Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

12. Nợ công châu Âu và những hệ lụy

21:29' 22/12/2011
TCCSĐT - Cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra tại châu Âu đang làm cho hệ thống tài chính của châu lục này đứng trước yêu cầu cần phải được “cải tổ” lại một cách triệt để. Đến nay, những thiếu sót của hệ thống này đã được nêu rõ và chủ yếu được tập trung phân tích ở các vấn đề kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, ở châu Âu cũng như những nơi khác, không thể tách rời vấn đề kinh tế và tài chính ra khỏi vấn đề chính trị. Và, thực tế là cuộc khủng hoảng nợ công tại đây đang tạo ra những phát triển đáng kể về chính trị ở châu Âu.

Bất đồng trong việc tìm lối thoát

Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 26-10-2011 vừa qua, 17 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào phút chót đã đạt được đồng thuận về kế hoạch chống khủng hoảng để bảo đảm cho sự tồn tại của khu vực này. Kế hoạch đó bao gồm 4 điểm chính: xóa 50% nợ công của Hy Lạp, tăng vốn cho các ngân hàng châu Âu; nâng khả năng can thiệp của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) lên thành 1.000 tỉ euro thay vì 440 tỉ như hiện nay và cuối cùng là gia tăng các biện pháp giới hạn bội chi ngân sách của các thành viên trong khối Eurozone. Nhưng việc tìm đâu ra 1.000 tỉ euro nói trên đối với châu Âu không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn chồng chất như hiện nay.

Cuộc khủng hoảng cũng đã khiến Thủ tướng Italy Berlusconi và Thủ tướng Hy Lạp Papandreou buộc phải từ chức. Mặc dù đã có chính phủ mới thay thế, hứa hẹn một tâm trạng lạc quan hơn, nhưng châu Âu vẫn không hết mệt mỏi với những gì đang diễn ra tại Italy và Hy Lạp. Tuy là nền kinh tế lớn thứ ba ở Eurozone nhưng Italy lại là thị trường trái phiếu chính phủ lớn nhất khu vực này cùng khoản nợ tương đương 120% GDP. Italy giờ đã trở thành quốc gia “quá lớn để giải cứu”, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về mặt pháp lý không thể đóng vai trò người cho vay cuối cùng. Nền kinh tế Hy Lạp cũng đang ở trong tình trạng quá “èo uột”, khó có khả năng cứu chữa. Hiện có khá nhiều người dân Hy Lạp đã rút tiền khỏi ngân hàng vì lo sợ nước này sẽ bị loại khỏi Eurozone.


Nhìn chung, các nhà phân tích cho rằng, các quyết định nhằm giải quyết khó khăn của khu vực này mới chỉ mang tính biểu tượng, tình thế và chắp vá bởi qua bao nhiêu phiên nhóm họp, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng không thể thống nhất được những khó khăn của khu vực thực chất bắt đầu từ đâu và nguyên nhân tại sao. Đức và một số nước có tình trạng tài chính khá hơn thì đổ lỗi cho sự hoang phí của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy và lo ngại rằng nếu đưa ra một gói cứu trợ sớm sẽ làm giảm động lực “tự cứu mình” của những nước này. Về phần mình, các quốc gia con nợ tại khu vực cho rằng khu vực đồng euro đang mất cân bằng và các quốc gia thịnh vượng hơn như Đức nên giảm xuất khẩu và tiêu dùng nhiều hơn để đạt được sự cân bằng đó.


Một số nước châu Âu khác bày tỏ quan điểm rằng một loại tiền tệ chung không thể tồn tại lâu dài khi chính sách tiền tệ thì do Liên minh châu Âu (EU) quản lý nhưng chính sách thuế và chi tiêu của mỗi quốc gia lại do chính phủ nước đó quyết định. Nó giống như có một chính phủ, chính quyền trung ương trong một nhà nước mà không có kiểm soát chính sách tài khóa, không có kiểm soát đối với tăng thuế, chi tiêu tiền. Còn vài nước khác cảnh báo rằng để tiếp cận an toàn với thị trường vốn cần có một hình thức bảo hiểm tập thể, tốt nhất là dưới dạng một trái phiếu euro. Đức lại cực lực phản đối giải pháp này vì cho rằng một khi áp dụng nó, có nghĩa là sự giàu có của các nền kinh tế cốt lõi sẽ dịch chuyển sang các quốc gia nghèo hơn.


Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay chỉ làm cho căn bệnh của châu Âu trở nên tồi tệ hơn. Họ biện minh rằng chi tiêu cần cho sự phát triển và cần có một bước đột phá để kích thích toàn bộ khu vực đồng Euro. Các quốc gia đứng trước nguy cơ này cũng đang cố gắng để vượt qua đống lộn xộn trên nhưng dường như phản ứng của họ lại quá chậm chạp. Thị trường hoàn toàn mất niềm tin vào những chính sách cải cách của họ. Thủ tướng Đức Angela Merkel lo ngại, vấn đề tài chính của khu vực châu Âu có thể là cuộc khủng hoảng lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ II.


Ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo EU cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc cơ cấu lại Eurozone. Trong khi Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso kiên quyết duy trì sự ổn định cho Eurozone, thì lãnh đạo Pháp và Đức lại đang thảo luận kế hoạch cải tổ triệt để EU, kể cả việc thiết lập một khu vực đồng euro liên kết chặt chẽ hơn và nhỏ hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, cần thay đổi Hiệp ước EU do tình hình hiện nay quá bi đát, đòi hỏi phải có sự đột phá. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đưa ra đề xuất về một “châu Âu hai tốc độ”, theo đó tốc độ tăng trưởng của 17 nước thành viên của Eurozone luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của 27 quốc gia trong EU.


Nguy cơ suy thoái kinh tế

Ngày 12-11-2011, ông Nouriel Roubini (chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới) nhận định, gói các biện pháp cải cách tài chính khẩn cấp của Italy theo yêu cầu của Liên minh châu Âu nhiều khả năng sẽ không giúp nước này duy trì được tỉ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức mà các thị trường tài chính có thể chấp nhận được. Trong 12 tháng tới, rất nhiều khả năng Rome phải tái cơ cấu nợ và Italy đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thậm chí phải rời khỏi Eurozone nếu không hành động kiên quyết hơn. Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang có nguy cơ bị buộc phải rời khỏi Eurozone.


Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cảnh báo, tăng trưởng kinh tế trong EU đã ngừng trệ và khu vực này có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2012 bởi vòng luẩn quẩn của nợ công, ngân hàng phá sản và cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), khu vực Eurozone bao gồm phần lớn các đầu tàu kinh tế trong EU dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,5% trong năm 2012, giảm mạnh so với mức dự báo 1,8% trước đó.


EC cũng cảnh báo, Italy sẽ không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013 do kinh tế gần như ngừng trệ, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt có thể hủy hoại nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone trong vài tháng tới, do đó, Rome cần thực hiện thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đáp ứng mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013.


Tác động đến ổn định chính trị - xã hội

Nếu Italy hoặc Tây Ban Nha phải rời khỏi Eurozone, điều này đồng nghĩa với sự tan rã của đồng euro. Chính phủ Đức đang nỗ lực đưa ra các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố, nếu đồng euro thất bại thì châu Âu sẽ thất bại. Ngay tại Đức, nước có nền kinh tế mạnh nhất Eurozone cũng đang rúng động trước các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ở Thủ đô Berlin và trung tâm tài chính Frankfurt phản đối sự thống trị của các ngân hàng.


Ngày 12-11-2011 vừa qua, người biểu tình Đức bao vây bên ngoài tòa nhà Quốc hội Reichstag, ga tàu hỏa trung tâm, một số tòa nhà chính phủ khác ở Thủ đô Berlin và trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt kêu gọi chấm dứt tình trạng đầu cơ tài chính thái quá và đổ lỗi cho các ngân hàng đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng đồng euro; đồng thời cho rằng, chính phủ đã đổ hàng tỉ euro để cứu trợ các ngân hàng trong khi người dân không hề có tiếng nói trong vấn đề này; do đó cần chia tách các ngân hàng lớn và đánh thuế các giao dịch tài chính.


Điều đáng lo ngại là tình trạng bất ổn về kinh tế hiện nay đang châm ngòi cho xu hướng ủng hộ dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy. Tuy trong giai đoạn hội nhập kinh tế và cần sự thống nhất cao giữa các nước châu Âu hiện nay, khó có chính phủ một nước châu Âu nào đó đến việc đưa vào luật những quan điểm của các đảng phái dân tộc chủ nghĩa như: cải cách vấn đề nhập cư, phản đối sự hội nhập kinh tế hay bảo vệ “bản sắc văn hóa dân tộc”… Nhưng, điều này sẽ không làm cho những đảng phái dân tộc chủ nghĩa tại các nước châu Âu ngừng lên tiếng bày tỏ những quan ngại của họ, thông qua đại diện của họ trong Quốc hội hay thông qua các cuộc biểu tình đường phố.


Trên thực tế, ý tưởng dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu là một sản phẩm tự nhiên từ yếu tố địa lý của châu Âu, nơi sản sinh ra nhiều cộng đồng mà những cộng đồng đó bị cô lập với các cộng đồng khác trong nhiều thế kỷ. Trong các cộng đồng khác nhau này, tâm lý thuộc về vùng đất bản địa cũng như tâm lý không tin cậy từ những người đến từ bên ngoài đã ăn sâu. Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới thứ II, châu Âu bắt đầu thể hiện một ý thức mang tính châu lục hơn, đỉnh cao là việc thành lập Liên minh châu Âu với những bảo đảm về sự thịnh vượng và lời hứa hoà bình. Khi EU trở nên giàu có và an toàn hơn, thỏa thuận này tiếp tục được đón nhận và củng cố vững chắc.


Tuy nhiên cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày một xấu đi hiện nay đã làm suy yếu nền móng của thỏa thuận trên. Chủ nghĩa dân tộc lại đang có xu hướng trỗi dậy, đó là tập hợp các ý tưởng nhằm tìm cách bảo vệ "bản sắc dân tộc" của một quốc gia chống lại các mối đe dọa của các lực lượng xâm lấn do quá trình toàn cầu hóa mang lại. Đối với nhiều người châu Âu, điều này được biểu hiện rõ nét ở khía cạnh chống lại xu hướng nhập cư và lo ngại nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia đến từ các thể chế của EU.


"Bản sắc dân tộc" có lên ngôi?

Lo ngại các mối đe dọa gia tăng, nhiều đảng phái ở châu Âu đang cố gắng bảo vệ các bản sắc dân tộc của mình. Ở Tây Âu, mối lo ngại chính liên quan đến vấn đề nhập cư, đó là người Hồi giáo. Đa số các đảng phái dân tộc chủ nghĩa nêu cao nguồn gốc của châu lục có xuất xứ từ đạo Cơ đốc và như vậy đang xuất hiện sự mâu thuẫn, xung đột giữa những người theo chủ nghĩa này đối với những người theo phong tục và niềm tin Hồi giáo. Việc phản đối, không cho xây dựng các tháp Hồi giáo ở Thụy Sỹ vừa qua là một biểu hiện rõ nét nhất về vấn đề này.


Ở Đông Âu, mối lo ngại chính tập trung vào sự hiện diện của các dân cư thiểu số. Đảng Jobbik ở Hungary đã lên tiếng cảnh báo tình trạng gia tăng "tội phạm người gipsi" ở đất nước này. Nhìn chung những đảng phái dân tộc chủ nghĩa ở đây thường chỉ trích những cái họ cho là cộng đồng thiểu số lạm dụng hệ thống phúc lợi xã hội. Những người dân chủ Thụy Điển cũng khẳng định rằng hệ thống phúc lợi xã hội có nguy cơ tan vỡ do làn sóng những người nhập cư. Trong khi đó Liên minh quốc gia ở Bulgaria lại chỉ trích các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số như người Thổ Nhĩ Kỳ, người Pomak hay người Hồi giáo, được hưởng quá nhiều đặc quyền.


Lo ngại về vấn đề chủ quyền, các tổ chức như Đảng tự do Áo và Đảng nhân dân Đan Mạch cũng đã tiến hành các hoạt động biểu tình nhỏ lẻ để phản đối việc gia nhập và mở rộng EU, trong khi Đảng nhân dân Thụy Sỹ muốn giữ Thụy Sỹ hoàn toàn đứng ngoài EU. Các đảng phái dân tộc chủ nghĩa khác chấp nhận việc là thành viên EU nhưng từ chối việc mở rộng nó. Đối với các đảng phái này, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi giáo với trên 70 triệu dân, là một điểm khác biệt quá lớn. Và hầu hết, tất cả các đảng phái này tin rằng, quốc gia của họ đang trao quá nhiều chủ quyền cho EU.


Trên thực tế, gần như tất cả mọi quốc gia EU đều cho phép các đảng phái dân tộc chủ nghĩa tham gia đời sống chính trị nội bộ của mình ở một số góc độ, thậm chí ở một số quốc gia có truyền thống lâu đời hơn trong việc ủng hộ các nhóm dân tộc chủ nghĩa so với các nước khác. Đó là ở Thụy Sỹ với Đảng nhân dân Thụy Sỹ giành được khoảng 28% số phiếu bầu trong 3 cuộc bầu cử gần đây; Pháp với Mặt trận dân tộc cũng giành được khoảng 14% số phiếu trong 3 cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Hà Lan, Áo và Đan Mạch cũng có các con số tương tự với khoảng 12-13%. Các nơi khác ở châu Âu như Italy, Hungary và Bulgaria, sự ủng hộ cũng đủ mạnh để các đảng phái dân tộc chủ nghĩa giành được sự hiện diện vừa phải trong cơ quan lập pháp.


Vào năm 2012 và 2013, tại châu Âu sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử lớn, điển hình là cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2012 và bầu cử Quốc hội Đức vào năm 2013. Mặc dù đa số các nước châu Âu đã xây dựng được một hệ thống đại diện cân xứng trong Quốc hội và ngay cả việc gia nhập Quốc hội ở các nước Anh, Đức, Pháp… cũng là rất khó đối với các đảng phái nhỏ. Nhưng mức độ ủng hộ của dân chúng đối với các đảng phái dạng này ở mỗi nước là khác nhau. Việc chống nhập cư, đặc biệt chống Hồi giáo đang có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng châu Âu. Vì vậy, những căng thẳng về chủng tộc, dân tộc kết hợp với sức ép về thắt lưng buộc bụng kinh tế và sự bất mãn với tầng lớp thượng lưu có thể sẽ tạo ra một mớ hỗn hợp, châm ngòi cho một sự bất ổn xã hội lớn hơn. Không loại trừ, trước bối cảnh khủng hoảng hiện nay, chương trình nghị sự của các đảng phái dân tộc chủ nghĩa có thể vượt qua biên giới quốc gia và “va chạm” cả với các nước láng giềng và bộ máy của EU.


Hiện còn quá sớm để khẳng định rằng các đảng phái dân tộc chủ nghĩa sẽ trở thành một thế lực nổi bật trong đời sống chính trị châu Âu trong tương lai, nhưng chắc chắn một điều, cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu hiện nay, nếu không sớm tìm ra hướng khắc phục thì chính nó sẽ là tác nhân quan trọng, tiếp tục “kích động” ý tưởng dân tộc chủ nghĩa. Những căng thẳng được tạo ra bởi toàn cầu hóa, những tác động về văn hóa và xã hội của xu hướng này sẽ là một yếu tố quan trọng trong đời sống chính trị châu Âu những năm tới.


Rõ ràng, “các vấn đề của châu Âu” giờ đây đã vượt quá xa vấn đề kinh tế - tài chính đơn thuần./.
Minh Tâ