Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

45. Hãy đọc thơ Việt Phương


Tập thơ "Cửa mở" của Việt Phương

"Cửa mở", một bộ óc mở, một trái tim mở, một tâm hồn mở
Năm 1970, Nhà Xuất bản Văn học xuất bản tập thơ “Cửa mở” của nhà nghiên cứu, nhà thơ Việt Phương (tên khai sinh là Trần Quang Huy). Tập thơ đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam và trong đông đảo bạn đọc yêu thơ. Có những bài thơ trong tập "Cử mở" đã được chép tay, trân trọng cất giữ trong ba lô của nhiều chiến sĩ đi dọc Trường Sơn từ Bắc vào Nam chống Mỹ và truyền tay nhau đọc giữa hai trận đánh. Tuy nhiên, lúc ấy, nảy sinh những ý kiến khác nhau xoay quanh việc đánh giá về tập thơ này. Chúng tôi nghĩ rằng, nhận thức là một quá trình phản ánh và tái tạo lại hiện thực ở trong tư duy của con người,  hợp với những quy luật phát triển xã hội và gắn liền với thực tiễn đời sống. Dần dần, người ta nhận ra rằng, "Cửa mở" là một tập thơ đổi mới về tư duy thời cuộc, phù hợp với tình hình đất nước Việt Nam của chúng ta và thế giới đang có những biến đổi hằng giờ, hằng ngày. Qua thơ, anh Việt Phương đã góp phần nâng cao nhận thức một cách đúng đắn, xác thực hơn. V.I.Lênin viết: Nhận thức phản ánh đúng cuộc sống là nhận thức đúng đắn. “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”(1). Mọi lý luận về nhận thức đều nhất thiết phải xuất phát từ đời sống xã hội. Giá trị của “Cửa mở” ở chỗ đã phản ánh đúng đắn nhận thức thực tiễn của đời sống xã hội và của thế giới thời ấy. Vì vậy, theo đề nghị của nhiều bạn đọc, năm 1989, tập thơ được Nhà Xuất bản Văn học tái bản lần thứ nhất. 
Chúng ta biết rằng, những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều người còn nhận thức theo nếp cũ:
    
     “Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
     Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
     Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa
     Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường.
     Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
     Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
     Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
     Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”
                                    (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi)
   
Việt Phương trăn trở trước những nhận thức một chiều này. 
“Cửa Mở” là tập thơ lý trí và tình cảm. Lý trí thể hiện ở sự phản ánh đúng nhận thức hiện thực, ở lẽ phải của tình cảm. Tình cảm thể hiện ở tình thương yêu của một con người với nhiều con người; ở trách nhiệm của một công dân đối với xã hội, đất nước, con người, trước hết là những con người lao động, lam lũ, vất vả, “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” Có lần, anh Việt Phương tâm sự là Anh rất thích câu thơ của đại văn hào Trung Quốc, Lỗ Tấn:
    
     “Trợn mắt xem khinh nghìn tráng sĩ
     Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.
   
Tình cảm là hiện tượng tâm lý, xúc động, yêu ghét, cảm phục, vui buồn. Cũng có lúc, Việt Phương thấy lý trí và tình cảm đan xen nhau, rất khó phân định ranh giới trên thơ ca. Dù sao, tình yêu quê hương được thể hiện lấp lánh trong thơ Việt Phương:
   
     “ Quê ta dòng sông trôi bình thản
     Khoan thai trong bảng lảng hoàng hôn
     Đàn trâu đẫm mình đen loang loáng
     Chiều rõ tình quê xuống tâm hồn”
                     (Năm xưa buổi lên đường) 
Tình yêu quê hương, đất nước thể trong tình yêu đất nước Việt Nam đã sinh ra Anh:
    
     “Đời đẹp quá. Sáng hôm nay chủ nhật
     Cây đầu hè quen đến mất màu xanh
     Bỗng bừng nở chùm hoa tươi mát nhất
     Hay niềm vui đất nước tặng cho mình?”
                                       (Đêm trắng)
    
     “Ta đi giữa đời ta – Hà Nội
     Đất quê hương vững chãi vô cùng
     Một ánh sao chiều mát rượi
     Chân trời bỗng rộng mênh mông”.
           (Ta đánh Mỹ vậy thì ta tồn tại) 
Yêu quê hương, đất nước là bảo vệ quê hương, đất nước, anh Việt Phương đã cùng cả dân tộc vào trận để chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Đây cũng là lúc anh Việt Phương cho ra đời những bài thơ viết hay về cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ xâm lược:
    
     “Ta đánh Mỹ bằng bốn nghìn năm lịch sử
     Ba mươi triệu vì sao rực rỡ đất này
     Năm lục địa bao la mà ta tiếp lửa
     Ba nghìn triệu người tay nắm chặt tay”
                             (Ta đánh Mỹ vậy thì ta tồn tại) 
Giữa đêm 19-11-1967, Hà Nội bắn rơi 12 máy bay Mỹ đến bắn phá Thủ đô, cả đêm ấy, Việt Phương thức trắng để làm bài thơ: “Nơi tự do độc lập sáng như gương”. Trong bài thơ này, Anh chú thích: “Một số người bạn ở phương Tây, tốt với chúng ta, nhưng ở xa, đã viết: “Địa ngục Hà Nội dưới bom Mỹ”. Các bạn ấy, người nào có dịp sang tận nơi, thì sau một thời gian không lâu, đã thấy rằng, không thể nghĩ Hà Nội là địa ngục, và Hà Nội không hề dưới bom Mỹ”. 
Đến nay, thời gian đã qua đi được gần 35 năm, nhưng những hình ảnh về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm lừng lẫy nhất trong lịch sử dân tộc vẫn in đậm trong trái tim của dân tộc Việt Nam và trong trái tim của nhân dân thế giới.
Phải nói rằng, những bài thơ về cuộc kháng chiến của dân tộc chống ngoại xâm, in trong tập thơ “Cửa mở” là những bài thơ anh Việt Phương viết rất đạt, gợi nhiều cảm xúc thiêng liêng của dân tộc đứng trước nạn giặc ngoại xâm. 
Trong “Cửa mở” có những bài thơ viết về Bác Hồ và về Đảng với những tình cảm trân trọng và nội dung sâu sắc. Tháng 9-1969, Bác Hồ ra đi và yên nghỉ trong giấc nghìn thu. Dân tộc ta, nhân dân ta vô cùng thương tiếc sự ra đi của vị anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất, nhà văn hoá lớn. Việt Phương đi viếng Bác với vẻ mặt trầm tư. Suốt từ ngày 4 đến ngày 10-9-1969, Anh ngồi nhà lặng im suy nghĩ về Bác và viết bài thơ “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”. Bài thơ này dài 104 câu. Chất thơ, hồn thơ, tứ thơ quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn để nói về một con người đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới: Bác Hồ Chí Minh.
   
      “Đêm nay nghìn vạn chúng con xếp thành hàng đi viếng Bác
     Ôi làm sao nguôi được nhớ thương này
     Chúng con đi cho cả người vắng mặt
     Người chưa sinh người đã khuất cũng về đây
     Việt Nam đau cả lòng người dạ đất
     Sao mùa thu như nước mắt trời mây
     Chúng con đi theo tiếng Người phía trước
     Đường Hùng Vương dân tộc đi từ dựng nước đến ngày nay” 
                         (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương)
    
     “Sao bao năm đồng chí với Người, con gọi Người:
                                                                     Đồng chí
     Là khi con vĩnh biệt Người, Đồng chí, Bác Hồ ơi
     Con nguyện làm một mảnh của Người, đến trọn đời tận tụy
     Hồ Chí Minh, người cộng sản rất mực Việt Nam
                             và vô cùng chung thuỷ con người”                  
                           (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương) 
Khi Bác Hồ mất được trăm ngày, Việt Phương viết bài thơ “Người như sự sống mãi sinh sôi”. Bài thơ này toát lên một ý là trái tim của một con người và trái tim của nhiều người đang đập ngày đêm cả trong hiện thực cuộc sống và trong những giấc mơ trong trẻo của một con người và của những con người theo những tư tưởng của Bác:
    
     “Tim vẫn đập cả khi ta quên mất
     Buổi ta làm và trong giấc ta mơ
     Trái tim ấy ta đúc bằng chân thật
     Lắng tai nghe. Tim luôn đập: Bác Hồ”
                            (Người như sự sống mãi sinh sôi)
    
     “Tim vẫn đập. Ta nghe rồi tiếng Bác
     Tiếng lương tâm ta khao khát yêu người
     Dạ hương thầm theo suốt thời đánh giặc
     Bác vào ta thành tiếng hát ngày mai”
                  (Người như sự sống mãi sinh sôi) 
                                 
Những ngày nhớ Bác, Việt Phương lặng lẽ đi trong mùa thu Hà Nội. Hồ Gươm trong xanh. Liễu rủ tơ mành. Tiếng gió rì rào thổi từ phía sông Hồng rượt tới. Làn mây bay êm đềm. Đàn chim chao lượn trên bầu trời trong xanh của một Thủ đô đang chiến đấu bắn máy bay Mỹ. Đây là nét độc đáo của một thời Hà Nội. Tất cả toát lên vẻ lạc quan của người Việt Nam trong chiến trận. Quang cảnh này làm Việt Phương càng nghĩ nhiều về Bác, kiến trúc sư của cách mạng Việt Nam, một người đã giải quyết thành công vấn đề dân tộc và dân chủ ở Việt Nam:
  
      “Bác chiếu soi từ mỗi dòng nắng bạc
     Bác nhìn ta từ tia mắt mỗi người
     Ta sống đây, ta làm sao quên được
     Bác của con. Con gọi: Bác Hồ ơi”
                       (Người như sự sống mãi sinh sôi) 
Việt Phương khâm phục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là xuất phát tự đáy lòng và từ trái tim của một người đã từng Nam tiến, một thời xông pha nơi trận mạc, một người suốt đời gắn bó với dân tộc mình, nhân dân mình, quê hương, đất nước mình, và đặc biệt, với Bác Hồ kính yêu:
    
     “Ta sẽ nói một lời tha thiết nhất
     Lời còn ghi khi tất cả quên rồi
     Lời sâu kín từ bao đời ấp ủ
     Về Người như sự sống mãi sinh sôi”
                     (Người như sự sống mãi sinh sôi)
   
Trong “Cửa mở”, Việt Phương có bài “Đảng”. Bài này, Anh triết lý sâu sắc, rất đúng và cảm động về Đảng:
   
      “Đảng là sức đau tận cùng nỗi đau người nghèo khổ
     Sức dâng của nước và sức bừng của lửa
     Đảng là chuỗi hy sinh nhận tự buổi đầu
     Không hỏi bao giờ giới hạn ở đâu
     Đảng là khi trên nền nhà cuối cùng sau trận càn còn cháy dở
     Sức mạnh và niềm tin dấy lên từ ba người họp lại thành chi bộ
     Đảng là một sáng mùa thu chói loá Ba Đình
     Bốn nghìn năm trẻ lại phút hồi sinh”
                                               (Đảng)
   
Với đặc thù Việt Nam, truyền thống Việt Nam, Việt Phương viết:
    
     “Đảng là Hùng Vương, Nguyễn Trãi,
                             Quang Trung gặp Mác – Lênin
     Nở ra thành Bác Hồ Chí Minh”
                                                            (Đảng)
   
Câu thơ này mang dáng dấp một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
     “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”(2). 
Với Việt Phương, “Đảng là máu, nước mắt, mồ hôi dân nghèo mình tụ lại”. “Đảng là lời giục giã giội từ tim”. “Đảng là những mối lo thường trực. Lương tâm của lương tâm đêm ngày thao thức” 
                                                             (Đảng)
   
Khi Việt Phương viết “Cửa mở”, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra hết sức ác liệt, cho nên bài thơ “Đảng” của Anh có những câu gắn bó với đồng bào, đồng chí đang chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ ở miền Nam Việt Nam:
    
     “Đảng là miền Nam đặt giữa tình thương nhớ”
                                                              (Đảng)
   
Có người nói rằng, trong “Cửa mở”, câu thơ “Đảng của ta lịm đi không sống nữa, Sẽ để lại cuộc đời chỉ còn rực rỡ có Tình yêu” là “có vấn đề”. Thực ra, Việt Phương viết câu này là ý muốn nói đến một nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, rằng, đến một lúc nào đó, “khi chế độ tự quản xã hội cộng sản chủ nghĩa thay thế nhà nước và xác lập được sự đồng nhất về xã hội, thì cơ sở để các đảng chính trị tồn tại sẽ mất đi. Người ta có thể được tập hợp lại thành các liên minh tuỳ theo sở thích của mình, nhưng các liên minh này sẽ không còn mang tính chất chính trị nữa và sẽ không phải là các đảng theo nghĩa hiện tại của từ này”(3). Việt Phương nghĩ “quá xa”, cho nên Anh đã phải “luỵ gần”. 
Trong 30 bài thơ của tập "Cửa mở" có 5 bài thơ tình và nhiều câu thơ, khổ thơ tình yêu ở hàng chục bài thơ khác. Thơ tình là một đóng góp của Việt Phương được nhiều thế hệ trẻ và nhiều bạn đọc mọi lứa tuổi yêu thích vì sự say đắm trong tình yêu, vừa rất đời, vừa rất mộng, trữ tình dào dạt, chất hoà đồng vị tha thắm đượm. 
Nội dung của “Cửa mở” là lành mạnh, nghệ thuật của “Cửa mở” là gấm vóc, triết lý của “Cửa mở” là sâu sắc, tính nhân văn của “Cửa mở” là cao cả. “Cửa mở” thể hiện một bộ óc mở, một trái tim mở, một tâm hồn mở. Tuy nhiên, trong “Cửa mở”, bên cạnh những “hạt cát vàng” cũng chen lẫn một số “hạt sạn”, là những đoạn, những câu yếu kém về nghệ thuật, như chính Việt Phương đã nhận thấy trong tập thơ đầu tay này.
Từ ngày “Cửa mở” ra đời (năm 1970) đến khi “Cửa mở” được tái bản lần thứ nhất (1989), luôn luôn được những người yêu thơ tìm đọc và trân trọng, được dư luận xã hội và giới trí thức đánh giá cao. Tôi nghĩ rằng, sự đánh giá của dư luận xã hội thường bao giờ cũng rất công bằng. Việt Phương đã nhận được sự đền bù và đã có niềm vui đó. 
Sau 37 năm kể từ khi “Cửa mở” (Nhà Xuất bản Văn học) ra đời (năm 1970), năm 2007, Việt Phương lại cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới: “Cửa đã mở” (Nhà Xuất bản Thanh niên). Được tiếp sức bởi hơi thở của “Cửa mở”, “Cửa đã mở” gồm những bài thơ minh triết, sắc sảo về mình, về người, cuộc sống và xã hội. Tư duy của thơ đặc sắc, độc đáo. Tư duy ấy hoà quyện với những cảm xúc của một trái tim nhân hậu, thương mình, thương nhà, thương nước, thương người, thương đời, cuộc sống và nhân tình thế thái. Đó là cốt cách, bản lĩnh Việt Phương. 
Khi Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực được thành lập ngày 17-11-2006, chúng tôi có mời Việt Phương tham gia Hội đồng Khoa học và Tư vấn của Viện, vì qua các cuộc hội thảo khoa học, chúng tôi nhận thấy anh là một nhà lý luận giỏi. Anh vui vẻ nhận lời. ít ngày sau, anh có chuyển cho chúng tôi mấy trăm bài thơ do anh sáng tác. Chúng tôi đã tập hợp một số bài thơ của anh in thành tập thơ “Cửa đã mở”. Nhiều bạn đọc, khi đọc “Cửa đã mở” đã gửi thư, điện cho Viện chúng tôi, nói là muốn được đọc thêm “Cửa mở”. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi báo cáo với Nhà Xuất bản Văn học và được sự đồng ý của Nhà Xuất bản Văn học, “Cửa mở” được tái bản lần thứ hai (tổng cộng đã ba lần xuất bản). 
Cùng với “Cửa đã mở” (xuất bản lần đầu), “Cửa mở” (được tái bản  lần thứ nhất và lần thứ hai), chúng tôi xem đây là một tấm lòng rất chân thành và một món quà quý gửi đến anh Việt Phương, một tài năng trên nhiều phương diện, trước hết là trên văn đàn, nhân dịp Anh tròn 80 tuổi (1928-2008). 
Chúc Anh, chị Tú Lan sức khoẻ dồi dào, riêng anh, tiếp tục nghiên cứu lý luận và sáng tác nhiều thơ ca, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của công cuộc đổi mới đất nước.

                                                       Hà Nội, tháng 11 năm 2008
                                                            PGS,TS Đức Vượng
                                  Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực
******
Chú thích: (1) V.I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập 29, tr. 179
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.2
(3) "Chủ nghĩa cộng sản khoa học - Từ điển", Viện sĩ A.M. Rumiantxép Chủ biên, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.117