Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

16. Triển vọng quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản trong năm 2013

20:37' 31/1/2013
TCCSĐT – Trong năm qua, Đông Bắc Á là một trong những khu vực diễn ra nhiều sự kiện căng thẳng, đặc biệt là trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản. Với quá trình chuyển giao quyền lực và sự hình thành ban lãnh đạo mới sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc; sự quay trở lại nắm quyền của Đảng Dân chủ tự do (LDP) với việc ông Sin-dô A-bê (Sindo Abe) nắm giữ chức Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong năm 2013 này.

Nhìn lại một năm căng thẳng
Năm 2012 là năm kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Theo thông lệ, năm chẵn của sự kiện lớn như vậy sẽ là một năm hai nước láng giềng thể hiện tình hữu nghị. Trên thực tế, từ đầu năm 2012, chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đã dự kiến một số chương trình đánh dấu sự kiện này, đồng thời cũng tạo cơ hội giảm căng thẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra theo dự tính.

Tháng 8-2012, liên tiếp diễn ra các sự kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Ngày 15-8, một chiếc tàu cá Hồng Công chở theo khoảng 10 nhà hoạt động từ Hồng Công, Ma Cao và Trung Quốc, vượt qua sự kiểm soát của các tàu tuần duyên Nhật Bản, đổ bộ lên đảo Uốt-xư-ri-ma (Uotsurijima) - một trong những hòn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp Xen-ca-cư (Senkaku)/Điếu Ngư. Việc các nhà hoạt động này được Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa Y-ô-si-hi-cô (Noda Yoshihiko) thả sau đó mà không bị giam giữ chờ xét xử khiến công chúng Nhật Bản nổi giận. Ngày 19-8-2012, 20 tàu cá Nhật Bản chở theo 9 nghị sĩ và 150 người theo đường lối dân tộc đã tiến ra đảo Xen-ca-cư, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp gay gắt với Trung Quốc. Ngay lập tức, những cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trước lãnh sự Nhật Bản tại Quảng Châu, Thâm Quyến, Thanh Đảo và Đại Liên… Sau khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo này vào ngày 11-9-2012, bằng cách bỏ tiền mua lại quyền sở hữu từ dòng họ A-ki-ha-ra, ngày 13-9, phía Trung Quốc đã đáp lại bằng cách đưa 6 tàu hải giám tiến vào bên trong vùng biển 12 hải lý của quần đảo này để “thể hiện chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo. Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông đã đệ trình Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki Moon) văn kiện và bản đồ về đường cơ bản lãnh hải Trung Quốc cùng các đảo ở khu vực Xen-ca-cư/Điếu Ngư, chính thức đưa vấn đề yêu cầu về chủ quyền đối với quần đảo này ra Liên hợp quốc. Còn Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố cứng rắn, Bắc Kinh sẽ "không lùi một tấc nào" trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Nhật Bản. Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc lên cao với nhiều lời kêu gọi trả đũa như: trừng phạt kinh tế, giáng cấp ngoại giao, tẩy chay hàng hóa, không đi du lịch Nhật Bản,... Các hoạt động phản đối này đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Điển hình là việc tập đoàn điện tử Panasonic đã phải đình chỉ hoạt động của một số xưởng sản xuất do bị đập phá.

Tiềm ẩn khả năng xung đột
Cuối năm 2012 đánh dấu sự thay đổi trên chính trường Nhật Bản sau khi Đảng Dân chủ DPJ, sau ba năm cầm quyền, đã phải nhường lại vai trò lãnh đạo cho Đảng Dân chủ tự do LDP truyền thống. Đồng thời, với sự trở lại của LDP là việc ông Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) quay trở lại giữ chức Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai với tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo.

Thực tế qua những diễn biến trong mấy tuần gần đây, có thể thấy, dường như hai nước Trung Quốc - Nhật Bản đã sẵn sàng cho một cuộc chiến. Theo tờ China Daily (Trung Quốc) số ra ngày 15-01-2013, quân đội Trung Quốc đã được chỉ thị phải nâng cao khả năng chiến đấu trong năm 2013: “Quân đội Giải phóng nhân dân và Lực lượng Công an vũ trang nhân dân phải tập trung vào mục tiêu sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong một trận đánh”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tái xác nhận nhiệm vụ cốt lõi của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là tăng cường năng lực phát động các cuộc chiến tranh khu vực trong thời đại thông tin và tiến hành các hoạt động quân sự đa dạng.

Về phía Nhật Bản, Đài truyền hình Nhà nước NHK cũng cho biết, Nhật Bản sẽ điều động thêm tàu tuần tra để tăng cường bảo vệ quần đảo này và đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với kịch bản là giành lại một đảo “do quân địch chiếm giữ”. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong vòng 11 năm cho năm tài khóa 2013; theo đó, ngân sách quốc phòng tăng ít nhất là 4.770 tỷ yên, tương đương với 53,43 tỷ USD. Ngày 05-01-2013, lần đầu tiên trong năm, Tô-ky-ô đã đưa máy bay chiến đấu ngăn chặn một máy bay Trung Quốc bay gần hòn đảo tranh chấp. Các động thái này cho thấy, thực tế hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đang trong tình trạng căng thẳng và không bên nào có ý nhượng bộ nhau. Nếu như tình hình không được kiểm soát, hai bên không thể kiềm chế thì khả năng xung đột quy mô nhỏ là có thể xảy ra.

Liều thuốc hóa giải

Giữa lúc căng thẳng ngày càng leo thang và hai bên tỏ ra không nhân nhượng, song vẫn có những nhân tố khiến một trong hai bên hoặc cả hai bên đều phải tính đến trong mỗi đường đi, nước bước của mình, đặc biệt là nếu quyết định tiến hành xung đột quân sự quy mô lớn.

Thứ nhất là nhân tố Mỹ. Đến nay, liên minh với Nhật Bản vẫn là một trong những nền tảng trong chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á, trong đó quần đảo đang tranh chấp cũng nằm trong phạm vi của liên minh phòng thủ Mỹ - Nhật Bản. Ngày 18-01 vừa qua, trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida), quan chức cấp cao đầu tiên của Nhật Bản đến Mỹ sau khi Chính phủ của Thủ tướng Sin-dô A-bê lên cầm quyền, Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn đã đưa ra tuyên bố hết sức đáng chú ý khi cho rằng: "Liên minh của chúng tôi với Nhật Bản vẫn là nền tảng của việc Mỹ can dự vào khu vực", và “chúng tôi chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào muốn tìm cách phá hoại quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo này”. Phát biểu này được giới quan sát nhận định là sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Nhật Bản. Trong bối cảnh Mỹ vẫn là cường quốc đóng vai trò chủ chốt trong các quan hệ quốc tế trên thế giới, việc tính toán đến phản ứng của Mỹ là không thể thiếu trong chính sách của các nước.

Hai là, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc - Nhật Bản rất khăng khít, liên quan đến quyền lợi của nhiều tập đoàn lớn và công ăn việc làm của hàng triệu lao động ở cả hai nước. Nếu như hai bên để xảy ra căng thẳng kéo dài và dẫn tới xung đột, sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng. Trong năm 2012, thương mại hai chiều Trung Quốc - Nhật Bản giảm 3,9%, còn 329,45 tỷ USD; Nhật Bản từ vị trí đối tác thương mại thứ tư của Trung Quốc đã lùi xuống vị trí thứ năm. Báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Công (Trung Quốc), cho rằng: nếu hai nước xảy ra xung đột, dù ở quy mô nhỏ, thiệt hại về người có thể được hạn chế nhưng thiệt hại về kinh tế của cả hai phía sẽ vô cùng lớn và ảnh hưởng tồi tệ đến kinh tế toàn cầu.

Ba là, ngay trong nội bộ hai nước vẫn có những tiếng nói theo chiều hướng tích cực có lợi cho sự cải thiện quan hệ hai nước. Trong cuộc tiếp xúc với cựu Thủ tướng Nhật Bản Y-ô-ki-ô Ha-tô-y-a-ma (Yukio Hatoyama) ngày 16-01 tại Bắc Kinh, ông Giả Khánh Lâm, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, cho rằng, hai nước “nên bắt tay giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư nhằm bảo đảm ổn định trong quan hệ song phương”. Quan điểm của ông Giả Khánh Lâm được xem là hòa dịu, đã được cựu Thủ tướng Nhật Bản tán đồng và thu hút sự chú ý của các nhà quan sát bởi ông là lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc công khai đưa ra lời kêu gọi đàm phán. Từ trước tới nay, ít có quan chức, lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quan điểm mềm mỏng như vậy và hầu hết cho rằng, Nhật Bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng.

Về phía Nhật Bản, mặc dù Chính phủ tuyên bố sẽ không nhượng bộ và luôn giữ vững lập trường cơ bản rằng quần đảo Xen-ca-cư là lãnh thổ Nhật Bản, nhưng sẽ đáp trả một cách bình tĩnh, tránh sự khiêu khích đối với Trung Quốc. Điều đó phần nào cho thấy phía Nhật Bản cũng đã đặt ra những giới hạn phòng vệ để không dẫn tới xung đột với Trung Quốc hoặc tạo cớ để Trung Quốc sử dụng vũ lực, dẫn tới chiến tranh.

Thực tế trên cho thấy, trong năm 2013, mặc dù nguy cơ chiến tranh lớn giữa hai nước khó có thể xảy ra song tình hình căng thẳng sẽ khó được cải thiện đáng kể và có thể có những đụng độ nhỏ giữa lực lượng quân sự hai nước. Điều nguy hiểm là những xung đột nhỏ nếu không được kiểm soát, thường có nguy cơ dẫn đến xung đột lớn. Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản sẽ vẫn là một trong những “điểm nóng” khiến tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á tiềm ẩn những bất ổn trong thời gian tới./. 

Đình Hùng