Nhu cầu hợp tác và điểm nóng an ninh
Trung Quốc đóng tàu sân bay và liên
tục tập trận trên biển. Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Indonesia 24 chiến
đấu cơ phản lực F-16, Singapore cho biết sẽ chi 23 tỉ USD mua trực thăng
tuần tra. Malaysia mua 18 chiến đấu cơ đa năng. Việt Nam mua chiến đấu
cơ của Nga. Ấn Độ đưa tàu chiến đến biển Thái Bình Dương... Gần đây
nhất, trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố
Washington sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ đến Australia... Nga
tham gia tích cực hơn vào các diễn đàn khu vực Đông Á, ARF. Bên cạnh đó,
nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi nhiều cấp, nhiều kênh đã được tổ chức để
bàn về tình hình tại Biển Đông và vấn đề hợp tác an ninh khu vực.
Quả thực nhu cầu hợp tác để tiến tới
xây dựng cấu trúc khu vực mới đang ngày càng trở nên cấp thiết. Tại cuộc
họp của Đại hội đồng lần thứ 8 Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái
Bình Dương (CSCAP) do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội cuối tháng
11 vừa qua, nhiều đại biểu đã chứng minh tính hữu ích của việc xây dựng
cấu trúc khu vực. Thứ nhất, có nhiều vấn đề vượt quá khả năng giải quyết
của bất kỳ nước đơn lẻ nào như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh,
an toàn hàng hải, chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí, buôn bán người
và ma túy, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bệnh dịch, di cư và tị
nạn, tình trạng mất cân đối tài chính và thương mại quốc tế. Thứ hai, do
quy mô vấn đề và bản chất ở tầm khu vực nên lại càng được giải quyết
thông qua các cơ chế cấp khu vực. Thứ ba, trong khi có nhiều vấn đề đòi
hỏi phải có sự phối hợp thông tin, chính sách và hành động ở cấp khu vực
như vậy thì châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa có một cấu trúc để điều
phối chung, thiên hướng ưu tiên cho chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa song
phương tiếp tục tồn tại.
Trong quá trình xây dựng cấu trúc khu
vực, một câu hỏi hóc búa đặt ra là hiện nay điểm nóng nào trong khu vực
đang trở thành tiêu điểm về an ninh. Bởi việc đối phó hiệu quả với các
thách thức chính là tiêu chí quan trọng của mọi cấu trúc khu vực.
Trước đây, các nhà phân tích nhấn mạnh
tính nghiêm trọng của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ
qua hai bờ eo biển Đài Loan, vấn đề Kashmir và Biển Đông và khi đề cập
đến khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, người ta thường chú trọng khu vực
Đông Bắc Á nhiều hơn. Tuy nhiên, giờ đây Đông Nam Á đang trở nên ngày
càng quan trọng và như Hội nghị CSCAP vừa qua nhận định sự chú ý đang
dồn sang vấn đề Biển Đông vì một số nguyên nhân chủ chốt. Thứ nhất, các
sự kiện diễn ra dồn dập gần đây đều liên quan đến biển Đông, trong khi
các vấn đề như tình hình bán đảo Triều Tiên phần nào lắng dịu đi còn
quan hệ qua hai bờ eo biển Đài Loan có bước cải thiện. Thứ hai, gần đây
việc có những đòi hỏi vô căn cứ, nhất là “đường lưỡi bò” đã vấp phải sự
phản đối của một số nước trong khu vực, kể cả những nước không trực tiếp
liên quan đến tranh chấp lãnh thổ chủ quyền ở Biển Đông và giới học
giả. Thứ ba, nếu như ở bán đảo Triều Tiên đã có cơ chế đàm phán 6 bên,
các nước hầu như đã thừa nhận chính sách một Trung Quốc trong vấn đề Đài
Loan thì vấn đề Biển Đông vẫn cần một cơ chế rõ ràng và hiệu quả hơn
mặc dù đã có sự cố gắng và thiện chí của một số bên liên quan như việc
thông qua bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và việc khởi động đàm phán
COC gần đây. Thứ tư, bản thân vấn đề Biển Đông cũng phức tạp vì hàm
chứa nhiều lợi ích của các bên liên quan như chủ quyền lãnh thổ, vị trí
địa chiến lược, tâm lý dân tộc, vấn đề tự do an ninh, an toàn hàng hải,
tiềm năng dầu khí, môi trường, cứu hộ, cứu nạn….
Các mô hình chủ đạo
Không thể phủ nhận khi nói đến chủ
nghĩa khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, trước hết người ta phải nhắc đến
tiểu khu vực Đông Nam Á và ASEAN. Từ năm 1963, nhà nghiên cứu khu vực
William Henderson đã nói mối quan tâm về hợp tác chung ở châu Á không
phải có mọi nơi, nó chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Học giả khu
vực Acharya Amitav cũng từng nói ASEAN thậm chí còn cung cấp hình mẫu ra
quyết định cho các tổ chức khu vực khác, kể cả APEC. Các cơ chế hợp tác
khác trong lịch sử, kể cả có sự tham gia của các nước lớn như ASPAC
trước đây đều không thể tồn tại lâu. Trong khi đó các cơ chế đậm nét
ASEAN như ASEAN+, ARF, ADMM+ và EAS lại đang là “bộ khung” tốt để từ đó
xây dựng nên cấu trúc an ninh khu vực. Tính mở và linh hoạt của những
diễn đàn này cho phép tạo cơ chế để đối phó với những diễn biến nhanh và
khó lường của thế giới ngày nay. Vấn đề tiếp theo là xác định nội dung,
cơ chế hợp tác cụ thể để sao cho các cơ chế này ủng hộ và bổ sung cho
nhau, tạo nên mạng lưới nhiều tầng nấc, trong đó ASEAN ở vị trí trung
tâm. Đó là chưa kể những giá trị “độc đáo” khác của ASEAN mà không phải
nước và khu vực nào cũng có như tính trung lập, chủ trương không đe dọa,
tin cậy trong vai trò trung gian hòa giải …
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tiến
trình đi tới một cấu trúc an ninh khu vực chung không nhất thiết phải
lấy xuất phát điểm từ ASEAN. Quan điểm này xuất phát từ nghi vấn năng
lực quản lý xung đột của ASEAN, nhất là khi nhìn vào việc ARF trong giai
đoạn ngoại giao phòng ngừa chỉ tập trung đối phó với các thách thức an
ninh phi truyền thống và việc ASEAN chỉ chủ trương thúc đẩy ARF phù hợp
với tiến độ ưu thích của các nước thành viên.
Việc ASEAN đóng vai trò chủ đạo tuy là
thực tế và có triển vọng song rõ ràng thách thức lại mệnh đề “chính trị
do các nước lớn sắp đặt”. Vậy ASEAN là trung tâm hay sẽ có những nước
đóng vai trò lãnh đạo khu vực? Đối với châu Á-Thái Bình Dương hiện nay,
đó là vai trò nổi bật của Mỹ và Trung Quốc. Dù sức mạnh tương đối của
siêu cường Mỹ đang tiếp tục suy giảm nhưng quân sự, kinh tế vẫn vượt
trội so với tất cả các quốc gia khác. Hơn nữa, Chính quyền Mỹ giờ đây
đang thể hiện quyết tâm chính trị lớn là sẽ trở lại khu vực. Sự “trở
lại” ở đây mang hàm ý chuyển hướng trọng tâm chiến lược, chứ không đơn
thuần là yếu tố địa lý. Theo một số đánh giá, về phía các quốc gia châu
Á, có thể có thoả thuận ngầm trong việc ủng hộ Mỹ đóng vai trò lớn hơn
tại khu vực bằng cách tạo ra các thể chế mở, linh hoạt, và toàn diện.
Một số đã có quan hệ liên minh còn một số khác đang thúc đẩy quan hệ hợp
tác song phương chặt chẽ hơn với Mỹ.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy nhanh chóng và
tương đối toàn diện của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều vấn đề đặc biệt
đáng quan tâm. Bởi vậy, các nước yếu hơn cần khéo léo trong việc thúc
đẩy quan hệ phù hợp với cả Mỹ và Trung Quốc. Bản thân Mỹ cũng chưa hề
bày tỏ sẽ đóng một vai trò rõ ràng ở khu vực ngoại trừ tuyên bố sẽ trở
lại. Một mặt Mỹ vẫn để các nước khác thúc đẩy quá trình thảo luận về cấu
trúc an ninh chung, mặt khác lại không muốn thấy các cơ chế này làm
giảm vai trò của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, một số học giả đề
xuất mô hình “hòa hợp quyền lực”, tức là một dạng mô hình mở rộng của an
ninh hợp tác. Theo đó các trung tâm quyền lực, kinh tế lớn trong khu
vực (8-10 thành viên của G20) sẽ tạo nên một trật tự mà trong đó các
nước dù có nghi ngờ nhau nhưng cam kết sẽ không tạo nên các mối đe dọa
trực tiếp. Trong hệ thống đó, các quốc gia thành viên sẽ tìm cách để
giảm thiểu các nguy cơ hiểu lầm về nhau, những yếu tố có thể gây nên sự
bất an và qua đó tạo nhiều cơ hội hơn để tăng cường hợp tác và cùng đối
phó với các thách thức xuyên quốc gia. Nhưng đây chính là mô hình Cộng
đồng Châu Á-Thái Bình Dương do Australia đề xuất, mô hình do một số lý
do khách quan và chủ quan đã không còn được thảo luận nhiều tại các diễn
đàn khu vực. Tuy được đánh giá cao và có vai trò tích cực của Thủ tướng
Kevin Rud lúc đó và nay là Ngoại trưởng, nó chỉ dừng lại như báo chí mô
tả là đóng góp thêm một “mặt trận” cho cuộc chiến các ý tưởng tại khu
vực.
Các mô hình cân bằng
Theo những người theo chủ thuyết hiện
thực mới, sự xáo trộn về cán cân lực lượng trong khu vực là tình huống
nguy hiểm. Đồng thời họ cũng dự báo các quốc gia yếu hơn trong khu vực
sẽ tìm cách tập hợp để cân bằng lại ảnh hưởng của quốc gia nổi trội hơn.
Như vậy, trong khi không mấy tin tưởng vào khả năng hợp tác giữa các
quốc gia trong dài hạn, trường phái hiện thực mới lại cho rằng các quốc
gia sẽ tìm mọi biện pháp cần thiết để tránh một tình huống mất cân bằng
nghiêm trọng. Hay nói cách khác, các quốc gia sẽ tìm cách “không để”
quốc gia nào khác đóng vai trò chi phối trong khu vực.
Dĩ nhiên, nếu lấy xuất điểm là lợi ích
quốc gia, độ bền vững của cấu trúc cân bằng còn tùy thuộc vào tính toán
của các bên, nhất là của các nước lớn như Mỹ, Trung, Nhật, Ấn và Nga.
Cũng do yếu tố lợi ích, các nước sẽ từ bỏ hoặc điều chỉnh tính chất của
liên minh cân bằng một khi tình thế thay đổi. Đó là câu chuyện của SEATO
trước đây. Hơn nữa, thực tế của khu vực hiện nay cho thấy, hòa bình, ổn
định và hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo, như vậy động cơ để thiết
lập một cơ chế cân bằng quyền lực mới chưa phải quá câu thúc. Điều này
có nghĩa là trạng thái cân bằng hiện tại chưa phải đã hoàn toàn hết tác
dụng ở châu Á-Thái Bình Dương. Cũng chính vì vậy, có ý kiến cho rằng
việc hướng tới một cấu trúc an ninh khu vực dựa vào mô hình cân bằng
quyền lực mới sẽ khó thành hiện thực ngay.
Nếu như cơ chế cân bằng quyền lực có
phần cứng nhắc, cách tiếp cận của hệ phái hiện thực phòng thủ gợi ý nên
ưu tiên mô hình cân bằng lợi ích, hàm ý các nước dù có tin tưởng lẫn
nhau hay không cũng nên linh hoạt lựa chọn cách ứng xử bởi việc liên kết
hay cân bằng đều có thể đem đến những lợi ích thiết thực về an ninh hay
phát triển.
Quan điểm thực tiễn
Mọi lý thuyết cần lấy thước đo thực
tiễn để kiểm nghiệm. Vấn đề cốt tử là liệu trên thực tế các nước có tìm
được tiếng nói chung? Cuộc họp Cấp cao EAS tháng 11 vừa qua tại Bali cho
thấy điều này phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của các bên liên quan,
nhất là các nước lớn và ASEAN. Về mặt nguyện vọng, tất cả các nước đều
muốn duy trì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thuận
lợi cho hợp tác và phát triển. Một cấu trúc khu vực lý tưởng ổn định sẽ
có tác dụng điều hòa lợi ích giữa các nước, tránh va chạm không đáng
có.
Tuy nhiên, góc nhìn không vì thế mà
giống nhau trong thực tiễn chính sách. Chẳng hạn, đối với châu Âu, việc
Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương xét theo một
nghĩa nào đó có nghĩa là Mỹ sẽ “bỏ rơi” đồng minh lâu năm bên kia bờ Đại
Tây Dương. Ngoài ra, sự trở lại của Mỹ không phải được hoan nghênh với
mức độ như nhau ở mọi nước. Tương tự như vậy, quá trình trỗi dậy nhanh
chóng của Trung Quốc gây nên sự tranh luận giữa giới học thuật và chính
sách trên thế giới, nhất là đối với câu hỏi sự trỗi dậy của Trung Quốc
sẽ đem lại gì, Trung Quốc sẽ tìm kiếm vai trò và muốn gây tác động như
thế nào để tiến tới cấu trúc khu vực mong muốn.
Xét về mặt chuẩn tắc, cấu trúc an ninh
khu vực phải là quá trình từng bước, dựa trên cơ sở lòng tin xây dựng
giữa các nước ASEAN/ARF và các nước trong khu vực. Việc xây dựng cấu
trúc an ninh, theo ý kiến một số học giả, cũng nên hướng tới việc xây
dựng cộng đồng khu vực. Đây là các tiêu chí mà ít nhiều các tiến trình
trong khu vực đã hướng đến, nhất là với vai trò chủ đạo và điều phối
tích cực của ASEAN. Đồng thời, mọi tiến trình khu vực muốn vững chắc
phải có sự tham gia phù hợp của các nước lớn, bắt đầu bằng quá trình
tham vấn và phối hợp.
Mặc dù, về lý thuyết, sẽ chẳng có một
mô hình cấu trúc an ninh nào có thể được gọi là tối ưu trong việc hóa
giải các thách thức của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động, nhưng
có lẽ bằng sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ, ASEAN có thể tạo thêm
một câu chuyện thành công về chủ nghĩa khu vực trong bối cảnh mới.
Lê Đình Tĩnh
|