Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

19. Đặc sắc tư duy quân sự Việt nam thời phong kiến-NGUYỄN TRỌNG TUẤN (*)


 Bài viết đề cập đến một số nét đặc sắc của tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến. Tư duy quân sự với tư cách là hình thức của tư duy nói chung và nét đặc sắc của nó được tác giả khái quát thành bốn phương diện, đó là: tư duy quân sự - quốc phòng; tư duy nông binh bất phân; tư duy quân dân bất biệt; tư duy tác chiến bất cương. Trên cơ sở đó, tác giả tiến hành khảo sát tư duy quân sự Việt Nam qua các thời đại phong kiến.           
 
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Ngay từ thời phong kiến, dân tộc ta do tính đặc thù về điều kiện sinh tồn đã tự hình thành cho mình một cách thức tư duy quân sự độc đáo. Nhờ đó, lịch sử dân tộc Việt Nam tuy có lúc thăng trầm, nhưng về cơ bản, chưa bao giờ lu mờ tinh thần tự lực và tự cường, bất khuất và dũng cảm, dám đấu tranh và biết đấu tranh.
Nghiên cứu lịch sử giữ nước của Việt Nam một cách thực sự khoa học thì cần phải có phương pháp luận đúng đắn trong tiếp cận khoa học về tư duy quân sự. Theo chúng tôi, đó là các nguyên tắc sau: nguyên tắc hệ thống – chỉnh thể, nguyên tắc kết hợp phổ biến - đặc thù - đơn nhất, nguyên tắc kết hợp lôgíc và lịch sử, đảm bảo mối liên hệ biện chứng giữa đồng đại và lịch đại. Nguyên tắc hệ thống - chỉnh thể nghĩa là phải luận giải sự hình thành, phát triển tư duy quân sự theo trình tự lôgíc nhất định để nhận thức thực chất các giá trị trong các nhân tố cấu thành của nó. Nguyên tắc kết hợp phổ biến - đặc thù - đơn nhất giúp cho việc nghiên cứu tính đặc sắc tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến phản ánh được sự thống nhất với tính phổ biến của tư duy và tính đặc thù của tư duy quân sự Việt Nam nói chung. Nguyên tắc kết hợp lôgíc và lịch sử nghĩa là cần phải bám sát các tư liệu lịch sử từng thời kỳ để đúc rút những nét đặc sắc của tư duy quân sự Việt Nam xuyên suốt thời đại phong kiến. Và cuối cùng, việc đảm bảo mối liên hệ biện chứng giữa đồng đại và lịch đại sẽ khiến cho việc tiếp cận tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến vừa thể hiện theo từng lát cắt lịch sử, vừa mang tính hệ thống xét theo dòng chảy lịch sử dân tộc, làm rõ tính kế thừa, liên tục phát triển theo tiến trình lịch sử của sự khái quát.(*)
Cùng với việc tuân thủ những nguyên tắc phương pháp luận trên, cần bảo đảm sự nhất quán trong quan niệm khoa học về tư duy quân sự, tránh sự nhầm lẫn giữa tư duy quân sự với tư duy nói chung xuất hiện trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động quân sự. Từ những tiền đề trên, có thể quan niệm tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến là hệ thao tác nhận thức bậc cao của các chủ thể quân sự nhằm phản ánh ở tầng lý luận khoa học đối với toàn bộ thực tiễn quân sự trong lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam ở thời đại phong kiến, mang những nét đặc sắc cả về mục đích lẫn phương thức tổ chức hoạt động quân sự, nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang, được kết tinh thành tổng thể tư tưởng nghệ thuật quân sự và được hiện thực hoá trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ đất nước.
Bối cảnh lịch sử của đất nước qua các thời kỳ lịch sử lớn luôn là điểm tựa thực tiễn quan trọng để làm nảy sinh, hình thành và phát triển tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến. Nền tảng kinh tế - xã hội nước ta trong lịch sử phong kiến là sự gắn bó lợi ích của giai cấp quý tộc phong kiến với vận mệnh của quốc gia dân tộc và nhu cầu độc lập dân tộc, nhất là ở những thời kỳ đang lên của chế độ phong kiến. Tinh thần độc lập tự chủ là nhân tố xuyên suốt thời kỳ này, là nền tảng tinh thần cơ bản để hình thành, phát triển tư duy, tư tưởng quân sự về giành và giữ nền độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh chống đồng hoá chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp giành và giữ nền độc lập tự chủ của dân tộc ta. Bối cảnh thực tiễn ấy đã được tích hợp trong những điểm tựa lý luận cơ bản cho sự hình thành, phát triển những nét đặc sắc của tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến, đó là tư duy quân sự - quốc phòng, tư duy nông binh bất phân, tư duy quân dân bất biệt, tư duy tác chiến bất cương.
Tư duy quân sự - quốc phòng phản ánh mục đích hoạt động quân sự của dân tộc ta, về cơ bản, là hoạt động quân sự giữ nước. Các cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam tiến hành trong lịch sử chủ yếu là chiến tranh bảo vệ hoặc chiến tranh giải phóng đất nước. Mục đích ấy của hoạt động quân sự đã chi phối cách nghĩ và cách làm của dân tộc Việt Nam, từ xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng vũ trang đến chuẩn bị cách đánh. Thế trận của ta là thế trận giữ nước, không phải thế trận đi xâm lược. Lực lượng vũ trang ta là lực lượng vũ trang toàn dân và bằng mọi hình thức, chứ không phải là những đạo quân chuyên nghiệp thông thạo chuyện chinh phạt. Cách đánh của dân tộc ta chủ yếu và trước hết là đánh phòng, đánh cốt đuổi chứ không cốt diệt, đánh lấy khéo chứ không lấy mạnh.
Tư duy nông binh bất phân phản ánh điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một nước đất không rộng, người không đông, cần phải huy động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc. Việc dựa vào dân để chăm lo việc binh không phải là chính sách nhất thời, mà được phương lược hoá thành chính sách “ngụ binh ư nông - chế độ binh dịch với tất cả đinh tráng và chế độ quân lính chia phiên vừa canh phòng, luyện tập, vừa sản xuất, tạo thế trận rộng khắp và thuận lợi trong điều động lực lượng, ở đâu có dân là ở đó có những trai tráng từng được luyện tập quân sự, có tên trong sổ, thời bình ở nhà sản xuất, khi có chính biến được huy động vào quân đội.
Tư duy quân dân bất biệt là một điểm tựa lý luận quan trọng và mang nét rất đặc sắc Việt Nam. Theo tư duy quân sự này, không có sự tách biệt vai trò của quân binh triều đình với dân binh, mà chỉ có sự phân công tác chiến cho phù hợp. Quân triều đình là lực lượng tác chiến chiến lược. Quân các phủ, lộ và của các vương hầu chiến đấu trong đội hình chung hoặc đảm nhiệm những hướng và phương án tác chiến sở trường. Dân binh là lực lượng chiến đấu tại chỗ. Tất cả các lực lượng vũ trang đó đều chiến đấu với hiệu quả cao nhất khi được dân hết lòng chở che, nuôi dưỡng.
Tư duy tác chiến bất cương cũng là nét quân sự đặc sắc không giống với những nguyên tắc binh pháp “chính quy”. Do yêu cầu gắt gao của việc sử dụng bạo lực vũ trang mà lĩnh vực quân sự phải đặt ra hệ thống những quy phạm hết sức nghiêm khắc, nhất là đối với tác chiến. Song, chính điều đó lại dẫn đến cách tư duy tác chiến và những nguyên tắc tác chiến cứng nhắc. Tuy nhiên, đối với các triều đại phong kiến nước ta, do chiến tranh toàn dân là hình thái cơ bản nên các hình thức tác chiến được tuỳ cơ mà vận dụng, thậm chí hỗn hợp, liên kết với nhau cũng như với các hình thức phi vũ trang (chính trị, binh vận, ngoại giao,…) nên từ rất sớm, trong dân tộc ta đã hình thành tư duy tác chiến khối. Các nguyên tắc tác chiến vừa theo đúng binh pháp, vừa uyển chuyển, không cứng nhắc.
Những nét đặc sắc trong sự hình thành, phát triển tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến được biểu hiện sinh động qua các thời kỳ lịch sử.
Nói đến tư duy quân sự thời phong kiến ở Việt Nam không thể không nói đến Ngô Quyền, người tiêu biểu cho sự phát triển mang tính đột phá về tư duy quân sự. Vừa là vua, vừa là danh tướng có tư duy quân sự siêu việt, Ngô Quyền đã kịp thời diệt thù trong để rảnh tay đánh giặc ngoài; biết lợi dụng địa hình, thời tiết bố trí trận địa mai phục; kết hợp quân thuỷ bộ, quân chủ lực và quân địa phương trong chiến đấu tiêu diệt địch. Tư duy quân sự của ông thể hiện nổi bật ở chủ trương đập tan lực lượng chủ lực địch, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Nam Hán bằng đòn quân sự quyết định. Với quyết tâm chiến lược đó, ông chủ động chọn cửa sông Bạch Đằng làm trận địa quyết chiến chiến lược (bằng các bãi cọc bố trí sẵn), đẩy địch vào thế hoàn toàn bất ngờ, bị động và tan rã.
Tư duy quân sự Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, mang tính đột phá và cách mạng qua các triều đại phong kiến tự chủ sau này.
Thời nhà Lý, tư duy quân sự đã được chuyển hẳn sang hình thái tư duy quân sự của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Những nét quân sự truyền thống cơ bản được hình thành, như ngụ binh ư nông trong dựng binh, tiên phát chế nhân bảo vệ từ xa trong dụng binh, xây dựng hệ thống phòng tuyến vững chắc trong tạo lập thế trận,… Sự đóng góp của tư duy quân sự còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực, như biết tổ chức công tác tình báo, sử dụng các đòn chiến tranh tâm lý, thiết lập phòng tuyến cản địch nơi hiểm yếu, phòng thủ nhiều tầng… Các nguyên tắc cơ bản về xây dựng quân đội cũng đã được định hình. Thời Lý cũng là thời kỳ xuất hiện những bước cách tân lớn về tư duy quân sự - quốc phòng gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống.
Khi triều đình nhà Tống gấp rút chuẩn bị tích trữ lương thảo, biến Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu thành những căn cứ quân sự - hậu cần làm bàn đạp tiến công Đại Việt, thì nhà Lý, với tư duy quân sự - chính trị tổng hợp, đã chủ trương thực hiện rất táo bạo chiến lược "tiên phát chế nhân" đánh sang đất Tống nhằm tiêu diệt các căn cứ xuất phát tiến công xâm lược của kẻ thù, rồi mới rút về phòng thủ đất nước. Khi thời cơ đến, triều đình kiên quyết chuyển từ phòng ngự sang phản công, thực hành trận quyết chiến chiến lược đánh thẳng vào trại giặc, khiến chúng không kịp chống đỡ. Sau chiến thắng, triều đình lo ngay đến việc sửa định binh chế, đổi mới bộ máy chỉ huy quân đội, tổ chức các đơn vị trong Cấm quân, cải tiến phương pháp luyện rèn quân sĩ.
Tiếp nối nhà Lý, tư duy quân sự nhà Trần cũng có những bước đột phá quan trọng. Cùng với việc kế thừa và phát triển mạnh mẽ các chính sách ưu việt thời Lý, các nhà lý luận quân sự thời Trần đã đặc biệt quan tâm phát triển mạnh mẽ tư duy mới về quân sự - quốc phòng. Đó là, nhà Trần đã huy động và tổ chức toàn dân đánh giặc, xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân, xây dựng căn cứ địa chiến lược và hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến. Và để thực thi những vấn đề đó, chữ dân luôn được nhà Trần đặt lên hàng đầu trong cả ba cuộc kháng chiến. Đây là bước đánh dấu sự định hình hoàn toàn về tư duy quân sự chiến lược mang tính hệ thống, chỉnh thể của chiến tranh nhân dân bảo vệ đất nước trong khuôn khổ ý thức hệ phong kiến.
Đặc biệt, sự phát triển tư duy quân sự dưới thời Trần còn được biểu hiện ở sự hình thành, phát triển chủ trương tạm lui quân trước thế giặc mạnh để bảo toàn lực lượng, kết hợp với kế thanh dã và chiến tranh du kích tiêu hao sinh lực giặc, chuyển hoá dần so sánh lực lượng có lợi để tiến tới tổng phản công. Trước một đối thủ rất mạnh là đế quốc Nguyên - Mông gồm những kỵ binh dạn dày chinh chiến, nhà Trần không thể áp dụng chiến lược “tiên phát chế nhân” theo kiểu đánh trước sang đất địch như nhà Lý, cũng không thể thực hiện phương châm bảo vệ từ xa bằng một hệ thống chiến luỹ phòng thủ như phòng tuyến sông Cầu, mà buộc phải có tính toán chiến lược mới dựa trên sự đổi mới tư duy quân sự. Đó chính là cơ sở thực tiễn hình thành nghệ thuật chỉ đạo rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng, xoay chuyển tình thế để phản kích của quân đội nhà Trần. Sở dĩ có thể coi đây là một bước phát triển mang tính cách mạng trong tư duy quân sự Việt Nam vì, với các nhà nước phong kiến đương thời, mất kinh đô gần như đồng nghĩa với mất nước; song với người Việt, kinh đô tạm mất vào tay giặc nhưng cuộc kháng chiến mới chỉ bắt đầu.
Chủ trương tạm rút khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng gắn liền với chủ trương đánh du kích nhỏ lẻ rộng khắp tiêu hao sinh lực địch và đặc biệt, gắn với kế thanh dã - tổ chức cho dân chúng làm “vườn không nhà trống”, cũng như kế sách tạo một mặt trận liên thông để cả nước cùng đánh giặc. Những đội kỵ binh Mông Cổ bách chiến bách thắng khi sang đến chiến trường Đại Việt tuy chiếm thành Thăng Long không mấy khó khăn, nhưng lập tức rơi vào một cuộc chiến tranh hoàn toàn khác lạ, lâm vào tình thế đánh chẳng được đánh, yên chẳng được yên, muốn cướp bóc lương ăn cũng không có, nên mau chóng mất hết nhuệ khí và sức lực. Kết cục thảm bại đến với chúng là tất yếu.
Tư duy quân sự Việt Nam thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn chống ách đô hộ của nhà Minh có bước phát triển nhảy vọt, trước hết thể hiện ở những giá trị văn hoá quân sự cơ bản trong các chủ trương chiến lược, như chiến tranh chính nghĩa, lấy dân làm gốc, tướng sĩ đồng lòng, tập trung lực lượng vào địa bàn cốt tử, cách đánh đa dạng.
Với tư duy quân sự tổng hợp, trọng tâm là tư duy chiến lược về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, Bộ chỉ huy Lam Sơn chủ trương phát động và lãnh đạo toàn thể dân chúng vùng dậy lật nhào ách đô hộ của quân Minh, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Để huy động sức dân, nghĩa quân chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ cứu nước với nhiệm vụ cứu dân; lực lượng khởi nghĩa được xây dựng dựa vào đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng thời chiêu tập dân chúng cùng nổi dậy đánh giặc cứu nước. Đây chính là sự manh nha của tư duy quân sự kết hợp giữa tiến công bằng lực lượng vũ trang chủ lực với nổi dậy của nhân dân. Trong điều kiện cuộc khởi nghĩa phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô toàn quốc, sự kết hợp của các cuộc nổi dậy của dân chúng các địa phương với đòn tiến công của nghĩa quân đã được phát triển rộng khắp và ngày càng trở thành một vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong phát triển tư duy quân sự thời kỳ này.
Đó còn là tư duy quân sự về xây dựng căn cứ địa kháng chiến, đánh vào nơi hiểm yếu, chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược. Trong chuẩn bị phát động khởi nghĩa, việc chọn vùng rừng núi phía Tây Thanh Hoá trên thượng lưu sông Chu, sông Mã, nơi có địa hình hiểm trở, địa thế hiểm yếu, lại có nhân lực, vật lực bổ sung, cung cấp cho nghĩa quân, làm địa bàn tác chiến và cơ động lực lượng để tiến hành cuộc chiến tranh du kích lâu dài đã thể hiện một tư duy quân sự sáng suốt. Khi xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã sớm thấy được tầm quan trọng của vấn đề cung cấp lương thực cho nghĩa quân, nên rất coi trọng cả hai mặt tổ chức đội ngũ và chăm lo ruộng đồng. Đặc biệt, Lê Lợi cho rằng, cần phải xây dựng một đội quân trên dưới như cha con một nhà và trước hết, phải là đội quân nhân nghĩa. Nhờ đó, từ chỗ sử dụng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ luồn sâu, đánh mạnh vào vùng chiếm đóng của địch, nghĩa quân đã tiến tới sử dụng chủ lực đánh thẳng ra Đông Quan, triển khai thế trận tiến công và vây hãm tất cả các thành trì giặc, rồi chuyển lên “vây thành diệt viện”.
Đó còn là tư duy quân sự về kết hợp đấu tranh vũ trang với ngoại giao chiến lược. Vào giai đoạn giành thắng lợi quyết định của cuộc chiến tranh chống quân Minh, Bộ chỉ huy Lam Sơn nhận thấy rằng, muốn đánh thắng hoàn toàn quân địch thì phải kết hợp tiến công trên nhiều mặt trận khác nhau, như quân sự, chính trị, binh vận và đặc biệt là ngoại giao. Quân trung từ mệnh tập là tác phẩm gồm những văn kiện quan trọng thể hiện hoạt động vừa phong phú, vừa sáng tạo đó của nghĩa quân Lam Sơn. Trên cơ sở giành được thắng lợi về quân sự, Bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương đàm phán để kết thúc chiến tranh, mở lối thoát cho địch qua các thư dụ hàng quân Minh do Nguyễn Trãi viết và Hội thề Đông Quan. Hàng loạt bức thư gọi hàng đanh thép, đầy sức thuyết phục có tác dụng như cuộc chiến đấu của nghìn vạn quân, buộc địch phải mở các thành, lần lượt ra hàng. Quân giặc hùng mạnh cuối cùng đã bị tiêu diệt cả về lực lượng, tinh thần và ý chí, phải xin thề rút quân về nước.
Điểm nổi bật của tư duy quân sự thời Tây Sơn là sự chuyển hoá từ tư duy chiến lược về đường lối khởi nghĩa vũ trang của nông dân chống áp bức đến tư duy chiến lược về thực hiện chiến tranh toàn dân giải phóng chống xâm lược trong khuôn khổ ý thức hệ phong kiến. Từ khẩu hiệu đấu tranh ban đầu là “lấy của cải bọn quan lại và nhà giàu phân phát cho dân nghèo”, “tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân xa chốn lầm than”, đến cuối năm 1784, nghĩa quân Tây Sơn chủ trương kết hợp đánh cả thù trong lẫn giặc ngoài. Điều đó cho thấy, phong trào Tây Sơn đã biết kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ cứu nước với nhiệm vụ cứu dân, dũng cảm đánh giặc ngoại xâm Xiêm, Thanh. Bởi vậy, phong trào này đã lôi cuốn được đông đảo dân chúng tham gia.
Tư duy về phương thức chỉ huy tác chiến của quân Tây Sơn được thể hiện điển hình trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh. Ngay sau cuộc rút lui chiến lược của lực lượng Tây Sơn đang trấn giữ Thăng Long và Bắc Hà về Tam Điệp - Biện Sơn, tạo nên sự chuyển hoá thế chiến lược theo chiều hướng địch từ chỗ có lợi sang bất lợi, ta từ chỗ bất lợi sang có lợi, Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Phú Xuân đã gấp rút tiến quân ra Bắc Hà, mở cuộc phản công chiến lược, tổ chức binh lực thành năm đạo quân thuỷ bộ để tiêu diệt quân Thanh.
Tư duy về nghệ thuật tác chiến phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này. Cùng với việc chọn Thăng Long, nơi tập trung tuyệt đại bộ phận quân Thanh xâm lược, làm mục tiêu chủ yếu của cuộc phản công chiến lược ra Bắc Hà, nghĩa quân cũng chọn trục đường thiên lý phía Nam Thăng Long, nơi địch bố trí hệ thống phòng thủ chủ yếu trong thế lâm thời phòng ngự, làm hướng tiến công chủ yếu, đồng thời khéo kết hợp các hướng khác tạo nên thế trận tác chiến khối hiểm hóc và thế đánh mãnh liệt về cả chiến lược và chiến dịch. Nhờ đó, nghĩa quân Tây Sơn chỉ với lực lượng mười mấy vạn người đã nhanh chóng đại phá hai mươi chín vạn giặc Thanh xâm lược cùng hàng vạn quân của Lê Chiêu Thống.
Sự phát triển tư duy về nghệ thuật quân sự còn được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, như nghệ thuật xây dựng và động viên lực lượng vũ trang tại chỗ, nghệ thuật sử dụng tập trung lực lượng vào thời điểm quyết định, nghệ thuật giải quyết hài hoà giữa thời, thế và lực, nghệ thuật tiến công thần tốc, táo bạo, quyết thắng, nghệ thuật khai thác điểm yếu, sơ hở, chủ quan của địch… Trong cuộc kháng chiến chống Xiêm, sức mạnh đó đã thể hiện ở việc áp dụng phương thức tác chiến vận động tiến công tiêu diệt thủy binh và bộ binh địch.

Tựu trung, những nét đặc sắc của tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến có thể khái quát thành năm giá trị cơ bản sau:
Một là, tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến luôn gắn với việc thấu suốt tư tưởng cốt lõi "dĩ dân vi bản" và phát huy tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của chiến tranh toàn dân. Do kẻ xâm lược luôn là những đạo quân lớn mạnh, nên người Việt chỉ có thể dựa vào sức mạnh toàn dân để đánh giặc. Đến các đời Lý, Trần, Lê, người Việt mới xây dựng quân đội chuyên biệt, song yếu tố toàn dân đánh giặc vẫn là trực tiếp, ở cả ba cấp độ: dân nuôi quân, dân làm hậu thuẫn cho quân và dân trực tiếp làm quân. Để dựa được vào dân, các triều đại phong kiến tiến bộ coi trọng giáo dục và động viên dân chúng hăng hái chiến đấu. Đặc biệt, tư duy "dĩ dân" đã có sự gắn kết nhất định với tư duy "vị dân" và được hiện thực hoá thành một số chính sách khá nhất quán, như chủ trương "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" của nhà Trần; tư tưởng "việc nhân nghĩa cốt ở an dân" của nghĩa quân Lam Sơn; v.v..
Gắn sự phát triển tư duy quân sự với nền tảng nhân dân vừa là kinh nghiệm lớn của các triều đại phong kiến, vừa là bài học quý báu cho thời hiện đại. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho thấy, do dựa chắc vào dân và phát huy tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của chiến tranh nhân dân nên dân tộc ta đã lần lượt đánh bại những tên thực dân, đế quốc đầu sỏ. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, dù là chiến tranh chống xâm lược công nghệ cao, vẫn là chiến tranh nhân dân. Tư duy quân sự Việt Nam hiện đại vẫn phải là tư duy dựa vào dân, phát huy cao độ tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của chiến tranh nhân dân.
Hai là, tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến luôn đặt lên hàng đầu vấn đề thường xuyên cảnh giác, nắm vững tình hình và so sánh lực lượng, xác định quyết tâm chiến lược đúng đắn. Với vị trí địa lý của nước ta như "chiếc chìa khoá" mở xuống phương Nam, thì một kinh nghiệm để đời đã ăn sâu vào tư duy quân sự của người Việt là không để bị bất ngờ chiến lược. Kẻ thù thường mạnh, nhưng bao giờ cũng có điểm yếu. Tuy nhiên, phát huy cái mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu của địch lại là vấn đề thuộc bản lĩnh tư duy của bộ thống soái và các danh tài quân sự. Chẳng hạn, trong chiến tranh chống quân Minh xâm lược, lúc đầu tư duy quân sự phù hợp là cố gắng bảo toàn và phát triển lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích giải phóng từng phần và mở rộng dần căn cứ địa; đến khi ta phát triển đủ mạnh và thế giặc núng dần thì mới mở rộng cuộc chiến tranh giải phóng ra quy mô cả nước.
Một tư duy quân sự lành mạnh luôn cho phép các chủ thể quân sự tìm ra những góc cạnh khả biến để đánh giá, so sánh lực lượng một cách không cứng nhắc, từ đó xác định quyết tâm chiến đấu đúng đắn, không bạc nhược, nản chí nhưng cũng không mạo hiểm, phiêu lưu. Chính vì vậy, việc đặt lên hàng đầu vấn đề thường xuyên cảnh giác, nắm vững tình hình và so sánh lực lượng, xác định quyết tâm chiến lược đúng đắn không chỉ có giá trị trong thời phong kiến, mà còn có những khả năng phát triển mới để phát triển thành tư duy quân sự Việt Nam hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ba là, tư duy về nghệ thuật quân sự phát triển mạnh mẽ theo hướng liên tục tạo thế, tranh thời và chuyển lực, chủ động tiến công địch. Trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại phong kiến độc lập đã vận dụng sáng tạo những vấn đề về liên tục tạo thế, tranh thời và chuyển lực, chủ động tiến công địch, đến khi có đủ thời cơ, điều kiện thì dốc toàn lực giải phóng đất nước. Chẳng hạn, nhà Trần nhờ phối hợp uyển chuyển thế - thời - lực nên đã có giải toán độc đáo để khắc phục sự so sánh lực lượng thua xa những đội kỵ binh Mông Cổ nổi tiếng thiện chiến đương thời, làm cho địch từ thế áp đảo đã bị sa vào thế trận chiến tranh toàn dân rộng khắp của ta.
Vấn đề liên tục tạo thế, tranh thời và chuyển hoá lực lượng, chủ động tiến công địch cho đến nay vẫn là bài học sống động về phát triển tư duy quân sự. Trong tác chiến hiện đại, mặc dù các điều kiện tác chiến đã có những khác biệt căn bản, nhưng mối quan hệ thời - thế - lực vẫn đòi hỏi các chủ thể quân sự phải xử lý rất biện chứng và nhuần nhuyễn. Điều đó đòi hỏi họ phải có một tư duy quân sự hết sức năng động, nhạy bén với cái thời mới, thế mới và lực mới, đồng thời biết kế thừa kinh nghiệm truyền thống để xử lý thời - thế - lực ấy một cách phù hợp với tố chất và điều kiện hoạt động của con người quân sự Việt Nam.
Bốn là, tư duy về cách đánh luôn thể hiện tinh thần không ngừng sáng tạo của dân tộc ta, kể cả trong việc vận dụng cách đánh truyền thống. Nghệ thuật quân sự của dân tộc được hun đúc qua các thời đại và cách thức tác chiến thường được phát triển, sáng tạo, phong phú, đặc sắc. Trước hết, ta dùng phương cách phù hợp với điều kiện cụ thể, cũng như vận dụng sức mạnh tổng hợp buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Thứ hai, trước thế giặc mạnh, ta không ỷ lại thành cao hào sâu để cố giữ trận tuyến, mà thiên về "rút thế nào, giành lại ra sao". Thứ ba, lợi dụng địa hình, triển khai nhiều mũi tiến công từ nhiều hướng, kết hợp nội công, ngoại kích. Thứ tư, khi đã đủ tiền đề, ta mở trận quyết chiến chiến lược với tinh thần quyết thắng.
Tư duy quân sự trong các cách đánh đa dạng mà đặc sắc ấy cần được vận dụng sáng tạo trong huấn luyện chiến đấu đối với các lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay. Đặc biệt, trong điều kiện rất có thể phải đối đầu với cuộc chiến tranh công nghệ cao, chúng ta cần có tổ chức quân sự hiện đại, có vũ khí và trang bị quân sự hiện đại, phương thức tác chiến mới, cách đánh mới, nhưng nếu như không kết nối được với các cách đánh truyền thống nói trên thì vẫn khó có thể phát huy cao nhất những tố chất của cán bộ, chiến sĩ, nhất là tư duy quân sự thông minh, sáng tạo với những nét đặc sắc để tạo ra sự khác biệt.
Năm là, tư duy quân sự gắn kết chặt chẽ với tư duy chính trị nhằm phát huy nhân tố chính trị - tinh thần để nhân bội sức mạnh tổng hợp của quân và dân. Các cuộc chiến tranh của ta đều là chính nghĩa, vì sự sống còn của nền độc lập, sự trường tồn và bền vững của đất nước. Từ rất sớm, dân ta đã có ý thức tự đảm đương sự nghiệp giữ làng, giữ nước, vì quyền sống của giống nòi, của gia đình và bản thân, nên tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu đã thấm sâu vào mọi cộng đồng dân cư từ kinh kỳ đến làng xã. Nhận thức được giá trị đó, các nhà lãnh đạo đã biết khai thác nó làm vũ khí và sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Lý Thường Kiệt khi tiến sang đất Tống đã cho phân phát "Phạt Tống lộ bố văn" nói rõ mục đích chiến đấu, nên được dân vùng Hoa Nam ủng hộ; trước phòng tuyến sông Cầu, ông đã biết khơi động tinh thần quân sĩ bằng bài thơ Thần. Trần Quốc Tuấn luôn quan tâm giáo dục truyền thống, cổ vũ tinh thần quân và dân qua Hịch tướng sĩ; Nguyễn Trãi chủ trương "mưu phạt tâm công", thảo thư dụ hàng tướng giặc. Trong đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ coi trọng cổ vũ tinh thần yêu nước của quân và dân: "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". Lịch sử cũng cho thấy, nếu nhà lãnh đạo nào không phát huy được tư duy quân sự - chính trị ấy thì luôn thất bại.
Do có tư duy quân sự năng động nên về cơ bản, dân ta luôn thấm đượm tinh thần thượng võ, khi thái bình thì chăm lo luyện binh, rèn tướng, khi có chiến tranh thì anh dũng chiến đấu. Có thể nói, với người Việt, tư duy quân sự không mang ý nghĩa thuần tuý, mà luôn gắn chặt với việc trả lời câu hỏi: đánh vì ai, đánh để làm gì, đánh nhằm mục đích gì… Giá trị đặc sắc này cần phải được phát huy mạnh mẽ trong điều kiện hiện nay, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục quốc phòng, làm cho ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thấm sâu vào mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội và mỗi người dân. Đặc biệt, trong xây dựng lực lượng vũ trang, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng vững vàng về chính trị phải luôn là vấn đề then chốt./. 


(*) Đại tá, Trưởng khoa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật quân sự.