Tự
do là một quan hệ. Đối lập với tự do là lệ thuộc, là nô lệ. Sự ra đời của các
thiết chế nhà nước trong xã hội có giai cấp với những thể chế chính trị khác
nhau dường như đã hạn chế tự do của con người. Vì vậy, khởi điểm của hành
trình nhận thức tự do của nhân loại là tự do trong các quan hệ xã hội. Tuy
nhiên, để khẳng định quyền tự do chân chính của con người như một tất yếu,
nhận thức của nhân loại đã phải viện dẫn đến tự do trong quan hệ với tự nhiên
và với chính bản thân mình. Ở Trung Quốc, Lão Tử đề xướng thuyết vô vi, chủ
trương không làm gì trái với tự nhiên, trái với đại đạo của trời đất. Tự
nhiên ở đây được hiểu là những quy luật vận hành tất yếu của vũ trụ. Không
làm trái với tự nhiên, hơn thế nữa, con người phải hoà mình vào tự nhiên. Vì
vậy, “vô vi” biểu hiện như một lối sống nhiều hơn là nhận thức triết học về
tự do. Áp dụng vào đời sống xã hội, Lão Tử phản đối cách cai trị cưỡng chế,
áp đặt đương thời: “Dân sở dĩ đói là vì trên thu thuế nhiều, dân sở dĩ khó
trị là vì trên theo lối hữu vi” (chương 75, Đạo đức kinh). Khổng Tử cũng nói
đến mệnh Trời nhưng với mục đích mượn cái vô hình làm chỗ dựa và làm tăng
thêm uy lực cho cái hữu hình là hoàng đế và triều đình. Vì vậy, hợp với mệnh
Trời thật ra là một quan hệ xã hội và về thực chất, là sự lệ thuộc vào uy
quyền áp đặt của chế độ phong kiến. Triết học tôn giáo Ấn Độ sử dụng phạm trù
giải thoát như một trạng thái tinh thần, vượt lên những ham muốn trần
tục và sự khổ ải trần thế của con người; ít nhiều, đấy là một trạng thái đối
lập với lẽ tự nhiên. Như vậy, ngoại trừ Lão Tử, phương Đông thuyết minh nhiều
cho cái bị cấm đoán hơn là cái được phép. Sự thống trị hàng ngàn năm của tư
tưởng Khổng giáo cùng với sự kéo dài quá mức của thiết chế nhà nước phong
kiến đã khiến xã hội nhầm lẫn khi coi tự do là cái được ban phát từ trên
xuống, là ân huệ của nhà vua. Và điều này lại đưa đến một nhầm lẫn khác: tự
do không phải là một vận động của lịch sử nên có thể áp đặt một mô hình chủ
quan từ bên ngoài, mô hình phương Tây chẳng hạn.
Ở
phương Tây, do sự đề cao vai trò của cá nhân, tự do được nhận thức và xây
dựng như một phạm trù triết học quan trọng gắn với cái tất yếu. Phần lớn các
nhà duy tâm chủ nghĩa đều coi tự do và tất yếu là hai khái niệm loại trừ lẫn
nhau với hai khuynh hướng: thứ nhất, tự do là tự do ý chí, là khả năng
hành động phù hợp với sự thể hiện ý chí mà sự thể hiện này lại không do điều
kiện bên ngoài quy định; thứ hai, con người không có chút tự do nào,
tính tất yếu hoàn toàn thống trị. Điển hình cho khuynh hướng đầu tiên là
Lốccơ với định nghĩa: “Tự do là khả năng con người có thể làm bất kì điều gì
mình mong muốn mà không gặp bất kì cản trở nào”(1). Quan niệm này rõ ràng đã thách
thức tính trách nhiệm và cả đạo đức, tự do được xem như một trạng thái bản
năng. Khuynh hướng thứ hai lại tuyệt đối hoá tính khách quan mà thuyết định
mệnh là một ví dụ. Trái ngược với cả hai khuynh hướng trên, Hêghen là người
đầu tiên đưa ra một quan điểm đúng đắn về quan hệ giữa tự do và tất yếu. Xuất
phát điểm của Hêghen là quan niệm về tự do của Giáo hội Thiên Chúa giáo. Ông
viết: “Tự do chủ quan hay tự do đạo đức này, chủ yếu được gọi là tự do theo
nghĩa của người châu Âu. Căn cứ trên quyền tự do như vậy thì con người cần
phải phân biệt giữa cái thiện và cái ác nói chung”(2). Từ quan hệ giữa thiện
và ác, Hêghen đào sâu mối quan hệ giữa tự do và tất yếu, coi tự do là sự nhận
thức được cái tất yếu, còn “cái tất yếu chỉ mù quáng chừng nào người ta
chưa hiểu được nó”(3). Ở đây, Hêghen đã vượt qua quan niệm đạo đức về tự
do: tự do không phải ở chỗ lựa chọn giữa cái thiện và các ác, mà là ở sự lựa
chọn giữa cái tất yếu và mù quáng. Tất yếu dường như là cái đối lập với tự
do, cái mà tự do phải vượt qua để khẳng định mình. Tuy nhiên, Hêghen quan
niệm tất yếu là tính có quy luật của thế giới, là cái đưa thế giới tới một
mục đích xác định, là “lý tính thế giới”. Vì vậy, tất yếu của Hêghen hoàn
toàn không mù quáng. Khi tất yếu được con người nhận thức, nó mở ra cho con
người khả năng bắt cái tất yếu phục tùng lợi ích và nhu cầu của mình, nghĩa
là lý tính thế giới khẳng định được nó và nó chuyển hoá thành tự do. Chiến
thắng của tự do cũng là chiến thắng của lý tính. Ông viết: “Chân lý của tất
yếu là bản thân tự do”(4). Như vậy, tự do của Hêghen không chỉ giới hạn trong
nhận thức: “…Tự do chính là ở chỗ làm sao để tồn tại là bản thân mình, tồn
tại chỉ lệ thuộc vào bản thân mình, làm sao để tự quyết định được bản thân
mình”(5). Từ đây, có thể nhận ra rằng, Ph.Ăngghen hoàn toàn tán thành Hêghen
khi viết: “Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật
của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng –
có được nhờ sự nhận thức này – buộc những quy luật đó tác động một cách có kế
hoạch nhằm những mục đích nhất định”, “tự do là ở sự chi phối được chính bản
thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những
tất yếu của tự nhiên”(6).
Tất
yếu biểu hiện không chỉ trong những quy luật tự nhiên, mà còn trong các quy
luật xã hội. Nhìn từ quan hệ xã hội, tự do là một thể chế chính trị quy định
quan hệ giữa người và người, giữa công dân và nhà nước. Cùng quan điểm với
Hêghen, Rútxô khẳng định: “Làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, mà tuân
theo các quy tắc của mình đặt ra là tự do”(7). Quy tắc đó chính là pháp luật
hay khế ước xã hội. Ông viết: “Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do
tự nhiên và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được; nhưng
mặt khác con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà
anh ta có”(8). Trong quan hệ với thể chế chính trị, tự do là quyền tự nhiên
của con người. Tuyên ngôn Lập quốc năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền
và Dân quyền của Cách mạng Pháp đều khẳng định điều này. Tuy nhiên, trong xã
hội tư sản, tự do đã bị cắt xén bởi pháp luật của xã hội đó phụ thuộc vào ý
chí của thiểu số chiếm đoạt tư liệu sản xuất. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa
Mác – Lênin đã tập trung phân tích và chỉ ra khả năng tự do của con người và
xã hội trong quan hệ đối lập với một phạm trù mới - phạm trù tha hoá. Trong
guồng máy kinh tế của chủ nghĩa tư bản, cái đối lập với tự do là tha hoá.
C.Mác và Ph.Ăngghen, trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, đã
khẳng định: “Hoạt động tự do, có ý thức là tính chất loài của con người”(9).
Hoạt động sinh sống của con người là hoạt động có ý thức. Đó là một đặc trưng
quan trọng để phân biệt con người với con vật. Hoạt động sinh sống có ý thức
khiến con người trở nên tự do: “… Con người là một sinh vật có ý thức, nghĩa
là đời sống của bản thân con người là một đối tượng của con người. Chỉ vì thế
mà hoạt động của con người là hoạt động tự do. Lao động bị tha hoá đảo ngược
quan hệ đó khiến cho con người chính vì là một sinh vật có ý thức, chỉ biến
hoạt động sinh sống của mình, bản chất của mình thành phương tiện để
duy trì sự tồn tại của mình mà thôi”(10). Như vậy, lôgíc của vấn đề tự
do trong xã hội tư sản là phải xoá bỏ sự tha hoá. Mà xoá bỏ tha hoá trước hết
là xoá bỏ chế độ tư hữu. Mặt khác, C.Mác và Ph.Ăngghen quan niệm thực chất
của tự do là tự do phát triển toàn diện những khả năng của con người. Lập
luận của hai ông là, để có tự do, cá nhân phải được sống trong những “cộng
đồng thực sự”: “Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện
để phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng
đồng, mới có thể có tự do cá nhân”(11). Trong những cộng đồng của các xã hội
từ chủ nghĩa tư bản trở về trước, “tự do cá nhân chỉ tồn tại đối với những cá
nhân đã phát triển trong khuôn khổ của giai cấp thống trị và chỉ trong chừng
mực họ là những cá nhân của giai cấp ấy”(12). C.Mác và Ph.Ăngghen gọi đấy là
những “cộng đồng giả”, “cộng đồng hư ảo”, bởi bao giờ chúng cũng tồn tại độc
lập với các cá nhân và “vì nó là sự liên hợp của một giai cấp chống lại một
giai cấp khác, cho nên đối với giai cấp bị trị, nó không những là một cộng
đồng hoàn toàn hư ảo mà còn là một xiềng xích mới”(13). Do đó, “sự phụ thuộc
của những cá nhân vào những giai cấp nhất định không thể bị xoá bỏ chừng nào
chưa hình thành một giai cấp không phải bảo vệ một lợi ích giai cấp riêng
biệt chống lại giai cấp thống trị”(14). Cộng đồng thực sự mà C.Mác và
Ph.Ăngghen nói đến là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản sẽ giải thoát
con người khỏi sự tha hoá ấy để trả nó về trạng thái tự do. Khi đó, “những
lực lượng khách quan, xa lạ, từ trước đến nay vẫn thống trị lịch sử thì sẽ do
chính con người kiểm soát”(15), con người bắt đầu tự mình làm ra lịch sử của
chính mình một cách tự giác. Đấy chính là thời điểm mà Ph.Ăngghen gọi là
“bước nhảy của nhân loại từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự
do”(16). Lúc đó, tự do không phải là một sự chia sẻ hay nhượng bớt như quan
niệm của Rútxô, mà là một sự cộng đồng, bởi “Thay cho xã hội tư sản cũ, với
những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong
đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của
tất cả mọi người”(17). Tự do không phải là của ban phát từ bên trên hay sự
kết nối theo hàng dọc từ trên xuống, mà là sự kết nối theo hàng ngang trong
một cộng đồng dân chủ, tiến bộ.
Tóm
lại, từ quan điểm duy vật biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xem xét phạm trù
tự do trong điều kiện cụ thể của xã hội tư bản, đối lập tự do với tha hoá,
đối sánh quan hệ giữa thống trị và bị trị. Đóng góp của hai ông trong vấn đề
này là, thứ nhất, gắn tự do với hoạt động và đó là hoạt động sinh sống
có ý thức của con người; thứ hai, coi tự do là tự do phát triển toàn
diện những khả năng của con người; và thứ ba, chỉ ra con đường để đạt
đến tự do.
Một
lược sử ngắn về tự do như trên cho thấy, hành trình sáng tạo văn hoá của nhân
loại cũng là hành trình hướng tới tự do. Văn hoá là cái đối lập với trạng
thái tự nhiên (Pufendorf), sự sinh thành con người lần thứ hai (Herder), sự
phát triển các năng lực thiên bẩm của con người (Cantơ)… Văn hoá là cái tự
nhiên được biến đổi bởi con người trên cơ sở con người nhận thức những quy
luật của tự nhiên. Thực chất của văn hoá là quá trình con người ngày càng
thoát khỏi những ràng buộc mù quáng của tự nhiên và sau đó là của xã hội để
tự khẳng định mình. Sáng tạo văn hoá đã từng bước chặn đứng và loại trừ vĩnh
viễn tiến hoá sinh học trong cơ thể người, buộc nó phải nhường chỗ cho tiến
hoá xã hội, để lịch sử trở thành quyển sách mở của những lực lượng bản chất
người. Như vậy, cuộc gặp được báo trước giữa văn hoá và tự do là ở sự phát
triển con người. Phát triển toàn diện những năng lực của con người là thước
đo của văn hoá cũng như thước đo của tự do. Theo đó, đích đến của văn hoá là
tự do và bản chất của tự do là văn hoá. Văn hoá là khải hoàn của tự do. Đây
là một trong những luận điểm khoa học mà Ph.Ăngghen đã xây dựng để chống lại
Đuyrinh: “Những con người vừa mới tách khỏi loài vật thì trong tất cả mọi mặt
cơ bản cũng đều không có tự do, chẳng khác gì bản thân loài vật; nhưng mỗi
bước tiến lên trên con đường văn hoá lại là một bước tiến tới tự do”(18).
Trong
nhận thức của nhân loại hiện nay, phát triển con người là nội dung chính yếu
của phát triển kinh tế - xã hội. Quan niệm phát triển lấy tăng trưởng kinh tế
làm mục tiêu đã tự phủ định mình bởi những kết cục không bền vững. Tăng
trưởng kinh tế phải “kết nối” với phát triển con người, lấy phát triển con
người làm mục tiêu. Phát triển kinh tế bền vững cần đến sự phát triển con
người bền vững. Lý thuyết phát triển con người bền vững là đóng góp của hai
nhà nghiên cứu Mahboub Haq và Amartya Sen khi làm việc cho Chương trình phát
triển của Liên hiệp quốc. Theo họ, mục tiêu của sự phát triển là “tạo điều
kiện mở rộng khả năng làm nhiều hơn, sống tốt hơn và lâu hơn, tránh được bệnh
tật và nắm được chìa khoá của kho tàng tri thức của nhân loại”(19). Do đó,
quá trình phát triển trở thành “quá trình phát triển năng lực chứ không phải
tối đa hoá những lợi ích vật chất hay hưởng thụ cuộc sống vật chất”(20).
Chính theo nghĩa này mà Amartya Sen khẳng định: “Phát triển như là tự
do”(21).
Từ
đây, có thể nhận ra một tam giác vận động của lịch sử nhân loại: tự do – văn
hoá – phát triển. Ba phạm trù này tương tác lẫn nhau, trong đó văn hoá là
trục định hướng cho tự do và phát triển. Văn hoá đưa con người đến tự do và
là động lực của phát triển. Tự do chân chính là tự do có văn hoá (theo nghĩa
có ý thức trong quan hệ với cộng đồng) và phát triển bền vững cũng là phát
triển có văn hoá (theo nghĩa hướng đến phát triển con người). Tự do là nhận
thức được cái tất yếu để tự quyết định, nghĩa là nó hướng đến cái chân.
Phát triển kinh tế – xã hội là phát triển con người, nghĩa là nó hướng đến cái
thiện. Cái mỹ – phạm trù còn lại thuộc về văn hoá và nó bao
quát cả chân lẫn thiện. Như vậy, tam giác tự do – văn hoá – phát triển là sự
hiện thực hoá của khát vọng chân - thiện - mỹ, tất cả quy tụ trong một
tương lai của nhân loại mà C.Mác và Ph.Ăngghen diễn đạt là “chủ nghĩa tự
nhiên hoàn bị, = chủ nghĩa nhân đạo, với tính cách là chủ nghĩa nhân đạo hoàn
bị, = chủ nghĩa tự nhiên”(22); đó chính là chủ nghĩa cộng sản, cái mà hai ông
đồng nhất với văn hoá hay sau này, được V.I.Lênin đồng nhất với văn hoá vô
sản.
(*) Tiến sĩ ngữ văn, Khoa Văn hoá và Phát triển, Học viện
Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1)
Dẫn theo Nguyễn Trần Bạt. Suy tưởng. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005,
tr.12.
(2)
Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học, t.3. Mátxcơva, 1977,
tr.334-335 (tiếng Nga).
(3)
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1994, tr.163.
(4)
Hegel. Triết học tôn giáo, t.2. Mátxcơva, 1977, tr. 339 (tiếng Nga).
(5)
Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học, t.1. Mátxcơva, 1974, tr.
124 (tiếng Nga).
(6)
C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1994, tr. 163,164.
(7)
Dẫn theo: Nguyễn Trần Bạt. Suy tưởng. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005,
tr. 23.
(8)
Dẫn theo: Nguyễn Trần Bạt, Sđd., tr. 23.
(9)
C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
2000, tr. 136.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.42, tr. 136.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.3, tr. 108.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.3, tr. 108.
(13) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.3, tr. 108.
(14) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.3, tr. 110.
(15) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.20, tr. 393.
(16) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd.,
t.20, tr. 393.
(17)
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd., t.4, tr. 628.
(18)
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd., t.20, tr. 164.
(19)
Dẫn theo Phạm Thành Nghị. Phát triển con người bền vững và những thách
thức trong quản lý, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 4 (19) 2005, tr. 22.
(20)
Dẫn theo Phạm Thành Nghị. Sđd., tr. 22.
(21)
Dẫn theo Nguyễn Trần Bạt. Sđd., tr. 20.
(22)
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd., t. 42, tr. 167.
|