7:23' 26/1/2013
Năm 2012, diễn biến
tình hình thế giới nổi lên hàng loạt sự kiện, vấn đề nóng bỏng, như:
khói lửa chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa nguôi; bất ổn về kinh tế,
chính trị, xã hội ở Ai Cập; các cuộc xung đột giữa I-xra-en và
Pa-le-xtin; nội chiến ở Xy-ri;… Trong bối cảnh đó, mặc dù không nguôi lo
lắng về những kịch bản “Hậu mùa xuân A-rập”, nhưng giới quan sát và
nghiên cứu chính trị thế giới dường như vẫn hướng về một nơi khác, đó là
châu Á - Thái Bình Dương.
Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đắc địa trên bản đồ địa - chính trị thế giới và tiềm ẩn những nguy cơ xung đột
Vì sao khu vực này được giới quan sát và nghiên cứu chính trị thế giới rất chú ý đến? Lý do thứ nhất,
có thể thấy rất rõ, đó là mong muốn của Mỹ trong việc mở rộng vùng ảnh
hưởng của mình tới khu vực này. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại thu
hút sự quan tâm của Mỹ ngay khi cường quốc số một thế giới này “chợt
tỉnh giấc” sau hơn nửa thế kỷ tập trung vào châu Âu với những tranh
giành của thời kỳ Chiến tranh lạnh và một thập niên tập trung vào chảo
lửa Trung Đông khi phát động cuộc chiến chống khủng bố. Với chiến lược
“xoay trục, đảo chiều”, chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương,
Mỹ dường như đã chính thức thừa nhận tương lai của họ trong ít nhất vài
ba thập niên tới, là gắn liền với khu vực này. Bởi nơi đây, chứ không
phải bất cứ nơi nào khác trên thế giới, là nơi có vị trí chiến lược rất
quan trọng trên bản đồ địa - chính trị thế giới.
Sau nhiều năm tận hưởng
vinh quang trên đỉnh cao số một thế giới, nước Mỹ giờ đây chợt nhận ra
vị trí độc tôn của họ đang bị đe dọa bởi một quốc gia mà cách đây 10 năm
vẫn còn nằm trong danh sách các nước đang phát triển, nay đã trở thành
cường quốc số hai thế giới và đang tiến sát ngôi vị của Mỹ với những
bước phát triển ngoạn mục, thần tốc, đó là Trung Quốc, đất nước có gần
1,4 tỷ dân và trấn giữ một cực hùng mạnh của châu Á. Nhìn vào bản đồ địa
- chính trị thế giới, các chuyên gia nhận định rằng, nếu có một cuộc
chiến tranh lớn mang tầm khu vực, hoặc rộng hơn, thì châu Á - Thái Bình
Dương rất có thể sẽ trở thành chiến trường chính, nơi mà Mỹ không dễ
dàng từ bỏ tham vọng phủ tầm ảnh hưởng của mình.
Trong năm qua, Mỹ đã
chứng tỏ quyết tâm chuyển hướng chiến lược sang châu Á, với bằng chứng
rõ ràng nhất là những chuyến thăm dồn dập tới châu Á của Ngoại trưởng Mỹ
Hi-la-ri Clin-tơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta, cũng như
của chính ông chủ Nhà Trắng Ba-rắc Ô-ba-ma, chỉ hai tuần sau khi thắng
cử nhiệm kỳ hai. Các chuyến thăm này đều nhằm mục đích tìm kiếm đồng
minh mới, củng cố quan hệ với các đồng minh cũ tại châu Á, tăng cường
quan hệ hợp tác với châu lục này trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và
quân sự, qua đó, khẳng định vị thế số một của Mỹ ở khu vực này, cũng
như trên thế giới. Bên cạnh các chuyến thăm ngoại giao, Mỹ còn áp dụng
các biện pháp quân sự, như: điều thêm chiến hạm và các loại vũ khí trên
biển đến vùng biển Thái Bình Dương; xây dựng các căn cứ quân sự tại khu
vực châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác quân sự với các nước
trong khu vực;…
Lý do thứ hai
khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành mối quan tâm bậc nhất của dư
luận quốc tế trong năm qua là, Trung Quốc vẫn duy trì được sự phát triển
vượt bậc về kinh tế, mặc dù GDP có suy giảm so với năm trước. Điều này
góp phần nâng tầm vị trí châu Á trên bản đồ thế giới, song, những tranh
chấp giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực về chủ quyền biển,
đảo đã khiến cho vấn đề an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương trở nên
nóng bỏng.
Hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo tại châu Á - Thái Bình Dương
Trong năm 2012, mặc dù
một số khu vực của châu Á nóng lên với những tranh chấp về chủ quyền
lãnh thổ, lãnh hải, song hợp tác, đặc biệt là hội nhập kinh tế, vẫn là
xu thế chủ đạo trong toàn khu vực. Hòa chung vào quá trình toàn cầu hóa,
bất chấp đà suy thoái kinh tế - tài chính toàn cầu, nhiều nền kinh tế
của châu Á trong năm qua vẫn tiếp tục phát triển, xứng đáng được ví như
chiếc neo, góp phần sớm vãn hồi sự ổn định và chấn hưng nền kinh tế thế
giới.
Bất chấp ảnh hưởng của
cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh
tế toàn cầu và nỗi lo ngại “vách đá tài chính” của Mỹ có thể nhấn chìm
không chỉ nền kinh tế số một thế giới, những nền kinh tế đang nổi của
châu Á đã hoạt động hiệu quả trong năm 2012, mặc dù mức tăng trưởng kinh
tế thấp hơn so với dự đoán. Một báo cáo của Liên hợp quốc mới được công
bố cho biết, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
trong năm qua ước tính đạt mức 5,6%, thấp hơn so với dự đoán trước đó là
6,5%.
Bước sang năm 2013, nhìn
chung, các nhà kinh tế đều tỏ ra lạc quan khi cho rằng, các nền kinh tế
của khu vực châu Á sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa tăng
cao và đây cũng là phần bù đắp cho khoản thiếu hụt do xuất khẩu yếu. Báo
cáo “Triển vọng kinh tế châu Á năm 2013”, do Tập đoàn Đầu tư - Tài
chính Gôn-men Sách (Goldman Sachs) công bố mới đây, bày tỏ niềm lạc quan
đối với triển vọng kinh tế của khu vực này trong năm 2013, ngoại trừ
Nhật Bản. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế trung bình tại châu Á năm
2013 có thể sẽ đạt 6,9% và sẽ tiếp tục tăng lên mức 7,3% trong giai đoạn
2014 - 2016.
Các cuộc bầu cử trong
năm 2012 tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mi-an-ma, hay việc chuyển giao
quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc đều có thể dẫn tới
những thay đổi về chính sách đối nội, đối ngoại ở các quốc gia này,
khiến cho châu Á dường như đang được “bài binh, bố trận” lại. Mới đây,
Lầu Năm góc tiết lộ rằng, Mỹ sẽ bố trí “hệ thống vũ khí tối tân nhất”
tại châu Á - Thái Bình Dương; các loại vũ khí tối tân nhất này gồm có:
máy bay đa năng trinh sát biển và săn đuổi tàu ngầm P-8 Pô-xây-đôn
(Poseidon, đang được chế tạo), tàu ngầm nguyên tử tấn công và máy bay
chiến đấu tàng hình F-35. Trong khi đó, việc Mi-an-ma cải cách thể chế
chính trị cho thấy, quốc gia này đang muốn thân thiết với phương Tây hơn
là với một số đồng minh truyền thống, hay việc cử tri Hàn Quốc và Nhật
Bản dành lá phiếu cho hai nhân vật được xem là cứng rắn để trở thành
nguyên thủ của hai quốc gia này đã minh chứng rằng, họ muốn là đồng minh
trụ cột của Mỹ ở châu Á và ủng hộ chiến lược chuyển trọng tâm sang châu
Á của Mỹ.
Những sự kiện đó tất yếu
có mối quan hệ nhân quả với nhau và chắc chắn sẽ tác động đến tương lai
của châu Á, cũng như tương lai của từng quốc gia trong khu vực. Tuy
nhiên, có thể khẳng định, trong năm 2013, tại khu vực châu Á - Thái Bình
Dương sẽ có những diễn biến phức tạp trong tranh chấp chủ quyền biển,
đảo, song, cũng giống như năm 2012, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu
thế chủ đạo./.