Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

39. Chủ nghĩa khu vực trong các trường phái tiếp cận lý thuyết

Đinh Thị Hiền Lương
Tiến trình toàn cầu hóa và những biến chuyển mới trong liên kết và hội nhập khu vực Đông Á, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á năm 1997, đã đưa chủ nghĩa khu vực trở thành một vấn đề nghiên cứu thu hút được sự quan tâm không chỉ của các học giả mà còn của các nhà hoạch định chính sách trong khu vực.*Lãnh đạo chính phủ các quốc gia cùng với những nhóm lợi ích liên quan trong khu vực đang nỗ lực xúc tiến các sáng kiến, chương trình hợp tác, từng bước thể chế hóa các cơ chế hợp tác cấp khu vực và liên khu vực. Việt Nam đang tích cực thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế với khu vực và cộng đồng quốc tế. Hội nhập khu vực được coi là bước đi cần thiết giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để có những điều chỉnh trong tiến trình từng bước hội nhập với sân chơi lớn hơn ở tầm thế giới. Tuy nhiên, sự tham gia của Việt Nam vào các sáng kiến hợp tác khu vực cần phải có sự lựa chọn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố thuận và không thuận đối với sự phát triển ổn định của ta. Do đó, nhìn nhận và đánh giá như thế nào về thực tiễn cũng như xu hướng hợp tác và hội nhập khu vực ở Đông Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.
Trong bài viết này tác giả muốn giới thiệu khái quát những lý luận về chủ nghĩa khu vực qua các thời kỳ. Trên cơ sở phân tích hệ thống những tiền đề lý luận và thực tiễn, tác giả chỉ ra rằng các lý thuyết nói riêng, và quá trình nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực nói chung, có quan hệ mật thiết với thực tiễn phong phú và đặc thù của mỗi khu vực. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh tới tính đa dạng và bổ trợ lẫn nhau giữa các lý luận về chủ nghĩa khu vực. Việc phân tích và lý giải thực tiễn hội nhập khu vực ở Đông Á dưới ánh sáng của những lý thuyết cơ bản về chủ nghĩa khu vực sẽ là phần tiếp nối của bài báo này và được trình bày trong số báo kỳ sau dưới tiêu đề "Chủ nghĩa khu vực và thực tiễn Đông Á”.

1. Chủ nghĩa khu vực lấy châu Âu làm trọng tâm (Euro-centric regionalism): Những tiền đề lý luận đầu tiên
a. Tiền đề thực tiễn: Tiến trình hội nhập châu Âu
Giữa ngành nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực với tư cách là một nhánh nghiên cứu về khoa học xã hội, và tiến trình hội nhập của châu Âu có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ. Trong khi những nghiên cứu chủ nghĩa khu vực phản ánh tiến trình hội nhập của các nước châu Âu và xây dựng lý luận trên cơ sở tham khảo thực tiễn, thì những lý luận về chủ nghĩa khu vực có ảnh hưởng quan trọng tới quá trình hội nhập châu Âu, cung cấp cơ sở lý luận cho những sáng kiến hợp tác và hội nhập khu vực. Mệt mỏi và bị tàn phá sau những cuộc chiến tranh, chính phủ các nước châu Âu tìm đến một phương thức mới để khôi phục, củng cố và tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng quốc tế của mình. Song song với khái niệm quốc gia-dân tộc truyền thống bị thách thức nghiêm trọng sau hai cuộc Đại chiến thế giới, đã tồn tại nhiều ý tưởng về liên bang thế giới (world federation) của những người theo chủ nghĩa toàn cầu, hẹp hơn là chủ nghĩa hợp bang châu Âu (classical European confederalism) của De Gaulle và M. Thatcher, hay ý tưởng về sự quản lý quốc tế (international governance) của những người thuộc chủ nghĩa chức năng như David Mitrany (functionalism - chủ trương hội nhập từng khu vực riêng lẻ để tiến tới hội nhập tổng thể thông qua tác động lan tỏa - spill-over effects). Quan điểm về hội nhập từng giai đoạn của Jean Monnet, người được mệnh danh là "cha đẻ” của tiến trình hội nhập châu Âu chịu ảnh hưởng rất lớn của trường phái chức năng.
Đầu thập kỷ 50 thế kỷ XX, tiến trình hội nhập châu Âu đã khởi động trước hết với việc cải thiện quan hệ Pháp-Đức thông qua ý tưởng Cộng đồng than thép châu Âu (ECSC) năm 1952, và tiếp đến là Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng Nguyên tử châu Âu (Euratom). Sự ra đời của những chính sách hội nhập châu Âu mang tính siêu quốc gia như "kế hoạch Schuman" hay "phương pháp Monnet" góp phần khẳng định vị trí tiên phong trong lý luận chủ nghĩa khu vực của những người theo trường phái chức năng mới (neo-functionalism) trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX như Earst Haas (1958, 1964), Leon Lindberg (1966). Được phát triển trên những lập luận của Mitrany, Haas và những người đồng sự với ông cho rằng hội nhập là một quá trình hợp tác tất yếu và tiệm tiến từ những lĩnh vực kỹ nghệ chính trị cấp thấp/ít nhạy cảm về chính trị sang những lĩnh vực chính trị cấp cao, đánh giá thấp vai trò và tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc và quốc gia-dân tộc. Theo Haas và những người theo chủ nghĩa chức năng, tiến trình hội nhập khu vực sẽ được thúc đẩy trên ba giả định: (i) tác động lan tỏa; (ii) cam kết trung thành của các nhóm lợi ích chuyển từ cấp độ quốc gia sang thể chế khu vực; (iii) vai trò quyết định của các thể chế siêu quốc gia đối với tiến trình hội nhập khi các thể chế này có quyền lực hơn và độc lập hơn với các quốc gia thành viên (Hass sử dụng thuật ngữ sự độc lập của phái kỹ nghệ -‘technocratic automaticity’). Cuối những năm 1960, lý luận của trường phái chức năng mới đã vấp phải những thất bại trong việc lý giải và dự đoán tiến trình hội nhập châu Âu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mà tiêu biểu là vai trò của De Gaulle đã làm tê liệt các cơ chế hợp tác khu vực (ECSC, EEC và Euratom).
Năm 1968, Haas đã thừa nhận học thuyết chủ nghĩa chức năng mới không còn phù hợp với thực tiễn mới, chính thức nhường lại vị trí thống soái về tư tưởng và lý luận chủ nghĩa khu vực của trường phái này cho những người thuộc trường phái chủ nghĩa liên chính phủ (intergovernmentalism) đứng đầu là Stanley Hoffmann (1964; 1966). Hoffmann đã phê phán quan điểm của chủ nghĩa chức năng mới, cho rằng trường phái này đã mắc phải những sai lầm về mặt lý luận vì: (i) tiến trình hội nhập không phải là quá trình khép kín, mà còn chịu tác động của môi trường quốc tế; (ii) nhà nước quốc gia là nhân tố có quyền lực mạnh nhất trong tiến trình hội nhập châu Âu, quyết định bản chất và tiến độ hội nhập trên cơ sở mối quan tâm nhằm bảo vệ và phát huy "lợi ích quốc gia" của mình; (iii) hội nhập ở những lĩnh vực chính trị cấp thấp không chắc sẽ đưa tới sự liên kết ở những lĩnh vực chính trị cấp cao. Theo Hoffmann, tiến trình hội nhập châu Âu là quá trình chính phủ các quốc gia tự nguyện tham gia các hiệp định nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề chung. Quyền lực vẫn thuộc về chính phủ các quốc gia thành viên và các quyết định được đưa ra trên cơ sở nhất trí, chủ yếu là sự đồng thuận giữa các cường quốc. Nói cách khác, tiến trình hội nhập chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các chính phủ thành viên, mang tính chất liên chính phủ nhiều hơn là tính chất siêu quốc gia, và "tiến trình hội nhập chỉ tiến triển trong phạm vi mà chính phủ các quốc gia mong muốn mà thôi".
Vào đầu những năm 1990, với những nghiên cứu của Andrew Moravcsik, những người theo trường phái chủ nghĩa liên chính phủ củng cố thêm một bước quan trọng học thuyết của mình về mặt lý luận để đáp ứng với tình hình mới. Cũng giống như Hoffmann, Moravcsik phê phán chủ nghĩa chức năng mới, và khẳng định quốc gia vẫn là nhân tố lý tính quyết định trong tiến trình hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, học thuyết chủ nghĩa liên chính phủ tự do mới (neo-liberal intergovernmentalism) của Moravcsik có sự kết hợp với cách tiếp cận của những người theo chủ nghĩa chức năng mới. Ông cho rằng lợi ích quốc gia được xác định là phần quan trọng của tiến trình vận động trong nội bộ xã hội đa nguyên chính trị của quốc gia thành viên đó. Moravcsik sử dụng phương pháp phân tích "trò chơi hai cấp" (two-level game) (Putnam, 1998; Milner, 1992, 1998) để giải thích các cuộc mặc cả thương lượng trong nội bộ liên minh châu Âu. Nhu cầu hội nhập nảy sinh từ quá trình vận động chính trị nội bộ, và thế lực chính trị mạnh nhất sẽ quyết định lợi ích và lập trường của chính phủ quốc gia đó khi tham gia đàm phán hội nhập. Tuy nhiên, kết quả hội nhập lại phụ thuộc vào kết quả đàm phán quốc tế giữa quốc gia đó với những quốc gia khác, và kết quả đó sẽ tác động trở lại đối với tiến trình chính trị nội bộ. Mô hình "trò chơi hai cấp" có thể đưa ra cách giải thích thuyết phục hơn các giai đoạn chính trong tiến trình hội nhập khu vực châu Âu: (i) giai đoạn đầu khi tiến trình hội nhập châu Âu bị chững lại do các quốc gia mâu thuẫn về lợi ích, đỉnh cao là chính trị "bỏ ghế trống" ("empty-chair" politics) của De Gaulle; (ii) giai đoạn hai từ đầu những năm 1970 khi tiến trình hội nhập có thay đổi cơ bản, các chính phủ tìm được tiếng nói chung trên cơ sở thương lượng và nhân nhượng lẫn nhau. Năm 1986, đạo luật châu Âu thống nhất (Single European Act - SEA) và thị trường châu Âu thống nhất (Single European Market) ra đời. Những diễn biến này phản ánh tương quan lực lượng giữa những người theo trường phái liên bang chủ nghĩa và những người theo trường phái liên chính phủ. Năm 1992, Hiệp ước Maastricht thành lập Liên minh châu Âu (EU) đã được 15 nước thành viên ký kết, đánh một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập châu Âu với thể chế quyền lực siêu quốc gia và liên chính phủ tồn tại song song. Trong phân tích và lý giải tiến trình hội nhập châu Âu, Moravcsik đưa ra những nhận xét rất có giá trị: (i) tiến trình thương lượng liên chính phủ giữa các quốc gia tham gia tiến trình hội nhập khu vực châu Âu giúp củng cố quyền lực của Nhà nước trong chính trị nội bộ, (ii) hội nhập không nhất thiết đồng nghĩa với sự củng cố quyền lực cho các thể chế siêu quốc gia, (iii) nhà nước quốc gia vẫn có thể được coi là tác nhân chính quyết định mức độ và tiến độ hội nhập, và mục đích hội nhập là để duy trì quyền tự trị của nhà nước quốc gia thành viên.
b. Tiền đề lý luận: Những lý thuyết chính về quan hệ quốc tế
Chủ nghĩa chức năng mới và chủ nghĩa liên chính phủ là hai trường phái lý luận tiên phong và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong ngành nghiên cứu về hội nhập khu vực sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cơ sở thực tiễn cho những lý luận đầu tiên về chủ nghĩa khu vực xuất phát từ tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu. Về mặt lý luận, hai trường phái này chịu ảnh hưởng của những lý thuyết chủ đạo về quan hệ quốc tế, đó là chủ nghĩa hiện thực mới (neo-realism) và chủ nghĩa tự do mới (neo-liberalism), và ở một mức thấp hơn là chủ nghĩa kiến tạo (constructivism).
Mặc dù không ít tư tưởng của trường phái chủ nghĩa hiện thực mới đã bị chỉ trích phê phán, nhưng nhiều khái niệm và giả thuyết cơ bản của trường phái này vẫn có giá trị trong phân tích và giải thích sự vận động của quan hệ quốc tế. Trong lý luận của trường phái chủ nghĩa hiện thực mới, nhà nước là chủ thể chính trong chính trị quốc tế. K.J. Holsti kết luận rằng quan điểm lấy nhà nước làm trọng tâm vẫn đứng vững trong thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù không giải thích được tiến trình hội nhập ở châu Âu, nhưng những luận điểm của trường phái chủ nghĩa hiện thực mới có ảnh hưởng sâu sắc tới những lý luận ban đầu về chủ nghĩa khu vực hay còn gọi là những lý thuyết về hội nhập cổ điển, đặc biệt là chủ nghĩa liên chính phủ. Dựa trên những lập luận cơ bản của chủ nghĩa hiện thực mới, trường phái này đặt trọng tâm vào vai trò của nhà nước, coi nhà nước là chủ thể chính chi phối tiến trình hội nhập. Tiến trình hội nhập và thể chế hoá phụ thuộc vào nhà nước, lợi ích và quan hệ qua lại giữa các nhà nước với nhau. Cụ thể: (i) Nhà nước có chủ quyền trong tài phán quốc gia và các vấn đề đối nội, cũng như trong chính trị đối ngoại nhằm bảo đảm sự tồn tại của nhà nước và quốc gia đó; (ii) mục tiêu của nhà nước là duy trì và đạt được hòa bình trong xã hội quốc tế vô trật tự, và nhà nước tham gia vào hợp tác quốc tế nhằm thực hiện lợi ích quốc gia và nhà nước không phải phục tùng bất kỳ thế lực quốc tế nào; (iii) vai trò trung tâm của nhà nước đã đem lại vị trí quan trọng cho các chính phủ, các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia trong hoạch định đường lối chính sách cho quốc gia. Mặc dù nhân tố phi nhà nước có vai trò ngày càng tăng, nhưng nhà nước vẫn là nhân tố chính chịu trách nhiệm đàm phán về các chuẩn tắc và luật lệ khi tham gia vào nền kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trường phái liên chính phủ đã tiếp nhận quan điểm của chủ nghĩa hiện thực mới khi nhấn mạnh tác động của "quan hệ giữa các nước lớn" tới tiến trình hội nhập. Thực tiễn cho thấy tiến trình hội nhập châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng của chủ thể nhà nước. Nói cách khác, những thể chế siêu quốc gia trong EU chỉ làm giảm, chứ không làm mất đi quyền lực của nhà nước. Ngoài ra, nhìn từ góc độ khác rộng hơn, chủ nghĩa hiện thực mới vẫn có giá trị lý giải hiện thực mới. Khi có sự thay đổi các chủ thể, khi khu vực thay thế quốc gia-dân tộc trở thành chủ thể chính trong chính trị quốc tế, chính trị giữa các quốc gia sẽ được thay thế bằng chính trị giữa các khu vực, nhưng vẫn xoay quanh những vấn đề cốt lõi của chính trị như cạnh tranh, sự đối lập giữa chiến tranh và hòa bình, và đấu tranh quyền lực.
Trường phái chủ nghĩa tự do mới cũng có những dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển của những lý luận về chủ nghĩa khu vực thời kỳ đầu. Về vai trò của nhà nước, thuyết về sự phụ thuộc lẫn nhau cho rằng hợp tác giữa các quốc gia, chủ yếu là giữa các chủ thể nhà nước, được xúc tiến khi các bên nhận thức được mối đe dọa chung, hoặc để đối phó với những mối đe dọa mới xuất hiện như sự đình trệ kinh tế hay tình hình bất ổn định, gọi chung là những vấn đề “xuyên biên giới" mà bất cứ quốc gia nào, dù mạnh đến đâu cũng không thể một mình xử lý được. Luận điểm của chủ nghĩa tự do về kinh tế thị trường và tự do thương mại, về sự hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế-chính trị giữa các chủ thể trong hệ thống quốc tế có ảnh hưởng tới luận điểm cơ bản của trường phái chức năng mới. Trường phái chức năng mới cho rằng hội nhập kinh tế sẽ tạo ra sức ép dẫn tới hội nhập chính trị, và hội nhập chính trị tới lượt nó sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa hội nhập kinh tế. Chia sẻ quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng "các cơ chế quốc tế và sự quản lý toàn cầu ở một mức độ nào đó là cần thiết để đàm phán và thực thi các hiệp định toàn cầu", trường phái chức năng cũng nhằm tới mục tiêu cuối cùng là tạo ra một sự hội nhập khu vực, xây dựng một thể chế siêu quốc gia theo mô hình liên bang (hoặc khu vực). Những ý tưởng của chủ nghĩa tự do mới đã được phản ánh rõ nét qua các cuộc đàm phán thương mại để thành lập GATT cũng như một loạt các hiệp định mậu dịch tự do khu vực (Free Trade Agreement-FTA) giữa các nước thành viên của liên minh châu Âu-EU và Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ- NAFTA sau này.
Mặc dù không rõ nét như chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do mới, Karl Deutsch và những người theo trường phái "tương tác" ("transactionalism"), chủ trương thông qua tiếp xúc để xây dựng “tính cộng đồng” (sense of community) cũng có ảnh hưởng nhất định đối với những lý luận về hội nhập châu Âu. Deutsch và những người đồng sự phát triển khái niệm “cộng đồng an ninh”, nêu ý tưởng về một hiệp hội khu vực mà ở đó nhu cầu hợp tác về cơ bản sẽ nổi trội hơn khuynh hướng xung đột. Mặc dù tồn tại cạnh tranh về lợi ích, bất đồng và chênh lệch về sức mạnh, các thành viên của cộng đồng an ninh vẫn tham gia vào một hệ thống quản lý dựa trên hiểu biết chung và bản sắc tập thể, không chính thức, nhằm tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Đặc trưng của cộng đồng này là giữa các thành viên có sự tin cậy lẫn nhau, có chung nguyện vọng hoà bình, do đó khả năng nổ ra chiến tranh giữa các nước này là tương đối thấp. Luận điểm của Deutsch và những người theo "chủ nghĩa tương tác" cho rằng "hội nhập là quá trình tiệm tiến trước hết ở lĩnh vực kinh tế, văn hoá-xã hội và bản sắc chính trị, rồi tiến tới thể chế hoá chính trị" đã có ảnh hưởng tới trường phái chức năng mới. Trường phái này cho rằng chiến lược phù hợp nhất để đạt tới mục tiêu cuối cùng (tức là sự nhất thể hoá khu vực) cần phải là một chiến lược từng bước, thông qua chính sách hội nhập từng lĩnh vực chức năng cụ thể để chuyển dần quyền lực từ cấp độ nhà nước quốc gia sang trung tâm mới.
2. Chủ nghĩa khu vực mới - sự phát triển mới về lý luận
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, những nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực một lần nữa trở thành đề tài được dư luận đặc biệt quan tâm với những lý luận mới được gọi chung là "chủ nghĩa khu vực mới". "Chủ nghĩa khu vực mới" (new regionalism) không hẳn là sự phủ nhận hoàn toàn những quan điểm, học thuyết của các trường phái lý luận về chủ nghĩa khu vực thời kỳ đầu như nhận định của một số học giả, mà là sự kế tiếp và phát triển mới về lý luận trên cơ sở chắt lọc những tư tưởng của những lý luận về hội nhập khu vực châu Âu. "Chủ nghĩa khu vực mới" có sức khái quát lớn hơn, mang tính học thuật và lý luận chặt chẽ hơn, đồng thời lý thuyết cũng mang tính chuẩn mực hơn những lý luận về hội nhập khu vực cổ điển. Lý thuyết “chủ nghĩa khu vực mới” hay cách tiếp cận “chủ nghĩa khu vực mới” đã thành công nhất định trong việc khái quát hóa (i) khái niệm về khu vực và tính khu vực (regionness); (ii) tính toàn diện của bản chất mở (open, inclusive and comprehensive) và độc lập (autonomous), tính đa dạng về hình thái (dimensional) của mô hình hội nhập khu vực; (iii) sự tương tác giữa các thành phần, tác nhân tham gia tiến trình hội nhập khu vực (nhà nước và thành phần phi nhà nước). Khái niệm khu vực được xem xét trên 5 cấp độ: (i) là khu vực địa lý; (ii) là hệ thống xã hội; (iii) là hợp tác có tổ chức trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự; (iv) là xã hội dân sự hình thành khi các hệ thống có tổ chức thúc đẩy giao lưu xã hội và sự hòa hợp về giá trị trong khu vực; (v) là thực thể có bản sắc riêng, có năng lực hành vi, có tính hợp pháp, và có cơ chế ra quyết sách.
Trên cơ sở khái niệm khu vực mở và linh hoạt như trên, cách đánh giá về tiến trình hội nhập khu vực ở các khu vực khác trên thế giới sẽ ít nhiều giảm bớt sự thiên lệch của những trường phái lý thuyết lấy châu Âu làm trọng tâm mà Breslin đã phê phán "diễn biến tiến trình chủ nghĩa khu vực và khu vực hóa ít được cụ thể hóa về mặt lý luận do cách thức đối chiếu những diễn biến này với những kinh nghiệm của châu Âu". Breslin cho rằng: (i) cái bóng của tiến trình hội nhập của Liên minh châu Âu (EU) và chủ nghĩa khu vực châu Âu lấn át những kinh nghiệm của những khu vực khác; (ii) việc lấy EU làm mẫu hình cho hội nhập khu vực ở các khu vực khác là một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển các nghiên cứu phân tích về lý thuyết hội nhập khu vực. Breslin lập luận rằng, riêng việc quy kết chủ nghĩa khu vực ở châu Á và châu Mỹ Latin là "lỏng lẻo" và "không chính thức" đã phản ánh rõ thành kiến cho rằng tiến triển về tổ chức khu vực nhất định phải được xác định trên cơ sở so sánh với tiến trình thể chế hóa lấy EU làm khuôn mẫu.
"Chủ nghĩa khu vực mới" được giới học giả nhìn nhận và phân tích từ nhiều góc độ. Trong mối quan hệ giữa chủ nghĩa khu vực với toàn cầu hóa,"chủ nghĩa khu vực mới" là phản ứng, và ở một chừng mực nào đó, là sự điều chỉnh những tác động tiêu cực có thể phát sinh từ tiến trình toàn cầu hóa. Từ góc độ kinh tế-chính trị, “chủ nghĩa khu vực” những năm 1990 là sự biểu hiện tập trung của cạnh tranh quyền lực kinh tế-chính trị trong nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh đan xen giữa các dòng chảy liên khu vực và trong nội bộ khu vực. "Chủ nghĩa khu vực mới" còn được khái quát trong công thức: chủ nghĩa khu vực cộng với những chiến lược phát triển tự do mới thành "chủ nghĩa khu vực mới". Nói tóm lại, nên tìm hiểu và phân tích thấu đáo chủ nghĩa khu vực trong tổng hòa các mối quan hệ tương tác đa dạng, như một định nghĩa hoàn chỉnh về chủ nghĩa khu vực đã nêu, bao gồm năm phạm trù khác nhau: (i) tiến trình khu vực hóa; (ii) sự hình thành bản sắc khu vực; (iii) sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực; (iv) hội nhập khu vực do các quốc gia thúc đẩy; (v) sự gắn kết khu vực. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, chủ nghĩa khu vực cần phải được xem xét và phân tích kết hợp từ góc độ lý luận và lịch sử. Nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực cần: (i) song song với nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực là tập trung phân tích các nhân tố khu vực hoặc các khía cạnh của những biến đổi toàn cầu; (ii) tiếp cận từ góc độ lịch sử vì tiến trình hội nhập khởi nguồn từ những biến đổi trước đó và từ trật tự thế giới.
Những đặc điểm của “chủ nghĩa khu vực mới” được phân tích trong (i) bối cảnh đa cực (khác với bối cảnh trật tự hai cực trong Chiến tranh lạnh); (ii) do các tác nhân bên trong và từ dưới lên (khác với tác động từ ngoài và từ trên dội xuống bởi các nhân tố siêu cường hay bá quyền); (iii) mang tính chất mở, toàn diện và đa dạng về hình thái và thành phần (khác với tính chất đóng và bảo hộ, và những hạn chế trong lĩnh vực hợp tác và tập trung vào nhà nước vốn là đặc trưng của tiến trình hội nhập trước đây). Cụ thể, có một số điểm đáng chú ý tạo nên nét mới của lý luận về chủ nghĩa khu vực thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.
Thứ nhất, chủ nghĩa khu vực mới trước hết ở quy mô và phạm vi. Nếu trước đây lý luận chủ nghĩa khu vực chủ yếu để mô tả và lý giải tiến trình hội nhập châu Âu thì chủ nghĩa khu vực mới bao quát và lý luận hoá tiến trình hội nhập ở tất cả các khu vực. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự ra đời của rất nhiều các tổ chức khu vực, hoặc các khối kinh tế khu vực và tiểu khu vực, hoặc các khu vực mậu dịch tự do.
Thứ hai, có sự thay đổi về phương pháp tiếp cận thuần tuý coi nhà nước là chủ thể chi phối tiến trình hội nhập, chuyển sang coi trọng hơn vai trò của các mạng lưới kinh doanh và các lực lượng xã hội trong khu vực. Nói cách khác, vai trò ngày càng quan trọng của các nhân tố, chủ thể phi nhà nước trong tiến trình hội nhập khu vực được đánh giá cao. Rõ nét nhất là sự thừa nhận khái niệm khu vực hoá là thành tố của tiến trình chủ nghĩa khu vực, chịu sự điều tiết của thị trường, là quá trình chuyển dịch các dòng vốn và trao đổi thương mại do các công ty đa quốc gia và sản xuất xuyên quốc gia chi phối. Chủ nghĩa khu vực mới cũng thừa nhận vai trò của tư tưởng và bản sắc, không đơn thuần nhấn mạnh vai trò của các nhân tố vật chất như sức mạnh hoặc sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế-chính trị, v.v…
Thứ ba, chủ nghĩa khu vực mới không sử dụng tiêu chí của tiến trình hội nhập châu Âu để đánh giá bản chất của tiến trình hội nhập ở các khu vực khác. Thừa nhận sự đa dạng của các mô hình hội nhập: (i) từ hình thái đặc trưng với các thể chế luật pháp tới các hình thái linh hoạt, không ràng buộc nhiều về luật pháp, hay thủ tục; (ii) không bó gọn trong khái niệm khu vực địa lý lãnh thổ (non-territorial nature), cụ thể có nhiều dạng thức liên kết hợp tác, từ tam giác, tứ giác phát triển, hợp tác tiểu khu vực hay còn gọi là chủ nghĩa khu vực vi mô (micro-regionalism), chủ nghĩa liên khu vực (inter-regionalism/transregionalism), chủ nghĩa khu vực nội bộ (intra-regionalism), v.v…
Thay lời kết
Để đánh giá chính xác giá trị của một học thuyết/trường phái lý luận thì nhìn chung cần xem xét học thuyết/lý luận đó trong mối quan hệ với “thế giới thực” của tiến trình hội nhập và bối cảnh học thuật mà học thuyết/lý luận đó ra đời và phát triển. Nói như Pentland (1973), có ba tiêu chí để đánh giá: (i) tính lôgích của bản thân lý thuyết đó; (ii) bối cảnh học thuật mà lý thuyết ra đời; (iii) mức độ kiến giải và phân tích thực tế của lý thuyết đó, nói cách khác là mức độ phù hợp trong việc sử dụng lý thuyết đó để giải thích thực tiễn. Có thể nói việc phân tích tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu trong khung lý luận chung một mặt soi sáng thực tiễn, mặt khác góp phần làm phong phú thêm những lý thuyết về chủ nghĩa khu vực thời kỳ đầu hay chủ nghĩa khu vực cổ điển. Cùng với những thay đổi của thực tiễn thế giới những năm 80 thế kỷ XX, những lý thuyết mới đã ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển những lý luận về chủ nghĩa khu vực lấy châu Âu làm trọng tâm. "Chủ nghĩa khu vực mới" về cơ bản khái quát được tính đa dạng về hình thái, nội dung, mục tiêu, bản chất, thành phần, chiều hướng vận động v.v...của tiến trình hội nhập khu vực trên thế giới. Những vấn đề như (i) có hay không "chủ nghĩa khu vực Đông Á"; (ii) lý luận của "chủ nghĩa khu vực mới" liệu có thể góp phần lý giải thực tiễn và dự báo triển vọng hội nhập của Đông Á hay không, và nếu có, thì đến mức độ nào, v.v. sẽ được bàn tiếp đến trong phần hai: "Chủ nghĩa khu vực và thực tiễn Đông Á"
Tài liệu tham khảo
1. Keohane, R. and Hoffman, S., "Institutional Change in Europe in the 1980s" trong sách The New European Community: Decision-making and Institutional Change(Boulder, CO: Westview Press, 1991).
2. Moravcsik, A., "Preferences and Power in the European Community: A Liberal Intergovernmentalist Approach", Journal of Common Market Studies Vol. 31 (1993).
3. Moravcsik, A., The Choice for Europe: Social Purpose and State Power from Messina to Maastricht (London: UCL Press, 1998).
4. O’neill, M., The Politics of European Integration, (London and New York: Routledge, 1996).
                  5. Pentland, C., International Theory and European Integration (London: Faber and Faber, 1973).
                  6. Robert Putnam, "Diplomacy and Domestic Politics",International Organization Vol. 42 (1988).
                  7. Fu-kuo Liu and Philippe Regnier, Regionalism in East Asia-Paradigm shifting (London and New York: Routledge Curzon, 2003).
                  8. Ben Rosamond, Theories of European Integration, (Basingtoke and London: Macmillan, 2000).
Nguồn: day.edu.vn