Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

18. Thế giới năm 2012 - những dấu cộng và trừ

21:12' 22/1/2013
TCCSĐT - Chia tay với năm 2012, thế giới lại đi qua thêm 1 năm, chứng kiến những đổi thay tích cực đan xen với những khó khăn cũ và cả những thách thức mới. Có thể tạm gọi đó là những “dấu cộng” và “trừ” khi nhìn lại một số sự kiện gây ấn tượng trong năm cũ.

Những dấu cộng
Mi-an-ma cải cách toàn diện
Tiếp nối những quyết định quan trọng của Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên từ năm 2011, năm 2012, Mi-an-ma tiếp tục có nhiều chính sách thay đổi lớn. Nhiều chính sách cải tổ nền kinh tế, mở cửa đã được áp dụng để thu hút đầu tư, như các chính sách ưu đãi, miễn thuế trong 5 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm không quốc hữu hóa, nới lỏng kiểm soát tư hữu đất đai, thả nổi đồng tiền kít,... Dấu hiệu cải cách này đã nhận được phản ứng tích cực của thế giới: Mỹ quyết định tái lập quan hệ ngoại giao và nới lỏng cấm vận; Liên minh châu Âu (EU) và Ô-xtrây-li-a gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Mi-an-ma trở thành điểm sáng trong bức tranh chính trị khu vực, khi quốc gia này thực hiện thành công lộ trình cải cách dân chủ toàn diện trên cả ba trụ cột chính trị, kinh tế và xã hội.
Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin
Ngày 30-11-2012 đã trở thành ngày trọng đại đối với toàn dân tộc Pa-le-xtin sau khi Liên hợp quốc ra quyết định công nhận Pa-le-xtin là “Nhà nước quan sát phi thành viên” với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, tương đương hơn 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Mỹ và I-xra-en. Với sự kiện này, Pa-le-xtin bước sang giai đoạn lịch sử mới, vào đúng dịp kỷ niệm tròn 65 năm “Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Pa-le-xtin”, ngày 29-11-1947. Thắng lợi chính trị quan trọng này của Pa-le-xtin trở thành điểm sáng duy nhất tại Trung Đông trong năm 2012.
Thái Lan, Cam-pu-chia rút khỏi biên giới tranh chấp
Tranh chấp lãnh thổ giữa Thái Lan và Cam-pu-chia quanh ngôi đền cổ 900 năm tuổi Pơ-rết Vi-hia (Preah Vihear) ở biên giới chung giữa 2 nước đã được chính thức tháo ngòi nổ sau khi 2 bên rút hết binh sĩ ra khỏi khu vực này theo phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (IJC). Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm cải thiện quan hệ giữa 2 nước. Quyết định rút quân được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen và Thủ tướng Thái Lan Y.Si-na-oa-tra tại Xiêm Riệp vào trung tuần tháng 7-2012.
Ô-lym-píc Luân Đôn 2012 thành công rực rỡ
Diễn ra từ ngày 27-7 đến 12-8-2012, Ô-lym-píc Luân Đôn 2012 được đánh giá là thế vận hội thành công về mọi mặt. Ô-lym-píc Luân Đôn đạt con số người xem kỷ lục, với 4,8 tỷ lượt khán giả trên toàn cầu. Như vậy, sau 64 năm chờ đợi, Ô-lym-píc lại trở về với Luân Đôn vào đúng dịp Nữ hoàng Ê-li-da-bét II kỷ niệm 60 năm đăng quang. Ô-lym-píc Luân Đôn đã đem đến cho toàn thế giới sự ngạc nhiên và khâm phục qua lễ khai mạc, bế mạc hoành tráng và đậm chất nhân văn cùng rất nhiều kỷ lục thể thao mới được xác lập tại đây.
Và, những dấu trừ
Trung Đông bất ổn hơn
Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-sát và phe đối lập ở nước này bắt đầu từ đầu năm 2011, kéo dài suốt năm 2012 đã làm hơn 42.000 người thiệt mạng, trên 3 triệu người phải đi lánh nạn, trong khi các nước lớn vẫn đang bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong việc đưa ra một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng này. “Mùa xuân Ả-rập” ở Xy-ri đã diễn ra quá dài.  
Ở Ai Cập, cựu Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc bị kết án chung thân; phán quyết của tòa án bãi bỏ các cáo buộc tham nhũng chống ông H.Mu-ba-rắc đã khiến hàng nghìn người bất bình, đổ xuống các đường phố ở Cai-rô và những thành phố khác. Tháng 6-2012, ứng viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo - ông M. Mô-si trở thành Tổng thống Ai Cập, đồng thời là vị tổng thống đầu tiên không liên quan tới quân đội. Tuy nhiên, những bất ổn vẫn tiếp tục diễn ra ở quốc gia này. Mặc dù hơn 64% số cử tri tham gia 2 đợt trưng cầu dân ý đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới gây nhiều tranh cãi, nhưng theo các nhà quan sát, kết quả này chưa thể giúp Ai Cập chấm dứt bế tắc chính trị hiện nay, mà ngược lại, có thể sẽ càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn.
Tại Li-bi, việc Đại sứ Mỹ C.Xti-ven cùng 3 nhân viên lãnh sự Mỹ bị sát hại không chỉ phơi bày sự thật đằng sau sự tuyên truyền của phương Tây về những tiến bộ tại Li-bi, mà còn là đòn cảnh báo trước sự can thiệp của Mỹ tại “chảo lửa” Trung Đông.
“Nóng” tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á và Biển Đông
Tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á đã làm Biển Đông trong năm 2012 liên tục nổi sóng. Tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc bao quanh bãi đá ngầm Sca-bơ-ru (Scarborough)/Hoàng Nham, dẫn đến sự căng thẳng với Phi-líp-pin hồi đầu năm 2012. Cũng trong năm này, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, phát hành hộ chiếu in bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”,… những động thái được một số nhà phân tích cho là sách lược tiến 3 bước lùi 2 bước của Trung Quốc trong việc từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”.
Căng thẳng giữa Trung Quốc - Nhật Bản xung quanh vấn đề đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư bị đẩy lên đỉnh điểm khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo này, châm ngòi cho một đợt biểu tình chống Nhật Bản lan rộng khắp Trung Quốc. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng sau khi Xơ-un bắt đầu dùng tên mới cho 2 đỉnh núi thuộc quần đảo Đốc-đô/Ta-kê-si-ma đang có tranh chấp với Nhật Bản trong các bản đồ, sách giáo khoa và các cổng thông tin điện tử kể từ ngày 29-10-2012. Những tranh chấp, căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm qua đã gây nhiều lo ngại đối với hòa bình và an ninh khu vực.
Bức tranh kinh tế toàn cầu u ám
Gam màu chủ đạo của nền kinh tế thế giới năm 2012 vẫn là một màu xám. Mỹ - nền kinh tế số một thế giới bí bách với “vách đá tài chính”. Châu Á - động lực tăng trưởng của thế giới gặp nhiều khó khăn với xuất khẩu suy giảm. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua. Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chìm sâu trong khủng hoảng nợ công. Hàng loạt ngân hàng lớn vướng vòng lao lý. Nguy cơ “bong bóng” và sự thất bại nặng nề của một số hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cùng nhiều tên tuổi lớn trong ngành điện tử lâm vào cảnh thua lỗ. Hoạt động sản xuất trên toàn cầu suy giảm với sự trì trệ của những “đầu tàu” kinh tế. Mặc dù đã có một vài tín hiệu khởi sắc trong 3 tháng cuối năm, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn rất mong manh. Dân chúng ở nhiều nước châu Âu tố cáo chính phủ đẩy họ vào cảnh khốn đốn khi buộc phải cắt giảm chi tiêu. Ở thời điểm căng thẳng nhất của khủng hoảng nợ công ở châu Âu, vào tháng 6-2012, người ta thậm chí còn tính đến khả năng Hy Lạp có thể không còn ở trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu nữa. Thành lập các quỹ bình ổn, quỹ giải cứu nợ hay liên minh ngân hàng trong Khối ơ-rô là các giải pháp được EU đưa ra để giải quyết khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, việc tham gia các quỹ này hiện cũng đang là thách thức trong EU. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn từng đề cập đến khả năng nước này có thể rời khỏi EU. Trong năm 2013 này, kết quả cuộc bầu cử ở 2 nền kinh tế lớn của khối là Đức và I-ta-li-a sẽ là một yếu tố tác động đến hiệu quả giải quyết khủng hoảng nợ công tại châu Âu./.
Trung Kiên