Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

20. Nền kinh tế Mỹ: “Vách đá” đi qua, nợ nần ở lại

21:1' 10/1/2013
TCCSĐT - Ngày 03-01-2013, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã ký thông qua đạo luật tài chính, trong đó tăng thuế với giới thượng lưu tạm thời tránh cho nước Mỹ khỏi va vào “vách đá tài chính” nhằm đưa nền kinh tế số một thế giới thoát khỏi nguy cơ rơi trở lại suy thoái. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp mang tính “kỹ thuật” và còn phải chờ hai tháng nữa mới giải quyết “dứt điểm” vấn đề nợ công nhằm tránh cho nước Mỹ trước nguy cơ vỡ nợ một lần nữa.


“Vách đá” đi qua…

Theo đạo luật trên, Chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm, với mức thuế suất từ 35% hiện tại lên 39,5%; việc trợ cấp thất nghiệp vẫn tiếp tục được thực hiện. Đạo luật cũng ngăn việc tăng thuế đối với những cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD/năm và các hộ gia đình có thu nhập dưới 450.000 USD/năm; đồng thời quy định về việc phải cân bằng giữa cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu ngân sách.

Theo Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), trước đạo luật tránh “vách đá tài chính” này, ngân sách liên bang có nguy cơ thâm hụt thêm gần 4.000 tỷ USD khi tiếp tục áp mức thuế thấp đối với phần lớn người dân Mỹ. Theo CBO, việc tiếp tục chính sách thuế có từ thời Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ (George W.Bush) đối với hầu hết các hộ gia đình Mỹ sẽ khiến ngân sách Mỹ thâm hụt thêm khoảng 3.600 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Dự luật được thông qua sau một thời gian dài đàm phán giữa lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong kế hoạch của Chính phủ Mỹ nhằm tránh cho nước Mỹ rơi vào “vách đá tài chính”, tức tăng thuế, giảm chi tiêu 600 tỷ USD bắt đầu từ năm 2013.

…Nợ nần ở lại

Các nhà phân tích cho rằng, đạo luật tránh “vách đá tài chính”, tuy đã giải tỏa được những mối lo trước mắt nhưng con đường phía trước đối với chính trường và nền kinh tế Mỹ vẫn ngổn ngang “chướng ngại vật’, vì khoản cắt giảm chi tiêu công tự động 109 tỷ USD chỉ được gia hạn thêm hai tháng nữa.

Trước đó, tờ Washington Examiner cho biết, nợ chính phủ liên bang đã lên đến con số gần 16.000 tỷ USD (104% GDP). Thượng nghị sĩ Giép Xét-sơn (Jeff Sessions) thuộc Ủy ban Ngân sách thượng viện cho biết: “Đây thực sự là bước ngoặt nghiệt ngã với nước Mỹ”. Ước tính, mỗi ngày số nợ của Mỹ lại tăng thêm 3,5 tỷ USD, tương đương 2 triệu USD mỗi phút, ông G.Xét-sơn cho biết: 12 năm trước, khi cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ tiếp quản Nhà Trắng, các khoản nợ của nước Mỹ ở mức 5,6 nghìn tỷ USD. Trong những tháng trước khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lên cầm quyền, số nợ này là 9,6 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm cuối của nhiệm kỳ đầu, số nợ đã tăng thêm 6,4 nghìn tỷ USD, điều đó, đồng nghĩa nước Mỹ dưới thời Tổng thống B.Ô-ba-ma đã có mức nợ nhiều nhất trong lịch sử.

Năm 2012 cũng là năm thứ 4 liên tiếp ngân sách nước Mỹ thiếu hụt 1 nghìn tỷ USD. Cố vấn hàng đầu của Tổng thống B.Ô-ba-ma, ông Đa-vít A-xen-rốt (David Axelrod), mới đây cho biết, mặc dù người đứng đầu nước Mỹ đang khẩn cấp lên kế hoạch thích hợp để ổn định nợ, song cũng không thể làm giảm số nợ này.

Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Concord Coalition, ông Rô-bớt Bíc-bi (Robert Bixby), cho biết: “Nợ quốc gia như một quả bom hẹn giờ, nếu không thể đưa ra cách giải quyết, nó sẽ nổ tung. Nước Mỹ hiện nay đang phải chi khoảng 200 tỷ USD để trả lãi. Số tiền đó thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động tại Áp-ga-ni-xtan hay cho dịch vụ y tế”.

Trong khi nợ tăng cao kỷ lục, nước Mỹ còn phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng khác đó là gánh nặng hưu trí sẽ tiếp tục chồng chất lên ngân sách cạn kiệt của Oa-sinh-tơn. Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ phải chịu trách nhiệm trước các thâm hụt ngân sách hàng nghìn tỷ USD trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Nước Mỹ xử lý ra sao?

Hiệu ứng tích cực của đạo luật vừa được Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma ký, khiến thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới khởi sắc, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Niu Oóc đã đồng loạt tăng điểm khá mạnh khi các nhà đầu tư được giải tỏa một phần tâm lý lo lắng kéo dài.

Chỉ số Dow Jones tăng hơn 300 điểm, tương đương 2,35%, lên 13.413 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite tăng 3,21% và chỉ số Standard & Poor's 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 2,54% và đây đều là những mức tăng lớn nhất của cả ba chỉ số kể từ cuối năm 2011.

Trước đó, ngày 02-01-2013, các chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á như Hồng Kông, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a đã lần lượt tăng 1,9%; 1,4% và 1,26%. Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,8%, DAX 30 của Ðức và CAC 40 của Pháp tăng 1,9%.

Những gì vừa đạt được mới chỉ là một giải pháp tình thế, chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề của nền kinh tế Mỹ là nợ và thâm hụt ngân sách.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo, trong 10 năm tới nền kinh tế Mỹ sẽ bị thâm hụt thêm khoảng 4.000 tỷ USD, càng chất thêm gánh nặng lên món nợ quốc gia đã vượt trần vào ngày cuối cùng của năm 2012. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma là các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã công khai lên tiếng sẽ lật ngược tình thế khi hai bên sẽ bước vào vòng thương lượng về việc cắt giảm ngân sách đối với các chương trình quốc phòng và xã hội, và nâng trần nợ quốc gia vào tháng hai tới.

Lãnh đạo của Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ sử dụng yêu cầu nâng trần nợ như một sức ép để buộc Nhà Trắng phải có nhượng bộ trong cắt giảm ngân sách và các chương trình phúc lợi, bởi nếu trần nợ công không được nâng lên, Mỹ có thể vỡ nỡ và bị giáng cấp tín nhiệm như những gì đã xảy ra vào năm 2011. Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nhiều lần cảnh báo Đảng Cộng hòa không lồng hai vấn đề này trong các cuộc thương lượng sắp tới. Dù đã chạm trần nợ công, song Mỹ vẫn có thể cầm cự được trong hai tháng tới bằng các biện pháp tính toán, trước khi buộc phải nâng mức trần nợ công lên. Hai tháng tới cũng là khoảng thời gian Chính phủ Mỹ tìm kiếm cách thức cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ như đã lên kế hoạch.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc cắt giảm chi tiêu trước mắt có thể hoãn lại, nếu các nghị sỹ đạt thỏa thuận cắt giảm chi tiêu trong dài hạn hơn và cho phép nâng trần nợ công. Nếu không, việc cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2013. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, việc nhanh chóng nâng trần nợ sẽ là một bước đi cần thiết và nước Mỹ sẽ còn nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công mà không làm ảnh hưởng đến đà phục hồi chưa vững chắc của nền kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng thỏa thuận vừa đạt được sẽ bảo vệ kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy thoái, song sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng và những nỗ lực tạo việc làm.

Nhà kinh tế Grê-gô-ry Đác-cô (Gregory Daco) ở IHS Global Insight cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 1,7% trong năm 2013, sau khi ước đạt 2% trong năm 2012. Theo ông, việc tăng mức khấu trừ lương để chi trả lương hưu từ 4,2% lên 6,2% sẽ có tác động lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, khi sẽ lấy đi 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng tiềm năng, bởi điều chỉnh này sẽ khiến 113 tỷ USD sẽ bị rút khỏi nền kinh tế, trong khi nếu không, phần lớn số tiền đó sẽ được chi cho hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, nhà kinh tế Mác Gian-đi (Mark Zandi) của Moody's Analytics dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2013 sẽ ở mức 2%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức có thể đạt được khi duy trì chính sách như trong năm 2012, số việc làm mới được tạo ra sẽ giảm khoảng 700.000 và tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm. Thậm chí, nhà kinh tế Grê-gô-ry Mai-cơn (Gregory Micheal) ở BMO Capital Markets còn nhận định mức ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế sẽ là 1,4 điểm phần trăm.

Như vậy, “vách đá tài chính” đã cùng với năm cũ qua đi, nhưng nợ nần vẫn đeo bám nước Mỹ ngay từ những ngày đầu năm mới, khiến cho bài toán trần nợ công, giảm tỷ lệ thất nghiệp, lấy lại niềm tin của thị trường, tăng trưởng kinh tế, giữ vững ngôi vị “số một” và “lãnh đạo” thế giới của nước Mỹ đang khó tìm lời giải. Nỗi lo của nước Mỹ trong năm mới cũng có thể là nỗi lo toàn cầu, vì nền kinh tế Mỹ vẫn đang dẫn đầu thế giới./.
Nguyễn Nhâm