21:5' 1/2/2013
Tổng Giám đốc IMF Crít-xtin La-gác-đơ tại WEF 3013: “Viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh”. |
WEF 2013, có sự tham dự của khoảng 2.600 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, trong đó có 50 nguyên thủ quốc gia, 1.500 lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, nghiệp đoàn, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và giới báo chí, khoảng 250 hội nghị lớn, nhỏ để bàn về các vấn đề “nóng” của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Cùng với sự hiện diện của Tổng thống nước chủ nhà Thụy Sĩ, U-e-li Mao-rơ (Ueli Maurer), WEF năm nay có sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo các nước như Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-ve-đép (Dmitry Medveded), Thủ tướng Anh Đa-vít-Ca-mơ-run (David Cameron), Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angiela Merkel), Thủ tướng I-ta-li-a Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Ma-ri-ô Đrác-hi (Mario Draghi), Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Crít-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde).
WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới vừa trải qua nhiều biến động trong năm 2012.
Về chính trị, 4 trong 5 quốc gia là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thay đổi người lãnh đạo cao nhất (đó là Nga, Pháp, Trung Quốc, Mỹ); cộng với đó là những bất ổn chính trị và bạo lực tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Về kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa có dấu hiệu tìm ra lối thoát.
Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Crít-xtin La-gác-đơ đưa ra nhận định, viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào việc giới lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và EU có đưa ra được những quyết định đúng đắn hay không. Bà C.La-gác-đơ đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên chủ quan sau khi Eurozone đạt được thỏa thuận thành lập Hệ thống chung giám sát các ngân hàng và chính quyền Mỹ tránh được "vách đá tài chính". Theo bà C.La-gác-đơ, nước Mỹ dù tạm thời vượt qua "vách đá tài chính" nhưng các vấn đề nợ công và thâm hụt tài chính dài hạn vẫn là thách thức lớn. Các cuộc tranh luận tại vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn còn bế tắc, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong năm 2012… vẫn là những rào cản đối với sự phát triển của kinh tế thế giới.
Bước sang năm 2013, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo công bố trước thềm Hội nghị WEF 2013, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày một lớn đang là rủi ro mang tính toàn cầu chủ yếu trong vòng 10 năm tới. Trong cuộc họp báo giới thiệu Chương trình nghị sự của WEF 2013, chuyên gia kinh tế Đức Clau-xơ Soáp (Klaus Schwab), đã phải thốt lên rằng: “Chúng ta sẽ không thể hợp tác được với nhau để giải quyết các vấn đề toàn cầu nếu ai cũng chỉ muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình".
Theo ông Clau-xơ Soáp, toàn thế giới đang phải đối mặt với một thực tế mới với những "cú sốc bất thường" và tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài. Chính vì vậy, để khởi động lại cỗ máy trì trệ trong những năm qua, khôi phục lại lòng tin vào giới lãnh đạo cũng như niềm tin vào tương lai, ông Clau-xơ Soáp đã đề nghị chọn một chủ đề rất ngắn gọn và nhiều ý nghĩa cho WEF 2013 là “Năng động để thích ứng”, với hy vọng có thể tìm được tiếng nói chung và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia có trách nhiệm nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Trong chương trình Hội nghị, vấn đề kinh tế toàn cầu, những căng thẳng địa -chính trị và các sáng kiến, giải pháp là những chủ đề được đưa ra bàn thảo tại WEF năm nay. Trong đó, chủ đề hàng đầu vẫn là làm sao cho hệ thống kinh tế toàn cầu có thể thích ứng với môi trường thay đổi sau những cú sốc bất ngờ khi các nước thuộc Nhóm Eurozone chưa thoát khỏi nợ công. Những cải cách tại Eurozone, nhất là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của EU, cũng được đề cập tới. Các nhà lãnh đạo của WEF 2013 cũng đề xuất những định hướng nhằm giúp EU khôi phục khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, WEF 2013 còn bàn về tương lai của nước Nga tại một phiên họp toàn thể trong bối cảnh đất nước rộng lớn nhất thế giới này vừa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 8-2012, đặc biệt là năm 2013 Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 và năm 2014 sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch G8. Vì vậy, phiên họp này là cơ hội thuận lợi để Nga có thể giới thiệu một cách cụ thể nhất các mục tiêu mà Tổng thống Nga V.Pu-tin đặt ra để kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cũng như chính sách phối hợp với các thành viên G20 khác nhằm cải cách thị trường tài chính và ổn định thị trường năng lượng. Tại WEF 2013, các đại biểu tham dự đã nghe Thủ tướng Nga Đ.Mét-ve-đép trình bày báo cáo liên quan đến các kịch bản về sự phát triển của Nga từ nay đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh những ưu tiên phát triển của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Đích thân Thủ tướng Nga đã chủ trì phiên họp toàn thể để thảo luận về tương lai nước Nga.
Cũng tại WEF 2013, một số chủ đề khác như: khôi phục nền kinh tế Nhật Bản hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng già hóa dân số; các biện pháp giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư vào châu Phi; đánh giá về thành quả của sáng kiến “Phát triển châu Phi” ("Grow Africa") được đưa ra năm 2011 nhằm mục đích bảo đảm một cách bền vững an ninh lương thực tại châu lục này cũng được các đại biểu quan tâm.
Đề cập đến vấn đề tiền tệ, các đại biểu tham dự WEF 2013 cho rằng, trong ngắn hạn, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa có khả năng thay thế đồng đô-la Mỹ để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Trong khi đó, các đại biểu Mỹ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc đang thao túng đồng nội tệ. Tuy nước này đã có những cải cách về cơ chế tỷ giá hối đoái song vẫn định giá quá thấp đồng tiền của mình - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến hàng hóa xuất khẩu của Bắc Kinh vẫn có giá rẻ hơn, dẫn tới thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.
Chủ đề bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong việc đưa ra quyết định về kinh tế, một vấn đề đã được bàn luận rất nhiều trong những năm gần đây cũng được đề cập tại WEF 2013. Ngoài ra, các "điểm nóng" xung đột như tình hình Xy-ri và Ma-li… cũng được thảo luận tại WEF lần này.
Tuy không phải là nơi có thể đưa ra những quyết định cụ thể vì các bên tham gia chỉ nêu ra những ý tưởng để trao đổi và những chủ đề để nghiên cứu, nhưng với vai trò là diễn đàn toàn cầu có uy tín và hoạt động hiệu quả, WEF đã tạo điều kiện cho các bên trao đổi và đề xuất các giải pháp về nhiều vấn đề kinh tế quốc tế cũng như những vấn đề tác động tới lợi ích chung.
Tâm trạng chung trong 3 ngày làm việc liên tục của các đại biểu tham dự WEF 2013 là sự lạc quan thận trọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Tại WEF 2013, IMF công bố báo cáo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, theo đó dự báo kinh tế thế giới có thể đạt mức trưởng 3,5% tăng so với mức 3,2% của năm 2012, trong khi tăng trưởng của các nước Eurozone sẽ giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó. Theo báo cáo của IMF, nhóm các nước này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014. Cũng theo báo cáo trên, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 2 - 2,1% năm 2013 và 3% trong năm 2014. IMF cũng dự báo, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2013; còn mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,2% và của Ấn Độ là 5,9%.
Với sự tham gia đông đảo của giới lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách, WEF 2013 đã có những đóng góp mang tính định hướng và có thể khơi dậy sự hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Với chủ đề "Năng động để thích ứng", WEF 2013 gửi đi một thông điệp rõ ràng là, tương lai toàn cầu phụ thuộc vào sự năng động kết hợp với một tầm nhìn mới, hành động đầy tâm huyết và quyết tâm của cả thế giới vì một tương lai cho tất cả các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc./.