Tài liệu phục vụ giảng dạy Lịch sử nhà Nguyễn
Võ Minh Tập [1]
Trong
chương trình bộ môn Lịch sử Việt Nam ở bậc phổ thông, nhất là ở lớp 11, sách
giáo khoa dành cả một chương dài và học trong 5 tiết (Chương I, từ bài 19 đến
20, trang 106 đến 124, SGK Lịch sử 11 (2007), chương trình chuẩn) đề cập về triều
Nguyễn trong lịch sử dân tộc, trên cơ sở những sự kiện lịch sử đó, vấn đề lớn
nhất được đúc kết lại là đánh giá vai trò và trách nhiệm của triều Nguyễn trong
việc để nước ta rơi vào tay thực dân pháp cuối thế kỉ XIX. Chuyên đề này mong
muốn cung cấp thêm tư liệu để giáo viên tổ chức giảng dạy và làm rõ cho học
sinh một vấn đề khá quan trọng liên quan đến triều Nguyễn.
Trước
đây (từ sau khi hòa bình lập lại) do nhận thức vấn đề
chưa đầy đủ nên khuynh hướng đánh giá các chúa Nguyễn, nhà Nguyễn vẫn hết sức nặng
nề (như trong các tạp chí Văn-Sử-Địa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, cho đến sách
giáo khoa, sách giáo trình…). Nhưng Từ những năm 1990 trở lại đây đã có gần 20
cuộc hội thảo khoa học, kể cả hội thảo tổ chức gần đây tại Thanh Hóa
(18-19/10/2008) về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ 16 đến cuối
thế kỷ 19, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục và cũng không kém phần gay gắt…Tuy
nhiên, với cái nhìn mới, trên cơ sở xem xét các sự kiện lịch sử một cách khách
quan, khoa học, thỏa đáng, đúng tinh thần “công minh sử học” đã có một số ý
kiên tương đối nhất trí về cách đánh giá nhà Nguyễn trong lịch sử.
Về khách quan, chúng ta cần phải đặt triều Nguyễn trong bối cảnh
chung của lịch sử thế giới để thấy được nguyên nhân khách quan dẫn tới việc thực
dân nổ súng phát động chiến tranh xâm lược vào năm 1858. Đó cũng là nguyên nhân
khách quan áp đặt từ bên ngoài ngoài ý muốn chủ quan của chính quyền các nước
(trong đó có Việt Nam). Vào nửa đầu thế kỉ XIX, hầu hết các nước tư bản trên thế
giới phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tìm kiếm thị trường đặc ra yêu cầu bức thiết,
cuộc chạy đua ráo riết giữa các nước tư bản (trong đó có Pháp) săn tìm các thuộc
địa diễn ra gây go và quyết liệt. Châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á, Viêt
Nam không thể không nằm trong quĩ đạo này đã trở thành đối tượng săn lùng, nhòm
ngó, là cái bánh ngọt hấp dẫn cho bọn tư bản phương Tây. Với những lí do cơ bản
là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất rộng người đông. Tư bản
pháp từ sớm đã có nhiều hoạt động để giao lưu với Việt Nam mang tính liên tục
và ngấm ngầm với một đội quân giáo sĩ, thương nhân gián điệp rình rập chờ cơ hội.
Việt Nam đương nhiên phải đối đầu với nguy cơ xâm lược. Và cuối cùng không
tránh khỏi sự tấn công của thực dân Pháp với những ưu thế tuyệt đối của nó.
Trong bối cảnh này, hầu hết các nước trong khu vực đều bị tư bản phương Tây
thôn tính (trừ Xiêm).
Về chủ quan, đối với Việt Nam, ngoài nguyên nhân khách quan trên,
còn phải đề cập đến một nguyên nhân chủ quan trong bối cảnh chung của khu vực
mà các nước khác không có. Trước đó, do bị Tây Sơn đánh tả tơi, Nguyễn Ánh đã đi cầu viện nước
Pháp. Ngày 28/11/1787, tại Paris, đại diện của Nguyễn Ánh và chính phủ Pháp đã
ký Hiệp ước 10 điểm, theo đó Pháp cam kết giúp binh thuyền, quân đội và chiến cụ
theo yêu cầu của chúa Nguyễn. Còn Nguyễn Ánh cam kết sẽ nhường chủ quyền cửa
Hàn (Đà Nẵng) và đảo Côn Lôn cho Pháp. Nước Pháp được lập xưởng trên đất liền để
sửa chữa tàu thuyền… Mặc dù Hiệp ước không được thực hiện song chính là cái cớ
để Pháp xâm lược nước ta vào giữa thế kỉ XIX, một nguyên nhân tuy chủ quan
nhưng hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của Nguyễn Ánh khi tranh thủ sự trợ giúp quân
sự của Pháp.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan như đã đề cập ở trên là rõ
ràng. Nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định việc nước ta bị thực dân Pháp xâm
lược và thôn tính. Việc mất nước vào tay Pháp là do trách nhiệm chủ quan của
triểu đình nhà Nguyễn. Điều này không riêng gì về các vua nhà Nguyễn mà có sự
liên đới đến các hệ thống quan chức quan liêu, bảo thủ xử sự và hành động theo
tư tưởng Tống Nho cổ hủ và hẹp hòi.
Có ý kiến cho rằng việc để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp là do
trình độ dân trí của ta thấp kém so với thực dân Pháp, văn minh nông nghiệp Á
Đông lạc hậu so với văn minh công nghiệp phương Tây. Khẳng định như vậy, không
phản ánh đúng trách nhiệm chủ quan của nhà Nguyễn trong việc bảo vệ đất nước,
điều đó chẳng khác nào là định mệnh, bất khả kháng. Đánh giá như vậy, chẳng
khác nào việc mất nước là tất yếu, yếu thua mạnh, người văn minh chiến thắng
người lạc hậu.
Để làm rõ trách nhiệm chủ quan của nhà Nguyễn trong việc để mắt nước
vào cuối thế kỉ XIX, phải thấy được việc mất nước là một quá trình từ không tất
yếu cuối cùng chuyển sang tất yếu. Điều này có nghĩa là, ngay từ khi bắt đầu
xâm, lược Việt Nam (1858), khả năng đánh bại Pháp dưới sự lãnh đạo của triều
đình không phải là không có, mà do chính sách sai lầm của triều đình đã làm cho
các khả năng đề kháng và chiến thắng của quân ta ngày càng hao mòn, khiến địch
ngày càng lấn lướt, từng bước thôn tính nước ta. Dẫn chứng cho điều này là
trong thời kì đầu khi Pháp xâm lược nước ta cúng đã vấp ngã trước sự kháng cự
quyết liệt của quân dân ta dưới ngọn cờ của triều đình, có lúc chúng tính chuyện
rút quân về nước trong lúc gặp guy nan. Thế nhưng càng về sau, quá trình chiến
đấu bị giảm sút, suy yếu dần đã bộc lộ sự bất lực và yếu hèn của triều đình. Họ
đi từ sai lầm này đến sai lầm khá quá cảnh giác với bọn thực dân nên đã tiến
hành chính sách cấm đạo, bế quan tỏa cảng, không tổ chức toàn dân chống giặc,
mà còn quá nhu nhược, thẳng tay đàn áp phong trào quần chúng, bóc lột nhân dân…
ngoài ra lại dựa vào nhà Thanh để chống Pháp. Song nhà Thanh đã thỏa hiệp với
thực dân Pháp trên số phận của Đại Nam, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác
(Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, Hòa ước Giáp Tuất năm 1874 và cuối cùng là Hòa ước
Patơnốt năm 1884). Với Hòa ước 1884, Đại Nam hoàn toàn mất độc lập, bị xóa tên
trên bản đồ thế giới, trở thành thuộc địa của Pháp, bị Pháp đô hộ.
Nhận định tình hình nước ta khi pháp phát động chiến tranh xâm lược,
có thể khẳng định chế độ phong kiến Việt nam đang ngày càng suy yếu, lực lượng
vật chất và tinh thân của nhân dân đang bị triều Nguyễn hủy hoại, chỉ có thể cứu
vãn nguy cơ mất nươc nếu nhà cầm quyền sớm biết mở đường cho xã hội tiến lên
theo hướng mới, tăng cường năng lực vật chất và tinh thần trong nhân dân để có
đủ khả năng bảo vệ đất nước. Muốn vậy, chỉ có thể thực hiện được bằng cách điều
chỉnh các mối sung đột giữa địa chủ với nông dân, giữa giai cấp phong kiến
ngoan cố với thành phần tư sản chớm nở, chấn chỉnh quân đội, thu phục và cố kết
nhân tâm, một yêu cầu mà nhà Nguyễn với tất cả những tồn tại và hạn chế của nó
hoàn toàn không có khả năng đáp ứng.
Kết quả nước Pháp đã vượt qua những khó khăn của chúng để cuối
cùng thôn tính hoàn toàn Việt Nam. Trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc để mất
nước ta vào tay thực dân Pháp vào cuối thế kỉ XIX là hiển nhiên, không thể chối
cải.
Nước ta có thể tránh được cuộc xâm lăng của thực dân Pháp không?
Có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất là chúng ta
không thể tránh khỏi việc rơi vào vòng đô hộ của chủ nghĩa thực dân vì thực dân
hóa là xu thế lúc bấy giờ, nhiều dân tộc ở Á, Phi đều không tránh nổi. Quan điểm
thứ hai là Việt Nam có thể tránh được việc bị Pháp xâm lược, có thể chống xâm
lược thắng lợi bởi dân ta có truyền thống đoàn kết, yêu nước chống ngoại xâm.
Hơn nữa, Đại Nam là nước có tầm cỡ trung bình, tương đối phát triển trong khu vực
còn nước Pháp ở xa và có không ít khó khăn…
Thực
tế việc để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp vào cuối thế kỉ XIX, chính một sử
gia Pháp (Charles Gosselin) cho rằng: “những vị Hoàng đế An Nam phải chịu trách
nhiệm về sự đỗ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Dân xứ này, quan lại, binh lính
xứng đáng có quyền được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Chính quyền họ
đã mù quán vì không có dự liệu, không chuẩn bị gì hết”[2]. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng
nhận định: “Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc ta ở Nam Bộ
lúc bấy giờ…giá như triều đình lúc bấy giờ không ở trong tay bọn vua chúa nhà
Nguyễn phản bội và đầu hàng, mà ở trong tay những người kế tục sự nghiệp của cuộc
khởi nghĩa Tây Sơn…thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh
mẽ hơn nhiều, nhất là đã được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến
thắng lợi, đồng thời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước,
như vậy đất Đồng Nai anh dũng từ đó đã trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp
nước phương Tây xâm phạm đất nước ta ở Nam Bộ, và do đó đã bảo vệ vẹn toàn độc
lập và thống nhất của Tổ quốc”[3]. Cũng nói về sai lầm của
triều Nguyễn, có ý kiến cho rằng “ sai lầm của Tự Đức và một số đình thần là
không thể tha thứ”, “Lịch sử có thể “thông cảm” với An Dương Vương vì “nỏ thần
vô ý trao tay giặc” khiến đất nước rơi vào ách thống trị của phong kiến phương
Bắ hơn 1000 năm, Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần làm cho “chính sự phiền hà” dẫn đến
đại họa nước ta rơi vào ách thống trịn của nhà Minh suốt 20 năm. An Dương Vương
và cha con Hồ Quí Ly đã chiến đấu tới phút cuối cùng vì nền độc lập dân tộc. Kết
cục người thì nhanh chóng nhận ra sai lầm của chính mình không thể sống nhìn đất
nước bị kẻ thù dầy xéo, người thì trở thành chiến tù lưu đầy nơi viễn xứ. Riêng
đối với nhà Nguyễn thì không phải trong trường hợp này, nó đã từng bước đầu
hàng rồi làm tay sai cho kẻ thù thống trị nhân dân ta”[4]. Đánh giá về triều Nguyễn, trong “Lịch sử nước
ta” (năm 1941), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết:
“Bị Tây Sơn đuổi chạy ra nước ngoài.
…..
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng là vua Nguyễn rước Tây vào nhà.
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dầy mả, thật là ngu si.
….
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”[5].
Giai đoạn triều Nguyễn với nhiều vấn đề đan xen giữa những tiến bộ
và hạn chế, chậm chí những mảng đen trắng không ró ràng, là giai đoạn phức tạp
trong lịch sử dân tộc. Chúng ta cần có quan điểm khách quan, “công minh lịch sử”
trong việc đánh giá mặt tích cực, cũng như mặt tiêu cực về triều Nguyễn.
Trong đánh giá phải có quan điểm lịch sử và quan điểm giai cấp. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, Việt Nam từ những
năn đầu thế kỉ XIX đã bị đặt vào tình rạng khủng hoảng vai trò lãnh đạo, triều
Nguyễn bằng những chính sách phản động đã tự thủ tiêu vai trò lãnh đạo của
mình, đối lập sâu sắc với nhân dân cả nước, ngày càng lún sâu vào con đường nhượng
bộ, cầu hòa và cuối cùng cấu kết với kẻ thù dân tộc trong việc đàn áp, bóc lột
nhân dân cả nước. Đó là trách nhiệm, cũng là tội lớn của nhà Nguyễn trước dân tộc,
trước lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương Hữu Quýnh (chủ
biên, 1999) (chủ biên), Đại cương lịch
sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Học viện Quan hệ Quốc
tế (2001), Ngoại giao Việt Nam từ thuở
dựng nước đến Cách mạng tháng Tám 1945, Hà Nội.
3. Nhiều tác giả (2005),
Lịch sử nhà Nguyễn - Một cách tiếp cận mới, Nxb. Đại học
Sư phạm, Hà Nội.
4. Phan Huy Lê (2009),
Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ
thế kỷ 16 đến thế kỷ 19”, Tạp chí Cộng
sản (799).
5. Vũ Kim Biên (2009),
“Góp thêm ý kiến xung quanh “hậu hội thảo” về nhà Nguyễn”, Tạp chí Cộng sản (797).
6. Vũ Dương Huân (2009),
“Góp phần đánh giá chính sách đối ngoại và ngoại giao thời Nguyễn, Tạp chí
nghiên cứu Quốc tế (4).
[2]
Ch.Gosselin (1904), L’Empre d’Annam, Paris
Perrin.
[3]
Phạm Văn Đồng (1969), Tổ quốc
ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, NXB.Văn học, Hà Nội.
[4]
Nhiều tác giả (2005), Lịch sử nhà Nguyễn -
Một cách tiếp cận mới, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.643.
[5]
Hồ
Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 3, Nxb.CTQG, Hà Nội, tr. 226-227.