Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

21. Một số vấn đềc có tính quy luật trong lịch sử giải phóng, bảo vệ Thăng Long-Hà NộiI- NGUYỄN VĂN TÀI


 Trong bài viết này, tác giả đã bước đầu có những đánh giá mang tính tổng kết, khái quát lịch sử đấu tranh giải phóng và bảo vệ Thăng Long Hà Nội; trên cơ sở đó, rút ra và luận chứng 6 vấn đề có tính quy luật - những vấn đề mang tính lý luận khoa học và hợp thành hệ giá trị văn hoá - lịch sử quân sự. Theo tác giả, việc nghiên cứu những vấn đề có tính quy luật trong lịch sử đấu tranh giải phóng và bảo vệ Thăng Long Hà Nội sẽ làm rõ cơ sở khoa học của việc kế thừa, phát triển và phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử quân sự phục vụ sự nghiệp bảo vệ đất nước hiện nay.              
 
Thăng Long - Hà Nội đã có hàng nghìn năm văn hiến và là nơi "địa linh, nhân kiệt", luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Dưới góc độ nhất định, hầu như toàn bộ lịch sử thành văn của dân tộc ta đều hiện diện ở đây - một trong những kinh đô đầu tiên và là quốc đô qua hầu hết các thời kỳ lịch sử của đất nước, là viên ngọc sáng không những trong cuộc đấu tranh bền bỉ chống chính sách đồng hoá của ngoại bang, mà còn trong chiến đấu chống lại nhiều đội quân xâm lược hùng mạnh. Kể cả khi không là quốc đô, thì sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là điểm hội tụ và toả sáng những nét đẹp văn hoá quân sự truyền thống của dân tộc, thể hiện ở nhiều chiến công hiển hách mang ý nghĩa quyết chiến chiến lược, cùng rất nhiều tài năng, anh hùng, nhân vật lịch sử quân sự. Đương nhiên, nơi đây cũng diễn ra những sự biến mà qua đó, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích. Việc nghiên cứu thấu đáo sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội mang ý nghĩa đột phá khẩu để tiến tới tổng kết toàn diện hơn, sâu sắc hơn các bài học kinh nghiệm trong lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam.(*)
Trong tiếp cận khoa học sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội, có thể thấy tổ tiên ta thường xuyên phải giải quyết những khía cạnh hết sức cơ bản; bởi lẽ, đây là một vùng địa - quân sự đặc biệt trong một quốc gia dân tộc có hoàn cảnh lịch sử cũng rất đặc thù. Xét ở tầm vĩ mô, dân tộc Việt Nam luôn phải thường xuyên chống lại những kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự lớn hơn nhiều. Còn xét ở tầm vi mô, Thăng Long - Hà Nội luôn là một địa bàn mang tính chiến lược quân sự trọng yếu hàng đầu của đất nước. Chính trong quá trình giải quyết các khía cạnh cơ bản ấy đã hình thành nên những vấn đề có tính quy luật - những vấn đề mang tính lý luận, khoa học và hợp thành hệ giá trị văn hoá - lịch sử quân sự, được biểu hiện tập trung ở những bài học kinh nghiệm lịch sử của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội. Việc nghiên cứu những vấn đề có tính quy luật ấy cho phép làm rõ cơ sở khoa học trong việc kế thừa, phát triển, phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử quân sự phục vụ sự nghiệp bảo vệ Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Trước hết, đó là thường xuyên xác định và nhận thức đúng đắn tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội trong cả thời bình lẫn  thời chiến.
Xác định đúng đắn tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội là điều kiện tiên quyết để quy tụ Thăng Long - Hà Nội và cả nước chuẩn bị toàn diện nhằm bảo vệ yếu địa này. Việc nhận thức rõ ràng và toàn diện tầm quan trọng của Thăng Long - Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào khả năng trí tuệ, trình độ, kinh nghiệm của các chủ thể quân sự, mà trực tiếp là quân dân sở tại. Lịch sử giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội cho thấy, những triều đại giữ vững được nền độc lập thường là những triều đại mà các nhà lãnh đạo và nhân dân luôn xác định, nhận thức đúng tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội ngay từ thời bình, chuẩn bị kỹ lưỡng và khi có tình huống thì ứng phó mau lẹ, kịp thời.
Ngay từ thời tiền Thăng Long, vấn đề chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ vùng yếu địa Cổ Loa đã được Nhà nước, nhân dân Âu Lạc sớm nhận ra và gắng sức giải quyết thông qua xây dựng một kinh thành kiêm quân thành kiên cố, đủ sức tự bảo vệ. Tuy nhiên, Nhà nước Âu Lạc sau đó lại mất cảnh giác trước thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của địch, đến khi nhận ra địch chiếm được Cổ Loa cũng đồng nghĩa với chiếm cả đất nước thì đã quá muộn. Kể từ chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938, dân tộc ta đã giành lại quyền làm chủ đất nước và ngay từ đó, tinh thần cảnh giác “khoá chặt cửa ải phía Bắc” (Bắc môn toả khược) đã được đề cao. Đặc biệt, từ khi trở thành quốc đô, các nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam đều coi việc phòng bị kinh đô là một bộ phận quan trọng nhất trong chiến lược phòng thủ chung của đất nước. Sự định đô của nhà Lý tại Thăng Long, nơi tuy không có thế giữ hiểm bằng cựu đô Hoa Lư nhưng lại có thế rồng bay để mở mang nền văn hiến, chứng tỏ Đại Việt đã đủ sức bảo vệ đất nước, bảo vệ kinh đô bằng phương thức không giống như trước, chắc chắn vị trí chiến lược quân sự của Thăng Long - Hà Nội với tư cách kinh đô mới đã được nhìn nhận toàn diện hơn nhiều. Các triều đại thời Lý - Trần đều lo việc đắp thành, dựng luỹ biến miền đất bằng phẳng, không có núi non hiểm trở này thành một căn cứ phòng thủ vững chắc. Chính sách "ngụ binh ư nông" ra đời. Triều đình tập trung xây dựng lực lượng vũ trang chủ lực mạnh nhất ở kinh đô, mở mang đường giao thông thuỷ bộ nối liền Thăng Long với cả nước để tiện cơ động lực lượng, bố trí quân ở các cửa ải hiểm yếu trên các ngả đường tiến về Thăng Long, hoặc dựng đồn luỹ ngăn chặn giặc từ xa.
Mặt khác, việc nhận rõ vị thế chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng của Thăng Long - Hà Nội không đồng nghĩa với việc coi hiểm địa này là nơi duy nhất, mất nó là mất tất cả. Thời Trần, cả ba lần đều chủ động rút khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng trước thế giặc mạnh, dụ chúng vào sâu, phát động chiến tranh toàn dân, kết hợp đánh du kích và đánh vận động tiêu hao sinh lực địch, rồi thực hiện tiến công giải phóng kinh thành ngay trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Trong chiến tranh giải phóng chống quân Minh xâm lược, vị trí chiến lược của Thăng Long - Hà Nội được nhận thức là mục tiêu chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến, song thực hiện trận quyết chiến chiến lược lại ở Chi Lăng. Đây là một sự sáng tạo hết sức độc đáo vượt qua các binh thư đã có thời bấy giờ để kết thúc chiến tranh. Từ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội, dưới thời Tây Sơn, công cuộc tiến đánh Bắc Hà, giải phóng Thăng Long là sự kết hợp giữa giải phóng mang tính thanh lọc triều đình (chống nội phản) với giải phóng mang tính bảo vệ đất nước (chống ngoại xâm).
Thực tiễn lịch sử cũng chứng tỏ rằng, khi xác định và nhận thức không đúng về tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc Việt Nam, thì chắc chắn sẽ dẫn đến những sai lầm mang tính chiến lược. Dưới triều Nguyễn, Hà thành gần như bị bỏ ngỏ. Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu thừa dũng khí và tinh thần yêu nước, lại có thành lũy kiên cố và khá đông quân lính nhưng đã bị đánh bại bởi vỏn vẹn vài trăm quân Pháp, vì triều đình "không cho đánh". Các cuộc kháng Pháp tiếp đó cũng đã manh nha chiến thuật "nội công, ngoại kích", trong ngoài Hà Nội cùng phối hợp, nhưng do nhận thức không đúng của triều đình về quyết giữ Hà Nội nên cũng không thành công.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, việc nhận thức đúng đắn tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội trong thời bình và thời chiến mang một chất mới hoàn toàn. Giải phóng và bảo vệ Hà Nội không chỉ tiêu biểu cho việc khẳng định giá trị của độc lập dân tộc, mà còn tiêu biểu cho việc khẳng định sức sống của chế độ xã hội mới của dân, do dân, vì dân. Hơn nữa, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội không phải được "truyền từ trên xuống" mà là được "nhân bội từ dưới lên", tức là trở thành một yếu tố tự giác của nhân dân, tạo nên sức mạnh thực sự. Hà Nội được chọn làm nơi mở đầu, đột phá cho cả nư­ớc nổi dậy giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam độc lập và thay mặt quân và dân cả nước tiếp tục cuộc đấu tranh trực tiếp bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ. Chính do nhận thức đúng đắn về vị trí chiến lược quan trọng của Thủ đô Hà Nội, thể hiện được sức mạnh đoàn kết của nhân dân cả nước ủng hộ Chính phủ Việt Minh, ủng hộ Hồ Chủ tịch, nên 20 vạn quân Tưởng mặc dù có danh nghĩa đồng minh cũng không thể thực hiện âm mưu "diệt Cộng - cầm Hồ". Quân Pháp tiếp đó cũng không thể nỗ lực tập trung lực lượng "đánh nhanh, giải quyết nhanh" tại Hà Nội. Tầm quan trọng chiến lược của Thủ đô Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ được nhận thức vừa là trái tim của cả nước, nơi cung cấp dòng máu lành mạnh nuôi dưỡng cuộc đấu tranh hào hùng "bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", vừa tiêu biểu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội là bảo vệ Đảng và Nhà nước, cơ quan đầu não của toàn bộ công cuộc kháng chiến, bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời là bảo vệ "thủ đô của lương tri, phẩm giá con người".
Bài học về xác định và nhận thức đúng đắn tầm quan trọng chiến lược của Thăng Long - Hà Nội không chỉ có giá trị khi chiến tranh xảy ra, mà còn có ý nghĩa cảnh báo sâu sắc ngay trong thời bình. Chính vì vậy, sau khi hoà bình lập lại, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, song cũng không hề lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tầm quan trọng chiến lược quân sự của Hà Nội vẫn được khẳng định. Điều kiện xây dựng thời bình, môi trường hoà bình trong xu thế quốc tế, bối cảnh hội nhập kinh tế… dễ dẫn đến những nhận thức lệch lạc, tư tưởng hoà bình chủ nghĩa, nhất là mất cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn mới của địch như "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ… Chính do nhận thức đúng tầm quan trọng chiến lược của Thủ đô ngay trong thời bình nên cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta, mà trực tiếp là Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ; đồng thời, chuẩn bị tiềm lực tổng hợp sẵn sàng đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch ngay trên địa bàn Thủ đô.
Hai là, phát huy ưu thế của sự kết hợp trực tiếp giữa Trung ương với địa phương sở tại trong công cuộc giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội.
Sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội dù diễn ra ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào cũng đều thể hiện song hành hai hệ giá trị: một mặt, đó là trực tiếp giải phóng, bảo vệ vùng đất, nhân dân, cuộc sống lao động hoà bình, những giá trị vật chất và tinh thần của chính Thăng Long - Hà Nội; mặt khác, có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều là bảo vệ chế độ nhà nước, bảo vệ quốc hồn, quốc tuý dân tộc Việt Nam. Đương nhiên, công cuộc giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của quân và dân sở tại, mà còn là trách nhiệm chung của cả nước. Theo đó, sự kết hợp giữa Trung ương với Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp này là sự kết hợp trực tiếp. Trong chiến đấu chống xâm lược, Thăng Long - Hà Nội luôn vì cả nướccả nước chiến đấu vì Thăng Long - Hà Nội. Việc bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội không đơn thuần là vấn đề quân sự, mà còn là vấn đề chính trị trực tiếp của cả quốc gia dân tộc, quy tụ sức mạnh tổng hợp từ mọi phương diện đời sống xã hội, từ mọi miền đất nước, trước hết là sự kết hợp trực tiếp giữa Trung ương với Thăng Long - Hà Nội. Đây là một ưu thế đặc biệt.
Trong lịch sử, khi những nỗ lực toàn diện của bộ máy nhà nước trung ương kết nối trực tiếp được với sức mạnh của quân và dân Thăng Long - Hà Nội thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để vượt qua thử thách và ngược lại. Thời kỳ tiền Thăng Long, hầu như mọi sự kiện chính trị của đất nước (với tư cách đại cộng đồng các bộ tộc Văn Lang - Âu Lạc) đều diễn ra tập trung tại đây. Hơn nữa, bảo vệ thành Cổ Loa lúc này đồng nghĩa với bảo vệ đất nước, do chính bộ máy nhà nước trung ương đảm nhiệm. Sự kết hợp giữa Trung ương với địa phương sở tại trong công cuộc bảo vệ quốc đô không những là trực tiếp mà còn là một. Các cuộc nổi dậy chống ách đô hộ tiếp đó đều diễn ra theo phương thức tương tự. Sự "phân công" và "phối kết hợp" giữa Trung ương với các lộ, phủ… thể hiện rất rõ trong thời Lý - Trần, và mặt trận Thăng Long luôn tích hợp được sự cộng hưởng trách nhiệm trực tiếp của triều đình với quân và dân sở tại.
Sự kết hợp trực tiếp giữa Trung ương với Thăng Long - Hà Nội được phát triển lên chất mới và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp vừa mang giá trị truyền thống văn hoá quân sự, vừa được đặt trên cơ sở lý luận khoa học. Mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như những chiến thắng oanh liệt tại Thủ đô Hà Nội - dù trong chiến tranh giải phóng hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc - đều phụ thuộc vào sự kết hợp trực tiếp giữa Trung ương và cả nước với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, ưu thế của sự kết hợp trực tiếp được nhận thức, phát huy toàn diện và sâu sắc theo một hệ thống đa cấp và có cơ chế ngày càng hoàn thiện.
Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, việc phát huy ưu thế của sự kết hợp trực tiếp giữa Trung ương với Hà Nội cho phép giải được những bài toán khó trong kết hợp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng và phát triển thế trận quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch. Khi đất nước ngày càng tiến sâu vào lộ trình hội nhập, sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh bảo vệ Thủ đô đang đứng trước nhiều vấn đề mới phức tạp, đòi hỏi phải phát huy cao độ ưu thế của sự kết hợp trực tiếp giữa Trung ương với Hà Nội trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cùng với những lợi thế do hội nhập đem lại, chúng ta không thể không thường xuyên cảnh giác, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch lợi dụng tình thế này.
Ba là, nêu cao tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ đất nước để tạo ưu thế chính trị - tinh thần trong giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội.
Chỉ có những cuộc chiến tranh vì một nền chính trị tiến bộ mới tạo được ưu thế chính trị - tinh thần trong sức mạnh tổng hợp, do chính tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của nó quy định, và điều đó càng được thể hiện tập trung ở sự nghiệp bảo vệ Thủ đô - trái tim của cả nước. Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử luôn phải đối phó với các đội quân xâm lược có lực lượng quân sự mạnh hơn nhiều; vì vậy, cần phải sử dụng sức mạnh tổng hợp mà nòng cốt là ưu thế chính trị - tinh thần. Mặt trận Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi thể hiện trực tiếp nhất, là tiêu điểm của văn hoá giải phóng, văn hoá giữ nước, nên luôn mang tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn và phải dựa trên cơ sở ưu thế chính trị - tinh thần để tạo lực lượng.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Thủ đô có bước phát triển mới về chất. Đó là chính nghĩa triệt để, nhân đạo triệt để và nhân văn triệt để, gắn với tính cách mạng cải tạo xã hội để nhân dân làm chủ. Đây cũng là thời đại mà tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của công cuộc bảo vệ Thủ đô có đủ điều kiện, tiền đề chuyển hoá trực tiếp thành ưu thế chính trị - tinh thần mà mỗi người đều tự giác tiếp thụ, trân trọng, biết phát huy, muốn phát huy và dám phát huy. Đó là sự thiết lập khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ bản lĩnh, ý chí, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nối liền truyền thống với hiện tại và hướng tới tương lai trong toàn bộ sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, tuy có những điều kiện mới và đòi hỏi mới, song chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như công cuộc bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn luôn đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc phát huy ưu thế chính trị - tinh thần tạo ra từ tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn ấy.
Bốn là, dựa vào ưu thế "địa linh, nhân kiệt" cũng như truyền thống văn hiến để hình thành và phát huy sức mạnh giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội.
Cơ sở của vấn đề này chính là mối quan hệ "thiên thời - địa lợi - nhân hoà"; trong đó, thiên thời thường không bằng địa lợi và địa lợi chắc chắn không bằng nhân hoà. Thiên thời của Thăng Long - Hà Nội bao gồm tổng hợp nhiều yếu tố mà ngày nay ta có thể hiểu tương dung với tình thế và thời cơ giành thắng lợi trong chiến tranh. Địa lợi là vùng "địa linh", cả ở sự kết tinh ngầm trong chiều sâu tâm linh lẫn những đặc trưng địa - quân sự "xâm dị - trì nan". Còn nhân hoà được thể hiện không những ở mặt bằng dân trí, văn hoá, khoa học, mà còn ở nhân tâm, ý thức cố kết cộng đồng, cách thức tổ chức xã hội cơ bản dựa trên quan điểm thân dân của các nhà lãnh đạo đất nước.
Trong lịch sử, nếu đánh mất lợi thế này thì sẽ gặp thất bại. Nhà Nguyễn do không tận dụng được nguồn sức mạnh được tạo ra từ ưu thế con người và cộng đồng nhân dân thị thành nơi "địa linh, nhân kiệt" để hình thành, phát triển sức mạnh tự bảo vệ nên đã rơi vào trạng huống ấy. Sự bế tắc trong phòng thủ thành Hà Nội dưới triều Nguyễn chính là do có nguồn sức mạnh mà không biết sử dụng. Hơn nữa, triều đình bại về phương diện giữ đất, nhưng dân Thăng Long - Hà Nội vẫn thắng về giữ quốc hồn, quốc tuý của dân tộc. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung vẫn không hề chịu mất tiếng mẹ đẻ, chữ quốc ngữ, cách ứng xử hiếu thuận trong gia đình, vẫn ngẩng cao đầu và kiên trì chờ vận nước.
Vận nước đó chính là tư tưởng thời đại do Nguyễn Ái Quốc truyền về và lập tức toàn bộ thiên thời - điạ lợi - nhân hoà của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, được thổi bùng thành ngọn lửa cách mạng. Sức mạnh giải phóng, bảo vệ trong thời đại Hồ Chí Minh không những mang một chất mới, mà còn là điểm nhấn quan trọng để góp vào phân định sự hơn hẳn của chế độ xã hội mới so với toàn bộ lịch sử Việt Nam trước đó. Từ 60 ngày đêm giam chân quân Pháp đến 12 ngày đêm quật cổ pháo đài bay, từ "vành đai đỏ" trong Cách mạng Tháng Tám đến vùng quân sự Thủ đô trong chống chiến tranh phá hoại... đều làm bộc lộ biểu tượng rồng bay của Hà Nội - vùng đất anh hùng nghìn năm văn hiến. Thiên thời - địa lợi - nhân hoà của Thăng Long đã thắng, nghìn năm văn hiến Việt Nam đã thắng. Hà Nội xứng đáng được tôn vinh là Thành phố vì hoà bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Như vậy, Thăng Long - Hà Nội đã và tiếp tục là vùng đất "địa linh - nhân kiệt" trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Năm là, vận dụng sáng tạo và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tiến trình giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội.
Sức mạnh giải phóng, bảo vệ đất nước và quốc đô, xét đến cùng, phụ thuộc vào các tiền đề, điều kiện tổng thể hợp thành tiềm lực mọi mặt, song đều phải được chuyển hoá thành sức mạnh quân sự trực tiếp, trong đó mấu chốt là việc hình thành, phát triển và phát huy mạnh mẽ nền nghệ thuật quân sự. Do là vùng đất luôn phải xung kích đối đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, nên nghệ thuật quân sự giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội sớm được định hình trong lịch sử, vừa kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm, thể hiện tập trung nghệ thuật quân sự dân tộc, vừa phù hợp với truyền thống văn hoá quân sự vùng miền đồng bằng, trung tâm dân cư đô thị, nhất là trên địa bàn quốc đô với vị thế chính trị - quân sự đặc biệt. Trong thực tiễn, những khía cạnh đặc sắc của nền nghệ thuật quân sự dân tộc Việt Nam đều được thể hiện tập trung tại vùng đất Thăng Long - Hà Nội và đều được hình thành, phát triển, thể hiện rực rỡ trước hết tại đây.
Về chiến lược, đó là nghệ thuật mở đầu, điều tiết và kết thúc chiến tranh. Về chiến dịch, trong chiến tranh bảo vệ là lập tuyến phòng thủ nhiều tầng để bảo vệ từ xa; kết hợp giữa phòng thủ tuyến và phòng thủ khu vực; vừa kìm chân, tiêu hao lực lượng địch, vừa bảo toàn lực lượng ta; tiến đánh và rút lui đúng lúc, kể cả rút lui chiến lược; kết hợp giữa tác chiến của lực lượng vũ trang với phòng thủ dân sự... Trong chiến tranh giải phóng, đó là tập trung sức mạnh vào thời điểm quyết định để giải phóng; chọn điểm đột phá, trận then chốt quyết định; kết hợp vây thành với diệt viện; đặt giải phóng Thăng Long - Hà Nội trong một tổ hợp chiến dịch mang tính cao trào để giải quyết dứt điểm. Về chiến thuật, đó là những cách đánh hết sức đa dạng: kết hợp giữa cách đánh chiến dịch với tác chiến chiến thuật; đánh liên hoàn, chia cắt địch, nghi binh lừa địch; kết hợp đánh chính diện với đánh vu hồi, đánh tiêu diệt với quấy nhiễu, chính binh với kỳ binh; tiến chắc thắng chắc, song "thần tốc, táo bạo, quyết thắng" khi có thời cơ…
Chất mới về nghệ thuật quân sự kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống với hiện đại để giải phóng, bảo vệ Thủ đô trong thời đại Hồ Chí Minh thể hiện: xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng làm nòng cốt cho khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền cách mạng; bảo vệ chính quyền bằng sách lược phân hoá kẻ thù; huy động toàn dân ủng hộ chính phủ cách mạng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nhiều thứ quân chuẩn bị kháng chiến; phát huy tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong chặn địch là cách đánh thành phố: trận địa liên thông, vật cản, pháo đài, tập kích, phục kích để chủ động phòng thủ; vừa chặn địch vừa bảo toàn lực lượng; rút lui chiến lược an toàn. Trong kháng chiến là đánh du kích: tập kích, đột kích, gây rối. Trong tiếp quản Thủ đô là đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ cơ sở vật chất bằng sức mạnh đấu tranh của nhân dân do lực lượng vũ trang tại chỗ làm nòng cốt, giải quyết những vấn đề hậu chiến để chuẩn bị cuộc kháng chiến mới. Trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, đó là nghệ thuật phòng không nhân dân Thủ đô: phòng thủ dân sự; đánh trả bằng hoả lực nhiều tầng của phòng không nhân dân ba thứ quân; hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng; tiêu diệt máy bay địch và bảo vệ mục tiêu; cách đánh đa dạng… Trong chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch là sự phát triển mới về xây dựng thế trận, lực lượng, cách đánh… ngày càng tiến sát đến yêu cầu dùng công nghệ cao chống lại cuộc tiến công hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao.
Sáu là, phát triển "chiến tranh toàn dân" thành "chiến tranh nhân dân" trong sự kết hợp nhuần nhuyễn với "chiến tranh nhân dân thành phố" và "chiến tranh nhân dân Thủ đô".
Trong lịch sử các cuộc chiến tranh cứu nước và chiến tranh giữ nước của dân tộc ta, kẻ thù thường là những đội quân nhà nghề, mạnh hơn hẳn cả về tiềm lực quốc gia và thực lực quân sự trực tiếp. Bối cảnh ấy đòi hỏi các nhà lãnh đạo chỉ có con đường duy nhất là tìm sức mạnh trong nhân dân để xây dựng cả tiềm lực và thực lực kháng chiến. Lòng yêu nuớc, tinh thần cộng đồng dân tộc trở thành ý thức thường trực khiến người dân sẵn sàng gác lại lợi ích riêng trước hiểm hoạ ngoại xâm để đánh lại bất cứ kẻ thù nào. Các triều đại phong kiến tiến bộ đều đã nhận thức rõ vấn đề này và hình thành nên phương thức chiến tranh toàn dân giải phóng và bảo vệ đất nước mang đậm bản sắc Việt Nam. Trong thời đại Hồ Chí Minh, sự tiếp nối tất yếu các cuộc chiến tranh toàn dân nói trên gắn với sự phát triển nhảy vọt về chất và những thay đổi căn bản về nền tảng kinh tế - xã hội và chế độ chính trị phát triển mới đã hình thành chiến tranh nhân dân Việt Nam giải phóng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Xét riêng ở Thăng Long - Hà Nội, "chiến tranh toàn dân" qua các triều đại phong kiến phát triển thành "chiến tranh nhân dân" luôn lưu giữ những đặc trưng tiến hành chiến tranh tại vùng đất chiến lược này để phát triển thành "chiến tranh nhân dân thành phố", "chiến tranh nhân dân Thủ đô" trong thời đại Hồ Chí Minh. Vì vậy, để nhận thức đúng, cần có cái nhìn tổng thể về phạm trù cặp ba: "chiến tranh nhân dân" - "chiến tranh nhân dân thành phố" - "chiến tranh nhân dân Thủ đô". Trước hết, phạm trù này mang cái phổ biến của chiến tranh nhân dân Việt Nam, nhưng không hoàn toàn giống hệt như chiến tranh nhân dân trên các địa phương khác. Tiếp tục cấp độ khác, nó mang cái đặc thù của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên địa bàn các thành phố, nên có nét riêng so với các địa bàn nông thôn, rừng núi, biển đảo… Còn ở cấp độ trực tiếp, nó mang cái đơn nhất của chiến tranh nhân dân thành phố mà quân và dân Thủ đô trực tiếp tiến hành trên cơ sở sức mạnh của cả nước; diễn ra trên chiến trường đặc biệt là nơi cả nước hướng về; bảo vệ mục tiêu đặc biệt là trái tim của cả nước - có tầm quan trọng đặc biệt trong toàn bộ tiến trình và kết cục của chiến tranh nhân dân giải phóng, bảo vệ đất nước. Có thể coi khởi điểm của chiến tranh nhân dân trong thời đại mới chính là chiến tranh nhân dân Thủ đô - sự kế thừa và phát triển đến đỉnh cao những tinh tuý của chiến tranh toàn dân trong lịch sử dân tộc; đồng thời phản ánh những nét đặc thù của đấu tranh vũ trang trên địa bàn thành phố, cùng những nét riêng phản ánh vị thế, điều kiện đặc biệt của Thủ đô Hà Nội. Trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, đó là chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đến thời kỳ này, phạm trù cặp ba "chiến tranh nhân dân" - "chiến tranh nhân dân thành phố" - "chiến tranh nhân dân Thủ đô" đã định hình rõ nét, phát huy tác dụng to lớn. Đặc biệt, đã có sự phát triển "chiến tranh nhân dân Thủ đô" trong điều kiện đối đầu với cuộc tiến công hoả lực bằng vũ khí hiện đại của địch. Về nghệ thuật quân sự, thế trận phòng không nhân dân được xây dựng nhiều tầng và rộng khắp, lực lượng là lực lượng toàn dân và lực lượng phòng không nhân dân ba thứ quân, cách đánh của chiến tranh nhân dân Thủ đô cực kỳ đa dạng và sáng tạo.
Như vậy, sự phát triển từ "chiến tranh toàn dân" thành "chiến tranh nhân dân" - "chiến tranh nhân dân thành phố" - "chiến tranh nhân dân Thủ đô" trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội là sự phát triển hợp quy luật, cả về mục tiêu, phương thức, lực lượng tiến hành chiến tranh, cả về ý nghĩa và giá trị hiện thực của nó cũng như về nghệ thuật quân sự. Đây là một giá trị lớn và chủ đạo trong toàn bộ hệ giá trị văn hoá quân sự Thăng Long - Hà Nội, đồng thời là vấn đề có tính quy luật mang tính đúc kết cô đọng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử hình thành, phát triển, tự bảo vệ của Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Việc nghiên cứu những vấn đề có tính quy luật trong lịch sử bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội hiện nay đáp ứng nhu cầu xã hội cấp thiết trong đời sống văn hoá tinh thần nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước là được hiểu biết, học tập kinh nghiệm lịch sử nhằm củng cố ý chí tự lực, tự cường, nâng cao lòng tự hào và tự tôn dân tộc, học những kinh nghiệm hay, tránh lặp lại những sai lầm từ lịch sử... nhằm vận dụng, phát huy truyền thống vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với hoạt động xã hội rộng lớn hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kết quả nghiên cứu những vấn đề cơ bản của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng vùng đất này sẽ là một đóng góp thiết thực và sâu sắc. Đây là dịp để giới thiệu Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến, "Thành phố vì hoà bình" với bè bạn thế giới, trong đó có hệ giá trị văn hoá - lịch sử  quân sự tiêu biểu./. 


(*) Thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sĩ. Phó giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.