Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

42. Những sự kiện lớn 2011

LTS. Năm 2011 sắp trôi qua – Một năm thật đặc biệt với rất nhiều sự kiện đáng nhớ: từ Mùa xuân Ảrập tới những cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ; khủng hoảng nợ công ở châu Âu tới sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi hay động đất ở Nhật Bản... Tất cả chúng đã đưa lại một sự tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - chính trị của nhiều quốc gia và tạo ra những bước chuyển lớn trong bàn cờ quan hệ quốc tế 2011-2012. Ban Biên tập báo Thế Giới & Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện thế giới và 5 sự kiện đối ngoại Việt Nam 2011. Xin chia sẻ cùng Bạn đọc.


10 SỰ KIỆN THẾ GIỚI
1. Mùa xuân ảrập và những bất ổn ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông

Khởi đầu từ Tunisia, các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng lan rộng tại các nước Ảrập vùng Bắc Phi và Trung Đông như Ai Cập, Yemen, Algeria, Libya, Jordani, Bahrain... Được gọi với cái tên là “Mùa Xuân Ảrập”, làn sóng biểu tình và nổi dậy của đông đảo dân chúng tại nhiều nước khu vực đã dẫn đến sự sụp đổ hoặc phải chấp nhận chuyển giao quyền lực của nhiều chính thể, tạo ra cơn địa chấn chính trị đối với toàn bộ khu vực và gây chấn động thế giới. Tại Libya, các cuộc không kích kéo dài 8 tháng của NATO, chỉ kết thúc khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị sát hại. Cuộc chiến tại Libya với sự tham sự của các thế lực bên ngoài kết thúc song những mục tiêu ổn định, an ninh thịnh vượng cho đất nước này vẫn còn là viễn cảnh xa vời. Không chỉ riêng Libya, hầu hết các nước có chính quyền được lập ra sau sức ép từ các cuộc xuống đường rầm rộ cũng đang có nguy cơ tái bất ổn, cho thấy một “Mùa Xuân Ảrập” đã kéo dài tới tận mùa Đông.
2. Thảm họa kép ở Nhật Bản

Ngày 11/3, thế giới bị sốc bởi thảm họa kép động đất-sóng thần tại vùng bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thứ ba thế giới. Nhiều thành phố ven biển bị xóa trắng, gần 30.000 người chết và mất tích, nhà cửa, đường sắt, đường bộ bị phá hủy nặng nề. Nghiêm trọng hơn, động đất sóng thần còn phá hủy, gây chấn động lớn gây rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng hạt nhân trầm trọng. Ước tính thiệt hại do động đất sóng thần gây ra là 309 tỉ USD.
Động đất tại Nhật Bản và khủng hoảng hạt nhân đã tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu vốn đang hồi phục mong manh, thắt chặt nguồn cung của nhiều loại hàng hóa từ con chip máy tính đến phụ tùng ô tô và tăng nỗi lo về lãi suất cao hơn. Mặc dù vậy, theo thông báo của Chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 đã tăng 6%, qua đó đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng của quốc gia này sau thảm họa.
3. Trùm khủng bố Osama bin Laden bị giết

Kẻ cầm đầu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và là kẻ chủ mưu vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Trận đột kích ngày 1/5/2011 của lực lượng đặc nhiệm Mỹ diễn ra táo bạo, nhanh gọn vào nơi trú ẩn của Osama bin Laden ở thành phố Abbottabad thuộc lãnh thổ Pakistan. Sự kiện này đã kết thúc cuộc truy đuổi kéo dài 10 năm của Mỹ đối với Bin Laden - nhân vật bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Cái chết của Osama bin Laden rõ ràng là một cú giáng mạnh vào vị thế và sức mạnh của Al-Qaeda, đồng thời sẽ đem lại cho Mỹ những lợi thế mới. Tuy nhiên, việc Bin Laden bị tiêu diệt không có nghĩa là nước Mỹ có thể dễ dàng kết thúc cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu đã gây ra bao hệ lụy cho họ trong nhiều năm qua, trong bối cảnh chiến trường Afghanistan còn ngổn ngang, bạo lực có nguy cơ tái bùng phát, quan hệ với Pakistan – đồng minh quan trọng tại Nam Á - bị rạn nứt nghiêm trọng do thiếu niềm tin.
4.Phong trào “chiếm phố Wall” lan rộng

Khởi nguồn chỉ với một nhóm nhỏ tại Zucotti Park, New York ngày 17/9/2011, phong trào “Chiếm phố Wall” đã bùng nổ và lan rộng trên toàn nước Mỹ và 951 thành phố tại 82 quốc gia ở tất cả các châu lục. Với khẩu hiệu "Chúng tôi là 99%", phong trào đã thể hiện sự tức giận của người dân Mỹ trước sự bất ổn của nền kinh tế cũng như sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội tư bản.
Cuộc biểu tình đã tố cáo các ông trùm tài chính phố Wall đang làm giàu bằng những trò lươn lẹo tài chính, và chính là nguyên nhân đẩy đất nước đi vào khủng hoảng, khiến hàng triệu người thất nghiệp. Thế nhưng những kẻ này lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì, khi mà các ngân hàng được cứu trợ bởi tiền thuế của nhân dân, thêm vào đó là sự thao túng các chính trị gia nhằm ban hành những đạo luật có lợi nhất cho mình.
Một phong trào biểu tình phản ánh sự bất bình sâu sắc của người dân trước những bất công trong phân chia của cải trong xã hội.
5. Nợ công – mối nguy chưa giải tỏa

Cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ vào cuối năm 2009 tại Hy Lạp và năm 2011 đã lan sang các nước khác trong Eurozone và kéo dài cho đến tận bây giờ. Sau Hy Lạp và Ireland, các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha, và Ý cũng đang nằm trong nguy cơ vỡ nợ. Tại Mỹ, ngày 02/08/2011, trần nợ Mỹ được điều chỉnh tăng thêm 2,4 nghìn tỷ USD để ngăn Mỹ vỡ nợ. Xếp hạng tín dụng của Mỹ bị đánh tụt xuống mức AA+, có thể tiếp tục bị hạ tiếp trong từ 12 đến 18 tháng tới. Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ có xếp hạng thấp hơn so với trái phiếu chính phủ Anh, Đức, Pháp hay Canada.
Nhiều quốc gia trong Eurozone đã phải áp dụng những chính sách thắt lưng buộc bụng khiến người dân bất bình. Hiện tại, trong khi lãnh đạo các nước thuộc liên minh châu Âu vẫn chưa tìm ra được một biện pháp triệt để, từng thông tin từ châu Âu đều có tác động mạnh tới thị trường thế giới. Nguy cơ tan rã của khu vực đồng Euro hiện đang hiển hiện hơn lúc nào hết. EIU hạ mức dự báo tăng trưởng GDP cho Eurozone xuống còn 0,3% vào năm 2012 từ dự báo trước đó là 0,8%. EU không đạt được thỏa thuận đột phá để cải thiện tình hình.
6. Mỹ trở lại châu Á - TBD

Năm 2011 có thể nói là Năm châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, với những chuyển dịch mạnh mẽ cả trong tuyên bố chính sách và hành động, cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với khu vực hiện đang được Washington đặt trong ưu tiên chiến lược toàn cầu của mình. Sự trở lại châu Á của Mỹ được phản ánh rất rõ nét tại khu vực Đông Nam Á, với việc Mỹ lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tháng 11/2011 hay việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) hiện đứng đầu trong các chương trình nghị sự thương mại của Washington. Chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ phản ánh một thực tế đang thay đổi về mặt kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Chính sách này chắc chắn sẽ khiến vũ đài chính trị - kinh tế của khu vực vốn đã sôi động này sẽ càng trở nên nóng bỏng hơn bởi những ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực.
7. lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đột ngột qua đời ngày 17/12. Ban lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi nhân dân tiếp tục vững bước dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Kim Jong-un, con trai út của nhà lãnh đạo mới qua đời. Các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ hồi hộp theo dõi mọi động thái ở Bắc Triều Tiên. Sự thay đổi lãnh đạo ở quốc gia này nhiều khả năng sẽ mở ra một trang mới trong cục diện bán đảo Triều Tiên và khu vực.
8. Mỹ chấm dứt cuộc chiến Iraq

Ngày 18/12/201, Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài 9 năm tại Iraq. Tổng thống Barrack Obama tuyên bố đây là một "thời khắc lịch sử" của quân đội Mỹ song cũng thừa nhận, cuộc chiến này gây nhiều tranh cãi ngay từ khi bắt đầu và việc “Kết thúc một cuộc chiến tranh bao giờ cũng khó khăn hơn bắt đầu một cuộc chiến”. Còn tại Afghanistan, Mỹ rút 10.000 binh sĩ trước thời hạn chót cuối năm nay, hoàn tất giai đoạn một kế hoạch rút toàn bộ lực lượng tác chiến vào năm 2014. Kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan nhằm chấm dứt hai cuộc chiến dai dẳng "hao người tốn của," làm suy giảm nhiều sức mạnh chính trị và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ. Hơn 6.300 lính Mỹ đã thiệt mạng và gần 40.000 lính bị thương, tiêu tốn 1.300 tỷ USD và con số này vẫn chưa dừng lại ở đó. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể thực hiện được mục tiêu biến Iraq thành một nền dân chủ ổn định và ủng hộ phương Tây. Ngay sau khi quân Mỹ rút đã xảy ra nhiều cuộc đánh bom đẫm máu giữa các phe phái ở Iraq.
9. Cuba cải cách kinh tế.

Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI (tháng 4/2011) mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quốc đảo Caribbe này với việc thông qua chính sách “cập nhật mô hình nền kinh tế,” huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã kêu gọi thực hiện triệt để những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, coi đây là con đường duy nhất để duy trì cách mạng Cuba, yêu cầu sự thay đổi tận gốc về nhận thức trong xã hội Cuba, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo. Năm 2011 là năm chính phủ Cuba đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó từng bước chấp nhận sở hữu tư nhân và mở cửa đón đầu tư nước ngoài.
10. Steve Job, ‘’thầy phù thùy’’ ở thung lũng silicon qua đời, tạo ra khoảng trống lớn trong làng công nghệ số

Một trong những cái chết gây bất ngờ và luyến tiếc nhất trong năm qua chính là sự ra đi của huyền thoại công nghệ Steve Jobs. Không chỉ những người của làng công nghệ mà hầu như tất cả mọi người, từ các chính trị gia, những ngôi sao giải trí đến những người yêu thích sản phẩm của Apple, đều cảm thấy sững sờ. Nhà sáng lập Apple đã ra đi vĩnh viễn hôm 5/10 ở tuổi 56 sau 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Cuộc đời của ông là một câu chuyện cảm động về một người bị hắt hủi, ra đi trong tủi hờn vì bị sa thải bởi chính công ty do mình lập ra. Nhưng vượt lên nỗi đau, với tầm nhìn đột phá và sức sáng tạo phi thường, Steve Jobs đã làm thay đổi cả ngành công nghệ máy tính, tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường âm nhạc và thị trường smartphone bằng những sản phẩm gây kinh ngạc như MacBook, iPod, iTunes, iPhone và mới đây nhất là iPad.


5 SỰ KIỆN ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM 2011
Do Thế Giới & Việt Nam bình chọn
1. Đại hội XI của Đảng và chủ trương hội nhập quốc tế

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 12 - 19/1, tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 thành viên và ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tại Đại hội này, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện thay vì chỉ hội nhập kinh tế như trước kia.
2. Ngoại giao toàn diện

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Đức tại Hà Nội.
Hàng loạt chuyến thăm nước ngoài của Lãnh đạo cấp cao nước ta cũng như của các nhà lãnh đạo các nước đến Việt Nam, nhất là sau khi Đại hội XI của Đảng thành công và Chính phủ mới được thành lập. Các chuyến thăm đã tạo sự khởi đầu để năm 2012 có thể trở thành năm “Ngoại giao toàn diện”. Lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện các chuyến thăm tới Lào, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ, Anh, Ukraine… Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 10, Việt - Đức đã nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược. Việt Nam cũng thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch.
Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới được tăng cường và mở rộng như: Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 6 với Ấn Độ; lần thứ 2 với Mỹ… Hải quân Việt Nam tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc, đón tàu khu trục Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc tới thăm Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam còn củng cố mối quan hệ song phương với các đối tác truyền thống như Nga, Belarus, Pháp...
Trong bối cảnh ngoại giao toàn diện được triển khai, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao trẻ Phạm Bình Minh, được tổ chức thành công từ ngày 12-19/12, đã đề ra 6 nhiệm vụ nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trong thời gian tới. Những nhiệm vụ này đã được Hội nghị cụ thể hóa thành Chương trình hành động.
3. Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc

Trong bối cảnh một số căng thẳng trên Biển Đông, ngày 11-15/10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến đại diện hai nước ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai đảng, hai nhà nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, xác định các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan. Hai bên nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
4. Kiều hối đạt mức kỷ lục trên 9 tỷ USD, xuất khẩu gạo được mùa. Sự chuyển hướng trong thu hút FDI

Cuối năm 2011, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trong 5 năm tới, sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Đây cũng là các nội dung được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012. Chính phủ cũng có những thay đổi chiến lược trong việc thu hút FDI từ mọi nguồn sang thu hút có lựa chọn. Tính đến cuối năm, kiều hối đạt mức kỷ lục trên 9 tỷ USD. Bên cạnh đó là việc xuất khẩu gạo được mùa với trên 7 triệu tấn, đã đưa Việt Nam thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
5. Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách Kỳ quan thế giới mới. Một số di sản mới của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Ngày 27/6, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản Văn hóa thế giới. Tiếp đó, ngày 24/11, tại Bali (Indonesia), UNESCO thông qua quyết định ghi nhận Hát Xoan (Phú Thọ) là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Tháng 12/2011, dù nhận được những ý kiến trái chiều nhưng Tổ chức New Open World đã thông báo Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.