Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

32. Về tham nhũng, phòng và chống tham nhũng - ĐỖ NHẬT TÂN (*)


Trong bài viết này, tác giả đã nêu một cách khái quát về thực trạng, quy mô và tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển của xã hội; về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua ở nước ta. Theo tác giả, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta chưa cao là do liều lượng của các biện pháp phòng, chống tham nhũng hiện còn chưa đủ mạnh, chưa nhằm trúng khâu đột phá. Khâu đột phá đó, như quan niệm của tác giả, là cần trừng phạt nghiêm những kẻ tham nhũng, đặc biệt với những kẻ tham nhũng là đảng viên cán bộ.
Tham nhũng và chống tham nhũng là hiện tượng xã hội đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ thứ XX, tham nhũng nổi lên như căn bệnh ác tính bùng phát, đe doạ cả nền kinh tế, văn hóa lẫn đạo đức của loài người, có sức tàn phá và ngăn cản rất lớn đối với sự phát triển của mọi quốc gia.
Trong khoảng chừng 30 năm nay, nhiều quốc gia, nhiều khu vực đã hao tâm, tổn trí rất nhiều vào việc tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, đưa ra những tuyên bố cứng rắn và mở những chiến dịch rộng rãi để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, song hiệu quả còn xa với yêu cầu của sự phát triển và đòi hỏi của nhân loại tiến bộ.
Tham nhũng và thực trạng tham nhũng hiện nay
Về khái niệm tham nhũng.  Trong khoản 2, Điều 1 của Luật Phòng, chống tham nhũng của Nhà nước ta có hiệu lực thi hành từ ngày 1 - 6 - 2006 đã ghi: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Ở khoản 3, Điều 1, của bộ luật trên đã giải thích rõ người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: “a) Cán bộ công chức, viên chức; b) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Như vậy, theo quan điểm này, phải chăng người dân thường không có chức vụ và những quyền hạn như quy định trong Luật, mà họ chỉ có những quyền hạn của người công dân, không phải là đối tượng có thể tham nhũng và do vậy, họ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật này? Tôi cho rằng, người dân thường không có chức, quyền, như Luật đã nêu, nhưng họ vẫn có thể lợi dụng quyền công dân của mình để tham nhũng. Ví dụ, họ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của mình để gây rối, gây nhiễu, làm khó trong quan hệ xã hội, trong quản lý, điều hành đất nước; hoặc lợi dụng quyền sử dụng đất đai, nhà cửa của mình để ép Nhà nước, chủ đầu tư phải đền bù giá cao làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng không tốt đến nhiều công trình, dự án có liên quan mật thiết đến vấn đề quốc kế, dân sinh, v.v.. Những hành vi đó cũng phải được gọi là tham nhũng và chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tác hại của những hành vi tham nhũng này không nghiêm trọng bằng hành vi tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền.
Về thực trạng của tham nhũng. Có thể khái quát rằng, tình trạng tham nhũng ở nước ta là khá phổ biến, xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Ở đâu có vấn đề liên quan đến mối quan hệ về lợi ích vật chất và tinh thần thì ở đó đều xảy ra tham nhũng.
Những hành vi tham nhũng rất đa dạng, phổ biến là hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, dùng tài sản công để biếu xén, hối lộ; lừa đảo chiếm tài sản của Nhà nước, của nhân dân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân để vụ lợi, thu vén quyền lợi cá nhân; lập quỹ trái phép, sử dụng ngân sách không đúng quy định để hưởng lợi. Các hành vi tham nhũng đã và đang xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách, thuế, ngân hàng, hải quan, xuất nhập khẩu, tư pháp, giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội trong quản lý hành chính, công tác xã hội...
Về quy mô của tham nhũng. Có đủ loại, đủ mức độ tham nhũng của cá nhân, của tập thể; tham nhũng không có tổ chức và tham nhũng có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia.
Những thiệt hại do tham nhũng gây ra rất lớn, có vụ tham nhũng về kinh tế làm thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng; làm thoái hóa, biến chất hàng loạt cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Cái thiệt hại đáng kể hơn, nặng nề hơn là tham nhũng đã làm xấu chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào tương lai của một chế độ tốt đẹp mà Đảng ta đang phát động xây dựng.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Cũng như các nước khác, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã diễn ra từ khá sớm và được đặc bieejt coi trọng dưới chế độ xã hội mới. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nạn tham nhuxng, coi đó là một loại “giặc nội xâm”; trong vài thập kỷ gần đây, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã coi tham nhũng là “quốc nạn” và rất tích cực đấu tranh chống tham nhũng.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lên án mạnh mẽ tệ tham nhũng, quyết tâm đấu tranh phòng ngừa và chặn đứng, đẩy lùi tham nhũng. Nhận xét, đánh giá về tình hình tham nhũng và những quốc sách phòng, chống tham nhũng đã được nhiều lần nêu lên trong các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyết định của các cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng. Những chủ trương, biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã liên tục được tuyên truyền đến người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng, bằng học tập, hội nghị, hội thảo chuyên đề ở từng cấp, từng ngành, từng khu vực. Tình hình tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trở thành đề tài thường xuyên trong các báo cáo chỉ đạo định kỳ của Chính phủ, của các cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Đồng thời, nó cũng là những câu chuyện thường ngày phản ánh sự bất bình, bức xúc của mỗi người dân cả ở thành thị lẫn nông thôn, không phân biệt vùng, miền nào.
Các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được triển khai toàn diện, thường xuyên, đợt này nối tiếp đợt khác. Nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được sử dụng, như biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục - cảm hoá, trừng trị bằng pháp luật,... Tuy vậy, tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn không giảm.
Vừa qua, cùng với việc Nhà nước ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 1- 6 - 2006; rồi sự ra đời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, Hội nghị Trung ương 3, khoá X đã ra Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Nghị quyết đã nhận diện một cách khá đầy đủ thực trạng của công tác phòng, chống tham nhũng và  những nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác này. Đồng thời, Nghị quyết đưa ra những mục tiêu, quan điểm phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những chủ trương, giải pháp và cách tổ chức thực hiện một cách toàn diện, sâu sắc.
Những việc làm đó tỏ rõ sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, để làm cho mọi người có đủ bốn điều kiện: 1- không cần tham nhũng, 2- không thể (hoặc rất khó) tham nhũng, 3- không muốn tham nhũng, 4- không dám tham nhũng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các giải pháp này chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Hiện nay, ở nước ta, tình hình “tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(1).
Kết quả chưa khả quan về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua không thể phủ nhận được tính toàn diện, sâu sắc của các biện pháp phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang sử dụng. Điều đó nói lên rằng, liều lượng của những biện pháp ấy chưa đủ mạnh và chưa nhằm trúng khâu đột phá để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Theo tôi, nếu chúng ta tìm đúng được khâu đột phá để phòng, chống tham nhũng thì chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn.
Việc Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực triển khai những biện pháp phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra đủ 4 điều kiện trên để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là rất cần thiết, rất toàn diện. Bởi lẽ:
Để có điều kiện khiến cho người ta không cần tham nhũng thì phải làm cho Nhà nước giàu mạnh, có thể đáp ứng, thoả mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho mọi người dân. Muốn vậy, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội,  phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, xây dựng nền sản xuất có năng suất, chất lượng cao, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đó là cả một quá trình lâu dài, cần phải mất nhiều thời gian, không thể có trong một sớm, một chiều.
Để người ta không thể (hoặc rất khó) tham nhũng thì bộ máy tổ chức, quản lý của Đảng, Nhà nước phải rất khoa học, bao gồm cả cơ chế, cả con người và hệ thống luật pháp chặt chẽ không có kẽ hở để tham nhũng không thể luồn lọt. Đồng thời, đời sống dân chủ trong xã hội phải được nâng cao, mọi hành vi tham nhũng đều không lọt nổi con mắt làm chủ của nhân dân. Để đạt được điều đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải có sự đổi mới và cố gắng rất lớn trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... 
Để người ta không muốn tham nhũng thì, hoặc là, phải có một quá trình với thời gian lâu dài để tạo đủ điều kiện thỏa mãn về vật chất và tinh thần cho mọi người dân khiến họ không cần phải tham nhũng như đã phân tích ở trên; hoặc là, xã hội phải tạo ra nếp sống không có tham nhũng, coi tham nhũng là xấu xa, tội lỗi, bất cứ ai tham nhũng cũng đều bị lên án, trừng trị... để gây áp lực tâm lý làm cho người ta không muốn và không dám tham nhũng. Trong hai phương án ấy, chỉ có phương án thứ hai là phù hợp với hoàn cảnh xã hội nước ta hiện nay. Muốn thực hiện được phương án thứ hai này, chúng ta phải ra sức xây dựng một xã hội dân chủ mà ở đó, mọi người sống có đạo đức, trong sạch, liêm khiết.
Để người ta không dám tham nhũng thì, thứ nhất, phải xây dựng được một xã hội đạo đức, thực sự dân chủ, phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, có thể tố giác và ngăn chặn được mọi hành vi tham nhũng, dù chúng có được che đậy tinh vi đến mấy. Thứ hai, một khi kẻ tham nhũng đã bị tố giác và có những bằng chứng không thể chối cãi thì Nhà nước phải xử lý nghiêm, xử lý nặng, buộc đương sự phải bồi thường thiệt hại, đồng thời tạo được làn sóng phê phán, lên án họ trong từng cộng đồng, trong toàn xã hội.
Như vậy, xét một cách tổng thể hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của nước ta hiện nay, có thể nói, chúng ta chưa đủ sức để triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm đưa lại cho mọi người đủ cả 4 điều kiện để không cần tham nhũng, không thể (hoặc khó) tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Tuy nhiên, về mặt nhận thức, vẫn phải khẳng định việc tạo đủ 4 điều kiện trên là phương hướng đúng đắn để diệt trừ tận gốc tham nhũng, dù đó là một quá trình lâu dài và đầy gian khổ. Vậy, chúng ta phải làm gì để có thể “hạ nhiệt được cơn sốt” tham nhũng đang ở vào giai đoạn nguy kịch như hiện nay? Theo tôi, chúng ta cần phải thực hiện ngay những biện pháp cần thiết nhằm thoả mãn 2 điều kiện để người ta không muốn tham nhũng không dám tham nhũng. Trước mắt, chúng ta phải chọn được khâu đột phá và tập trung tác động vào đó tạo động lực cho việc hoàn thành cả hệ thống các biện pháp. 
Khâu đột phá phòng, chống tham nhũng
Như đã phân tích ở trên, để thỏa mãn 2 điều kiện khiến cho người ta không muốn tham nhũngkhông dám tham nhũng, nếu chờ đợi đến khi nền sản xuất phát triển có khả năng thoả mãn được nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi người và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng hoàn thiện, có hệ thống luật pháp chặt chẽ, hoàn chỉnh không còn kẽ hở cho tham nhũng tồn tại thì sẽ quá lâu. Do vậy, trước mắt chúng ta có thể ưu tiên sử dụng ba biện pháp phù hợp hơn cả là: 1- Phát động xây dựng một nếp sống đạo đức xã hội đói cho sạch, rách cho thơm, tẩy chay tham nhũng, coi tham nhũng là trộm cắp, là nhục nhã và hèn hạ; 2- Trên cơ sở những thành tựu thu được của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng trong xã hội một nếp sống dân chủ, khuyến khích mọi người nói lên sự thật, có cơ chế bảo vệ những người dũng cảm tố cáo, phát hiện bọn tham nhũng; 3- Khi đã phát hiện được tham nhũng, cần phải trừng phạt nghiêm; đặc biệt với những kẻ tham nhũng là cán bộ, đảng viên. Cần xác định đây là khâu đột phá để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Cần phải nói thêm rằng, ba biện pháp này chúng ta đã làm và đang làm, nhưng làm một cách dàn trải cùng với các biện pháp phòng, chống tham nhũng khác, chứ chưa coi đó là biện pháp ưu tiên để tập trung giải quyết, tạo đà cho việc thực hiện các biện pháp khác.
Để thực hiện tốt ba biện pháp này, phải xác định khâu đột phá như đã phân tích. Khâu đột phá đó sẽ tác động mạnh vào đối tượng là đảng viên - cán bộ, làm cho họ luôn tự giác, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng. Muốn thực hiện được khâu đột phá này, theo tôi, cần tập trung vào hai nhiệm vụ chính sau đây.
Thứ nhất, phải tăng cường chỉnh đốn Đảng, giáo dục cho đảng viên “có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác”(2). Điều này cũng được ghi rõ trong mục 2, Điều 2 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thiết nghĩ, trong xã hội ta, nếu các đảng viên chấp hành nghiêm Điều lệ thì chắc hẳn nạn tham nhũng khó có đất sống. Bởi vì, người đảng viên luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhưng, hiện nay, có một thực tế đau đớn là, hầu hết các vụ tham nhũng ở nước ta đều dính dáng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến đảng viên - những người có chức, có quyền. Dù những hành động tham nhũng này có được biện bạch thế nào chăng nữa thì cũng là vô đạo, phi nhân tính, bất nghĩa mà người đảng viên không được phép làm. Do vậy, mấu chốt là ở chỗ, chúng ta cần tăng cường chỉnh đốn Đảng, đổi mới công tác đảng, kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những đảng viên mắc vào tham nhũng, dù đó là đảng viên thường, hay đảng viên có chức, có quyền ở bất cứ cương vị nào. Chúng ta phải làm mạnh, mạnh từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra ngoài Đảng. Kinh nghiệm của Trung Quốc, như nguyên Tổng bí thư Giang Trạch Dân chỉ rõ: “Dưới soát tận đáy, trên không bịt trần”. Làm không sợ “đụng chạm”, không sợ “liên lụy” như một số người e ngại - hữu khuynh - ngụy biện cho rằng, sẽ làm mất ổn định chính trị nội bộ và các thế lực thù địch sẽ lợi dụng, khoét sâu phá hoại ta từ bên trong.
Đối với người đảng viên - cán bộ, chúng ta phải làm cho họ nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, biết “lo trước thiên hạ”, nhận khó khăn về mình và biết nhường nhịn, “hưởng sau thiên hạ”. Làm như thế là đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Người đảng viên phải nêu gương trước để trở thành con người xã hội chủ nghĩa có nếp sống trong sáng. Điều này không phải là hô hào, duy ý chí hoặc thần thánh hóa người đảng viên. Ai đó đã ngụy biện rằng, đảng viên cũng là con người, cũng có những nhu cầu, những ham muốn như những người bình thường khác, không thể đòi hỏi ở họ những gì quá đáng; cho nên, họ vẫn có thể có những hành động tham nhũng, tiêu cực! Nếu quả người đảng viên không hơn những người bình thường khác, vẫn có thể tham nhũng, tiêu cực và luôn đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên lợi ích của nhân dân, của dân tộc thì tốt nhất, hãy ra khỏi hàng ngũ của Đảng; bởi vì, mục đích của Đảng, Điều lệ của Đảng không cho phép họ làm như vậy. Người đảng viên, nhất thời do hoàn cảnh này, nọ, có thể mắc khuyết điểm, nhưng phải giữ được lòng tự trọng, tự xấu hổ, tự đấu tranh, chuộc lại những lỗi lầm.
Mọi tổ chức đảng, đặc biệt là các tổ chức đảng ở cơ sở, như tổ đảng, chi bộ đảng - nơi mà từng đảng viên trực tiếp sinh hoạt, phải xây dựng được môi trường dân chủ thực sự, có tinh thần đấu tranh nội bộ mạnh mẽ, thẳng thắn phê bình và tự phê bình, tự tìm ra những kẻ tham nhũng, không cần phải nhờ đến cơ quan chức năng hoặc lực lượng nào khác.
Thứ hai, khi đã phát hiện tham nhũng thì phải xử phạt nghiêm minh với mọi đối tượng và có hình thức tăng nặng đối với đảng viên - cán bộ. Điều này, đất nước ta đã có những kinh nghiệm bổ ích. Ngay từ thế kỷ XV, dưới triều Hồng Đức (Vua Lê Thánh Tông), tại Điều 138 của Bộ Quốc triều Hình luật đã ghi: “Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì xử tội chém. Những bậc công thần, quý thần cùng những người có tài được giữ vào hàng bát nghị mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan thì phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ và những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho”(3). Còn đối với chế độ ta hiện nay, thiết tưởng, cùng tội trạng như nhau, những đối tượng là đảng viên - cán bộ phải bị xử phạt nặng hơn dân thường; người ở ngôi vị càng cao, càng phải xử nặng. Bởi lẽ, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”; nếu không thì quần chúng nhân dân sẽ không phục.
 Đối với toàn xã hội, cần đẩy mạnh thực hành dân chủ để mọi người dân có điều kiện kiểm tra, giám sát lẫn nhau, giám sát công việc của các tổ chức, cơ quan mà kịp thời ngăn chặn, phát hiện những hành động tham nhũng. Đẩy mạnh hoạt động của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó có thể tạo ra dư luận và tâm lý xã hội tích cực đối với việc phòng, chống tham nhũng. Cần xây dựng một nếp sống trong sáng, lành mạnh trong xã hội, “phát động tư tưởng quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu có chỗ ẩn nấp”(4). Việc tạo ra một dư luận xã hội mạnh mẽ để tẩy chay tham nhũng có tác dụng răn đe rất lớn đối với những kẻ có hành vi tham nhũng. Tác dụng của việc răn đe này nhiều khi còn cao hơn cả sự răn đe của pháp luật.
Thiết nghĩ, thực hiện được khâu đột phá này để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, chúng ta vẫn có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp, có đời sống văn hóa lành mạnh, khi mà nền kinh tế của chúng ta còn chưa phát triển như cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói./.

(*) Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Chính trị - Triết học, Tạp chí Cộng sản.
 (1Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X.  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.12.
(2)  Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.301.
 (3)  Quốc triều Hình luật, Luật triều Lê, Luật Hồng Đức. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.74 - 75.
(4)  Hồ Chí Minh. Thực hành tiết kiệm, chống bệnh tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.44.