16:10' 28/11/2012
Toan tính của I-xra-en
Theo các chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, tình hình ở khu vực này phụ thuộc vào diễn biến tình hình chính trị nội bộ của nước Mỹ. Trong thời điểm hiện nay, những diễn biến quan trọng nhất là cuộc bầu cử đầy kịch tính vừa kết thúc ở Mỹ và cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về các sai lầm chiến lược quân sự của Oa-sinh-tơn ở Li-bi dẫn tới cái chết của Đại sứ Mỹ Cri-xtô-phơ Xti-vân (Christopher Stevens) cùng 3 nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng tại Ben-ga-di. Hiện nay, Quốc hội Mỹ đang truy cứu những người có trách nhiệm trong sai lầm này.
I-xra-en đã lợi dụng thời điểm này để phát động chiến dịch quân sự mang tên “Cột khói” nhằm vào Dải Ga-da, buộc Mỹ phải đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn. Theo nhận định của Đại tá A-na-tô-li Dư-ga-nốp (Anatoly Zyganov), Giám đốc Trung tâm dự báo quân sự thuộc Viện Phân tích chính trị và quân sự của Nga, chiến dịch quân sự mang tên “Cột khói” trên Dải Ga-da gồm nhiều giai đoạn.
Giai đoạn 1, kết thúc trước ngày 14-11-2012, còn được gọi là giai đoạn chuẩn bị, trong đó I-xra-en thực hiện chiến dịch chiến tranh thông tin nhằm đánh lạc hướng và làm mất cảnh giác đối với Ban lãnh đạo “Ha-mát” như tung tin rằng Chính phủ I-xra-en đang tiến hành nhiều phiên họp để bàn về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin để tạo thế bất ngờ. Cũng trong giai đoạn này, I-xra-en ráo riết tiến hành do thám và xác định tọa độ các mục tiêu của “Ha-mát” thông qua các phương tiện trinh sát đường không - vũ trụ Mỹ, tiến hành phong tỏa đường biển và cô lập Dải Ga-da từ đường biển, đường không và trên bộ.
Giai đoạn 2, mở đầu từ ngày 14-11-2012 đến thời điểm tạm thời ngừng bắn vào ngày 22-11-2012. Trong giai đoạn này, I-xra-en bất ngờ tiến hành hàng loạt cuộc tiến công bằng bom và tên lửa có điều khiển, có độ chính xác cao theo chiến thuật “giải phẫu” từ đường không và từ đường biển, đồng thời tiếp tục khống chế và phong tỏa hai tuyến đường này đối với Dải Ga-da.
Giai đoạn 3, I-xra-en sẽ mở chiến dịch tiến công đường không và đường biển kết hợp chiến dịch đường bộ trên quy mô lớn, kéo dài trong khoảng 7 tuần, dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 1-2013. Trong giai đoạn này, dưới sự yểm trợ của máy bay ném bom F-16 và trực thăng vũ trang “A-pát" (“Apach”), các đơn vị bộ binh và tăng thiết giáp tinh nhuệ cũng như các lực lượng tình báo và đặc nhiệm của I-xra-en sẽ xâm nhập lãnh thổ Dải Ga-da để tìm diệt các mục tiêu thuộc tiềm lực quân sự của “Ha-mát” còn sót lại sau giai đoạn 2, bắt cóc và tiêu diệt các nhân vật quan trọng trong cơ quan lãnh đạo - chỉ huy của “Ha-mát”. Giai đoạn này có thể sẽ lặp lại kịch bản của năm 2009, theo đó I-xra-en sẽ chia cắt Dải Ga-da thành 3 vùng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Trong giai đoạn 3, Không quân và Hải quân I-xra-en sẽ tiến hành ném bom và phóng tên lửa xuống các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Dải Ga-da, thiết lập quyền kiểm soát đối với những khu vực bố trí tên lửa của “Ha-mát”, giáng đòn quyết định vào tiềm lực quân sự của Pa-le-xtin.
Giai đoạn 4, I-xra-en sẽ sử dụng 3 lữ đoàn tinh nhuệ, gồm các đơn vị đặc nhiệm, bộ binh tiến hành các hoạt động đột nhập, phá hoại để săn lùng và tiêu diệt các lực lượng của “Ha-mát”. Đây là giai đoạn phức tạp nhất vì các trận đánh phải tiến hành trên các đường phố đông dân cư.
Giai đoạn 5, giai đoạn kết thúc, chấm dứt hoạt động phong tỏa đường không và đường biển, đưa quân đội I-xra-en về nước và thiết lập “một nền hòa bình bền vững, ổn định” trên biên giới giữa I-xra-en và Dải Ga-da.
Chiến dịch “Cột khói” của I-xra-en nhằm đạt được nhiều mục tiêu đầy tham vọng. Đó là:
1. Tàn phá tiềm lực quân sự của “Ha-mát” nhằm loại bỏ khả năng tiến hành chiến tranh với một đồng minh của I-ran ở Trung Đông. Vừa qua, I-ran đã trang bị tên lửa có tầm bắn ngày càng xa hơn cho Pa-le-xtin, có thể bắn tới thủ đô Ten A-víp của I-xra-en. Sau 8 ngày giao tranh, I-xra-en đã phá hủy hàng trăm dàn phóng tên lửa bố trí ngầm dưới đất, 140 đường hầm quân sự và 26 kho vũ khí của “Ha-mát”. Theo tính toán của Bộ Chỉ huy quân sự I-xra-en, chiến dịch quân sự “Cột khói” sẽ loại bỏ khả năng Pa-le-xtin bắn tên lửa về phía I-xra-en từ 3 đến 6 tháng. Trong thời gian đó, I-xra-en có thể phát động cuộc chiến tranh chớp nhoáng vào I-ran, khoảng đầu năm 2013.
2. Tạo dư luận quốc tế ủng hộ I-xra-en và coi “Ha-mát” là một tổ chức khủng bố, từ đó ngăn cản Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin trong cuộc họp bỏ phiếu dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 29-11-2012, theo đề nghị của Chính quyền Pa-le-xtin. Trước đây, “Ha-mát” cũng đã từng “được” Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách “các tổ chức khủng bố quốc tế”.
3. Chuẩn bị đối phó với “phản ứng bất thường” từ phía Xy-ri. Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) đã từng tuyên bố, nếu Mỹ và NATO can thiệp quân sự vào nước này thì không loại trừ khả năng “Ha-mát” sẽ tiến công các đồng minh của Mỹ trong khu vực, bao gồm cả I-xra-en. Do đó, I-xra-en cần loại bỏ khả năng phản ứng này từ “Ha-mát”.
4. Chuẩn bị dư luận nhằm tăng cường ảnh hưởng của các lực lượng ủng hộ Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) trong cuộc bầu cử Quốc hội I-xra-en vào tháng 1-2013.
5. Thử nghiệm hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên “lá chắn bằng sắt” do Mỹ giúp I-xra-en xây dựng. Theo đánh giá của phía I-xra-en, lá chắn tên lửa này có khả năng bắn rơi ít nhất 30-80% tên lửa của I-ran viện trợ cho “Ha-mát”.
6. Thăm dò phản ứng của Chính phủ hiện nay ở Ai Cập do tổ chức "Những người Hồi giáo anh em" kiểm soát, vốn có quan hệ gần gũi với “Ha-mát”.
Tuy nhiên, do sự phản đối kịch liệt của các nước trong và ngoài khu vực, I-xra-en đã phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Ai Cập làm trung gian vào ngày 22-11 vừa qua sau khi đã đạt được một số mục đích cơ bản nói trên.
Tính toán của các bên liên quan tới cuộc xung đột
Vai trò của Mỹ: Trong tình hình hiện nay, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma phải giải quyết một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ phức tạp ở Trung Đông. Đó là, vừa phải duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với I-xra-en, vừa củng cố và tăng cường quan hệ với chính phủ các nước mới lên cầm quyền sau “Mùa xuân A-rập” thuộc các “lực lượng Hồi giáo ôn hòa”. Trong đó, các “lực lượng Hồi giáo ôn hòa” không mấy “thiện cảm” với I-xra-en, thậm chí họ đang muốn tiến hành cuộc “thánh chiến” nhằm vào nhà nước Do Thái. Vì thế, ngay từ khi bùng phát phong trào mang tên “Mùa xuân A-rập”, I-xra-en đã tỏ ra thận trọng đối với “phong trào cách mạng” ở Trung Đông được Mỹ ủng hộ, trong đó có tổ chức "Những người Hồi giáo anh em". Cuộc xung đột vừa qua ở Dải Ga-da chứng tỏ, Mỹ không thể duy trì tình trạng "bắt cá 2 tay" mà đã phải ủng hộ I-xra-en hoàn toàn vô điều kiện.
Ngay sau khi mở đầu chiến dịch “Cột khói”, trong cuộc nói chuyện điện thoại với Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với I-xra-en và khẳng định, Nhà nước Do Thái có quyền tự vệ. Cũng trong cuộc trao đổi điện thoại này, Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu cam kết với Mỹ sẽ không tiến hành chiến dịch trên bộ ở Dải Ga-da. Theo ông B.Nê-ta-ni-a-hu, chiến dịch này chỉ xảy ra khi “Ha-mát” tiếp tục bắn phá tên lửa dữ dội về phía I-xra-en. Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu còn cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ của Mỹ trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Khi I-xra-en về cơ bản đã thực hiện được nhiều mục đích đề ra trong chiến dịch quân sự “Cột khói”, Mỹ đã cùng với Ai Cập dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Có thể thấy, đây là thỏa thuận ngừng bắn chưa từng có, thông qua hai nước đóng vai trò trung gian hòa giải là Mỹ - đồng minh của I-xra-en, và Ai Cập - quốc gia vừa là đồng minh của Mỹ, vừa đứng về phía “Ha-mát”.
Vai trò của Ai Cập: Trong cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin hiện nay, Ai Cập đóng vai trò quan trọng và nổi bật. Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi (Mohamed Morsi) xuất thân từ Tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” đã bị đẩy vào tính thế khó xử. Ông vừa ủng hộ “Ha-mát”, lại vừa không thể phớt lờ quan điểm và động thái của Mỹ hiện đang là chỗ dựa về kinh tế và quân sự với khoản viện trợ 1,5 tỉ USD hằng năm và nhiều lợi ích khác. Đối với I-xra-en, Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi có thái độ rõ ràng khi ông cảnh báo, các cuộc tiến công của I-xra-en nhằm vào Dải Ga-da “sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng” và “sẽ phải trả giá đắt nếu vẫn tiếp tục hành động như vậy”.
Do đó, ngay sau khi I-xra-en phát động chiến dịch “Cột khói” nhằm vào Dải Ga-da, Văn phòng của Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi đã trở thành trung tâm ngoại giao của nhiều nước Trung Đông như Ca-ta, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, kể cả I-xra-en. Ông Mô-ha-mét Mơ-xi đã phải tiến hành các cuộc hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc vương Ca-ta, Ngoại trưởng Đức và một loạt các quan chức hàng đầu các nước A-rập. Ngay cả đặc phái viên của Thủ tướng I-xra-en cũng đã bí mật bay sang Cai-rô để hội đàm với các quan chức an ninh Ai Cập, vì bản thân Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi không muốn gặp hoặc nói chuyện trực tiếp với bất kỳ đại diện nào của I-xra-en. Mọi hoạt động ngoại giao của các nước Trung Đông đều diễn ra dưới tầm ảnh hưởng của Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi.
Trong các cuộc đàm phán, Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi và các phụ tá của ông luôn công khai đứng về phía “Ha-mát” và cáo buộc I-xra-en là người gây hấn trước. Nhận xét về vai trò của Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ai Cập để công bố Thỏa thuận ngừng bắn hôm 21-11-2012, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn nói: "Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi vì vai trò lãnh đạo cá nhân của ông trong việc tháo ngòi nổ tình hình ở Ga-da và chấm dứt bạo lực. Đây là thời điểm quan trọng đối với khu vực, trong đó Chính phủ mới của Ai Cập đang lấy lại trách nhiệm, đảm nhận vai trò lãnh đạo và là “hòn đá tảng” đối với sự ổn định, hòa bình trong khu vực".
Vai trò của I-ran: Trong cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, I-ran dĩ nhiên là đứng về phía “Ha-mát”. Vừa qua, I-ran đã viện trợ nhiều loại tên lửa có đường đạn tầm gần và tầm trung cho “Ha-mát” để sẵn sàng đương đầu với một cuộc chiến tranh với I-xra-en. Sau khi I-xra-en phát động chiến dịch “Cột khói” ngày 14-11-2012, Chủ tịch Quốc hội I-ran, ông A-li La-ri-gia-ni (Ali Larijani) đã ra lời kêu gọi các nước Trung Đông cần viện trợ vũ khí cho người Pa-le-xtin trên Dải Ga-da để ngăn chặn “cuộc chiến tranh xâm lược” của I-xra-en. Ông A.La-ri-gia-ni nhấn mạnh, hiện nay sự ủng hộ của các nước trong khu vực cho Pa-le-xtin về chính trị là chưa đủ mà cần phải viện trợ quân sự cho “Ha-mát”. Ngày 17-11-2012, Bộ trưởng Quốc phòng I-ran A-mát Va-hi-đi (Ahmad Vahidi) đã kêu gọi người Hồi giáo hãy đoàn kết để bảo vệ nhân dân Pa-le-xtin.
Vai trò của các nước phương Tây: Ngoài Mỹ, một số nước phương Tây đã nhất trí ủng hộ I-xra-en trong cuộc đối đầu với “Ha-mát”. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron), Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel), Đặc phái viên của “Nhóm bộ tứ” về Trung Đông Tô-ni Ble (Tony Blair) và Cao ủy của châu Âu về chính sách đối ngoại Ca-thơ-rin Át-xtôn (Cathrine Ashton) tuyên bố rằng, “Ha-mát” có lỗi trong việc để xảy ra leo thang xung đột quân sự, còn I-xra-en có quyền bảo vệ dân thường của mình.
Vai trò của Nga: Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp cho biết, Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đã đạt được thỏa thuận rằng Nga và Mỹ sẽ ra sức ủng hộ những nỗ lực của Ai Cập và các nước khác nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và tìm giải pháp hòa bình. Nga đang tăng cường tiếp xúc với phía I-xra-en và Pa-le-xtin, đồng thời nỗ lực trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang tại Dải Ga-da. Nga đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an dự thảo Nghị quyết về việc giải quyết xung đột trên Dải Ga-da, gồm 3 phần cơ bản: (1) Kêu gọi các bên nhanh chóng chấm dứt bạo lực để xây dựng chế độ ngừng bắn lâu dài; (2) Ủng hộ tất cả mọi nỗ lực của khu vực và quốc tế để giải quyết tình hình bằng biện pháp chính trị và hòa bình; (3) Kêu gọi các bên quay trở lại các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.
Thỏa thuận ngừng bắn mong manh
Từ 2 giờ sáng ngày 22-11-2012, với vai trò dàn xếp trung gian của Mỹ và Ai Cập, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh trên Dải Ga-da đã được I-xra-en và “Ha-mát” chấp nhận. Mong manh là vì I-xra-en đã không thực hiện tất cả các giai đoạn của chiến dịch chiến lược do họ hoạch định từ trước. Tuy chấp nhận thoản thuận ngừng bắn, nhưng cả I-xra-en và “Ha-mát” đều tuyên bố, mình đã “giành thắng lợi”. Ten A-víp còn tuyên bố sau 24 đến 36 giờ nếu vẫn còn một quả tên lửa của “Ha-mát” phóng về phía I-xra-en thì họ có quyền đáp trả mạnh mẽ hơn, thậm chí là mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Dải Ga-da.
Rõ ràng, cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin chỉ là một điểm nút thắt trong cục diện địa - chính trị cực kỳ phức tạp ở Trung Đông. Trong đó, mâu thuẫn giữa các nước trong và ngoài khu vực trong cách ứng xử với cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri, chương trình hạt nhân của I-ran, quan hệ giữa Mỹ với I-xra-en và với những chính quyền có định hướng Hồi giáo mới hình thành ở Trung Đông trong các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân A-rập”. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp, để mở nút thắt các mâu thuẫn địa - chính trị ở Trung Đông nói chung và trong quan hệ giữa I-xra-en và “Ha-mát” nói riêng, cần có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng quốc tế, trước hết là việc các bên cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, dân tộc và ủng hộ một nhà nước Pa-le-xtin độc lập./.