Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

36. Văn hóa, địa - chính trị và hội nhập quốc tế khu vực Thái Bình Dương

Đặng Nguyên Anh

Bài viết này muốn đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về những đặc điểm văn hoá, địa - chính trị và những vấn đề đặt ra đối với khoa học xã hội tại khu vực Thái Bình Dương trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ phạm vi hẹp, khu vực này bao gồm các nước trong quần đảo Thái Bình Dương, nhưng Australia và Niu Dilân sẽ được kết hợp phân tích, tạo nên một bức tranh và xu hướng chung về khu vực này.
I. Đặc điểm văn hóa và địa - chính trị của khu vực
Bối cảnh văn hóa
Có thể phân chia một cách hợp lý khu vực Thái Bình Dương thành các tiểu vùng văn hóa và địa - chính trị. Bốn vùng văn hóa của khu vực Thái Bình Dương bao gồm Melanesia (Đông Timor, Fiji, lndonesia (Quần đảo Maluku), Nouvelle - Calédonie, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Vanuatu); vùng Micronésie (Bắc Mariannes, Guam, Palau, Hợp chủng quốc Micronésie, các đảo Marshall, Kiritbati, Nauru) và vùng Polynésie (các đảo Cook, Polynésie thuộc Pháp, Niue, các đảo Samoa, Tokelau, Tonga, Tuvalu, Wallis và Futuna). Australia và Niu Dilân với các dân tộc bản xứ thuộc đảo Norfolk, Keeling và Christmas có thể được coi là vùng thứ tư trong khu vực.
Giữa các vùng văn hóa này có rất nhiều sự khác biệt lớn. Phần lớn các nước thuộc Melanesia đều có nền văn hóa đa dạng của riêng có với một dân khá đông và rất nhiều vấn đề về phát triển con người. Vùng Micronésie cũng có đặc thù tương tự với một nền văn hóa vô cùng phong phú nhưng Polynésie không như vậy, ít ra là nhìn từ bên ngoài. Cả hai vùng Mocronnésie và Polynésie đều có trình độ phát triển con người cao hơn vùng Mélanésie, trên cơ sở chỉ số HDI của Liên Hợp quốc. Đáng chú ý là khu vực Thái Bình Dương bị chia cắt giữa một vùng sử dụng tiếng Pháp (Nouvelle - Calédonie, một phần của Vanuatu, Polynésie của Pháp và Wallis và Futuna) và một vùng sử dụng tiếng Anh, bao gồm tất cả các nước và các lãnh thổ còn lại.
Mặc dù việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá luôn là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương, nhưng những vấn đề về công bằng là những vấn đề nổi cộm nhất trong vòng một thập kỷ qua. Những khó khăn mà cư dân bản địa ở Australia và Niu Dilân gặp phải thể hiện rất rõ qua những chỉ số xã hội bất hợp lý, ví dụ như: tuổi thọ thấp, tỷ lệ tù tội cao, số lượng công việc kém, mức lương thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Bối cảnh địa - chính trị
Thời kỳ thuộc địa tại khu vực Thái Bình Dương bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII. Khi đó miền Tây Melanesia (Papouasie - Nouvelle - Guineé, các đảo Salomon, Vanratu) không phải chịu ách thuộc địa cho đến cuối thế kỷ XIX. Dấu ấn thuộc địa và các quan hệ chính trị ngày nay đã tạo nên những sự khác biệt chủ yếu trong khu vực, được thể hiện bằng những mối quan hệ giữa các tiểu vùng với Cộng hoà Pháp (Nouvelle - Calédonie, Vanuatu, Polyésie thuộc Pháp, Wallis và Futuna) hay với Vương Quốc Anh (các đảo Fidji, Karibati, các đảo Salomon, Vanuatu), với Hoa Kỳ (phía bắc Mariannes, Palau, Guam, các tiểu vương quốc Micronésie thống nhất, các đảo Marshall, Samoa thuộc Mỹ), với Australia (Papouasie - Nouvelle - Guineé, Nauru) và cả với New Zealand (các đảo Cook, Niue, Samoa, Tokelau).
Kể từ giữa thế kỷ XIX, có rất nhiều người từ các xã hội thực dân châu Âu đến định cư tại Australia, New Zaeland, Calédonie và Hawaii, khiến cho cư dân bản địa trở thành các nhóm dân tộc thiểu số. Ngoài ra những quốc gia đông dân như Ấn Độ, lnđônêxia cũng tham gia vào quá trình di cư này. Phần lớn dân cư Fiji là từ Ấn Độ đến vào cuối thế kỷ XIX, và hiện nay người gốc Ấn chiếm tới 45% tổng dân số ở quốc đảo này. Ở Iran Jaya, ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Bahasa là một ngôn ngữ của lnđônêxia, mặc dù quốc đảo Iran Jaya nằm trong vùng văn hoá đa ngôn ngữ của Tây Melanesia. Có thể nói, các chương trình di dân của lnđônêxia diễn ra trong thế kỷ XX đã có ảnh hưởng lớn đến các dân tộc bản địa ở Mélanésie về ngôn ngữ, thành phần dân cư và văn hoá tộc người.
II. Một số vấn đề đặt ra đối với khoa học xã hội
Ở các nước trong quần đảo Thái Bình Dương, việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng sống của người dân gặp khá nhiều khó khăn, do các quốc đảo nhỏ bé này bị biệt lập về địa lý. Các đảo thường xuyên phải đối đầu với những vấn đề về kinh tế và chịu nhiều thiệt hại do thiên tai (bão nhiệt đới, sóng thần, động đất) thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, mức độ nghèo đói tuyệt đối của phần lớn quần đảo Thái Bình Dương lại không cao, nguyên do là quần đảo này tiếp cận được với tập quán sản xuất của đất liền và nhận được khá đầy đủ các phương tiện hỗ trợ cần thiết của các nước lớn.
Những vấn đề chủ yếu mà khoa học xã hội trong khu vực Thái Bình Dương phải giải quyết tuỳ thuộc nhiều vào trình độ phát triển của các quốc đảo có liên quan. Sau đây là một số vấn đề khoa học xã hội cần quan tâm xem xét và nghiên cứu:
Văn hoá chống lại sự hiện đại hoá
Phần lớn các quốc đảo ở Thái Bình Dương đều thoát khỏi ách thống trị thực dân trong thời kỳ 1962 - 1980. Ngay sau kỷ nguyên thuộc địa, việc bảo tồn văn hoá bản địa trở thành một trong những chính sách được ưu tiên nhất của các chính phủ. Việc bảo vệ tiếng mẹ diễn ra song hành với việc giữ gìn văn hoá vật thể. Phần lớn các nước ở quần đảo Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều vấn đề trong lĩnh vực pháp lý, sự kết hợp giữa các thiết chế xã hội mới trên cơ sở tập quán truyền thống, đặc biệt là sự đối đầu giữa chuẩn mực văn hóa xa xưa và những nguyên tắc hiện đại. Nhiều vấn đề của khoa học xã hội và nhân văn trong khu vực này gắn với những căng thẳng giữa những tư tưởng mới và cũ, giữa hiện đại và truyền thống.
Chế độ chính trị
Về hình thức, tất cả các quốc đảo độc lập ở Thái Bình Dương đều có một chế độ dân chủ, trong đó các cuộc bầu cử toàn quốc được tiến hành đều đặn. Các lãnh địa cũ của Pháp và Mỹ thì theo chế độ tự quản. Những vấn đề của chính phủ, dù lớn hay nhỏ đều do các cơ quan bảo trợ và các đại học quyết định. Chính thiết chế này trở thành rào cản đối với sự phát triển kinh tế và xã hội bởi sự thiếu minh bạch và chính sách gia đình trị là những nét đặc thù thường thấy ở các nhà nước vẫn được thành lập theo lối "cha truyền con nối". Tuy vậy, người ta vẫn phải thừa nhận một ước nguyện ngày càng tăng trong giới thanh niên mong các nhà lãnh đạo và nghị viện đáp ứng được những nguyện vọng của họ. Những cuộc đảo chính quân sự đều đặn xảy ra trong 20 năm qua ở Fiji phản ánh sự thiếu ổn định của các chính thể chính trị trong khu vực này.
Đô thị hoá và các vấn đề xã hội
Trong hơn 20 năm qua, ở hầu hết các quốc đảo thuộc Thái Bình Dương, dân số thành thị đã tăng lên đáng kể, từ mức độ tối thiểu lên mức độ trung bình, chiếm tỷ trọng 30% tổng số dân. Tuy nhiên, tiến trình đô thị hoá phần lớn diễn ra không theo quy hoạch. Rất nhiều nước không hề đưa cơ sở hạ tầng và những chính sách cần thiết vào kế hoạch phát triển quốc gia. Sự hình thành các đô thị đã kéo theo nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như thất nghiệp, nghèo đói, tội phạm, tảo hôn, nghiện rượu và bạo hành gia đình. Sự thiếu thốn về không gian sống và nhà ở giá rẻ càng làm trầm trọng thêm những vấn đề đô thị và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân ở các thành phố.
HIV/AIDS trở thành một vấn đề ngày càng trầm trọng ở một số quốc đảo Sự lây truyền căn bệnh thế kỷ này chủ yếu diễn ra qua con đường quan hệ tình dục bừa bãi, quần hôn và ở một chừng mực nào đó là quan hệ đồng tính. So với các nước châu Á, sự lây lan do sử dụng chung bơm kim tiêm là rất ít ở Thái Bình Dương. HIV/AIDS ở khu vực này trước đây được coi như một vấn đề của y-tế, song giờ đây được xem như một vấn đề xá hội, gắn với đặc điểm dân cư và cơ cấu xã hội, những biến đổi của giá trị đạo đức và hành vi ứng xứ, đi liền với sự thiếu quan tâm của giới lãnh đạo đối với vấn nạn này.
Đặc biệt ở Papouasie - Nouvelle - Guinée, tình trạng tội phạm được coi như một cản trở lớn đối với sự phát triển ở cả thành thị lẫn nông thôn. Tại những quốc gia khác trong vùng, những vấn đề liên quan đến tình trạng phạm tội bớt phức tạp hơn, nhưng sự xung đột giữa các nhóm xã hội khác nhau là vấn đề gây đau đầu ở Mélanésie, nơi mà có rất nhiều dân tộc chung sống. Người ta cũng thừa nhận rằng việc tiêu thụ quá nhiều rượu cũng kéo theo những vấn đề về bạo lực ở các quốc đảo Thái Bình Dương, và nhất là tình trạng bạo hành tại gia đình.
Quan hệ giới và địa vị phụ nữ
Xét trên toàn khu vực thì địa vị phụ nữ không hề giống nhau giữa các vùng. Lấy ví dụ ở các quốc đảo thuộc Mélanésie, địa vị của người phụ nữ vô cùng thấp kém được minh chứng bằng các hành động ngược đãi thường xuyên đối với phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ được đi học vô cùng ít ỏi, và tuổi thọ của phụ nữ tương đối thấp. Tình hình ở Papouasie - Nouvelle - Guinée cũng tương tự, đây là một trong những nơi có tỷ lệ phụ nữ tử vong do thai sản cao nhất thế giới, do sinh đẻ nhiều và không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y-tế.
Ngược lại, địa vị người phụ nữ trong cộng đồng các nước thuộc Polynésie và một phần của Micronésie lại rất cao. Tại các nước này, phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực giáo dục, và có được chỗ đứng khá cao trong các nghề như luật sư, bác sĩ, hành chính, khu vực kinh tế tư nhân và cả một trong lĩnh vực chính trị. Ở một số quốc gia thuộc Polynésie, chính sách ưu tiên của Chính phủ chú trọng vào sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, nhất là chăm sóc y-tế và phổ cập giáo dục tiểu học, chú trọng sự bình đẳng giới về pháp luật và việc làm.
Di cư và biến động dân số
Ở một số quốc đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương như Cook, Ninue, Tonga, Samoa,... đã hình thành nên sự phân chia về dân số từ hai thập kỷ nay. Xấp xỉ 2/3 dân số đảo Cook hiện đang cư trú ở nước ngoài và 1/2 số dân các đảo Samoa sống ở lãnh địa hải ngoại, chủ yếu ở Niu Dilân, ở Australia và Mỹ. Hệ quả là mặc dù tỷ lệ tử vong đã giảm mạnh, nhưng quy mô dân số của các vùng này không tăng lên đáng kể. Các đảo Samoa và Tonga có đặc thù của một nền kinh tế kiều hối, trong đó lượng ngoại tệ do người dân di cư gửi về chiếm một phần lớn tổng thu nhập quốc dân. Mặc dù kiều hối đã có tác động tích cực đến nền kinh tế, nhưng một số chuyên gia vẫn lo ngại về tình trạng kiểm soát di cư ra nước ngoài của người dân. Những quy định chặt chẽ đối với xuất cư có thể gây nên ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng dân cư bản địa trên đảo và cộng đồng định cư ở hải ngoại. Sự trao đổi giữa hai cộng đồng dân cư này đã từng là khởi nguồn của sự phát triển của khu vực trong lịch sử.
Từ sau năm 1949, Australia là vùng đất hứa đối với những người di cư Hơn 1/3 dân số nước này được sinh ra ở nước ngoài. Vì vậy, Australia rất đa dạng về sắc tộc. Ngược lại, Niu Dilân lại chỉ tiếp nhận một lượng nhỏ dân nhập cư từ khi còn là thuộc địa của Anh và Xcốtlen. Chủ yếu lượng người nhập cư đến Niu Dilân là dân các đảo Thái Bình Dương, từ những lãnh địa cũ của Niu Dilân sau chiến tranh thế giới thứ 11. Tuy nhiên, từ 10 năm nay Niu Dilân tiếp nhận số dân nhập cư từ châu Á đến và dần dần nhóm dân cư này đã chuyển đến sống ở các thành phố lớn. Thực tế xã hội của Australia và Niu Dilân tuy không giống nhau, nhưng di dân đã làm nảy sinh ra những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh chung, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các chuyên gia khoa học xã hội ở hai quốc gia này.
Đất đai và môi trường và biến đổi khí hậu
Với hầu hết các nước khu vực Thái Bình Dương, khoảng 80% đất đai đều được sở hữu và sử dụng theo phong tục truyền thống. Mặc dù tập quán sử dụng và chuyển nhượng đất đai đem đến cho người dân bản xứ sự ổn định cho cuộc sống, song nó cũng dẫn đến không ít vấn đề phức tạp. Một trong những vấn đề chưa được giải quyết là sự tích tụ không giới hạn về đất đai và quyền sử dụng, thừa kế, trong khi giá trị thương mại của đất hiện không ngừng tăng lên. Luật đất đai tuy được ban hành nhưng không phù hợp với những tập quán và quy định có từ trước thời kỳ thuộc địa, và không được thực hiện do mâu thuẫn với những thiết chế hành chính đang được thực thi hiện nay.
Những quốc gia nhỏ bé nhất khu vực Thái Bình Dương là những nước có hệ thống sinh thái đặc biệt yếu kém. Ở đây tồn tại hai vấn đề cực kỳ nghiêm trọng về môi trường. Thứ nhất, đó là sự phá huỷ môi sinh do phá rừng, sự ô nhiễm bờ biển và xử lý chất thải gây nên. Vấn đề ở đây không đơn giản là sự phá huỷ môi trường do các công ty nước ngoài phá rừng, khai thác cá hay kinh doanh du lịch, mà còn là việc sử dụng bất hợp lý nguồn tài nguyên biển, tài nguyên nước và đất đai của chính người dân địa phương. Thực tế cho thấy một số nơi đã cho phép sử dụng phương pháp đánh bắt cá hàng loạt, cho phép phá hủy các khu rừng để lấy đất canh tác hay cho phép đổ chất thải ra sông. Chương trình khu vực về bảo vệ môi trường Thái Bình Dương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học xã hội và giáo dục trong cuộc đấu tranh và bảo vệ môi trường, ý thức bảo tồn đa dạng sinh học và thảm thực vật ở các hòn đảo; khơi dậy ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Mực nước biển dâng cao là một thực tế nghiêm trọng mà các quốc đảo Thái Bình Dương đã, đang và sẽ phải đối mặt hiện nay. Các quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp từ hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là thách thức lớn nhất đối với khu vực Thái Bình Dương đang chịu nguy cơ đe dọa bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra những đợt lốc xoáy mạnh hơn, mực nước biển tăng lên, thủy triều lớn hơn và các đợt bùng phát dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết cũng diễn ra thường xuyên hơn tại khu vực này. Biến đổi khí hậu sẽ có tác động tích cực đến các lĩnh vực vận tải, di chuyển và phát triển nguồn nhân lực tại các quốc gia chịu tác động. Đầu tư nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và tăng cường các đơn vị khí tượng của khu vực phải được xem là những ưu tiên hàng đầu trong các dự án và chương trình hành động sắp tới, trong đó không thể không có sự tham gia của giới khoa học xã hội.
III. Hệ thống tổ chức của khoa học xã hội khu vực Thái Bình Dương
Các trường đại học
Quần đảo Thái Bình Dương có bốn trường đại học cấp khu vực. Trước hết là Đại học Nam Thái Bình Dương tiếp nhận tất cả các sinh viên đến từ các nước nói tiếng Anh, trừ Papouasie - Nouvelle - Guinée. Trụ sở chính của Trường đặt tại Fiji và một số cơ sở khác với quy mô nhỏ hơn, giữa Vanuata và Samoa. Đại học Guam lại tiếp nhận những sinh viên đến từ những lãnh thổ trước đây thuộc Hoa Kỳ. Đại học Thái Bình Dương thuộc Pháp lại tiếp nhận những sinh viên đến từ các nước nói tiếng Pháp trong vùng, có cơ sở ở Polunésie và Nouvelle - Calédonie. Trường đại học thứ tư là Đại học Brigham Young là một tổ chức tư thục, tiếp nhận những sinh viên do Nhà thờ Thiên chúa giáo cai quản, đến từ khắp mọi nẻo trong vùng. Cần phải kể đến Đại học Hawaii là một trường công lập hoạt động theo mô hình của Hoa Kỳ. Đại học này tiếp nhận nhiều sinh viên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khá mạnh và khoa học xã hội. Tất cả các trường đại học nói trên đều có theo mô hình có các trung tâm hay viện nghiên cứu về khoa học xã hội mang tầm cỡ khu vực.
Ngoài các đại học cấp khu vực nói trên, Samoa có một trường đại học quốc gia, trong đó có khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường Đại học Cenderawas của Irian Jaya cũng có một khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Papouasie - Nouvelle - Guinée cũng có học viện nghiên cứu quốc gia quan tâm chủ yếu đến các khoa học xã hội và nhân văn. Ở các trường đại học này, nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia cũng như những công trình tư vấn đã được thực hiện. Các đại học này ở giai đoạn đầu được thành lập trên mô hình của Hoa Kỳ, hầu hết các trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội đều trong khuôn khổ của trường đại học. Riêng Australia có tới mười lăm trung tâm đại học lớn, trong đó Khoa học xã hội và nhân văn được ' khuyến khích phát triển. Các đại học này có rất nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn (như Địa lý, Xã hội học, Nhân học, Lịch sử, Kinh tế, Khoa học chinh trị, Tâm lý học, Ngôn ngữ) cũng như những khoa đào tạo đa ngành và tập trung chủ yếu vào những vấn đề về sắc tộc hay nhưng vấn đề chính trị. Còn Niu Dilân có tới bảy trường đại học lớn, cũng được sắp xếp theo mô hình và cơ cấu tương tự như các đại học ở Australia.
Ở hai quốc gia này, có rất nhiều trường đại học thành lập các Viện nghiên cứu phát triển và các trung tâm nghiên cứu vùng. Ví dụ như ở Australia, trung tâm nghiên cứu cấp vùng lớn nhất Thái Bình Dương và châu Á thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU). Còn ở Niu Dilân có rất nhiều trung tâm nghiên cứu ở cấp độ tiểu vùng, như Viện nghiên cứu châu Á đặt tại Đại học Auckland và trung tâm Macmillan Brown Centre, chuyên nghiên cứu về khu vực Thái Bình Dương đặt tại Đại học Canterbury.
Các hiệp hội khoa học xã hội
Hầu hết, các thành viên thuộc các hiệp hội liên ngành về khoa học xã hội trong khu vực Thái Bình Dương đến từ quần đảo Thái Bình Dương, Australia, Niu Dilân, Châu Âu và Bắc Mỹ. Ví dụ như Hiệp hội các nhà sử học Thái Bình Dương, Hiệp hội khoa học chính trị của quần đảo Thái Bình Dương và Hiệp hội khoa học Polynésie. Bên cạnh đó còn có nhiều hiệp hội nghề nghiệp khác chuyên nghiên cứu về một vấn đề đặc biệt của quốc gia. Ví dụ như Hiệp hội các nhà sử học Tonga là hiệp hội nổi tiếng chuyên nghiên cứu lịch sử của Tonga.
Ngoài các hiệp hội chuyên ngành về khoa học xã hội và nhân văn, Australia còn quan tâm xây dựng các hiệp hội của tiểu vùng, ví dụ Hiệp hội nghiên cứu châu Á, Hiệp hội phụ nữ ở châu Á, Hiệp hội nhân học Thái Bình Dương... Ngoài ra còn có nhiều hiệp hội tiểu vùng chuyên ngành và liên ngành khác được tập trung củng cố và quan tâm đến một quốc gia hay một nhóm các quốc gia đặc biệt trong khu vực.
Tổ chức Văn hoá - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc UNESCO đã hỗ trợ và giúp đỡ việc thành lập Hiệp hội của các Hội đồng Khoa học xã hội châu Á (AASSREC) và Mạng thông tin khoa học xã hội châu Á - Thái Bình Dương (API -NESS). Mặc dù những tổ chức này đã có tác động và thu hút sự tham gia của một số chuyên gia Australia và Niu Dilân, nhưng việc trao đổi thông tin, tiếp xúc với các chuyên gia và cộng đồng khoa học xã hội của quần đảo Thái Bình Dương còn rất yếu. Điều đó chứng tỏ sự cần thiết phải thành lập một Hiệp hội nghiên cứu khoa học xã hội cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
IV. Kết luận
Tính đa dạng văn hoá và đặc điểm địa - chính trị của các nước trong quần đảo Thái Bình Dương là rất đáng chú ý. Các quốc đảo này nhìn chung thiếu sự liên kết và một nội lực đủ mạnh để có thể phát triển bền vững, xét từ góc độ kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường.
Sự quan tâm của Australia với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trên lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội trong khu vực là rất đáng chú ý. Xu thế thoát Âu nhập Á trong các nghiên cứu khoa học xã hội ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Những đặc trưng văn hoá, xã hội và chính trị và môi trường của khu vực Thái Bình Dương đòi hỏi cách tiếp cận đặc thù trong nghiên cứu khoa học xã hội. Từ đây, các nghiên cứu đã tác động đến tư duy của giới lãnh đạo. Tư duy này được thể hiện qua các sáng kiến của giới lãnh đạo Australia về các ý tưởng hợp tác khu vực mở, lấy ASEAN làm trục thu hút rộng hơn các nước vào hợp tác châu Á - Thái Bình Dương.
Australia có hệ thống các trường đại học khá hiện đại cùng hệ thống nghiên cứu khoa học xã hội và hội nhập khoa học xã hội khá cởi mở. Do vậy, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hội nhập tích cực hơn với Australia. Trước hết cần xem xét khả năng thành lập và phát triển một trung tâm nghiên cứu Australia ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nhằm tăng cường việc cử các cán bộ khoa học xã hội đến Australia nghiên cứu và học tập, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau với Australia và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là một phương thức hội nhập của khoa học xã hội Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, 323/2011