Mới
đây, Tờ AP của Mỹ đã đưa ra lời bình luận về nền giáo dục của Việt Nam
khiến nhiều người phải suy nghĩ. AP cho rằng, tại quốc gia từng theo Nho
giáo đề cao giáo dục và thi cử, các trường học ở mọi cấp đều đối mặt
với tình trạng gian lận, hối lộ cũng như thiếu các chương trình tiêu
chuẩn thế giới. Tờ báo này còn mạnh dạn nhận định, giáo dục ở Việt Nam
vẫn duy trì một hệ thống quản lý tập trung kém hiệu quả và thiếu tư duy
phê phán. Dù Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, nhưng vấn đề cốt
lõi nằm ở quản lý kém chứ không do thiếu đầu tư. Hơn nữa, tác giả bài
báo còn đề cập trực tiếp đến những vụ bê bối liên quan đến giáo dục,
trong đó vụ việc gây xôn xao gần đây nhất là việc giám thị ở một trường
THPT dân lập tại tỉnh Bắc Giang ném đáp án cho các thí sinh tham dự kỳ
thi tốt nghiệp vừa qua…
Nhìn về ngày xưa…
Chế độ thi cử thời phong kiến chủ yếu
là lo việc thi cử để tuyển chọn người ra làm quan các cấp và cũng để
khảo hạch việc dạy và học trong dân. Vì vậy, việc thi cử được nhà vua
quan tâm đến dự, các quan vừa có tài vừa có tâm đảm trách, để tuyển chọn
những người hiền tài phục vụ đất nước. Nước ta bắt đầu có thi Nho học
từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt thi Nho học vào năm 1919
đời vua Khải Định nhà Nguyễn. Trong 845 năm đó, đã có nhiều hình thức
thi cử, khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác
nhau, song có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng
ra tổ chức, chỉ đạo thi.
Theo sách của Phan Huy Chú viết về thi
Đình thời nhà Nguyễn, sau khi làm lễ khai mạc xong, vua về cung, các
quan cũng ra về chỉ để lại hai ông quan võ canh giữ trường thi. Họ là
quan to nhưng là quan võ, không đủ chữ nghĩa để "gà bài" cho các thí
sinh. Trong “Lều chõng ”, Chu Thiên cũng tả về kỳ thi ở điện Thái Hoà.
Trên điện đã có sẵn chiếu, khi Vua cho phép "khai độc chế sách" các thí
sinh mới cầm đầu bài mở xem. Khoa thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn
(1807) đã cấm thí sinh không được mang sách vào trường, không được rời
khỏi lều. Nếu mượn người làm bài, hay làm bài thay người khác đều bị tội
đồ, trước năm 1826 tội này chỉ bị đóng gông, đánh rồi đuổi ra, nhưng từ
1831 ai phạm tội sẽ bị gông một tháng, mãn hạn đánh 100 trượng rồi mới
tha.
Thi cử thời xưa rất nghiêm túc. Đối
với các vị quan đảm trách việc thi cử, nếu xảy ra sai phạm, tùy theo vụ
việc mà trị tội, có thể cách hết chức tước và bị đi đày. Sau này, nếu
những người đỗ Cử nhân, Tú tài, Giám sinh nếu phát hiện thi cử gian dối,
đều bị xoá tên trong sổ Danh sắc. Ngẫm lại chuyện thi cử ngày xưa, hẳn
chúng ta vẫn còn thu được rất nhiều bài học quý trong việc đào tạo nhân
tài cho thời hiện đại…
Thi cử bây giờ
Ở thời điểm hiện tại, hàng triệu thí
sinh và phụ huynh vẫn chưa bước chân qua kỳ thi sinh tử - kỳ thi vào các
trường ĐH năm 2012. Ngay trước đó, chính các em cũng đã phải trải qua
một kỳ thi quốc gia không kém phần quan trọng - thi tốt nghiệp THPT. Mặc
dù bản thân các thí sinh và gia đình các em thở phào nhẹ nhõm bởi đã
vượt qua kỳ thi một cách suôn sẻ nhưng một câu hỏi vẫn được đặt ra: Liệu
có cần thiết phải có cả hai kỳ thi quốc gia tổ chức liền nhau, cùng gây
tốn kém cả về sức lực, tiền bạc cũng như thời gian như vậy không?
Hơn nữa, một câu hỏi khác cũng đã được
dư luận quan tâm từ lâu: Có nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH tốn kém
trong khi đã có một kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia? Không phải là
chưa có câu trả lời, vì Bộ GD&ĐT đã đề ra kế hoạch bỏ kỳ thi tuyển
sinh ĐH vào năm 2010. Nhưng lý do khiến kế hoạch này chưa thể thực hiện
là thi tuyển sinh ĐH là một chủ trương lớn, cần có thời gian để đạt sự
đồng thuận cao của xã hội. Ngoài ra, bản thân Bộ cũng cần thời gian để
chuẩn bị cho sự thay đổi nói trên.
Tại cái vòng luẩn quẩn
Có thể nói, việc cải cách thi cử ở
nước ta đã được đặt ra từ hơn 20 năm. Lúc ấy, khoảng đầu thập niên 1990,
người ta rất nói nhiều đến việc cải cách tuyển sinh, rồi áp dụng hình
thức thi trắc nghiệm như một hình thức thi cử tiên tiến, hiện đại, tiết
kiệm, chính xác, khoa học. Đến nay, công cuộc cải cách này đã đi qua một
chặng đường dài với những hình thức thi mới mẻ hơn. Mặc dù, những năm
gần đây, Bộ GD-ĐT đã có những hướng cải cách trong thi cử như ra đề sát
với trình độ học sinh, đề thi mang tính gợi mở… nhưng tiêu cực trong
chấm thi và trông thi vẫn còn đó. Đây cũng chính là lý do một số người
đồng tình với quan điểm nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tuyển
sinh ĐH.
Tuy nhiên, cách làm hiện nay của Bộ
GD-ĐT vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao của xã hội. Mặc dù vẫn tồn tại
nhiều quan điểm khác nhau về kỳ thi tuyển sinh nhưng hầu như mọi người
đều đồng ý là việc tổ chức hai kỳ thi quốc gia liền nhau như hiện nay
vừa trùng lắp không cần thiết, vừa quá tốn kém. Như vậy, liệu có phải
việc cải cách thi cử ở nước ta đã đi một vòng để trở về đúng chỗ cũ?
Trên thực tế, mọi việc không hẳn là
vậy. Những nỗ lực cải cách của ngành giáo dục trong những năm qua chắc
chắn cũng phải có những tác dụng của nó. Nói như TS Vũ Thị Phương Anh,
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia
TP.HCM thì: “Chính những kinh nghiệm - cả tốt lẫn xấu - cũng như rất
nhiều tranh luận nên xã hội đã hiểu rõ hơn về yêu cầu của các kỳ thi
khác nhau, cũng như vai trò của thi cử tại Việt Nam như một phần của nỗ
lực nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ có điều, những cải thiện đang diễn
ra quá chậm chạp, trong khi đòi hỏi của thực tế vô cùng ráo riết. Giờ
đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng áp dụng những giải pháp
đã được đề ra trong đề án cải cách tuyển sinh với những lộ trình và bước
đi cụ thể đã được xây dựng sẵn”.
“Cải” theo hướng nào?
Một số quốc gia như Australia,
Slovenia, Ireland...và rất nhiều nước khác đã sử dụng kết quả thi tốt
nghiệp và học tập các năm để xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Bên cạnh
việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng,
trung học chuyên nghiệp, thì cũng có kỳ thi ở những trường đại học với
những yêu cầu đào tạo chuyên biệt như y dược, luật, âm nhạc, thể thao...
như ở Canada. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất không phải ở chỗ chọn mô
hình tổ chức nào: thi chung - xét riêng hay thi riêng - xét riêng. Cốt
lõi của sự việc là mục tiêu đánh giá của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Thử lật lại đề án cải cách thi cử với
mục tiêu chỉ còn một kỳ thi quốc gia vào năm 2010. Một là, chỉ giữ lại
một kỳ thi quốc gia; kỳ thi đó sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ
dự thi tám môn trong chương trình học và đa số các môn thi sẽ áp dụng
hình thức trắc nghiệm. Vì đây là kỳ thi tốt nghiệp nên yêu cầu của kỳ
thi cần vừa sức, nghĩa là thí sinh chỉ cần đạt mức trung bình thì đã có
thể đậu, mặc dù để đạt điểm cao vẫn sẽ không dễ dàng. Hai là, kết quả
thi tốt nghiệp THPT sẽ là một yếu tố quan trọng để xét tuyển vào ĐH
nhưng không bắt buộc phải là yếu tố duy nhất. Nếu thực hiện đúng như
trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có vai trò tương tự với kỳ thi tú tài
trước năm 1975 (kết quả thi tú tài thời ấy được phân thành năm hạng: tối
ưu, ưu, bình, bình thứ, thứ). Tuy nhiên, đề án này khi đưa ra lấy ý
kiến góp ý đã vấp phải một số ý kiến không đồng thuận. Một tiền đề quan
trọng để thực hiện cải cách tuyển sinh đã được đặt ra, đó là: Chỉ bỏ thi
ĐH sau khi đã tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và đúng
thực chất.
Một điều cũng cần lưu ý khác trong đổi
mới là giao chỉ tiêu tuyển sinh để tránh hiện tượng các trường dân lập
và thậm chí cả công lập chạy theo chỉ tiêu vì gắn liền với thu nhập. Tuy
nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia giáo dục, việc giảm tải các
kỳ thi chỉ là thời gian.
Chuyện không của riêng Việt Nam
Đó là sự kiện năm 2005 khi Bộ Giáo dục
Ba Lan cho tiến hành cải cách kì thi tốt nghiệp THPT được gọi là matura
với quyết định xóa bỏ hoàn toàn phương thức thi cũ. Kì thi matura mới
được tổ chức khách quan và bảo đảm rằng sự quen biết của giáo viên và
học sinh sẽ không còn là một nhân tố tác động. Bài thi được rọc phách và
bất cứ sự gian lận nào sẽ bị xử phạt trượt tốt nghiệp và phải đợi kì
thi một năm sau đó.
Dưới hệ thống cũ, để lấy tấm bằng
matura, học sinh phải vượt qua các môn thi vấn đáp và viết tiếng Ba Lan
và một môn khác, và có thể thêm một môn thi bằng vấn đáp khác. Giờ đây,
học sinh phải vượt qua môn tiếng Ba Lan, một ngoại ngữ và một môn khác
mà học sinh lựa chọn. Những học sinh tham vọng hơn có thể lựa chọn thêm 2
môn thay vì một môn. Tuy nhiên, giống như bất cứ cải cách nào, kì thi
mới là tiêu điểm cho những chỉ trích và cảnh báo về gian lận trong thi
cử mới. Phải chăng, việc cải cách thi cử ở Việt Nam cũng sợ sẽ phải đối
mặt với những hệ lụy như vậy?
Chìa khóa vẫn trong tay Bộ GD-ĐT
Ngay từ năm 2007, ngành giáo dục Việt
Nam đã chịu “đau” để thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp theo hướng thực
chất và chấp nhận một tỉ lệ tốt nghiệp khá thấp. Tiếc thay, vì sức ép
của dư luận, chúng ta đã vội vã thay đổi mỗi khi có ý kiến trái chiều,
khiến cho việc tổ chức kỳ thi không năm nào hoàn toàn giống với năm nào.
Để giờ đây, dư luận lại có quyền nghi ngờ chất lượng của kỳ thi, khi tỉ
lệ thi tốt nghiệp năm 2011 đã tương đương với mức trước cải cách.
Năm nay, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính
quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định. Dù cho các trường ĐH trọng điểm, các
trường ĐH thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật có được giao chủ động đề
xuất phương án tuyển sinh, nhưng về cơ bản vẫn có những thay đổi lớn.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM thì vấn đề
tuyển sinh ĐH-CĐ rất nhạy cảm vì nó không chỉ là chuyện của các trường
mà còn là một vấn đề xã hội. Khó khăn của giáo dục nói chung và giáo dục
ĐH nói riêng hiện nay chính là hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và
THPT còn quá thấp. Phần lớn học sinh sau THPT đều sẽ dự kỳ thi tuyển
sinh ĐH-CĐ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ hiện chỉ đáp ứng được
khoảng 30%-40% số lượng thí sinh dự thi, tạo một áp lực rất lớn cho kỳ
thi này.
Trong khi xã hội đang có rất nhiều ý
kiến trái chiều, mới đây Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lại khẳng
định: “Ít nhất đến năm 2015 vẫn có thi tốt nghiệp. Sau năm 2015, khi
thực hiện thay đổi sách giáo khoa, đổi mới giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ
thực hiện nhiều thay đổi, hình thức thi để cân nhắc xem có nên giữ hay
bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Đổi mới thi cử phải đồng bộ với đổi
mới phương pháp đánh giá dạy và học có kết hợp kiểm tra thường xuyên,
kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm học... nên chưa thể nói ngay về vấn
đề này được. Đổi mới thi còn đang trong quá trình xem xét đề xuất".
VŨ BÌNH
|