Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

18. Quan điểm của các học giả Việt nam về sự sụp đổ CNXH ở Liên xô và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội- TRẦN NGUYÊN VIỆT (*)


 Khẳng định sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng ở Nga và sau đó là ở Liên bang Xô viết, chứ không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác Lênin về chủ nghĩa xã hội, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích quan điểm và cách nhìn nhận của các học giả Việt Nam trong những năm gần đây về những nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài, khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sự sụp đổ đó và về tiền đồ tươi sáng, về triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội trong tương lai từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc.         


 
1.    Quan điểm của các học giả Việt Nam về sự sụp đổ của Liên Xô
Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người – kỷ nguyên xuất hiện hình thái kinh tế - xã hội mới là chủ nghĩa xã hội. Nước Nga trở thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và do vậy, bản thân nó phải giải quyết những vấn đề nẩy sinh trong sự nghiệp xây dựng đất nước trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và trên phương diện thực tiễn hoàn toàn không có tiền lệ. Tuy vậy, chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng ở Nga và về sau là Liên bang Xô viết đã đạt được những thành tựu đáng kể mà bất kỳ ai, kể cả những người theo khuynh hướng chống cộng sản, cũng không thể phủ nhận. Một vấn đề đặt ra cho đến nay đã gần hai mươi năm là tại sao một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh như Liên Xô lại bị sụp đổ một cách nhanh chóng, nguyên nhân nào dẫn đến sự kiện đó là cơ bản và triển vọng của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới hoặc ít ra cũng trở thành lực lượng đối trọng với chủ nghĩa tư bản trong tương lai sẽ ra sao?
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu thận trọng và phân tích kỹ lưỡng những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô. Đặc biệt, các học giả Nga cũng đã đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này, tựu trung lại, họ chú trọng không chỉ đến những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà rộng hơn, là phân tích những nguyên nhân bên trong và bên ngoài đất nước Liên Xô.(*)
Những nguyên nhân bên trong xuất phát từ tồn tại xã hội Xô viết qua các chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, hình thành nên chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô. Ngay cả ở những giai đoạn được gọi là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng đã tiềm ẩn những bất cập chậm được khắc phục, dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình xã hội hiện thực đó. Tiếp theo là những sai lầm nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Liên Xô mà đứng đầu là Tổng Bí thư M.Goócbachốp, được những người có trách nhiệm trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng phân tích, đánh giá một cách chính xác từng hành vi chính trị của con người này sau khi Liên Xô sụp đổ.
Những nguyên nhân bên ngoài là sự chống phá của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội mà Liên Xô được xem là thành trì của phe xã hội chủ nghĩa. Những khẩu hiệu được nêu ra vào thời “hai phe”, “lưỡng cực” thể hiện quyết tâm của các nước xã hội chủ nghĩa muốn bằng những tiến bộ về kinh tế, chính trị và xã hội để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” rốt cuộc đã không thu được kết quả, thậm chí còn chuốc lấy sự thất bại thảm hại của mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực với nhiều khiếm khuyết của nó. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ chỉ chú trọng về mặt hình thức, phô trương một số mặt tiến bộ của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề về sở hữu để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, để mọi công dân của nó đều được hưởng thụ những gì nhà nước đem lại mà không có những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, làm cho nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp trở nên bất cập trước xu thế của thời đại. Trong khi đó, các nước tư bản lại không ngừng điều chỉnh về nhiều mặt nhằm làm cho mức sống của người lao động ở đó được nâng cao và làm dịu đi các mâu thuẫn xã hội và đấu tranh giai cấp. Mặt khác, để xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, các nước đế quốc, đứng đầu là Mỹ đã ráo riết hoạt động chống phá Liên Xô, từ chỗ không thể dùng sức mạnh quân sự, chúng đã sử dụng đến các biện pháp khác như ly khai, “diễn biến hòa bình” và cuối cùng, là liệu pháp tha hóa những chính khách của các nước xã hội chủ nghĩa.
Tìm hiểu quan điểm của các học giả Việt Nam về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, chúng tôi tạm quy các quan điểm đó theo hai hệ nguyên nhân cơ bản là bên trong và bên ngoài.
Các quan điểm đề cập đến hệ nguyên nhân bên trong thuộc ba lĩnh vực cơ bản: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Ngoài ra, còn có các quan điểm về sự phản bội của nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Goócbachốp, hay nói đúng hơn là về âm mưu và hành động của ông ta trong việc xóa bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và làm tan rã Liên bang Xô viết.
Thứ nhất, các quan điểm về nguyên nhân chính trị.
Có thể nói, đây là nguyên nhân căn bản nhất, bởi nó liên quan đến một loạt vấn đề về đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, về thực chất của hệ thống chính trị ở đất nước Xô viết trong suốt 74 năm tồn tại của nó và cuối cùng, về hệ quả của công cuộc cải tổ (perestroika) trong những năm 1985 – 1991.
Trong công trình hợp tác Việt – Nga: “Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội”, nhà nghiên cứu V.N.Sépchencô cho rằng, “nét khác biệt của chủ nghĩa xã hội Xô viết với tư cách là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên là sự độc tài của một đảng, tức là sự lãnh đạo của đảng đối với toàn bộ tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi đó bất cứ vấn đề nào, chẳng hạn kinh tế, văn hóa, thể thao, v.v., đương nhiên được xem là những vấn đề do đảng tổ chức. Đó là dấu hiệu đặc trưng của mô hình tổng động viên về phát triển xã hội”(1).
Theo chúng tôi, sai lầm của Đảng không phải hoàn toàn ở tính độc tài của một đảng; thêm nữa, đã từng có những thời kỳ mà mô hình tổng động viên đã phát huy tác dụng, chẳng hạn Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế những năm 30 và cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô viết trong thế kỷ qua. Song, từ những năm 60, khi Liên Xô tuyên bố đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bắt đầu chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển, thì tình hình đã thay đổi. Điều đó kéo theo sự thay đổi về mặt lý luận là phải hiểu bước quá độ mới đó như một quá trình cách mạng không phải từ “trên”, mà phải làm cho nhân dân hiểu rõ đó là sự nghiệp của chính bản thân họ, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả “bên dưới”. Điều đó đã không được thực hiện, lại thêm tệ quan liêu và sùng bái cá nhân những người lãnh đạo đã trở nên cố hữu mà theo tác giả Ngô Hoan, đã làm cho “Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành quyền lực tối cao, hòa trộn chức năng giữa Đảng và chính quyền, dẫn tới Đảng có sự bao biện, làm thay các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, làm cho bộ máy của Đảng cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, không tập trung được vào công việc chủ yếu của mình”(2). Nhận định này cũng gần gũi với quan điểm của  V.N.Sépchencô cho rằng, “trong nhiều khiếm khuyết [của Đảng] có một khiếm khuyết căn bản – đó là sự già cỗi của toàn bộ hệ thống điều hành tổng lực của đất nước. Sự toàn quyền của bộ máy Đảng – Nhà nước, sự thiếu vắng trên thực tế những hình thức kiểm tra thực sự đối với hoạt động của Đảng, - tất thảy điều đó làm xuất hiện các hành vi mới và ngày càng nguy hiểm của chủ nghĩa duy ý chí”(3). Sự độc tài, chuyên quyền dễ dàng dẫn đến buông lỏng việc thanh tra, kiểm soát, hạn chế đến tối đa quyền dân chủ của nhân dân. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã làm mất đi sự phản biện xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, dù nó xuất phát từ bộ máy quan liêu, từ quan điểm duy ý chí và mệnh lệnh vẫn được cho là duy nhất đúng, là sáng suốt.
Đề cập đến vấn đề thiếu vắng sự phản biện xã hội thời Liên Xô, tác giả Trần Đăng Tuấn cho rằng, “thực tế diễn ra ở Liên Xô trước đây, riêng trong vấn đề phản biện xã hội, cho ta hai bài học đau xót. Bài học đầu tiên là mặc dầu có một hệ thống nghiên cứu khoa học xã hội rất đồ sộ và trình độ dân trí rất cao, nhưng các đường lối, chính sách lớn lại không có sự phản biện xã hội thật sự… Phải nói rằng, thiếu phản biện xã hội thực sự, phản biện xã hội có tổ chức trong giai đoạn thể chế chính trị còn rất ổn định tại Liên Xô thời Brêgiơnép đã khiến cho Ban lãnh đạo Xô viết khi đó không nắm bắt được các yêu cầu và thách thức xã hội đang ngầm trở thành hiểm họa, do đó không sớm xử lý được nhiệm vụ chính trị, góp phần dẫn đến tình trạng sụp đổ ở giai đoạn sau.
Bài học thứ hai còn cay đắng hơn, là khi đứng trước tình huống bị tụt hậu khá xa về kinh tế, khi cả xã hội nhận thức được rằng, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể đứng vững và vượt lên nếu tạo được năng suất lao động không thua kém (điều mà Lênin từng khẳng định như một nguyên tắc sống còn), khi cần đưa ra những chủ trương, đường lối mới, thì nhóm Goócbachốp vừa không thoát khỏi cách làm cũ (quá trình dự thảo chính sách vẫn thiếu sự chuẩn bị khoa học), nhưng đồng thời lại phạm vào những sai lầm mới: biến phản biện xã hội thành một quá trình không kiểm soát được, biến hoạt động khoa học và lý luận của các cơ quan soạn thảo văn kiện nhiều khi thành một hoạt động dạng câu lạc bộ vô chính phủ”(4).
Tình trạng vô chính phủ có nguyên nhân từ sự hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng thời cải tổ. Nhà hoạt động chính trị, đồng thời là nhà khoa học xã hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “trong hành động thực tế, người ta không chăm lo củng cố các tổ chức Đảng, không giữ vững các tổ chức và sinh hoạt Đảng, xem nhẹ vấn đề lãnh đạo nhà nước thông qua các tổ chức Đảng làm cho hệ thống của Đảng tan rã, kỷ luật lỏng lẻo, tổ chức Đảng không kiểm tra, giám sát được đảng viên, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng quá yếu”(5). Như vậy, trong đường lối lãnh đạo của Đảng, việc ôm đồm trách nhiệm của Đảng đối với các cơ quan nhà nước cũng như việc buông lỏng sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng đối với các cơ quan đó đều dẫn đến tình trạng vô tổ chức, không chỉ làm cho sức chiến đấu của Đảng suy yếu, mà tệ hại hơn, còn làm tan rã hệ thống của Đảng.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô là từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin. Thông qua công cuộc cải tổ, Ban lãnh đạo Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Goócbachốp đã loại dần những người trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin. Không chỉ thế, ông còn cho rằng, học thuyết Mác – Lênin đã lỗi thời, thậm chí còn sai lầm. Từ đó, đúng như nhận định của tác giả Nguyễn Phú Trọng, “người ta đã xem nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh những giá trị chung toàn nhân loại, xem nhẹ chuyên chính vô sản, nhấn mạnh hòa hoãn, nhân quyền, cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, xét lại sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhấn mạnh vấn đề dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa đế quốc, nhấn mạnh vấn đề công khai, xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung trong Đảng... dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt tư tưởng”(6). Hậu quả nghiêm trọng đó, theo tác giả Nguyễn Phú Trọng, “chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác – Lênin: sai cả về thực hiện các nguyên lý cơ bản, về vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng”(7). Về điều này, tác giả Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, “việc chưa hiểu, chưa rõ sứ mệnh khoa học và thiếu mất cương lĩnh thực thi hiệu quả, điều đó có nghĩa là chủ nghĩa Mác – Lênin bị hiểu một cách giáo điều, nóng vội dẫn đến “ly thân” của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính điều đó khiến Đảng Cộng sản Liên Xô đã đi chệch khỏi những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”(8).
Nguyên nhân chính trị tiềm ẩn ngay trong hệ thống chính trị đã trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô. Và, từ khi Đảng này chủ trương cải tổ thì nguyên nhân đó trở thành nguyên nhân trực tiếp - đó là tệ quan liêu. V.N.Sépchencô cho rằng, “tệ quan liêu của Đảng – Nhà nước là tội phạm cơ bản giết chết chủ nghĩa xã hội. Trong lúc những người dân bình thường đang đấu tranh vì nền dân chủ, vì tự do chính trị và các quyền công dân, tệ quan liêu của giới chức quyền đã lẳng lặng dựa vào quyền sở hữu để thu vén cho mình những miếng béo bở nhất vốn của sở hữu toàn dân nay bỗng chốc trở thành vô chủ. Sở hữu có được một cách phi pháp đó về sau được thừa nhận về mặt pháp lý sau khi tiêu diệt bằng bạo lực các thể chế Đảng - Xôviết của chính quyền và quản lý”(9).
Theo chúng tôi, chính tệ quan liêu trong hệ thống chính trị đã vi phạm một cách thô bạo nguyên tắc tập trung dân chủ. Ngay cả trong thời kỳ tưởng như ổn định nhất của hệ thống chính trị, sự vi phạm đó đã xẩy ra; còn vào thời cải tổ, dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, “công khai hóa” sự vi phạm đó đã bộc lộ một cách rõ nét hơn, nó tạo điều kiện cho “những phần tử cực đoan, bất mãn lợi dụng để nói xấu Đảng, xuyên tạc, vu cáo Đảng làm tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín chung của toàn Đảng”(10). Sự vi phạm này đã tạo đà cho sự suy thoái đạo đức, lối sống ở những đảng viên của Đảng, khiến họ chỉ còn biết chú trọng đến việc tranh giành địa vị, tham ô, hối lộ, lạm dụng chức quyền, từ đó dẫn đến tình trạng xa rời quần chúng, làm mất đi niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng đối với Đảng. Nói tóm lại, chính những người cộng sản đã “tự phá mình”, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát sinh những nguyên nhân bên ngoài để phá nát không chỉ bản thân Đảng, mà cả thể chế của đất nước.
Một nguyên nhân căn bản trong các nguyên nhân chính trị, như trên chúng tôi đã đề cập, đã trở thành nguyên nhân bên trong và trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cải tổ của Liên Xô những năm 80. Thoạt đầu, chủ trương đổi mới, cải tổ được coi như là cái tất yếu nhằm khắc phục tình trạng trì trệ kéo dài nhiều năm mà vốn được gọi là nguyên nhân sâu xa. Nói về điều này, giáo sư Nguyễn Duy Quý cho rằng, việc Đảng Cộng sản Liên Xô lựa chọn cải cách chính trị cho bước đi ban đầu của cải tổ là sai lầm, bởi “đây là một lĩnh vực nhạy cảm, nhất là trong chính trị lại lấy dân chủ, công khai vô nguyên tắc làm chìa khóa”(11). Sai lầm đó đã đẻ ra một loạt các sai lầm khác, từ chỗ có mục đích khắc phục những khiếm khuyết hình thành nên nguyên nhân sâu xa, Đảng ngày càng sa lầy trong lĩnh vực cải tổ. Cụ thể, tại Đại hội lần thứ XXVIII của Đảng, người ta không hề nhắc tới nguyên tắc tập trung dân chủ mà chỉ nói tới dân chủ trong mối liên hệ của nó tới đa nguyên chính trị. Ban đầu là những ý kiến mang tính đa nguyên, đa chiều, sau đó dẫn tới đa nguyên chính trị và hệ quả tất yếu của nó là đa đảng. Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Phú Trọng viết: “Thế là ngay tức khắc, hàng chục đảng đối lập rồi hàng trăm, hàng nghìn tổ chức chính trị - xã hội đối lập mọc ra nhanh như nấm sau cơn mưa. Trong nội bộ Đảng cũng có sự phân hóa, chia rẽ thành nhiều bè cánh đối chọi nhau”(12).
Chúng tôi cho rằng, đa đảng và hiện tượng các tổ chức chính trị - xã hội xuất hiện không phải không có nguyên nhân và chưa hẳn đã là tai họa cho đất nước. Lấy thí dụ như ở Trung Quốc, một đất nước không chỉ có một đảng mà vẫn tiếp tục phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội. Vấn đề là ở chỗ, sự đấu tranh giữa các đảng phái, các tổ chức chính trị có đem lại sự định hướng đúng đắn cho đất nước phát triển hay không, hay chỉ là sự đấu tranh vì những mục đích khác, thậm chí do các thế lực chống phá bên ngoài xúi giục để làm hại đất nước. Hiện tượng nêu trên của sự nghiệp cải tổ đã gây ra những mâu thuẫn, đấu tranh vì nhiều mục đích khác nhau trong bản thân Đảng Cộng sản Liên Xô là điều vô cùng tai hại; nó đã phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, làm yếu đi sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và hệ quả như chúng ta đều thấy. Vấn đề này được chúng tôi đề cập tới trong phần nói về vai trò của Goócbachốp.
Thứ hai, các quan điểm về nguyên nhân kinh tế.
Nguyên nhân kinh tế dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô là nguyên nhân bên trong, bao hàm cả nguyên nhân sâu xa. Những nguyên nhân này đã được các chuyên gia kinh tế - chính trị học phân tích kỹ lưỡng. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung xem xét những ý kiến bàn về các quan điểm đó trên ba phương diện cơ bản: sai lầm về sở hữu, về sự vận hành một nền kinh tế trái quy luật và sau cùng, là sai lầm trong chính sách quản lý kinh tế.
Có thể nói, sai lầm về sở hữu xuất phát từ sai lầm trong cách hiểu và vận dụng quan niệm về chủ nghĩa xã hội của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo M.I.Voeicốp, “khái niệm chủ nghĩa tư bảnchủ nghĩa xã hội chứa nội dung chính trị rõ ràng, và về mặt lý luận có thể quy kết một cách rất thiển cận rằng, chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng hơn, nhân văn hơn và dân chủ hơn chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn kế tiếp của chủ nghĩa tư bản trong lịch sử phát triển. Đó không phải là một giai đoạn lịch sử song hành, mà là hậu tư bản chủ nghĩa”(13).
Tán thành quan điểm này, Iu.K.Plétnicốp cho rằng, “C.Mác và Ph.Ăngghen không phân biệt khái niệm chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội… Các giai đoạn phát triển của hình thái xã hội hậu tư bản chủ nghĩa được C.Mác xác định như là giai đoạn thấp và giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa”(14). Giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản thường được đồng nhất với chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn, ở đó công bằng xã hội cho mọi người chỉ có một nghĩa, đó là thủ tiêu giai cấp và sự khác biệt giai cấp.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, như V.I.Lênin đã từng chỉ ra, “chẳng những phải lật đổ bọn bóc lột, bọn địa chủ và bọn tư bản, chẳng những phải xóa bỏ quyền sở hữu của chúng mà còn phải xóa bỏ hết thảy mọi quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, phải xóa bỏ cả sự khác nhau giữa thành thị và nông thôn cũng như sự khác nhau giữa những người lao động chân tay và lao động trí óc. Đấy là công việc rất lâu dài. Muốn hoàn thành công việc đó, phải thực hiện một bước tiến khổng lồ trong sự phát triển lực lượng sản xuất, phải chiến thắng sự phản kháng (thường là tiêu cực, đặc biệt dai dẳng và đặc biệt khó khắc phục) của nhiều tàn dư của sản xuất nhỏ, phải chiến thắng sức mạnh to lớn của tập quán và thói quen thủ cựu gắn liền với những tàn dư đó”(15). Qua đó cho thấy, quan điểm của V.I.Lênin về bước quá độ lên chủ nghĩa cộng sản là vô cùng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì bền bỉ trong thời gian dài không thể xác định. Trái với điều này, Đảng Cộng sản Liên Xô lại ấn định và chủ trương thực hiện bước quá độ đó trong “tổng số thời gian” của các kế hoạch 5 năm qua một số thành tựu chưa thể gọi là đủ cho sự khẳng định Liên Xô là một nước có năng suất lao động cao do phát triển lực lượng sản xuất mạnh mẽ và vượt trội các nước tư bản chủ nghĩa vào những năm 30 của thế kỷ trước. Nói cách khác, đó là tư tưởng nóng vội, không luận chứng một cách khoa học về thực chất và tính lâu dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản.
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, sau khi kết thúc nội chiến (1918 – 1920), nước Nga Xô viết đã đứng trước những thách thức to lớn về mặt kinh tế và chính sách cộng sản thời chiến cần phải được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Với tỷ lệ áp đảo của phần lớn dân cư nước Nga thời đó là nông dân, V.I.Lênin đã đưa ra chính sách kinh tế mới (NEP) nhằm giải quyết mối liên hệ kinh tế giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa (quốc hữu hóa) và kinh tế nông dân. Mặc dù Cương lĩnh của Đảng Cộng sản (năm 1919) xác định trong sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội diễn ra sự xóa bỏ nền sản xuất hàng hóa, thị trường và tiền tệ, nhưng “thay vì  trao đổi sản phẩm (trao đổi hàng hóa) - theo V.I.Lênin - là sự mua bán, mậu dịch bình thường”(16). Có thể nói, (NEP) - phản ánh khá rõ nét sự thay đổi quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội, theo đó việc xây dựng chủ nghĩa xã hội “không phải bằng cách trực tiếp dựa vào nhiệt tình, mà là với nhiệt tình do cuộc cách mạng vĩ đại sinh ra, bằng cách khuyến khích lợi ích cá nhân, bằng cách áp dụng chế độ hạch toán kinh tế”(17). Với đặc thù của nước Nga là một nước tiểu nông bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, vấn đề nông dân được V.I.Lênin đặc biệt quan tâm, đó là làm thế nào để giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung, nhằm thu hút quần chúng nông dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để làm được việc đó, vấn đề mấu chốt là cải tạo hợp tác xã lao động thành hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa, kết quả tất yếu của nó là hình thành nên chủ nghĩa xã hội sơ khai với hai hình thức sở hữu cơ bản – sở hữu nhà nướcsở hữu tập thể. Theo Iu.K.Plétnicốp, thay vì “cần phải có cách tiếp cận mới đối với việc giải quyết vấn đề về hình thức kế hoạch hóa, về vận mệnh của nền sản xuất hàng hóa, thị trường, quy luật giá trị, v.v.”(18), người ta đã cấp bách hóa vấn đề chuyển hướng kinh tế giữa các thành phần kinh tế nói trên.
Về vấn đề sở hữu, tác giả Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, việc “quá nhấn mạnh sự thống nhất (nhất nguyên) của chế độ sở hữu theo đó gần như chỉ còn sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể dẫn đến chỗ xã hội hóa, tập thể hóa tràn lan vội vã khi mà lực lượng sản xuất còn thấp”(19). Hệ quả của hai hình thức sở hữu đó đã tác động xấu đến nền kinh tế Liên Xô trong một thời gian dài, khiến không thể tránh khỏi sự “chèn ép các sở hữu tư nhân và coi nhẹ sở hữu cổ phần cũng như các hình thức kinh doanh đa sở hữu khác gây ra sự gia tăng tình trạng độc quyền phi kinh tế và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí do cảnh sở hữu “cha chung không ai khóc”, “tranh công đổ tội”, ai cũng có quyền ra lệnh, can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nhưng không ai chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung”(20).
Nói tóm lại, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là một thời đoạn lịch sử lâu dài, ở đó luôn tồn tại một đặc trưng về kinh tế - xã hội là nền kinh tế hỗn hợp, hay còn gọi là nền kinh tế nhiều thành phần và song hành với nó là các hình thức sở hữu tương ứng. Iu.K.Plétnicốp cho rằng, “nền kinh tế hỗn hợp là nền kinh tế nhiều thành phần mà ở đó, cùng tồn tại và tác động lẫn nhau của các kiểu sở hữu khác nhau về tính chất hình thái của mình trong lịch sử”(21). Song, thay vì tiếp tục kế thừa nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Xô viết trong một thời gian dài đã thực hiện việc cung cấp tư liệu sản xuất cho các ngành kinh tế quốc dân, trao đổi hàng hóa trong nội bộ với giá trị của nhà nước. Sự bất hợp lý này đã bộc lộ những hạn chế của nó, bởi nhu cầu hàng tiêu dùng của con người không bao giờ dừng lại ở mức độ thỏa mãn về lượng, mà cả về chất, tức là cả phương diện thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ, làm cho nhân dân luôn luôn phải mua những thứ hàng tiêu dùng (cả mậu dịch lẫn phi mậu dịch) với giá rất cao từ các nước tư bản. Đó là chưa kể đến việc thiếu hụt thường xuyên các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, tạo cơ hội cho những kẻ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước tạo ra sự thiếu thốn nghiêm trọng các mặt hàng đó vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Có thể nói, việc không tôn trọng quy luật giá trị và không chấp nhận nền kinh tế thị trường do hoạt động bình thường của các thành phần kinh tế đáng ra phải tiếp tục duy trì đã làm cho nền kinh tế Liên Xô ngày càng gặp nhiều khó khăn do cơ chế xơ cứng, ở đó các cơ sở không có quyền chủ động, thậm chí tâm lý thụ động luôn thường trực, chờ đợi sự “rót xuống” từ trên, khiến cho nền kinh tế đó trở nên kém hiệu quả và trên thực tế, đã trở thành “một nền kinh tế không chú trọng đầy đủ tới đặc điểm của nền kinh tế hàng hóa và quy luật giá trị, tới cơ cấu đa dạng của sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị cao để cạnh tranh trên thị trường”(22). Tình trạng này cộng thêm tệ quan liêu, mệnh lệnh hành chính ngày càng trầm trọng trong lãnh đạo, quản lý kinh tế đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô.
Thứ ba, các quan điểm về nguyên nhân văn hóa - xã hội.
Các quan điểm bàn về nguyên nhân này khá nhiều và tương đối thống nhất. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong công trình “Những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đó là “sự vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, sự không nghiêm minh trong việc thực hiện pháp luật, kỷ luật cũng như những hạn chế trong việc thực hiện công bằng xã hội. Tính hình thức và bệnh giáo điều đã làm cho công tác giáo dục hệ tư tưởng và ý thức xã hội xa rời thực tế cuộc sống, lý luận tách rời thực tiễn. Các hoạt động văn hóa tinh thần vốn là hình thức biểu hiện sự phong phú về nhân cách và các cá tính sáng tạo đã có thời kỳ rơi vào sự đơn điệu, nghèo nàn, không phản ánh một cách chân thực và khách quan đời sống của xã hội và của cá nhân với sự tăng lên không ngừng nhu cầu văn hóa tinh thần của nó”(23).
Ngoài những nguyên nhân nói trên còn nhiều nguyên nhân khác về văn hóa – xã hội. Đó là việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học cơ bản vào thực tiễn đời sống không được thực hiện một cách thường xuyên, một mặt, do sự quy định quá ngặt nghèo của nền kinh tế kế hoạch hoá cứng nhắc; mặt khác, trong kinh tế đối ngoại, Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không quan tâm thoả đáng đến vấn đề tiếp thu công nghệ tiên tiến của các nước tư bản trên thế giới, làm cho năng suất lao động ngày càng sụt giảm, sự tiêu thụ năng lượng quá cao làm cho giá thành sản phẩm cao, mất hẳn thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Từ khi Liên Xô tiến hành cải tổ, chủ trương dân chủ hóa xã hội và công khai hóa đã dẫn đến chỗ làm mất niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác – Lênin, đến sự xuất hiện tràn lan những tờ báo vượt ra ngoài vùng kiểm soát chính trị của Đảng, tạo đà cho các thế lực phản động nước ngoài chia rẽ, ly khai. Ngay trong nội bộ Đảng và bộ máy nhà nước cũng xuất hiện một thế hệ các nhà lãnh đạo hữu khuynh, cơ hội, luôn giành cho bản thân những đặc quyền, đặc ân để chiếm đoạt tài sản của đất nước và làm giàu cho bản thân. Chính sự tham nhũng của họ là nguyên nhân đầu tiên tạo ra sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội xã hội chủ nghĩa vốn tôn trọng sự bình đẳng, công bằng.
Thứ tư, các quan điểm về sự phản bội của M.Goócbachốp.
Như chúng ta đều biết, tên tuổi của M.Goócbachốp gắn liền với sự nghiệp cải tổ ở Liên Xô, kể từ khi ông bắt đầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985. Theo V.N.Sépchencô, “mục đích của cải tổ mà M.Goócbachốp triển khai giữa thập niên 80 là sự cải tổ căn bản tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, và theo nghĩa đó thì sự cải tổ có khuynh hướng cách mạng. Những bước đầu tiên của cải tổ được thực hiện đúng hướng. Chúng đều hướng vào việc đẩy nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế của đất nước, điều đó đã tạo được sự nhiệt tình to lớn trong xã hội. Nhưng sau đó, M.Goócbachốp lại muốn tiến hành cải cách chính trị, như chính ông ta bộc lộ, nhằm phá nát hệ thống hành chính mệnh lệnh. Thực ra thì ông ta mở toang cửa cho sự ăn cướp vô tội vạ sở hữu nhà nước, thế là các cuộc tư bản hóa đất nước được bắt đầu. Từ việc thay đổi hệ thống kiểm tra đã xảy ra sự tan rã thực sự toàn bộ hệ thống xã hội – từ bộ máy Đảng và Nhà nước đến những thiết chế giá trị của nhân dân Xô viết. Sự phê phán những khiếm khuyết có thật cũng như bịa đặt của chế độ đều biến thành sự phủ định chế độ đó rất nhanh. Các cuộc cải cách chính trị dẫn tới sự đổ vỡ nền kinh tế và xã hội, đồng thời cũng tạo điều kiện tốt cho hoạt động của các thế lực chống chủ nghĩa xã hội”(24). Nhận định này của các tác giả công trình hợp tác Việt – Nga mang tính khái quát.
Trong cuốn sách tham khảo với nhan đề “Sự phản bội của Goócbachốp”, có 5 bài viết về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và một số nước khác mà ở đó, bản thân Goócbachốp đóng vai trò quan trọng cho thảm họa to lớn đó. Bài viết của Thiếu tướng KGB (Uỷ ban An ninh Quốc gia) - Étduard Iacôvlép đã vạch trần những thủ đoạn phá hoại của vị Tổng Bí thư cuối cùng này đối với Đảng và Nhà nước Liên Xô(25). Đó là: trong lĩnh vực chính trị, ông ta đã thay dần những người trung thành với học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô bằng những phần tử cơ hội, tham nhũng cùng chí hướng với mình vào bộ máy của Đảng và Nhà nước, tước bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo của Đảng, v.v.. Trong lĩnh vực kinh tế, ông ta đã tiến hành tư bản hóa, cổ phần hóa tài sản của quốc gia và của các tập thể lao động hơn 70 năm gây dựng bằng cách gây ra sự thiếu thốn giả tạo về các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân để phủ nhận vai trò điều tiết kinh tế của Nhà nước, v.v.. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, ông ta đã nới lỏng việc quản lý báo chí, đồng thời cho ra đời nhiều tờ báo cổ súy cho những sai lầm của chính ông ta và các cộng sự, nhất là những sai lầm về “dân chủ hóa” và “công khai hóa”. Chính các tờ báo thuộc loại như vậy đã cổ vũ sự ly khai, phủ nhận những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội…
Điểm đáng lưu ý là trước những mưu toan phá hủy chủ nghĩa xã hội như vậy của một vị Tổng Bí thư mà các tổ chức đảng, những đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô lại tỏ ra bất lực, hoàn toàn đánh mất tính chiến đấu để bảo vệ Đảng. Điều đó có nguyên nhân sâu xa, một mặt, là do tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ của Đảng; mặt khác, là do sự sắp đặt một cách bài bản, buộc tất cả các đảng viên phải tuyệt đối tin theo sự nghiệp cải tổ và sẵn sàng trừng trị những ý kiến trái ngược với chủ trương cải tổ, làm cho những ý kiến phản biện xã hội không thể xuất hiện hoặc bị vô hiệu hóa như trên chúng tôi đã đề cập tới.
Thứ năm, sự chống phá của các thế lực thù địch nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước Liên Xô.
Có thể nói, Liên Xô vốn được xem là thành trì của chủ nghĩa xã hội trước đây, đồng thời cũng là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch. Trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng chục năm, các thế lực chống phá bên ngoài Liên Xô đã sử dụng mọi thủ đoạn, từ thông tin đại chúng đến “diễn biến hòa bình” nhằm chia rẽ cộng đồng các dân tộc Xô viết. Tuy nhiên, kẻ thù nguy hiểm nhất, đồng thời cũng là chủ thể của mọi hoạt động phá hoại chính là “lực lượng theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa khoác những chiếc áo dân tộc... Trên bề mặt thì tất cả đều yên tĩnh, vang lên những lời nói vui vẻ về tình hữu nghị giữa các dân tộc, nhưng ở bên trong thì âm ỉ những lò lửa của sự hằn thù”(26). Lực lượng này đã tiếp tay cho các hoạt động gián điệp kích động việc chống phá nhà nước, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa và lý luận của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong điều kiện cải tổ, những nhân vật chính trị của Mỹ đã lợi dụng khẩu hiệu “dân chủ hóa”, “công khai hóa” để phát triển các thế lực chống phá từ bên trong ở các nước cộng hòa.
Các thế lực chống phá bên ngoài đã ráo riết “loại bỏ vai trò thống trị của hệ tư tưởng Mác – Lênin trên đất nước Xô viết, thủ tiêu lòng trung thành của những cán bộ cốt cán cũng như của nhân dân đối với hệ tư tưởng đó, tạo ra làn sóng chống đối của dân chúng vào chế độ xã hội đương thời, truyền bá ý thức hệ tư sản và lối sống phương Tây vào Liên Xô, từng bước làm xói mòn dẫn tới mất niềm tin cộng sản của mọi thành viên trong xã hội Xô viết vào chính chế độ xã hội mà họ đang sống”(27).
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, nếu không có sự hậu thuẫn của những mưu đồ phản bội, phá hoại chủ nghĩa xã hội của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô là Goócbachốp và những “đồng chí” thân cận do ông ta đưa vào Bộ Chính trị, như Jacốplép, Sêvadnadze, Gaida, v.v., cũng như sự thiếu ý thức chính trị của các đảng viên thời bấy giờ, thì những điều tai hại nhất đã không xẩy ra. Các thế lực thù địch từ bên ngoài đã tăng cường hoạt động chống phá, lên kế hoạch hết sức cụ thể mà chủ tịch KGB thời bấy giờ là “Criusơcốp báo cáo trước phiên họp kín của Xô viết tối cao về kế hoạch của phương Tây làm tan rã Liên Xô và đây là lần đầu tiên nói đến cơ quan tình báo nước ngoài sử dụng cái gọi là điệp viên gây ảnh hưởng”(28). Bản thân Goócbachốp không những “không tin vào điều đó”, mà còn tỏ ra bực bội và không chỉ thế, ông ta còn tin tưởng vào phương Tây, hy vọng vào khoản viện trợ kinh tế để khắc phục khó khăn do chính mục đích phá hoại của ông gây ra, nghĩa là “dựa vào sự chân thành” của ông đối với phương Tây về chiến lược quân sự của Liên Xô, thực hiện “dân chủ hóa” và “công khai hóa” để lấy lòng phương Tây, chờ đón sự viện trợ của phương Tây. Qua nhiều tài liệu cho thấy, sự trớ trêu đến không tưởng đã diễn ra trong một lãnh tụ đầy mưu kế như Goócbachốp nhưng lại ấu trĩ trước những “chiếc bánh vẽ” của các thế lực thù địch mà đứng đầu là Mỹ. Sự kết hợp “hài hòa” giữa “thù trong” và “giặc ngoài” được thể hiện qua thái độ của nước Mỹ không những xem ngày Goócbachốp lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là ngày cách mạng Nga lần thứ hai, mà còn khẳng định rằng “Goócbachốp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”(29). 
2.    Tiền đồ của chủ nghĩa xã hội
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu gần 20 năm nay đã trở thành chủ đề tuyên truyền của nhiều thế lực thù địch, rằng vận mệnh của chủ nghĩa xã hội đã kết thúc và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Tại lễ Kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, trong bài phát biểu với nhan đề: “Tư tưởng vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga đã chiếu sáng con đường đấu tranh giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam”, đã khẳng định, “cũng giống như nhiều cuộc cách mạng khác, cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể tiến lên một cách dễ dàng, bằng phẳng mà phải trải qua nhiều thách thức, có lúc phải trải qua bước quanh của lịch sử, có những lúc thoái trào tạm thời, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội hiện thực, không phải sự sụp đổ của bản thân chủ nghĩa xã hội với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản trong tiến trình lịch sử”(30).
Như vậy, nói đến tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, thứ nhất, cần khẳng định một điều là, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu không mang tính tất yếu và vì thế, không thể là dấu chấm hết cho sự phát triển của nó trong tương lai. Thứ hai, nhiều vấn đề đương đại và trong tương lai của nhân loại chỉ có thể được giải quyết một cách đầy đủ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là vấn đề sinh thái, sự công bằng và bình đẳng, dân chủ và văn minh của xã hội loài người, đồng thời đó cũng là niềm mơ ước tối thiểu hàng ngàn đời mà dưới chế độ tư bản cũng như các chế độ trước đó không thể giải quyết được. Thứ ba, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là bài học quý giá đối với việc xác định mục đích, phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XXI.
Trong thế kỷ XX, nhất là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, dẫn đến việc thiết lập chính quyền nhân dân và xác lập sở hữu xã hội về những tư liệu sản xuất chủ yếu, đảm bảo sự công bằng xã hội trong sản xuất, lao động và phân phối sản phẩm. Điều đáng tiếc là, chính quyền và sở hữu thuộc về những người lao động từng phát huy hiệu quả trong thời kỳ nước Nga dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin đã không được tiếp tục phát huy, mà còn bị xuyên tạc để dẫn đất nước đến sự khủng hoảng nghiêm trọng, cuối cùng là sự sụp đổ toàn bộ hệ thống chính trị.
Song, từ thực tế cuộc sống của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Liên Xô cũng như các nước Đông Âu, đại đa số nhân dân vẫn tỏ ra luyến tiếc và có tình cảm sâu đậm đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bằng chứng cho thấy là, ở nhiều nước nói trên, nhân dân vẫn lựa chọn những người đứng đầu nhà nước từ các đảng xã hội chủ nghĩa; Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba và nhiều nước khác theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn đứng vững và phát triển. Tuy nhiên, việc rút ra bài học và những việc cần phải làm để phát triển về chất của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI có liên quan trực tiếp đến tiền đồ của chủ nghĩa xã hội ở chính những nước đang tiếp tục thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như những nước khác trên thế giới đang từng bước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm sau đây của các tác giả công trình hợp tác Việt - Nga “Vận mệnh của chủ nghĩa xã hội”, khi họ đề cập tới ba cấp độ cơ bản và mới về chất của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong tương lai mà loài người phải hướng tới:
Một là, chủ nghĩa xã hội với tư cách là văn hóa, là văn minh hóa văn hóa, chứ không chỉ giản đơn là sự vận động của vật chất và phúc lợi vật chất của mọi người và của các dân tộc... Tính chất văn minh của văn hóa trong thế kỷ XXI sẽ trở thành phẩm chất cấu thành cần thiết nên tính xã hội chủ nghĩa do nhân dân tạo ra;
Hai là, chủ nghĩa xã hội với tư cách là chủ nghĩa nhân văn, như một hệ thống của tất cả các quan hệ xã hội không chỉ trên nguyên tắc loại trừ mọi hình thức bóc lột, áp bức, bần cùng hóa, bạo lực, mà căn bản với tư cách là sự bão hòa các quan hệ xã hội toàn diện đó và lối sống hàng ngày của con người xứng đáng với tính chất của loài người luôn quan tâm đến hạnh phúc và vị thế của họ. Con người nhân đạo được làm giàu bởi những thành tựu văn hóa, trước hết chính là con người xã hội, sống một cách nhân văn giữa mọi người;
Ba là, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như là sự bảo đảm tính phụ thuộc biện chứng và sâu sắc của sự phát triển tự do từng cá nhân với sự phát triển tự do của mọi người trong xã hội. Những lời nói nổi tiếng đó của C.Mác và Ph.Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” về xã hội mới sẽ trở thành hiệp hội, “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” …
Ba phẩm chất mới đó của tính xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mà thế kỷ mới, thế kỷ XXI đưa ra như là những phẩm chất lý tưởng của sự vận động tới cộng đồng mới của con người. Do vậy mà sự bứt phá về chất từ chủ nghĩa xã hội thế kỷ XX vốn chưa chín muồi, được hình thành một cách sai mẫu ở một loạt các nước, trong đó có Liên Xô, tới tính xã hội chủ nghĩa mới, cao hơn, phức tạp hơn, trưởng thành và giàu có hơn ở thế kỷ XXI sẽ được thực hiện. Đó sẽ là một xã hội khác về chất của xã hội xã hội chủ nghĩa”(31).
Cũng trên tinh thần đó, Văn kiện Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(32). Đó cũng chính là sự hiện thực hóa vào đời sống xã hội Việt Nam một mô hình chủ nghĩa xã hội mới được phát triển về chất mà các học giả Nga – Việt đã nêu lên ở trên.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, trước hết phải có nhận thức lý luận đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, cần đặt và giải quyết hai câu hỏi lớn - đó là chủ nghĩa xã hội là gì? Và, xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào?
Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề lý luận được đặt ra từ lâu và nó còn tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện cho đến khi chủ nghĩa xã hội thực sự được xây dựng ở một nước, nhiều nước và trên toàn thế giới. Sự bổ sung và hoàn thiện đó chính là tìm ra cái mới trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, thứ nhất, phải đi từ nhận thức chung, “có phần trừu tượng và có khuynh hướng lý tưởng hóa hiện thực, thoát ly thực tiễn đến chỗ hình dung chủ nghĩa xã hội ngày càng cụ thể, thiết thực, đặc biệt là đặt đúng vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất”(33); thứ hai, phải có nhận thức lý luận về dân chủ mà độc lập, tự do, hạnh phúc được xem là những giá trị căn bản của chủ nghĩa xã hội, ở đó quyền làm chủ của nhân dân luôn luôn được tôn trọng và được đặt lên hàng đầu.
Nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với việc làm cho lý luận đủ sức đóng vai trò vượt trước và dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đi tới thành công. Đề cập đến vấn đề đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Sáu cho rằng, “trước hết, cần đi sâu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin một cách cơ bản và hệ thống nhằm tiến tới nhận thức khoa học và hiện đại trên những vấn đề sau đây:
- Làm sáng tỏ những giá trị còn thật sự đúng đắn, bền vững, cần thiết cho thế giới quan, ý thức hệ của chúng ta.
- Đánh giá những luận điểm của các nhà kinh điển vốn đúng đắn, chính xác, hợp lý ở thời kỳ lịch sử trước đây khi các ông đề xướng nhưng ngày nay thực tiễn biến đổi, đã không còn phù hợp nữa, đòi hỏi phải có những nhận thức, những phát triển mới.
- Cần nghiên cứu với tinh thần phê phán để thấy có những luận điểm mà các nhà kinh điển nêu ra nhưng ngay từ đầu đã không đúng và chính các nhà kinh điển cũng đã có điều chỉnh mà ngày nay, chúng ta cần phải nhận rõ, cần tự giải phóng tư duy và tư tưởng của chính mình, để phát triển mới chứ không lệ thuộc.
- Nghiên cứu với tinh thần tự phê phán và tự đổi mới để thấy cho rõ nhiều luận điểm, tư tưởng của các nhà kinh điển đã từng bị hiểu sai, làm sai do giáo điều, do hạn chế nhận thức dẫn tới. Sự phê phán này phải thực sự là những nghiên cứu khoa học khách quan, nghiêm túc nhất, góp phần củng cố niềm tin khoa học với chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội”(34).
Như vậy, có thể nói, việc xác định nội hàm của khái niệm chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các học giả Việt Nam là trùng hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và nhân dân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tiền đồ của chủ nghĩa xã hội có thể nhận thấy trước hết ở Việt Nam, Trung Quốc và những nước khác kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa theo những nguyên lý phổ quát của chủ nghĩa Mác – Lênin và xuất phát từ đặc thù của mỗi nước. Triển vọng của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI là vô cùng to lớn, bởi chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn trong sự phát triển của nhân loại, đó là vấn đề bảo vệ môi sinh, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ đích thực.
Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu trước hết bởi tính quan liêu, vừa giáo điều lại vừa xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chính sự sụp đổ ấy đã trở thành bài học quí giá không chỉ đối với các nước đang đứng vững và tiếp tục phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà còn đối với những nước khác trên thế giới đang bắt đầu tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là: phải tiếp tục phát triển một cách sáng tạo và khoa học những nội dung căn bản của chủ nghĩa cộng sản khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng; nhận thức đúng nội dung và đặc điểm của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội với tư cách trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn về chất; tôn trọng và không ngừng phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân theo tinh thần của chủ nghĩa nhân văn.(34)
Sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới chỉ là tạm thời, loài người tất yếu và nhất định sẽ đi tới mục đích tốt đẹp trong tương lai – đó là chủ nghĩa xã hội với đúng nghĩa của nó. q


(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.79.
(2) Ngô Hoan. Nguyên nhân và tác động của sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô tới tiến trình cách mạng thế giới hiện nay. (Luận án PTS Khoa học Lịch sử. Bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1995, tr.30).
(3) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.82.
(4) Trần Đăng Tuấn. Muốn có cái nhìn tổng quan về phản biện xã hội. Tạp chí Cộng sản điện tử, số 114-2006.
(5) Nguyễn Phú Trọng. Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã. Tạp chí Cộng sản, số 4 - 1992, tr.19.
(6) Nguyễn Phú Trọng. Tài liệu đã dẫn, tr. 20.
(7) Nguyễn Phú Trọng. Tài liệu đã dẫn, tr. 22.
(8) Nguyễn Chí Mỳ. Tổng quan chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XX Những kinh nghiệm lịch sử // Chương trình Khoa học xã hội cấp nhà nước – KX. 08: Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu: Nguyên nhân sụp đổ và bài học kinh nghiệm (Phùng Hữu Phú, Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Chí Mỳ chủ biên). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.8.
(9) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.89.
(10)  Nguyễn Phú Trọng. Tài liệu đã dẫn, tr.21.
(11) Nguyễn Duy Quý (chủ biên). Những vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.10.
(12) Nguyễn Phú Trọng. Tài liệu đã dẫn, tr. 20.
(13)  M.I.Voeicốp. Tranh luận về chủ nghĩa xã hội. Nxb Dân chủ kinh tế, Mátxcơva. 1999, tr.10, (tiếng Nga).
(14) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.115.
(15) V.I.Lênin. Toàn tập, t.39. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.18.
(16) V.I.Lênin. Sđd., t.44, tr.258.
(17) V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.356.
(18) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.114-115.
(19) Nguyễn Chí Mỳ. Sđd., tr.3-4.
(20) Nguyễn Chí Mỳ. Sđd., tr.6.
(21) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.122.
(22) Nguyễn Duy Quý (chủ biên). Sđd., tr.99.
(23) Nguyễn Duy Quý (chủ biên). Sđd., tr.102-103.
(24) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.188-189.
(25) Xin xem: Sự phản bội của Goócbachốp (Lưu hành nội bộ). Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.7-54.
(26) V.Páplốp, A.Lukianốp, V.Criuscốp. Goócbachốp bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.262-263.
(27) Ngô Hoan. Tài liệu đã dẫn. tr.67.
(28) Sự phản bội của Goócbachốp (Lưu hành nội bộ), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.85.
(29) Ngô Hoan. Tài liệu đã dẫn. tr.76.
(30) Xem: http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143...
(31) Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Sđd., tr.56-58.
(32) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.68.
(33) Nguyễn Văn Sáu. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-2006, tr.22-23.
(34) Nguyễn Văn Sáu. Tài liệu đã dẫn, tr.24-25.