Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

49.Nhà Ngoại giao Lưu Văn Lợi: Những cảm nhận riêng


Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ thăm gia đình họa sĩ Lê Bá Đảng tại Pháp (ông Lưu Văn Lợi ở bìa phải).
Đã sang tuổi 80 nhưng ông vẫn rất mẫn tiệp và nhiệt tình khi trả lời báo Thế giới & Việt Nam về người Thủ trưởng mà ông luôn kính trọng, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và những cảm nhận cá nhân đối với cuộc đàm phán Paris.

Là người có nhiều năm công tác bên cạnh ông Lê Đức Thọ, xin ông cho biết những cảm nhận của ông về thủ trưởng của mình trong vai trò "Cố vấn đặc biệt" của Phái đoàn VNDCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam?
Ông Lưu Văn Lợi: Cảm nhận bao trùm của tôi về đ/c Lê Đức Thọ là hình ảnh của người chiến sỹ trong bài hát "Người chiến sỹ ấy" của Hoàng Vân - người chiến sỹ với tâm hồn thi sỹ đã suốt đời tận tâm, tận trí và tận lực phục vụ lý tưởng mà đ/c đã tự sự trong bài thơ "Ra đi" viết trên quãng đường xa thẳm vào công tác ở Nam Bộ năm 1948: "Lòng chúng ta quên hết/ Tất cả những cái gì riêng đẹp nhất/Để đem về lẽ sống của nhân dân" .
Tháng 5/1968, Bác Hồ trực tiếp đề nghị Bộ Chính trị điều ngay đ/c Lê Đức Thọ từ Trung ương Cục ở Bắc Tây Ninh ra Hà Nội để làm "Cố vấn đặc biệt" của Đoàn Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn giao nhiệm vụ cho đ/c Lê Đức Thọ làm "Tư lệnh" mặt trận ngoại giao ở Hội nghị Paris, là đại diện của Bộ Chính trị tại chỗ để chỉ đạo cả hai đoàn, đồng thời chủ trì việc gặp riêng với Mỹ. Đ/c Lê Đức Thọ đã cùng với Bộ trưởng Xuân Thủy xây dựng khối đoàn kết tất cả các thành viên của hai đoàn, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận và cá nhân, tổ chức bộ phận tác chiến phục vụ cho diễn đàn công khai và các cuộc gặp riêng, phối hợp nhịp nhàng hoạt động của hai đoàn theo tinh thần "hai là một, một là hai", liên hệ chặt chẽ với với các cơ quan lãnh đạo cùng cơ quan chức năng ở Hà Nội và Trung ương Cục Miền Nam, tập hợp và huy động đội ngũ cán bộ chuyên trách đoàn thể, thông tin báo chí và kiều bào vận động và đấu tranh tranh thủ dư luận quốc tế, tác động vào nội bộ Mỹ; bảo đảm an toàn và bí mật tuyệt đối.
Trong thời gian ở Paris, đ/c Lê Đức Thọ không chỉ lo toan các vấn đề chiến lược, đọc kỹ các tài liệu và biên bản, chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp riêng, góp ý cho cho các bộ phận chuyên môn...; mà còn rất quan tâm đến cuộc sống của anh em trong đoàn. Đ/c nhắc anh nuôi lo cho anh em tô mì, cốc sữa, nhắc bác sỹ cung cấp thuốc men. Thấy anh em phờ phạc vì thiếu ngủ, đ/c cười bảo: "về Hà Nội, mình sẽ để các cậu tha hồ ngủ bù", nhưng rồi sực nghĩ điều gì, đ/c lại nói tiếp: "Nói thế thôi, chứ đấu tranh đạt được Hiệp định đã khó, nhưng đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định lại càng khó hơn, gian khổ hơn". Đ/c Lê Đức Thọ thường đi nghỉ sớm, nhưng có khi đến một hai giờ sáng, đ/c đã dậy, đi đi lại lại rồi ngồi vào bàn làm việc. Bộ phận tác chiến cũng cố gắng theo giờ của Thủ trưởng.
Trong thương lượng với ta, Kissinger đã nói Mỹ chẳng may mà gặp ta chứ họ không chọn đối phương là ta! Còn cái không may của Kissinger, một chính khách ngoại giao vốn nổi tiếng có nhiều thủ đoạn, một nhà thuyết khách có tài, lại phải đối mặt với một người như Lê Đức Thọ - một chiến sỹ đã được tôi luyện trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, một nhà lãnh đạo quyền uy, kiên định mục tiêu và biết linh hoạt thỏa hiệp có nguyên tắc, biết cương, biết nhu. Đấu tranh với Kissinger, ông nặng lòng thông cảm với nỗi đau của đồng bào đồng chí, và vững tin ở sức mạnh ngàn năm của dân tộc. Bất kể vũ khí, thủ đoạn hay đe dọa nào, một Nixon, một Kissinger không thể khuất phục được con người đó!
Bút tích của Bác Hồ cử đồng chí Lê Đức Thọ đi dự Hội nghị Paris về Việt Nam.
“K.g. B.C.T
B và anh Tô đã bàn và đồng ý đề nghị B.C.T điện cho anh Sáu: “những công việc cần phải thảo luận, thì anh Sáu nên bàn ngay với anh Bảy và các đ/c phụ trách. Thảo luận xong anh Sáu nên về ngay (độ trước tháng 5) để tham gia fái đoàn ta đi gặp đoàn đại biểu Mỹ”.
Chào thân ái và quyết thắng”
Cho tới hôm nay tôi càng ý thức sâu sắc được về tầm vóc và đạo đức của người chiến sỹ với tâm hồn thi sỹ Lê Đức Thọ. Đọc kỹ thơ Lê Đức Thọ mới thấy hết được tình cảm yêu thương sâu lắng của đ/c đối với các bà mẹ và chiến sỹ, đồng chí và bạn bè. Đồng thời, tôi cũng càng hiểu được lý do mà Bác Hồ và Thường vụ Trung ương đã tín nhiệm cử đ/c phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ cho Đảng từ năm 1944 ngay sau khi đ/c mới ra khỏi nhà tù Hòa Bình được 3 tháng; biết rõ hơn vì sao Bác Hồ đã gửi thư cho BCT yêu cầu cử đ/c từ chiến trường Nam Bộ ra Hà Nội để sang Pari “nói chuyện với Mỹ". Trong số 5 chữ mà đ/c góp ý thêm vào bản Dự thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" tháng 12/1946 của Bác Hồ và đã được Bác cùng Thường vụ Trung ương chấp nhận có hai chữ "thống nhất". Vì sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Người chiến sỹ Lê Đức Thọ “thường được cử đi những nơi quyết định vào những lúc quyết định" và là "một trong những đồng chí lãnh đạo có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" .
Trong gần 5 năm đàm phán có lúc ông Lê Đức Thọ phải trực tiếp về nước để thống nhất ý kiến giữa Đoàn và sự chỉ đạo trong nước. Xin ông có thể cho biết thêm tính chất quan trọng và cần thiết của các chuyến đi này.
Ông Lưu Văn Lợi: Kết hợp giữa đánh với đàm ở Hội nghị Paris về Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn riêng. Lần này ta phải đàm phán với đại diện của Mỹ - siêu cường thế giới về sức mạnh tổng hợp và ngoại giao.
Phái đoàn của ta ở Paris, xa Trung ương và Bộ Chính trị, nên việc trao đổi qua lại để thống nhất đánh giá về tình hình quốc tế và đối phương, về giải pháp và bước đi, không phải lúc nào cũng có thể dùng mật điện được. Chính vì vậy mà trong tình thế rất khẩn cấp, đồng chí Lê Đức Thọ phải về Hà Nội để báo cáo và trao đổi trực tiếp với Bộ Chính trị. Có hai chuyến về quan trọng.
Ngày 13/10/1968, Đoàn ta ở Paris nhận được chỉ thị của BCT mà nếu thực hiện thì có thể bỏ lỡ thời cơ buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và họp 4 bên. Đ/c Lê Đức Thọ thấy tình thế phức tạp, có thể lỡ mất thời cơ, nên sáng hôm sau, sau khi họp Đoàn trao đổi kỹ, đã quyết định về ngay Hà Nội. Tôi được lệnh trao đổi với Đại sứ quán Liên Xô ở Paris để thu xếp cho đ/c Lê Đức Thọ có thể về Mátxcơva sớm nhất. Hôm đó chỉ có duy nhất một chuyến bay từ Paris đi Mátxcơva đang chuẩn bị cất cánh. Chiếc máy bay này đành phải dừng lại ở sân bay khoảng hơn 2 tiếng. Hành khách rất lo lắng và sốt ruột, nhưng khi trông thấy đoàn đ/c Lê Đức Thọ lên máy bay, họ được giải thích lý do và thông cảm. Ngày 16/10/1968, đ/c về tới Hà Nội. Bộ Chính trị đã họp liên tục trong 3 ngày từ 17-19/10 để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình đàm phán ở Paris, cuối cùng đã thống nhất với nhận định của Đoàn ta ở Paris trước đó. Kết quả là Mỹ đã chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện vào ngày 31/10/1968 và sau đó tiến hành họp 4 bên.
Đầu năm 1972, khi cuộc đàm phán với Mỹ của ta ở Paris đang đi tới hồi kết, thì cả Trung Quốc và Liên Xô đều điều chỉnh chính sách với Mỹ. Tháng 1/1972, Trung Quốc đón Tổng thống Mỹ Nixon thăm Bắc Kinh và ra "Thông cáo chung Thượng Hải". Tháng 5/1972, Tổng thống Mỹ Nixon thăm Mátxcơva. Phía Mỹ hy vọng là có thể gây được sức ép với ta trên bàn đàm phán, nhưng Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói thẳng với Kissinger: "Bạn chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi, nhưng không làm thay chúng tôi" . Trong phiên họp riêng kéo dài lâu nhất trong suốt gần 5 năm đàm phán, từ 9 giờ 30 sáng ngày 11/10/1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, nội dung bản Hiệp định do ta đưa ra về cơ bản đã được hai bên chấp nhận. Trong thông điệp ngày 20/10/1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ Nixon đã xác nhận "văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành" và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31/10/1972 tại Paris.
Trong khi tình hình dường như đang tiến triển thuận lợi, đ/c Lê Đức Thọ "cũng đã dự kiến những diễn biến phức tạp do các nhân tố khách quan, trong đó có mối quan hệ Mỹ-ngụy" . Đúng là phía Mỹ đã lật lọng thô bạo, không thực hiện điều đã cam kết. Ngày 22/10, Tổng thống Nixon lại gửi công hàm cho ta, nêu khó khăn do Thiệu phản đối, nên chưa có thể ký Hiệp định như đã thỏa thuận. Sau khi Tổng thống Nixon được tái cử ngày 7/11, trong cuộc họp ngày 23/11/1972, Kissinger đòi sửa lại 69 điều trong văn bản đã thỏa thuận. Phía ta đã phản đối quyết liệt.
Trong cuộc họp hẹp với Kissinger sáng 4/12/1972, đ/c Lê Đức Thọ nói: "Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B-52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi… Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông "không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh" .
Tối ngày 18/12/1972, đ/c Lê Đức Thọ về tới Hà Nội. Chưa đầy hai tiếng sau, Mỹ bắt đầu dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác, đồng thời cũng trong ngày hôm đó lại gửi công hàm tới Đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại đàm phán sau ngày 26/12/1972. Lưới lửa phòng không của chiến tranh nhân dân đã giăng kín trời Hà Nội và các nơi khác. Quân và dân ta đã sẵn sàng đối mặt với B-52 Mỹ. Từ năm 1967, Bác Hồ đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc đó là Phó Tổng tham mưu trưởng, lời dự báo: "Sớm muộn Đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội" .
Đánh B-52 là canh bạc cuối cùng của Nixon. Đây là một chiến dịch đã được chuẩn bị sẵn từ trước với cái tên Linebacker II. Nhưng có một điều mà ông ta và các chiến lược gia Hoa Kỳ chưa biết rõ. Đó là Thăng Long bất khuất và kiên cường đã chôn vùi nhiều mộng tưởng ngoại xâm. Trong 12 ngày đêm của trận "Điện Biên phủ trên không" ấy, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F-111; 43 giặc lái đã bị bắt. Mưu đồ của Nixon nhằm khuất phục ý chí sắt đá của Hà Nội bằng tham vọng "đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá" đã thất bại hoàn toàn. Nixon cũng không còn gì để trấn an chính quyền Thiệu được nữa và nội bộ càng mâu thuẫn, rối ren. Dư luận thế giới phê phán và phản đối kịch liệt sự lật lọng, tráo trở của Mỹ. Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải ngừng ném bom để quay lại bàn đàm phán. Sau này, chính Kissinger đã phải cay đắng thừa nhận về sự đại bại của trận không kích B-52 này: "Điều đó có bõ không? Những sự thay đổi liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh không? Không, đối với chúng ta, hẳn rồi, gần như là chắc chắn đối với Sài Gòn mà sự sống sót, nói cho cùng, là cái cớ của chiến tranh" .
Bộ Chính trị đã thảo luận suốt 3 ngày trong hầm nhà Rồng tại Hoàng thành, nhiều ý kiến lật đi, lật lại, nhưng cuối cùng đã nhất trí cao với ý kiến do các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đề xuất là phía ta nên gặp lại phía Mỹ. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt ngày 23/1/1973 và được ký chính thức ngày 27/1/1973 với nội dung cơ bản như dự thảo của ta đã chủ động đưa ra hồi tháng 10/1972.
Xin ông cho biết những tiếp xúc quan trọng đáng ghi nhớ nhất với kiều bào ta ở Pháp?
Ông Lưu Văn Lợi: Lực lượng Việt kiều yêu nước ở Pháp rất mạnh và có tinh thần đoàn kết từ thời Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp, nhất là thời kỳ Hồ Chủ Tịch sang Paris năm 1946 với danh nghĩa thượng khách của Chính phủ Pháp. Khi sang Paris, Đ/c Lê Đức Thọ đã cùng Bộ trưởng Xuân Thủy sớm quan tâm củng cố, động viên và huy động lực lượng Việt kiều tại Paris và toàn Pháp gắn kết với các hội Việt kiều ở Tây-Bắc Âu và Mỹ nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, phát huy sự đóng góp vào một số công việc của Đoàn và tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta.
Lãnh đạo Đoàn ta cùng cơ quan ngoại giao Việt Nam có kế hoạch rất chu đáo củng cố và phát huy vai trò của bà con cô bác Việt kiều, trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức nổi tiếng. Riêng đồng chí Lê Đức Thọ rất quan tâm chú ý tới Nhóm Việt ngữ và qua nhóm này huy động phong trào Việt kiều trong Hội liên hiệp Việt kiều và các lực lượng khác. Đ/c đã phân công cả các thành viên chủ chốt trong hai đoàn lo từng việc cụ thể cùng với Tổng đại diện Việt Nam tại Paris và Phòng thông tin của Mặt trận DTGPMNVN.
Dù bận rất nhiều việc, nhưng đ/c Lê Đức Thọ vẫn thu xếp thời gian thăm các nhân sỹ, trí thức tiêu biểu, nổi tiếng trong giới trí thức Việt kiều không những ở Pháp mà ở cả thế giới như các ông Hoàng Xuân Hãn và Hoàng Xuân Mãn; thăm gia đình họa sỹ Lê Bá Đảng; dự các cuộc gặp gỡ thân tình và bổ ích tại trụ sở Đoàn với đại diện Việt kiều tới thăm Đoàn. Đ/c Lê Đức Thọ còn trao đổi với Nhà để có những chính sách cụ thể ghi công xứng đáng cho các lực lượng Việt kiều. Các thành viên Nhóm Việt ngữ đã được xét kết nạp trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Nhiều người đã về nước, trong đó có một số công tác ở Bộ Ngoại giao; một số được tín nhiệm trao các chức vụ cao như Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ban Việt kiều Trung ương, Chủ nhiệm UBKHKTNN, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều kỹ sư và kiến trúc sư đã về nước đóng góp trí tuệ và kiến thức chuyên môn trong công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước. Nhiều người có thành tích tiêu biểu đã được Chính phủ tặng thưởng huân huy chương kháng chiến.
Hội người Việt Nam tại Pháp được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Ông Hoàng Xuân Hãn được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, ông Hoàng Quốc Tân - hạng ba. Hàng trăm Việt kiều đã được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến, trong đó có ông Phùng Công Khải đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất.
Ông Lưu Văn Lợi (phải), thư ký Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ chụp ảnh với Ông Phùng Công Khải, chủ cơ sở in văn bản Hiệp định tại Meudon, Paris

Kinh nghiệm của Ông Lưu Văn Lợi:
Dù công việc hoàn toàn mới mẻ, nhất là thời kỳ làm thư ký cho đ/c Lê Đức Thọ, do không có điều kiện để học chính qui đến nơi đến chốn, nên tôi phải tự học là chính, vì không có kiến thức cùng sự hiểu biết thấu đáo thì sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Học ở "trường đời" và học trong thực tiễn không kém phần quan trọng. Học và đọc sách báo đã trở thành thói quen, sở thích và ham muốn thường ngày. Từ đó hình thành văn hóa đọc. Cần phải tự học liên tục, học hỏi các bậc đàn anh, bạn bè, chiến hữu. Còn trong công tác phải toàn tâm, toàn ý, trung thực, kỷ luật; thường xuyên tôi rèn đức tính đoàn kết, cẩn thận, chu đáo, chắc chắn, bình tĩnh, không sợ khó, không sợ khổ, nghiêm khắc với bản thân, thẳng thắn, chân thành và bao dung với đồng nghiệp.
Ông Phùng Công Khải là chủ một cơ sở ấn loát ở Meudon, ngoại ô Paris. Trong suốt gần 5 năm đàm phán Paris, ông đã đảm bảo in giúp cho hai Đoàn của ta các văn kiện, tuyên bố, tài liệu tuyên truyền phục vụ cho cuộc đấu tranh của ta trên mặt trận ngoại giao. Xưởng in của ông không to, nhưng tương đối hiện đại vào thời điểm ấy. Ông Phùng Công Khải đã được tin cẩn giao nhiệm vụ in văn bản chính thức của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam cùng các nghị định thư. Có điều lý thú là phía Mỹ cũng phải nhờ ta in văn bản chính thức của Hiệp định với hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt và tiếng Anh. Công việc này diễn ra vào giữa tháng 1/1973 với yêu cầu giữ hoàn toàn bí mật, không để lộ cho các nhà báo và được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ông Phùng Công Khải cùng số anh em Việt Kiều được phân công đã bị "cắm trại", ăn ở, làm việc ngay tại chỗ, mọi liên lạc với bên ngoài đều cắt đứt, kể cả điện thoại.
Nhiều thành viên trong Đoàn đàm phán nhận xét cả hai đoàn chúng ta đều được lãnh đạo nhắc nhở công tác xây dựng nội bộ, đặc biệt là ý thức bảo mật. Xin ông cho biết đó có phải là một trong những phẩm chất cần có của cán bộ ngoại giao không?
Ông Lưu Văn Lợi: Trong cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm ở Paris, ta đã giữ tuyệt đối được bí mật tất cả các phương án và giải pháp đấu tranh ngoại giao. Có được thành quả đó là do ý thức bảo mật tuyệt đối của tất cả các thành viên trong cả hai đoàn của ta - điều mà lãnh đạo Đoàn thường xuyên nhắc nhở. Đ/c Lê Đức Thọ đã nhận xét: "cán bộ ngoại giao rất cẩn thận, kỷ luật, tin cậy, chưa khi nào để xẩy ra điều gì phiền lòng về bảo mật".
Sau cuộc họp 3 ngày của Bộ Chính trị vào cuối tháng 12/1972 thảo luận về tình hình đàm phán ở Paris (đ/c Đinh Nho Liêm là thư ký ghi chép), lẽ ra đ/c Lê Đức Thọ sang Paris ngay, nhưng do bị sốt cao chưa thể đi được, đ/c đã cho mời đ/c Đinh Nho Liêm tới và thân mật nói: "Liêm ơi tuy mệt cậu cố gắng đi sớm Paris, đưa ý kiến thảo luận và quyết định của Bộ Chính trị sang báo cáo rõ với anh Xuân Thủy, chị Bình, anh Thạch và các đồng chí đoàn viên. Cậu chú ý bảo mật, nhớ kỹ trong đầu, không mang tài liệu. Sang Paris cậu không ra khỏi trụ sở đoàn" .
Ý thức bảo mật tuyệt đối là một trong những phẩm chất cần phải có của cán bộ ngoại giao trước kia cũng như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với những thành tựu công nghệ rất hiện đại và tinh vi. Khả năng thâm nhập của công nghệ thông tin rất lớn, nhưng suy cho cùng thì ý thức cảnh giác và bản lĩnh của con người vẫn đóng vai trò quyết định. Vì vậy, các cán bộ ngoại giao không phân biệt thâm niên luôn phải chú ý bảo mật và trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc.
Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước và quan hệ quốc tế hiện nay, chúng ta có thể học gì từ kinh nghiệm của Hội nghị Paris?
Ông Lưu Văn Lợi: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt giữa Cố Vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - Tiến sỹ Henry Kissinger ngày 23/1/1973 và sau đó được ký chính thức ngày 27/1/1973, là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và nghệ thuật ngoại giao Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử mà Đảng và Bác Hồ đã kế thừa và phát triển trong bối cảnh quốc tế mới. Đó cũng chính là thắng lợi của việc thực hiện tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go và thử thách của dân tộc Việt Nam.
Bối cảnh quốc tế và hoàn cảnh đất nước đã thay đổi rất khác xưa, nhưng từ quá trình đàm phán suốt gần 5 năm ở Hội nghị Paris, có thể thấy một bài học lớn là cần nghiên cứu và học tập thật thấu đáo để quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong cuộc gặp Bác Hồ trước khi sang Paris, đ/c Lê Đức Thọ đã được Bác dặn dò: trong khi đàm phán phải giữ vững lập trường, ứng phó với mọi tình huống, dĩ bất biến, ứng vạn biến, vạch trần tội ác của Nhà cầm quyền Mỹ, nhưng phải tôn trọng nhân dân Mỹ. Lời căn dặn quí báu này của Bác đã được các đ/c lãnh đạo Đoàn cùng các thành viên nhận thức sâu sắc và thực hiện nhất quán trong suốt quá trình đàm phán. Đó cũng là cội nguồn của thành công.
Trong đàm phán ở Paris, "dĩ bất biến" trong lời căn dặn của Bác Hồ, bao hàm nhiều nội dung. Đó là mục tiêu cần đạt được: Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, "quân Mỹ phải rút ra, còn quân ta ở lại". Đó còn là tinh thần độc lập tự chủ và yêu cầu có tính nguyên tắc về sự hợp chặt chẽ giữa chính trị với quân sự và ngoại giao, đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, giương cao ngọn cờ chính nghĩa dân tộc với đấu tranh dư luận để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của đối phương và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế thật rộng rãi trên khắp các châu lục nhằm giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Sự kết hợp này là một vấn đề có tính qui luật của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ vị trí địa-chiến lược của Việt Nam, từ so sánh lực lực lượng giữa Việt Nam với đối phương và từ xu thế của thời đại.
"Ứng vạn biến" đã được quán triệt và triển khai ở Hội nghị Paris bao quát cả sách lược thỏa hiệp khéo léo và sự nhân nhượng linh hoạt có nguyên tắc để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi từng bước. "Ứng vạn biến" còn là biết tư duy sáng tạo để tìm kiếm những hình thức và biện pháp đoàn kết và đấu tranh phù hợp với từng đối tác, đối tượng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Kết quả cuối cùng được thể hiện ở sự phối hợp có hiệu quả giữa tiến công chính trị với tiến công quân sự và tiến công ngoại giao; ở sự kết hợp giữa phát huy cao độ chính nghĩa và đoàn kết dân tộc với việc thức tỉnh lương tri nhân loại và mở rộng đoàn kết quốc tế nhằm gắn kết tốt nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại hướng tới thực hiện thành công mục tiêu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong thời gian này, ta đã xây dựng được mặt trận đoàn kết nhân dân toàn thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Phong trào đấu tranh vì hòa bình và phản chiến ở Mỹ cũng phát triển mạnh mẽ.
Một số bài học kinh nghiệm này vẫn có ý nghĩa thời sự đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, lợi ích quốc gia và quan hệ quốc tế của ta hiện nay.
Xin cảm ơn Ông!
Ông Lưu Văn Lợi sinh năm 1933, tại Hà Nam, sống tại Hà Nội. Là thư ký riêng của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris, ông còn là thư ký cho Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ trong hai giai đoạn là 18 năm (1968-1980 và 1984-1989). Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông đã từng có 4 nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow. Trong nhiệm kỳ thứ tư ông là Tham tán Công sứ kiêm Chánh văn phòng ĐSQ, Phó Bí thư Đảng ủy ĐSQ, Ủy viên Ban cán sự Đảng ngoài nước, đại diện thẩm quyền tại SEV giai đoạn giải thể (1989-1993). Do trong đoàn có hai ông cùng tên Lưu Văn Lợi nên trong thời gian ở Paris ông thường được gọi là Lợi B.


Hải Bằng
(thực hiện)