Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

41. Xuyên Thái Bình Dương


LTS: Trong lúc vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu tỏ ra không còn sức sống, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) được kỳ vọng sẽ là luồng gió mới và là hình mẫu cho các hiệp định thương mại trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong quyết tâm đầy tính toán của Hoa Kỳ, ông chủ Nhà trắng không quên thừa nhận rằng: "quyết tâm kết thúc đàm phán TPP trong năm tới quả là một mục tiêu quá tham vọng" bởi vẫn còn quá nhiều vấn đề chi tiết phải đàm phán.

TPP là một hiệp định được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 quốc gia New Zealand, Bruney, Chile và Singapore (còn gọi là Hiệp định P-4). Hai năm gần đây, đã có thêm Mỹ, Australia, Malaysia, Peru, Việt Nam chính thức tham gia các phiên đàm phán TPP. Mới đây nhất, ngày 11/11/2011, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC 19, bất chấp dư luận trong nước phản đối, chính phủ Nhật Bản công bố ý định tham gia vòng đàm phán sắp tới. Canada, Mexico cũng bày tỏ ý định tham gia TPP, còn Philipines, Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến cũng sẽ tham gia trong vòng 10 năm tới.
Thay đổi diện mạo châu Á - Thái Bình Dương
TPP được đánh giá là một hiệp định "thế kỷ", có tính chất tự do rất cao, hơn cả việc tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với Nhật Bản, chuyển động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang càng trở nên sôi động hơn bao giờ. 10 nước tham gia Hiệp định TPP chiếm tới 35% GDP toàn thế giới, lớn hơn rất nhiều so với Liên minh Châu Âu, hiện là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất, nhưng chỉ chiếm có 26% GDP thế giới.
TPP đã được kỳ vọng trở thành một khuôn khổ thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao của thế kỷ 21, một hình mẫu của FTA thế hệ mới, có tầm bao quát toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 100% các dòng thuế quan sẽ được loại bỏ, 100% các phân ngành dịch vụ được mở cửa trong thương mại giữa các nước thành viên. Qua TPP, nhiều vấn đề thương mại và phi thương mại sẽ được tăng cường ở mức độ thích hợp, thúc đẩy sự canh tân, tăng trưởng và phát triển kinh tế, hỗ trợ việc tạo ra và duy trì công ăn việc làm, mang lại lợi ích to lớn và bền vững cho các nước tham gia, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng hơn trong bối cảnh Vòng đàm phán Doha tiến triển chậm chạp.
Các nước trong khu vực hy vọng rằng, APEC 2011 cùng thỏa thuận TPP sẽ tiếp thêm động lực mới cho quá trình thúc đẩy tự do thương mại, kiến tạo thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Thúc đẩy ký kết TPP cũng sẽ mở ra hy vọng hoàn tất nhiều thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. TPP cũng có khả năng cơ cấu lại hàng loạt liên minh thương mại châu Á, mang lại một cách thức để vượt qua thế bế tắc toàn cầu đang hiện hữu, đem lại một mô hình chủ nghĩa khu vực mở, giải quyết những lo ngại về việc thế giới sẽ bị chia nhỏ thành những khối thương mại riêng biệt.
Rõ ràng, với sự xuất hiện của TPP, việc xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, thái độ và chính sách của Mỹ cũng đang chuyển đổi theo, điều này buộc các nước trong khu vực cũng phải điều chỉnh chiến lược hợp tác cho phù hợp. Và, bằng cách này hay cách khác, châu Á-Thái Bình Dương đang hội nhập một cách sâu rộng, mạnh mẽ hơn.
Và một ngày đẹp trời, bên lề Hội nghị cấp cao APEC 19 tại Honolulu (Mỹ) vừa qua, Tổng thống Hoa kỳ B.Obama vui mừng thông báo rằng 9 nước thành viên TPP đã hoàn tất bản phác thảo những đường hướng chính của dự án thành lập khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới này. Tương lai về một khu vực thương mại tự do dường như sắp được thiết lập đến nơi. Có người ví von những gì mà các vòng đàm phán của TPP đạt được như một tia nắng đẹp soi rọi phần nào bầu không khí vốn đang ảm đạm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và cả những buồn rầu ẩn giấu đâu đó ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, với 9 vòng thì đàm phán TPP sẽ phải làm được nhiều hơn thế, chứ không chỉ là một bản phác thảo, dù đã liệt kê phạm vi và các nguyên tắc tiếp cận các vấn đề cơ bản trong TPP. Chưa hề có một chi tiết nào cụ thể hơn về các cam kết, vốn là phần chính yếu của bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào. Dòng thuế nào sẽ loại bỏ ngay, dòng nào sẽ theo lộ trình hay ngành dịch vụ nào mở, mở với điều kiện gì… thì vẫn đang trong tình trạng "còn tiếp tục phải đàm phán".
Mỹ - Nhiệt tình và tính toán
Hiệp định TPP đang đứng đầu trong các chương trình nghị sự thương mại của Washington. Mặc dù TPP chỉ chiếm 6% thương mại của Mỹ, Mỹ lại là nước tham gia sau vào TPP, thậm chí không có đối tác nào trong TPP nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ (trừ Nhật Bản), nhưng Washington không hề quên vai trò "anh cả" trong cả việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định quan trọng này. Tuy nhiên, sự nhiệt tình có tính toán của Mỹ được cho là hơi "lộ liễu".
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và nợ công đang tàn phá nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới, tương quan lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, nhiều nguồn lợi tại khu vực đang có nguy cơ vượt ra khỏi tầm tay của Mỹ. Đối với Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực không chỉ quan trọng về địa-kinh tế mà còn quan trọng về mặt địa-chiến lược. Thái Bình Dương không chỉ là "cửa ngõ" nối nước Mỹ với thế giới mà nó còn là khu vực có dân số đông, chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn… Đây là các nhân tố tiềm ẩn, nếu thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với khu vực này, có thể vực dậy và tạo động lực cho nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, TPP hiện mới chỉ mang lại lợi ích nhỏ cho kinh tế Mỹ, nhưng về lâu dài, lợi ích này sẽ tăng lên khi khối này được mở rộng. Bằng việc lôi kéo thành công Nhật Bản, lợi ích kinh tế thương mại của Mỹ trong khu vực đã gia tăng đáng kể, chỉ tính riêng thương mại song phương giữa Nhật Bản và Mỹ cũng đã ngang bằng với tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ với 9 nước tham gia TPP trước đó. Bên cạnh đó, việc tham gia của Nhật Bản còn có ý nghĩa nhiều hơn, xét trên khía cạnh địa chiến lược.
Trọng tâm kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về phía Đông, với sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ càng có ý thức quyết đoán hơn về vai trò, vị thế của mình tại khu vực. TPP sẽ trở thành tiêu điểm cạnh tranh giữa mô hình Khu thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN do Trung Quốc chi phối với mô hình TPP do Mỹ đứng đầu. Động thái này của Mỹ còn nhằm kiến tạo một trật tự châu Á - Thái Bình Dương, ấn định quy tắc Mỹ nắm quyền chủ đạo. Như lãnh đạo Mỹ nhiều lần nhấn mạnh đến "sự trở lại" của mình này tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật Bản - Vào còn hơn không
Mỹ đã luôn hy vọng Nhật Bản sớm đưa ra quyết định gia nhập TPP. Mỹ rất cần đồng minh Nhật Bản ủng hộ TPP, trong khi Tokyo chắc chắn cũng muốn thắt chặt quan hệ với Washington để đối phó với những thách thức mới. Và tất nhiên, nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả, TPP hẳn có trọng lượng hơn vì có hai nền kinh tế thuộc loại lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, đến tận bây giờ khi Nhật Bản đã ghi tên tham gia TPP, thì Chính phủ vẫn không nhận được sự đồng thuận của các giới chức và doanh nghiệp. Trong khi giới doanh nghiệp ủng hộ việc tham gia TPP nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thì nội bộ chính giới nước này vẫn đang chia rẽ về vấn đề TPP, do lo ngại việc tham gia TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ có phe đối lập, mà cả những người phản đối phái thân Washington và nông dân Nhật cũng chống lại việc này. Những người làm nông nghiệp lo ngại họ sẽ mất các ưu đãi và sự bảo vệ của chính quyền, khiến sản phẩm của họ sẽ đắt hơn và sẽ không đủ sức cạnh tranh. Một số người khác bày tỏ quan ngại trước khả năng TPP ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống, như dịch vụ y tế, sản phẩm y dược, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Các phản ứng khác nhau đã khiến cho xếp hạng uy tín của thủ tướng Nhật Bản bị hạ thấp 7,5% so với hồi tháng 9.
Tuy nhiên,theo tính toán của những người như Ngoại trưởng Seiji Maeharat: "Chính sách nông nghiệp của Nhật Bản đang bế tắc, do đó, buộc phải thay đổi toàn diện. Đã đến lúc Nhật Bản không được phép trì hoãn thêm trong việc tham gia Hiệp định TPP". Còn Thủ tướng Yoshihiko Noda đã cố gắng thuyết phục những thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền và những người phản đối tham gia TPP bằng cách nhấn mạnh rằng, Nhật Bản sẽ không có tiếng nói trong khuôn khổ mới trừ khi Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt, và việc thắt chặt quan hệ với châu Á là việc làm cấp thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Việt Nam - Cân nhắc để chủ động
Ngày 15/11/2010, Chủ tịch nước Việt Nam thông báo quyết định tham gia đàm phán TPP. Quyết định này nhận được sự chào đón của các đối tác trong TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ vốn từ lâu mời gọi Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán một FTA đa phương với tốc độ đàm phán nhanh, quy mô sâu rộng, mức độ cam kết cao và phức tạp như vậy.
Tất nhiên, tham gia một hiệp định thương mại tự do khu vực toàn diện như TPP là một cơ hội tạo bước nhảy vọt về phát triển kinh tế trong đó xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhất. Đặc biệt, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, kiềm chế nhập siêu, góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Đồng thời, tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhưng nếu thử nhìn vào các đối tác chính thức trong TPP, có thể thấy Việt Nam có trình độ phát triển thấp nhất. Việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo LS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch UB Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI, với vai trò là một thành viên đàm phán chính thức, bình đẳng, Việt Nam hoàn toàn có quyền đề xuất, can thiệp vào việc định hình các cam kết trong khuôn khổ TPP. Như vậy, việc chủ động đàm phán xây dựng thỏa thuận cùng có lợi, sẽ tốt hơn việc phải chấp nhận các điều khoản đã được lập ra.
Ra khơi?
Như vậy, tham gia TPP mỗi quốc gia thành viên đều hy vọng sẽ gặt hái được những lợi ích khác nhau. Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng TPP sẽ là hòn đá tảng cho một khu vực thương mại tự do rộng lớn bao trùm cả khu vực APEC. Nhật Bản hy vọng, thông qua TPP với Mỹ đóng vai trò đầu tàu, Nhật sẽ có ảnh hưởng quyết định tới những tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu trong những ngành công nghiệp như xe hơi chạy điện và năng lượng sạch, thay vì để cho Trung Quốc chi phối. Các nền kinh tế nhỏ và đang phát triển như Việt Nam có thể tìm thấy ở TPP cánh cửa mở vào các thị trường tiêu thụ rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản và cơ hội hợp tác để phát triển cơ sở hạ tầng, xác lập vai trò trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Tờ The Economist cho rằng, các nước nhỏ đang có chính sách bảo hộ nông nghiệp, luật pháp về lao động lỏng lẻo, yếu kém về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và không đủ ngân sách đầu tư cho các công nghệ thân thiện với môi trường... sẽ thấy TPP là một liều thuốc khó nuốt. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, tham gia TPP có thể là cơ hội, là động lực thúc đẩy cải cách kinh tế một cách triệt để và toàn diện. Với các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, tham gia TPP là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, minh bạch đầu tư công và hướng tới phát triển bền vững. Nếu không có cơ hội này, sự nghiệp tái cơ cấu nền kinh tế sẽ có thể còn bị trì hoãn, kéo dài vì thiếu động lực từ bên trong lẫn "sức ép" từ bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù đặt ra nhiều tham vọng, tiến trình đi tới hiệp định TPP sẽ không suôn sẻ và nhanh chóng như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo. Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP, đang phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc thông qua TPP: nước Mỹ đang bước vào một năm bầu cử đầy sóng gió, còn Chính phủ Nhật vẫn chưa được dân chúng ủng hộ trong những chính sách tự do hóa thương mại
Trần Công

5 nét chính của Hiệp định TPP
Tiếp cận thị trường một cách toàn diện, theo đó thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.
Xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên.
Hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các diễn đàn khác và bằng việc đưa vào TPP 4 vấn đề mới và mang tính xuyên suốt gồm: gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển.
Coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP. Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề thương mại mới tiềm ẩn cần giải quyết để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo tất cả các nền kinh tế các nước TPP đều được hưởng lợi. Ngoài ra, các vấn đề thương mại liên quan tới tăng trưởng xanh cũng được xem xét nhằm đảm bảo các nước TPP tiếp tục giữ vị trí tiên phong.
Xây dựng TPP thành một hiệp định mở, cho phép hiệp định này tiếp tục phát triển để đáp ứng những tiến triển mới trong thương mại, công nghệ hoặc các vấn đề và thách thức mới.
Đến nay, đàm phán TPP đã đi qua 9 vòng, đã đạt được một số tiến triển mới, đặc biệt ở một số chương về các vấn đề vệ sinh và dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và các quy định về nguồn gốc xuất xứ (ROOs).
Ngoài ra, các bên cũng đạt được một số tiến bộ về các điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của hiệp định có thể đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện tính thống nhất về pháp lý trong khu vực, phát triển hơn nữa cạnh tranh và chuỗi cung ứng trong khu vực có tính đến các ưu tiên phát triển của các thành viên.
Về vấn đề tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cũng như mua sắm chính phủ cũng đã đạt được nhiều tiến bộ. Các bên dự kiến sẽ sửa đổi các bản chào dựa trên các cuộc thảo luận và yêu cầu cải thiện trong một số lĩnh vực cụ thể để tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Đến nay, hầu hết các vấn đề, trừ vấn đề về lao động đã được đưa ra thảo luận, kể cả một số đề xuất phức tạp và nhạy cảm như: sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước.
(Nguồn: Bộ Công thương)




TPP có "phớt lờ" được Trung Quốc?
Vấn đề thành viên TPP vẫn tồn tại những tranh cãi ở một số điểm. Một trong số đó là về Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây của chính quyền Mỹ, là cố tình ép Trung Quốc đứng ngoài các thảo luận chính về hiệp định thương mại châu Á. Các nhà phân tích phương Tây cũng đồng ý với việc này. Tờ Financial Times nhận xét: "Sẽ khó trách nếu Trung Quốc nghĩ rằng TPP trông giống như một câu lạc bộ mà họ không được mời tham gia ...."
Nếu TPP là sân chơi của tất cả "trừ Trung Quốc", thì thỏa thuận này có khả năng gây nên chia rẽ sâu sắc tại khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế, cả kinh tế lẫn chính trị. Báo chí nước này vẫn cáo buộc TPP là một mưu đồ "hiếu chiến" của Mỹ. Bởi vì, theo họ, TPP diễn ra theo chiều hướng chính sách mà chính quyền Mỹ đang thực hiện đối với Trung Quốc, thể hiện trong khái niệm "thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ", việc thiết lập căn cứ quân sự Mỹ tại Úc và tham dự vào các sự kiện ở Biển Đông...
Một trong những sức hút của TPP, đối với yếu tố Nhật Bản, chính là sự vắng mặt của Trung Quốc. Cố vấn đặc biệt Akihisa Nagashima của Thủ tướng Yoshihiko Noda cho biết TPP sẽ "tạo ra môi trường chiến lược, nơi mà Trung Quốc sẽ nhìn Nhật Bản như một láng giềng đáng gờm".
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại cho rằng Trung Quốc hiện tại lại đang là trung tâm của chuỗi cung ứng châu Á khiến nó trở thành "trái tim" của ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu. Do đó, bất kỳ thỏa thuận nào không có Trung Quốc đều sẽ không thích đáng.
Về phía mình, Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến ý tưởng thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cũng xem xét khả năng hội nhập khu vực khác và có thể không thoải mái khi tham gia đàm phán TPP, một nhóm các nước mà họ cho rằng đã bị chi phối bởi đối thủ của mình và đòi hỏi phải mở cửa thị trường hơn nữa. Cái tên Trung Quốc chưa bao giờ được nhắc tới như là một bên đàm phán TPP. Tuy nhiên, họ cũng tỏ rõ ý định sẽ thúc đẩy khu vực thương mại tự do Đông Á bao gồm ASEAN+3 thành ASEAN+6, không có sự tham gia của Mỹ và các bạn bè "dân chủ" của Mỹ tuy rằng những khu vực này, theo đánh giá, khó có thể đạt tới cái đích đầy tham vọng mà TPP đang nhắm tới.
Fred Bergsten và Jeffrey Schott, chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Petersen cho rằng, các nước này cũng trên con đường hướng tới việc tạo ra một khối châu Á với một sự phát triển có thể "vẽ một đường xuống Thái Bình Dương" bằng cách phân biệt đối xử chống lại Mỹ.
Thành Châu




Ý kiến
"Mỹ muốn ký một hiệp định thương mại với 9 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm 2012. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ vượt ra ngoài phạm vi các giao dịch thương mại bình thường, để trở thành một mô hình, hoặc hạt giống cho một tập hợp các thỏa thuận rộng lớn hơn". Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại APEC 19
Cho dù chúng tôi có tham gia TPP hay không, chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến hiệp định này và sẵn sàng giữ liên lạc với các quốc gia thành viên khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du.
Việc Việt Nam tham gia và hội nhập thành công vào Hiệp định TPP sẽ thể hiện rõ ràng tính đa dạng của khuôn khổ đàm phán này. Đây là minh chứng cho thấy Hiệp định TPP không những là cơ chế ở trình độ cao mà còn là khuôn khổ hữu hiệu cho việc hài hòa lợi ích đa dạng của các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tham gia TPP một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tại phiên đàm phán TPP thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh 06/2011.
Việt Nam tham gia TPP có cơ hội trước hết ở việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
TPP sẽ giúp loại bỏ trở ngại trong chuỗi cung, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau rẻ hơn, dễ hơn và nhanh hơn... Sau Hiệp định thương mại song phương (BTA), việc Việt Nam gia nhập WTO, thì TPP sẽ là cơ chế giúp Mỹ và Việt Nam ngày càng gắn kết với nhau và tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về triển vọng đầu tư ở Việt Nam". Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Đại sứ Demetrios Marantis
Hòa Bình (tổng hợp)
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/12/0CF2A75CEB0470F9/