Phạm Ngọc Trung
Trong
thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các quốc gia ở Đông
Nam Á và Đông Âu đang cố gắng tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng mô hình phát
triển của riêng mình mà trong 20 năm qua, những mô hình phát triển của
Nga, Thái Lan, Singapor, Malaysia… cũng rất đáng quan tâm nghiên cứu vì
tính độc đáo và những thành tựu lớn lao của các quốc gia nêu trên.
Căn
cứ vào điều kiện địa lý tự nhiên và cách thức tổ chức xã hội; các hình
thức khai thác tự nhiên nghiêng về kinh tế sản xuất trồng trọt hay chăn
nuôi; thời gian và đặc điểm của các quốc gia, vùng lãnh thổ khi bước vào
xã hội văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp mà nhiều nhà kinh
tế học, văn hóa học đã phân biệt hai mô hình phát triển khác nhau của
nhân loại: mô hình phương Tây và mô hình phương Đông.
Có
thể nhận thấy rằng trong vài chục năm gần đây, khi thế giới bước sang
thời kỳ văn minh hậu công nghiệp, mà nền tảng của nó là kinh tế tri
thức, trên thế giới đã xuất hiện thêm một số quốc gia có con đường phát
triển độc đáo, sáng tạo và trên nền tảng của hai mô hình phương Tây và
phương Đông đã có thêm một số mô hình đáng chú ý, đó là những quốc gia ở
khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, những khu vực năng động của kinh tế
thế giới.
1. Mô hình Tây Âu - Bắc Mỹ
Trong
quá trình phát triển của văn hóa, văn minh nhân loại, người ta nhận
thấy phương Tây và phương Đông có nhiều đặc điểm khác nhau. Sự khác nhau
đó không phải chỉ thể hiện ở vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thủy văn
mà còn được thể hiện ở các khía cạnh thuộc về tình cảm, lý trí, tôn
giáo và cách tổ chức nhà nước, xã hội, cũng như cách ứng xử với môi
trường tự nhiên xung quanh để xây dựng nên quốc gia, dân tộc.
Các
quốc gia Âu - Mỹ nằm ở vùng ôn đới, có tuyết rơi vào mùa đông, trồng
trọt chủ yếu là các loại cây lương thực kê, mì, mạch và các loại hoa quả
nho, táo, lê… Họ không phải đầu tư nhiều của cải, sức lực cho việc làm
thủy lợi vì vào cuối mùa thu họ gieo hạt đến mùa đông tuyết rơi xuống
bao phủ cánh đồng, sang xuân ấm áp tuyết tan chảy dần dần tạo ra nguồn
nước tưới cho cây trồng. Khi tuyết tan gần hết là các cây kê, mì, mạch
cũng nhô lên khỏi mặt đất và phát triển nhanh như thổi để đến tháng 4,
tháng 5 vào vụ thu hoạch. Cách làm ruộng như vậy kéo dài hàng ngàn năm
và tạo ra thói quen cũng như nếp suy nghĩ của người dân phương Tây khác
biệt: họ không phải cố kết cộng đồng chặt chẽ trong quá trình lao động
sản xuất mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao từ rất sớm, đồng thời con
người cảm thấy tự tin vào sức mạnh của mình, không cảm thấy lo sợ, nhỏ
bé trước tự nhiên mà làm chủ tự nhiên, khám phá, chinh phục tự nhiên để
tìm ra cái mới, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Mặc
dù phương Tây đã phát triển đến đỉnh cao ở thời cổ đại; nhà nước dân
chủ chủ nô được xây dựng trên nền tảng của nền kinh tế trồng trọt chủ
yếu là nho và ôliu, nhưng đó là một nền kinh tế mở, năng động, phát
triển công nghệ chế biến sau thu hoạch rất sớm và đặc biệt, có nền kinh
tế ngoại thương phát triển mạnh mẽ, tạo ra sự giao lưu, trao đổi thường
xuyên với các quốc gia, vùng lãnh thổ ven bờ Địa Trung Hải để phát huy
hết tầm ảnh hưởng của mình, song người phương Tây lúc nào cũng suy tư,
trăn trở về sự sống và cái chết, về những tội lỗi của con người và về sự
trống rỗng, cô đơn của cuộc đời. Chính nhưng day dứt và lo sợ đó mà tôn
giáo phương Tây đã ra đời. Mặc dù trong Kitô giáo hiện nay vẫn bao gồm
các dòng Công giáo, đạo Tin lành và đạo Chính thống, trong những giáo lý
và tín điều tôn giáo thể hiện sự ngây thơ của con người nhưng với họ
tôn giáo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tôn giáo lúc nào và ở đâu
cũng được tôn vinh, được xem là những giá trị văn hóa, tinh thần, đạo
đức, cá nhân cao nhất.
Ở
các nước Đông Âu và khu vực Trung Á, nền kinh tế có thể chậm phát triển
hơn khu vực Tây Âu - Bắc Mỹ vì họ dựa trên nền văn minh nông nghiệp
trồng trọt và chăn nuôi ở trình độ thấp, không tiến hành cách mạng tư
sản, không thực hiện công nghiệp hóa một cách triệt để, nhưng môi trường
tự nhiên và xã hội của họ vẫn giữ được trong sạch, không bị tàn phá
nặng nề, không lâm vào tình trạng phát triển lệch lạc, cực đoan như các
nước Âu - Mỹ.
2. Mô hình Nhật Bản
Phương
Đông khác với phương Tây. Khi phương Đông là ban đêm thì phương Tây là
ban ngày, phương Đông hướng về minh triết còn phương Tây hướng vào sức
mạnh; phương Đông chuộng huyền học còn phương Tây thích khoa học; phương
Đông quý sự an phận, thanh nhàn thì phương Tây chuộng tiến thủ, khám
phá, làm giàu… Đến nay, một số đặc trưng của mô hình phát triển trong
văn hóa Đông - Tây cũng đã có biến đổi, nhưng dù cho nhân loại đang sống
trong thời đại toàn cầu hóa thì mỗi khu vực vẫn mang theo những đặc
điểm riêng có.
Từ
đầu TK XX, và đặc biệt là sau Đại chiến thế giới thứ II (1945), các
quốc gia phương Đông, trong những bước phát triển đi lên của mình, cũng
đã lựa chọn những cách đi riêng tùy theo điều kiện tự nhiên và văn hóa.
Các
nước ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc mang nặng đặc
trưng Nho giáo của các quốc gia phong kiến chuyên chế phương Đông nhưng
đã có những biến đổi, phát triển một cách năng động khác nhau. Ở đây,
chúng tôi tập trung tìm hiểu mô hình Nhật Bản.
Rất
nhiều người đã nói tới mô hình phát triển TBCN kiểu Nhật Bản. Vậy mô
hình này đã phát triển trong những điều kiện nào và có những đặc điểm
nổi bật gì?
Theo
lẽ thông thường thì chúng ta đều nghĩ rằng: nước nào có điều kiện tự
nhiên thuận lợi sẽ phát triển nhanh hơn các nước khác. Nhưng với nước
Nhật, dường như ngược lại. Nhật Bản là quốc gia sống biệt lập, bao gồm
hàng ngàn đảo nhỏ, trong đó chỉ có 3 hòn đảo lớn (Hokaiđô: 78.000 km2, Kyushu: 37.000 km 2, và Shikoku: 18.000 km 2).
Cấu trúc địa tầng phức tạp được tạo bởi 4 khối đá khác nhau nên vùng
biển Setonaika bao bọc nước Nhật là vùng thường có động đất, sóng thần,
núi lửa. Hơn nữa, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ bởi hệ thống sông nhỏ và
ngắn; khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác khan hiếm và bạc màu không thuận
lợi cho trồng trọt, chăn nuôi.
Những
khó khăn về tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu không làm cho dân tộc Nhật
chùn bước mà họ lại luôn luôn cố gắng vượt qua. Chính những điều kiện
khắc nghiệt đó đã giúp người Nhật rèn luyện ý chí, sức chịu đựng dẻo
dai, kiên trì vươn lên mạnh mẽ. Lúc nào họ cũng thể hiện tinh thần dũng
cảm, bản lĩnh, lạc quan, tự tin và tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng
quốc gia dân tộc. Tinh thần võ sĩ đạo, văn hóa hoa Anh đào và trang phục
kimônô đặc sắc của Nhật Bản luôn luôn kết hợp hài hòa thể hiện tính
cương và nhu như hai mặt trong cách ứng xử mạnh mẽ mà khéo léo của người
Nhật với tự nhiên và xã hội.
Nước
Nhật được phát triển trong điều kiện ổn định, hòa bình, không bị chiến
tranh xâm lược, tàn phá. Dân cư Nhật được tạo thành từ các luồng người
thiên di từ phía bắc xuống, từ vùng Đông Nam Á lên, từ Mông Cổ và Triều
Tiên di cư sang. Ngoài ra còn có các tộc người Caphadơ, Anu, Buakumin…
tạo nên sự đa sắc tộc, đa văn hóa nhưng ngày nay tiếng Nhật được sử dụng
thống nhất. Đó là một hiện tượng hiếm có trên thế giới.
Trên
nền tảng văn hóa bản địa, người Nhật đã tiếp thu, sàng lọc, lựa chọn
những yếu tố tinh hoa, phù hợp từ văn hóa Trung Hoa và văn hóa phương
Tây. Có thể nói rằng tinh thần quả cảm của võ sĩ đạo đã kết hợp hài hòa
với tư tưởng Nho giáo và triết lý Thiên chúa giáo để hội tụ thành văn
minh Nhật Bản ngày nay.
Trong
lịch sử phát triển hàng ngàn năm, người Nhật luôn luôn thể hiện sự cần
cù, yêu lao động, sáng tạo và bản lĩnh. Họ thích làm việc tập thể, đề
cao tinh thần hợp tác, biết tôn trọng tôn ti trật tự xã hội.
Trong
văn hóa truyền thống, Nhật Bản là nước có sự phân biệt đẳng cấp khắt
khe: đẳng cấp cao nhất là Shogun và gia đình Hoàng đế, dưới đó có các
thương nhân. Nhưng sang giai đoạn tư bản hóa, tầng lớp thương nhân được
đề cao, trở thành tầng lớp quan trọng, quyết định sự phát triển của đất
nước Nhật nhưng không xảy ra chiến tranh, hận thù để tranh giành quyền
bính và bổng lộc.
Người
Nhật luôn luôn khiêm tốn, cẩn trọng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của
các dân tộc láng giềng, coi đó là những tinh hoa của văn hóa nhân loại
chứ không phải là thành tựu của một dân tộc cụ thể nào.
Từ
đầu CN, đặc biệt là từ TK VII-VIII, văn hóa Trung Hoa (Nho giáo, Phật
giáo, chữ Hán và cách giáo dục, đào tạo Hán) đã giao lưu với văn hóa
Nhật. Có những Thiên hoàng Nhật Bản sai sứ thần mời các học giả, nhà tư
tưởng Trung Hoa, Triều Tiên đến truyền bá chữ Hán và Nho giáo. Đến TK
XV-XVII, phương Tây du nhập vào Nhật Bản súng đạn, vũ khí và đạo Thiên
chúa. Ban đầu, người Nhật cũng chống lại giáo lý Thiên chúa giáo nhưng
sau đó đã nhanh chóng tiếp thu, dung nạp, lựa chọn để bổ sung cho văn
hóa Nhật. Chính quá trình giao lưu với các dòng văn hóa lớn đã làm cho
xã hội Nhật Bản thay đổi, tạo điều kiện cho văn hóa Nhật hòa vào dòng
chảy văn hóa nhân loại. Người Nhật đã tiếp thu kỹ thuật, khoa học công
nghệ hiện đại từ phương Tây, tiếp nhận văn minh nhất thần Kitô giáo để
từng bước xây dựng và hoàn thiện chủ nghĩa cá nhân và lối sống hiện đại.
Ngày
nay nhiều người cho rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia thành
công nhất trong quá trình phát triển vì họ đã biết kết hợp một cách khéo
léo giữa văn hóa truyền thống Nhật với thành tựu của văn minh phương
Tây để trở thành một quốc gia đứng thứ hai thế giới chỉ trong vòng 30-40
năm. Con đường và mô hình phát triển của Nhật Bản có những đặc điểm cơ
bản sau.
Con người là trung tâm của phát triển
Người
Nhật luôn luôn đề cao tính nhân bản, nhân văn, chăm lo bồi dưỡng những
giá trị văn hóa của con người và xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc
để phục vụ con người. Họ tôn trọng sự học hành, đầu tư nhiều cho giáo
dục, coi trọng thế giới tinh thần, tâm linh. Người Nhật cần cù, tiết
kiệm, yêu lao động, có kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, nhưng lại đề cao
dân chủ và tự do cá nhân.
Gia
đình và những giá trị văn hóa của gia đình truyền thống Nhật Bản như đề
cao thứ bậc, tôn ti, trật tự một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt mà mối quan
hệ giữa các thành viên theo cấu trúc thẳng đứng, trực tiếp và luôn được
củng cố, phát triển trên cơ sở mỗi thứ bậc, mỗi thành viên phải thực
hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Người bề trên phải bao dung,
độ lượng, bảo hộ, che chở cho kẻ dưới, ngược lại người bề dưới phải
trung thành, phục tùng và trung thực với bề trên. Nhờ những đặc tính đó
mà mô hình các công ty gia đình, tập đoàn gia đình của Nhật đã phát huy
hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và cạnh tranh quốc tế để trở
thành những tập đoàn xuyên lục địa như Toyota, Sony, Canon, Mazda...
Dù
cuộc sống hiện đại gấp gáp và căng thẳng, nhưng người Nhật đã không bỏ
qua, tách rời thiên nhiên mà coi con người là một phần của tự nhiên,
luôn yêu, bảo vệ, hài hòa với thiên nhiên. Thông qua những triết lý và
tinh thần của trà đạo, của nghệ thuật uống rượu shakê, của nghệ thuật
bonsai, người ta thấy con người đã hòa vào tự nhiên, tự nhiên hiện hữu
và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người, tạo cho
con người một tâm thế ung dung, tự tại, tạo nguồn cảm hứng cho cuộc sống
và sáng tạo thi ca, nghệ thuật. Tự nhiên không những chỉ là chỗ dựa
tinh thần của con người, là nơi để con người chia sẻ, tâm tình mà còn là
nơi thử thách ý chí bản lĩnh của con người, cho con người tìm thấy giá
trị và ý nghĩa của cuộc sống. Thông qua hình ảnh núi Phú Sĩ cao vời vợi
và hùng vĩ, người ta đã tôn vinh cái đẹp, nuôi dưỡng tinh thần cao
thượng dũng cảm, làm cho cuộc đời cao đẹp hơn.
Không máy móc, giáo điều, sẵn sàng thích ứng và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại
Cần
phải nhấn mạnh rằng, Nhật là một dân tộc có tinh thần tự tôn dân tộc,
tinh thần quốc gia thống nhất cùng với sự khoan dung, độ lượng. Nhưng
trong lịch sử đã có thời kỳ tinh thần kỷ luật và tính thực dụng đã là
một trong những nguyên nhân tạo ra chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản giữa TK
XX. Một sự phát triển cực đoan của văn hóa Nhật.
Trong
văn hóa truyền thống Nhật Bản trước thời kỳ phát triển tư bản chủ
nghĩa, người ta thấy cơ cấu tổ chức chính trị xã hội quốc gia theo mô
hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền do Thiên hoàng đứng đầu.
Ngay từ bộ luật ban hành năm 604 đã thấy sự kết hợp giữa tư tưởng Thần
đạo Nhật Bản với đạo Nho và đạo Phật. Đến triều đại nhà nước Yamoto và
Nara đã xác lập vị trí Thiên hoàng là tối cao, bên dưới là hệ thống đại
diện hành chính các cấp theo mô hình tổ chức của nhà Đường (Trung Hoa)
nhằm tăng cường sự kiểm soát, thống nhất của triều đình trung ương. Ở
thời kỳ này, trong bộ máy nhà nước có sự kết hợp giữa dòng họ quý tộc
với cấp bậc theo chức trách và từ thời kỳ nữ quyền (TK V-VI) chuyển sang
nam quyền tuyệt đối. Đó là những nét tiếp thu từ mô hình văn hóa Trung
Hoa.
Bước
sang thế kỷ XVI-XVII, triều đại Tokugawa được thiết lập, có kỷ cương
chặt chẽ và có tầm ảnh hưởng rộng lớn với các quốc gia láng giềng:
shogun là hoàng đế tối cao, dưới là các thủ lĩnh quân sự (dainuyo) địa
phương, tiếp đến là các hiệp sĩ (samurai) làm việc ở những ngành nghề và
thứ bậc khác nhau, có lòng trung thành tuyệt đối và kỷ luật chặt chẽ,
thống nhất tạo thành nền tảng cho sự ổn định và phát triển của Nhật Bản
suốt 3 thế kỷ bước sang giai đoạn TBCN.
Năm
1868, vua Minh Trị đã tiến hành cải cách làm cho nước Nhật đoạn tuyệt
với những hạn chế của thời kỳ phong kiến để chuyển nhanh sang chế độ
TBCN và vượt qua nhiều quốc gia phương Tây. Trong cuộc cải cách này,
người Nhật đã phải đấu tranh với chính mình từ trong nhận thức và cách
thức tổ chức xã hội. Vua Minh Trị tuyên truyền tư tưởng kinh tế là nền
tảng sức mạnh quốc gia (phú quốc cường binh) và cho rằng muốn bảo vệ chủ
quyền quốc gia phải tự mình thay đổi mọi mặt về cơ cấu tổ chức bộ máy
nhà nước, phải tích cực học hỏi, tiếp thu khoa học, kỹ thuật, công nghệ
phương Tây, phải thích ứng được với xã hội hiện đại châu Âu.
Trong
Hiến pháp năm 1889, Nhật Bản tiếp thu mô hình nhà nước Phổ thay cho mô
hình nhà nước shogun - dainuyo - samurai. Hiến pháp này là cơ sở pháp lý
tạo ra bước ngoặt cho nước Nhật tiến từ chế đọ phong kiến sang TBCN, đề
cao xã hội công dân, quyền tự do dân chủ, quyền tự do kinh doanh của tư
nhân, thiết lập chế độ bình đẳng, công nhận sở hữu tư nhân. Mặc dù Nhật
hoàng vẫn là trung tâm, là linh hồn của đất nước, nhưng từ hoàng đế đến
quan lại, lãnh chúa, samurai bị hạn chế nhiều quyền lợi. Để giải quyết
những mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa
phương Đông và phương Tây, người Nhật đã khéo léo lựa chọn mô hình: Nhật
hoàng vẫn tồn tại và có quyền lực, thảo thuận, hòa đồng giữa phong kiến
với tư bản; Thần đạo, Nho giáo, Phật giáo vẫn kết hợp với nhau trở
thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Đến
hiến pháp 1946, người Nhật tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước thêm một
bước nữa theo hướng nhà nước hiện đại phương Tây. Hiến pháp này vẫn
khẳng định vị trí của Nhật hoàng nhưng quyền lực của Nhật hoàng bị thu
hẹp chỉ còn mang tính tượng trưng, nghi lễ. Quyền hành của nhà nước
trong tay chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Nhà thờ bị tách khỏi nhà
nước, thần quyền tách khỏi vương quyền, chính quyền được cơ cấu theo
nguyên tắc tam quyền phân lập. Bộ máy nhà nước được vận hành một cách
dân chủ, theo nguyên tắc từ dưới lên trên. Nhà nước Nhật Bản có cơ cấu
gọn nhẹ, kết hợp chính trị với đạo đức và dân chủ kiểu Nhật Bản kết hợp
hài hòa giữa pháp luật, luân lý, đạo đức, văn hóa truyền thống, tôn ti,
trật tự và tôn giáo. Mô hình đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã
hội Nhật Bản, phát huy hết sức lực, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân để
đưa nước Nhật trở thành một nước phát triển mạnh cả vật chất lẫn tinh
thần, quân sự và chính trị, kinh tế và văn hóa. Có một thời mô hình đó
đã vượt qua cả mô hình dân chủ phương Tây, nhưng ngày nay nước Nhật đang
đứng trước nhiều khó khăn đòi hỏi phải tái cấu trúc toàn diện nền kinh
tế mới có thể tiếp tục phát triển được.
Trong
thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các quốc gia ở Đông
Nam Á và Đông Âu đang cố gắng tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng mô hình phát
triển của riêng mình mà trong 20 năm qua, những mô hình phát triển của
Nga, Thái Lan, Singapor, Malaysia… cũng rất đáng quan tâm nghiên cứu vì
tính độc đáo và những thành tựu lớn lao của các quốc gia nêu trên.
Hiện nay, toàn dân ta đang thực hiện đổi mới, cải cách hành chính, cải
cách kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Chúng ta đã sáng tạo, kiên quyết, dũng cảm, linh hoạt đề ra những
cách làm, hướng đi, quan niệm mới chưa từng có tiền lệ. Có thể cho rằng
mô hình phát triển kiểu Việt Nam đã bước đầu hình thành và được bạn bè
quốc tế ca ngợi, chia sẻ, học tập. Chúng ta tin tưởng rằng một nước Việt
Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh nhất định sẽ
được xây dựng thành công.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011