Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

42. Hoa Đông, Biển Đông: Thùng thuốc súng tại Thái Bình Dương?

Email In PDF.
Hành động “bắt nạt” của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, sự phản ứng và quyết tâm của các quốc gia có tranh chấp, chính sách “Trở lại châu Á” hay “Tái cân bằng” với nguồn lực có phần hạn chế đang là những tác nhân khiến cho tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông trở thành thùng thuốc súng có thể phát nổ bất kỳ khi nào.

Tạp chí Wall Street của Mỹ mới đây đăng viết của tác giả Michael T. Klare, Giáo sư của Khoa Nghiên cứu Hòa bình và An ninh Thế giới thuộc Đại học Hampshire của Mỹ, trong đó cho biết một số nhà phân tích ở Oasinhtơn cho rằng cuộc tranh cãi cuối cùng với Iran về tham vọng hạt nhân sẽ là cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên thách thức tân Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ. Do có ít dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran đạt được bước đột phá, nhiều nhà phân tích tin rằng hành động quân sự của Ixraen hoặc Mỹ có thể nằm trong chương trình nghị sự năm 2013.
Nhưng tiếp theo rắc rối của vấn đề hạt nhân Iran là các cuộc khủng hoảng tiềm tàng và nhiều khả năng sẽ xảy ra hơn so với tưởng tượng của hầu hết các nhà phân tích: đó là cuộc xung đột ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Quyết tâm khẳng định quyền kiểm soát các hòn đảo tranh chấp của Trung Quốc ở các vùng biển giàu năng lượng trên biển Hoa Đông và Biển Đông vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Nhật Bản, Philíppin và Việt Nam, cùng với sự quyết đoán khu vực lớn hơn của Mỹ đang gây lo lắng không chỉ cho khu vực mà cả toàn cầu. Khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng Iran vẫn là điểm nhấn vì nguy cơ gây mất ổn định rõ ràng ở Trung Đông lớn hơn và cuộc khủng hoảng đó đe dọa sản xuất và vận chuyển dầu toàn cầu. Nhưng một cuộc khủng hoảng ở biển Hoa Đông hay Biển Đông sẽ tạo nên những hiểm họa lớn hơn do khả năng đối đầu quân sự Mỹ-Trung và mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế của châu Á. Mỹ bị ràng buộc bởi hiệp ước hỗ trợ Nhật Bản hoặc Philíppin nếu hai nước này bị nước thứ 3 tấn công, do đó bất cứ cuộc xung đột nào xảy ra giữa lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nhật Bản hoặc Philíppin đều có thể dẫn đến sự can thiệp quân sự của Mỹ. Nhưng do phần lớn thương mại của thế giới tập trung ở châu Á, đồng thời nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng gắn bó chặt chẽ với nhau theo nhiều cách, do đó xung đột xảy ra trên các tuyến đường biển đều có thể làm tê liệt thương mại quốc tế hoặc gây suy thoái toàn cầu.
Khả năng một cuộc xung đột xảy ra ngày càng tăng trong những tháng gần đây do Trung Quốc và các nước láng giềng tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền cứng rắn và tăng cường lực lượng quân sự ở các khu vực tranh chấp. Các tuyên bố tiếp tục chính sách “trở lại” hoặc “tái cân bằng” lực lượng ở Thái Bình Dương của Oasinhtơn càng làm tăng thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc và tăng cảm giác về cuộc khủng hoảng trong khu vực. Các nhà lãnh đạo của tất cả các bên tiếp tục khẳng định các quyền bất khả xâm phạm của đất nước họ ở các hòn đảo tranh chấp và cam kết sử dụng mọi phương tiện cần thiết để chống lại sự xâm nhập của các bên tranh chấp. Đặc biệt Trung Quốc tăng cường tần suất và quy mô của các cuộc diễn tập hải quân ở các vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin, từ đó càng làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
Nhìn bề ngoài, những tranh chấp đó dường như chỉ xoay quanh vấn đề nước nào sở hữu các bãi san hô và đảo nhỏ mà hiện một loạt các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Tại biển Hoa Đông, quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản được gọi là Điếu Ngư theo tiếng Trung và Senkaku theo tiếng Nhật. Hiện nay, Nhật Bản đang quản lý quần đảo, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Trên Biển Đông, một số nhóm đảo đang bị tranh chấp, kể cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Nam Sa và Tây Sa. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông, trong khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Brunây, Malaixia và Philíppin cũng tuyên bố chủ quyền một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tất nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở chủ quyền đối với một số hòn đảo không người. Theo dự kiến của các nhà khoa học, dưới đáy biển của các hòn đảo đó còn có trữ lượng lớn dầu lửa và khí đốt tự nhiên. Quyền sở hữu các quần đảo tự nhiên sẽ đồng thời sở hữu các nguồn dự trữ tài nguyên - vấn đề mà tất cả các nước đều mong muốn. Cùng lúc đó các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cũng nổi lên mạnh mẽ. Người Trung Quốc tin rằng tất cả các quần đảo này là một phần lãnh thổ quốc gia của họ và tuyên bố chủ quyền của các nước khác là sự tấn công trực tiếp vào quyền chủ quyền của Trung Quốc. Thực tế việc Nhật Bản – nước xâm lược tàn bạo và chiếm đóng của Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai  tuyên bố chủ quyền một số hòn đảo chỉ tăng thêm sự chỉ trích mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh về vấn đề này. Tương tự, người Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin cảm thấy bị đe dọa bởi sự giàu có và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng không chịu khuất phục trong các tranh chấp đảo.
Những tranh chấp đó gần đây đang leo thang. Ví dụ, tháng 5/2011, Việt Nam cho biết các tàu chiến Trung Quốc quấy rối và thậm chí cắt dây cáp khảo sát địa chấn của các tàu thăm dò dầu khí của công ty PetroVietnam ở Biển Đông. Tháng 4/2012, các tàu hải giám vũ trang của Trung Quốc bao vây các tàu của Philíppin khi các tàu Philíppin kiểm tra các tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ đánh cá trái phép ở đảo Hoàng Nham, một hòn đảo nhỏ ở Biển Đông mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Biển Hoa Đông cũng chứng kiến căng thẳng tương tự trong thời gian gần đây. Ví dụ tháng 9/2012, các nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ 14 công dân Trung Quốc có ý định đổ bộ lên một hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, từ đó kích động các cuộc biểu tình chống Nhật Bản trên cả nước Trung Quốc và một loạt hoạt động thể hiện sức mạnh hải quân của cả hai bên ở các vùng biển tranh chấp.
Ngoại giao khu vực cũng ngày càng trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây do các tranh chấp hàng hải và các cuộc đụng độ quân sự kèm theo. Tháng 7/2012, tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức này các nhà lãnh đạo hiệp hội đã không thể ra được một thông cáo chung. Chính Campuchia, chủ tịch luân phiên và là đồng minh tin cậy của Trung Quốc, đã ngăn chặn sự đồng thuận và không ủng hộ một số từ ngữ trong "bộ quy tắc ứng xử" nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Hai tháng sau, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đến thăm Bắc Kinh nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về các tranh chấp, báo chí Trung Quốc đồng loạt chỉ trích gay gắt bà và các quan chức Trung Quốc không nhượng bộ bất cứ đề nghị nào của bà Clinton. Cuối năm 2012 tình hình càng xấu hơn. Ngày 1/12, các quan chức ở tỉnh Hải Nam - nơi quản lý các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, công bố một chính sách mới: hiện nay các tàu chiến Trung Quốc sẽ được trao quyền ngăn chặn, tìm kiếm, hoặc đẩy lùi các tàu nước ngoài thâm nhập hoặc bị nghi ngờ tiến hành các hoạt động trái phép ở các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Động thái này trùng hợp với sự gia tăng quy mô và tần suất của việc triển khai hải quân Trung Quốc trong khu vực tranh chấp.
Ngày 13/12, Nhật Bản điều động máy bay chiến đấu F-15 xua đuổi một máy bay hải giám của Trung Quốc hoạt động trong không phận gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đáng lo ngại, ngày 8/1 bốn tàu trinh sát của Trung Quốc thâm nhập các vùng biển do Nhật Bản kiểm soát trong 13 giờ. Sau đó 2 ngày, máy bay chiến đấu của Nhật Bản lại cất cánh khi một máy bay trinh sát của Trung Quốc xâm nhập không phận quần đảo này. Sau đó các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đuổi theo. Rõ ràng Trung Quốc không có ý định lùi bước mà ngược lại, họ sẽ tăng cường triển khai không quân và hải quân trong khu vực biển tranh chấp đúng như Nhật Bản đang làm.
Hiện nay một số nhân tố dường như đang làm tăng nguy cơ đối đầu, trong đó có sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc, Nhật Bản và đánh giá lại địa chính trị của Chính phủ Mỹ.
Tại Trung Quốc, đội ngũ lãnh đạo mới đang chú trọng sức mạnh quân sự và hành động quyết đoán quốc gia. Sau khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông Tập Cận Bình đã vài lần đến thăm các đơn vị quân đội nhằm thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính quyền trong việc tăng cường khả năng và uy tín của lực lượng lục quân, không quân và hải quân Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc phải đóng vai trò mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong khu vực và thế giới. Ví dụ trong bài phát biểu trước các binh sĩ ở thành phố Huệ Châu, ông nói về "giấc mơ" trẻ hóa đất nước như sau: “Giấc mơ này có thể là một giấc mơ của một quốc gia hùng mạnh và đó là giấc mơ về một quân đội mạnh”. Đáng chú ý, ông sử dụng chuyến đi này để đến thăm tàu khu trục Hải Khẩu mới được bàn giao cho Hạm đội Nam Hải chịu trách nhiệm tuần tra các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Tại Nhật Bản, ê kíp lãnh đạo mới cũng đang chú trọng sức mạnh quân sự và sự quyết đoán quốc gia. Ngày 16/12, ông Shinzo Abe trở lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Trong những tuần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Abe công bố các kế hoạch tăng chi tiêu quân sự và xem xét lời xin lỗi chính thức của một cựu quan chức chính phủ đối với các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Những động thái này chắc chắn để làm hài lòng các nhân vật cánh hữu Nhật Bản, nhưng nhất định kích động tình cảm chống Nhật Bản ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nước khác mà Nhật Bản chiếm đóng trước đây. Đáng lo ngại hơn, Thủ tướng Abe nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận với Philíppin nhằm hợp tác lớn hơn về "tăng cường an ninh hàng hải" ở Tây Thái Bình Dương, một động thái nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chắc chắn thỏa thuận này sẽ gây phản ứng gay gắt từ Trung Quốc và do Mỹ có các hiệp ước phòng thủ chung với cả hai nước, thỏa thuận cũng sẽ làm tăng nguy cơ can dự của Mỹ trong các cuộc đụng độ tương lai trên biển.
Tại Mỹ, các quan chức cấp cao đang tranh luận việc thực hiện chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương được Tổng thống Obama tuyên bố trong một bài phát biểu trước Quốc hội Ôxtrâylia cách đây gần một năm. Obama cam kết triển khai thêm lực lượng Mỹ trong khu vực. Mặc dù ông không bao giờ tuyên bố phương pháp tiếp cận của mình nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, nhưng một số nhà quan sát cho rằng chính sách "ngăn chặn" đã trở lại Thái Bình Dương. Thực tế quân đội Mỹ đã thực hiện những biện pháp đầu tiên theo xu hướng này bằng cách tuyên bố: năm 2017, tất cả 3 loại máy bay tàng hình của không quân Mỹ (F-22, F-35 và B-2), sẽ được triển khai tại các căn cứ tương đối gần Trung Quốc và năm 2020, 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ triển khai ở Thái Bình Dương (cao hơn so 50% hiện nay). Nhưng cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ khiến nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Lầu Năm Góc có khả năng thật sự thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quân sự của chiến lược trở lại châu Á không. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), theo chỉ thị của Quốc hội Mỹ, được công bố mùa Hè năm ngoái, kết luận rằng Bộ Quốc phòng Mỹ “không đề cập rõ ràng chiến lược và kế hoạch về sức mạnh lực lượng của họ ở châu Á-Thái Bình Dương và cũng không liên kết chiến lược với các nguồn để phản ánh các thực tiễn ngân sách hiện nay”. Ngược lại, chiến lược đã thúc đẩy các nhân vật diều hâu trong quân đội thúc ép chính quyền chi tiêu nhiều hơn cho các lực lượng Thái Bình Dương và đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc chống thái độ “bắt nạt” của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Như cựu Bộ trưởng Hải quân và cũng là cựu Thượng nghị sĩ James Webb cho biết, các nước đồng minh châu Á của Mỹ đang chờ đợi xem Mỹ có làm sống lại vai trò cần thiết và là nhân tố thực sự bảo đảm sự ổn định ở khu vực Đông Á không, hay liệu khu vực này một lần nữa sẽ bị thống trị bởi tình trạng gây chiến và đe dọa của Trung Quốc không. Mặc dù Chính phủ Mỹ phản ứng trước những lời chế nhạo đó bằng cách tái khẳng định cam kết tăng cường lực lượng ở Thái Bình Dương, nhưng điều này không ngăn nổi các đề nghị Oasinhtơn cần có quan điểm cứng rắn hơn. Ông Obama bị dư luận chỉ trích vì không mang lại sự ủng hộ đầy đủ cho Ixraen trong cuộc chiến chống Iran về các loại vũ khí hạt nhân và chắc chắn ông sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn để hỗ trợ các đồng minh của Mỹ ở châu Á - nơi họ đang bị quân đội Trung Quốc đe dọa.
Kết hợp 3 tiến triển trên, chúng ta có thể tạo nên một thùng thuốc súng và ít nhất nó sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu như cuộc đối đầu của Mỹ với Iran . Hiện nay khi căng thẳng ngày càng gia tăng, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là: một cuộc nổ súng bất ngờ và gây thiệt hại về người hay nếu một tàu chiến hoặc một máy bay bị bắn cháy, thì ngay lập tức thùng thuốc súng sẽ bùng nổ. Rõ ràng sự cố như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bởi vì báo chí Nhật Bản cho biết các quan chức chính phủ sẵn sàng cho phép các phi công lái máy bay chiến đấu bắn cảnh báo máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trong khi đó một vị tướng Trung Quốc tuyên bố hành động như vậy sẽ bị coi là bắt đầu một “cuộc chiến thực sự”. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ áp dụng các biện pháp hợp lý để xoa dịu các tuyên bố hiếu chiến và dân tộc chủ nghĩa cực đoan và bắt đầu đàm phán với nhau để tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, thì cuộc khủng hoảng đó có thể được ngăn chặn. Trái lại, các tranh chấp nhỏ đó ở Thái Bình Dương sẽ tiến triển vượt ra khỏi tầm kiểm soát, lúc đó không chỉ những nước trực tiếp can dự mà toàn bộ hành tinh sẽ chứng kiến nỗi buồn và sự hoảng sợ trước thất bại của tất cả các nước liên quan.
Michael T. Klare, giáo sư của Khoa Nghiên cứu Hòa bình và An ninh Thế giới thuộc Đại học Hampshire của Mỹ. Bài viết được đăng trên Tom Dispatch.
Trần Quang (gt)