Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

33. Mỹ suy yếu và thời cơ chiến lược của Trung Quốc

Với địa vị bá quyền đang trong thời kỳ suy giảm, thực lực hữu hạn mà mục tiêu lại quá lớn, Mỹ đang phải căng trải trên toàn thế giới và điều này đã để lại một không gian hoạt động lớn cho Trung Quốc, giúp cho hai nước cạnh tranh nhưng không quyết đấu.

Về mặt quân sự và ngoại giao, Mỹ gần đây nhấn mạnh chính sách “trở lại Châu Á”, chuyển dịch trọng tâm chiến lược quân sự về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, liên tiếp “điều binh khiển tướng” và tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự tại khu vực Đông Á. Những động thái này đã khiến cho tình hình khu vực Đông Á trở nên căng thẳng, môi trường bên ngoài xung quanh Trung Quốc theo đó cũng xấu đi rõ rệt. Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc hiện đang trong tình cảnh “bốn bề đều là địch”, do đó “thời kỳ cơ hội chiến lược” để phát triển hòa bình của Trung Quốc cũng sắp kết thúc. Trên thực tế, trên vũ đài quốc tế cũng như tại khu vực Đông Á, Trung Quốc vẫn còn không gian chiến lược rất lớn, chỉ cần giữ được đầy đủ sự kiên trì về chiến lược, phán đoán chính xác những biến đổi của tình hình, xoa dịu mâu thuẫn và xung đột với một số nước trong khu vực, xử lý tốt quan hệ Trung – Mỹ… thì Trung Quốc không những có thể giữ vững “thời kỳ cơ hội chiến lược” để thực hiện phát triển hòa bình, mà còn góp phần cho hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực.
Không gian xoay chuyển chiến lược của Trung Quốc
- Thứ nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, các nhân tố khiến Trung - Mỹ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã mang lại ảnh hưởng sâu sắc trên hai phương diện: một là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia, logic về trò chơi “tổng bằng không” (zero-sum) bị phá bỏ; hai là có những vấn đề trước đây chỉ có thể giải quyết bằng chính trị hoặc quân sự thì nay có thể giải quyết bằng kinh tế. Quan hệ Trung - Mỹ cũng vậy, có xung đột, có mâu thuẫn nhưng cũng có lợi ích chung rất lớn; mâu thuẫn và xung đột càng tăng lên, hai bên tổn thất càng nhiều, chỉ có tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác và đối thoại mới mang lại kết quả “cùng thắng”.
Đồng thời, giữa Trung Quốc và Mỹ thực ra không có mâu thuẫn và xung đột lợi ích trực diện, không có vấn đề nào căng thẳng tới mức hai bên chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh. Về kinh tế, mặc dù tổng lượng GDP của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn nằm ở khâu thấp kém trong “chuỗi sản xuất toàn cầu”, Trung Quốc đang “kiếm những đồng tiền mồ hôi” bằng cách “làm thuê” cho Mỹ. Do đó, sự phụ thuộc về kinh tế giữa hai nước là sự phụ thuộc theo loại hình “chủ lao động” và “người làm công”. Người Mỹ chỉ cần bằng vài thủ đoạn tài chính và thương mại là có thể tước lại những đồng tiền vất vả mà người Trung Quốc kiếm được, chứ đâu cần dùng đến biện pháp quân sự đầy rủi ro, vì vậy những kẻ vẫn rêu rao “Trung - Mỹ ắt có chiến tranh” rõ ràng là muốn thổi phồng cái nguy cơ không có thật.
- Thứ hai là không nên nhấn mạnh quá mức tới sự khác biệt về hình thái ý thức và chế độ chính trị. Về mặt nào đó, Trung Quốc và Mỹ đều là những người được lợi trong trật tự thế giới hiện nay, do đó cả hai đều ra sức duy trì trật tự đó.
Thực tế là, Trung Quốc vẫn đang thua kém Mỹ về mọi mặt và hoàn toàn chưa có năng lực để thách thức Mỹ. Do đó, điều Trung Quốc nên hết sức né tránh là nhấn mạnh quá mức những khác biệt về hình thái ý thức và chế độ chính trị giữa hai nước, việc làm có thể dẫn đến mâu thuẫn và cạnh tranh quân sự giữa hai bên.
- Thứ ba là các nước xung quanh Trung Quốc cũng không nước nào thực sự muốn làm “con tốt đi đầu”. Mỹ chuyển hướng chiến lược quân sự vào Châu Á, điều đó chắc chắn tạo ra áp lực cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng Mỹ trực tiếp phát động chiến dịch quân sự với Trung Quốc lại hết sức khỏ. Mỹ có thể lợi dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, kích động cọ sát, khiến cho môi trường xung quanh Trung Quốc không được yên ổn.
Sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc
- Thứ nhất, Trung Quốc cần nhìn vào sự phát triển lâu dài, tập trung tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia và cải thiện đời sống nhân dân. Cho dù GDP Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, nhưng tài sản bình quân của người dân lại rất thấp; trình độ khoa học kỹ thuật, năng lực sáng tạo và sức cạnh tranh quốc tế đều cần được nâng lên; chặng đường xây dựng chính trị - văn hóa – xã hội vẫn còn rất dài, các vấn đề nổi cộm trong nước và vấn đề mâu thuẫn xã hội vẫn cần có thời gian để giải quyết… Bởi vậy, trong khi xử lý các vấn đề quan hệ quốc tế, điều Trung Quốc hết sức cần là giành được thời gian cho phát triển hòa bình. Trong quá trình đó, Trung Quốc cũng cần giải quyết tốt các vấn đề trong nước, không để thế lực chống phá bên ngoài thừa cơ can thiệp.   
- Thứ hai, cần tập trung xử lý tốt quan hệ với các nước Đông Á, làm hòa dịu các mâu thuẫn và xung đột. Trải qua hơn 30 năm phát triển với tốc độ cao, kinh tế Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, đồng thời sự liên hệ với các nước khu vực Đông Á cũng ngày càng chặt chẽ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần trang bị nhiều hơn những biện pháp để xử lý quan hệ với các nước Đông Á. Ngoài ra, việc tăng cường trao đổi với các nước trong khu vực cũng mang lại nền tảng xã hội và ưu thế địa chiến lược rất quan trọng. Do đó, Trung Quốc cần phát huy rộng rãi sức mạnh tổng hợp của nhà nước, xã hội và nhân dân để thúc đẩy và tăng cường giao lưu, trao đổi và hợp tác với các nước khu vực Đông Á, trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, an ninh, khoa kỹ, văn hóa, giáo dục… Tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị, thực sự đưa chính sách “mục lân, an lân, phú lân” vào thực tế. Có như vậy thì những mâu thuẫn và xung đột mới được giải quyết và loại bỏ.
- Thứ ba là ra sức tăng cường xây dựng tin cậy chiến lược với Mỹ, xử lý tốt quan hệ song phương Trung – Mỹ. Mỹ có ý đồ tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Á, nhằm củng cố địa vị chủ đạo về an ninh tại khu vực. Trung Quốc đã thích ứng với sự tồn tại của Mỹ trong khu vực, và ở mức độ nào đó đã chấp nhận để Mỹ đóng vai trò “người gìn giữ an ninh” tại khu vực Đông Á. Trong 30 năm trở lại đây, Trung Quốc không vì sự tồn tại của Mỹ mà va chạm trực diện với Mỹ, đồng thời cũng không vì sự tồn tại của Mỹ mà dừng bước chân phát triển. Vì vậy Mỹ có “trở lại” thì Trung Quốc cũng chỉ cần xử lý tốt quan hệ với Mỹ là có thể tránh được những xung đột lớn.
Mặt khác, Mỹ cho dù có là siêu cường duy nhất trên thế giới, nhưng bản thân Mỹ cũng gặp phải rất nhiều vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề cần tới sự tham dự và hợp tác của Trung Quốc. Đồng thời, với địa vị bá quyền đang trong thời kỳ suy giảm, thực lực hữu hạn mà mục tiêu lại quá lớn, Mỹ đang phải căng trải trên toàn thế giới, điều này đã để lại một không gian hoạt động lớn cho Trung Quốc, giúp cho hai nước cạnh tranh nhưng không quyết đấu, đồng thời cũng đảm bảo một sự ổn định nhất định cho quan hệ song phương Trung – Mỹ./.
Bài viết của Phó Giáo sư Hùng Quang Thanh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Kinh tế đối ngoại Singapore trên  “Liên hợp buổi sáng” (ngày 13/2)
Viết Tuấn (gt)