Sau chiến tranh thế giới thứ II, trong các nước đồng
minh, Mỹ là nước ít bị thiệt hại nhất, nền kinh tế lại được chiến tranh tiếp sức,
nên trở thành cường quốc hùng mạnh, trong khi châu Âu bị chìm trong đống tro
tàn đổ nát. Như đã đề cập, New Deal của tổng thống F.D. Roosevelt dù để lại hậu
quả nặng nề sau này, nhưng một mặt nền kinh tế Mỹ được lợi lớn từ công nghiệp
phục vụ chiến tranh, mặt khác – và đây là điều quan trọng hơn, là những tư tưởng
về tự do kinh doanh được các nhà lập quốc đưa thành nền tảng trong Hiến pháp,
nên dù bị New Deal kìm hãm, tinh thần laissez-faire vẫn không bị phế bỏ và đây
là yếu tố chủ yếu khiến cho nền kinh tế Mỹ có khả năng tự điều chỉnh. Không phải
ngẫu nhiên mà Tối cao pháp viện Mỹ đã bác bỏ hàng loạt các định chế của F.D.
Roosevelt và không phải ngẫu nhiên mà F.D. Roosevelt đã tìm cách mở rộng cơ
quan tư pháp này nhằm đưa “người của mình” vào đó, nhưng nỗ lực của ông bị thất
bại. Chính tinh thần laissez-faire bất khả xâm phạm trong Hiến pháp Mỹ đã giúp
nước Mỹ không bị “liệt kháng”.
Một kế hoạch tái thiết đồ sộ nhất trong lịch sử được triển khai tại châu
Âu – kế hoạch Marshall, với tổng giá trị lên tới 17 tỷ USD (một số tiền rất lớn
lúc bấy giờ), do Mỹ tài trợ. Các sử gia đã và đang tranh cãi về hiệu quả, tác động
cũng như “mặt phải mặt trái” của kế hoạch Marshall.
Dưới góc độ kinh tế, nhờ khoản tiền viện trợ khổng lồ này mà châu Âu có điều kiện
nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Nhưng sự thật thì, như Alan Greenspan viết :
“Kế hoạch Marshall đã giúp châu
Âu, nhưng chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ thời hậu
chiến. Tôi coi chính sách tự do hóa thị trường hàng hóa và tài chính Tây Đức do
Ludwig Erhard đưa ra năm 1948 là đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều trong việc
thúc đẩy khôi phục kinh tế thời hậu chiến của Tây Đức. Tất nhiên là Tây Đức đã
trở thành một cường quốc kinh tế nổi bật ở khu vực”.
Chúng ta hãy tìm hiểu về kế hoạch
Marshall để thấy tác động như thế nào đối với Tây Âu!
Phần lớn châu Âu
bị tàn phá nặng nề với hàng triệu người chết và bị thương sau chiến tranh thế giới thứ II. Chiến
sự tàn phá trên toàn lục địa, trải rộng trên một diện tích còn lớn hơn chiến
tranh thế giới thứ I. Các cuộc ném bom dai dẳng cũng đồng nghĩa với việc phần lớn
các thành phố lớn đều bị tàn phá hủy nặng nề, với các khu công nghiệp bị đánh
phá nghiêm trọng. Rất nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Warszawa và Berlin hoàn
toàn đổ nát, các thành phố khác, như London và Rotterdam, thì bị thương tích nặng
nề. Hạ tầng cơ sở kinh tế điêu tàn, hàng triệu người trở thành vô gia cư. Mặc
dù nạn đói ở Hà Lan năm 1944 đã dịu đi cùng với nguồn viện trợ, nhưng sự hoang
tàn của ngành nông nghiệp cũng khiến cho nạn đói xảy ra tại một số vùng trên lục
địa, lại càng trở nên nghiêm trọng vì mùa đông đặc biệt khắc nghiệt năm
1946–1947 tại vùng tây bắc châu Âu. Đặc biệt hạ tầng giao thông bị phá hoại
nghiêm trọng, vì đường sắt, cầu cống, đường sá là các mục tiêu không kích quan
trọng, trong khi phần lớn các đoàn tàu thương mại đã bị đánh chìm. Mặc dù phần
lớn các thị trấn nhỏ và làng mạc ở Tây Âu không phải chịu cảnh tàn phá ghê gớm
như vậy, nhưng việc hệ thống giao thông bị tiêu hủy cũng làm cho họ trở nên cô
lập về mặt kinh tế. Bất kỳ vấn đề nào trên đây đều không dễ để giải quyết, vì
phần lớn các quốc gia tham chiến đều đã kiệt quệ về tài chính.
Tại Washington,
người ta nhất trí là những sai lầm sau chiến tranh thế giới thứ I không được
phép tái diễn. Bộ ngoại giao dưới thời Tổng thống Harry S. Truman dồn tâm sức
theo đuổi các hoạt động đối ngoại, nhưng Quốc hội thì phần nào tỏ ra không quan
tâm. Ban đầu, người ta hy vọng là chỉ cần không nhiều tiền lắm cũng đủ để tái
thiết châu Âu; và Anh, Pháp, với sự giúp sức từ các thuộc địa của họ, sẽ nhanh
chóng khôi phục nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, tới năm 1947 vẫn chỉ có rất ít
tiến bộ. Và mùa đông giá lạnh liên tục trong mấy năm làm tình hinh vốn đã xấu lại
càng xấu hơn. Nền kinh tế châu Âu dường như không phát triển mạnh với tỷ lệ thất
nghiệp cao, lương thực thiếu thốn, dẫn đến các cuộc đình công và bất ổn trong một
số quốc gia. Năm 1947, nền kinh tế châu Âu vẫn còn ở dưới mức trước chiến
tranh, và hầu như không có dấu hiệu tăng trưởng. Sản lượng nông nghiệp ở khoảng
83% mức năm 1938, sản xuất công nghiệp là 88%, xuất khẩu chỉ ở mức 59%.
Sự thiếu hụt
lương thực là một rong những vấn đề trầm trọng nhất. Trước chiến tranh, Tây Âu
phụ thuộc vào nguồn lương thực thặng dự từ Đông Âu, nhưng những nguồn đó đã bị
chặn lại phía sau Bức màn sắt. Một nhân
tố cốt yếu khác cho nền kinh tế nói chung là sự thiếu hụt than đá, càng trở nên
trầm trọng vì mùa đông lạnh lẽo 1946-1947. Tại Đức, các căn hộ không được sưởi ấm,
khiến hàng trăm người chết cóng. Tại Anh, tình hình không đến nỗi tồi tệ như vậy,
nhưng nhu cầu dân chúng khiến cho sản xuất công nghiệp bị đình trệ hoàn toàn. Một
trong những động cơ thúc đẩy kế hoạch trên là lòng nhân đạo muốn chấm dứt những
thảm cảnh đó.
Đức nhận được
nhiều đề nghị từ các quốc gia Tây Âu đổi lương thực lấy than đá và sắt thép tối
cần thiết khi đó. Nhưng cả Ý lẫn Hà Lan đều không thể được bán rau quả mà trước
đó họ vẫn bán ở Đức, với hệ quả là Hà Lan phải tiêu hủy một phần đáng kể vụ thu
hoạch của mình. Đan Mạch muốn đổi 150 tấn mỡ lợn một tháng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đổi
hạt dẻ; Na Uy muốn đổi cá và dầu cá, Thụy Điển muốn đổi một lượng lớn mỡ. Các
quốc gia Đồng Minh, tuy nhiên, không muốn để người Đức được mua bán. Trước tình
hình đó, Tướng Lucius D. Clay và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân ngày càng tỏ
ra lo lắng trước sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Đức, cũng như
tình hình thất bại của các nền kinh tế Châu Âu không thể phục hồi mà không có nền
công nghiệp Đức, là nền móng mà trước kia họ phải dựa vào, mùa hè năm 1947, Ngoại
trưởng, Tướng George Marshall, dựa vào lý do "cơ sở an ninh quốc
gia", cuối cùng đã thuyết phục được Tổng thống Harry S. Truman bãi bỏ chỉ
thị JCS 1067 trừng phạt Đức, thay vào đó bằng chỉ thị JCS 1779. Tháng 7 năm
1947 chỉ thị JCS 1067, vốn vẫn định hướng cho lực lượng chiếm đóng Mỹ tại Đức
nhằm "... không thực hiện bất kỳ bước nào để tiến tới khôi phục nền kinh tế
Đức", được thay thế bởi chỉ thị JCS 1779, nhấn mạnh "Một châu Âu trật
tự, phồn vinh đòi hỏi phải có sự đóng góp kinh tế từ một nước Đức ổn định và hiệu
quả". Chỉ thị JCS 1067 đã có hiệu lực trong vòng hơn hai năm. Những hạn chế
áp đặt lên nền sản suất công nghiệp của Đức phần nào trở nên thông thoáng hơn,
cho phép sản xuất thép tăng lên từ mức 25% trước chiến tranh tới định mức 50%
năng suất trước thế chiến.
Nền công nghiệp
Đức tiếp tục bị dỡ bỏ, và năm 1949 Thủ tướng Đức Konrad Adenauer viết thư cho
phe Đồng Minh, yêu cầu chấm dứt việc đó, viện dẫn sự trái khoáy trong việc khuyến
khích phát triển công nghiệp và việc phá bỏ các nhà máy, cũng như sự mất lòng
dân từ chính sách đó. Sự ủng hộ cho việc dỡ bỏ các nhà máy lúc này tới chủ yếu
từ phía Pháp, và Thỏa thuận Petersberg tháng 11 năm 1949 cho phép giảm tốc độ
phá dỡ đi rất nhiều, mặc dù việc tháo dỡ các nhà máy nhỏ tiếp tục cho tới năm
1951. Kế hoạch "định mức công nghiệp" đầu tiên, được phe Đồng Minh ký
ngày 9 tháng 3 năm 1946, tuyên bố nền công nghiệp nặng của Đức phải giảm xuống
50% mức năm 1938 bằng cách phá bỏ 1.500 nhà máy có tên trong danh sách. Tháng 1
năm 1946, Hội đồng kiểm soát Đồng Minh áp đặt cơ sở cho nền kinh tế Đức bằng
cách đặt hạn mức cho sản xuất thép của Đức vào khoảng 5,8 triệu tấn một năm, bằng
với 25% mức trước chiến tranh. Nước Anh, chiếm đóng những vùng sản xuất thép
chính, đòi phải giới hạn sản lượng hơn nữa bằng cách đặt một tối đa là 12 triệu
tấn thép một năm, nhưng cuối cùng cũng phải chịu theo ý Mỹ, Pháp và Liên Xô (vốn
định đặt mức giới hạn 3 triệu tấn trước đó). Các nhà máy thép thừa ra sẽ phải bị
phá bỏ. Nước Đức bị đẩy xuống mức sống khi cuộc Đại khủng hoảng lên tới đỉnh điểm
năm 1932 Sản xuất ô tô bị định
ở 10% mức trước thời chiến....
Kế hoạch "Định
mức công nghiệp Đức" được tiếp nối bởi một số kế hoạch mới hơn, kế hoạch
cuối cùng được ký vào năm 1949. Tới năm 1950, sau khi thực tế đã hoàn thành các
kế hoạch "định mức công nghiệp", người ta dỡ bỏ 706 nhà máy ở Tây Đức
và sản lượng thép bị giảm xuống còn 6,7 triệu tấn. Vladimir Petrov nhận xét là
phe Đồng Minh đã "trì hoãn trong vài năm sự phục hồi kinh tế của lục địa
châu Âu bị chiến tranh tàn phá, sự phục hồi mà cuối cùng Mỹ phải tốn hàng tỷ đô
la vào đó". Năm 1951, Tây Đức chấp thuận gia nhập Cộng đồng Than Thép châu
Âu (ECSC) vào năm sau. Điều đó có nghĩa là một số hạn chế về định lượng và sản
lượng thực tế do Ủy ban quốc tế giám sát vùng Ruhr được dỡ bỏ, và vai trò của ủy
ban này được tiếp quản bởi ECSC.
Hoa Kỳ bị ảnh hưởng
rất ít bởi cuộc chiến tranh. Họ tham chiến muộn hơn hầu hết các quốc gia châu
Âu, và chỉ bị những tàn phá rất khiêm tốn trên lãnh thổ của mình. Số lượng dự
trữ vàng của Hoa Kỳ vẫn còn nguyên, cũng như cơ sở hạ tầng nông nghiệp và sản
xuất, với nền kinh tế lành mạnh. Những năm chiến tranh mang lại thời kỳ phát
triển kinh tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử, với các nhà máy của Mỹ sản xuất hàng
hóa phục vụ cho cả nhu cầu vật tư chiến tranh của Mỹ lẫn đồng minh. Sau chiến
tranh, các nhà máy này được nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất vật liệu tiêu
dùng, và sự khan hiếm trong chiến tranh được thay thế bởi sự bùng nổ mức tiêu
thụ hàng hóa. Sức khỏe về lâu dài của nền kinh tế Mỹ tuy nhiên phụ thuộc vào
thương mại, vì để duy trì sự phồn thịnh nó cần xuất khẩu hàng hóa làm ra. Viện
trợ từ Kế hoạch Marshall phần lớn sẽ được châu Âu sử dụng để mua vật tư cũng
như hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Một động cơ quan
trọng cho nước Mỹ, và cũng là một sự khác biệt cơ bản so với thời kỳ hậu chiến
tranh thế giới thứ I là sự bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Một số quan chức trong
chính phủ Mỹ ngày càng tỏ ra nghi ngờ các hoạt động của Liên Xô. George Kennan,
một trong số các lãnh đạo trong việc phát triển kế hoạch, đã dự đoán về sự hình
thành thế giới hai cực. Với ông, Kế hoạch Marshall là con cờ chủ đạo của học
thuyết "phong tỏ". Cũng đáng lưu ý là Kế hoạch Marshall được khởi xướng
khi liên minh thời chiến vẫn còn phần nào đoàn kết, Chiến tranh Lạnh chưa bắt đầu
và, đối với phần lớn những người hoạch định Kế hoạch Marshall, sự lo ngại Liên
Xô không phải là mối lo chủ yếu như trong những năm tiếp theo.
Dù vậy, sức mạnh
và sự thu hút của các đảng cộng sản bản địa tại chính các quốc gia Tây Âu sở tại
khiến Hoa Kỳ cũng phải lo ngại. Tại cả Pháp và Ý, sự nghèo khổ thời hậu chiến
như tiếp thêm sinh lực cho các đảng cộng sản, vốn đã đóng vai trò trung tâm cho
phong trào kháng chiến trước đó. Các đảng này giành được thắng lợi quan trọng
trong các cuộc bầu cử sau thế chiến, với Đảng Cộng sản Pháp trở thành chính đảng
lớn nhất nước Pháp. Mặc dù ngày nay các sử gia coi mối nguy Pháp và Ý rơi vào
tay đảng cộng sản là chuyện xa vời, nhưng nó đã được coi là mối đe dọa thực tiễn
với các nhà hoạch định chính sách Mỹ lúc đó. Chính phủ Mỹ dưới thời Harry S.
Truman bắt đầu tin vào khả năng này vào năm 1946, đặc biệt với bàn diễn văn
"Iron Curtain" (Bức màn sắt) của Churchill, đọc trước sự có mặt của
Truman. Trong tâm trí họ, Hoa Kỳ cần phải xác định lập trường của họ trên trường
quốc tế, nếu không họ sẽ mất đi sự tín nhiệm. Sự trổi dậy của học thuyết
"phong tỏa" lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải giúp đỡ thật nhiều cho các
quốc gia phi cộng sản để ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô. Người
ta cũng hy vọng là các quốc gia Đông Âu cũng sẽ gia nhập kế hoạch này, và rút
khỏi khối Xô viết đang nổi lên.
Thậm chí từ trước
khi có Kế hoạch Marshall, Hoa Kỳ đã gửi một lượng lớn viện trợ để giúp châu Âu
hồi phục. Khoảng 9 tỷ đô la đã được sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1945
tới 1947. Phần lớn số viện trợ này là viện trợ gián tiếp, đến từ dạng thỏa thuận
lend-lease liên tiếp, và thông
qua nỗ lực của binh sĩ Mỹ sửa chữa hạ tầng cơ sở cũng như giúp người tị nạn. Một
số các thỏa thuận hỗ trợ song phương cũng được ký kết, mà quan trọng nhất trong
số đó có lẽ là việc hứa hẹn giúp đỡ quân sự cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ theo Học
thuyết Truman. Tổ chức Liên Hiệp Quốc khi đó mới ra đời cũng tiến hành một loạt
các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tài trợ hoàn toàn bởi Hoa Kỳ. Các nỗ lực đó có
tác động quan trọng, nhưng thiếu tính chất tổ chức trung tâm và thiếu kế hoạch
nên không thành công trong việc đáp ứng nhiều nhu cầu căn bản của châu Âu. Từ
năm 1943, Ủy ban Phục hồi và Cứu trợ Liên hiệp quốc (United Nations Relief and Rehabilitation Administration - UNRRA)
đã được thành lập để cung cấp viện trợ cho các vùng đất được giải phóng từ phe
Trục sau chiến tranh thế giới thứ hai. UNRRA cung cấp hàng tỷ đô la trong các
khoản viện trợ, và giúp được khoảng 8 triệu người tị nạn. Tổ chức này dừng hoạt
động tại các trại cho người tị nạn vào năm 1947 tại châu Âu, vì dự trù Kế hoạch
Marshall sẽ thay thế nó. Nhiều hoạt động của tổ chức này được chuyển giao cho
các cơ sở Liên Hiệp Quốc khác.
II.
KẾ HOẠCH MARSHALL
Từ trước khi có
bài diễn văn của Tướng Marshall, một số người đã đặt vấn đề cần lên kế hoạch
tái thiết châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes đệ trình một phiên bản trước
đó của kế hoạch này trong bài diễn văn "Restatement of Policy on
Germany" (Tuyên bố chính sách cho nước Đức) tại Nhà hát Opera ở Stuttgart
vào 6/9/1946. Trong một loạt các báo cáo với tên "The President's Economic
Mission to Germany and Austria" (Chương trình kinh tế của Tổng thống cho Đức
và Áo), một báo cáo được Tổng thống Harry S. Truman ủy thác, cựu Tổng thống Herbert
Hoover đã đưa ra một quan điểm nghiêm túc về kết quả chính sách chiếm đóng Đức.
Trong báo cáo đó Hoover đề nghị nhiều thay đổi cơ bản trong chính sách chiếm
đóng. Thêm vào đó, Tướng Lucius D. Clay đề nghị với nhà công nghiệp Lewis H.
Brown tiến hành khảo sát nước Đức hậu chiến và phác thảo bản báo cáo "A
Report on Germany" (Báo cáo về nước Đức) vào năm 1947, bao gồm nhiều thông
tin căn bản liên quan đến các vấn đề mà Đức phải đương đầu, với lời khuyên cho
việc tái thiết. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Dean Acheson cũng có một bài diễn văn
quan trọng về vấn đề này, nhưng bị bỏ ngoài tai; và Phó tổng thống Alben W.
Barkley cũng đã lên tiếng về ý tưởng này.
Lựa chọn cơ bản
khác cho việc sử dụng một lượng tài trợ của Mỹ là lấy chúng từ ngay nước Đức.
Năm 1944, ý tưởng này được biết đến với tên gọi Kế hoạch Morgenthau, theo tên Bộ
trưởng Tài chính Mỹ là Henry Morgenthau. Kế hoạch đó sẽ trích một lượng bồi thường
chiến phí khổng lồ từ nước Đức để tái xây dựng các quốc gia đã bị Đức tấn công
tàn phá, và cũng là để ngăn nước Đức không bao giờ có thể vươn dậy được. Một kế
hoạch gần như thế là Kế hoạch Monnet của một viên chức Pháp tên Jean Monnet, kế
hoạch này đề nghị dành cho Pháp quyền kiểm soát vùng công nghiệp than đá của Đức
là Ruhr và Saar để sử dụng các nguồn tài nguyên cho việc nâng sản lượng công
nghiệp của Pháp lên mức 150% trước chiến tranh. Năm 1946, các quốc gia Đồng
Minh tham gia chiếm đóng Đức đã đồng ý đặt ra các hạn mức nghiêm ngặt về việc
bao giờ có thể cho phép nước Đức tái công nghiệp hóa. Định mức cũng được đặt ra
về việc bao nhiêu sắt thép và than đá Đức được phép sản xuất. Kế hoạch công
nghiệp đầu tiên của Đức, được gọi là "thỏa thuận mức công nghiệp", được
ký kết đầu năm 1946, theo đó ngành công nghiệp nặng của Đức phải giảm xuống mức
50% của năm 1938 bằng cách phá hủy 1.500 nhà máy. Những vấn đề hiển hiện trong
kế hoạch này trở nên rõ ràng vào cuối năm 1946 và thỏa thuận này phải được sửa
lại mấy lần, lần cuối cùng là vào năm 1949. Việc phá bỏ các nhà máy của Đức tuy
vậy tiếp tục diễn ra cho tới tận năm 1950. Nước Đức từ lâu đã là nhà công nghiệp
khổng lồ của châu Âu nên sự khốn khó của họ kéo lùi lại sự phục hồi của châu Âu
nói chung. Sự thiếu thốn trầm trọng ở Đức cũng làm cho việc chiếm đóng Đức trở
nên hết sức tốn kém, vì quân đội Đồng Minh chiếm đóng Đức phải tự xoay xở lấy
phần lớn những vật tư cần thiết. Các yếu tố đó, cộng với sự lên án rộng khắp của
công luận sau khi các kế hoạch này bị để lộ cho báo chí, khiến người ta trên thực
tế phải bác bỏ Kế hoạch Monnet và Kế hoạch Morgenthau. Tuy nhiên một số ý tưởng
của họ phần nào vẫn có đất sống trong chỉ thị JSC 1067 (Joint Chiefs of Staff Directive 1067), kế hoạch này trên thực tế
là phần cơ bản chính sách chiếm đóng của Mỹ cho tới tháng 7 năm 1947. Các trung
tâm công nghiệp mỏ như Saar và Silesia bị tách khỏi nước Đức, một số ngành công
nghiệp dân sự bị phá bỏ để kìm hãm sản lượng, khu công nghiệp Ruhr cũng đứng
trước nguy cơ bị tách rời vào cuối năm 1947. Tuy nhiên tới tháng 4 năm 1947,
Truman, Marshall và thứ trưởng ngoại giao Mỹ Dean Acheson cuối cũng cũng bị
thuyết phục rằng cần phải sử dụng một nguồn viện trợ lớn từ chính nước Mỹ.
Ý tưởng về một kế
hoạch tái thiết là một sản phẩm của sự dịch chuyển tư tưởng đã bắt đầu xảy ra ở
nước Mỹ từ cuộc Đại suy thoái. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1930
khiến cho rất nhiều người tin rằng nền kinh tế thị trường tự do mà không được
kìm hãm sẽ không thể nào đảm bảo cho sự phồn thịnh kinh tế. Nhiều người đã góp
công sức cho việc thiết lập ra Chính sách kinh tế mới (New Deal) để phục hồi nền kinh tế Hoa Kỳ, giờ đây muốn áp dụng
bài học này cho châu Âu. Cùng thời gian đó, cuộc Đại suy thoái cũng cho thấy
nguy cơ đến từ hàng rào thuế quan và chính sách bảo hộ, tạo nên một niềm tin mạnh
mẽ vào sự cần thiết phải có tự do mậu dịch và thống nhất nền kinh tế châu Âu.
Không hài lòng với những hậu quả từ Kế hoạch Morgenthau, ngày 18 tháng 3 năm
1947, cựu Tổng thống Mỹ Hoover tuyên bố: "Người ta có ảo tưởng là một nước
Đức mới sau sự sáp nhập có thể bị biến thành một “quốc gia an bình”. Việc này
là bất khả thi trừ trường hợp người ta hủy diệt hay cưỡng bức 25 triệu người dời
ước Đức". Chính sách áp dụng cho nước Đức thay đổi nhanh chóng chỉ vài
tháng sau đó và Kế hoạch Morgenthau hoàn toàn bị đảo ngược.
Các cuộc thảo luận công cộng trước đó về
sự cần thiết của việc tái thiết hầu như bị lờ đi vì người ta vẫn không rõ là nó
có phải là một định hướng chính sách chính thức của Chính phủ Mỹ hay không. Do
đó, Chính phủ Mỹ quyết định là mọi nghi hoặc phải được loại bỏ bởi một bài diễn
văn quan trọng của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall. Marshall đã diễn thuyết trước
khóa sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard vào
5/6/1947. Đứng trước những bực thang của Nhà thờ Memorial tại Vườn
Harvard, ông hứa Hoa Kỳ sẽ viện trợ để thúc đẩy sự khôi phục và tái thiết châu
Âu. Ông vạch rõ Chính phủ Hoa Kỳ đã sẵn sàng để đóng góp cho sự hồi phục tại
Châu Âu. Ông nói: "Điều rất hợp lý là Hoa Kỳ cần phải làm tất cả những gì
có thể để giúp mang lại trạng thái lành mạnh cho nền kinh tế thế giới, mà không
có nó sẽ không có sự ổn định chính trị và không có nền hòa bình vững chắc.
Chính sách của chúng ta là không chống lại bất kỳ quốc gia nào, mà chống lại
đói kém, nghèo nàn, tuyệt vọng và hỗn loạn. Bất kỳ chính phủ nào sẵn lòng giúp
một tay để tái thiết sẽ nhận được sự trợ giúp toàn tâm toàn ý của nước Mỹ".
Marshall tin tưởng chắc chắn rằng ổn định kinh tế sẽ mang lại ổn định chính trị
tại châu Âu. Ông đề xuất viện trợ, nhưng các quốc gia châu Âu sẽ phải tự tạo ra
các chương trình hành động của chính họ.
Bài diễn văn, soạn
bởi Charles Bohlen, không có một chi tiết hay con số cụ thể nào. Yếu tố quan trọng
nhất của bài diễn văn này là việc kêu gọi các quốc gia châu Âu gặp nhau và tạo
ra kế hoạch tái thiết châu Âu, rồi nước Mỹ sẽ cung cấp tài chính cho kế hoạch
đó. Chính phủ Mỹ tin rằng kế hoạch này sẽ không nhận được sự đồng thuận từ nhiều
người Mỹ và bài diễn văn nhắm chủ yếu vào các thính giả châu Âu. Để bài diễn
văn này không rơi vào tay các báo tại Hoa Kỳ, các ký giả đã không được thông
báo, và cùng ngày hôm đó Tổng thống Truman đã tổ chức một buổi họp báo để thu
hút sự quan tâm từ báo giới Mỹ. Ngược lại, Acheson được phái đi để liên hệ với
giới truyền thông châu Âu, đặc biệt là truyền thông Anh, và bài diễn văn được đọc
toàn văn trên đài BBC.
Liên Xô khước từ tham gia
Trong một bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc,
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô Andrei Ianuaryevich Vyshinsky tuyên bố Kế hoạch
Marshall vi phạm các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. Ông buộc tội Hoa Kỳ tìm âm
mưu áp đặt ý muốn của mình lên các quốc gia độc lập, cùng với việc sử dụng việc
phân phối viện trợ từ nguồn lực kinh tế của mình cho các quốc gia nghèo như một
công cụ gây áp lực chính trị.
Việc biến kế hoạch
thành hiện thực đòi hỏi có sự đàm thoại giữa các quốc gia liên quan, đồng thời
kế hoạch này cần được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Vì vậy mười sáu quốc gia đã
nhóm họp tại Paris để quyết định viện trợ của Mỹ sẽ ở dưới dạng gì và sẽ được
phân chia ra sao. Quá trình đàm phán kéo dài và phức tạp, với mỗi quốc gia đều
có mối quan tâm của riêng mình. Bận tâm chính của Pháp là làm sao để Đức không
thể tái lập thành một cường quốc mang lại hiểm họa như trước. Các quốc gia Benelux,
dù cũng phải gánh chịu ách thống trị của Đức Quốc xã, nhưng đã từ lâu gắn kết với
nền kinh tế Đức, hiểu rằng sự phồn vinh của mình tùy thuộc vào việc nước Đức có
hồi phục được hay không. Các quốc gia Scandinavia, đặc biệt là Thụy Điển, nhấn
mạnh là sự giao thương tồn tại lâu dài giữa họ và các quốc gia Đông Âu không bị
gián đoạn, và sự trung lập của họ không bị xâm phạm. Nước Anh muốn được hưởng
qui chế đặc biệt, vì e ngại là nếu họ chỉ được đối xử ngang hàng với các quốc
gia bị tàn phá trong chiến tranh, thì có lẽ họ sẽ chẳng nhận được mấy viện trợ.
Người Mỹ thì thúc đẩy tự do mậu dịch và thống nhất châu Âu để tạo nên bức tường
thành chống lại chủ nghĩa cộng sản. Chính quyền Truman, đại diện bởi William
Clayton, hứa hẹn với châu Âu là họ sẽ được tự do lập kế hoạch, nhưng chính quyền
Mỹ cũng nhắc nhở họ là để kế hoạch có thể được đưa vào thực hiện, nó phải được
Quốc hội Mỹ thông qua. Phần lớn Quốc hội Mỹ muốn có tự do mậu dịch và thống nhất
châu Âu, nhưng cũng ngần ngại không muốn bỏ quá nhiều tiền ra để trợ giúp Đức. Cuối
cùng họ cũng đạt được thỏa thuận và châu Âu gửi một bản kế hoạch tái thiết cho
Washington. Theo bản kế hoạch này, châu Âu yêu cầu 22 tỷ đô la viện trợ. Truman
cắt giảm số này xuống còn 17 tỷ đô la trước khi đưa ra Quốc hội. Kế hoạch này vấp
phải sự phản kháng kịch liệt từ phía đối lập trong Quốc hội, phần lớn là từ
phía người của đảng Cộng hòa, vốn trủ trương biệt lập và không muốn có một chương
trình chi tiêu ngân sách quá nhiều. Đại diện nổi bật nhất của họ là Robert A.
Taft. Kế hoạch này cũng gặp sự phản đối từ cánh tả, với Henry A. Wallace là người
phản đối mạnh nhất. Wallace cho rằng kế hoạch này là hình thức trợ giá cho các
nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ, và đoán chắc nó sẽ gây ra sự phân cực trên thế giới
giữa phương Đông và phương Tây. Sự phản đối kế hoạch này giảm mạnh bởi cơn sốc
gây do cuộc lật đổ chính phủ ở Tiệp Khắc vào tháng 2/1948. Rất nhanh sau đó một
dự thảo 5 tỷ đô la được Quốc hội thông qua với sự ủng hộ đến từ cả hai đảng. Quốc
hội Mỹ sau cùng chấp thuận đóng góp 12,4 tỷ đô la trong vòng 4 năm cho Kế hoạch
Marshall.
Ngày 13 tháng 4
năm 1948, Tổng thống Truman ký bản Kế hoạch Marshall thành luật, thiết lập Ủy
ban Hợp tác Kinh tế (Economic
Cooperation Administration - ECA) để giám sát chương trình này và giao
cho Paul G. Hoffman lãnh đạo. Cùng năm, các quốc gia tham gia kế hoạch này (Áo,
Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Tây Đức, Anh, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà
Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ) ký bản thỏa ước thiết lập
một cơ qua điều phối viện trợ-tài chính, Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (tiền
thân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), do Robert Marjolin lãnh đạo.
Khoản viện trợ lớn
đầu tiên được chuyển cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào 1/1947, đây là các quốc gia
được coi như tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa
cộng sản, và vốn đã được trợ giúp dưới Học thuyết Truman. Ban đầu Anh hỗ trợ
cho các phe phái chống cộng tại các quốc gia trên, nhưng do bản thân cũng phải
đương đầu với tình hình kinh tế khó khăn, họ phải nhờ đến Hoa Kỳ để tiếp tục
các nỗ lực của họ. ECA bắt đầu chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/1948. Nhiệm
vụ chính của nó, theo tôn chỉ, là thúc đẩy nền kinh tế châu Âu: gia tăng sản lượng,
hỗ trợ đồng tiền các quốc gia châu Âu, mở mang giao thương quốc tế, đặc biệt là
với Mỹ, vì lợi ích của nền kinh tế Hoa Kỳ đòi hỏi các quốc gia Âu Châu phải trở
nên thịnh vượng để có thể nhập cảng hàng hóa của Mỹ. Một mục tiêu không chính
thức khác của Ủy ban Hợp tác Kinh tế (ECA), và Kế hoạch Marshall, là kiềm chế sự
gia tăng ảnh hưởng của Liên Xô tại Châu Âu, đặc biệt là sự lớn mạnh của các đảng
cộng sản tại các quốc gia như Tiệp Khắc, Pháp và Ý.
Tiền từ Kế hoạch
Marshall được chuyển cho chính phủ các quốc gia Âu châu. Các quĩ này được đồng
quản trị bởi chính quyền sở tại và ECA. Tại mỗi thủ đô các nước châu Âu đều có
một phái đoàn ECA, bao gồm những thương gia Hoa Kỳ có vai vế, nắm nhiệm vụ cố vấn
trong quá trình thực hiện. Người ta khuyến khích hợp tác phân phối các quĩ hỗ
trợ, và tổ chức các hội thảo với các lãnh đạo công đoàn để giám sát nền kinh tế,
xem xét những nơi cần được hỗ trợ.
Các khoản hỗ trợ
từ Kế hoạch Marshall được phần lớn sử dụng mua hàng hóa từ Mỹ. Các quốc gia
châu Âu gần như đã khánh kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ trong thời chiến, và tiền từ
Kế hoạch Marshall gần như là nguồn tài chính duy nhất mà họ có được để nhập khẩu
hàng hóa từ nước ngoài. Ban đầu, đồ nhập khẩu bao gồm chủ yếu là những nhu yếu
phẩm như lương thực và xăng dầu, nhưng về sau, hàng hóa chuyển sang các vật tư
thiết yếu cho quá trình tái thiết, như mục tiêu ban đầu vạch ra. Những năm về
sau, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ và sự bùng phát của Chiến tranh Triều Tiên, một
lượng lớn viện trợ được dùng để tái vũ trang quân đội các quốc gia Tây Âu.
Trong khoảng 13 tỷ đô la được dành ra cho tới giữa năm 1951, 3,4 tỷ đô la được
dùng để nhập nguyên liệu thô và hàng bán thành phẩm; 3,2 tỷ đô la dành cho
lương thực, thực phẩm và phân bón; 1,9 tỷ mua máy móc, xe cộ và thiết bị; 1,6 tỷ
cho xăng dầu.
Người ta cũng lập
ra các quỹ đối ứng, sử dụng viện trợ từ Kế hoạch Marshall để thiết lập các quĩ
tiền tệ bản xứ. Theo các nguyên tắc của ECA, 60% các quĩ đó phải được dùng để đầu
tư vào công nghiệp. Điều này rất đáng chú ý tại Đức, nơi các quĩ do chính phủ
quản lý đóng một vai trò quan trọng trong việc cho các công ty tư nhân vay tiền
để tiến hành tái thiết. Các quĩ này đóng vai trò trung tâm trong việc tái công
nghiệp hóa nước Đức. Ví dụ như trong những năng 1949-1950, 40% các khoản đầu tư
cho công nghiệp than ở Đức đến từ các quĩ này. Các công ty có nghĩa vụ hoàn trả
các khoản vay lại cho chính phủ, và số tiền này sẽ được đem cho một ngành kinh
tế khác vay. Quá trình này được tiếp tục cho đến ngày nay dưới sự quản lý của
ngân hàng nhà nước KfW. Quỹ Đặc biệt này, khi đó được quản lý bởi Bộ Kinh tế
Liên bang, trị giá tới hơn 10 tỷ mark Đức năm 1971. Năm 1997, nó lên tới 23 tỷ
mark. Nhờ vào hệ thống cho vay quay vòng, quỹ này cho tới năm 1995 đã có thể
dành các khoản vay lãi xuất thấp cho người dân Đức với tổng trị giá lên tới 140
tỷ mark. Khoảng 40% còn lại của quỹ đối ứng được dùng để trả nợ, bình ổn tiền tệ,
hoặc đầu tư vào các chương trình phi công nghiệp. Nước Pháp sử dụng các quỹ đối
ứng này rộng rãi nhất, dùng chúng để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tại Pháp và hầu
hết các quốc gia khác, nguồn tiền từ các quỹ đối ứng được gộp vào tổng thu ngân
sách nhà nước, chứ không được dùng để quay vòng vốn như ở Đức.
Một chương trình
ít tốn kém hơn rất nhiều, mà cũng hết sức hiệu quả, do ECA đề ra, là Chương
trình Hỗ trợ kỹ thuật. Chương trình này tài trợ cho các nhóm kỹ sư và các nhà
công nghiệp châu Âu du lịch Hoa Kỳ, thăm quan hầm mỏ, nhà máy, lò luyện kim...
để họ có thể bắt chước các tiến bộ mà Hoa Kỳ đã đạt được khi trở về nước. Cùng
thời gian, hàng trăm chuyên viên kỹ thuật Hoa Kỳ cũng được gửi sang châu Âu để
hỗ trợ.
Viện trợ từ Kế hoạch Marshall được phân
bổ cho các nước đại thể tính trên đầu người. Một phần lớn số viện trợ được dành
cho các cường quốc công nghiệp lớn, vì các ý kiến đều cho rằng sự phục hồi của
họ là điều kiện thiết yếu cho sự tồn vong của Châu Âu nói chung. Các quốc gia
châu Âu trong Khối Đồng Minh thời chiến tranh thế giới thứ hai được nhiều viện
trợ trên đầu người hơn một chút, còn các quốc gia Trung lập hoặc trong Phe Trục
được ít hơn. Bảng sau cho số lượng tiền và năm từ cuốn The Marshall Plan Fifty Years Later. Không có số liệu
chính xác về số lượng tiền, vì các nhà nghiên cứu không nhất trí được liệu những
khoản viện trợ nào trong khoảng thời gian đó là một phần của Kế hoạch Marshall.
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Đơn vị: triệu USD. Nguồn: The Marshall Plan Fifty Years Later.
|
Ban đầu, người
ta dự tính sẽ kết thúc Kế hoạch Marshall vào năm 1953. Nỗ lực nhằm gia hạn kế
hoạch này bị ngưng lại do phí tổn ngày càng gia tăng của cuộc Chiến tranh Triều
Tiên và quá trình tái vũ trang. Các thành viên Đảng Cộng hòa Mỹ phản đối kế hoạch
này cũng thắng cử trong cuộc bầu bầu cử Quốc hội Mỹ năm 1950, và sự phản đối của
phe bảo thủ với kế hoạch này lại được khơi lại. Vì vậy, chương trình này chấm dứt
vào năm 1951, dù viện trợ của Mỹ dưới nhiều hình thức khác nhau tiếp tục tồn tại
sau đó.
Trong những năm
từ 1948 cho tới 1952, Châu Âu phát triển nhanh chưa từng thấy. Sản lượng công
nghiệp tăng 35%. Sản xuất nông nghiệp vượt đáng kể so với mức trước chiến
tranh. Tình trạng nghèo đói cùng cực ngay sau khi chiến tranh biến mất. Châu Âu
bước vào một thời kỳ tăng trưởng chưa từng có kéo dài đến hai thập kỷ, cho phép
chất lượng cuộc sống được cải thiện không ngờ. Giữa các sử gia có nhiều cuộc
tranh luận diễn ra về việc có bao nhiêu phần của thành tích này là do Kế hoạch
Marshall. Phần lớn trong số họ bác bỏ ý kiến rằng kế hoạch này là thành tố thần
diệu duy nhất giúp khôi phục châu Âu, vì có nhiều bằng chứng cho thấy sự hồi phục
nói chung đã tự bắt đầu. Phần lớn trong số họ cho là Kế hoạch Marshall chỉ tăng
tốc sự hồi phục, chứ không khởi xướng quá trình đó.
Ảnh hưởng chính
trị của Kế hoạch Marshall có lẽ cũng quan trọng không kém ảnh hưởng kinh tế. Viện
trợ từ Kế hoạch Marshall giúp các quốc gia Tây Âu nới lỏng các biện pháp khắc
khổ và chế độ phân phối, giảm thiểu bất mãn và mang lại ổn định chính trị. Ảnh
hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Tây Âu bị giảm sút mạnh mẽ, trên toàn khu vực,
các đảng cộng sản mất dần sự ủng hộ của dân chúng trong những năm tiếp theo của
Kế hoạch Marshall. Các mối quan hệ thương mại được gây dựng bởi chương trình
này giúp dựng lên Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tồn tại suốt thời kỳ Chiến tranh
Lạnh. Cùng lúc, việc các quốc gia Đông Âu không tham dự chương trình này cũng
cho thấy các dấu hiệu rõ rệt đầu tiên về sự phân liệt tại Châu Âu.
Kế hoạch
Marshall cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa nhập châu Âu. Cả
các nhà lãnh đạo Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng sự hòa nhập là cần
thiết để đảm bảo cho hòa bình và phồn vinh của châu Âu, và sử dụng Kế hoạch
Marshall như một nguyên tắc chỉ đạo để khuyến khích sự hòa nhập. Trong một chừng
mực nào đó, nỗ lực này thất bại, và OEEC chưa bao giờ vươn lên ngoài tầm một tổ
chức hợp tác kinh tế. Thay vào đó, Cộng đồng Than Thép châu Âu, đáng lưu ý là
không bao gồm Anh, lại lớn mạnh để trở thành Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, OEEC
đóng vai trò thử nghiệm và chuẩn bị cho cấu trúc và bộ máy quan chức sau này của
Tổ chức kinh tế châu Âu EEC. Kế hoạch Marshall, gắn liền với hệ thống tiền tệ
mang tên Bretton Woods, cũng đảm bảo tự do thương mại trên toàn Âu châu.
Trong khi một số
sử gia ngày nay cảm thấy việc ca ngợi chương trình này có phần thái quá, thì
người ta vẫn nhìn nhận nó một cách tích cực, và nhiều người cho rằng một chương
trình tương tự có thể sẽ có ích cho nhiều khu vực khác trên thế giới. Sau khi
chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, có một số đề nghị về "Kế hoạch Marshall cho
Đông Âu" để khôi phục khu vực này. Những người khác thì đề nghị một Kế hoạch
Marshall cho Châu Phi, và Phó Tổng thống Mỹ Al Gore thì đề xuất Kế hoạch
Marshall toàn cầu. Cụ từ "Kế hoạch Marshall" đã trở thành một phép ẩn
dụ cho bất kỳ một chương trình tầm cỡ quốc gia nhằm giải quyết một vấn đề xã hội
nhất đinh. Nó thường được sử dụng khi nói việc chính phủ bỏ tiền ra để cứu cánh
cho một thất bại trong khu vực tư nhân.
Nền kinh tế Tây Đức phục hồi một phần là nhờ vào
viện trợ kinh tế từ Kế hoạch Marshall, nhưng phần lớn là nhờ vào cuộc cải cách
tiền tệ năm 1948 thay thế đồng Reichsmark bằng đồng mark, chặn đứng nạn lạm
phát leo thang. Hành động củng cố nền kinh tế Đức này vốn bị tuyệt đối ngăn cấm
trong khoảng thời gian hai năm mà chỉ thị JCS 1067 (của phe Đồng Minh chiếm
đóng Tây Đức) có hiệu lực. Quá trình giải thể công nghiệp than và thép của Tây
Đức do phe Đồng Minh thực hiện cuối cùng cũng chấm dứt vào năm 1951. Như vậy, Kế
hoạch Marshall chỉ là một trong số nhiều thành tố đằng sau sự phục hồi kinh tế
Đức. Dù vậy, tại Đức huyền thoại về Kế hoạch Marshall vẫn còn được lưu truyền.
Theo cuốn Marshall Plan
1947–1997 A German View bởi Susan Stern, nhiều người Đức vẫn còn
tin là nước Đức là quốc gia duy nhất hưởng lợi từ chương trình này, rằng nó bao
gồm những khoản viện trợ cho không gồm những món tiền lớn, rằng chương trình
này là chương trình độc nhất mang lại sự phục hồi kinh tế nước Đức trong thập
niên 1950.
Tổ chức Hợp tác
Kinh tế Châu Âu đóng vai trò lãnh đạo trong việc phân phối tài chính, và ECA
thu xếp việc chuyển hàng hóa. Các nhà cung cấp phía Mỹ được thanh toán bằng đô
la, và số tiền này được ghi vào bên nợ của tài khoản thích hợp của Kế hoạch Phục
hưng châu Âu - ERP. Bên nhận (Châu Âu) phải trả tiền (mặt dù không nhất thiết
phải trả ngay) bằng đồng nội tệ. Số tiền này được nộp vào tài khoản đối ứng của
chính phủ, để đến lượt mình, lại được các quốc gia trong ERP sử dụng trong các
dự án đầu tư.
Phần lớn các quốc
gia tham gia ERP đều nhận thức được ngay từ ban đầu là họ có lẽ sẽ không bao giờ
phải hoàn trả lại số tiền trong tài khoản đối ứng cho phía Hoa Kỳ; số tiền này
cuối cùng được gộp vào ngân sách quốc gia và "biến mất". Ban đầu, tổng
số viện trợ của Mỹ cho Đức (trái với số tiền viện trợ cho các quốc gia châu Âu
khác) phải được hoàn trả. Nhưng sau thỏa thuận về nợ tại London năm 1953, số tiền
phải trả được giảm xuống còn khoảng 1 tỷ đô la. Số viện trợ từ sau ngày 1/7/1951
vào khoảng 270 triệu đô la, trong đó Đức phải trả 16,9 triệu cho ngân hàng
Export-Import Bank Washington của Mỹ. Trên thực tế, Đức không biết chính xác họ
phải trả lại cho Hoa Kỳ bao nhiêu tiền cho tới tận năm 1953, và muốn số tiền họ
được nhận này phải ở dạng tiền cho vay có lãi— một hệ thống đảm bảo nguồn vốn
tiếp tục phát triển, thay vì teo lại. Một ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm quản lý
chương trình này. Các khoản vay ERP phần lớn được dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Đức hoàn trả vốn cho Hoa Kỳ thành nhiều đợt (tờ séc cuối cùng họ trả
là vào tháng 6 năm 1971). Tuy nhiên, số tiền được trả này không phải là từ tài
khoản của ERP, mà là từ ngân sách chính phủ trung ương.
Kế hoạch Marshall đã gặp rất nhiều chỉ trích cả trong
quá khừ và hiện tại:
Những chỉ
trích ban đầu: Những lời trỉ
trích ban đầu đến từ phía một số nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do. Wilhelm
Röpke, người có ảnh hưởng lớn đến Bộ trưởng Kinh tế và Kỹ thuật Đức Ludwig
Erhard trong kế hoạch phục hưng kinh tế của ông này, tin rằng sự phục hồi kinh
tế nằm trên việc hủy bỏ chế độ kinh tế chỉ huy tập trung, tái lập kinh tế thị
trường tự do ở Châu Âu, đặc biệt là tại các quốc gia trước đó tồn tại chủ nghĩa
phát xít và nền kinh tế lũng đoạn bởi các tập đoàn đại tư bản. Röpke chỉ trích
Kế hoạch Marshall là đã ngăn sự chuyển đổi sang thị trường tự do bằng cách trợ
giúp hệ thống kinh tế yếu kém đương thời. Erhard đưa lý thuyết của Röpke vào thực
hiện, và sau này công nhận những thành công rực rỡ của nền kinh tế Tây Đức là
nhờ vào ảnh hưởng của Röpke. Henry
Hazlitt thì trỉ trích Kế hoạch Marshall trong cuốn sách xuất bản năm 1947 của
ông: Will Dollars Save the World?,
lập luận rằng sự hồi phục kinh tế phải đến từ việc giành giụm, tích lũy của cải
và công ty tư nhân, chứ không phải thông qua việc hỗ trợ một khoản tiền mặt khổng
lồ. Ludwig von Mises cũng chỉ trích Kế hoạch Marshall năm 1951, vì tin rằng
"Sự trợ cấp của Mỹ khiến cho các chính phủ châu Âu có thể che dấu phần nào
các ảnh hưởng tai hại của các chính sách mang tính xã hội mà họ thực hiện."
Ông cũng chỉ trích viện trợ nước ngoài nói chung, cho rằng nó tạo ra kẻ thù ý
thức hệ, thay vì bạn hàng kinh tế, vì nó bóp nghẹt nền kinh tế tự do.
Những chỉ trích hiện đại:
Việc chỉ trích Kế
hoạch Marshall dễ nhận thấy trong số các học giả theo thuyết xét lại, như Walter
LaFeber, trong những năm 1960 và 1970. Họ lý luận là chương trình này là sản phẩm
của nền kinh tế đế quốc chủ nghĩa của Mỹ, và nó nhằm mục đích kiểm soát Tây Âu,
cũng giống như Liên Xô kiểm soát Đông Âu. Trong bản đánh giá nền kinh tế Tây Đức
từ năm 1945 cho tới năm 1951, nhà phân tích Đức Werner Abelshauser kết luận là
"viện trợ nước ngoài không đóng vai trò quyết định trong việc bắt đầu quá
trình phục hồi kinh tế, cũng như duy trì quá trình đó." Sự phục hồi kinh tế
của Pháp, Ý và Bỉ, như Cowen nhận thấy, đã diễn ra từ trước khi dòng viện trợ của
Mỹ đổ vào. Bỉ, quốc gia sớm nhất và cũng là quốc gia mạnh mẽ nhất áp dụng chính
sách kinh tế thị trường tự do sau khi được giải phóng năm 1944, là quốc gia có
sự phục hồi kinh tế nhanh chóng nhất, và tránh được nạn thiếu nhà và thiếu
lương thực trầm trọng xảy ra tại tất cả các nước khác khi đó tại châu Âu.
Nguyên Chủ tịch Hội
đồng Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan cho rằng Thủ tướng Đức Ludwig Erhard có
công lớn nhất trong sự phục hồi kinh tế Châu Âu. Greenspan viết trong hồi ký của
mình The Age of Turbulence (Thời đại rối
ren), rằng chính sách kinh tế của Erhard là khía cạnh quan trọng nhất của
sự phục hồi kinh tế hậu chiến châu Âu, có giá trị hơn nhiều so với đóng góp của
Kế hoạch Marshall. Ông tuyên bố rằng việc Erhard giảm bớt các quy chế đã cho
phép sự thần kỳ của nền kinh tế Đức diễn ra, và chính sách đó cũng góp phần khiến
nhiều quốc gia Âu châu khác hồi phục. Sự phục hồi của Nhật Bản cũng được dùng
như một phản ví dụ, vì họ tự lực tăng trưởng mãnh liệt mà không có bất kỳ sự trợ
giúp nào. Sự phục hồi của họ được coi là do các biện pháp kích thích kinh tế
truyền thống, như tăng cường đầu tư, hỗ trợ bởi tỷ lệ tiết kiệm cao, và thuế thấp.
Nhật có một nguồn vốn lớn chảy vào trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, nhưng đó
là nguồn vốn dưới dạng đầu tư, chứ không phải là để trợ giá, và nguồn vốn đó
còn tỏ ra hữu ích hơn rất nhiều.
Những người chỉ
trích kế hoạch Marshall cũng tìm cách chỉ ra rằng kế hoạch này để lại di sản là
sự bắt đầu của những chương trình viện trợ nước ngoài tai hại. Kể từ những năm
1990, những nhà kinh tế học đã bắt đầu phản bác lại ý tưởng về viện trợ nước
ngoài. Ví dụ như Alberto Alesina và Beatrice Weder, tổng kết lại tư liệu kinh tế
về viện trợ nước ngoài và sự tham nhũng, và thấy rằng viện trợ phần lớn đã bị sử
dụng lãng phí, cho lợi ích bản thân của chính phủ và các quan chức chính phủ, dẫn
đến gia tăng nạn tham nhũng. Chính sách khuyến khích các chính phủ thối nát này
khi đó được gán cho những động lực ban đầu của Kế hoạch Marshall.
Noam Chomsky viết
rằng số tiền mà người Mỹ viện trợ cho Pháp và Hà Lan cũng bằng với số kinh phí
mà những quốc gia này sử dụng để chi cho lực lượng quân sự của họ ở Đông Nam Á.
Kế hoạch Marshall nguyên là để "thiết lập cơ sở cho một số lớn đầu tư tư
nhân của Mỹ tại châu Âu, thiết lập nền móng cho các công ty xuyên quốc gia lớn."
Những chỉ trích về Kế hoạch Marshall khác đến từ báo cáo rằng Hà Lan sử dụng một
phần lớn số viện trợ để tái chiếm Indonesia trong Chiến tranh giành độc lập
Indonesia.
Kế hoạch Marshall – kế hoạch phục hưng
châu Âu, cho đến nay còn rất nhiều tranh luận về tính hiệu quả và tác động của
nó đối với Tây Âu, với những điều kiện bó buộc, kế hoạch Marshall đã tạo cho
Hoa Kì những điều kiện cần thiết để lũng đoạn thị trường và nô dịch các nước
châu Âu. Mục tiêu của Hoa Kì trong kế hoạch Marshall thể hiện rất rõ: nhằm chia
cắt lâu dài và phục hồi nền kinh tế của bọn quân phiệt Tây Đức, Bao vây kinh tế
Liên Xô và các nước Đông Âu, kế hoạch Marshall cũng là kế hoạch quân sự và
chính trị, như vậy kế hoạch Marshall không chỉ viện trợ cho Tây Âu sau chiến
tranh mà còn mang tính chiến lược của Hoa Kì.
Có thể nói: “Chủ
thuyết Truman”, “Kế hoạch Marshall” và “Điểm 4” trở thành bộ ba cấu thành chính
sách đối ngoại của Hoa Kì cho đến những năm đầu thập niên 1950 nhằm ngăn chặn sự
ra đời của khối xã hội chủ nghĩa.
1. Lê Phụng Hoàng, Lịch sử quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ
hai, (Tập 1: 1945-1975), 2007, tr.26-27.
2. Lê Văn Quang, Lịch sử quan hệ quốc tế từ năm 1917 đến 1945, NXB GD,
tr.21-27.
3. Nguyễn Anh Thái (cb), Lịch sử thế giới hiện đại, NXB GD.
4. Trên Internet:
http://vi.wikipedia.org
http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov