Bài
viết đưa ra những luận giải để làm rõ rằng, xét từ tư tưởng chỉ đạo của Đảng
Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ mới, việc kiên trì chủ nghĩa xã hội mang
đặc sắc Trung Quốc đồng nghĩa với việc cải cách mở cửa. Cải cách mở cửa mà
thoát ly chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội mà không có cải cách mở cửa đều
dẫn đến đường cụt. Theo tác giả, cải cách mở cửa là sự lựa chọn mang tính
lịch sử liên quan đến việc Trung Quốc giương lá cờ gì và đi con đường nào, là
sự lựa chọn duy nhất nhằm vượt qua thách thức, tiếp thêm sức sống cho xã hội.
Đồng thời, đó là sự lựa chọn đúng đắn trong quá trình không ngừng loại bỏ
những sai lầm nhằm thích ứng với những biến động lớn về cục diện lợi ích thế
giới trong bối cảnh mới và luôn đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân
v.v..
Đại
hội Đảng lần thứ XVII đã có nhận định rất quan trọng về cải cách mở cửa, coi
“cải cách mở cửa là sự lựa chọn then chốt quyết định vận mệnh Trung Quốc
đương đại, là con đường tất yếu phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung
Quốc, thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa; chỉ có chủ
nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc, chỉ có mở cửa cải cách mới có thể
phát triển Trung Quốc, phát triển xã hội chủ nghĩa, phát triển chủ nghĩa
Mác”. Nhận định này cho thấy tính thống nhất nội tại giữa chủ nghĩa xã hội
với cải cách mở cửa, chúng ta bắt buộc phải từ cùng một tầm cao khái niệm của
cả hai điều này mới có thể lý giải một cách sâu sắc ý nghĩa vĩ đại của cải
cách mở cửa. Do vậy, bắt buộc phải nắm chắc ba vấn đề mấu chốt: một là,
cải cách mở cửa là lựa chọn then chốt cho vận mệnh Trung Quốc đương đại,
trước hết bởi nó quyết định Trung Quốc đương đại giương lá cờ gì, đi con
đường nào. Do đó, cần phải làm rõ một vấn đề là lý giải thế nào về thách thức
to lớn “đi theo hướng nào” mà Trung Quốc trước khi cải cách mở cửa phải đối
mặt? Hai là, cải cách mở cửa được coi là lựa chọn then chốt quyết định
tới vận mệnh Trung Quốc đương đại còn bởi nó là động lực to lớn cho phát
triển chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Vậy, còn phải làm rõ một vấn
đề: nguồn động lực này được hình thành như thế nào? Nó có tính chất đặc thù
gì mới so với động lực mà cuộc cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội lâu dài
mà chúng ta vẫn dựa vào? Ba là, sở dĩ cải cách mở cửa là lựa chọn then
chốt quyết định tới vận mệnh Trung Quốc đương đại còn bởi nó hợp với ý Đảng
lòng dân, thuận theo xu thế lịch sử lớn của thời đại. Do đó, phải làm rõ một
vấn đề là việc định hướng lịch sử trong thực tiễn vì sao lại gian nan đến
vậy? Phải chăng là đầy rẫy cạm bẫy và sự chống phá không ngừng?
1.
Cải cách mở cửa là lựa chọn lịch sử liên quan mật thiết tới việc Trung Quốc
đương đại giương ngọn cờ gì, đi con đường nào
Rất
nhiều quốc gia trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã chịu nhiều tổn
thất, thậm chí mất nước mất Đảng, mà nguyên nhân đều là do không nhìn thấy
một cách chính xác sự biến đổi của điều kiện lịch sử, không có ứng phó sáng
tạo đối với những câu hỏi mới mà thời đại đặt ra. Trái lại, con đường xã hội
chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc chính là một sự sáng tạo trong quá trình
ứng phó không ngừng với những thách thức của thời đại, được xây dựng trên cơ
sở tổng kết một cách khoa học kinh nghiệm lịch sử của chủ nghĩa xã hội từ
“Cách mạng tháng Mười”. Thực chất, con đường này chính là trả lời cho câu hỏi
trọng đại của lịch sử do “Cách mạng tháng Mười” đặt ra: những nước kém phát
triển sau khi tiến hành cách mạng và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội phải làm thế nào để có thể xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội; quỹ
đạo cơ bản của nó là từ chỗ tuân theo “mô hình Liên Xô” chuyển sang “đặc sắc
Trung Quốc”. Do vậy, chỉ có làm rõ mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội đặc sắc
Trung Quốc với thực tiễn xã hội chủ nghĩa trước đó mới có thể giương cao thực
sự lá cờ Trung Quốc đương đại phát triển tiến bộ ấy, và cũng mới có thể thấy
rõ ý nghĩa mang tính quyết định của cải cách mở cửa đối với Trung Quốc đương
đại. Ở đây, chủ yếu đề cập tới việc nhận thức một cách chính xác hai cuộc tìm
kiếm lịch sử to lớn (tức “mô hình Liên Xô” và con đường xã hội chủ nghĩa của
Mao Trạch Đông), vấn đề then chốt là giương ngọn cờ nào, đi con đường nào.
Vấn
đề bức thiết đặt ra trước chúng ta là, sau khi kết thúc “Cách mạng
văn hoá”, Trung Quốc có tồn tại hay không tồn tại vấn đề lựa
chọn con đường “đi theo hướng nào”, nếu có thì phải giới định
trên ý nghĩa nào. Bất luận là thời điểm ấy hay hiện nay, đều tồn
tại hai khuynh hướng: một là, phủ định sạch trơn thành tựu của 17 năm
trước Cách mạng văn hoá, coi cải cách mở cửa như một cuộc xây dựng mới, “thay
đàn đổi dây”, trên thực tế là quay về với chủ nghĩa tư bản; hai là,
thoả mãn với thành tựu của 17 năm đó, coi lập lại trật tự chỉ giản đơn là
quay về thời kỳ “mười bảy năm”, không nhận thấy phải tìm kiếm một con đường
mới chưa từng có đáp án nào. Điều quan trọng ở đây là phải đánh giá một cách
khoa học về 17 năm đó. Từ quan điểm lịch sử, thành tựu của 17 năm là chủ yếu,
những tiền đề chính trị và cơ sở chế độ do nó đặt định là điểm xuất phát cho
tất cả những tìm kiếm của chúng ta; từ quan điểm phát triển, công cuộc tìm
kiếm trong 17 năm không thực sự giải quyết được vấn đề con đường phát triển
xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc lấy “Liên Xô làm tiêu chí”, mà chúng ta phải
tự đi theo con đường của mình. Nếu chỉ đơn giản nắm vững cái trước sẽ phủ
định cải cách mở cửa, cố thủ con đường cũ; còn nếu chỉ nắm chặt cái sau thì
sẽ cắt đứt với lịch sử, đi vào con đường sai lầm. Do vậy, nếu không thừa nhận
ý nghĩa có tính quyết định, tính cách mạng của cải cách mở cửa thì sẽ đi vào
con đường mòn đã bị thực tiễn chứng minh là bế tắc, cứng nhắc; nhưng nếu
không thừa nhận cơ sở xã hội chủ nghĩa đã được gây dựng qua 17 năm tìm kiếm,
thì sẽ rơi vào con đường sai lầm tư bản chủ nghĩa hoá mà lịch sử cũng đã
chứng minh là không thể đi theo. Cả hai đều là những sai lầm về con đường căn
bản. Lịch sử phát triển của Trung Quốc đã cho thấy, việc lựa chọn con đường
nào là vấn đề không chỉ đặt ra trong thời kỳ cách mạng, mà còn xuyên suốt mọi
bước ngoặt trọng đại của các thời kỳ phát triển. Xét từ góc độ tư tưởng
chỉ đạo của Đảng, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc
với kiên trì cải cách mở cửa là những từ đồng nghĩa, nếu không có cải cách mở
cửa xã hội chủ nghĩa và không có xã hội chủ nghĩa cải cách mở cửa thì đều là
ngõ cụt. Đứng trước muôn vàn tình hình mới, chỉ có kiên trì phương hướng cải
cách mở cửa, phát triển xã hội chủ nghĩa mới có thể ứng phó kịp.
Ngày
nay, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ rằng, khi nói đến hoà bình và phát
triển do Đặng Tiểu Bình đưa ra đang trở thành chủ đề của thời đại, thì nó
có nghĩa là phải có sự điều chỉnh căn bản tư duy chiến lược của thực tiễn xã
hội chủ nghĩa từ Cách mạng tháng Mười trở lại đây. “Cách mạng tháng
Mười” chính là thành quả sáng tạo to lớn để trả lời cho những vấn đề
mang tính thời đại: chiến tranh và hoà bình, chiến tranh và cách mạng.
Nó mở ra con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô thức “đột phá ngoại
vi” vào điểm yếu nhất của chủ nghĩa tư bản, đồng thời trở thành phương thức
chủ yếu cho một loạt nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, “đột phá ngoại vi”
không thể trực tiếp dẫn dắt trào lưu lịch sử toàn thế giới, mà chỉ có trong
“cơn nguy cấp” của việc nó bị chuyển hoá thành chủ nghĩa tư bản - mới có thể
xoay chuyển cục diện thế giới do chủ nghĩa tư bản làm chủ đạo. Mặc dù vậy,
đặc trưng mới của chủ nghĩa tư bản đã biến đổi thêm một bước, khéo léo giảm
bớt việc dựa vào xuất khẩu tư bản cứng ra khu vực ngoại vi, mà chủ yếu thông
qua khống chế mềm bằng việc chi phối phát minh khoa học kỹ thuật, lũng đoạn
tiền tệ và thông tin cho đến quyền phát ngôn, sự thao túng các quy tắc trong
trò chơi quốc tế, v.v. để duy trì và bảo vệ sức sống của tư bản. Do vậy,
thông qua phương thức độc lập chính trị đối với chủ nghĩa tư bản ngoại vi và
kinh tế theo sau nó không thể trực tiếp dẫn tới nguy cơ toàn cục của chủ
nghĩa tư bản, làm lung lay căn bản sự thống trị toàn cầu của chủ nghĩa tư
bản. Ở đây, muốn nói tới một điều là, do sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản sau
Chiến tranh thế giới thứ II, địa vị ưu thế của nó về mặt kinh tế - kỹ thuật
chưa hề bị mất đi, mặt trận chủ yếu để chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa
tư bản đã chuyển từ chính trị sang kinh tế, từ cách mạng sang phát triển,
cũng tương tự như vậy, đặc trưng thời đại cũng đã chuyển từ cách mạng và
chiến tranh sang hoà bình và phát triển.
Điều này trước hết cho thấy, nếu tổng nội lực quốc gia
xã hội chủ nghĩa, bao gồm “quyền lực mềm” bên trong, không thể vượt qua các
nước phát triển tư bản chủ nghĩa, thì chẳng
những không thể dẫn dắt trào lưu thế giới, mà thậm chí quyền lợi tồn tại của
bản thân cũng sẽ bị tước đoạt. Chủ nghĩa xã hội trước những câu hỏi của thời
đại buộc phải có động thái nào đó mới có được sức sống mạnh mẽ và không gian
phát triển. Điều này đồng thời cũng cho thấy, sự phát triển của chủ nghĩa xã
hội, ngoài cơ chế động lực truyền thống (khích lệ lý tưởng chung, đảm bảo
công tác chính trị), còn cần phải đưa ra cơ chế động lực mới thúc đẩy con
người, khiến nó chứa đầy sức sống. Bởi vậy, cải cách mở cửa, phát triển trở
thành nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của việc cầm quyền; chấn hưng đất nước,
xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, v.v. trở thành ý nghĩa cần có
trong chủ đề. Trong đó, cải cách mở cửa là sự lựa chọn then chốt có ý nghĩa
quyết định.
Một
loạt những tình huống, vấn đề mới đặt ra trước mắt đòi hỏi chúng ta trước hết
phải có sự chuyển biến trong quan niệm, khái quát lại chính là cần từ sự trừu
tượng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội để quay trở lại hiện thực, thay đổi
bước xuất phát từ chỗ dẫn dắt trào lưu lịch sử thế giới sang giải quyết tốt
những vấn đề của chính Trung Quốc, suy nghĩ nghiêm túc về làm sao có thể lợi
dụng chủ nghĩa tư bản để phát triển chủ nghĩa xã hội, đồng thời tìm tòi con
đường phát triển chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình Trung Quốc trong khi
cùng chung sống với chủ nghĩa tư bản.
Mấu chốt của tất cả chính là thúc đẩy cải cách mở cửa. Đặng Tiểu Bình
ngay từ đầu đã nói rõ, sợ chủ nghĩa xã hội đi vào con đường sai lầm mà không
mở cửa thì không thể phát triển chủ nghĩa xã hội; trong khi lại không nhận
thấy mở cửa có thể đem tới những nhân tố tiêu cực (cơ bản nhất là hậu quả
“Tây hoá”, “phân hoá”) và phải khắc phục, thì đó không phải là cải cách mở
cửa mà chúng ta nói tới. Chính vì kiên trì sự cải cách mở cửa theo định hướng
xã hội chủ nghĩa, chúng ta trải qua 30 năm nỗ lực mới khai thác thành công
con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc.
2.
Cải cách mở cửa là lựa chọn duy nhất để phát triển sức sống của xã hội chủ
nghĩa
Chủ
nghĩa xã hội trước hết phát triển lên từ vùng ngoại vi của chủ nghĩa tư bản,
đây là điểm không giống với những dự đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác
về cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lịch
sử, hoàn cảnh trong nước và quốc tế cụ thể chưa đủ điền kiện để phát sinh
cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra tại mắt xích yếu
nhất của chủ nghĩa tư bản là có căn cứ lịch sử khách quan. Quan điểm cho rằng
chủ nghĩa xã hội là “đẻ non”, thậm chí là “quái thai của lịch sử” là quan
điểm sai lầm cơ bản. Lý luận về chủ nghĩa đế quốc của V.I.Lênin đã đặt nền
móng cho việc trả lời vấn đề này. Thế nhưng, do cách mạng xã hội chủ nghĩa
trước hết nổ ra tại mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là việc
tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản sau chiến tranh và những biến đổi mới mang
đặc trưng thời đại, khiến cho những nước xã hội chủ nghĩa giành được thắng
lợi sau cách mạng phải đối mặt với ba điều “không thể tránh khỏi” và ba thử
thách lớn.
Cần
phải xem xét ba thứ “không thể tránh khỏi” đó. Một là, vấn đề tồn tại
chung lâu dài với chủ nghĩa tư bản. Do cách mạng nổ ra trước hết tại những
khu vực ngoại vi tương đối yếu ớt hoặc cực kỳ yếu ớt của chủ nghĩa tư bản nên
không thể làm lung lay hạt nhân của chủ nghĩa tư bản, không thể sinh ra phản
ứng dây chuyền theo kiểu “đôminô”. Điều này cho thấy, không thể thông qua bạo
lực cách mạng không ngừng để lật đổ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội buộc
phải tồn tại lâu dài cùng với chủ nghĩa tư bản, đồng thời nỗ lực trong quá
trình xây dựng, thực hiện cạnh tranh, tích luỹ sức mạnh để vượt qua chủ nghĩa
tư bản. Tất nhiên, đây là một quá trình lịch sử lâu dài. Hai là, không
thể rũ bỏ kinh tế thị trường, hai loại chế độ xã hội cùng tồn tại lâu dài
buộc phải tiến hành giao lưu kinh tế. Do chủ nghĩa xã hội trong một giai đoạn
rất dài lạc hậu hơn so với chủ nghĩa tư bản nên nó không thể dẫn dắt sự phát
triển của kinh tế thế giới. Do đó, nó buộc phải gia nhập vào thị trường thế
giới do chủ nghĩa tư bản làm chủ mới có thể có được không gian và sức sống
phát triển, phát triển kinh tế thị trường là không tránh khỏi. Ba là,
cải cách mở cửa ở các nước xã hội chủ nghĩa là vấn đề tất yếu. Xét từ góc độ
phát triển, tiến lên chủ nghĩa xã hội từ những khu vực tương đối lạc hậu, tự
khép kín mình không có đường tiến, mà cần phải gia nhập vào thị trường thế
giới do chủ nghĩa tư bản đóng vai trò chủ đạo. Không có cách nào khác ngoài
việc thông qua mở cửa với bên ngoài và cải cách ở bên trong mới có thể mở
tung cửa để phát triển chủ nghĩa xã hội, mở cửa cải cách là con đường duy
nhất. “Ba thứ không tránh khỏi” đó cho thấy, thực tiễn chủ nghĩa xã hội của
Trung Quốc đương đại đang ở trong một điều kiện lịch sử hoàn toàn mới, không
có con đường có sẵn nào có thể đi; không nỗ lực vượt qua mọi thách thức, chủ
nghĩa xã hội sẽ không thể thoát khỏi bị động và đi vào ngõ cụt.
Xét
từ ba thách thức lớn, đó là, thứ nhất, vấn đề quan hệ giữa tính đa
dạng và tính quốc tế của chủ nghĩa xã hội. Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ
ra tại các quốc gia có những bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hoá khác nhau rất
lớn, không thể vận dụng cùng một mô thức thống nhất, mà nhất thiết bắt buộc
phải đi theo con đường phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi nước. Ở Trung
Quốc, “Tinh thần cơ bản của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là giải phóng
tư tưởng, tư duy độc lập, từ thực tế của mình để chế định chính sách. Chính
do việc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc như vậy, nên không thể tìm
thấy những chỉ dẫn trực tiếp từ C.Mác và V.I.Lê nin, mỗi quốc gia có tình
huống của mình, có những trải nghiệm lịch sử không giống nhau, cho nên cần
phải có tư duy độc lập”(1).
Chủ nghĩa xã hội cần đặc sắc hoá,
chủ nghĩa Mác cần được dân tộc hoá, việc giải quyết vấn đề này thành công hay
không sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa Mác. Mặt khác, chủ nghĩa xã hội về
bản chất là sự nghiệp mang tính quốc tế, tính thế giới. Chỉ có chủ nghĩa xã
hội mới có thể cứu Trung Quốc, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể vượt qua
và thay thế chủ nghĩa tư bản, mới đại biểu cho tương lai của văn minh nhân
loại, đại biểu cho xu hướng phát triển của lịch sử thế giới. Vì thế, chủ
nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc bắt buộc phải tác chiến trên hai lĩnh
vực: vừa phản đối việc dùng tính quốc tế của chủ nghĩa xã hội để bóp nghẹt
“đặc sắc Trung Quốc”, vừa phản đối việc dùng tính đa dạng, đặc sắc dân tộc
của chủ nghĩa xã hội hiện thực để giết chết “xã hội chủ nghĩa”. Cả hai thứ
trên cùng phải có cơ hội mới là chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Thứ
hai, vấn đề mối quan hệ giữa việc học tập và phê phán chủ nghĩa tư bản. Trong một thời gian dài, chúng ta ở trong giai đoạn sơ
kỳ, ở mức thấp của chủ nghĩa xã hội. Điều đó buộc phải giỏi trong việc học
hỏi tất cả các nước trên thế giới, trong đó có các nước tư bản chủ nghĩa,
nhưng phải làm sao để trong quá trình đó không bị “Tây hoá”, “phân hoá”. Đây
là một thử thách to lớn mà chủ nghĩa xã hội phải đối mặt. “Chúng ta cần có kế
hoạch, có lựa chọn để tiến kịp kỹ thuật tiên tiến và những thứ ích lợi khác
cho chúng ta từ các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng ta quyết không học tập
và theo chế độ tư bản chủ nghĩa, quyết không học tập các loại xấu xa
và ung nhọt của chủ nghĩa tư bản”(2). Nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn 30 năm
Trung Quốc cải cách mở cửa, cần phải khôn khéo lợi dụng chủ nghĩa tư bản để
phát triển chủ nghĩa xã hội lớn mạnh, chứ không phải đem chủ nghĩa tư bản để
phá bỏ chủ nghĩa xã hội. Một mặt, ta cần phải làm chủ, cải cách theo
phương thức tiệm tiến, mở rộng cửa một cách có thứ tự lớp lang; mặt khác,
cần phải kiên trì “giới tuyến” xã hội chủ nghĩa.
Từ
cải cách mở cửa đến nay, chúng ta đã kiên trì giữ “ba giới tuyến”. Một
là, không chấp nhận các giá trị cơ bản. Chúng ta học tập chủ nghĩa tư bản
chủ yếu tại tầng thứ công cụ lý tính, không liên quan tới tầng thứ giá trị lý
tính, đặc biệt là phương diện giá trị trung tâm. Trong toàn bộ quá trình cải
cách mở cửa, chúng ta không những phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá
trị hạt nhân của chủ nghĩa xã hội, nêu cao tinh thần “vì nhân dân phục vụ” và
phấn đấu gian khổ, phê phán và ngăn ngừa quan niệm giá trị trung tâm và
phương thức sống của giai cấp tư sản, phản đối chủ nghĩa trọng tiền, chủ
nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Hai là, không học tập chế
độ cơ bản. Trung Quốc cải cách mở cửa, về bản chất, là tự mình hoàn thiện
chế độ xã hội chủ nghĩa. Do vậy, trong quá trình này, chúng ta quyết không
học tập chế độ tư bản chủ nghĩa; trái lại, cần không ngừng tiến theo chế độ
xã hội chủ nghĩa mà những nhà cách mạng lão thành, như Mao Trạch Đông và các
đồng chí lãnh đạo khác đã xác định. Trải qua thực tiễn 30 năm cải cách mở
cửa, chúng ta đã hoàn thành về đại thể kết cấu chế độ xã hội chủ nghĩa mang
màu sắc Trung Quốc. Đó là lấy hệ thống giá trị hạt nhân của chủ nghĩa xã hội
làm chỗ dựa cho hình thái ý thức chủ đạo, lấy bốn chế độ (tức chế độ Đại hội
đại biểu nhân dân, chế độ đa đảng hợp tác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản,
chế độ khu tự trị dân tộc, chế độ tự trị của các tầng lớp quần chúng) làm chế
độ chính trị cơ sở, chế độ kinh tế cơ bản lấy công hữu làm chủ đạo, lấy sự
phát triển đồng thời nhiều thành phần kinh tế làm đặc trưng, v.v.. Ba là,
không lặp lại con đường phát triển. Những người đảng viên cộng sản Trung
Quốc có một phán đoán cơ bản đối với vấn đề phát triển là sự phát triển Trung
Quốc và công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc không tách rời hiện đại hoá.
Tuy nhiên, hiện đại hoá tư bản chủ nghĩa không những phải trả giá đắt, phát
triển chậm chạp, đau đớn và nhiều tai ương, mà còn dẫn tới sự phân liệt dân
tộc, quốc gia suy vong, nên không thể tiến hành được. Chúng ta kiên trì hiện
đại hoá xã hội chủ nghĩa chính là để tránh con đường phát triển có thể gây ra
đối lập giai cấp nghiêm trọng, làm gay gắt mâu thuẫn xã hội, hy sinh sự hài
hoà xã hội mà phương Tây đã trải qua, tránh mô thức phát triển chỉ truy cầu
lợi ích kinh tế, bóp méo nhân tính, hy sinh sự phát triển toàn diện giữa con
người với tự nhiên như phương Tây đã trải qua, thực sự phát triển khoa học,
xúc tiến hài hoà xã hội.
Thứ
ba, vấn đề mối quan hệ giữa tính khoa học lý tưởng và tính khích lệ của chủ
nghĩa cộng sản. Do trình độ phát triển của chủ
nghĩa xã hội hiện thực luôn thấp hơn chủ nghĩa tư bản phát triển giàu có, nên
nó không giống với những gì mà C.Mác dự kiến trong Cương lĩnh Gôta,
đồng thời không trực tiếp trở thành giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, mà
là một giai đoạn lịch sử tương đối độc lập, tương đối dài lâu, cần phải có sự
nỗ lực của vài thế hệ, thậm chí mấy chục thế hệ mới có thể xây dựng được cơ
sở nền tảng cho chủ nghĩa cộng sản. Trước đây, chúng ta mắc phải một sai lầm
tồn tại khá lâu dài, đó là tâm thế nóng vội tiến lên chủ nghĩa cộng sản, lúc
nào cũng đánh giá quá cao giai đoạn phát triển hiện thực của chủ nghĩa xã
hội. Sau 30 năm cải cách mở cửa, Đại hội Đảng lần thứ XVII nhận định lại:
“Chúng ta vẫn đang ở trong và còn rất lâu trong giai đoạn sơ khai của chủ
nghĩa xã hội”. Điều này khiến chúng ta nhận thức ngày càng khoa học hơn về
hiện thực cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự kiên định về mặt niềm tin đối với
chủ nghĩa xã hội khoa học không thể tự nhiên chuyển hoá thành lý tưởng, ngược
lại, tính lâu dài của công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản, về mặt khách
quan, lại làm nhạt nhoà tác dụng khích lệ hiện thực của lý tưởng của mình.
Như vậy, cùng với việc phải không ngừng khắc phục tâm thế nóng vội, chúng ta còn
phải làm thế nào đó để kiểm chứng sự kiên định niềm tin vào lý tưởng cộng sản
chủ nghĩa. Do vậy, chúng ta buộc phải kết hợp điều kiện lịch sử mới, phát huy
tối đa cơ sở hiện thực và chỗ dựa giá trị của niềm tin lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa, hiện thực cuối cùng về chủ nghĩa cộng sản chẳng qua là một sự triển
khai lịch sử và là kết quả tất nhiên của cơ sở hiện thực này. Lịch sử cải
cách mở cửa 30 năm đã chứng minh, chỉ có trong phát triển Trung Quốc, phát
triển xã hội chủ nghĩa, phát triển chủ nghĩa Mác, nỗ lực bồi dưỡng lý tưởng
xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, chúng ta mới có thể kiên định niềm
tin lý tưởng cộng sản chủ nghĩa trong toàn bộ giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa
xã hội. Tóm lại, chỉ thông qua cải cách mở cửa để ứng phó với thách thức của
thời đại mới có thể bật tung sức sống của chủ nghĩa xã hội, tiến lên con
đường phát triển xã hội chủ nghĩa chân chính phù hợp với tình hình Trung
Quốc.
3.
Cải cách mở cửa là lựa chọn đúng đắn trong quá trình loại bỏ những sai lầm và
quấy phá
Ngay
từ đầu, cải cách mở cửa của Trung Quốc chính là một con đường phát triển xã
hội chủ nghĩa mới mẻ. Mặc dù được tìm kiếm trên cơ sở chế độ xã hội chủ nghĩa
mà tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thế hệ Mao Trạch Đông đã mở ra,
nhưng nó không phải là sự lặp lại giản đơn con đường đó, càng không phải là
bắt chước bất cứ một mô thức chủ nghĩa xã hội đã có nào. Ngay cả chủ nghĩa tư
bản, đối với chúng ta, cũng không phải là con đường và phương hướng phát
triển. Điều này đã được Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “quyết không đi “con đường
ngược lại” (tức không quay trở lại bất cứ phương thức thực tiễn xã hội chủ
nghĩa đã qua nào) và cũng quyết không đi con đường “tả” (tức không đi theo
phương Tây, thực hiện “hoàn toàn Tây hoá”). Như vậy, quá trình khai mở con
đường xã hội chủ nghĩa màu sắc Trung Quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng tất
yếu là quá trình xoay quanh cải cách mở cửa, giải phóng tư tưởng; là quá
trình không ngừng khắc phục những sai lầm “tả” và hữu. Xét từ thói quen và
tâm lý, trong Đảng dễ xuất hiện khuynh hướng đồng tình với con đường cũ, do
đó “tả” luôn là một chướng ngại vật lớn đối với cải cách mở cửa. Tuy nhiên,
do ưu thế của phương Tây trong thế giới đương đại và mưu đồ Tây hoá, sự phân
hoá ở Trung Quốc và khuynh hướng muốn đưa cải cách mở cửa hướng theo chủ
nghĩa tư bản luôn tồn tại, và điều đó được phản ánh trong nội bộ Đảng.
|
Những
đánh giá không đầy đủ về tính sáng tạo ban đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc sẽ dẫn
tới việc lặp lại “con đường cũ”. Đặng Tiểu Bình đã chỉ rõ: “Nói thẳng ra, trước đây việc học
tập xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô đã gây ra nhiều vấn đề. Mặc dù chúng
ta nhận ra điều này từ sớm, nhưng chưa giải quyết tốt. Nếu muốn giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta
cần phải xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa với đầy đủ đặc sắc Trung Quốc”(3). Vì sao chúng ta phát hiện
ra sớm nhưng chưa giải quyết tốt? Sở dĩ như vậy không chỉ vì Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, cách mạng
Trung Quốc là sản phẩm của việc “lấy Liên Xô làm thầy”, do đó tất yếu dẫn đến
sự “dựa dẫm đường lối”, mà quan trọng hơn,
còn vì những đặc trưng thời đại chưa biểu hiện đầy đủ, không thể từ trên
toàn cục đồ thức cách mạng thế giới để phá vỡ hai giai cấp, hai con đường, hai
chiến luỹ đối đầu nhau. Như thế, nhiệm vụ trọng điểm của Đảng sẽ không thể thực
sự chuyển sang lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, cơ sở cầm quyền của Đảng sẽ không thể
thực sự được xây dựng trên việc lấy phát triển làm nền tảng để bảo vệ chính
quyền và phát triển đất nước, cơ sở tư tưởng của Đảng sẽ không thể thực sự đạt tới giải phóng tư tưởng, coi trọng sự thực. Đồng thời,
các vấn đề trọng đại, như thế nào là chủ nghĩa xã
hội, làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng một Đảng như thế nào, xây dựng Đảng ra sao, cần
phải có sự phát triển như thế nào và làm sao để phát triển… vẫn luôn thiếu rõ ràng. Do
đó, bắt buộc phải từ góc độ kết hợp giữa nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn Trung Quốc và đặc trưng thời đại, từ quy luật phát triển của
xã hội loài người, quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội và tầm cao của nhận thức mới, phát triển mới về quy
luật của Đảng cầm quyền mới có thể nhận thức được sâu sắc hệ thống lý luận xã
hội chủ nghĩa mang đặc
sắc Trung Quốc, mới thực sự mở ra sự sáng tạo đối với lý luận của Đặng Tiểu
Bình. Những tư tưởng lệch lạc “tả” và “hữu” sở dĩ có những phán đoán sai lầm giống nhau
chính là vì chúng đều lấy một mô hình đã có sẵn nào đó (“mô hình Liên Xô” hoặc
“mô hình Thuỵ Điển”) làm hệ tham chiếu để xét đoán chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Những
đánh giá không đầy đủ về tính kế thừa của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung
Quốc sẽ dễ tách khỏi lịch sử và rơi vào con đường “Tây hoá” sai lầm. Cùng với
quá trình kiên trì lấy hiện đại hoá làm trung tâm, coi phát triển là ý nghĩa
quan trọng hàng đầu của việc bảo vệ chính quyền và xây dựng đất nước, chúng ta
buộc phải nhận thức sâu sắc rằng cơ sở lý luận của nó là chủ nghĩa Mác, chứ
không phải “quan điểm lịch sử của chủ nghĩa phát triển”(4). Sự
khác biệt cơ bản của hai bên là ở chỗ: quan điểm của chủ
nghĩa phát triển quy “phát triển” thành tăng trưởng kinh tế và sự vận dụng khoa
học kỹ thuật, phủ định vai trò của chế độ xã hội và lựa chọn con đường phát triển.
Trên thực tế, nó coi chủ nghĩa tư bản và con đường của một số nước tư bản chủ
nghĩa (như nước Mỹ) là con đường chung của toàn nhân loại, thông qua “phát
triển” và hiện đại hoá để duy trì sự bá chủ của chủ nghĩa tư bản. Ngược lại,
cải cách mở cửa của Trung Quốc, về bản chất, là con đường phát triển của hiện
đại hoá xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối không coi sự tiến bộ xã hội là kết quả tự
nhiên của tăng trưởng kinh tế và sáng tạo kỹ thuật. Quan điểm “lấy
xây dựng kinh tế làm trung tâm” là kết quả của việc suy nghĩ và quan sát
vấn đề từ góc độ chính trị, nếu không có một chính đảng giỏi trong việc xác
định và giải quyết vấn đề từ góc độ chính trị thì sẽ không thể đối diện và giải
quyết vô số mâu thuẫn xã hội của các quốc gia “phát triển sau”.
Đồng thời, sự tăng trưởng kinh tế dài lâu và tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng khó
mà thực hiện, tự do toàn diện của con người và sự tiến bộ toàn diện của xã hội
lại càng không có chỗ để bàn đến”. Đặng Tiểu Bình đã chỉ rõ
rằng, những vấn đề cải cách mở cửa, chiến lược phát triển “ba bước đi” v.v. mà
ông đưa ra đều là kết quả của sự suy tư từ góc độ chính trị. “Với những vấn đề
kinh tế, tôi là người không chuyên, dẫu có nói ra điều gì, đều là nói từ góc độ
chính trị. Ví dụ, chính sách cải cách mở cửa kinh tế Trung Quốc là do tôi đưa
ra, nhưng mở cửa ra sao, những vấn đề cụ thể cần phải suy tư về một số chi
tiết, một số đòi hỏi thì tôi không hiểu sâu. Hôm nay bàn tới vấn đề này, tôi
cũng chỉ bàn tới từ góc độ chính trị”(5).
4.
Cải cách mở cửa là cuộc đại điều chỉnh về cục diện lợi ích, trước sau luôn là
sự lựa chọn hữu hiệu đại biểu cho lợi ích nhân dân
Trong
điều kiện lịch sử mới, nhà nước xã hội chủ nghĩa được dựng nên bằng con đường
cách mạng và chế độ cơ bản của nó gặp phải thách thức của sự phân tầng lợi ích
xã hội ngày càng rõ rệt. Tính phức tạp của thách thức này đến từ sự giao
thoa của hai loại mâu thuẫn, sự đan xen của hai xu thế: một là, một bộ phận
những người đương quyền độc đoán lợi ích, khiến cho lý tưởng của họ ngày một
mai một đi, và mang một thái độ bất mãn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, David
Kotz gọi đó là “sự đứt gãy do ràng buộc của lợi ích vật chất”(6). Mặt
khác, quảng đại quần chúng tuy vẫn muốn giữ trạng thái tinh thần của thời
kỳ cách mạng, nhưng đối với đòi hỏi lợi ích vật chất ngày càng gay gắt, mối
liên hệ nội tại ngày càng rõ giữa đời sống không ngừng được cải thiện với tính
tích cực chủ động, sự tự giác điều chỉnh của cục diện lợi ích và cơ chế lợi ích
là điều khó tránh. Rõ ràng, đòi hỏi lợi ích thứ nhất là phi pháp, bởi vì nó
quay lưng lại với nhu cầu phát triển của sức sản xuất và lịch sử; còn nhu cầu
lợi ích sau là chính đáng, bởi nó thể hiện nhu cầu tiên tiến của sức sản xuất
và xã hội; cái thứ nhất là vấn đề xây dựng tự thân của Đảng cầm quyền, là vấn
đề Đảng cầm quyền làm thế nào để phòng ngừa sự hủ bại, phòng ngừa sự hình thành
những tập đoàn và tầng lớp đặc quyền về lợi ích, vấn đề làm sao để việc xây dựng
chế độ và thể chế đem lợi ích vật chất và tôn chỉ của Đảng Cộng sản gắn kết với
nhau chặt chẽ; còn cái sau là vấn đề phát huy chức năng của Đảng cầm quyền, là
vấn đề làm thế nào lợi dụng được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa để
thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất và thực hiện lợi ích căn bản của đông
đảo quần chúng nhân dân. Chính thách thức do mâu thuẫn giữa hai loại lợi ích
khác nhau về tính chất và đan xen với nhau này tạo nên sự kiểm chứng nghiêm túc
về tính chất và năng lực cầm quyền của Đảng. Đảng Cộng sản cầm quyền nếu thoả
mãn đòi hỏi lợi ích đầu tiên cũng có nghĩa là đã thoái hóa biến chất, bị chủ
nghĩa tư bản “Tây hóa”, “phân hóa”(7); còn nếu Đảng Cộng sản cầm quyền không
thể thỏa mãn đòi hỏi lợi ích thứ hai, thì có nghĩa là nó “không đủ tư cách”,
“không phù hợp tư cách”, tức là đánh mất vai trò và địa vị lãnh đạo của mình. Vấn
đề còn ở chỗ, việc quyết không thỏa mãn đòi hỏi lợi ích đầu tiên và việc bắt
buộc phải tìm kiếm phương pháp thỏa mãn đòi hỏi lợi ích thứ hai phải được gắn
kết với nhau. Có như vậy, Đảng mới thực sự đại biểu cho ý chí của nhân dân.
Những
lời dạy của Mao Trạch Đông quá chú trọng vào việc không để đòi hỏi lợi ích đầu
tiên đạt được mục đích, nhưng lại cũng quá thờ ơ với đòi hỏi của lợi ích thứ
hai, thậm chí trong mức độ nhất định, nó có thể được xem như quân đồng minh cho
đòi hỏi lợi ích thứ nhất, tức là “thế lực tự phát của chủ nghĩa tư bản”(8).
Thực ra, chống hủ bại và cải thiện dân sinh đều là những biểu hiện lợi ích của
dân sinh. Tuy nhiên, trong việc xử lý hai đòi hỏi lợi ích, trước hết Đảng cầm
quyền buộc phải thoả mãn đòi hỏi cải thiện đời sống của quần chúng nhân dân,
đồng thời đề phòng sự thoái hóa biến chất của Đảng trong quá trình này. Nghĩa
là, chỉ có đồng thời với cải tạo thế giới khách quan, mới có thể cải tạo thế
giới chủ quan một cách hiệu quả. Xa rời phát triển để “phản đối sửa đổi, ngăn
ngừa sửa đổi”, thì dẫu nguyện vọng có tốt đến mấy cũng khó mà thành công được.
Từ cải cách mở cửa đến nay, chúng ta có một kinh nghiệm quan trọng là phải luôn
đặt sức sản xuất lên hàng đầu, kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm,
đồng thời không ngừng tăng cường xây dựng Đảng. Điều này cũng giống như điều mà
Đặng Tiểu Bình đã nhắc nhở khi bàn đến cải cách mở cửa: “Con đường hôm nay
chúng ta đi là đúng đắn, nhân dân phấn khởi, chúng ta cũng có niềm tin. Chính
sách của chúng ta sẽ không thay đổi. Nếu như có thay đổi, thì cũng chỉ là sự
thay đổi cho tốt lên. Chính sách mở cửa đối ngoại sẽ chỉ biến thành mở cửa rộng
hơn. Con đường càng đi sẽ không phải càng hẹp, mà là càng lớn thêm. Những gian
khổ của việc đi con đường chật hẹp bước đầu, chúng ta đã nếm trải nhiều. Nếu
như chúng ta quay trở lại, thì sẽ đi về đâu? Chỉ là quay về trạng thái lạc hậu,
bần cùng”. “Ngày nay, Trung Quốc thực hành chính sách mở cửa với bên ngoài, làm
kinh tế với bên trong, có ai làm cải cách được? Nếu cải cách rồi mà đời sống
của 80% dân số Trung Quốc vẫn bị giảm sút, chúng ta sẽ đánh mất niềm tin của
nhân dân. Con đường chúng ta đi đã đúng, nhân dân đã ủng hộ thì sẽ không có gì
thay đổi được”(9).
Tuy
vậy, tính phức tạp của vấn đề lợi ích còn là ở chỗ, dẫu cho đòi hỏi lợi ích đặc
thù trong Đảng và người cầm quyền không hợp lý, thì việc xây dựng một chế độ
phân phối và cơ chế lợi ích vừa vì dân, vừa có thể ổn định đội ngũ viên chức,
công nhân nhà nước, đồng thời có thể phối hợp nhịp nhàng với tôn chỉ, lý tưởng
của những người cộng sản là nhiệm vụ lâu dài mà Đảng cầm quyền buộc phải đối
mặt trong hoàn cảnh hòa bình. Vậy, làm thế nào để xác định cái “độ” này. Điều này chỉ có thể giải quyết thông qua
cải cách mở cửa.
Chúng
ta đã không coi “tinh thần là vạn năng”, cũng không thừa nhận “tinh thần hư
vô”; tương tự như vậy, chúng ta không coi thường lợi ích vật chất, cũng không
đồng tình với quan niệm cho rằng, “tiền có sức mạnh thần thông”. Tuy nhiên, một
sự thực dễ nhận thấy là vấn đề lợi ích tự thân của những người cách mạng, cái
mà trong chiến tranh không xuất hiện hoặc không rõ ràng, trở thành vấn đề không
thể né tránh và nhất thiết phải có phương thức, cơ chế để giải quyết. “Lương
cao để giữ thanh liêm” là điều không thể thay thế được, “lương thấp để giữ
liêm” cũng khó mà kéo dài. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ lương bổng hợp lý
cho cán bộ công chức nhà nước đòi hỏi phải có tư duy mới về cải cách. Thực tiễn
của chúng ta từ cải cách mở cửa đến nay cho thấy, chính là cần “hai tay cùng
nắm giữ, hai tay cùng phải chắc” đối với văn minh vật chất và văn minh tinh
thần, khuynh hướng giá trị phải nương tựa, cùng mở rộng với khuynh hướng lợi
ích, những tính toán xây dựng tư tưởng phải cân đối, hoàn thiện đồng bộ với xây
dựng chế độ, bảo vệ lợi ích cá nhân hợp pháp (bao gồm cán bộ lãnh đạo Đảng) đi
kèm với kiên quyết chống lại các hiện tượng xấu xa, thối nát, v.v.. Tóm lại, việc
ứng phó với các loại vấn đề mới, thách thức của mâu thuẫn mới về lợi ích vật
chất, đồng thời không ngừng tăng cường giải quyết chúng chỉ có thể thực hiện
được trong sự kiên trì mở cửa và cải cách. r
Người
dịch: ThS.TRẦN THÚY NGỌC
(Trường
Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
(*)
Giáo sư, tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Viện Khoa
học Xã hội Trung Quốc.
|
(1) Đặng
Tiểu Bình văn tuyển, quyển 3. Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1993, tr.260.
(3) Đặng
Tiểu Bình văn tuyển, quyển 3. Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1993, tr. 260 - 261.
(2)
Đặng Tiểu Bình văn tuyển. Sđd., quyển 2, tr.168.
(4)
“Quan điểm lịch sử của chủ nghĩa phát triển”, về bản chất, là hình thái biến
tướng của chủ nghĩa tự do, hoàn toàn khác biệt với chủ nghĩa Mác, người sáng
lập là W.W.Rosetle (Mỹ) tác giả của cuốn Giai đoạn tăng trưởng kinh tế.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, hình thái ý thức của chủ nghĩa phát triển
trở thành thủ đoạn mà nước Mỹ rao giảng là “mô hình nước Mỹ”, là giá trị quan
cho các nước đang phát triển. Nó cho rằng, tăng trưởng kinh tế là động lực phát
triển, chỉ có thị trường hoá hết mức và tự do kinh tế mới có thể thúc đẩy sự
tăng trưởng dài lâu của kinh tế, “cuối cùng sẽ đem tới những biến đổi tích cực
của xã hội và chính trị, xã hội ngày càng giàu có, sự lớn mạnh của giai cấp
trung lưu, sự thực hiện dân chủ hoá”. Xem thêm: Thôi Hoa Đức. Weirda. Phát
triển chính trị của những nước phát triển mới - thế giới thứ ba tồn tại chăng?.
Nxb Đại học Bắc Kinh, 2005.
(5) Đặng
Tiểu Bình văn tuyển. Sđd.,, quyển 3, tr.77.
(6)
Theo điều tra của học giả nổi tiếng người Mỹ David Kotz về nguyên nhân giải thể
của Liên Xô, “trong năm 1990, từng có hơn 100.000 người lãnh đạo cao cấp của
Liên Xô cũ bắt đầu phản bội chủ nghĩa cộng sản”. Những người thuộc tầng lớp
lãnh đạo này trong lúc phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn đã đem tất
cả trách nhiệm quy kết cho chế độ xã hội chủ nghĩa, cho rằng chế độ này tồn tại
khuyết điểm bẩm sinh, cần phải triệt để thay đổi chế độ để cứu đất nước. David
Kotz quy kết hiện tượng này thành sự đứt gãy do “ràng buộc của lợi ích vật
chất”. Xem thêm: David Kotz. Nguyên nhân giải thể của Liên Xô, đăng trên
“Tư trào đương đại”, số 5, 2000, tr 31.
(7) Cục Tình
báo trung ương Mỹ tiết lộ: Sau khi Reagan nắm quyền, thành lập một ban chuyên
nghiên cứu nhược điểm của “những kẻ cộng sản chủ nghĩa”. Ban này có sự tham gia
của các nhà xã hội học, bác sĩ tâm lí v.v.. Những học giả này đều cho rằng,
trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản mới được sinh ra, do bản chất của nó là vừa
thoát thai từ xã hội cũ, nên buộc phải chiến đấu để tồn tại, cho nên sức sống
có vẻ mạnh mẽ. Đây chính là nguyên nhân thất bại của Douglas MacArthur ở Triều
Tiên. Thế nhưng, theo đà gia tăng dần của của cải, đời sống dần dần ổn định, ý
chí tranh đấu của những người cộng sản cũng bị hao mòn từ từ. Quan trọng hơn
là, trong một nước như Liên Xô, chủ nghĩa bình quân trong chế độ phân phối đã
làm cho ràng buộc lợi ích vật chất giữa người với người trở nên yếu ớt. Những
ràng buộc lợi ích tinh thần cũng không còn chắc chắn nữa. Chính sự cào bằng
trong “chế độ xã hội chủ nghĩa” khiến không ai chịu trách nhiệm trước người
khác và trước xã hội. Chỉ có thể là cái xã hội đó mới nuôi dưỡng họ trở thành
như vậy.
(8) Điển hình nhất là Mao Trạch Đông đã quy kết Đặng Tử
Khôi, Bộ trưởng Bộ Công tác Nông thôn, người đã nỗ lực “muốn tìm kiếm hình thức
cơ chế trách nhiệm để lợi ích kinh tế tập thể kiên kết với lợi ích kinh tế cá
nhân” là ”ngọn gió độc”, “đứng trên lập trường của chủ nghĩa dân chủ của giai
cấp tư sản”. Xem: Những tác phẩm Mao
Trạch Đông từ khi xây dựng đất nước, cuốn 10. Nxb Văn hiến Trung ương,
1996, tr.137-140.
(9) Đặng Tiểu Bình văn tuyển. Sđd., quyển 3, tr.29, 59.
(9) Đặng Tiểu Bình văn tuyển. Sđd., quyển 3, tr.29, 59.