Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

45. Năm 2013, năm xác lập quan hệ mới tích cực Mỹ - Trung, Mỹ - Nga

23:14' 14/2/2013
TCCSĐT - Năm 2013, các cặp quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, là những mối quan hệ song phương quan trọng, được Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama), tập trung ưu tiên khi triển khai chính sách đối ngoại. Nhưng thực hiện sứ mệnh này như thế nào để vừa bảo đảm lợi ích của Mỹ, vừa không làm mất lòng đồng minh, lại có thể kiềm chế sự “nổi trội” của hai quốc gia này, không hề dễ đối với vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ hiện nay.


Trong các mối quan hệ với các nước lớn, Mỹ coi quan hệ với Trung Quốc ở vị trí quan trọng hàng đầu. Sự định vị này là có cơ sở, do hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2013, trong khi kinh tế toàn cầu vẫn rất ảm đạm, thậm chí nhiều quốc gia châu Âu vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng, ngay chính nước Mỹ cũng sẽ chỉ tăng trên 2%, thì Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng tới 8,6%.

Hai nước từng bất đồng trong vấn đề tiền tệ, nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc chiếm từ 10% GDP, nay giảm ở mức bình thường 2%. Do đó, tiền tệ không còn là vấn đề Mỹ phải quan tâm. Trong khi đó, Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng lớn nhất thế giới về các loại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Thương mại với Trung Quốc đã giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nay, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 7 lần so với 10 năm trước. Các nhà lãnh đạo kinh tế của Mỹ đều khẳng định, chính tốc độ xuất khẩu hàng hóa nhanh và lớn như vậy đã và đang tạo hàng trăm nghìn việc làm cho người Mỹ. Rõ ràng, sự phát triển của Trung Quốc cũng như quan hệ kinh tế tích cực giữa hai nước đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho Mỹ.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, cũng đang thách thức vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực và thế giới. Điều lo ngại này càng gia tăng khi ngay chính các nhà phân tích kinh tế của Mỹ dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới chỉ trong vòng 20 năm nữa. Vì thế, đối với Trung Quốc, trong khi duy trì mối quan hệ ổn định, Oa-sinh-tơn vẫn tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Việc Mỹ triển khai chính sách trở lại châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy quan hệ với các nước ở khu vực, đặc biệt các nước láng giềng của Trung Quốc, là nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng và vai trò của Bắc Kinh tại khu vực này - nơi đang được coi như trung tâm xử lý các vấn đề chính trị an ninh quan trọng thế giới. Trung Quốc cũng đã có thông điệp thách thức tới chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma, khi tăng cường sức mạnh quân sự tại các khu vực tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước Đông Nam Á, các nước đồng minh của Mỹ tại biển Đông và biển Hoa Đông. Sự cạnh tranh và thách thức lẫn nhau như vậy, rất dễ xảy ra xung đột.

Hiện nay, kinh tế Mỹ đã phục hồi nhưng như thừa nhận của Tổng thống B. Ô-ba-ma: “tương lai của nước Mỹ còn nhiều khó khăn và còn nhiều việc phải làm”. Trung Quốc dù nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, song nước này đang phải đối mặt với nền kinh tế mất cân đối, thiếu bền vững. Vì thế, hai nước đều ý thức được rằng, để căng thẳng gia tăng vào thời điểm này, dù trên bất cứ lĩnh vực nào, cũng gây những hệ lụy nguy hiểm cho cả hai bên. Trong bối cảnh đó, với những lợi ích đan xen như vậy, hai bên cần xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu rõ: “Nhân loại bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tư tưởng, chính sách, hành động của chúng ta cần phải tiến cùng thời đại để phá vỡ lô-gíc truyền thống đối kháng, xung đột giữa các nước lớn bằng tư duy mới, phát triển quan hệ nước lớn thời đại toàn cầu hóa kinh tế”. Bà Hi-la-ry Clin-tơn - Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng cho rằng: “Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực áp dụng những hành động chưa từng thấy trong lịch sử, tìm ra câu trả lời mới cho quan hệ giữa nước lớn mới nổi với nước lớn hiện có”. Đây là bước đi khôn ngoan nhằm tạo khuôn khổ mới cho quan hệ hai nước. Vì thế, năm 2013 và cả những năm tới, quan hệ Mỹ - Trung sẽ được duy trì ổn định. Theo đó, hai bên giảm thiểu các hành động chống đối, thù địch lẫn nhau.

Hiện nay, dư luận chính giới và báo giới Mỹ còn cho rằng, chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma cần can đảm và có tầm nhìn để áp dụng một chính sách tích cực toàn diện với Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ. Việc Bắc Kinh được xác định là đối tác quan trọng hàng đầu của Oa-sinh-tơn cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao cho thấy, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã thấu hiểu điều này.

Quan hệ Mỹ - Nga, cũng là một trong những mối quan hệ có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế thế giới. Thế nhưng năm qua, việc Mỹ và phương tây can thiệp vào Li-bi, Nga kiên quyết chống lại các nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ Chính phủ Xy-ri, thái độ không thiện chí của Mỹ trước việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã làm băng giá mối quan hệ Mỹ - Nga. Đặc biệt, việc Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật Magnitxki với các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số người Nga mà Mỹ cho là vi phạm nhân quyền, càng khiến quan hệ Mỹ - Nga thêm căng thẳng. Nhưng năm nay, Tổng thống hai nước đều phải có những bước đi mới nhằm định vị lại quan hệ giữa hai nước.

Trong khi Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc mới, Nga rất cần khẳng định và tăng cường vị thế, vai trò trên thế giới. Tổng thống Nga V.Pu-tin cần đạt được một số thỏa thuận với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu quan trọng. Nga có diện tích trải rộng ở cả hai châu lục Á và Âu. Lục địa Á - Âu là khu vực địa chính trị quan trọng trên thế giới và cũng là nơi Nga có tầm ảnh hưởng chiến lược rất lớn. Để có môi trường thuận lợi triển khai chính sách tại châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống B.Ô-ba-ma rất cần sự hợp tác của Nga. Và cách tốt nhất giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy-ri, hay Mỹ muốn có bước đột phá xử lý chương trình hạt nhân I-ran, Oa-sinh-tơn phải cần vai trò của Mát-xcơ-va. Vì thế, năm 2013, Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ phải có những điều chỉnh mới trong quan hệ với Nga. Theo đó, Mỹ phải tính đến lợi ích, lập trường của Nga khi triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu, thúc đẩy hợp tác kinh tế và hóa giải các bất đồng về các vấn đề an ninh chính trị, nhân quyền… Đây chính là cơ sở xác lập mối quan hệ mới tích cực giữa Mỹ và Nga.

Quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc đều là những mối quan hệ giữa các nước lớn có tác động đối với mỗi nước và thế giới. Hy vọng với trách nhiệm và sự đồng thuận, năm 2013, quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga sẽ được củng cố phát triển lành mạnh, đem lại lợi ích cho các nước và hòa bình an ninh, phồn vinh cho thế giới./.
Vân Hương