GS. Hoàng Ngọc Hiến
Vô
vi là một cách làm biết nương theo cái "tự nhiên" của sự vật, tức là sự
phát triển của nội lực sự vật, không nôn nóng cậy quyền lực, để can
thiệp một cách chủ quan, vũ đoán. Hiểu như vậy thì minh triết vô vi của
Lão tử gần với minh triết của Thomas Jefferson đã nghiệm rằng: "chúng ta
càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn".
Trong
Đạo đức kinh vô vi đối lập với hữu vi dễ bị hiểu lầm như là sự đối lập
giữa không (làm) và có (làm), thực ra đây là sự đối lập giữa hai cách
làm. Hữu vi là làm theo cách can thiệp chủ quan (cậy quyền lực một cách
vũ đoán, thô bạo), không coi trọng sự phát triển tự thân, tự nội lực của
bản thân sự vật, và vô vi là làm theo cách không can thiệp chủ quan,
trước sau tôn trọng và nương vào sự tự phát triển của nội giới, nội lực
của sự vật. Hiểu như vậy thì "vi vô vi" (th.63) là làm mà không can
thiệp chủ quan, "sự vô sự" (th.63) là làm mà "không đa sự (phiền
hà)","không sinh sự"... và câu danh ngôn "vô vi nhi vô bất vi" có thể
hiểu là: không làm (theo cách chủ quan, cậy quyền vũ đoán...) thì chẳng
có việc gì là không làm".
Trong
minh triết Đông Á, cách làm "vô vi" quán xuyến từ việc giáo dục đạo đức
đến việc trị dân. Trong quan niệm của Mạnh tử (xem Mạnh tử ,II, A,2)
muốn bồi dưỡng khí hạo nhiên và đạo đức cho ai đó thì "đừng có hấp tấp,
cầu cho mau xong... mà nong sức trưởng thành..." [H.N.H.tô đậm], đừng có
làm như người nước Tống kia "lo lắng đám mạ của mình chẳng lớn bèn lấy
tay mà nhổ lên từng cọng". "Không hấp tấp nong sức trưởng thành..." cũng
như "nhổ cỏ mọc xen đám mạ" để mạ tự mọc lên, đó chính là vô vi.
Trong
việc trị dân cũng vậy, Lão tử đặc biệt quan tâm đến nội giới, nội lực ở
bản thân người dân. Lời của thánh nhân (minh triết) [xem th.57]: "ngã
vô vi nhi dân tự hóa... ngã vô sự nhi dân tự phú..." (...ta không làm
[theo cách can thiệp chủ quan, cậy quyền vũ đoán], vậy thế mà dân tự cải
hóa..., ta không làm [theo cách đa sự, sinh sự] vậy thế mà dân tự phú
túc...).
Như
vậy "vô vi" không có nghĩa là "không làm". "Nếu vô vi là không làm gì
cả thì Lão tử đã không viết Đạo đức kinh ra làm gì!" (Nguyễn Duy
Cần).[1] Vô vi là một cách làm biết nương theo cái "tự nhiên" của sự
vật, tức là sự phát triển của nội lực sự vật, không nôn nóng cậy quyền
lực, để can thiệp một cách chủ quan, vũ đoán.
Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi, cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch thơ
Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
(bản dịch thơ trích dẫn từ WikiPhậtgiáo)
Đại
ý hai câu cuối của bài kệ được giảng là: "Nhà Vua ung dung vô vi ngự
nơi đền các, mọi chốn đều tắt binh đao". Có thể triển khai ý hai câu này
như sau: "mọi chốn đều tắt binh đao" có nghĩa là mọi chốn trời Nam đều
"mở thái bình", "thái bình" có nghĩa là không có đấu đá, xâu xé, đâm
chém lẫn nhau, vì "dân tự hóa" (bớt tham, sân, si), vì "dân tự phú"
(thoát cảnh nghèo đói) ...; Do đâu mà "mở thái bình"? đến đây có thể láy
lại câu của Lão tử, vì vua "vô vi mà dân tự hóa", vì vua "vô sự mà dân
tự phú".
Thomas
Jefferson (1743-1826), người khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ,
trong một bức thư viết ngày 12/6/1815 (năm tham chính cuối cùng của
ông), T.Jefferson đã tổng kết kinh nghiệm hơn bốn chục năm cầm quyền và
hoạt động chính trị của ông như sau: "Tôi hy vọng rằng minh triết của
chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta và dạy cho chúng ta
rằng chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng
lớn". Đầu t.k.XIX, ở phương Tây thanh thế của triết học nổi trội vượt
bậc, minh triết bị lu mờ, thế nhưng điều thứ nhất, điều duy nhất mà
Jefferson đòi hỏi ở nhà cầm quyền, ở chính trị gia, đó là minh triết, ở
họ minh triết phải tương xứng với quyền lực: "Tôi hy vọng rằng minh
triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta". Và tư
tưởng "càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn" mà
minh triết dạy cho ông rất gần với minh triết "vô vi" của Lão tử.
Minh triết 14 điều Phật dạy.
Ở lời dạy thứ 12, khoan dung còn lớn hơn một đức hạnh.
Thời
gian gần đây, ở nhiều chùa, cả trong những tư thất thấy trên những bản
in giấy và những bức trướng thêu nêu lên Mười bốn điều Phật dạy[2] (cũng
có thể gọi là Mười bốn điều minh triết của Phật):
1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
3. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe, trí tuệ
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.
Những
vấn đề đươc nêu lên trong 14 điều Phật dạy là những tính xấu phổ biến
trong nhân loại: tự đại, dối trá, ghen tị, bất hiếu..., những tình thế
con người hay gặp phải: tuyệt vọng, vấp ngã..., những khuyết điểm, nhược
điểm thường có ở con người: tự ti, kém hiểu biết..., những giá trị ở
đâu cũng đáng giá: sức khỏe, trí tuệ... Sức thuyết phục của 14 điều Phật
dạy trước hết là ở tính phổ quát, dường như ở bên trên mọi sự phân biệt
chủng tộc, dân tộc, văn minh, tín ngưỡng, hệ tư tưởng....14 điều Phật
dạy không hề nhắc đến "Nát bàn", "vô ngã", "bể khổ", "giải thoát"...
Phải chăng mang mầu sắc giáo lý sức thuyết phục của những lời dạy có thể
bị hạn chế?
Chẳng
hạn đối với những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi... Phải chăng đây
cũng là một đặc trưng của minh triết và những điều minh triết? Cũng cần
chú ý đến hình thức diễn đạt những lời dạy (những câu minh triết thường
đòi hỏi hình thức diễn đạt đặc sắc). Hình thức diễn đạt hầu hết những
điều dạy này của Phật gây hiệu quả bất ngờ. Dối trá thường được xem xét ở
bình diện đạo đức, ở lời dạy thứ 3 nó bị phán xét ở bình diện nhận
thức: "Ngu dốt lớn nhất của đời người." (rất có thể "ngu dốt" là từ nôm
na để gọi chữ "vô minh" của nhà Phật, ý thức về việc này của người biên
tập tiếng Việt 14 điều Phật dạy rất đáng kính trọng).
Ở
lời dạy thứ 12, khoan dung còn lớn hơn một đức hạnh, nó là "lễ vật lớn
nhất của đời người". Nói đến tài sản, ai cũng nghĩ đến vốn liếng tiền
tài, vàng bạc, nhà cửa..., với lời dạy thứ 10, "sức khỏe, trí tuệ" mới
là "tài sản lớn nhất của đời người", không mấy ai nghĩ đến điều này, đọc
lời dạy thứ 10, ta "ngộ" ngay ra được, không hiểu sao điều hết sức đơn
giản này mà ta không hề nhận ra. (đây cũng là đặc đỉem chung của những
điều minh triết). Nói đến "bố thí" ta nghĩ đến sự giúp đỡ, sự "an ủi"
người "được bố thí", Phật lại nghĩ " bố thí" trước hết là niềm "an ủi",
niềm "an ủi lớn nhất của đời người" cho chính người "làm bố thí" (lại
một sự đảo lộn trong nhận thức, thêm một ví dụ nữa về "tính sáng" của
minh triết). Người tự ti hay bị coi thường, Phật lại thấy họ là người
"đáng thương" (lời dạy thứ 7).
Ai
cũng biết "bất hiếu" là tội lỗi, theo lời dạy thứ 6, nó là "tội lỗi lớn
nhất của đời người". Trong cả 14 lời dạy, những sự đánh giá đều ở "cấp
cao nhất". Đây là một hình thức gây sự bất ngờ đồng thời tạo ra sự thống
nhất của 14 lời dạy của Phật. Bất ngờ nhất là lời dạy thứ nhất. Ai cũng
biết cái "tôi" của mình là "đáng ghét", nhưng thật bất ngờ, nó là "kẻ
thù lớn nhất của đời người". Nói đến "kẻ thù", người ta nghĩ đến những
kẻ thù "hai chân, bốn chân" ở bên ngoài mình, Phật chỉ ra nó là "tự ngã"
ở bên trong mình. Cả Phật và "kẻ thù lớn nhất của đời người" đều ở bên
trong con người!
Trong
lịch sử Phật giáo Việt Nam có một điểm son về tinh thần đổi mới truyền
thống: tư tưởng Trần Nhân Tông (1258-1308). Vua-Phật Trần Nhân Tông đặt
rất cao yêu cầu đổi mới trong nhận thức. Trong một bài giảng ở chùa Vĩnh
Nghiêm, trước ba câu hỏi của thiền sinh:
- Thế nào là Phật?
- Thế nào là Pháp?
- Thế nào là Tăng?
Cả ba lần ông chỉ có một câu trả lời: "Hiểu theo lối trước là chẳng phải"[6]
Phật,
pháp, tăng là "tam bảo", là nguyên lý của những nguyên lý trong giáo lý
đạo Phật. Trần Nhân Tông kiên quyết phủ định cách hiểu theo lối trước
chính Nguyên lý ấy. Bất cứ sự đổi mới nhận thức nào cũng phải bắt đầu
bằng sự nghi ngờ, phủ định cách hiểu cũ. Trần Nhân Tông là một tấm gương
của sự đổi mới tư tưởng và nhận thức. Chắc ông biết quá rõ những vụ án
văn tự và sự cố chấp riết róng của người đời trong cách hiểu các thứ
kinh bổn. Chỉ cần "rời" Kinh một chữ đủ bị lên án biến kinh Phật thành
"ma thuyết". "Phật", "Pháp", "Tăng" là "danh" của những khái niệm. Danh
có khi chỉ là "vỏ", cách hiểu những khái niệm mới là "ruột". Trần Nhân
Tông giữ lại những cái "danh", những cái "vỏ", về hình thức xem như vẫn
giữ lại những "khái niệm". Ông không đưa ra những khái niệm mới thay cho
những khái niệm cũ, ông không đập vỡ, vứt bỏ những cái "vỏ", mà chú
trọng sự thay đổi "ruột" bằng cách đưa ra những cách hiểu "mới", "tùy
duyên". Phải chăng đây là một kinh nghiệm minh triết của sự đổi mới?
"Đổi mới" đặt ra vấn đề cách đối xử với những truyền thống.
Trong
một buổi thiền sư Trúc Lâm đại đầu đà (tức Trần Nhân Tông) khai đường ở
chùa Vĩnh Nghiêm, có một thiền sinh hỏi: "Dùng công án cũ để làm gì?"
Thiền sư trả lời: "Mỗi lần nêu ra một lần mới"[7]
Trong một buổi khai đường khác ở viện Kỳ Lân, cũng vấn đề này được đặt ra, câu trả lời in hệt nhưng cách hỏi "xóc óc" hơn:
Một thiền sinh hỏi: "Dùng đờm dãi người xưa làm gì?"
Thiền sư trả lời: "Mỗi lần nêu ra một lần mới"[8]
"Công
án cũ", "đờm dãi người xưa" thuộc về truyền thống. Trong quan niệm của
Trần Nhân Tông, truyền thống cũng phải đổi mới (tức là phải có cách hiểu
mới và vận dụng mới) và đổi mới truyền thống phải có tính cập nhật:
"mỗi lần nêu lên một lần mới".
"Cư
trần lạc đạo" là một tư tưởng lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử. Tôi
giật mình khi đọc câu đầu trong bài kệ ở cuối bài phú " Cư trần lạc
đạo".
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên[9]
Hóa
ra tư tưởng "cư trần lạc đạo" cũng như những tư tưởng lớn khác cũng
phải "tùy duyên" mà hiểu, mà vận dụng. Mọi nguyên lý và tư tưởng dù cao
siêu, cơ yếu đến đâu mà tách ra khỏi cái "duyên" níu kéo, nương vịn của
những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cuộc sống không tránh khỏi trở
thành những giáo điều vô duyên, vô dụng. "Bảo vệ nguyên lý và truyền
thống" không thể tách rời "hiểu mới nguyên lý và truyền thống" trong sự
vận dụng.
……………………………………………………………………..
Chú thích
[1] Xem Lão tử. Đạo đức kinh. Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú. N.x.b. Văn học.1992,tr.21
[2]
Theo Wikipedia Việt "14 điều dạy của Phật" là tên của một bản văn được
truyền tụng không có nguồn gốc rõ ràng, nhưng nội dung của bản văn này
được nhiều người xem như đã được trích ra từ những ý tưởng trong kinh
Phật. Ở Việt Nam, có những bản "14 đìeu Phật dạy", phía dưới có ghi
chú:Hòa thượng Kim Cương tử sưu tầm, biên tập
[3] Cũng có những blog (khoảng một phần mười) có thái độ diễu nhại. Tiêu biểu là bài sau đây chúng tôi đọc trên mạng:
14 "Điều Răn của Mẹ"
1. Kẻ thù lớn nhất của con là nó (vợ con)
2. Ngu dốt lớn nhất của đời con là không hiểu ra được nó
3. Thất bại lớn nhất của đời con là không bỏ được nó
4. Bi ai lớn nhất của đời con là phải sống với nó
5. Sai lầm lớn nhất của đời con là quyết định lấy nó
6. Tội lỗi lớn nhất của đời con là nghe lời nó
7. Đáng thương lớn nhất của đời con là bị nó sai khiến
8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời con là vẫn chịu được nó
9. Phá sản lớn nhất của đời con là cuợc đời con đã mất trong tay nó
10. Tài sản lớn nhất của đời người con là những thứ nó đang giữ
11. Món nợ lớn nhất của đời con là tờ giấy ly hôn
12. Lễ vật lớn nhất của đời con là sự hết lòng của con với nó
13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời con là con không lấy được hai vợ
14. An ủi lớn nhất của đời con là thằng con nó đẻ ra
[4] Lê Mạnh Thác, Toàn tập Trần Nhân Tông, N.x.b. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.8
[5] Như trên
[6] Lê Mạnh Thác, sách đã dẫn, tr.419,420
[7] Sách đã dẫn, tr.421
[8] Sách đã dẫn, tr.435,436
[9] Bản dịch của Lê Mạnh Thác