Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

29. Đối thoại Âu - Á: Lev Tolstoi và Lão Tử

GS.VS. Kim Rekho
Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Nga
Trần Nho Thìn dịch

09.Lao-TuCác mối liên hệ với phương Đông của Tolstoi cho đến tận thời gian gần đây vẫn được xem xét chủ yếu từ góc độ nhà văn vĩ đại này đã đem lại gì cho phương Đông, còn mối liên hệ ngược lại thì các nhà nghiên cứu ít quan tâm.

Trong khi đó, Tolstoi luôn luôn suy nghĩ về vị trí của nước Nga đứng giữa châu Âu và châu Á, cho đến tận cuối đời vẫn giữ mối quan tâm sâu sắc đối với phương Đông, cố gắng hiểu tâm hồn của nó, những cơ sở của văn hóa phương Đông. Trong Thư gửi một người Trung Quốc nổi tiếng (1906), ông suy nghĩ về sứ mạng lịch sử của các dân tộc Trung Quốc, Ba Tư, Ấn Độ, theo ý ông, các dân tộc này có sứ mệnh chỉ ra cho nhân loại thấy lối thoát ra khỏi “tình trạng quá độ” của mình. Trò chuyện với nhà văn Nhật Bản Tokutomi Roka, Tolstoi cụ thể hóa cách hiểu của ông về thiên chức của nước Nga và các dân tộc phương Đông, trong khi khẳng định rằng sứ mệnh này nằm ở chỗ bảo đảm các điều kiện trong đó, “con người có được cuộc sống thực sự”, bởi vì sự tồn tại trong những điều kiện mà “nền văn minh đạt được bằng sự giúp đỡ của máy móc, trên thực tế chẳng có giá trị gì hết”(1).
Trong khi hướng về di sản tinh thần của phương Đông cổ đại, Tolstoi thấy ở đó nhiều điểm đồng điệu với cái mà ông đã trăn trở trong cuộc tìm kiếm đầy day dứt một chân lý phổ biến. Nhưng chính “cái cung cách phương Đông” này trong tư duy và tinh thần nhà văn hào lại bị lên án trong một thời gian dài.
Trong không khí những thay đổi căn bản đang diễn ra hiện nay trong xã hội chúng ta, những kiểu tiếp cận cũ khi nghiên cứu di sản sáng tạo của Tolstoi đang được duyệt xét lại; phương Đông trong thế giới sáng tạo của ông ngày càng thu hút sự chú ý nhiều hơn của giới nghiên cứu. Điều này, đến lượt mình, lại gây ra những tranh luận nóng bỏng xung quanh thuộc tính Âu-Á của văn hóa Nga.
Về bản chất, nước Nga là một đất nước Âu-Á, vị trí địa - chính trị và địa- kinh tế này chế định cả đặc trưng văn hóa của nó. Không phải ngẫu nhiên mà những người theo thuyết Âu-Á coi nền văn hóa Nga không đơn giản là một phần của văn hóa châu Âu mà là một nền văn hóa Âu-Á độc đáo, đã hấp thụ vào trong mình những thành tựu của cả hai dòng chảy vĩ đại của văn minh thế giới - phương Tây và phương Đông. S. Kliuchnhikov viết: “Chiều kích Âu-Á của văn hóa Nga - đó không đơn giản là đề tài châu Á được phản ánh trong sáng tác đa dân tộc của các nhà văn nước ta. Đó còn là tư tưởng châu Á trong quan hệ của nó đối với châu Âu, tư tưởng này xuất hiện như một viễn cảnh mới đối với nước Nga”(2).
Tư tưởng này tưởng chừng không thể hồ nghi, song có một quan điểm đối lập không khoan nhượng, xem tư tưởng đó từa tựa như “thuốc súng” đối với nước Nga: phái Âu-Á “muốn biến con người Nga thành một người Á lai Âu và nhất thiết thúc đẩy nó đi theo “con đường đặc biệt”. Một trong những trí thức có đầu óc thiên về Tây phương hiện đại đã viết như thế, những trí thức này đang dồn không ít sức lực để quay cả cái đầu thứ hai của con đại bàng Nga sang phương Tây. Trong bài báo Những người Âu-Á mới, V. Stupishin khẳng định: “Chủ nghĩa Âu-Á là “con đường đặc biệt” dẫn đến cái chết đối với nước Nga, do đó cần phải huy động toàn bộ sức mạnh của các giá trị văn hóa dân tộc Nga như là một bộ phận khăng khít của những giá trị toàn nhân loại chứ không phải những giá trị kiểu Á châu, để chống lại con đường này”(3).
Sự căm ghét làm mù mắt. Ngay từ trong sách giáo khoa phổ thông, chúng ta đã biết có bốn phát kiến vĩ đại thuộc về Trung Quốc - la bàn, in sách, đồ gốm, thuốc súng.  Chaadaev đã viết trong Bức thư triết học thứ hai (1829) rằng những phát kiến này “đã đẩy nhanh hơn cả quá trình trí tuệ nhân tính trong chúng ta”. Liệu có thể tách văn hóa phương Đông ra khỏi văn hóa toàn nhân loại, cô lập phương Đông ra khỏi những cuộc đối thoại giữa các nền văn minh và giữa các dân tộc hay không? Những câu hỏi này cũ kỹ đến nỗi vị tất đáng phải bình luận chúng. Tôi chỉ lưu ý một điều là thái độ coi thường châu Á là một điểm chung cho giới trí thức của các nước đang trên đường “hiện đại hóa”, tức là “Âu hóa”.
Phukuzawa Iukiti (Phúc Trạch Dụ Cát), một nhà cải cách nổi tiếng có đầu óc thiên về phương Tây của nước Nhật Bản đang hiện đại hóa, sinh thời đã công bố một bài viết nhan đề Thoát Á luận (Luận về việc từ bỏ châu Á, 1885). Sự tương đồng giữa lối tư duy của nhà Tây học người Nhật này và của tác giả bài báo đã dẫn trên là đáng kinh ngạc. Phukuzawa Iukiti viết “Nước ta không thể cho phép mình chờ đợi đến khi các nước láng giềng châu Á sẽ văn minh hóa để sau đó cùng nhau phục hưng châu Á. Không, chúng ta cần kíp chạy thoát khỏi họ và gắn bó số phận mình với các nước văn minh phương Tây... và nếu như cần trừng phạt họ (tức các dân tộc châu Á - K.R) thì chúng ta cần phải hành động như người châu Âu hành động với họ trong những tình huống tương tự”(4).
Những người Nhật Bản đương đại thấy xấu hổ vì sự tiết lộ ấy ở nhà tư tưởng của nước Nhật Bản mới. Nhà phê bình nổi tiếng Kato Suiiti (Da Đằng Chu Nhất) gọi lời phát biểu của Phukuzawa là “kinh khủng”(5) .
Các cuộc tiếp xúc giữa các nền văn minh đòi hỏi đối thoại bình đẳng. Tư tưởng về sự ưu việt của văn minh châu Âu so với châu Á hay ngược lại không chỉ thiếu khách quan về mặt lịch sử, nó còn phi đạo đức về thực chất. Đã có thời gian, khi mà chính châu Á, tự bao vây mình bằng Vạn lý trường thành, kiêu ngạo về sự vượt trội của mình trước các dân tộc khác. Việc phương Đông phát hiện ra không chỉ tài năng kỹ thuật của châu Âu mà còn cả “tâm hồn sâu kín” của nó nữa đã là một cái mốc quan trọng trên con đường ý thức về sự thống nhất của văn học toàn thế giới. Nền văn minh đòi hỏi các cuộc gặp gỡ và đối thoại của các nền văn hóa khác nhau.
Cảm nhận của Tolstoi về sự bình đẳng của các dân tộc và các nền văn hóa - hoàn toàn không phải là “nhân tạo”, “cố ý làm ra vậy” mà nó bắt nguồn từ sự nhạy cảm với toàn thế giới của tâm hồn Nga, từ niềm tin của ông về sự gần gũi lịch sử và tâm lý giữa Nga và phương Đông. Trả lời bức thư của nhà báo Trung Quốc Trương Chi Động vào đầu năm 1905, Tolstoi nhận xét rằng trong các nguồn cội của văn hóa Nga và Trung Quốc, có những lý tưởng chung về lao động và đạo đức. Ông viết: “Hoàn toàn có thể đồng ý với ông rằng có mối liên hệ tinh thần bên trong giữa hai dân tộc vĩ đại - Nga và Trung Hoa - và hai dân tộc cần phải hợp tác với nhau”(6). Trong các quan điểm về phương Đông của Tolstoi, hiển nhiên đã phản ánh sự độc đáo Âu-Á của văn hóa Nga.
Sự gần gũi về mặt tinh thần giữa nước Nga và phương Đông được phản ánh rõ rệt hơn cả trong quá trình tiếp nhận văn học Nga ở các nước Á châu. Thống kê văn học ở Nhật Bản cho biết, năm 1908 là năm chấm dứt sự thống trị của văn học Anh, Pháp ở Nhật Bản. Văn học Nga đã vượt hai nền văn học này cả về số lượng tác phẩm được dịch cũng như về ảnh hưởng đến trí óc của độc giả Nhật Bản. Nhà nghiên cứu so sánh nổi tiếng Oota Saburo (Thái Điền Tam Lang) viết: “Vào những năm này, khi mà cái nhìn của độc giả Nhật chuyển hướng về phía hiện thực thực tế của xã hội và đời sống con người thì văn học Nga đã thay thế văn học Anh. Lối tư tưởng Anh, quan điểm kiểu Anh về con người và xã hội đã không còn đáng được dành cho sự chú ý lớn lao khi áp dụng cho hiện thực Nhật Bản nữa”(7).
Nhờ có sự gần gũi về tinh thần, Tolstoi đã trở thành nhà văn được yêu thích nhất ở phương Đông. Mahatma Gandi, người đã chọn con đường cho mình dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của các tư tưởng Tolstoi, gọi ông là người “của mình”. Kitamikado Dziro (Bắc Thái Ngự Môn Nhị Lang), người đã dành cả cuộc đời mình cho việc dịch và truyền bá tư tưởng Tolstoi ở Nhật Bản đã đặt tên cuốn sách của mình là Tôi cùng họ với Tolstoi (1981).
Ảnh hưởng của nhà văn Nga vĩ đại đến châu Á là hết sức toàn diện, nó không giới hạn trong ảnh hưởng văn hóa nghệ thuật và tư tưởng xã hội. Sức mạnh của ảnh hưởng này hiện diện ngay cả trong số phận của không chỉ một thế hệ trí thức phương Đông(8). Trong bài báo nổi tiếng của mình Châu Á đáp lời Tolstoi, Romain Rolland có đầy đủ cơ sở để tuyên bố rằng “ảnh hưởng của Tolstoi đến châu Á đối với lịch sử châu Á có thể là có ý nghĩa hơn so với ảnh hưởng của ông đến châu Âu”(9). Tolstoi đã đi vào ý thức và tâm hồn của phương Đông.
Ai cũng biết, trong mối quan hệ qua lại giữa phương Tây và phương Đông thời cận đại, đã không hề có sự bình đẳng của hai bên, không có sự tác động tương hỗ hiển nhiên như ngày nay. Châu Âu lúc đó là mục đích của châu Á đang hiện đại hóa, còn những người say sưa với tiến bộ ở phương Tây có cảm tưởng là ở phương Đông “lạc hậu” chẳng có gì đáng tiếp thu. Họ coi thường văn hóa phương Đông.
Quan hệ của Tolstoi và phương Đông khác về nguyên tắc. Đây là quan hệ hai phía, với đặc điểm là tương tác qua lại. Không chỉ phương Đông đến với Tolstoi mà Tolstoi cũng đến với phương Đông.
Phương Đông đối với Tolstoi không phải là đối tượng nhận thức để mở rộng tầm trí tuệ, mà điều này thì lại rất tiêu biểu cho phương Tây thời cận đại. Ông học hỏi phương Đông, chiếm lĩnh trí tuệ của nó để phát triển thế giới tinh thần của bản thân. Có thể nói, đối với ông, những nguồn mạch tri thức phương Đông thậm chí còn gần gũi hơn là những nguồn mạch phương Tây. Về mặt này, đáng chú ý là trong nhật ký có đoạn chép bức thư đề ngày 5 tháng Năm 1909 “ Trạng thái buồn rầu - không bằng lòng - rõ ràng là thuộc nội tâm... Đọc Lão Tử đối với mình rất có ý nghĩa. Thậm chí có cảm giác khó chịu, trái ngược trực tiếp với Lão Tử: tự hào, muốn là Lão Tử”(10). Nhà văn vĩ đại, được cả phương Tây và phương Đông ngưỡng mộ, coi nhà triết học Trung Quốc cổ đại là mẫu mực đạo đức của mình.
Điều gì làm gần gũi hai người khổng lồ của hai nền văn hóa khác loại? Điều gì cho phép chúng ta đặt cạnh nhau những tên tuổi vốn rất xa nhau về thời gian? Vì thiếu những điều kiện để nắm bắt toàn bộ các vấn đề phức tạp liên quan đến việc nhà văn Nga tiếp nhận di sản tinh thần phương Đông,- đây là nhiệm vụ trong tương lai - chúng tôi sẽ dừng lại ở các câu hỏi vừa đặt ra.
Hàng thiên niên kỷ ngăn cách thời đại của Lão Tử và Tolstoi. Niên đại ra đời của nhà triết học Trung Quốc được xác định vào thế kỷ VI trước CN. Nhưng các cuộc gặp gỡ trong không gian văn hóa không bị lệ thuộc vào thời gian. Làm quen với Lão Tử trong những năm 70 của thế kỷ XIX, nhà văn Nga đã kinh ngạc: “Thật lạ lùng là ông vẫn chưa được biết đến - (một nhà tư tưởng) sâu sắc dường bao và cả tấm áo choàng Trung Quốc (ngôn ngữ, chữ viết)”(11). Theo lời kể của những người thân của Tolstoi, sách “Lão Tử” luôn “bên cạnh” nhà văn, dường như đã bước vào đời sống thường nhật của ông.
Năm 1891, Tolstoi soạn danh mục các sách gây ấn tượng mạnh đối với ông trong các chặng đời khác nhau, đã định ra ba mức độ ấn tượng: khổng lồ, rất lớn và lớn. Trong số 11 cuốn sách và tác giả mà Tolstoi đọc từ 50 đến 63 tuổi có Kinh Phúc Âm (khổng lồ), Epictet (khổng lồ), Khổng Tử và Mạnh Tử (rất lớn), và cả “Lão Tử” với dấu “khổng lồ”.
Chúng tôi đặt từ “Lão Tử” trong dấu ngoặc kép vì đó vừa là tên sách, vừa là tên tác giả, người đã sống ở một thời đại xa xôi, hỗn loạn, chiến tranh chết chóc, đã để lại cho con cháu cuốn sách giáo huấn năm ngàn chữ. Người thời cổ gọi nó bằng tên của người trước tác vì cuốn sách - đó là con người. Về sau người ta còn gọi nó là Đạo đức kinh (Sách viết về Đạo và Đức).
Tolstoi nói về Đạo đức kinh: “Đó là cuốn sách lạ lùng. Tôi thuần túy sẽ chỉ làm việc dịch nó (từ tiếng Anh, Pháp, Đức), mặc dù như thế sẽ rất xa nguyên tác. Tôi bắt đầu muốn học tiếng Trung Quốc...”(12).
Thật thế, hai lần Tolstoi đã tham gia tích cực vào việc dịch Đạo đức kinh sang tiếng Nga: năm 1893, cùng với E.I. Popov và hai năm sau cùng với một người Nhật là Konisi Masutaro ở trang trại Jasnaia Poliana. Sau 25 thế kỷ, nước Nga đã phát hiện cho mình sáng tác của Lão Tử. Sáng tác ấy đã khuấy động trí não và khải thị cho một trong những người thông tuệ nhất của thế kỷ XIX - Lev Tolstoi.
Còn lưu giữ một truyền thuyết về cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử và Lão Tử. Đó là cuộc gặp của hai đối cực. Một người khẳng định con người sống hữu trách, biện luận tính hợp lý của việc chia con người thành quân tử và tiểu nhân, người kia khẳng định con người tự nhiên vì cho rằng bản chất tự nhiên thiên phú là điều căn bản ở con người. Nguyên lý tự nhiên của đạo gia vốn xuất phát từ việc tiếp nhận tự nhiên như là bản nguyên căn bản, có tính phổ quát nhưng không dành cho con người một vai trò nổi bật. Trong học thuyết về đạo con người hiện diện như một trong những hiện tượng của tự nhiên, có mối liên hệ mật thiết với tự nhiên.
Tolstoi làm quen với sách Lão Tử trong thời kỳ ông trăn trở tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, khi mà trong thế giới quan của ông đã diễn ra một bước ngoặt quan trọng. Đạo đã rất gần gũi với tâm trạng của ông. Ông rất thích thú với phong cách tư duy của nhà triết học Trung Quốc, tính chất hàm súc, tính cách tản mạn và tính mâu thuẫn thoạt nhìn trong các luận bàn của Lão Tử.
Tolstoi coi nguyên lý vô vi là yếu tố căn bản của học thuyết Lão Tử. Ông viết: “Tư tưởng này nếu được dịch đúng, thường có cảm giác cố ý diễn đạt một cách lạ lùng, nhưng ở mọi chỗ, nó là nền tảng của toàn bộ học thuyết”(13).
“Vô vi” thường được tiếp nhận như là sự từ chối mọi hành động. Nhà triết học người Nga V.I. Soloviev cắt nghĩa nó là “absolutnoie bezrazlichie” (sự bất phân tuyệt đối). Quả thật, những người theo đạo Bà la môn Ấn Độ đã truyền bá vô vi tuyệt đối, trong khi kêu gọi chấm dứt mọi hành động. Một số nhà văn hóa học gắn vô vi với cái được họ nhìn nhận như là sự thụ động, bất động, thậm chí là tính chất bàng quan, lãnh đạm của phương Đông. Nhưng ta hãy quay về với chính Lão Tử.
“Theo việc học, không ngày nào không được. Theo Đạo, không ngày nào không mất. Nhưng càng mất nhiều thì lại càng tiến gần đến vô vi: không làm gì mà không gì là không được hoàn thành. Người ta bao giờ cũng lấy thiên hạ bằng vô vi - kẻ nào hành động, hữu vi, không lấy được thiên hạ” (“Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi. Vô vi nhi vô bất vi. Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự, cập kỳ hữu sự, bất túc dĩ thủ thiên hạ”(14).
Luận điểm của Lão Tử được xây dựng trên nghịch lý, trên cách nói bỏ lửng. Tri thức thu được qua học tập có thể trở thành không chỉ cái hữu ích mà còn thành cả ngọn nguồn lầm lạc. Vậy nên trong cái có được đã bao hàm cái mất. Tốt nhất hãy từ chối tri thức giả tạo, chỉ tin vào dòng chảy tự nhiên của cuộc sống. Bậc thánh nhân “thuận theo tự nhiên mà không dám tự tiện hành động”(15). Không có bất cứ toan tính nào để làm lại hay cải tạo lại một cái gì đó vì sở thích riêng và gượng gạo - theo Lão Tử, đó là “hành vô vi” (làm vô vi)(16), và điều đó không liên quan gì đến sự thụ động cả.
Giống như mọi phát kiến vĩ đại, học thuyết của Lão Tử giản dị đến thiên tài. Nhưng chiều sâu của cách tiếp cận cuộc sống của nó không những vẫn còn chưa được nhân loại lĩnh hội hết mà còn bị nghi ngờ cho đến tận ngày nay. “Đó là một chân lý vĩ đại, rất thường bị chúng ta lãng quên - Tolstoi nói - Nếu như chúng ta thừa nhận tính hiển nhiên của học thuyết này, thì chúng ta sẽ hiểu rằng không thể nào bắt đầu làm điều thiện trong khi không dừng làm điều ác là cái đối lập với điều thiện”(17).
Đáng tiếc là không nhiều người ngày nay biết và nhớ bài viết Vô vi (Nedelanie) của Tolstoi vì nó không được ấn hành trong các số xuất bản hàng loạt. Trong khi đó, Tolstoi coi nó có ý nghĩa lớn. Còn lưu giữ được cả thảy tám bản thảo qua sửa chữa. Nguyên cớ để viết bài luận chiến sắc sảo này là bài phát biểu của nhà văn Emile Zola để bảo vệ lao động và khoa học, tại một bữa liên hoan sinh viên.
Bài viết Vô vi bắt đầu bằng việc trình bày tư tưởng của nhà triết học Trung Quốc. Tolstoi viết: “Theo học thuyết của Lão Tử, tất cả mọi bất hạnh của con người bắt nguồn không chỉ từ việc họ không làm điều cần làm, mà còn cả từ việc họ làm những điều không cần làm. Bởi thế, con người hẳn là sẽ thoát khỏi mọi tai họa cá nhân, đặc biệt là tai họa xã hội, mà nhà triết học Trung Quốc đã nói về căn bản, nếu như họ tuân thủ vô vi... Và tôi nghĩ rằng ông ấy hoàn toàn đúng”(18).
Trong các suy luận của mình về ý nghĩa của lao động, về nền văn minh, Tolstoi dựa vào học thuyết về đạo. Như vậy cùng với Tolstoi, Lão Tử đã bị cuốn vào cuộc tranh luận trong đó phản ánh trạng thái tinh thần của trí thức châu Âu cuối thế kỷ XIX.
Bài phát biểu của Zola không thoả mãn Tolstoi vì tính chất phiến diện của nó: trong khi nói về lợi ích của khoa học, cái “làm cho cuộc sống lành mạnh, sung sướng và cứu con người khỏi vô số những khổ não”, nhà văn này đã không thấy mặt trái của tấm huy chương. Lao động? Nhưng để làm ra cái gì? Tolstoi hỏi. “Những kẻ làm ra thuốc phiện, những kẻ sáng chế các cỗ máy tàn sát, tất cả các quân nhân và mọi người khác đều làm việc, nhưng hoàn toàn rõ là nhân loại sẽ được lợi nếu như những người lao động này ngừng công việc của mình. Con người cần dừng lại trong giây lát trong hoạt động của mình để nghĩ suy và đối chiếu đòi hỏi của lý trí với cái mà nó đang làm”(19).
Zola kêu gọi thanh niên đừng nhìn lên trên, đừng tin một thế lực tối cao nào, đừng vồ vập với lý tưởng. Tất nhiên nếu là nói về những ngôn từ thần học trống rỗng thì ông đúng, nhưng nếu như không có lý tưởng, không có Chúa trong mình, - Tolstoi nghĩ vậy - thì con người mất khả năng hối cải và khi đó, toàn bộ thế giới có thể bị sụp đổ. Chúng ta hãy nghe Tolstoi: “Như thế, nếu như người ta đề nghị tôi đưa ra một lời khuyên duy nhất mà tôi coi là hữu ích nhất cho con người ở thế kỷ chúng ta, thì tôi có thể nói với họ chỉ một điều: vì Chúa, hãy ngừng lại dù trong giây lát, hãy ngừng làm việc mà nhìn ra xung quanh, hãy suy ngẫm đi, bạn đương là gì và bạn cần thành người như thế nào, hãy ngẫm nghĩ về lý tưởng”(20).
Lão Tử đặt hòa lên vị trí đầu tiên của thang bậc giá trị. Ông thích những thung lũng và những dòng sông hơn ngọn núi cao, chúng luôn luôn cố gắng ở dưới thấp hơn mọi thứ xung quanh: “Đức cao nhất giống như nước. Nước mang lợi cho tất cả mọi vật mà không tranh đấu với chúng” (“Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”(21)). Đây là lời trích từ sách Lão Tử. Trong đó cũng nói “nhu thắng cương, nhược thắng cường”(22).
Hình tượng thung lũng và nước thường xuyên lặp lại trong Đạo đức kinh. Trong sách Đường sống, Tolstoi nhiều lần chú ý đến các hình tượng tượng trưng này. Ở đó, chúng ta đọc thấy “Để trở thành kẻ mạnh, cần giống như nước. Không có gì cản trở nổi, nó cứ chảy; có con đập, nó dừng lại; đập bị vỡ, nó lại chảy; trong thùng tứ giác, nó mang hình tứ giác; trong thùng hình tròn, nó mang hình tròn. Vì nó nhân nhượng nên nó mềm dẻo hơn tất cả, mạnh hơn tất cả”(23).
Thái độ khinh thường của Đạo gia đối với những biểu hiện bề ngoài của vinh quang và sức mạnh, với sự trang trọng giả tạo là rất gần gũi với Tolstoi. Bản chất của sự vật là nguyên lý nữ tính. Lão Tử xem xét cuộc sống không phải từ quan điểm phụ nữ mà trái lại, ông đề cao cái đẹp nữ tính mềm mại, đối lập với sức mạnh nam giới thô thiển. Ông đối lập những dấu hiệu bề ngoài của vẻ trang trọng giả tạo với giá trị chân chính của cái yếu, cái nhỏ bé.
Sự phát triển của loại quan niệm đạo đức như thế tất nhiên dẫn đến sự phủ nhận chiến tranh và mọi thứ bạo lực.
“Sau khi bắt đầu đọc chương 31 của sách Lão Tử, Tolstoi thốt lên: “Thật tuyệt vời, ông ấy đã nói hết cả! Vĩ đại thay Lão Tử! Từ ba ngàn năm trước ông đã phủ nhận chiến tranh vô điều kiện. Thật đáng khâm phục”, đây là hồi tưởng của dịch giả người Nhật Bản Konisi Masutaro. Trong chương này có nói “Quân đội tốt là phương tiện gây ra bất hạnh, tất cả đều ghét nó. Bởi thế, người theo Đạo không sử dụng nó...”. (“Phù giai binh giả bất tường chi khí, vật hoặc ố chi, cố hữu đạo giả bất xử...”(24)) ƒ.
Đọc sang dòng sau, Tolstoi bỗng chau mày. Ở đó lại nói: “Quân đội là công cụ của bất hạnh, người (lãnh đạo) quân tử không cố ý sử dụng, anh ta chỉ dùng nó khi bắt buộc” (“binh giả, bất tường chi khí, phi quân tử chi khí, bất đắc dĩ nhi dụng chi”(25)) . Tolstoi phẫn nộ: “Thế gọi là thỏa hiệp”. Vừa nói môi còn chưa khô “quân đội là công cụ của bất hạnh” mà đã chuyển sang ý khác “khi bắt buộc dùng nó...”. Lão Tử không thể nào nói điều tương tự như thế. Hay là người sau thêm vào? Cần làm sáng tỏ”(26).
Dẫu sao thì Tolstoi không trở lại câu này nữa, ông không đưa nó vào bất cứ một “cuốn sách cho nhân dân” nào của mình, cũng không đưa vào sách Các tư tưởng của các bậc hiền triết dùng cho hàng ngày, cũng không đưa vào sách Đường sống. Nhân tiện phải nói các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đại cũng nghi ngờ tính xác thực của câu nói này, cho nó là sự sai lầm của các bản chú đời sau. “Cần kỷ niệm chiến thắng bằng tang lễ”, đó là Lão Tử chân chính (“Chiến thắng dĩ tang lễ xử chi”(27)) .
Tolstoi cùng Lão Tử thuyết phục chúng ta rằng hiện tại của chúng ta cần thay đổi tận gốc rễ. Nhưng để đổi mới, cần tái định hướng những quan niệm giá trị của chúng ta. Chúng ta cần suy ngẫm và ý thức được rằng mình không phải là trung tâm của vũ trụ mà chỉ là một bộ phận của cái chỉnh thể thống nhất mà thôi.
Ở Lão Tử biểu trưng triết học của nước là hòa. Không ngoan ngoãn mà là hòa vì tình yêu và sự đồng cảm với người xung quanh. Không có tình yêu với con người, không thể có được sự cổ súy như vậy. Từ tình yêu với con người đã ra đời một cuốn sách vĩ đại về đạo, do Lão Tử viết vào những ngày loạn lạc và đầy đau khổ của nhân dân. Ông truyền dạy “Ta làm cho điều thiện thành điều thiện, ta cũng làm cho cả điều ác thành điều thiện” (“Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi”(28)) . So sánh điều này với giáo lý của đạo Kitô về tình yêu với người xung quanh - không phải là người thân, không phải là “người của mình” mà là với kẻ thù và kẻ gây hấn với ta. “Hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa ngươi, và hãy cầu nguyện cho những kẻ xúc phạm ngươi” (L.K.6, 28) - Đức Kitô kêu gọi như vậy.
Tolstoi khẳng định: “Bản chất học thuyết của Lão Tử cũng giống như cái bản chất của đạo Kitô”. Và ông giải thích: “Bản chất của cả hai nằm trong sự biểu lộ cái bản nguyên tinh thần thánh thiện thông qua sự khước từ toàn bộ cái nhục thể, cái bản nguyên tinh thần ấy làm nên cơ sở của đời sống con người”(29).
Tất nhiên vũ trụ luận của nhà triết học Trung Quốc khác với vũ trụ luận Kitô giáo, cũng không có ở Lão Tử khái niệm “Bogosynovstvo” (các con của Chúa). Nhưng Tolstoi không tìm những khác biệt khó hòa giải mà cố tìm kiếm một cái gì đó chung, kết đoàn con người, hình thành nên hạt nhân của tình huynh đệ toàn nhân loại, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng.
Trong Đạo đức kinh có nói “Hình thức bên ngoài là hoa của đạo, là đầu mối của dốt nát. Bởi thế [bậc đại nhân] lấy cái trọng yếu mà bỏ cái nhỏ nhặt. Ông ta lấy quả mà bỏ hoa. Ông coi trọng cái trước mà từ chối cái thứ hai” (“Tiền thức giả đạo chi hoa, nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu xử kì hậu, bất cư kì bạc, xử kỳ thực, bất cư kì hoa, cố khử bỉ thủ thử”(30)) .
Tolstoi không coi Kinh thánh là chân lý duy nhất, không đặt đạo Kitô cao hơn các tôn giáo khác. Trong sách Đường sống, các chương Chúa và Tình yêu xếp cạnh với chương Vô vi.
Trong thời gian viết Chiến tranh và hòa bình Tolstoi chưa làm quen với triết học Lão Tử. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là quan niệm triết học đạo đức trong cuốn tiểu thuyết của Tolstoi, kiểu tư duy và tính chất hành vi của các nhân vật yêu mến của ông dường như đồng điệu với học thuyết của nhà triết học Trung Quốc.
Nhưng chính “những dấu hiệu phương Đông” trong Chiến tranh và hòa bình đã gây nên những tranh luận gay gắt nhất ngay sau khi cuốn tiểu thuyết được công bố trong tạp chí Russkii vestnik (Người đưa tin Nga). Kutuzov, nhiều người nói, đã bị Tolstoi “hạ nhục”, nhà văn đã xuất phát từ những lý thuyết giả dối và tạo nên một hình tượng phiến diện, bịa đặt, buông thả theo “chủ nghĩa định mệnh hoang dã phương Đông”. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu còn không đưa Kutuzov vào số các nhân vật yêu mến của Tolstoi trong Chiến tranh và hòa bình. Không chỉ giới phê bình Nga, cả giới phê bình Tây Âu cũng không thể tha thứ nhà văn vì việc ông “lạc xa vào các thảo nguyên châu Á”.
Có thực là Kutuzov, như đã được Tolstoi thể hiện - đó là một tướng lĩnh không làm gì cả, là người theo chủ nghĩa định mệnh với những nét thần bí “thuần túy châu Á” của tính cách Nga?
Trong cung đình, nhiều người nói về tính lười biếng và sự láu cá của Kutuzov, nhưng Tolstoi không khẳng định điều đó. “Một vị thống chế già nua, to béo, ngái ngủ như mọi người trong cung đình và lười nhác, như những cận thần trẻ tuổi của hoàng thượng vẫn gọi ông...”, - Tolstoi viết, rõ ràng giữ khoảng cách với những đánh giá tương tự.
Quả thật, hành xử của Kutuzov không thích hợp với quan niệm phổ biến lúc đó về phẩm chất một vị tướng quân. Những sĩ quan trẻ tuổi than vãn, vì không hiểu được ý nghĩa ngầm ẩn của sự “vô vi” của Kutuzov. Ngay bản thân Kutuzov trong khi nói chuyện với công tước Andrei đã bộc lộ cái lý do ngầm ẩn tạo nên cơ sở của vẻ “vô vi” của ông. Ông nói:
“Chiếm pháo đài không khó, cái khó là thắng cả chiến dịch. Mà để được như thế thì không cần xung phong và tấn công, mà cần kiên nhẫn và thời gian... Mà này, anh bạn thân mến, không gì mạnh hơn hai người chiến binh ấy, cần kiên nhẫn và thời gian; những người ấy sẽ làm tất cả mọi thứ, mà những tay cố vấn không nghe thấy điều đó, đau khổ là ở chỗ đó! Một số người muốn, nhưng một số khác lại không muốn. Làm gì đây? Mình sẽ nói với cậu phải làm gì và mình nghĩ gì. Hãy do dự, anh bạn ạ, - ông chợt im lặng một chút - hãy tự kiềm chế”(31).
Qua tuệ giác của công tước Andrei thông minh, Tolstoi đã đưa ra sự đánh giá những phán xét của viên thống chế: “Ở ông ta sẽ chẳng có gì của mình cả. Ông ta chẳng nghĩ ra được điều gì, chẳng quyết định một điều gì, - công tước Andrei nghĩ - nhưng ông ấy sẽ nghe tất, nhớ tất, đặt tất cả vào đúng vị trí, không cản trở bất cứ điều gì có ích, và sẽ không cho phép một điều gì có hại. Ông ấy hiểu rằng có một cái gì mạnh hơn và có ý nghĩa hơn ý chí của ông ta, - đó là tiến trình tất yếu của các sự kiện, và ông biết nhìn ra chúng, biết hiểu ý nghĩa của chúng và vì ý nghĩa này, biết tránh không tham gia vào các sự kiện này, tránh ý chí cá nhân hướng đi nơi khác...”(32).
Sự dường như “vô vi” của Kutuzov thuộc về hành động ý chí, giống như Lão Tử. Ông tránh không hành động, tránh nỗ lực ý chí hướng đến hành động vì biết nhìn thấy tiến trình tất yếu của các sự kiện và hiểu được ý nghĩa lịch sử của chúng. Trong các trích dẫn trên chúng ta thấy những động từ nhấn mạnh hoạt động tư tưởng bên trong của Kutuzov (nhớ, biết nhìn, hiểu), và song song – những động từ phủ nhận hành động bên ngoài (không quyết định, không cho phép, biết tránh không tham gia). Kutuzov biểu lộ sự không tiếp nhận những sự việc không phù hợp cái nhìn của ông đối với sự phát triển của các sự kiện. Vào những giây phút quyết định, ông sẽ biểu lộ sự cương quyết và bảo vệ quan điểm của mình.
Nếu đọc văn bản tiểu thuyết một cách chăm chú, thì hóa ra Kutuzov, “vô vi” sau khi rút lui khỏi Moskva, sợ nhất là Napoléon cũng “vô vi” như thế. Sau khi vào Moskva thất thủ, Napoléon có những hành động quân sự - chính trị... hối hả, nhưng Kutuzov không quan ngại điều đó: “Ông nghĩ ra mọi kiểu tiến quân của quân đội Napoléon, tất cả hay một bộ phận của nó về phía Peterburg, tiến thẳng đến hay đi vòng quanh Peterburg, nghĩ ra (điều mà ông sợ hơn cả) cả tình huống ngẫu nhiên, khi Napoléon sẽ chiến đấu chống lại ông bằng ngay vũ khí của ông, tức là hắn sẽ ở lại Moskva, chờ đợi ông”(33).
Nhưng sự ngẫu nhiên đã không xảy ra. Khi mà chỉ riêng Kutuzov biết rằng nó không thể xảy ra, thì chỉ có mình ông “hiểu được ý nghĩa của sự kiện đã hoàn thành. Quân đội của Napoléon, theo niềm tin của nhà văn, “không thể trông chờ vào một điều gì, bởi vì nó mang trong mình... những điều kiện không tránh khỏi của cái chết”(34). Nhà văn xuất phát từ quan điểm đạo đức luận về lịch sử. Trong xâm lược, không có lẽ phải về đạo lý.
Theo Tolstoi, công lao của Kutuzov không phải là ở thao diễn chiến lược mà là ở sự “vô vi” có ý thức. Khi không chỉ các tướng lĩnh, mà chính bản thân Sa hoàng trong một bức thư đã buộc tội nguyên soái không chịu hành động và nhắc nhở rằng ông “phải chịu trách nhiệm trước Tổ quốc về việc để mất Moskva” thì Kutuzov vẫn cứ đáp lại bằng sự “vô vi”. “Một mình ông ta, người trên cương vị một nguyên soái, cần phải tổ chức để tấn công - thì một mình ông ta lại vận dụng hết sức lực để kìm giữ quân Nga không tham gia những trận đánh vô ích”(35). Hãy chú ý đến lập luận của bản thân Kutuzov:
“Họ cần phải hiểu rằng nếu tấn công, chúng ta chỉ có thể thua. Sự kiên trì và thời gian, đó chính là những chiến binh tráng sĩ của chúng ta! - Kutuzov nghĩ. Ông biết rằng không nên vặt quả táo khi còn xanh, vì sẽ làm hỏng cả quả và cây, lại còn chua ghê răng nữa”(36).
Và sau khi Napoléon rút khỏi Moskva, Kutuzov đã hết sức chống lại các tướng lĩnh, những người đòi hỏi một cuộc chiến tranh hủy diệt ngay lập tức. “Cục tuyết không thể làm chảy ngay trong giây lát. Có giới hạn rõ ràng về thời gian mà nếu sớm hơn, không một sức nóng nào có thể làm tan ngay được cục tuyết. Trái lại, cái nóng càng lớn, phần tuyết còn lại càng cứng. Ngoài Kutuzov ra, các tướng lĩnh Nga không ai hiểu được điều đó”(37). Sự “vô vi” của Kutuzov nhiều năm sau lại được Tolstoi lý giải trong khi đánh giá về Lão Tử. Những hình ảnh quả táo xanh, cục tuyết được dùng trong Chiến tranh và hòa bình như là ẩn dụ về “vô vi” là hết sức gần gũi với hình ảnh tương tự mà nhà văn đã dẫn ra khi giải thích bản chất học thuyết Lão Tử. Ông viết: “Tựa như hoàn toàn không nên cố sức lôi chú gà con ra từ trong vỏ trứng... Làm thế chỉ có hại cho con gà. Đến đúng thời điểm, tự nó sẽ chui ra, bằng sức mạnh bản chất của mình. Vậy nên “vô vi” không có nghĩa là không làm gì mà có thể là một trong những quá trình tích cực nhất về độ tập trung trong cuộc sống chúng ta”(38). Đối với Tolstoi, “vô vi” là triết học của “sự hiểu biết vĩ đại”.
Như vậy, tư tưởng và hành động của Kutuzov, lúc đầu xem ra lạ lùng, ngày càng tỏ ra có lý. Trước Tolstoi, chỉ có Pushkin với sự tinh tường thiên tài đã nhìn thấy tính hiền triết của sự không hành động “đầy hành động” của Kutuzov. Ông viết: “Chỉ riêng Kutuzov mới có thể bày bố trận Borodino, chỉ có Kutuzov mới trao Moskva cho kẻ thù, chỉ Kutuzov mới có thể ngồi trong sự không hành động đầy hành động khôn ngoan này, trong khi thôi miên Napoléon trên đống tro tàn Moskva và chờ đợi giây phút định mệnh: bởi vì riêng Kutuzov được sự ủy quyền của nhân dân, và ông đã tỏ ra xứng đáng với sự uỷ quyền đó một cách kỳ diệu”(39).
Pushkin đã đưa ra một định thức chính xác về ý nghĩa lịch sử của sự “vô vi” của Kutuzov - “sự không hành động đầy hành động khôn ngoan”, phân biệt với sự bó tay thúc thủ hay chủ nghĩa định mệnh. Dường như Tolstoi tiếp tục tư tưởng của Pushkin, mở rộng và đào sâu nó trong khi sáng tạo nên hình tượng Kutuzov.
Như đã nhận xét, theo Tolstoi, công lao của Kutuzov không phải ở hoạt động chiến lược có tính toán kỹ mà ở sự hiểu biết “ý nghĩa của sự kiện đang hoàn tất”, hiểu biết “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” đang điều khiển các sự kiện lịch sử.
Kutuzov cảm nhận tận đáy lòng “tư tưởng nhân dân”, cái tư tưởng đối với ông là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, dường như ông thâm nhập vào nó và tan biến trong nó, hòa quyện với nó, tin cậy nó. Và điều đó cho phép ông bằng cách nào đó nhìn thấy, cảm thấy tiến trình tự nhiên của các sự kiện và không cản trở tiến trình đó mà đứng trong nó, trong lòng tiến trình ấy. Trong khi nghiên cứu lịch sử cuộc chiến tranh với Napoléon, Tolstoi đi đến kết luận rằng nét tính cách căn bản này của vị nguyên soái Nga quan trọng hơn nhiều so với các phương diện chiến lược khác.
Kutuzov làm gì vào giờ phút giãy chết của đội quân Napoléon, khi mà khắp nơi sôi sục khí thế trả thù? Đối với Kutuzov, “cái chết của quân Pháp mà riêng ông đã tiên đoán”, là “một mong muốn duy nhất trong tâm hồn ông”. Song ông lại nói với các tướng lĩnh về “chiếc cầu vàng” dành cho đội quân rút lui để nhanh chóng rửa sạch đất nước Nga khỏi kẻ thù. Tổng tỉnh trường Moskva Rastopchin đã gọi Kutuzov là một nguyên soái điên rồ, người đã xúc phạm “tình cảm Nga”, và đòi được “báo thù”.
Nhưng Kutuzov hiểu rằng bây giờ khi kẻ thù đã bị đánh bại và mỗi tên giặc rút lui “chỉ muốn một điều - đầu hàng” thì một cuộc chiến hủy diệt là vô nghĩa. Ông phán xét: “Đánh nhau, chặn đường, tổn thất mạng người, đánh đập dã man những kẻ bất hạnh để làm gì? Tất cả những thứ đó để làm gì khi mà từ Moskva đến Viazma một phần ba đạo quân đó đã tan vỡ không cần một trận đánh nào?”(40). Sự thương xót thay cho khao khát báo thù chính là sự phản ánh “tư tưởng nhân dân” mà Kutuzov mang trong mình. Chống lại cái ác chỉ có thể bằng việc làm điều thiện. Kutuzov phủ nhận lòng căm thù và sự phá huỷ.
Như là một người mang tình cảm nhân dân sâu sắc, Kutuzov đặc biệt đáng nhớ khi người ta mang đến ông tin về quân Napoléon triệt thoái khỏi Moskva:
“Lạy Chúa sáng thế, người đã nghe thấy lời cầu nguyện của chúng con...- ông nói bằng một giọng run rẩy, hai tay chắp lại. – Nước Nga đã được cứu rồi, xin cảm tạ Người, lạy Chúa! - rồi ông oà khóc”(41).
Không hân hoan mà òa khóc! Ông khóc vì sung sướng vì Tổ quốc đã được cứu nguy, khóc vì hiểu rằng: đằng sau những chiến công là tổn thất hàng ngàn sinh mạng không thể bù đắp được.
Trong ý thức nhân dân, chiến tranh bao giờ cũng là “một cái gì đó chống lại bản chất tự nhiên của con người”. Kutuzov coi sứ mệnh của mình đã hoàn thành, khi hành động quân sự chuyển ra ngoài biên giới của Tổ quốc. Ông đã chết ngay trên biên giới Nga. Tolstoi đã không cần phải miêu tả trận đánh Leipzig hay việc chiếm Paris nữa.
Và đến đây, ta lại nhớ tới sách Lão Tử. Trong đó có nói “Người tướng giỏi chiến thắng và dừng lại ở đó, ông ta không dám thực hiện bạo lực” (“Thiện giả quả nhi dĩ, bất dĩ cảm thủ cường”)(42). Ở chương 31, ta đọc thấy: “Điều quan trọng là tuân thủ sự bình tĩnh, còn khi chiến thắng đừng khoe khoang. Khoe khoang chiến thắng tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không giành được cảm tình trong nước... Cần kỷ niệm chiến thắng bằng tang lễ” (“điềm đạm vị thượng, thắng nhi bất mỹ, nhi mỹ chi giả, thị lạc sát nhân, phù lạc sát nhân giả, tắc bất đắc chí ư thiên hạ hĩ... chiến thắng dĩ tang lễ xử chi”(43)) ˆ.
Học thuyết “vô vi” của Lão Tử ra đời từ tình yêu con người. Nhà triết học cổ đại, sống trong thời đại loạn lạc và tàn bạo, khi cả đất nước cháy trong ngọn lửa huynh đệ tương tàn vô nghĩa, đã kêu gọi con người hãy dừng lại dẫu chỉ giây lát để ngoái nhìn quanh mình, nghĩ về mình và thiên chức của mình. Điều này chính Tolstoi đã viết trong bài Vô vi: hãy nghĩ “bạn đương là gì và bạn cần thành người như thế nào, hãy ngẫm nghĩ về lý tưởng”(44). Trong sự cần thiết phải suy ngẫm này, Tolstoi nhìn thấy ý nghĩa của “vô vi”, bản chất của việc nhà hiền triết cổ đại phủ nhận chiến tranh. “Tư tưởng nhân dân” mà Tolstoi diễn đạt trong Chiến tranh và hòa bình hòa điệu với tư tưởng “vô vi” của Lão Tử.
Hiển nhiên, thiên sử thi vĩ đại của Tolstoi được khích lệ trước hết bởi lịch sử nước Nga, đời sống Nga, bởi các truyền thống của nó. Như D.S. Likhachev đã khẳng định, cơ sở của các quan điểm triết học của Tolstoi là “cơ chất Nga cổ đại” hiểu theo nghĩa rộng. Nó phủ nhận các cuộc viễn chinh đi xa ngoài biên giới Nga, nó hiểu sự vĩ đại thực sự nằm trong sự giản dị và chân thực, nó tôn sùng những chiến công vô danh gắn liền với đạo lý đã được xây dựng trong triết học của sử biên niên Nga sau thế kỷ XIII: “Quan niệm của Chiến tranh và hòa bình – đó là quan niệm mở rộng của các thiên truyện chiến tranh Nga ở các thế kỷ XIII-XVII”(45).
Nhưng đồng thời đáng chú ý là lời thừa nhận của chính Tolstoi rằng ở các nhà triết học Tây Âu và phương Đông trong quá khứ, ông đã “tìm thấy cũng những chân lý ấy - mà ông phải rất khó khăn mới đạt đến được”(46).
Vấn đề là ở chỗ, Tolstoi làm quen với Lão Tử 10 năm sau khi hoàn thành Chiến tranh và hòa bình. Dựa trên sự kiện này, nhà nghiên cứu người Nhật Suekane Takeo cho rằng mặc dầu trong tiểu thuyết của Tolstoi có không ít những đoạn gợi nhớ đến sách Lão Tử, nhưng không thể nói về ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng nhà triết học Trung Quốc đến nhà văn Nga(47). Tất cả điều đó đều đúng cả, nhưng điều thú vị to lớn đối với chúng ta chính là sự tương đồng loại hình của các quan điểm triết học của hai người khổng lồ của tư tưởng thế giới.
E.I. Rachin trong cuốn sách về những tìm kiếm triết học của Tolstoi đã nói lên một ý thú vị: “Sự gắn bó dài lâu với triết học Trung Quốc cổ đại, khoái lạc tinh thần không ngớt mỗi lần đọc lại Khổng Tử, Lão Tử cho thấy sự lựa chọn đầy ý thức những người thầy của mình ở Tolstoi. Học thuyết của họ phù hợp với những quan điểm riêng của ông và bởi thế trở thành một phần trong cuộc sống của ông”(48). Đây là nói về Tolstoi chặng cuối đời. Lẽ nào lại sai lầm nếu ta giả định rằng ở nhà văn Nga vĩ đại này, đã có một tiên cảm thiên tài nào đó đối với phương Đông, qua những quan niệm đạo đức và vũ trụ luận của ông, và điều đó đã được phản ánh một phần trong Chiến tranh và hòa bình.
Ngay khi đang viết Chiến tranh và hòa bình, Tolstoi đã bộc lộ nỗi lo rằng độc giả không lĩnh hội được tư tưởng thâm túy của tác phẩm. Tháng 3 năm 1863, trong thư gửi Pogodđin, ông viết: “Những tư tưởng của tôi về danh giới giữa tự do và lệ thuộc và quan điểm của tôi về lịch sử không phải là nghịch lý ngẫu nhiên xâm chiếm tôi trong nhất thời. Những tư tưởng này là kết quả lao động trí óc suốt đời tôi và làm nên một phần của cái thế giới quan mà chỉ có riêng Chúa mới biết chúng đã hình thành trong tôi một cách khó khăn, đau đớn, và đã cho tôi sự thanh thản hoàn toàn và hạnh phúc như thế nào. Nhưng đồng thời, tôi đã và vẫn biết rằng trong cuốn sách của tôi người ta sẽ khen ngợi sự đồng cảm đối với một tiểu thư, cái cười đối với Speranski và mọi điều nhảm nhí khác vừa với sức cảm thụ của họ, còn cái chính yếu sẽ chẳng có ai nhận thấy”(49).
Lịch sử nghiên cứu Chiến tranh và hòa bình đã xác nhận sự lo lắng của nhà văn. Ngay giới phê bình đương thời với ông đã hoài nghi toàn bộ quan điểm của cuốn tiểu thuyết. Bài viết của N. Shelgunov có nhan đề Triết học của sự trì trệ (1871). Nhà phê bình này viết: “Tolstoi nói rằng hành động tích cực không phải là sức mạnh chân chính mà trái lại, sự yếu ớt của trí não mới là động lực. Nhưng điều đó hoàn toàn đối lập với điều mà các nhà tư tưởng thời mới dạy chúng ta. Ai đúng đây? Auguste Comte hay Tolstoi? Phương Tây hay phương Đông? Ai dẫn dắt lịch sử thế giới? Người châu Âu hay người châu Á?”(50).
Sự phẫn nộ đối với triết học “trì trệ” phương Đông là điểm chung cho các nước đang bước vào con đường hiện đại hóa. Tolstoi không xếp mình vào khuôn khổ của những tư tưởng thời mới với chủ nghĩa duy lý của nó, với sự sùng bái anh hùng và với khao khát không gì có thể hạn chế vươn đến “thành công”. Điều đáng chú ý là các tạp chí triết học của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX cũng đầy rẫy những bài báo “vạch trần” triết học “trì trệ” của Lão Tử, người dường như có lỗi trước sự tụt hậu của châu Á so với châu Âu. Sự sùng bái Napoléon, con người hoạt động và đầy năng lượng là tiêu biểu cho phương Đông đang hiện đại hóa.
Những hưởng ứng của Nhật Bản đối với bài viết Vô vi của Tolstoi dè dặt đến mức, tác giả của bút ký Phê phán lý luận của Tolstoi về vô vi (1895) đã liệt quan điểm của nhà văn vào loại “ảo tưởng không tưởng”, kìm hãm tiến bộ xã hội.
Một ví dụ khác cũng tiêu biểu. Tháng 9-1928, trên hai số của một tờ báo trung ương Triều Tiên Ton’a Il’bo (Đông Á nhật báo) đã đăng một bài viết về Tolstoi, tác giả là Tổng lãnh sự Nga Chichaev viết theo yêu cầu của tờ báo nhân dịp 100 năm ngày sinh nhà văn. Sau khi chia sáng tác của Tolstoi ra tích cực và tiêu cực, tác giả bài viết khuyên độc giả Triều Tiên từ chối những tác phẩm trong đó tuyên truyền “chủ nghĩa hư vô”, phủ nhận những “qui luật phát triển chung của xã hội loài người”. Tác giả kết luận, chỉ cần chú ý đến “sự trì trệ” của các dân tộc châu Á để hiểu tác hại của những lý thuyết sai trái của nhà văn Nga(51).
Học thuyết về vô vi tồn tại đã nhiều thế kỷ. Nhưng con người không theo nó, sự hãm hại lẫn nhau vẫn đang tiếp diễn. Cần làm gì để thực hiện tư tưởng vô vi này? Cần thay đổi quan niệm của chúng ta về cuộc sống, Tolstoi trả lời, cần diễn ra những thay đổi trong bản thân ý thức của con người. Sự sùng bái tồn tại vật chất, sự độc tôn ý chí cá nhân đã dồn nền văn minh vào ngõ cụt; sự sùng bái đó cần nhường chỗ cho sự tự ý thức của con người về mình như là một thực thể tinh thần.
Tolstoi từng ước mơ xuất bản một “Tủ sách toàn thế giới”, được xem như một Kinh thánh nào đó của cả nhân loại. Nhà báo Anh William Stad thăm nhà văn ở Jasnaia Poliana tháng 5 năm 1888, nhớ lại: “Ông có một thái độ kính trọng sâu sắc đối với những người Trung Quốc - Khổng Tử, Mạnh Tử, và Lão Tử. Cần phải xuất bản sách của họ gần như là vào loại hàng đầu, cũng như một cuốn sách trình bày bản chất đạo Phật”(52). Những cuốn sách này cùng với Kinh Thánh, với các tác phẩm của các nhà tư tưởng châu Âu vĩ đại, theo tư tưởng của Tolstoi, sẽ phải “phục vụ cho hàng triệu độc giả như là thứ sách công cụ trong lao động và đời thường”, sẽ phải ảnh hưởng đến “sự phát triển chung của lịch sử”.
Và cần nói rằng, khi châu Á đang hiện đại hóa, vì khinh thường di sản của chính mình, lao vào cuộc “chạy thoát khỏi châu Á”, Tolstoi đã góp phần không nhỏ thúc đẩy “sự quay lại với châu Á” của giới trí thức phương Đông.
Học thuyết về đạo ngày càng nhận được sự thừa nhận rộng rãi hơn trên thế giới. Đạo đức kinh ngày nay thuộc số những sách được dịch nhiều nhất cả ở phương Đông và phương Tây. Lão Tử coi là phi lý nếu sống như cũ, áp dụng những phương châm sống thông dụng. Nhà triết học cổ đại nói, ví dụ, về lợi ích của cái vô ích: từ đất sét người ta làm ra bình chứa, nhưng việc sử dụng các bình chứa phụ thuộc vào sự trống rỗng trong chúng(53). Con người không nhất thiết luôn luôn lao vào công việc, cần biết làm chủ mình, cần ở trạng thái “trống rỗng” trong bản chất sâu sắc của mình, giữ được “cái tôi” của mình.
Phương pháp tiếp cận duy lý đối với tồn tại, với phương pháp nhận thức bằng phân tích lí trí lạnh lùng ngày càng bị hoài nghi. Trong các cuộc tìm kiếm ý nghĩa của tồn tại nhân loại, phương Tây ngày càng hướng về phương Đông, về di sản triết học của nó.
Vậy những bài học về sự làm quen của Tolstoi với Lão Tử nói lên điều gì ngày nay, khi mà óc tự ái dân tộc và tôn giáo đang hoành hành? Chỉ có thể sáng tạo ra những giá trị tinh thần mới bằng các tất cả hợp lực, sau khi học được cách hiểu và trân trọng không chỉ “cái của mình” mà cả “cái của người”: ở Lão Tử, Dương (sáng) và Âm (tối) không chống nhau mà bổ sung cho nhau, tạo nên một sự hài hòa của Cái chỉnh thể.
______________

(1) Tolstoi L.N. Toàn tập, Tập 1-90 , M. 1928-1952.
(2) Kliuchnikov S: Định hướng phương Đông của văn hóa Nga // Giao điểm Âu-Á tại Nga. M, 1977.
(3) Stupishin V. Những người Âu-Á mới// báo Nezavisimost, 06.11. 1998.
(4) Phukuzawa Iukiti: Dzensui (Toàn tập), Tập 10. Tokio, 1958, tr.125.
(5) Kato Suiti: Nihon Bungakusi Dzesesu (Dẫn luận lịch sử văn học Nhật Bản), Tập2, Tokio, 1980, tr.30.
(6) Tolsto L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 76, tr.63.
(7) Oota Saburo: Honiaku bungaku (Văn học dịch), Tokio 1959, tr.12.
(8) Rekho K: Văn học cổ điển Nga và văn học Nhật Bản, M, 1987.
(9) Rolland R. Toàn tập, Tập 14, M. 1933, tr.328.
(10) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 57, tr.37.
(11) Makovitski D.P: Với Tolstoi: Những bút ký viết ở Iasnaia Poliana, Quyển 2, M. 1979, tr.348.
(12) Như trên, tr.480.
(13) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 39-40, tr.351.
(14) Từ sách của các nhà hiền triết, M, 1987, tr.56.
(15) Triết học cổ đại Trung Quốc, Tập 1, M, 1972, tr.134.
(16) Như trên, tr.135.
(17) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 40, tr.338.
(18) Như trên, Tập 29, tr.185.
(19) Như trên, Tập 29, tr.35.
(20) Như trên, Tập 29, tr.41.
(21) Triết học cổ đại Trung Quốc, Tập1, tr.117.
(22) Như trên, tr. 126.
(23) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 40, tr.143
(24) Triết học cổ đại Trung Quốc, Tập 1 tr.124.
(25) Như trên.
(26) Kimura Takesi. Rosi kaisesu (Bình luận bản dịch sách Lão Tử ra tiếng Nga), Tokio, 1968, tr.22-23.
(27) Triết học cổ đại Trung Quốc, Sđd, Tập 1 tr.124.
(28) Như trên, tr.129.
(29) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 29, tr.351.
(30) Triết học cổ đại Trung Quốc, Sđd, Tập1 tr.126.
(31) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.172.
(32) Như trên, tr.173.
(33) Như trên, Tập 12, tr.112.
(34) Như trên, tr.114.
(35) Như trên , tr.70.
(36) Như trên, Tập 11, tr.172.
(37) Như trên, Tập 12, tr.116-117.
(38) Phỏng vấn và trò chuyện với Tolstoi. (V.Ia Lakshin biên soạn). M. 1986, tr.377.
(39) Pushkin A.S. Toàn tập, Sđd, Tập 5, 1949, tr.485-486.
(40) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 12, tr.117.
(41) Như trên, tr. 113.
(42) Triết học cổ đại Trung Quốc, Tập 1, tr.124.
(43) Như trên.
(44) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 29, tr.41.
(45) Likhachev D.S: Văn học- Thực tại- Văn học, L. 1981, tr.133.
(46) Makovitski D. Sđd, tr. 307.
(47) Suekane Takeo: Tolstoi và Lão Tử // Dzimbungaku (Các khoa học xã hội). Đại học Dosisia, Kioto, 1961, tr.92.
(48) Rachin E.I. Những tìm kiếm triết học của Lev Tolstoi, M., 1993, tr.144.
(49) Tolstoi L.N. Toàn tập, Sđd, Tập 61, tr.195.
(50) Shelgunov N.V. Tác phẩm, Tập 2, Sant Peterburg, 1895, tr.392.
(51) Ton’a I’lbo (Đông Á nhật báo), 9.9. 1928.
(52) Di sản văn học, Tập 75 - Tolstoi và thế giới bên ngoài, Quyển 2, M. 1965, tr.110.
(53) Triết học cổ đại Trung Quốc, Tập 1, tr.118.
____________________________

 Nguyễn Hiến Lê dịch: “Theo học (hiểu theo nghĩa thường) thì mỗi ngày (dục vọng và tinh thần hữu vi) một tăng; theo đạo thì mỗi ngày (dục vọng và tinh thần hữu vi) một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi, không làm. Không làm mà không gì là không làm. Trị thiên hạ thì nên vô vi, còn như hữu vi thì không trị được thiên hạ”) (Các phần dịch của Nguyễn Hiến Lê trong bài đều do người dịch bổ sung, căn cứ theo sách Đạo đức kinh. Nxb. Văn hóa- Thông tin, H, 1998).
Nguyễn Hiến Lê dịch: “Người thiện vào bậc cao (có đức cao) thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào”.
ƒ Nguyễn Hiến Lê dịch: “Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người có đạo không thích dùng nó...”.
Nguyễn Hiến Lê dịch “binh khí là vật bất tường, không phải là của người quân tử, cho nên bất đắc dĩ phải dùng nó”.
Nguyễn Hiến Lê dịch “Chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử”.
Nguyễn Hiến Lê dịch “Thánh nhân tốt với người tốt, tốt với cả người không tốt”.
Nguyễn Hiến Lê dịch: “Dùng trí tuệ để tính toán trước, thì [mất cái chất phác] chỉ là cái lòe loẹt [cái hoa] của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội. Cho nên bậc đại trượng phu [người hiểu đạo] giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi, giữ đạo mà không dùng trí xảo, bỏ cái này mà giữ cái kia”.
ˆ Nguyễn Hiến Lê dịch: “... bất đắc dĩ phải dùng nó (binh khí) mà dùng đến thì điềm đạm [bình tĩnh, giữ được hòa khí, tránh cực đoan] là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lý tưởng trị thiên hạ... chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử”.

Nguồn: Viện văn học