Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

13. Tương lai nào cho Iraq sau khi Mỹ rút quân?

21:21' 22/12/2011
TCCSĐT- Quân đội Mỹ cho biết, ngày 18-12-2011, những binh sĩ Mỹ cuối cùng tại Iraq đã rút khỏi nước này bằng đường bộ qua biên giới Kuwait. Sẽ chỉ còn khoảng hơn 100 lính Mỹ còn ở lại tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Như vậy, sau gần 9 năm kể từ khi phát động cuộc chiến lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Saddam Hussien, lực lượng Mỹ đã chính thức rút hoàn toàn về nước và chấm dứt chiến dịch quân sự tại Iraq. Đây là một cuộc chiến tốn kém sức người, sức của của Washington khi cao điểm, lực lượng Mỹ có gần 170.000 quân tại Iraq, đóng ở 505 căn cứ.

Trước đó, ngày 12-12-2011, tại Nhà Trắng, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 9 năm qua tại Iraq. Sau đó ngày 14-12-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm căn cứ quân sự Fort Bragg, Bắc Carolina (Mỹ) và có bài phát biểu chính thức thông báo về quyết định rút hết các lực lượng chiến đầu của Mỹ ra khỏi Iraq và chào đón các binh sĩ Mỹ trở về sau thời gian chiến đấu tại quốc gia Vùng Vịnh này.


Tuyên bố lạc quan của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong cuộc chiến kéo dài 9 năm qua ở Iraq đã có tổng cộng 1,5 triệu binh lính Mỹ tham chiến, gần 4.500 quân nhân Mỹ thiệt mạng, 30.000 lính Mỹ bị thương, hàng trăm nghìn người dân Iraq bị chết và khoản chi phí khổng lồ “ngót nghét” 1 tỉ USD. Cuộc chiến tranh Iraq là gánh nặng quá lớn đối với nước Mỹ và là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sự thâm hụt ngân sách liên bang và tăng nợ công tới mức báo động.


Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cũng như trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại căn cứ quân sự Fort Bragg, Bắc Carolina, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận định, từ thời điểm này người dân Iraq “sẽ nắm giữ vận mệnh của đất nước”, rằng “nước Mỹ đã đem lại sự ổn định, chủ quyền, độc lập và sự tự tin cho người dân Iraq”. Tuy nhiên, không ít người trong giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng, nhận định đó của Tổng thống Mỹ Barack Obama là quá lạc quan, khi tình hình thực tế ở Iraq lại là một bức tranh hoàn toàn khác.


Tình hình bất ổn đáng lo ngại ở Iraq

Về sự bất ổn kinh tế - xã hội, ở Iraq, do hậu quả chiến tranh, hiện có tới 2 triệu phụ nữ góa bụa và 5 triệu trẻ em mồ côi; khoảng hơn 4 triệu người Iraq di tản khỏi quê hương đất nước để lánh nạn. Chỉ tính riêng ở quốc gia Syria láng giềng đã có ít nhất 3 triệu người Iraq tới xin được tị nạn và hiện đang sống trong cảnh nghèo đói nhưng họ vẫn chưa thể quay trở về quê hương vì tình hình bất ổn. Nạn thất nghiệp ở một số tỉnh ở Iraq đạt tới 40% số người đến tuổi lao động.


Cách đây 10 đến 20 năm, Iraq là một quốc gia có nền giáo dục được xếp vào loại tốt nhất ở Trung Đông, thậm chí một số lĩnh vực đạt mức chuẩn quốc tế. Còn hiện nay 15% trẻ em Iraq không được đến trường; hạ tầng cơ sở công nghiệp, năng lượng và giao thông bị tàn phá; hệ thống y tế rối loạn. Ngay cả trong những năm chiến tranh với Iran (1980-1988), ở Iraq chưa bao giờ bị mất điện hay gặp khó khăn trong việc bảo đảm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; không có tội phạm hoành hành và không có khủng bố; mỗi một đồng tiền đina của Iraq có thể đổi được 3 USD. Hiện giờ, sau 9 năm được "giải phóng", tại nhiều địa phương của Iraq không có điện hoặc thường xuyên bị cắt điện trong ngày; hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khan hiếm, 1.250 đina của Iraq mới đổi được 1 đồng USD. Xét về mức độ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, Iraq được xếp đầu bảng trên thế giới.


Về sự bẩt ổn an ninh, theo tin của nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Iraq cũng như thế giới, ở Iraq hằng ngày vẫn diễn ra hoạt động quân sự dưới dạng khủng bố và chống khủng bố, khiến mỗi ngày có tới 250 người thiệt mạng, mặc dù hiện nay Iraq đã xây dựng được một đội quân lớn cùng với lực lượng cảnh sát đông tới gần 900 nghìn người.


Trên thực tế, ở Iraq, chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa các lực lượng Mỹ chiếm đóng với các lực lượng chủ trương độc lập cho Iraq, chiến tranh giữa các phe phái chính trị và các nhóm sắc tộc, tôn giáo. Ở Iraq, tổ chức mafia hoành hành, nạn giết người để lấy nội tạng bán qua biên giới phát triển đến mức báo động và đang hình thành lĩnh vực kinh doanh tội phạm.


Về nền “độc lập” của Iraq, trong điều kiện hiện nay, quốc gia này chưa thể coi là một quốc gia độc lập vì trên toàn bộ lãnh thổ Iraq vẫn còn trên 500 căn cứ quân sự và các ổ đề kháng của quân Mỹ. Từ đây, Mỹ đã từng tiến hành kiểm soát Iraq. Do đó, tuy Mỹ tuyên bố rút các lực lượng chiến đấu ra khỏi Iraq nhưng điều đó không có ý nghĩa là hoạt động quân sự chấm dứt, chí ít với 3 lý do.


Một là
, một bộ phận lớn lực lượng quân sự của Mỹ trên danh nghĩa là “rút khỏi Iraq” nhưng trên thực tế là được điều động sang các nước láng giềng của Iraq, trước hết là Kuwait và Saudi Arabia. Từ những quốc gia đó, khi có lệnh chỉ trong vòng nửa giờ, các đơn vị đó của Mỹ đã có thể có mặt tại Iraq.

Hai là,
vai trò của lực lượng chiếm đóng Mỹ trước đây được chuyển giao cho các công ty quân sự tư nhân, trong đó điển hình nhất và lớn nhất là công ty “Black Water”. Các lực lượng quân sự đánh thuê tư nhân đã từng gây ra hàng nghìn cuộc tàn sát dã man trên lãnh thổ Iraq để thực hiện nhiệm vụ mờ ám nhất. Mỹ không sử dụng các lực lượng quân sự chính quy để thực hiện các nhiệm vụ đó để tránh tai tiếng của dư luận.

Ba là,
số nhân viên dân sự của Mỹ ở Iraq vẫn rất lớn. Theo con số chính thức, chỉ tính riêng nhân viên Đại sứ quán của Mỹ tại Iraq đã vào khoảng 20.000 người nhưng thực tế là khoảng 60.000 người. Con số này vượt quá nhu cầu nhân lực thực tế của bất kỳ Đại sứ quán Mỹ nào ở nước ngoài. Thêm nữa, tại 15 thành phố lớn của Iraq còn mở đại diện của các công ty Mỹ đang phát triển kinh doanh tại đây. Do đó, giới phân tích cho rằng, Mỹ đã “dân sự hóa” cuộc chiến tranh Iraq.

Một trong những mục tiêu của Mỹ trong chiến dịch quân sự ở Iraq không chỉ là loại bỏ chế độ cầm quyền của Saddam Hussein mà còn là loại bỏ một nhà nước Iraq thống nhất, có thể đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực và đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Vì thế, trong bộ máy quyền lực của Iraq có hơn một nửa số nghị viện của Quốc hội là những người nhận được “trợ cấp” của Mỹ. Do đó, trong Quốc hội Iraq chỉ có một số rất ít nghị viện có thái độ phản đối Mỹ và chủ trương xây dựng một đất nước Iraq độc lập và thống nhất.


Biểu hiện rõ nhất về nền “độc lập” của Iraq là cuộc bỏ phiếu tại Liên đoàn các nước Arab về vấn đề Syria. Trong lần bỏ phiếu đầu, đại diện của Iraq phản đối nghị quyết trừng phạt Syria vì họ lo sợ tình hình Syria bất ổn sẽ đẩy hàng triệu người dân Iraq đang tị nạn tràn về nước. Nhưng sau khi Thủ tướng Iraq được mời sang Mỹ để “tham vấn” thì trong lần bỏ phiếu sau, Iraq đã không còn phản đối nghị quyết trừng phạt Syria. Đây là dấu hiệu về sự “độc lập” của Iraq.


Thay vì Đảng BASS của cựu Tổng thống Saddam Hussein bị tuyên bố đứng ngoài vòng pháp luật, ở Iraq hiện nay hình thành khoảng 700 tổ chức chính trị và các nhóm phe phái bị chia rẽ về tư tưởng và tôn giáo và đi theo các chủ trương phát triển đất nước theo những định hướng khác nhau. Các tổ chức tôn giáo ở Iraq hiện nay không chỉ phát triển mạnh mà còn mang tính cực đoan. Dưới chế độ cầm quyền của Iraq trước đây, các sắc tộc và tôn giáo sống tương đối hòa thuận với nhau, còn hiện nay, họ đang chống đối nhau bằng các hoạt động phá hoại, giết người và các hình thức bạo lực khác. Ở Iraq các lực lượng cực đoan sẵn sàng tiêu diệt bất kể ai không đi theo quan điểm của họ. Ngoài ra, người Curd đang lợi dụng tình hình chia rẽ ở Iraq để đưa ra yêu sách đòi thành lập chính phủ riêng với lực lượng an ninh riêng và có mối quan hệ chính trị - kinh tế quốc tế độc lập.


Về xây dựng quân đội, nếu cách đây 20 năm, đội quân đông tới hàng triệu người của Iraq được trang bị chủ yếu là vũ khí của Liên Xô (85%) thì hiện nay các lực lượng vũ trang Iraq vào khoảng 300 nghìn người được trang bị vũ khí chủ yếu của Mỹ như xe tăng “Abrams”, máy bay chiến đấu F16 và nhiều loại vũ khí khác. Từ đó, quân đội Iraq phải cần tới các dịch vụ huấn luyện của Mỹ với chi phí không nhỏ.


Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Theo nhận xét của giới phân tích, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq nằm trong chiến lược bố trí lại lực lượng trên phạm vi khu vực và toàn cầu, đồng thời thay đổi chiến thuật hoạt động, còn trên thực tế chiến tranh vẫn tiếp diễn theo một kịch bản không kém phần tồi tệ là tạo ra trạng thái “hỗn loạn có điều khiển”.


Liên quan tới tình hình này, tờ “Gurdian” của Anh, đăng bài viết nhận định: “Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq chưa phải là chấm hết xung đột mà đúng hơn là sự mở đầu một giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh ngầm. Khi Tổng thống Mỹ G.W.Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair đưa ra luận cứ để tiến hành cuộc chiến tranh Iraq, họ đã che dấu sự thật, đôi khi còn lừa gạt dư luận. Đánh mất niềm tin của xã hội, họ đã gây thiệt hại không thể bù đắp được cho nền dân chủ phương Tây mà hậu quả đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Ngoài ra, không ai chịu công nhận sai lầm, cũng không ai đưa ra lời xin lỗi. Đây lại thêm một lý do nữa giải thích vì sao cuộc chiến ở Iraq vẫn chưa kết thúc và có lẽ đối với thế hệ hiện nay nó sẽ không bao giờ kết thúc”.


Còn theo nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử và kinh tế Mỹ F. William Engdahl, tác giả cuốn sách mang tựa đề “Chiến lược giành ưu thế toàn diện hay là nền dân chủ bá quyền trong trật tự thế giới mới” (“Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World Order”, Nhà xuất bản Wiesbaden, Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2009), với các tư liệu và luận cứ được trích dẫn từ các văn kiện chính thức của Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan, tổ chức của Mỹ chứng minh rằng, cuộc chiến tranh Iraq nằm trong kế hoạch đầy tham vọng là giành ưu thế toàn diện để sẵn sàng tiến hành các cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ nhằm giành giật tài nguyên trong suốt cả thế kỷ XXI./.
Hương Ly