Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

6. Ba đánh giá của Trung Quốc về hội nghị thượng đỉnh ASEAN


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 14/12/2012
TTXVN (Bắc Kinh 10/12)
Theo tạp chí “Liêu Vọng”, từ ngày 18 đến 20 tháng 11, một loạt hội nghị cấp cao của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh. Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên quyết liệt, tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng gấp rút. Hai nước quan trọng nhất tham gia Hội nghị là Trung Quốc và Mỹ cũng vừa kết thúc cuộc bầu cử thay đổi nhiệm kỳ lãnh đạo ở trong nước. Với đặc điểm như vậy, bài viết cho thấy Trung Quốc có ba đánh giá về Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay như sau:
Đánh giá thứ nhất: ASEAN thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa như thế nào. Để đối phó với sự trỗi dậy của các nước lớn bên cạnh như Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN đã đẩy nhanh các bước đi, tiến tới nhất thể hóa để nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường địa vị chủ đạo trong hợp tác Đông Á. Hội nghị cấp cao lần này của ASEAN đã thảo luận về vấn đề thành lập cộng đồng kinh tế và một loạt chủ đề khác về an ninh, bảo vệ môi trường, thương mại, đầu tư, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng liên thông và phát triển bền vững. Theo như kế hoạch đã định, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015, nhưng do trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên không đồng đều, khoảng cách giàu nghèo khá lớn nên thực tế phối hợp chính sách nhất thể hóa trở nên khó khăn hơn, việc thực hiện giữa các nước cũng đòi hỏi đầu tư nhiều vốn hơn. Sở quy hoạch thuộc Chính phủ Thái Lan cho biết một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp của nước này chưa được chuẩn bị tốt để đi đến nhất thể hóa tương ứng. Các ngành xuất khẩu, dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng của Thái Lan còn chưa theo kịp. Tình trạng xung đột vũ trang ở khu vực biên giới phía Đông Thái Lan gần đây cùng với những mâu thuẫn cũ và mới giữa các nước thành viên khác cũng thể hiện tình trạng xung đột nghiêm trọng khó tránh khỏi trong nội bộ các nước ASEAN, nếu xử lý không ổn thỏa sẽ có thể trở thành lực cản gây trở ngại tiến trình nhất thể hóa. ASEAN sẽ phải duy trì đoàn kết nội bộ như thế nào, đẩy nhanh củng cố nội bộ, lợi dụng khuôn khổ hợp tác khu vực hiện hữu ra sao, tăng cường hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đặc biệt là với Trung Quốc trong 6 lĩnh vực trọng điểm như thế nào, đều đã trở thành những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của ASEAN.
Đánh giá thứ hai: Tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước xung quanh. Trung Quốc chủ trương tranh chấp Nam Hải (biển Đông) cần phải do các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp giải quyết thông qua hiệp thương hữu nghị, phản đối thảo luận vấn đề Nam Hải trong khuôn khổ đa phương. Tuy nhiên, “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, vì lợi ích riêng một số nước đòi chủ quyền ở Nam Hải và Nhật Bản đã bằng mọi cách đưa tranh chấp song phương vào nghị trình của các hội nghị quốc tế. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) hồi tháng 7 năm nay, Philíppin đã ngang ngược gây nhiều chuyện rắc rối khiến cho lần đầu tiên sau 45 năm thành lập, AMM đã không ra được Thông cáo chung, dẫn đến rạn nứt trong nội khối. Philíppin không những đã không tự xem xét lại mình mà còn cố ý đưa vấn đề tranh chấp vào nhiều khuôn khổ đa phương, hy vọng cột ASEAN vào tranh chấp Nam Hải để hình thành nên một mặt trận thống nhất của ASEAN đối với Trung Quốc. Trước hội nghị, Tổng thống Philíppin Aquino cho biết sẽ trình bày lập trường của Philíppin tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần này, điều khiến người ta phải lo ngại liệu một màn diễn như vậy có lặp lại ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hay không. Trước khi diễn ra hội nghị, báo chí của một số nước phương Tây và Nhật Bản đã bắt đầu nhào nặn nhiều thứ về íranh chấp Nam Hải, cho rằng các nước ASEAN sẽ triển khai một cuộc đọ sức với Trung Quốc. Tuy vậy, xuất phát từ lợi ích của bản thân và xem xét đến quan hệ với Trung Quốc, một số nước đã không muốn trả giá cho Philíppin và Việt Nam. Trên thực tế, việc một số nước muốn thúc đẩy đối đầu giữa ASEAN với Trung Quốc đã đánh giá thấp khả năng nhận định của các nước ASEAN. Trong vấn đề Nam Hải, Trung Quốc và ASEAN luôn giữ được mối liên hệ đối thoại và hiểu biết lẫn nhau một cách suôn sẻ và cởi mở, cả hai bên đều có được nhận thức chung và lợi ích to lớn trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Nam Hải, phía Trung Quốc cũng giữ thái độ cởi mở trong việc ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Nam Hải”. Vào tháng 10, tại hội nghị không chính thức ở Thái Lan, Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra “tín hiệu tích cực”, cùng thừa nhận tầm quan trọng của việc tuân thủ “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải” trong giải quyết tranh chấp Nam Hải, đồng ý đẩy nhanh soạn thảo “Bộ Quy tắc ứng xử” khiến Nam Hải khôi phục trạng thái hòa bình và an ninh. Ý đồ của Philíppin và Việt Nam căn bản không thực hiện được.
Nhật Bản cũng muốn tìm kiếm sự lý giải và ủng hộ của nước khác tại Hội nghị cấp cao Đông Á về vấn đề đảo Điếu Ngư. Việc Chính quyền Yoshihiko Noda thông qua “quốc hữu hóa” nhằm chiếm đảo Điếu Ngư đã bị Chính phủ Trung Quốc đáp trả quyết liệt. Để thoát khỏi tình thế bất lợi, Chính phủ Nhật Bản đã lợi dụng mọi cơ hội để tuyên truyền lập trường của mình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hy vọng được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần này, Thủ tướng Noda đã gặp Tổng thống Mỹ Obama để tăng cường, củng cố liên minh Mỹ-Nhật, đồng thời lập trường của Nhật Bản trong vấn đề đảo Dokdo đang tranh chấp với Hàn Quốc cũng dịu đi để tránh rơi vào cảnh bốn bề có địch. Báo chí Nhật Bản cho rằng trong khi kiên trì chịu đựng và tăng cường kiểm soát, Nhật Bản cần đồng thời tăng cường quan hệ sâu sắc với các nước Đông Nam Á để kiểm soát quan hệ, không để cho quan hệ Nhật-Trung xảy ra bất trắc. Với những việc làm như vậy của Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khai cho biết Trung Quốc cho rằng không thể thông qua các hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh G.20, Hội nghị cấp cao Á- Âu và Hội nghị cấp cao Đông Á để giải quyết vấn đề đảo Điếu Ngư. Nếu Philíppin và Nhật Bản cố ý đưa tranh chấp song phương ra nhào nặn tại các diễn đàn quốc tế thì Trung Quốc chỉ có thể thắng thắn tỏ rõ lập trường của mình để các nước này thấy rõ việc làm của họ sẽ đem đến kết quả ngược lại.
Đánh giá thứ ba: Hợp tác và cuộc đọ sức giữa hai nước Trung-Mỹ trong Hội nghị cấp cao Đông Á. Sau khi tái cử, Obama tuyên bố sẽ đi thăm ba nước Mianma, Thái Lan và Campuchia, đồng thời tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Campuchia. Những điều này cho thấy trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama, Mỹ vẫn coi châu Á là trọng điểm ngoại giao của họ. Cuộc đọ sức giữa hai nước xung quanh Hội nghị cấp cao Đông Á lần này đã sớm bắt đầu. Mỹ hy vọng Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ trở thành sân chơi để thảo luận về tình hình xung đột trong khu vực, giữ chủ đạo tình hình an ninh khu vực Đông Á. về phần mình, Trung Quốc kiên trì chủ trương Hội nghị cấp cao Đông Á cần phải trở thành diễn đàn chiến lược có chức năng “dẫn dắt người lãnh đạo”. Tại Hội nghị các quan chức cấp cao Đông Á tổ chức ở Campuchia hồi tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải phát đi chủ trương Hội nghị cấp cao Đông Á cần phải tiếp tục làm nổi rõ chủ đề phát triển, đối phó với thách thức hiện thực, mở rộng hợp tác thực chất, thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực trọng điểm lớn một cách vững chắc. Quá trình thảo luận tại Hội nghị về tình hình an ninh chính trị cần chú ý đến việc nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, chú trọng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, tạo môi trường tốt đẹp cho sự ổn định và phồn vinh ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên, tại Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN tổ chức trong thời gian diễn ra khóa họp lần thứ 67 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã đề xuất đưa vấn đề an ninh trên biển vào nghị trình của Hội nghị ASEAN cấp bộ trưởng năm nay. Đề xuất như vậy của H. Clinton trên thực tế là giúp sức cho Philippin, Việt Nam và Nhật Bản đề xuất tranh chấp lãnh thổ, làm rối loạn Hội nghị cấp cao Đông Á.
Tuy nhiên, cả hai nước Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích chung to lớn trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi cạnh tranh vẫn đồng thời quan tâm kiểm soát rủi ro, đề phòng rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Trong lần thứ tư thảo luận các công việc châu Á-Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc tại San Francisco ngày 23 tháng 10, hai bên đã trao đổi ý kiến về quan hệ Trung-Mỹ, tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Binh Dương, cũng như tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực như thế nào. Có cơ quan truyền thông Nhật Bản cho rằng trong vấn đề đảo Điếu Ngư, “Mỹ đã áp dụng chính sách gì khiến Nhật Bản thật khó hiểu”.