Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

23. Thế giới năm 2012: Từ góc nhìn an ninh biển

21:56' 28/12/2012
TCCSĐT - Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, nhất là nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên dầu mỏ vào năm 2050 đang cận kề, các nước đặc biệt quan tâm đến vai trò của biển và đại dương. Riêng năm 2012, biển còn được coi là một điểm nhấn về an ninh, với nhiều sự kiện gây quan ngại cho cả thế giới.

Nỗi lo “huyệt đạo”

Hoóc-mút (Hormuz) là dải biển hẹp ngăn cách I-ran với Ô-man và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đồng thời cũng là eo biển duy nhất kết nối vùng Vịnh Ba Tư giàu trữ lượng dầu mỏ với thế giới bên ngoài. Số dầu I-ran, I-rắc, Cô-oét, Ca-ta, A-rập, và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất sản xuất được các tàu dầu vận chuyển đi qua eo biển Hoóc-mút mỗi ngày.

Bộ Năng lượng Mỹ gọi nơi đây là “nút nghẽn dầu khí quan trọng nhất thế giới”. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu eo biển bị chặn lâu dài, giá dầu thế giới có thể tăng lên 50% và nền kinh tế thế giới có thể lại bước vào một cuộc suy thoái mới.

Các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã xem eo biển Hoóc-mút là địa điểm chiến lược cố định trong các kế hoạch toàn cầu cần được bảo vệ với bất cứ giá nào.

Là người đầu tiên phát biểu quan điểm này vào tháng giêng năm 1980 sau khi Liên Xô đưa quân vào Áp-ga-ni-xtan, Tổng thống Mỹ Gim-mi Các-tơ (Jimmy Carter) cho rằng, “cuộc xâm chiếm đã đưa lực lượng quân sự Liên Xô đến cách Ấn Độ Dương khoảng 300 dặm và kế cận eo biển Hoóc-mút - tuyến hàng hải mà hầu hết số dầu trên thế giới phải đi qua”.

Theo ông G. Các-tơ, “phản ứng của Mỹ phải hết sức rõ ràng: từ nay trở đi bất cứ cường quốc thù địch nào nỗ lực ngăn chặn tuyến đường biển này đều được xem như tấn công vào quyền lợi của Mỹ, và cần được đẩy lui bằng mọi phương tiện cần thiết, kể cả bằng sức mạnh quân sự”.

Từ đó, “Chủ thuyết Các-tơ” ra đời và dẫn đến thành lập Bộ Tư lệnh Trung Đông (CENTCOM) bảo vệ eo biển Hoóc-mút. Cho đến nay, quyết tâm bảo vệ dòng chảy dầu lửa trong vùng Vịnh Ba Tư này của chính phủ Mỹ vẫn không hề suy giảm. Tổng thống đương nhiệm B. Ô-ba-ma (Barack Obama) cũng đã nói rõ, ngay cả khi lực lượng bộ binh CENTCOM rời khỏi Áp-ga-ni-xtan, như đã rời khỏi I-rắc, sự hiện diện của Hải quân và Không quân CENTCOM trong vùng Vịnh nới rộng vẫn không bị giảm.

Đầu năm 2012, I-ran đã thử thách khả năng của chính phủ Mỹ bằng phát ngôn của Phó Tổng thống I-ran, M. Ra-hi-mi (Mohammad-Reza Rahimi) rằng: “Nếu người Mỹ áp đặt các chế tài lên số dầu xuất khẩu của I-ran thì ngay cả một giọt dầu cũng không thể chảy qua eo biển Hoóc-mút”. Những tháng gần đây, I-ran còn tổ chức những cuộc diễn tập hải quân trong vùng biển A-rập gần phía đông eo biển Hoóc-mút, và nhiều cuộc diễn tập khác cũng đã được lên kế hoạch.

Trả lời câu hỏi, liệu I-ran có thực sự đóng cửa eo biển Hoóc-mút, nhiều nhà phân tích cho rằng, những lời tuyên bố của ông M. Ra-hi-ni chỉ là nước bài dọa dẫm nhằm gây hoang mang trong giới lãnh đạo phương Tây, nhằm đẩy giá dầu tăng lên và giành sự nhượng bộ trong tương lai khi tái thương lượng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế ở I-ran ngày một đáng lo ngại, và cũng rất có thể các nhà lãnh đạo I-ran, luôn bị áp lực nặng nề, cảm thấy cần có một vài hành động, ngay cả việc “khiêu khích” một cuộc tấn công đáp trả của Mỹ. Trong mọi trường hợp, eo biển Hoóc-mút vẫn sẽ là tiêu điểm của công luận thế giới trong năm 2012 và những năm tới, với giá dầu toàn cầu lên xuống theo sự gia tăng căng thẳng tại đây.

Eo biển Ma-lác-ca nằm giữa bán đảo Ma-lai-xi-a và đảo Xu-ma-tra, nối Biển Đông ở Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, cũng không kém phần quan trọng.

Với chiều dài gần 900 km, rộng gần 38 km nhưng nơi hẹp nhất chỉ có 1,2 km, eo biển Ma-lác-ca hình thành một hành lang giao thông đường biển chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối 3 nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a.

Mỗi năm, đi qua eo biển Ma-lác-ca có khoảng 70.000 lượt tàu, chiếm gần 30% khối lượng giao dịch thương mại trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 10 triệu thùng dầu được chuyên chở qua đây, từ Trung Đông tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó có tới 80% lượng dầu thô nhập vào Nhật Bản và Trung Quốc phải đi qua eo biển này.

Vì thế, Ma-lác-ca cũng được ví như “huyệt đạo” trên tuyến giao thông hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới ở châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như kênh đào Xu-ê, Pa-na-ma và eo biển Hoóc-mút. Vì thế, các nước lớn, nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,… đều quan tâm đến tuyến hàng hải đi qua eo biển này và đều muốn có vai trò chi phối. Và điều đó liên quan đến độ “nóng” của cả Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ca-xpi “sóng ngầm” 

Ca-xpi (còn có tên là Lý Hải) là một biển nhỏ bao quanh bởi các nước Nga, I-ran, A-déc-bai-gian, Ca-dắc-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan. Trong cùng khu vực còn có các nước khác như Ác-mê-ni-a, Gioóc-gia, Cư-rơ-gư-xtan, và Ta-gi-ki-xtan. Tất cả các nước nói trên, tuy khác nhau về trình độ, nhưng luôn tìm cách xác định chủ quyền của mình đối với nước Nga và thiết lập những quan hệ độc lập đối với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Tất cả đều đang phải đối đầu với chia rẽ nội bộ và tranh chấp biên giới với các nước láng giềng. Toàn khu vực, vì vậy, luôn ở trong tình trạng giống như một thùng “thuốc nổ” luôn có nguy cơ bùng phát.

Trong thực tế, đây không phải lần đầu vùng lòng chảo Ca-xpi được xem như khu vực có trữ lượng dầu mỏ quan trọng, vì vậy, tiềm năng xung đột luôn ở mức cao. Với trữ lượng dầu và hơi đốt của biển Ca-xpi, Liên minh châu Âu đang xây dựng một tuyến ống dẫn hơi đốt thiên nhiên mới, có tên gọi Na-bu-cô (Nabuco) từ Ca-dắc-xtan xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Áo. Và Nga cũng đã xây dựng dự án về một hệ thống cạnh tranh South Stream. Tất cả các nỗ lực trên đây đều liên quan đến quyền lợi địa - năng lượng - chính trị của các siêu cường quốc, do đó, luôn là cội nguồn của nhiều khủng hoảng và xung đột quốc tế.Trong kỷ nguyên địa - năng lượng mới, vùng biển Ca-xpi, eo biển Hoóc-mút, Biển Đông, Biển Hoa Đông,… không hề đứng riêng lẻ như những điểm nóng tiềm tàng. Một điểm nóng khác, quần đảo Phoóc-len, nơi nước Anh và Ác-hen-ti-na đang tranh giành các trữ lượng dầu dưới lòng đất; và vùng Bắc Cực với tài nguyên năng lượng mới được phát hiện khiến nhiều quốc gia đang gia tăng tham vọng tranh chấp chủ quyền.

Một điều gần như chắc chắn rằng, bất cứ ở đâu có nhiều tài nguyên năng lượng thì ở đó luôn cận kề nguy cơ xung đột. Theo công ty British Petroleum (BP,) khu lòng chảo Ca-xpi có một trữ lượng dầu lên đến 48 tỷ thùng (phần lớn dưới lòng đất A-déc-bai-dan và Ca-dắc-xtan) và 449 nghìn tỷ foot khối(1) hơi đốt thiên nhiên (trữ lượng lớn nhất thuộc lãnh thổ của Tuốc-mê-ni-xtan). Như vậy, Ca-xpi đã vượt qua Bắc và Nam Mỹ về trữ lượng hơi đốt và vượt châu Á về trữ lượng dầu.

Nga, từ lâu là cường quốc có vị thế trong vùng, đang tìm cách kiểm soát các hệ thống ống dẫn dầu và hơi đốt từ Ca-xpi đến các thị trường tiêu thụ. Nga đang nâng cấp hệ thống ống dẫn dầu thời Xô Viết kết nối các nước Cộng hòa trước đây với Nga, thiết lập các tuyến dẫn dầu mới, và gần như hoàn toàn nắm độc quyền khâu phân phối toàn bộ số năng lượng từ biển Ca-xpi qua mạng lưới ngoại giao truyền thống; với các chiến thuật mạnh tay hoặc công khai thân thiện với giới lãnh đạo các nước trong khu vực, để thu hút dòng năng lượng trung chuyển qua Nga.

Theo Mai-cơn Cle (Michael Klare), tác giả cuốn Rising Powers, Shrinking Planet: The New Geopolitics of Energy, Mỹ đã tìm cách ngăn ngừa các nỗ lực trên thông qua việc bảo trợ xây cất các hệ thống ống dẫn dầu thay thế, tránh đi qua lãnh thổ Nga, băng qua A-déc-bai-dan, Gioóc-gia, và Thổ Nhĩ Kỳ đến Địa Trung Hải.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang xây dựng hệ thống ống dẫn dầu riêng nối liền vùng Ca-xpi với miền Tây Trung Quốc. Tất cả các hệ thống ống dẫn dầu này đều đi ngang qua những khu vực sắc tộc thiếu an ninh và gần nhiều vùng đang tranh chấp như Chéc-ni-a bạo loạn và Nam Ô-xê-ti-a ly khai. Vì vậy, cả Trung Quốc và Mỹ đều phải phối hợp cơ chế vận hành hệ thống ống dẫn dầu với viện trợ quân sự cho các quốc gia mà tuyến vận chuyển đi qua.

Quan ngại về sự hiện diện của Mỹ cả về quân sự và kinh tế trong các lãnh thổ thuộc không gian hậu Xô Viết, Nga đã đáp lại bằng những động thái quân sự, kể cả cuộc chiến tranh 5 ngày với Gioóc-gia năm 2008, dọc theo tuyến đường vận chuyển dầu mỏ.

Hoa Đông “dậy sóng”

Tại biển Hoa Đông, căng thẳng Nhật - Trung do tranh chấp quần đảo Xen-ca-cự/Điếu Ngư cũng đã lên đến đỉnh điểm vào hồi tháng 10 vừa qua. Giới phân tích cho rằng, câu trả lời đơn giản nhất là vì dầu thô và khí đốt.

Quần đảo Xen-ca-cự/Điếu Ngư nằm trên tuyến đường biển chiến lược và được cho là có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, đặc biệt là trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ.

Thủy sản cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh chấp này. Quần đảo Xen-ca-cự/Điếu Ngư là một ngư trường giàu tiềm năng, nước nào có được quyền quản lý sẽ sở hữu nguồn thủy sản vô tận mà không cần phải đi xa hàng nghìn dặm để đánh bắt.

Các nhà phân tích Trung Quốc ước tính vùng biển xung quanh quần đảo Xen-ca-cự/Điếu Ngư có thể có trữ lượng 160 tỷ thùng dầu và Biển Đông có trữ lượng 213 tỷ thùng, trong khi quốc gia giàu có như A-rập có trữ lượng dầu mỏ cũng chỉ là 265 tỷ thùng. Với việc một số nước lớn đang phải nhập khẩu dầu mỏ thì trữ lượng dầu mỏ của các vùng biển trên càng trở nên “hấp dẫn” hơn bao giờ hết. Việc cạnh tranh giành quyền sở hữu vùng biển giàu tài nguyên này là trung tâm của các cuộc tranh chấp chủ quyền, khiến một số nước trong khu vực chạy đua hiện đại hóa lực lượng hải quân.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở nên căng thẳng sau khi Xê-un bắt đầu dùng tên mới cho hai đỉnh núi thuộc quần đảo Đốc-đô/Ta-kê-si-ma đang có tranh chấp với Nhật Bản trong các bản đồ, sách giáo khoa và các cổng thông tin điện tử kể từ ngày 29-10-2012.

Điều đáng nói là những động thái này diễn ra sau khi Tô-ki-ô bắt đầu xem xét việc trì hoãn đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Đốc-đô/Ta-kê-si-ma lên Tòa án Công lý quốc tế vào cuối năm nay.

Ngày 26-10-2012, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Cớt Cam-ben (Kurt Campbell) tuyên bố, vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Á nên được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế, bởi tranh chấp lãnh thổ không chỉ xảy ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, mà còn xuất hiện tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.

Biển Đông “nổi bão”

Sở hữu trữ lượng dầu và khí đốt vừa được khám phá, Biển Đông đang trở thành một vùng tranh chấp quốc tế. Nhiều quốc gia lân cận đang tuyên bố chủ quyền một số đảo trong khu vực giàu năng lượng này.

Biển Đông bao gồm hai quần đảo, phần lớn không có dân cư là Hoàng Sa và Trường Sa. Từ lâu, đây là những vùng đánh cá quan trọng, cũng là tuyến đường thương mại giữa Đông Á và châu Âu, Trung Đông, và châu Phi. Tầm quan trọng của vùng biển và cả hai quần đảo đã gia tăng như một vùng nhiều tiềm năng dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên.

Nhằm bảo vệ chủ quyền, Bru-nây, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a và Việt Nam, đã và đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với sự tin tưởng rằng cách tiếp cận tập thể sẽ đem lại tiếng nói chung có trọng lượng hơn tiếng nói riêng lẻ của mỗi quốc gia.

Để chứng tỏ lập trường của mình, Mỹ đã tổ chức một loạt các cuộc diễn tập quân sự ở ngay Biển Đông, kể cả các cuộc diễn tập hỗn hợp với tàu chiến các nước trong khu vực. Trong chuyến công du đến Ô-xtrây-li-a tháng 11-2011, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã loan báo một cách ngắn gọn: chiến lược mới của Mỹ sẽ được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trước Nghị viện Ô-xtrây-li-a ở Can-bê-ra, ông B. Ô-ba-ma còn tuyên bố sẽ phân bổ tài nguyên cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này. Đây cũng được coi là một điểm then chốt trong chiến lược mới của Mỹ nhằm bảo đảm “an ninh hàng hải” của vùng Biển Đông.

Từ Ô-xtrây-li-a, Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã tuyên bố thiết lập một căn cứ quân sự mới ở Đác-uyn trên bờ biển Bắc, cũng như mở rộng quan hệ quân sự với In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin. Cùng một chiều hướng, trong những tháng đầu năm 2012, Tổng thống B. Ô-ba-ma khi đến Lầu năm góc đã thảo luận những thay đổi trong chiến lược quân sự Mỹ trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh kế hoạch khẳng định vị thế của Mỹ trong khu vực châu Á, nhất là tại Đông Nam Á.

Như vậy, từ eo biển Hoóc-mút đến eo biển Ma-lác-ca, từ biển Ca-xpi đến Biển Đông và Hoa Đông, đã và đang là những điểm nóng tiềm tàng được khởi phát trong năm 2012 bởi những tiềm năng dầu mỏ và năng lượng thế giới, khiến cho những sai lầm hay thách thức nhỏ có thể dẫn đến những va chạm đối đầu lớn và cực kỳ nguy hiểm cho an ninh biển nói riêng và an ninh toàn cầu nói chung trong tương lai. Vì thế, sự quan ngại của cộng đồng quốc tế về an ninh biển là có cơ sở./.

--------------------------------------------------

(1) 1 foot khối = 28,3 lít

Nguyễn Nhâm