Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

22. Nguy cơ xảy ra chiến tranh lạnh mới tại châu Á do dầu mỏ?

Lượng dầu nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc được vận chuyển qua các tuyến đường biển do Hải quân Mỹ khống chế. Cùng với việc tăng cường sự hiện diện, giành sự chi phối hải quân tại Biển Đông và các vùng biển xung quanh, Mỹ đã gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng Bắc Kinh đừng đẩy Mỹ quá xa, nếu không Mỹ sẽ buộc nền kinh tế của Trung Quốc phải quỳ gối bằng việc phong tỏa các nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho Bắc Kinh. 
Bài viết A New Cold War in Asia? Obama Threatens China của Giáo sư Michael T. Klare, chuyên nghiên cứu về hòa bình và an ninh thế giới tại trường Cao đẳng Hampshire đăng trên Nghiên cứu toàn cầu.


Khi đề cập đến chính sách Trung Quốc, liệu có phải Chính quyền Obama vừa “tránh vỏ dưa lại gặp ngay vỏ dừa?” Trong một nỗ lực nhằm "lật sang trang" hai cuộc chiến tranh thảm họa tại Trung Đông là cuộc chiến Irắc và Ápganixtan, Mỹ có thể lại đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới tại châu Á, bởi vì họ lại một lần nữa xem dầu mỏ là chìa khóa của uy thế toàn cầu. 
Chính sách mới này được chính ông Obama đề cập vào ngày 17/11, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Ôxtrâylia, trong đó ông đã vạch ra một viễn cảnh địa chính trị táo bạo và cực kỳ nguy hiểm. Thay vì tập trung vào khu vực Trung Đông như trong thập kỷ qua, Mỹ hiện sẽ tập trung sức mạnh của mình tại châu Á và Thái Bình Dương. Ông Obama đã tuyên bố tại Canbơrơ: "Đường hướng của tôi là rõ ràng. Khi chính phủ lập kế hoạch và hoạch định ngân sách cho tương lai, Nhà Trắng sẽ dành những nguồn lực cần thiết để duy trì sự có mặt quân sự mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực này". Mặc dù các quan chức Chính phủ Mỹ khăng khăng cho rằng chính sách mới này không nhằm trực diện vào Trung Quốc, nhưng hàm ý khá rõ ràng: từ nay trở đi, trọng tâm cơ bản của chiến lược quân sự Mỹ sẽ không phải là chống khủng bố, mà là kiềm chế quốc gia đang hưng thịnh kinh tế này, dù với bất kỳ nguy cơ hoặc mức phí tổn nào. 
Trọng tâm mới của trái đất 
Các quan chức hàng đầu Mỹ khẳng định sự nhấn mạnh mới vào châu Á và kiềm chế Trung Quốc là cần thiết bởi vì khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện là "trọng tâm" của hoạt động kinh tế thế giới. Luận cứ này cho rằng, trong khi Mỹ đang bị sa lầy tại Irắc và Ápganixtan, Trung Quốc đã dành nhiều thời gian để mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực. Lần đầu tiên kể từ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Mỹ không còn là quốc gia chi phối kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương. Nếu Mỹ muốn giữ được danh hiệu là siêu cường của thế giới, họ phải khôi phục vị trí hàng đầu trong khu vực này và giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong những thập kỷ tới, không có mục tiêu chính sách đối ngoại nào quan trọng hơn chính sách này. 
Để phù hợp với chiến lược mới này, Chính phủ Mỹ đang có một loạt các động thái nhằm tăng cường sức mạnh của Mỹ tại châu Á, và đẩy Trung Quốc vào thế phòng ngự. Những động thái này bao gồm quyết định triển khai, ban đầu là 250 lính thủy đánh bộ Mỹ, sau này có thể tăng lên tới 2.500 người, tại một căn cứ không quân của Ôxtrâylia tại Darwin, và thực hiện "Tuyên bố Manila" ngày 18/11, cam kết thắt chặt các quan hệ quân sự của Mỹ với Philíppin. Đồng thời, Nhà Trắng cũng tuyên bố bán 24 máy bay chiến đấu F-16 cho Inđônêxia, và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới thăm Mianma, một đồng minh lâu nay của Trung Quốc, chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ tới Mianma trong 56 năm qua. Bà Clinton cũng nói về việc tăng cường những quan hệ ngoại giao và quân sự với Xinhgapo, Thái Lan và Việt Nam, những quốc gia nằm xung quanh Trung Quốc hoặc giám sát các tuyến đường thương mại chủ chốt mà Trung Quốc đang phụ thuộc cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu các mặt hàng chế tạo. 
Theo mô tả của các quan chức Chính phủ Mỹ, những hành động như vậy nhằm để tối đa hóa những lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao và quân sự tại thời điểm Trung Quốc đang chi phối lĩnh vực kinh tế của khu vực châu Á. Trong một bài báo mới đây đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại, bà Clinton đã cho rằng một nước Mỹ suy yếu kinh tế không còn hy vọng chiếm ưu thế đồng thời tại nhiều khu vực. Mỹ phải lựa chọn các chiến trường của mình một cách thận trọng và triển khai những tài sản hạn chế của họ, hầu hết có bản chất quân sự, để tối đa hóa ưu thế. Xét tới vị trí trung tâm chiến lược của châu Á đối với quyền lực toàn cầu, Mỹ sẽ tập trung các nguồn lực tại châu Á. Bà Clinton viết: "Trong 10 năm qua, Mỹ đã dành các nguồn lực khổng lồ tại Irắc và Ápganixtan. Trong 10 năm tới Mỹ cần phải suy tính thông minh và có hệ thống về việc nên đầu tư thời gian và năng lượng vào đâu để Mỹ ở vị thế tốt nhất có thể duy trì vai trò lãnh đạo và đảm bảo các lợi ích của mình... Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ trong thập kỷ tới sẽ là tăng cường đầu tư cả về ngoại giao, kinh tế lẫn chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương". 
Một suy nghĩ như vậy, với trọng tâm quân sự rõ ràng, dường như là một động thái khiêu khích nguy hiểm. Những biện pháp dẫn đến tăng cường sự có mặt quân sự tại các vùng biển giáp giới với Trung Quốc và tăng cường các quan hệ quân sự với những nước láng giềng của Trung Quốc, chắc chắn sẽ rung lên hồi chuông báo động tại Bắc Kinh và củng cố cho những người ủng hộ một phản ứng tích cực và quân sự hóa hơn đối với sự xâm nhập của Mỹ trong giới cầm quyền tại Bắc Kinh. Cho dù phản ứng của Trung Quốc nằm dưới hình thức nào, cũng có một điều chắc chắn rằng ban lãnh đạo của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không để cho họ trông có vẻ yếu ớt và không quyết đoán trước việc Mỹ đang xây dựng một vành đai bao vây nước họ. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang bắt đầu gieo hạt giống của một cuộc chiến tranh lạnh mới tại châu Á trong năm 2011. 
Sự tăng cường quân sự của Mỹ và tiềm năng giáng trả mạnh mẽ của Trung Quốc là đề tài thảo luận trên báo chí Mỹ và châu Á. Nhưng có một khía cạnh quan trọng của cuộc chiến mới phôi thai này hoàn toàn không được người ta chú ý: mức độ mà một phân tích mới về phương trình năng lượng toàn cầu, tiết lộ những tổn thương tăng lên của phía Trung Quốc và những lợi thế mới đối với Oasinhtơn, ảnh hưởng đến những động thái đột ngột trên của Chính phủ Mỹ. 
Phương trình năng lượng mới 
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ nhập khẩu, trong đó phần lớn từ Trung Đông và châu Phi, trong khi Trung Quốc hầu như có khả năng tự đáp ứng nhu cầu dầu mỏ. Năm 2001, Mỹ tiêu thụ 19,6 triệu thùng dầu/ngày, trong khi bản thân chỉ sản xuất được 9 triệu thùng. Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài để bù khoản thiếu hụt 10,6 triệu thùng/ngày là một mối quan ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách tại Oasinhtơn. Mỹ đã phản ứng bằng cách thiết lập các mối quan hệ gần gũi và quân sự hóa hơn với các nước sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông và thỉnh thoảng gây chiến để đảm bảo sự an toàn của các dây chuyền cung cấp của Mỹ. 
Mặt khác, năm 2001, Trung Quốc chỉ tiêu thụ 5 triệu thùng dầu/ngày, với sản lượng trong nước khoảng 3,3 triệu thùng/ngày và chỉ cần nhập khẩu 1,7 triệu thùng. Những con số này khiến ban lãnh đạo Trung Quốc ít quan ngại hơn về sự đáng tin cậy của các nhà cung cấp dầu mỏ nước ngoài của họ, và do vậy Trung Quốc không cần phải bắt chước kiểu chính sách đối ngoại phức tạp lâu nay của Mỹ. 
Giờ đây, Chính quyền Obama kết luận rằng bàn cờ đang bắt đầu thay đổi. Do nền kinh tế hưng thịnh của Trung Quốc và sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu lớn và ngày càng nhiều, mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đang bùng nổ. Theo những dự báo mới đây của Bộ Năng lượng Mỹ, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ tăng lên 13,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và 16,9 triệu thùng/ngày vào năm 2035, so với mức 7,8 triệu thùng/ngày của năm 2008. Nhưng sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc chỉ tăng từ mức 4 triệu thùng/ngày năm 2008, lên 5,3 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Do vậy, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng từ mức 3,8 triệu thùng/ngày năm 2008, lên 11,6 triệu thùng/ngày vào năm 2035, còn cao hơn mức dầu nhập khẩu của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ có thể hy vọng tình hình năng lượng được cải thiện. Nhờ việc tăng cường khai thác tại các khu vực dầu mỏ mới của Mỹ, trong đó có vùng biển Bắc cực tại ngoài khơi Alaska, vùng nước sâu tại Vịnh Mêhicô, các mỏ dầu đá phiến tại Montana, Bắc Dakota và Texas, lượng nhập khẩu dầu mỏ tương lai của Mỹ có thể sẽ giảm, cho dù mức tiêu thụ năng lượng có tăng lên. Thêm vào đó, sản lượng dầu mỏ dường như sẽ tăng lên ở Tây bán cầu nhiều hơn ở Trung Đông và châu Phi, lại một lần nữa nhờ khai thác dầu tại những địa điểm khó khăn như dầu cát tại Canađa, các mỏ dầu nằm sâu dưới Đại Tây Dương của Braxin và các khu vực giàu năng lượng ngày càng yên bình tại Côlômbia trước đây bị chiến tranh tàn phá. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng tổng cộng của Mỹ, Canađa và Braxin dự kiến sẽ tăng thêm 10,6 triệu thùng/ngày trong các năm từ 2009 đến 2035, mức tăng mạnh trong bối cảnh sản lượng dầu tại hầu hết các nơi trên thế giới được dự báo sẽ giảm. 
Từ khía cạnh địa chính trị, tất cả những điều trên dường như đang tạo một lợi thế thực sự cho Mỹ, trong khi Trung Quốc đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những sự kiện xảy ra ở bên trong hoặc dọc các tuyến đường biển, và các vùng đất xa xôi. Điều đó có nghĩa là Mỹ có khả năng dự tính việc dần nới lỏng những mối quan hệ quân sự và chính trị với các nước dầu mỏ Trung Đông, từng chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thời gian quá dài và đã dẫn đến các cuộc chiến tranh tàn phá và tốn kém. Quả thực, như Tổng thống Obama đã nói ở Canbơrơ, Mỹ hiện bắt đầu tập trung trở lại các khả năng quân sự của họ tại nơi khác. Ông Obama nói: "Sau một thập kỷ với 2 cuộc chiến tranh quá tốn kém, Mỹ hiện chuyển sự chú ý sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương". 
Đối với Trung Quốc, tất cả những điều này nói đến sự suy yếu chiến lược tiềm tàng. Mặc dù phần nào dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường bộ, thông qua những đường ống dẫn dầu từ Cadắcxtan và Nga, đa số lượng dầu nhập khẩu của họ được vận chuyển bằng tàu chở dầu từ Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh qua các tuyến đường biển do Hải quân Mỹ khống chế. Quả thực, hầu như mọi tàu chở dầu sang Trung Quốc đều phải đi qua Biển Đông, vùng biển mà Chính quyền Obama hiện đang tìm cách đặt dưới một sự kiểm soát hải quân hiệu quả. 
Bằng việc giành được sự chi phối hải quân tại Biển Đông và các vùng biển xung quanh, Chính quyền Obama rõ ràng muốn giành được ưu thế năng lượng của thế kỷ 21, tương đương sự hăm dọa hạt nhân trong thế kỷ 20. Chính sách này ngụ ý rằng Bắc Kinh đừng đẩy Mỹ quá xa, nếu không Mỹ sẽ buộc nền kinh tế của Trung Quốc phải quỳ gối bằng việc phong tỏa các nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của Bắc Kinh. Tất nhiên là điều này sẽ không bao giờ được nói công khai, nhưng người ta nhận thức được rằng các quan chức cao cấp Mỹ đang suy nghĩ theo hướng đó và có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cực kỳ quan ngại về nguy cơ này, ví dụ như Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng các đường ống tốn kém qua toàn bộ châu Á, tới khu vực lòng chảo Biển Caxpi. 
Khi bản chất ngầm này của kế hoạch chiến lược mới của Obama ngày càng trở nên rõ ràng hơn, chắc chắn là ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ có những biện pháp để đảm bảo sự an toàn của các phao cứu sinh năng lượng của Trung Quốc. Chắc chắn trong số những động thái này sẽ có những động thái kinh tế và ngoại giao, ví dụ như bao gồm cả những nỗ lực nhằm ve vãn các nước khu vực như Việt Nam và Inđônêxia, cũng như các nước cung cấp dầu mỏ lớn như Ănggôla, Nigiêria và Arập Xêút. Nhưng các động thái khác sẽ mang bản chất quân sự. Việc tăng cường sức mạnh cho hải quân Trung Quốc, hiện vẫn nhỏ và lạc hậu so với các hạm đội của Mỹ và các đồng minh chính, dường như không tránh khỏi. Tương tự như vậy, các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Nga, cũng như các nước Trung Á (Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Tátgikixtan và Udơbêkixtan), thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), là chắc chắn. 
Thêm vào đó, Mỹ hiện đang châm ngòi cho sự khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến tranh lạnh tại châu Á, mà về lâu dài, không nước nào đủ sức theo đuổi. Tất cả những điều này dường như đang dẫn đến quan hệ căng thẳng hơn và sự nguy hiểm từ các vụ việc tương lai có liên quan đến các tàu của Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh của họ. Những rủi ro và phí tổn tiềm tàng của một chính sách quân sự trên hết như vậy nhằm vào Bắc Kinh chắc chắn sẽ không hạn chế tại châu Á. Nhằm thúc đẩy khả năng tăng sản lượng năng lượng tại Mỹ, Chính quyền Obama hiện đã phê chuẩn các kỹ thuật khai thác khoan ở Bắc cực, khoan ở khu vực nước sâu, chắc chắn sẽ dẫn đến các thảm họa môi trường ở trong nước. Sự ngày càng phụ thuộc vào dầu cát của Canađa sẽ dẫn đến mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên. Tất cả những điều này đang đảm bảo rằng chúng ta sẽ sống trong một thế giới nguy hiểm hơn. Mong muốn chuyển sự chú ý từ các cuộc chiến tranh tại Trung Đông để đối phó với những vấn đề lớn đang âm ỉ tại châu Á là có thể hiểu được, nhưng việc lựa chọn một chiến lược, nhấn mạnh đến như vậy vào sự chi phối và khiêu khích quân sự chắc chắn sẽ dẫn đến một phản ứng tương tự. Đó không phải là con đường khôn ngoan để đi tới, và về lâu dài sẽ thúc đẩy những lợi ích của Mỹ tại thời điểm khi sự hợp tác kinh tế toàn cầu là quan trọng. Việc hy sinh môi trường để đạt được sự độc lập năng lượng lớn hơn cũng vậy. 
Một cuộc chiến tranh lạnh mới tại châu Á và một chính sách năng lượng bất chấp môi trường ở Tây bán cầu có thể gây nguy hiểm cho trái đất: mầm mống chết người của cuộc chiến này phải được xem xét trước khi các bên rơi vào đối đầu và thảm họa môi trường trở nên không tránh khỏi. Người ta không cần là nhà tiên tri cũng biết rằng đó không phải là định nghĩa về một nguyên thủ tốt, mà là một sự điên rồ./.

Theo Global Research
Trần Quang (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/2328-nguy-co-xay-ra-chien-tranh-lanh-moi-tai-chau-a-do-dau-mo