Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

12. Năm 2012: bước ngoặt thử thách nền chính trị thế giới

15:57' 16/1/2013
TCCSĐT- Năm 2012 qua đi, để lại những sự kiện lớn, phác họa những đường nét của bức tranh chính trị thế giới với những gam màu sáng, tối đan xen; lo âu, thất vọng gắn với hy vọng, gợi ấn tượng sâu đậm về một giai đoạn đầy thử thách trong nền chính trị toàn cầu. Diễn biến của những thử thách đó sẽ được định hình rõ hơn trong năm 2013.

Thế giới chưa vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu
Tháng 8-2012 đánh dấu thời điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế mang tính toàn cầu, tác động sâu sắc tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước trên thế giới. Nhìn lại 5 năm qua, giới nghiên cứu rút ra kết luận: cuộc khủng hoảng này chứng tỏ, cơ cấu tài chính - kinh tế toàn cầu được thiết lập từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới của thế giới đương đại. A-đam Áp-la-gát (Adam Applagart), Tổng Giám đốc Ngân hàng Anh Northern Rock, nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát ở Mỹ là “cột mốc đánh dấu thời điểm thay đổi thế giới”. 
Thời gian 5 năm đủ để nhận thấy, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay đang làm tiêu tan quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mô hình thị trường tự do không có sự kiểm soát của nhà nước là vạn năng. Cường quốc số một thế giới và nhiều nước phát triển phải ra tay cứu vớt hàng loạt ngân hàng tư nhân và các hãng bảo hiểm lớn thoát khỏi nguy cơ phá sản. Vào những ngày cuối cùng của năm 2012, Mỹ và Anh đã soạn thảo kế hoạch chiến lược để sẵn sàng ứng phó trước sự phá sản hàng loạt ngân hàng có vai trò toàn cầu trong năm 2013. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn là nỗi lo thường trực của nền kinh tế thế giới cho dù đã bắt đầu có những tia hy vọng trong việc giải quyết gánh nặng nợ này. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế hàng đầu ở phương Tây, thế giới chỉ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế vào khoảng những năm 2020 – 2025(1). 
Xy-ri - nơi thử thách đối với luật pháp quốc tế
Trong năm 2012, cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri diễn biến nhanh và cực kỳ phức tạp, trong đó lực lượng đối lập phối hợp với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, các tổ chức khủng bố quốc tế và lực lượng đặc nhiệm của một số nước, được chi viện cả về chính trị, tinh thần, tài chính và vũ khí hiện đại nhất từ bên ngoài tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố nhằm tiêu diệt chế độ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát.
Do có vị thế địa - chính trị quan trọng ở Trung Đông, Xy-ri bị rơi vào vòng xoáy của hai luồng cạnh tranh địa - chính trị ở khu vực này.
Một là, cuộc cạnh tranh địa - chính trị ở cấp độ khu vực, diễn ra giữa 4 quốc gia đang theo đuổi tham vọng đóng vai trò và có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Trung Đông là A-rập Xê-út, Ca-ta, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran. Trong cuộc cạnh tranh đó, Xy-ri trở thành tâm điểm xung đột. Trong khi Xy-ri là đồng minh của I-ran, thì A-rập Xê-út, Ca-ta, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn thay đổi chế độ chính trị ở Đa-mát nhằm biến quốc gia này thành đồng minh của họ.
Hai là, cuộc cạnh tranh địa - chính trị ở cấp độ thế giới, giữa một bên là Mỹ cùng với một số đồng minh trong và ngoài khu vực Trung Đông, với bên kia là Nga và Trung Quốc với sự ủng hộ của một số nước. Trong cuộc cạnh tranh ở Xy-ri có dấu ấn của cuộc chiến dầu mỏ và khí đốt trên toàn bộ khu vực Trung Đông, trong đó Mỹ và các nước đồng minh đang theo đuổi đề án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ khu vực Địa Trung Hải đi qua I-rắc, Xy-ri, Gioóc-đa-ni, Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu, còn Nga và Trung Quốc cùng với Xy-ri, I-rắc và I-ran lại có các đề án dầu mỏ và khí đốt khác không có sự tham gia của Mỹ. Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định rằng, yếu tố dầu mỏ và khí đốt đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột này.
Do sự cạnh tranh quyết liệt của các nước trong và ngoài khu vực, nên cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Xy-ri không còn là nội chiến đơn thuần mà đã trở thành cuộc chiến tranh khu vực, giữa một bên là các lực lượng quân sự và an ninh của Chính phủ Xy-ri với bên kia là lực lượng đối lập liên minh với lực lượng của nhiều nước trong và ngoài Trung Đông được trang bị vũ khí theo tiêu chuẩn của NATO.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Xy-ri đến nay vẫn chưa có lối thoát do có mâu thuẫn giữa hai cách tiếp cận: một bên do Mỹ đứng đầu chủ trương can thiệp vào công việc nội bộ của Xy-ri dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”, “vì mục đích nhân đạo” và “phát triển dân chủ”. Bên kia gồm Nga, Trung Quốc và một số nước ủng hộ, chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của Xy-ri; tôn trọng độc lập và chủ quyền của Xy-ri; để cho người dân Xy-ri tự quyết định chế độ chính trị của họ. Quan điểm của Nga và Trung Quốc dựa trên một nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc là chủ quyền bất khả xâm phạm của các quốc gia. Vì thế, Xy-ri trở thành tâm điểm thử thách đối với luật pháp quốc tế(2).
Hậu “Mùa xuân A-rập”: vẫn là bất ổn
Tháng 11-2012 tròn 2 năm bùng phát các biến động chính trị - xã hội ở Bắc Phi và Trung Đông, bắt đầu từ Tuy-ni-di. Những gì diễn ra trong 2 năm qua chứng tỏ, “Mùa xuân A-rập” chỉ là giai đoạn tiếp theo của quá trình thực hiện “Đề án Trung Đông lớn” do Mỹ khởi xướng. Giai đoạn này mang tên “Mùa xuân A-rập”, mở đầu từ các biến động chính trị ở Tuy-ni-di, sau đó lan tỏa tới Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men và Xy-ri. Theo dự báo của giới phân tích, “Mùa xuân A-rập” không dừng lại ở đó mà sẽ lan tỏa tới I-ran, Bắc Cáp-ca-dơ, Trung Á… Năm 2009, Viện Brúc-kinh (Mỹ) đã từng soạn thảo kịch bản “Mùa xuân A-rập” ở I-ran với chủ đề “Con đường tới I-ran phải đi qua Xy-ri”. Vì thế, ngay sau khi cuộc chiến Li-bi kết thúc, một thượng nghị sỹ Mỹ đã cảnh báo, “Mùa xuân A-rậpsẽ “gõ cửa” Xy-ri, I-ran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và Trung Quốc. Như vậy, “Mùa xuân A-rập” ở Bắc Phi - Trung Đông chỉ là “ngòi nổ”, còn “quả bom chủ yếu” sẽ được kích nổ tại khu vực gần Nga và Trung Quốc. Dấu hiệu đầu tiên của sự lan tỏa “Mùa xuân A-rập” tới Nga là các cuộc “phản kháng phi bạo lực” trên quy mô lớn ở Mát-xcơ-va và một số thành phố ở Nga nhằm tẩy chay cuộc bầu cử vào Đu-ma Quốc gia Nga cuối năm 2011 và cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 4-3-2012.
"Đề án Trung Đông lớn" sẽ loại bỏ triển vọng phát triển hoà bình và ổn định đối với nhiều nước trong khu vực địa lý quan trọng này của thế giới. Những diễn biến đầy bất ổn và chưa có dấu hiệu ổn định ở những nước mà “Mùa xuân A-rập” đi qua, từ Tuy-ni-di tới Li-bi, Ai-cập và nay là Xy-ri đã nói lên điều đó(3).
“Sự lên ngôi” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Năm 2012 có thể được gọi là “Năm châu Á - Thái Bình Dương” bởi sự lên ngôi rõ nét của khu vực. Ngay từ đầu năm, ngày 4-1-2012, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barak Obama) chính thức tuyên bố Mỹ sẽ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp sau tuyên bố đó là hàng loạt hoạt động ngoại giao và quân sự của Mỹ hướng tới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Chủ trương chiến lược này của Mỹ sẽ tác động trực tiếp và lâu dài đến tình hình khu vực và quốc tế, trước hết là chiến lược phát triển của các đồng minh và các đối tác của Mỹ cũng như các quốc gia cạnh tranh với Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một sự kiện quan trọng nữa là Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Vla-đi-vô-xtốc của Liên bang Nga từ ngày 2-9 đến ngày 8-9-2012, trong bối cảnh nước Nga vừa chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Diễn đàn APEC năm 2012 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với nước chủ nhà mà còn đối với tất cả các nước trong khu vực. Việc Nga chứng tỏ khả năng vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu trong những năm vừa qua và gia nhập WTO là bước tiến mới quan trọng để củng cố sự hội nhập và liên kết của quốc gia này vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo giới nghiên cứu chính trị quốc tế, APEC năm 2012 ở Vla-đi-vô-xtốc cho thấy, Liên bang Nga đang thực hiện cuộc “hành trình sang châu Á - Thái Bình Dương”.
Cũng trong năm 2012, Chính phủ Ô-xtrây-li-a công bố kế hoạch chiến lược dài hạn và toàn diện mang tên Sách trắng Ô-xtrây-li-a trong thế kỷ châu Á vào ngày 28-10-2012, trong đó đưa ra nhận định, mặc dù Ô-xtrây-li-a sẽ duy trì mối quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ, nhưng sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Ô-xtrây-li-a cho rằng, có thể cân bằng mối quan hệ quốc phòng với Mỹ trong khi vẫn ủng hộ sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Do đó, Ô-xtrây-li-a sẽ tăng cường tối đa các mối quan hệ với Trung Quốc và các nền kinh tế đang trỗi dậy khác của châu Á, thay vì các nước “già cỗi” ở châu Âu, đưa Ô-xtrây-li-a trở thành một trong 10 quốc gia giàu có nhất thế giới vào năm 2025.
Trong năm 2012, không thể không kể đến sự kiện Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) tổ chức thành công tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Héc-man Van Rô-puy (Herman Van Ropuy) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Hô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso), Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép cùng các vị nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ nhiều nước châu Âu. ASEM 9 là minh chứng về “cuộc hành trình” của “lục địa già” tới châu Á - khu vực được mệnh danh là “lục địa trẻ” bởi nơi đây tập trung đa số các nền kinh tế mới nổi, là đầu tàu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEM có chung quan điểm trong nhiều vấn đề như tất cả các đối tác ASEM chung sống hòa bình, bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài cho các dân tộc, loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống nhân loại, không sử dụng vũ lực; không can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và nhất trí đẩy mạnh hợp tác về phát triển bền vững; bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế ổn định; phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời cam kết thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các đối tác ASEM. 
Việc Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc v.v.. sẽ hoạch định chương trình nghị sự thế nào cho châu Á - Thái Bình Dương đang là chủ đề hàng đầu được đề cập trong những năm tới. Vì thế, châu Á - Thái Bình Dương trở thành nơi thử thách gay gắt đối với nền chính trị thế giới trong những thập niên tới(4).
Thử thách tại Hội nghị Không liên kết năm 2012
Năm 2012, Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 16 diễn ra tại Tê-hê-ran (Tehran), Thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran, với sự tham gia của đại diện gần 120 nước, chiếm 2/3 tổng số thành viên của Liên hợp quốc, trong đó 41 nguyên thủ quốc gia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế, thảo luận về những thách thức mới, từ đó đề ra các biện pháp nhằm tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, thúc đẩy sự năng động và vai trò của Phong trào Không liên kết, hướng tới một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn, bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến phức tạp.
Hội nghị này, một lần nữa, chứng tỏ 10 nguyên tắc của Phong trào Không liên kết vẫn còn nguyên giá trị, và vì thế, là câu trả lời cho các thế lực đang có xu hướng can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia - dân tộc./.

------------------------------------------------
(1)  1-Всемирному финансовому кризису пять лет. http://www.warandpeace.ru/ru/commentaries/view/72144/; 2-Виктор БУРБАКИ. Зачем Америке нужна “большая война”; http://www.fondsk.ru/news/2011/12/27/zachem-amerike-nuzhna-bolshaja-vojna.html; 3. Александр Айвазов. Будет ли Большая война на Ближнем Востоке? http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/vprint/70531/
(2) Сирия эпицентр геополитического противоборства в ключевом регионе мира, http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/view/71315/; Война за газ. http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/vprint/73774/
(3) Демократизация по-американски для Ближнего Востока: что это такое? http://www.centrasia.ru/newsA.php4?st=1093843140; Проект Большой Ближний Восток и роль НАТО.
http://inforos.ru/ru/?module=news&action=view&id=21626; Ralph Peters: How a better Middle East would look. http://www.armedforcesjournal.com/2006/06/1833899
(4) Xem: Азиатско Тихоокеанский регион в системе геополитических координат современного европоцентричного мира. http://nicbar.ru/geoproblemy_lekzia18.htm; Thùy Dương: APEC 20 tạo thêm đà cho sự phát triển bền vững và ổn định kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương,  Tạp chí cộng sản Điện tử số ra ngày  11-9-2012; Hương Ly: Ô-xtrây-li-a trong Thế kỷ châu Á,  Tạp chí cộng sản Điện tử số ra ngày  31-10-2012; Hương Ly: Cuộc “hành trình” của châu Âu tới châu Á,  Tạp chí Cộng sản Điện tử, số ra ngày 9-11-2012.
Đại tá Lê Thế Mẫu