đổ hay không lại trực tiếp phụ thuộc vào nhân tố chủ quan.
Thực tế cho thấy, ở những nơi mà những người cộng sản còn kiên định cách mạng, chưa bị tha hóa, như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác, thì công cuộc cải cách, đổi mới giành thắng lợi. Bởi vì, khi có đội ngũ cán bộ kiên định cách mạng, sẽ đề ra được đường lối cải cách, đổi mới đúng đắn: cải cách, đổi mới để thay đổi mô hình chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập, nhưng vẫn giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức mới; có bước đi đúng đắn trong thực hiện công cuộc cải cách, đổi mới; mở rộng dân chủ và không chấp nhận đa đảng đối lập; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; hội nhập quốc tế, nhưng giữ vững độc lập về chính trị, tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội… Thành công trong thực tiễn công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc và công cuộc đổi mới của Việt Nam đã mở ra một triển vọng mới của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thành công ấy có vai trò quan trọng của người đứng đầu các đảng cộng sản.
Còn ở những nơi mà lực lượng cầm quyền đã tha hóa, như ở Liên Xô trước đây, thì công cuộc cải tổ gặp phải thất bại. Bởi vì, khi đội ngũ cán bộ đã tha hóa, đặc biệt là cán bộ cấp cao, thì sẽ đề ra đường lối sai lầm và áp dụng vào thực tiễn thất bại - vì thực hiện cải tổ mô hình chủ nghĩa xã hội mà lại từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa; thiếu nhất quán về trình tự thực hiện cải tổ; muốn dựa vào các nước đế quốc bên ngoài để thực hiện cải tổ… Ở Liên Xô trước đây, sai lầm trước hết thuộc về Gorbachop, nguyên Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Do thực hiện đường lối cải tổ sai lầm của Gorbachop mà từ khủng hoảng kinh tế - xã hội đã dẫn đến khủng hoảng chính trị - xã hội, và sau đó, khủng hoảng chính trị lại làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế. Bất lực trước hiện thực, Gorbachop đã đi từ sai lầm đến phản bội, áp dụng những giải pháp chống phá Đảng Cộng sản - dùng phương tiện thông tin đại chúng tấn công vào hệ tư tưởng, xuyên tạc truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc; xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô, thực chất là xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản về mặt pháp lý; thừa nhận đa nguyên, đa đảng, thực chất là tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị đối lập lên nắm quyền lực chính trị; vô hiệu hóa các cơ quan chuyên công tác Đảng (Thường trực Ban Bí thư và các ban của Đảng); trung lập hóa lực lượng vũ trang (quân đội, cảnh sát), thực chất là tước quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang; rồi cuối cùng, giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô… Kết quả là, chủ nghĩa xã hội sụp đổ, Liên Xô tan rã và Đảng Cộng sản mất vai trò cầm quyền, lãnh đạo.
Từ những sự phân tích trên cho thấy, mô hình chủ nghĩa xã hội Soviet, chủ nghĩa xã hội dân chủ hoặc bất cứ mô hình xã hội nào khác đều không thể là mô hình hoàn thiện, hoàn mỹ. Có thể coi đó là những phương án của loài người nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra từ đời sống xã hội trong những điều kiện lịch sử nhất định. Những phương án này có những thành công, nhưng cũng có không ít khiếm khuyết, và khi điều kiện xã hội thay đổi thì cần có sự đổi mới hoặc được thay bằng phương án khác. Có thể nói, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Soviet ở Liên Xô và Đông Âu là thất bại lớn của chủ nghĩa xã hội. Song điều đó không có nghĩa là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã đi vào “ngõ cụt”, là “con đường sai lầm” của lịch sử. Tiến lên chủ nghĩa xã hội là tiến tới xã hội nhân đạo hoàn bị, khắc phục mọi tha hóa, áp bức, bóc lột, bất công, bảo đảm điều kiện cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Với mục tiêu ấy, chẳng lẽ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội lại là sai lầm của lịch sử. Nếu con đường ấy dẫn đến "ngõ cụt" thì nhân loại sẽ đi đến đâu?./.


Lưu Văn SùngGS, TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh