16:36' 28/1/2012
Trong suốt chiều dài
lịch sử nhân loại, cái được coi là thước đo của sự tiến hóa và phát
triển chính là những giá trị mà con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng và
thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao cuộc sống của chính mình. Tất cả những
thành tựu hoặc có giá trị vật chất, hoặc có giá trị tinh thần mà con
người tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của chính mình trên tất cả các
phương diện ngày một tốt hơn chính là văn hóa.
Vai trò động lực của văn hóa
đối với sự phát triển được loài người nhận thức từ rất sớm với cách
hiểu văn hóa là trí tuệ của loài người. Ngay từ thời mông muội, trong tổ
chức cuộc sống bầy đàn, đã có mối quan hệ đan xen giữa các thế hệ.
Người lớn tuổi, có kinh nghiệm, người khỏe mạnh, đàn ông…đã sống cùng,
dìu dắt, chỉ bảo, hướng dẫn những người trẻ tuổi, người ít kinh nghiệm,
người yếu, phụ nữ… Bên cạnh tính huyết thống chi phối còn có cơ sở hết
sức tự nhiên của tổ chức bầy đàn chính là nhận thức của con người về sức
mạnh của trí tuệ và thể chất của một cộng đồng để tồn tại và phát
triển. Thông qua hành động của những người lớn tuổi, những người có kinh
nghiệm giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra mà thế hệ sau,
những người trẻ tuổi có thêm những tri thức cần thiết để làm người. Hàng
ngàn năm thời cổ đại, người Hy Lạp đã nhận ra rằng Lịch sử là cô giáo của cuộc sống.
Những tri thức là giá trị văn hóa được các thế hệ con người nối nhau
tạo ra, được ghi chép, tổng kết lại thành lịch sử giúp các thế hệ sau
học tập, nghiên cứu phục vụ cuộc sống hiện tại và tương lai. Cùng với sự
phát triển, con người càng ý thức được vai trò to lớn của văn hóa. Vào
giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, khi những nhân tố của chế độ mới
xuất hiện và ngày một phát triển, nền văn hóa Phục hưng mang đầy những
giá trị nhân văn chính là sản phẩm của thời kỳ đặc biệt này. Thế kỷ XIX,
là thời kỳ đấu tranh gay gắt trên lĩnh vực văn hóa, ở đó, trung tâm là
cuộc đấu tranh triết học giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
Những người đại diện cho trường phái duy vật là C. Mác, Ph.Ăng ghen và
sau này là V.I. Lê-nin. Quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, khẳng định vai trò quyết định của vật chất, của kinh tế nhưng
không tuyệt đối hóa nó mà các ông cũng nhấn mạnh sự tác động to lớn có ý
nghĩa sức mạnh vật chất của ý thức (văn hóa) đối với vật chất, kinh tế
và rộng hơn là sự phát triển. Ph.Ăng ghen đã khẳng định: sự phát triển
của chính trị, pháp luật, tôn giáo, văn học nghệ thuật… đều xây dựng
trên cơ sở kinh tế. Nhưng tất cả chúng đều tác động lẫn nhau và tác động
tới cơ sở kinh tế. C. Mác - Ph.Ăng ghen - V.I Lê-nin đều đặc biệt đề
cao vai trò tiên phong, mở đường có ý nghĩa động lực của văn hóa đối với
sự phát triển và tiến bộ của lịch sử. Nghiên cứu giai đoạn cổ đại của
lịch sử xã hội loài người, đặc biệt là nền văn hóa Hy Lạp, C.Mác - Ph.
Ăng ghen đã khẳng định, đó là nền văn hóa hoàn mỹ nảy sinh trong lòng
chế độ nô lệ dã man. Sự bất công, tàn bạo trong các mối quan hệ, nhất là
trong sản xuất ở xã hội cổ đại Hy Lạp để lại những ấn tượng ghê tởm bao
nhiêu, thì các tác phẩm văn học và nghệ thuật Hy Lạp cổ đại đem đến cho
ta những tình cảm đẹp đẽ thấm đẫm tính nhân văn, tràn ngập niềm vui và
tình yêu thương sâu sắc bấy nhiêu. Như vậy, ở đây có sự đối lập giữa
tình trạng phi nhân tính của quan hệ sản xuất chính thống với những giá
trị văn hóa đầy tình người sản sinh ra ngay trong lòng nó. Lại một lần
nữa giúp ta nhận thức sâu sắc tính khoa học trong quan niệm của các nhà
sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử rằng ý thức xã hội phản ánh tồn
tại xã hội, đồng thời ý thức xã hội cũng có vai trò to lớn tác động trở
lại tồn tại xã hội, thông qua nhận thức của con người trở thành sức mạnh
vật chất to lớn góp phần thúc đẩy lịch sử phát triển. Đó là sức mạnh và
cũng là vai trò to lớn có ý nghĩa động lực của văn hóa mà chủ nghĩa Mác
– Lê-nin đã khẳng định. Tuy nhiên, khi khẳng định vai trò động lực của
văn hóa chúng ta không được quên rằng, chính cũng dựa trên quan điểm
khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin giúp chúng ta hiểu ra rằng, chế độ
nô lệ là cái nôi sinh ra nền văn hóa – nghệ thuật cổ Hy Lạp. Ph. Ăng
ghen đã khẳng định: “chỉ có chế độ nô lệ mới làm cho sự phân công lao
động có thể thực hiện được trên một quy mô rộng lớn giữa nông nghiệp và
công nghiệp, và do đó, mới có thể có thời kỳ hưng thịnh nhất của thế
giới cổ đại, tức là nền văn minh Hy Lạp. Không có chế độ nô lệ thì không
có quốc gia Hy Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp’’.(1)
Khi tìm hiểu nền văn
hóa Phục hưng, một lần nữa C. Mác - Ph. Ăng ghen thể hiện rõ quan điểm
của mình về vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển của lịch
sử xã hội loài người. Trong tác phẩm Chống Đuy rinh nổi tiếng, ở phần
Lời nói đầu, Ph. Ăng ghen viết: “Đó là một cuộc đảo lộn tiến bộ lớn nhất
mà từ xưa tới nay, nhân loại đã trải qua; đó là một thời đại cần có
những con người khổng lồ và đã sinh ra những con người khổng lồ: khổng
lồ về năng lực suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có
lắm tài, lắm nghề và về mặt học thức sâu rộng… Những anh hùng thời ấy
còn chưa bị nô dịch bởi sự phân công lao động mà tác động gây ra tính
chất hạn chế, phiến diện, như chúng ta thường thấy ở những người kế tục
họ. Nhưng cái làm cho họ nổi bật lên là ở chỗ họ hầu hết đều hoàn toàn
hòa mình vào phong trào của thời họ…Do đó, họ có một tính cách phong phú
và kiên cường khiến cho họ trở thành những con người toàn diện”(2).
Trong tiến trình lịch
sử, nhìn từ góc rộng nhất đến chiều sâu của nội lực thì văn hóa có vai
trò động lực to lớn thúc đẩy xã hội phát triển. Đối với lĩnh vực văn
hóa, thì bản thân văn hóa lại là động lực trực tiếp thúc đẩy chính nó
phát triển. Nghiên cứu thành tựu văn hóa ở thế kỷ ánh sáng, C. Mác - Ăng
ghen cho rằng: “trào lưu Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và nhất là chủ
nghĩa duy vật Pháp không những là một cuộc đấu tranh chống những thiết
chế chính trị hiện hành, chống tôn giáo hiện hành và chống thần học hiện
hành mà còn là một cuộc đấu tranh công khai và rõ rệt chống lại siêu
hình học thế kỷ XVII và mọi thứ siêu hình học”(3).
Hai ông đánh giá cao
vai trò của văn hóa nói chung, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của chủ
nghĩa duy vật, và xem thế giới quan duy vật biện chứng là cuộc cách mạng
trong lĩnh vực nhận thức của loài người, trả sự vật về với quá trình
vận động và phát triển tự nhiên của nó. Vai trò của chủ nghĩa duy vật
thế kỷ XVIII đối với vấn đề phát triển con người và xã hội loài người
được hai ông nhận xét: “Không cần phải thông minh lắm mới thấy được mối
liên hệ tất yếu giữa học thuyết của chủ nghĩa duy vật về tính thiện bẩm
sinh và sự ngang nhau về trí lực của con người, về tính vạn năng của
kinh nghiệm, của tập quán và của giáo dục, về ảnh hưởng của hoàn cảnh
bên ngoài đối với con người… với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội.
Nếu như người ta thu được mọi tri thức và cảm giác, v.v.. của mình từ
thế giới cảm tính và từ kinh nghiệm trong thế giới cảm tính thì do đó
cần phải tổ chức thế giới xung quanh sao cho người ta nhận thức và lĩnh
hội được ở đó cái gì thực sự hợp với tính người, sao cho người ta thấy
được mình là con người…Nếu như tính cách con người là do hoàn cảnh tạo
nên thì do đó phải làm cho hoàn cảnh hợp với tính người”(4).
Từ những quan điểm cơ
bản trên đây của những người sáng lập chủ nghĩa Mác – Lê-nin về vai trò
động lực của những thành tố cụ thể cấu thành văn hóa như triết học, văn
học nghệ thuật, khoa học…tạo nên thế giới quan, nhân sinh quan, tư duy,
đạo đức…của chủ thể cuộc sống - con người, qua đó biến thành sức mạnh
vật chất thúc đẩy lịch sử phát triển qua các chế độ, thời đại khác nhau.
Thực tế lịch sử nhân loại cũng cho ta thấy, những thành tựu triết học,
văn hóa nghệ thuật, khoa học lớn ở từng thời đại có giá trị như những
cuộc cách mạng nhằm giải phóng trí tuệ, tư tưởng, đạo đức của con người
vừa dọn đường vừa tạo tiền đề cho sự ra đời của chế độ xã hội tiến bộ
hơn của lịch sử.
Rõ ràng, C. Mác - Ph.
Ăng ghen đã thể hiện rõ quan điểm của mình về vai trò động lực của văn
hóa đối với phát triển mà nội dung chủ yếu của nó là sự tác động trực
tiếp của từng thành tố cấu thành nên nó cũng như tổng thể giá trị của nó
vào nhận thức của con người tạo nên những quy chuẩn đạo đức, thế giới
quan, phương pháp luận, tri thức mới…từ đó giúp con người có lẽ sống phù
hợp, phương pháp hành động đúng, năng lực hành động cao nhất để vượt
qua những hạn chế của nhận thức cũ, những hiệu quả thấp kém của tất cả
các hoạt động của cá nhân cũng như toàn xã hội, đưa lịch sử tiến lên
nhanh, bền vững hơn ở chế độ xã hội sau tốt đẹp hơn.
Sau Cách mạng Tháng
Mười, sự nghiệp xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa từ một nước
Nga vào loại tầm trung còn đầy những hạn chế, trình độ lực lượng sản
xuất thấp kém so với ngay các nước tư bản phát triển đương thời, đến
những tàn tích của các xã hội tiền tư bản vẫn đang tồn tại trong lòng xã
hội và mỗi con người của nước Nga, việc xây dựng xã hội mới ở nước Nga
bắt đầu từ đâu và phải tiến hành như thế nào đã được V.I.Lê-nin khẳng
định một cách khoa học rằng, không có tri thức cách mạng thì không có
phong trào cách mạng hiện thực. Phải bắt đầu từ vấn đề trí tuệ của con
người - chủ thể của xã hội, nói rộng ra phải bắt đầu từ văn hóa. Người
kêu gọi phải xóa bỏ lối sống gia trưởng trong mỗi người dân, người cán
bộ, đảng viên, người công nhân và trí thức Nga, vì căn bệnh đó đẻ ra
thói lười nhác, và tính vô trách nhiệm. Người đánh giá cao tư tưởng và
những giá trị văn hóa được họ sáng tạo, coi họ là niềm tự hào của dân
tộc Nga. Người đánh giá cao cuốn tiểu thuyết Làm gì của Séc-nư-xép-xki,
rằng nó đã có công hình thành một thế hệ những thanh niên đi làm cách
mạng ở Nga và không chỉ ở Nga. Khi đọc tác phẩm Người mẹ của M.Goóc-ki,
V.I.Lê-nin sung sướng và coi đó là cuốn sách rất cần thiết và ra đời rất
đúng lúc. Người đánh giá rất cao những tác phẩm của đại văn hào L.Tôn-
xtôi, và coi đó là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga.
Khi trình bày quan điểm
của mình về vai trò tính đảng trong văn học nghệ thuật, V.I.Lê-nin nêu
rõ rằng, tính đảng không chỉ tác động đến nhận thức, tư tưởng và tình
cảm mà qua đó còn tác động đến hành vi và hoạt động của con người, nhằm
cải tạo hiện thực. Đó là biểu hiện tập trung nhận thức của V.I.Lê-nin về
vai trò động lực to lớn của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội.
Suy cho cùng, mục tiêu đích thực, mục tiêu cuối cùng của văn hóa cũng
chỉ góp phần tác động vào xã hội làm cho nó phát triển lành mạnh, bền
vững, phục vụ cho cuộc sống của con người và xã hội loài người ngày càng
tốt đẹp hơn. Nói chuyện với nữ đảng viên cộng sản người Đức, V.I.Lê-nin
khẳng định: Điều quan trọng không phải là ý kiến của chúng ta về nghệ
thuật …Nghệ thuật là của nhân dân. Nó phải bắt rễ hết sức sâu xa trong
quảng đại quần chúng lao động; được quần chúng hiểu và ưa thích. Nó phải
liên hiệp được tình cảm, tư tưởng và ý chí của quần chúng ấy, nâng họ
lên một trình độ cao hơn…Liên hiệp được tình cảm, tư tưởng và ý chí của
quần chúng, nâng họ lên một trình độ cao hơn, có nghĩa là tạo ra được
động lực cho sự phát triển xã hội.
Nhìn một cách xuyên
suốt, quan điểm của C.Mác - Ph. Ăng ghen và sau này thêm V.I.Lê-nin có
sự thống nhất cao: Văn hóa với đúng nghĩa của nó bao giờ cũng giữ vai
trò động lực đối với tiến bộ và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng
phải thấy rằng, trong cách diễn đạt, các ông chưa dùng thuật ngữ văn hóa
giữ vai trò động lực như ngày nay. Và, cũng ở thời đại mình, C. Mác,
Ph. Ăng ghen, V.I. Lê-nin chưa trực tiếp chứng minh về sự tác động to
lớn và hiệu quả của văn hóa đối với sự tăng trưởng kinh tế - xã hội bằng
những số liệu cụ thể, nhưng bằng lập luận khoa học, lý luận sắc bén,
các ông đã khẳng định vai trò to lớn của văn hóa đối với sự giải phóng
và phát triển các tiềm năng sáng tạo của con người, mô hình hóa các dự
báo về xã hội tương lai, qua đó thôi thúc con người tiến lên phía trước.
Có thể nói cụ thể hơn, chủ nghĩa Mác – Lê-nin khẳng định vai trò động
lực to lớn của văn hóa đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đó là vai trò khai sáng, vai trò phóng chiếu, vai trò thúc đẩy tăng chất
lượng, hiệu quả của nguồn lực chủ thể xã hội – con người nhằm thúc đẩy
xã hội phát triển ngày càng nhanh, chất lượng, bền vững hơn.
Đảng Cộng sản Việt Nam
lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi
hành động cách mạng ở Việt Nam, trong đó có quan điểm về vai trò động
lực của văn hóa đối với phát triển.
Trước hết, Chủ tịch Hồ
Chí Minh là người đã mở ra một nền văn hóa mới cho dân tộc Việt Nam, đó
là nền văn hóa trên nền tảng độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc
cho mọi người và mỗi người. Nền văn hóa ấy là tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc. Người chủ trương xây dựng chế độ mới với một nền văn hóa dân
tộc, khoa học, đại chúng. Tư tưởng văn hóa và sự nghiệp văn hóa Hồ Chí
Minh không chỉ là của thế kỷ XX mà còn là của các thế kỷ tiếp theo, góp
phần tỏa ánh sáng văn hóa của mình cho dân tộc đi tới. Vào những năm
1942-1943, khi ở trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, tuy không tự nhận
mình là nhà văn hóa, nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng đưa ra một khái niệm văn
hóa được viết ở cuối bản thảo cuốn Nhật ký trong tù, ký tên Hồ Chí Minh.
Và trong suốt cuộc đời của mình, tuy không gắn với nghiệp văn chương,
nhưng sự nghiệp cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự
nghiệp văn hóa vĩ đại - văn hóa giải phóng con người và xã hội loài
người khỏi mọi ách áp bức, bất công, nô dịch, nghèo nàn, lạc hậu…tiến
tới xây dựng xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong sự
nghiệp cách mạng lâu dài, khó khăn, gian khổ đó, theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, vai trò động lực to lớn của văn hóa được thể hiện ở mấy nội dung
cơ bản sau đây:
Thứ nhất, văn
hóa là động lực phát triển trước hết là phải góp phần nâng cao trình độ
dân trí, đảng trí, nguồn lực cơ bản có tính quyết định khả năng, sức
mạnh của một quốc gia, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng
định vai trò to lớn của công tác giáo dục. Người coi đó là công việc “vì
lợi ích trăm năm”. Bởi vậy, trước khi thành lập một chính đảng mác xít
để đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã phải
trải qua một quá trình chuẩn bị về mọi mặt mà trước hết là về chính
trị, tư tưởng và tổ chức, ở đó công tác tuyên truyền, vận động, thuyết
phục và đặc biệt là giáo dục để nâng cao giác ngộ cách mạng, trình độ lý
luận chính trị cho những người cách mạng và quần chúng cách mạng được
tiến hành khẩn trương, và lấy đó là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời
của một chính đảng cách mạng. Khi giành được chính quyền, Đảng ta trở
thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào diệt
“giặc dốt”, xây dựng và chăm lo nền giáo dục mới của nước nhà ở tất cả
các cấp học. Trong thư gửi học sinh toàn quốc nhân ngày khai trường năm
1946, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, tương lai của Tổ quốc Việt Nam có
sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không tùy thuộc vào sự học
hành của các cháu.
Đảng Cộng sản Việt Nam
từ khi ra đời tới nay luôn không ngừng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để
mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng đủ bản lĩnh chính trị, ngang tầm với
yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và coi đây là công việc “gốc” của việc
“gốc”- công tác cán bộ. Tất cả, đó chính là nhận thức về vai trò động
lực của văn hóa.
Đảng ta ý thức sâu sắc
rằng, văn hóa bao chứa những giá trị nhân văn, hướng tới những giá trị
tốt đẹp của con người. Văn hóa đồng nghĩa với cái tốt, cái đẹp, những
giá trị, nó phải trở thành quy chuẩn, đạo đức của xã hội. Mọi thành viên
của cộng đồng vừa có nghĩa vụ tôn trọng, thực hiện và vun đắp cho những
giá trị văn hóa ngày càng nhiều lên trong cuộc sống, làm cho cuộc sống
ngày càng có chất lượng hơn. Chỉ có những giá trị văn hóa làm nền tảng
tinh thần được thể hiện bằng chuẩn mực đạo đức xã hội, nguyên tắc,
phương châm xử thế trong tất cả các mối quan hệ mà mọi thành viên của xã
hội phải nhận thức được và tự giác tôn trọng và chấp hành, thì xã hội
ấy mới có kỷ cương, lành mạnh, tôn trọng quy luật khách quan, phát triển
bền vững làm nên sức mạnh của Đảng, của đất nước, là động lực của phát
triển. Ngày nay chúng ta đang kêu gọi mọi công dân hãy sống và làm việc
theo hiến pháp và pháp luật, mà pháp luật của ta là pháp chế của một nhà
nước của dân, do dân và vì dân, chính là nhận thức đúng về vai trò động
lực của văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tính
động lực của văn hóa theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó soi đường cho quốc
dân đi. Đây chính là vai trò to lớn và đầu tiên của văn hóa. Nhận thức
về con đường cách mạng vô sản mà dân tộc Việt Nam lựa chọn hướng tới mục
tiêu dân tộc độc lập, hòa bình, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc, bình
đẳng, sánh vai cùng các quốc gia xây dựng thế giới đại đồng. Con đường
cách mạng vô sản mà nhân dân Việt Nam lựa chọn và chế độ xã hội chủ
nghĩa mà nhân dân Việt Nam kiên trì theo Đảng của mình chủ trương xây
dựng chính là nhận thức có văn hóa để vươn tới một xã hội văn minh.
Những tri thức văn hóa bắt đầu từ Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành
đường lối, nghị quyết, chủ trương hướng dân tộc Việt Nam đi và hành động
theo. Chặng đường hơn 81 năm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản là thực tế sinh động minh chứng cho quan điểm văn hóa
soi đường cho quốc dân đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như Chủ tịch Hồ
Chí Minh khẳng định: Không có tri thức thì không có cách mạng và phong
trào cách mạng. Xây dựng một xã hội có văn hóa, hay nói rộng hơn là xây
dựng một xã hội tốt đẹp mà mọi mối quan hệ: người – người, người – xã
hội, người – tự nhiên đều lành mạnh, có văn hóa trên cơ sở hiểu biết và
tự giác. Mục tiêu này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ trong
đường lối của cách mạng Việt Nam ngay khi thành lập chính đảng cách
mạng. Hơn 80 năm qua, kể từ khi cách mạng Việt Nam đi theo ngọn cờ cách
mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính là quá trình thực hiện mục tiêu
văn hóa cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cho cách mạng Việt
Nam./.
(1) C.Mác – Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t 20, tr 254
(2) Sdd, tr 459-461
(3) Sdd, t2, tr 190
(4) Sdd, t2, tr199-200