(VOV) - Giới phân tích cho
rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để Nga thể hiện vị thế và vai trò
của mình trong khu vực phát triển năng động nhất này.
- Tàu chiến Nga thăm Philippines
- Hội nhập - vì sự phát triển, công nghệ cao chính sách sáng tạo - vì sự phồn vinh
- Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines
Hãng Ria Novosti cho biết, mới đây Tổng thống Nga
Dmitry Medvedev khẳng định, Nga là một phần không thể tách rời của châu Á
- Thái Bình Dương (CA-TBD). Ông Medvedev nói: “Sự hợp tác với các nước
khu vực trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, cũng như các quá trình liên
kết khu vực là ưu tiên của chúng tôi”.
Trong mấy tuần qua, giới quan sát cũng ghi nhận những
những hoạt động của Nga khiến khu vực CA-TBD trở nên sôi động hơn:
chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov đến Nhật Bản; các tàu chiến thuộc
hạm đội Thái Bình Dương của Nga đến thăm Indonesia và Philippines…
Những động thái mới của Nga khiến dư luận khu vực và quốc tế quan tâm.
Tàu khu trục Đô đốc Panteleyev thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa có chuyến thăm Philippines |
Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và nợ
công châu Âu đã gây thiệt hại đáng kể cho châu Âu và Mỹ, tuy nhiên nhiều
quốc gia CA-TBD đã vượt qua được với tổn thất kinh tế ít hơn. Điều này
dẫn đến việc nhìn nhận khu vực này như một động lực phát triển của thế
giới trong tương lai, và vì vậy làm tăng giá trị khu vực với tư cách một
đối tác tiềm năng của Nga.
Việc hợp tác với khu vực này sẽ không chỉ làm sống
dậy vùng Siberia, Viễn Đông, bảo đảm an ninh phần phía đông của Nga mà
còn khả năng đem lại sức sống mới cho toàn bộ nền kinh tế Nga.
Năm 2012, Nga là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp
cao của APEC diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Viễn Đông Vladivostok.
Trong số các thành viên có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ,
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga…
Tổng thống khẳng định ưu tiên mà Nga dành cho việc
hợp tác mọi mặt với các nước trong khối APEC, từ thương mại đầu tư đến
khoa học công nghệ, từ an ninh chính trị đến bảo tồn thiên nhiên. Ông đề
ra các biện pháp cụ thể để củng cố và thúc đẩy sự hợp tác bên trong và
bên ngoài của tập hợp các nền kinh tế đang chiếm tới 54% tổng GDP toàn
cầu và 40% tổng thương mại quốc tế này.
Vì thế, Moscow đã theo dõi chặt chẽ các sáng kiến hội
nhập được thảo luận gần đây trong khu vực CA-TBD. Điều quan trọng hơn
là cơ cấu châu Á nào đối với Nga sẽ là phù hợp nhất để hội nhập một cách
tích cực vào nền kinh tế khu vực này.
Các nhà khoa học Nga thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Á
và SCO, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Nga đã có những đánh
giá về các tổ chức thuộc CA-TBD và những toan tính chiến lược của Nga
khi hội nhập với khu vực này.
Hợp tác có hiệu quả
Cho đến nay, trong khu vực CA-TBD đã có các tổ chức
kinh tế hoạt động, nhưng thành công nhất phải kể đến là ASEAN. Các
chuyên gia Nga cho rằng sự hợp tác hiệu quả nhất giữa Nga và ASEAN là
trong lĩnh vực an ninh, còn một trong những nhiệm vụ chính của Nga trong
khu vực CA-TBD là hình thành hệ thống an ninh tập thể khu vực với sự
tham gia tối đa của các quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn
Độ, Hàn Quốc, Triều Tiên và ASEAN.
Cơ sở hợp tác kinh tế giữa Nga và ASEAN là thỏa thuận
liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và phát triển, ký
tháng 12/2005. Trong đó chiếm một vị trí đặc biệt là lĩnh vực kỹ
thuật-quân sự, vì ASEAN chiếm tới 15% giá trị hợp đồng cung cấp vũ khí
và trang thiết bị quân sự của Nga. Các nước trong tổ chức này đang triển
khai các chương trình dài hạn để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nhiều
nước trong số này tích cực nhập khẩu vũ khí Nga.
Cách đây hơn một tuần, Thứ trưởng Quốc phòng
Philippines Hernando Manalo tuyên bố Manila định chi hơn 2 tỷ USD tới
năm 2020 cho việc hiện đại hóa quân đội. Theo ông Hollingsbee, việc
Philippines vừa mua 8 trực thăng PZL W-3 Solkol của Ba Lan, vốn được dựa
trên các thiết kế thời Liên Xô đã khích lệ Nga tiếp tục đeo đuổi thị
trường này.
Mặt khác, Nga còn cần cho ASEAN như một đối tác, xét
theo quan điểm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, cho dù thực tế là
một số nước ASEAN như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei tự thân cũng
là các nhà sản xuất dầu và khí đốt.
Giành vị trí xứng đáng
Trong bối cảnh chính sách đối ngoại giao đa phương
của Nga, khu vực CA-TBD có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Nga quan tâm
tới việc hội nhập vào khu vực này trên các không gian và trong mọi cơ
chế khác nhau, trước hết là việc sử dụng tiềm năng khu vực để nâng cao
phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, củng cố hợp tác khu vực trong lĩnh
vực chống khủng bố, đảm bảo an ninh.
Nga quan tâm đến hợp tác dài hạn với các nước khu vực
trong các lĩnh vực như nhiên liệu, năng lượng, giao thông, vũ trụ, năng
lượng hạt nhân, khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin, liên lạc và hợp
tác khu vực. Tuy nhiên, Tổ chức APEC đã bộc lộ những khiếm khuyết nhất
định, với các nguyên tắc tự nguyện và không ràng buộc khiến chiều sâu
hợp tác bị giới hạn; và chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, chưa tháo gỡ
các rào cản tự do hoá thương mại và đầu tư và chưa quan tâm đúng mức
tới hợp tác an ninh.
Hơn nữa, vai trò của Nga trong tổ chức này cũng tương
đối mờ nhạt khi chỉ đóng vai là nhà cung cấp nguyên liệu. Với chính
sách đẩy mạnh công nghệ hóa và hiện đại hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc
vào nguyên vật liệu, Nga đang tìm kiếm những hình thức hợp tác mới hiệu
quả hơn với khu vực.
Với vai trò là nhà cung cấp năng lượng, nguyên liệu;
có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự truyền thống và có tiếng nói quan
trọng trong bảo đảm an ninh khu vực, Nga sẽ không thể ủng hộ ý tưởng
hình thành tổ chức mới mà không dành cho Nga một vai trò xứng đáng. Việc
nghiên cứu về ý tưởng mới tại CA-TBD vẫn đang tiếp diễn và chưa có hồi
kết.
Mặc dù vậy, xung quanh cuộc chiến này là những chuyển
động và điều chỉnh chính sách của các nước, đặc biệt là các nước lớn
trong khu vực CA-TBD đang có vai trò và vị trí kinh tế và chính trị ngày
càng quan trọng trên thế giới. Và Nga cũng đang tham gia tích cực, đưa
ra ý tưởng của mình, loại bỏ những hạn chế có trong các sáng kiến như
APC và EAC.
Nga vừa gia nhập WTO sau hơn một thập kỷ đàm phán
ròng rã. Sự kiện này sẽ giúp Moscow có được vị thế bình đẳng trong đàm
phán các hiệp định tự do thương mại với các thành viên APEC cũng như các
nền kinh tế khác.
Với chủ trương hiện đại hoá và từ bỏ sự phụ thuộc vào
nguyên liệu, điều vô cùng quan trọng là biết tận dụng cơ hội để phát
triển và đổi mới, những yếu tố đã làm nên tốc độ tăng trưởng ấn tượng
của châu Á. Vì thế, Tổng thống Nga đã hối thúc nước Nga cần “hành động
nhiều hơn nữa” cho dù Nga đã có “những lập trường đủ vững vàng” trong
các tổ chức khác nhau của CA-TBD.
Hiện Nga đã tham gia và hợp tác với một số tổ chức
thuộc khu vực CA-TBD với những hình thức và mục đích khác nhau. Ngay từ
Hội nghị về phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn Đông và hợp tác với các
nước CA-TBD được tổ chức tại Khabarovsk hồi đầu tháng 7/2010, Tổng thống
Nga Medvedev đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải đưa sự hợp tác kinh tế “lên
tầm cao mới”, tập trung vào các thỏa thuận thương mại tự do.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, đây là thời điểm
thích hợp nhất để Nga thể hiện vị thế và vai trò của mình trong khu vực
phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ XXI./.