Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

13. Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga dưới thời Putin (2000-2008)


Trong lịch sử quan hệ quốc tế, nước Nga luôn là một nước lớn có vị thế và từng làm nên nhiều kỳ tích (chiến thắng Napôlêôn năm 1812, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 khai sinh ra chính quyền Xô viết, đã góp phần quyết định vào việc tiêu diệt phát xít Đức và quân phiệt Nhật trong Thế chiến thứ hai). Tuy có lúc thăng lúc trầm, song tại những thời điểm khó khăn nhất, nước Nga luôn tìm được con đường phục hồi và chấn hưng đất nước. Lịch sử 8 năm qua dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã chứng minh được điều như vậy. Tên tuổi của Putin đã trở thành niềm tự hào của người Nga đương đại, bởi chính nhờ Putin, nước Nga đã thoát khỏi tình trạng sa sút, trì trệ và đang dần lấy lại địa vị cường quốc từng có của mình. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về chính sách đối ngoại của nước lớn thì không thể bỏ qua nước Nga.
Vladimir Vladimirovich Putin Nga (tiếng nga Влади́мир Влади́мирович Пу́тин) sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952  tại thành phố Lêningrad (nay là Saint Peterburg).
1975: Tốt nghiệp Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad. Sau đó theo sự phân công của tổ chức, ông vào làm việc tại cơ quan an ninh quốc gia, thường được biết đến với tên gọi Ủy ban an ninh quốc gia – tên viết tắt là KGB.
1985-1990: Làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
1990: Trợ lý về các vấn đề quốc tế cho Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad Sovchak. Sau khi ông Sovchak trở thành Chủ tịch Hội đồng Thành phố Lêningrad, Putin đã chuyển sang làm cố vấn cho ông.
Từ tháng 6/1991: Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thị trưởng thành phố Saint Peterburg.
Từ tháng 8/1996: Phó phòng Điều hành công việc của Tổng thống Liên bang Nga.
Từ tháng 3/1997: Phó Chánh văn phòng Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, Cục trưởng Cục kiểm tra của Tổng thống Liên bang Nga.
Từ tháng 3/1998: Phó Chánh văn phòng thứ nhất Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga.
Từ tháng 7/1998: Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang (FSB) của Nga. Đồng thời từ tháng 3/1999 là Thư ký Hội đồng An ninh của Liên bang Nga.
Từ tháng 8/1999: Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga.
Ngày 31/12/1999: Quyền Tổng thống Liên bang Nga.
Ngày 26/3/2000: Tổng thống Liên bang Nga.
Lễ nhậm chức của Tổng thống Putin diễn ra vào ngày 7/5/2000. 
Ngày 14/3/2004: Thắng cử Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ hai.
Trên cương vị Tổng thống Nga, ông Putin còn giữ các chức vụ và trọng trách khác: Tổng Tham mưu Trưởng các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước.
Tổng thống Putin đạt học vị Phó tiến sĩ Kinh tế, sử dụng thành thạo tiếng Đức và tiếng Anh.
Một chính trị gia người Nga và là Thủ tướng của Liên bang Nga trước đó, ông là Tổng thống Nga từ 26 tháng 3 năm 2000 cho đến 7 tháng 5 năm 2008. Ông đảm nhiệm chức vụ này thể theo hiến pháp từ ngày 31 tháng 12 năm 1999 sau khi nguyên tổng thống Boris Nikolayevich Yeltsin từ chức.
Yeltsin đã chọn Putin làm thủ tướng thay thế cho Sergei Stepashin vào tháng 8/ 1999. Putin nhanh chóng được biết đến ở Nga nhờ Cuộc xâm chiếm Chechnya tháng 9 năm 1999 để trả đũa lại Chiến tranh tại Dagestan và Vụ ném bom nhà ở của người Nga. Sau khi các đảng phái thân Putin dành được sự ủng hộ vững chắc trong bầu cử nghị viện 1999, Yeltsin từ chức, và Putin trở thành tổng thống lâm thời. Trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2000, ông đứng đầu trong mười ứng cử viên và trở thành tổng thống thứ hai của Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô viết.
Sau khi nhận chức Tổng thống Pu-tin đứng trước thử thách nghiêm trọng về mọi mặt chính trị, quân sự trong và ngoài nước. Căn cứ vào những nhận thức mới về mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, địa vị của Nga trên thế giới và môi trường bên ngoài, Pu-tin đã có một cách nhìn rất thực tế, thậm chí thực dụng. Ông muốn đưa nước Nga hòa nhập vào nền kinh tế mới của Thế giới với mục tiêu quan trọng hàng đầu của Nga là khôi phục kinh tế, và giải quyết mọi vấn đề của bản thân mình. Theo quan điểm của Tổng thống Pu-tin, chính sách đối ngoại và an ninh của Nga cũng phải lấy lợi ích kinh tế trên hết. Chính vì vậy, trong đường lối đối ngoại của mình mục tiêu lâu dài của Tổng thống Pu-tin là biến nước Nga thành mọi điều kiện đẩy kinh tế lên. Do đó, ông đề ra nguyên tắc ngoại giao phục vụ kinh tế, chính sách đối ngoại phục vụ mục tiêu đối ngoại.
Ngoài những cuộc cải cách về chính trị, xã hội được tiến hành ở trong nước, Chính phủ của ông Putin còn thực hiện một chính sách đối ngoại chủ động và linh hoạt để khẳng định lập trường chính trị của mình trước những biến động lớn trên chính trường quốc tế.
Ngày 10 tháng 1 năm 2000, quyền Thổng thống Nga Pu-tin đã ký sắc lệnh phê chuẩn “chiến lược an ninh quốc gia của Liên Bang Nga” trong đó đánh giá một cách thực tế bối cảnh quốc tế và xác định những vấn đề then chốt Nga cần thực hiện qua đó đưa ra quan điểm về lợi ích quốc gia và nhận thức về mối đe dọa. Trên cơ sở đó ngày 10 tháng 7 năm 2000, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Igor Ivanov đã chính thức công bố tại Mat-xcơ-va “Quan điểm mới về chính sách đối ngoại” được Tổng thống Pu-tin Thông qua ngày 28 tháng 6. Tư tưởng này lần lượt quy định mục tiêu cơ bản của ngoại giao là : Bảo đảm an ninh quốc gia, phát huy ảnh hưởng đối với quá trình diễn biến của thế giới, tạo môi trường bên ngoài có  lợi cho phát triển trong nước, xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước xung quanh, bảo vệ lợi ích của công dân và kiều bào Nga. Nga sẽ tập trung xây dựng thế giới đa cực phản ánh chân thực thế giới ngày nay và tính đa cực, phản ánh chân thực thế giới ngày nay và tính đa dạng về lợi ích thế giới, tham gia toàn diện và bình đẳng vào việc định ra các nguyên tắc cơ bản liên quan đến vận hành hệ thống tiền tệ và kinh tế thế giới hiện nay, theo đuổi chính sách ngoại giao tự chủ mang tính xây dựng, chú ý cả phương Đông lẫn phương Tây, trên cơ sở liên tục có thể dự đoán trước và thực sự đôi bên cùng có lợi. Thực chất tư tưởng ngoại giao mới của Pu-tin là đảm bảo cho những lợi ích quốc gia của Nga, đồng thời không bị trượt vào tình trạng đối đầu và những phương pháp thù địch, thể hiện sự mềm dẻo xây dựng mối quan hệ đối tác “theo tất cả các hướng”, đạt được sự thỏa thuận cùng chấp nhận được đối với cả Nga và các đối tác. Lợi ích quốc gia hàng đầu của Nga là lợi ích kinh tế, tiếp theo là lợi ích an ninh và chính trị và cuối cùng là lợi ích văn hóa.
Trước hết là Nga kiên quyết phản đối chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD), cho đó là một hành động đi ngược lại với Hiệp ước tên lửa đạn đạo ABM mà Liên Xô và Mỹ đã ký năm 1972. Mặc dù vậy Nga vẫn không chấm dứt tất cả các cuộc đối thoại với Mỹ mà vẫn kiên trì theo đuổi các cuộc đàm phán với hy vọng tìm ra
những giải pháp hữu hiệu hơn cho mối quan hệ giữa hai nước.
Trong đường lối đối ngoại của mình, V. Putin vẫn luôn khẳng định lập trường của Liên bang Nga là ủng hộ việc xây dựng một thế giới đa cực chống lại một thế giới đơn cực do Mỹ cầm đầu. Việc mở rộng mối quan hệ với hai nước lớn sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Trung Quốc trong thời gian qua chính là động tác xích lại gần nhau giữa 3 nước, hình thành một tam giác chiến lược Nga-Trung-Ấn. Điều đó chẳng những làm giảm áp lực của tình trạng đơn cực mà còn là cơ hội để Nga có thể xuất khẩu vũ khí, khôi phục và chấn chỉnh lại ngành công nghiệp quốc phòng của mình, vốn là ngành có lợi thế trước đây, tạo điều kiện để ngành này ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn.
      Việc đưa quân vào Nam Tư của Liên bang Nga vào năm 1999 được đánh giá là một quyết định đúng đắn, một hành động nhạy bén, giúp bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ Nam Tư và thể hiện vai trò to lớn của mình đối với một nước láng giềng gần gũi trước cuộc nội chiến vì tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc được Mỹ và các đồng minh trong khối NATO càng làm cho sâu sắc thêm. Thành công trong quan hệ đối ngoại của Nga không chỉ nằm trong nội dung chính trị và quân sự mà một trong những phương hướng ưu tiên quan trọng nhất chính là đẩy mạnh quan hệ ngoại giao kinh tế với các nước và các nhóm nước trên thế giới.
Bước sang Thế kỷ XXI, Nga sắp xếp thứ tự các khu vực và các nước ưu tiên như sau:
- SNG là đối tác ưu tiên số một của Nga trong thế kỷ mới. Nga muốn tăng cường đối tác chiến lược với SNG, thúc đẩy sự thống nhất của các nước này bởi đây là những nước thuộc Liên Bang Xô Viết trước kia, là nơi Nga đã có sẵn cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự của mình và chính các nước này cũng là các vùng đệm xung quanh nước Nga.
- Châu Âu là khu vực ưu tiên số 2, châu Âu vốn là khu vực ưu tiên truyền thống của Nga. Bên cạnh việc muốn phát triển hơn nữa tổ chức hợp tác an ninh Châu Âu, hợp tác với NATO, có điều kiện và coi Liên minh Châu Âu là đối tác kinh tế, chính trị chủ yếu, Nga vẫn muốn duy trì quan hệ với các nước Trung và Đông Âu như trước đây.
- Mỹ chỉ chiếm vị trí thứ 3, trong thứ tự ưu tiên của Nga. Mặc dù xác định rằng quan hệ với Mỹ là điều kiện cần thiết để cải thiện tình hình kinh tế và ổn định chiến lược thế giới, song Nga cũng nhận thấy những khó khăn, trở ngại trong mối quan hệ này. Quan hệ Nga-Mỹ vẫn chứa đựng những bất đồng sâu sắc trong vấn đề cắt giảm vũ khí hủy diệt, vấn đề giải quyết xung đột ở những  khu vực nguy hiểm.
- Vị trí ưu tiên thứ tự trong chính sách ngoại giao của Nga thuộc về Châu Á. Với vị trí Á-Âu đặc biệt của mình, Nga không thể không chú trọng đến quan hệ với Châu Á, đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nga đặc biệt chú ý đến Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với Nhật Bản, trở ngại lớn trong việc phát triển các mối quan hệ vẫn là vấn đề 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuvil ở phía Bắc Nhật Bản:
Trong quan hệ với Nhật Bản, bên cạnh thương mại và đầu tư, hợp tác về khoa học kỹ thuật cũng đã có những bước phát triển nhất định. Nội dung hợp tác của lĩnh vực này bao gồm các hoạt động như: trao đổi các nhà khoa học; trao đổi thông tin về các vấn đề chính trị và luật pháp liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học; tiến hành các cuộc hội thảo, hội nghị và triển lãm chung; hợp tác đào tạo và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các nhà khoa học và các chuyên gia…
Với Ấn Độ, trước đây Nga cũng đã có những quan hệ gần gũi, thân tình, hàng hóa của Ấn Độ được bày bán tràn ngập ở thị trường Nga vào những năm 70, 80, nhất là hàng dệt may. Nay Nga tiếp tục mở rộng mối quan hệ kinh tế với một nước giàu tiềm năng này và họ cũng đang trên con đường cải cách. Chỉ riêng trong năm 2003 giữa hai nước đã có 3 cuộc gặp gỡ chính thức để thảo luận về các vấn đề quan hệ kinh tế thương mại, về hợp tác khoa học công nghệ và đầu tư.
Bên cạnh những nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga còn chú ý đến việc mở rộng mối quan hệ kinh tế với các nước châu Á khác như các nước NICs, các nước ASEAN, kể cả với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ngay từ đầu năm 2000, Hiệp định hữu nghị và hợp tác đã được ký kết giữa hai nước. Theo đó, Nga sẽ tiến hành sửa chữa và hiện đại hóa những xí nghiệp Liên Xô đã xây dựng trước đây, đổi mới thiết bị ngành gang thép và xây dựng đường sắt nối liền Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên và vùng Siberia của Nga. Nga còn muốn xây dựng đường ống cung cấp khí đốt không chỉ cho Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên mà cả Trung Quốc và Nhật Bản nữa. Nga đã chủ động đề xuất những thế mạnh của mình cho các nước châu Á – TBD tham khảo, đặc biệt là tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga nối liền các nước Đông Á với những nước Tây Âu chỉ mất phân nửa thời gian so với đi vòng qua biển như hiện nay mà mức độ an toàn cũng không kém. Không những thế vùng Siberia lại tiềm ẩn kho tài nguyên khổng lồ mà cho đến giờ Nga cũng chỉ mới bắt đầu khai thác. Trong quan hệ kinh tế, Nga đặc biệt chú ý đến các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Năm 2003 kim ngạch buôn bán của Nga với các nước này đã đạt gần 30 tỷ USD. Nhiều hình thức liên kết đã được thiết lập giữa Nga với các nước CIS nhằm củng cố kinh tế và ổn định chính trị trong khu vực. Sẵn có mối quan hệ anh em trước đây, họ đã từng sống với nhau dưới một mái nhà chung, đó là Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, nói một tiếng nói chung , sử dụng một đồng tiền chung, giương cao một lá cờ chung, hát một bài quốc ca chung… nay có điều kiện liên kết, họ như được “trở về dưới mái nhà xưa”. Đa số các nước thành viên đều rất sẵn sàng hợp tác với Nga vì ngoài lợi ích về kinh tế, họ còn cho rằng Nga đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sự ổn định và an ninh khu vực, nhất là ở các nước Trung Á trong điều kiện bất ổn như hiện nay.
Thứ tự sắp xếp phương Đông phương Tây tuy có trước có sau nhưng vị trí của chúng trong nền ngoại giao Nga vẫn gần như quan trọng như nhau. Điều này được Pu-tin chỉ ra: “Đặc điểm của chính sách ngoại giao của Nga là ở chỗ Cân bằng, đây là do vị trí địa chính trị là nước Âu Á của Nga quyết định”.
Chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Pu-tin trên cơ sở linh hoạt, thực tế phục vụ lợi ích quốc gia trong đó hàng đầu là lợi ích kinh tế đã góp phần cải thiện vị thế của Liên Bang Nga trên trường quốc tế. Tuy nhiên ngay tại khu vực SNG, nơi mà Nga coi là ưu tiên số 1, lại là nơi còn tồn tại nhiều vấn đề nhất.
Sau 8 năm cầm quyền Tổng thống Putin đã đạt được những thành tựu song bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong lĩnh vực ngoại giao.
a. Nga đã lấy lại được vị thế như là một trong những cường quốc lãnh đạo của thế giới.
Sự phục hồi về kinh tế và tăng trưởng kinh tế ổn định đã gia tăng vị thế của Nga trên chính trường quốc tế. Một số nước đang giúp Nga mở rộng ảnh hưởng của mình còn số khác thì cản trở. Có thể nhận thấy hiện giờ tiếng nói của Nga đã có trọng lượng với cộng đồng quốc tế hơn so với thời điểm những năm 1990 khi ý kiến của Moscow về các vấn đề quốc tế nhìn chung là bị lờ đi.
Mục tiêu này đã đạt được mà không có bất cứ sự gia tăng quan trọng nào về hạt nhân hoặc những thứ tương tự khác (vũ khí…). Tầm quan trọng của Nga đang nâng dần với vai trò là một nhà xuất khẩu dầu và khí đốt chủ chốt, cùng với việc Nga gia nhập nhóm các nước có nền kinh tế đang nổi phát triển nhanh nhất – BRIC (gồm Nga, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ). Một nhân tố quan trọng hơn là sự trỗi dậy của “người đàn ông ốm yếu của châu Âu”[1], điều mà rất nhiều người không hy vọng sẽ được chứng kiến.
b. Khôi phục sự tự tin của Nga.
Vị thế hiện thời của đất nước là một nhân tố chủ chốt để cộng tác cùng tồn tại với những nước khác và trở thành một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga. Ngày nay, tất cả người dân Nga, ở trong nước hay nước ngoài, từ các đại sứ đến những người khách du lịch đều cảm thấy họ là công dân của một đất nước rộng lớn, vững mạnh, phát triển và được tôn trọng.
Trong những năm 1990, mọi người nói rằng Nga bị điều khiển bởi tòa nhà Spaso, nơi đặt trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Ngày nay mọi người dân Nga và người nước ngoài đều biết rằng Moscow có thể phản bác lại Washington hoặc với các thủ đô khác về những vấn đề đối ngoại và đối nội, có thể bảo vệ quan điểm của mình và không chấp nhận các hậu quả tiêu cực.
c. Không bị cuốn theo làn sóng cách mạng màu ở các quốc gia láng giềng.
Các cuộc vận động hành lang ý kiến công chúng ở các cuộc bầu cử đã đưa đến tình trạng có những bộ máy chống Nga lên nắm quyền ở các quốc gia láng giềng. Một số người cho rằng rằng điều này đã gây ra sự tan rã của CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) và một cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế ở Nga.
Sự thất bại của “Cách mạng hoa tulip” ở Kyrgyzstan cùng với các vụ tàn sát và tình trạng hỗn loạn ở thủ đô làm cho các nhà chính trị và người dân khiếp sợ nhưng lại nâng tầm Nga ở khu vực Trung Á. Các cuộc cách mạng màu ở Ukraine và Gruzia cũng đã mất đi nhiều giá trị. Chính sách ngoại giao của Nga đã giành thắng lợi trong các cuộc khủng hoảng.
d. Sự duy trì các tổ chức hợp nhất như CIS, CSTO (Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể) và sự thành lập các tổ chức mới như SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải).
Chính sách của Nga về những nước trước đây thuộc Liên bang Xô Viết trong suốt những năm 1990 không thể xác định được và khi Putin lên nắm quyền đã có bước thay đổi vượt bậc. Điều này đã được chứng minh trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Vladimir Putin. Tuy nhiên, rõ ràng một điều là trong suốt 8 năm qua phần lớn những nước hậu Xô Viết đều cần có một vài cơ chế và chức năng của CIS và vì vậy họ đang cải cách.
Liên minh quân sự của một số quốc gia thuộc CIS và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể - CSTO – được duy trì song song, và Nga đã thay đổi chính sách hậu Xô Viết về cung cấp năng lượng rẻ cho các liên minh chính trị. Hiện tại Nga đang có phát triển các mối quan hệ mới với Kazakhstan và hợp tác quốc tế mô hình mới đối với Trung Á, khu vực liên quan không chỉ tới các nước từng thuộc Liên bang Xô Viết trong khu vực mà còn liên quan đến Trung Quốc (SCO).
Chính sách đối ngoại với khu vực các quốc gia thời hậu Xô Việt đang ngày càng có sự khác biệt so với chính sách với Trung Á và Phương Tây.
e. Việc khôi phục những vị trí đã mất ở những khu vực ảnh hưởng truyền thống (Việt Nam, Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc) và phát triển mối quan hệ với những đối tác mới (các nước châu Mỹ La tinh).
Những năm 1990, chính sách đối ngoại của Nga đã mất đi vị thế dẫn đầu thế giới. Mối quan hệ với các đối tác được thiết lập trong kỷ nguyên Xô Viết đã bị phá vỡ, ngoại thương bị tàn phá trong khi các cải cách về thị trường ở Nga đã để nền kinh tế rơi vào tay của tư nhân trong giai đoạn đầu.
Chính quyền Nga những năm 1990 đã không xác định một cách rõ ràng quan điểm về các mục tiêu kinh tế chính trị đối với từng khu vực trên thế giới. Tình hình đã thay đổi dưới thời Putin với việc thiết lập kinh tế tư nhân và có sự điều khiển của nhà nước, có liên quan đến hầu hết các nước và được một chính sách đặc biệt để thúc đẩy các lợi ích của doanh nghiệp hỗ trợ.
a. Không đủ khả năng trở thành một đối tác hàng đầu đối với những “người hàng xóm” thân cận như Trung Quốc và Ấn Độ.
Nền kinh tế của Nga không đủ mạnh để trở thành một nền kinh tế có ảnh hưởng thậm chí ngay cả trong những nước luôn chào đón điều này. Kỷ nguyên của các liên minh được thiết lập từ những lý do chính trị đã qua, và khả năng kinh tế giờ đây là một yếu tố quan trọng để trở thành một lãnh đạo tại những thị trường nước ngoài.
     Kinh doanh Nga không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn thiếu cả nguồn lực để đạt được mục tiêu này. Nga không phải là đối tác hàng đầu đối với bất cứ một nền kinh tế chủ chốt nào trên thế giới (như Đức và Trung Quốc, cũng như các nước thuộc CIS, đặc biệt là Kazakhstan). Ngưỡng cao nhất mà Nga đạt được là nằm trong top 10 đối tác lớn nhất. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của Nga đối với các nước trong đó có cả quan hệ về chính trị.
b. Không có khả năng trở thành một lãnh đạo của thế giới về mặt lối sống, văn hóa và nghệ thuật.
Điều này không chỉ là thất bại duy nhất của chính sách đối ngoại Nga. Chúng ta phải thừa nhận rằng Nga ngày nay không thể làm được những điều như Liên Bang Xô Viết đã làm trong các lĩnh vực trên. Dưới thời kỳ Liên Bang Xô Viết, văn hóa, nghệ thuật Nga đã đi vào trái tim và trí óc những người ở ngoài biên giới Nga. Lãnh thổ, nơi có phần lớn người dân nói tiếng Nga, đang co ngắn lại và vị thế của văn hóa và nghệ thuật Nga ở nước ngoài đã bị sụt giảm.
Trong lĩnh vực này (hoặc hơn thế nữa, liên quan đến các ngành khác), Nga đã thụt lùi so với nhiều nước trên thế giới, những nước có vô số công nghệ để thúc đẩy văn hóa của họ tiến đến biên giới của các quốc gia khác.
c. Không có khả năng tạo dựng một chính sách hiệu quả trong quan hệ với cộng đồng người Nga ở nước ngoài.
Những quan điểm về vấn đề này mới chỉ xuất hiện đầu những năm 1980, nhưng tới ngày hôm nay hàng triệu người Nga sống ở nước ngoài vẫn chưa trở thành những người định hướng cho sự phát triển trong lĩnh kinh tế của Nga và ở những lĩnh vực khác, không giống như cộng đồng Hoa kiều.
d. Làm mất ảnh hưởng đối với Gruzia và Ukraine.
Moscow chứng minh rằng không có khả năng vận động những nguồn lực to lớn từ hai nước láng giềng đầy thiện chí, với phần lớn dân cư là người Nga. Tuy nhiên, Nga đã có những hành động làm tồi tệ vị trí của mình đối với những nước này và hiện thời tình trạng này đã phức tạp hơn nhiều do sự thành công của những thế lực chống lại Nga ở các nước này. Nhìn bên ngoài có vẻ như là triệu chứng của “căn bệnh Mỹ”.
e. Thất bại trên thị trường hợp tác kỹ thuật quân sự với Algeria và Ấn Độ.
Trong suốt những năm 1990, lĩnh vực luôn có sự hợp tác quốc tế này khá “thịnh vượng”, gần như là chiếm ½ sự quan tâm trong các chính sách đối ngoại của Nga, đặc biệt là trong mối quan hệ với những nước có nền thương mại thụt lùi như Trung Quốc. Lĩnh vực này được coi là hạt nhân của một mô hình mới về ngoại thương phụ thuộc vào xuất khẩu công nghệ khoa học hơn là nguyên liệu thô.
Xuất khẩu quân sự tăng trong đầu những năm 2000, nhưng việc cung cấp các loại vũ khí khác bắt đầu bị cạnh tranh. Tuy nhiên, không thể nói rằng việc bị cạnh tranh là lý do duy nhất mà những người mua vũ khí và thiết bị của Nga thường xuyên từ chối các hợp đồng mua bán và đưa ra lý do trì hoãn.
Những cải cách chưa có hồi kết thúc trong lĩnh vực này đã không đưa đến một mục tiêu mong đợi là phát triển hơn vị thế của Nga trong chế tạo vũ khí.

Ngày 7/5/2008 tại Điện Kremlin, Tổng thống Vladimia Putin chính thức mãn nhiệm chức vụ Tổng thống Nga và bàn giao chiếc ghế quyền lực này cho người kế nhiệm Dmitry Medvedev mà ông hoàn toàn tin tưởng
    Tân tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tiếp nhận một di sản chính sách đối ngoại tương đối phức tạp từ người tiền nhiệm, mà điểm then chốt đã được xác định trong bài phát biểu của ông Putin tại Munich (Đức) hồi tháng 1/2007.
Trong bài phát biểu đó, ông Putin kết luận rằng khoảng thời gian được cho là căng thẳng tột đỉnh trong quan hệ Mỹ - Xô những năm 1980 thực chất là một trong những thời kỳ êm đẹp nhất của quan hệ Đông - Tây. Do đó, ông thể hiện rõ sẽ nỗ lực đưa quan hệ Nga - Mỹ quay lại thời kỳ “ổn định” này.
Trên thực tế, khi còn nắm giữ cương vị Tổng thống Nga, ông Putin đã đưa rất nhiều vấn đề cũ và khá rắc rối của thời Chiến tranh Lạnh trở lại bàn đàm phán như hệ thống phòng thủ tên lửa, vấn đề cân bằng vũ khí thông thường tại Châu Âu, hay kế hoạch hạt nhân chiến lược. Bên cạnh đó, ông cũng không ngừng lên án ý đồ đạt thế “vượt trội” về quân sự của Mỹ và NATO.
Hiện tại, tổng thống Medvedev có ít nhất hai sự lựa chọn để quyết định nên làm thế nào với di sản chính sách đối ngoại này, tiếp tục đường lối cứng rắn với phương Tây hay thực thi một chính sách mang tính hàn gắn quan hệ nhiều hơn.
Từ khi nhậm chức, phát biểu quan trọng nhất của ông Medvedev, được xem thể hiện quan điểm về đường lối ngoại giao, là lời kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh toàn Châu Âu. Trong chuyến thăm Berlin hồi đầu tháng 6, ông đã đưa ra lời kêu gọi này nhằm đạt được hiệp định ràng buộc pháp lý về vấn đề an ninh của Châu Âu.
Trong nỗ lực định hình khuôn khổ chính sách an ninh của mình, ông Medvedev đã khẳng định Hiệp định Kellogg-Briand năm 1928, hiệp định đa phương lên án việc xem chiến tranh như một công cụ của chính sách quốc gia, “có hy vọng thành công” trong thế giới ngày nay.
Cũng như người tiền nhiệm, tổng thống Medvedev đang cố gắng ngăn chặn việc mở rộng NATO bằng những tuyên bố về hậu quả nghiêm trọng của chiến lược này. Trong bài phát biểu tại Berlin, ông Medvedev khẳng định nếu các quốc gia NATO tiếp tục chiến lược mở rộng, ông “tin rằng quan hệ giữa Nga và Liên minh quân sự này sẽ xấu đi trong thời gian tới. Tất nhiên, sẽ không có sự đối đầu trực diện, song cái giá phải trả sẽ rất cao.”
Tuy nhiên, ông Medvedev cũng không quá mạo hiểm trong quan hệ với phương Tây. Trong khi ông Putin đe dọa tấn công tên lửa vào Ukraine nếu nước này gia nhập NATO, thì ông Medvedev lại “mềm dẻo” hơn với gợi ý rằng quan hệ hợp tác giữa Nga và Liên minh trong việc triển khai quân tại Afghanistan có thể sẽ xấu đi.
Hơn nữa, tại hội nghị giữa Nga và Hội đồng NATO gần dây, hai bên cũng đã tuyên bố về kế hoạch tiếp tục hợp tác nhằm đi tới hiệp định về việc sử dụng chung các cầu hàng không của quân đội Nga. Chính vì vậy, nếu tổng thống Medvedev không tiếp tục lập trường cứng rắn của ông Putin về mối đe dọa quân sự của NATO đối với Nga, Hiệp định an ninh Châu âu do ông đề xuất sẽ góp phần làm “loãng” đi sự đối đầu Nga - NATO hiện nay.
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của tổng thống Medvedev có thế sẽ được tiến hành theo hướng khác. Minh chứng rõ nét nhất đó là ý đồ kêu gọi tất cả các nước Châu Âu tham gia vào hiệp định an ninh Châu Âu mới do ông đề xuất, với tư cách các quốc gia riêng rẽ mà không liên quan tới bất cứ một khối nào (như NATO) hay động cơ ý thức hệ. Điều này có thể khiến Washington cho rằng Nga đang cố gắng tập hợp lực lượng tại Châu Âu, do đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ Nga - Mỹ.
Dù tổng thống Medvedev và chính quyền mới của ông vẫn chưa đưa ra quyết định về chiến lược đối ngoại, song trên thực tế, chính sách đối ngoại của nước Nga cuối cùng sẽ được định hình không ngoài mục đích đạt ưu thế trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Nhà Trắng và điện Kremlin.
Tân thủ tướng Nga Vladimir Putin cùng Giám đốc cơ quan hạt nhân Nga (Rosatom) Sergei Kirienko và nhiều quan chức Pháp đã có chuyến công du hai ngày tới Pháp, từ 29-30/5/2008. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mở tiệc chiêu đãi ông Putin sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, Thủ tướng Francois Fillon, vào chiều ngày 29/5/2008.
Phát ngôn viên Dmitri Peskov của ông Putin cho biết, sự lựa chọn nước Pháp làm điểm công du quan trọng đầu tiên đương nhiên liên quan đến việc Pháp sẽ trở thành chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/7/2008. Đáng chú ý là ba ngày trước khi diễn ra chuyến công du của Thủ tướng Nga, hôm 26/5/2008, các nước thành viên EU đã nhất trí thông qua khôi phục cuộc thương lượng với Mátxcơva về một thoả thuận quan hệ đối tác và hợp tác EU-Nga, nhằm kết thúc hai năm khủng hoảng sau khi thoả thuận trước hết hiệu lực hồi tháng 12/2007.Các thương lượng xung quanh quan hệ đối tác kinh tế mới sẽ được khởi động vào cuối tháng 6 tới tại Hội nghị thượng đỉnh Khanty-Mansiik ở Siberia, trước khi Pháp trở thành chủ tịch luân phiên của EU.
Thông báo về chuyến công du quan trọng đầu tiên ở nước ngoài của ông Putin khiến nhiều người dân Nga phỏng đoán ông khó có thể trao toàn bộ quyền lực trong đối ngoại cho tân Tổng thống Dmitry Medvedev, người nhậm chức hôm 7/5/2008. Nước Nga không có truyền thống chính trị một thủ tướng công du cấp nhà nước tới một quốc gia khác. Thủ tướng Nga còn có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George Bush bên lề Lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra từ ngày 8/8/2008, điều này cho thấy ông Putin có ảnh hưởng rất lớn trên mọi mặt trận chính trị, kể cả đối ngoại.
Chủ trương đa dạng hoá đối tác
Khác với người tiền nhiệm Vladimir Putin đã chọn các nước phương Tây là Belarus, Ukraina và Anh cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngay sau khi đắc cử tháng 3/2000, tân Tổng thống Dmitry Medvedev chủ trương ưu tiên quan hệ với khu vực phía đông. Ngày 22/5/2008, ông đã công du tới Kazakhstan - nước Cộng hoà Trung Á giàu nhiên liệu, sau đó tới Trung Quốc trong ngày 23 và 24/5/2008. Chuyến công du châu Á lần này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của một khu vực được Mátxcơva đánh giá như lựa chọn đối trọng với phương Tây. Chọn điểm đến là Trung Quốc trước chuyến thăm Đức sắp tới, ông Dmitry Medvedev muốn chứng tỏ nước Nga chủ trương đa dạng hoá đối tác.
Tại Bắc Kinh, ông Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đều lên tiếng bày tỏ lo ngại trước hệ thống tấm lá chắn chống tên lửa đạn đạo mà Washington sắp triển khai ở Đông Âu. Mátxcơva còn muốn Bắc Kinh lên án xu hướng mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng do đang cố gắng tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt năm 1989 liên quan đến buôn bán vũ khí nên Trung Quốc rất muốn duy trì quan hệ tối với Liên minh, điều này giải thích tại sao trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo không đề cập đến vấn đề mở rộng NATO.
Ông Medvedev đã thu được thành công lớn ở chuyến công du lần này với bản hợp đồng trị giá 1 tỷ USD cho dự án xây dựng một nhà máy làm giàu uranium tại Trung Quốc mà Mátxcơva là nhà cung cấp nhiên liệu. Trong khi đó, các dự án lớn liên quan đến việc Nga cung cấp dầu lửa và khí đốt cho Trung Quốc từng được thương lượng trong chuyến thăm của ông Putin tới Bắc kinh hồi tháng 3/2006 không được đem ra bàn thảo. Tiến độ xây dựng đường ống dẫn khí của Trung Quốc để vận chuyển dầu thô của Nga từ đông Siberia bị đình lại do bất đồng giữa hai bên trong vấn đề giá dầu.
Bên cạnh vấn đề nhiên liệu, Tổng thống Nga muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong lĩnh vực vũ khí vì những năm gần đây, Bắc Kinh giảm mạnh đơn đặt hàng mua vũ khí của Mátxcơva. Nga cũng không thực sự hài lòng về hợp tác kinh tế giữa hai nước, tuy vẫn phát triển tốt, năm 2007, trao đổi thương mại tăng 44% so với năm 2006, đạt 48 tỷ USD, nhưng chủ yếu là Trung Quốc xuất siêu sang Nga.
  
 Đặt mục tiêu cao nhất là tạo môi trường quốc tế thuận lợi đưa Nga trở lại thành một cường quốc, với những chính sách, ưu tiên và biện pháp rất thực tế, linh hoạt, tổng thống Putin đã bước đầu thành công trong việc chấn hưng sức mạnh của Liên bang Nga. Chí ít cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy nước Nga đã được coi trọng đúng mức hơn trên trường quốc tế, cũng như bản thân uy tín của nguyên Tổng thống Putin nay đã là Thủ tướng cũng không ngừng tăng lên trong lòng người dân Nga cũng như cộng đồng quốc tế. Đường lối đối ngoại của có sự tiếp nối từ chính quyền Boris Yeltsin, đến thời Putin được tiếp thu, phát triển đổi mới một cách có hiệu quả, và tân Tổng thống Medvedev cơ bản sẽ tiếp tục theo những hướng đi đúng đắn đó, xem xét lại những mặt còn chưa làm được để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

    1.  ALEXANDRE RAR, “Người Đức” trong điện KREMLI, NXB công an nhân dân, Hà Nội 2002.
    2. Lê Phụng Hoàng, Lịch sử Liên Xô và Liên Bang Nga sau chiến tranh thế giới thứ 2, khoa lịch sử Trường ĐHSPTPHCM, 2007
     2. Ngô Oanh, Nước Nga thời Putin, NXB Văn hóa Thông tin, 2008
     3. Thông tin từ Internet:
                                     http://vi.wikipedia.org
                                     http://www.nuocnga.net
http://www.vietbao.vn
           http://www.putinvanuocnga.html
           http://www.ptthlamson.ne




[1] Cụm từ “người đàn ông ốm yếu của châu Âu” do Nga hoàng Nicholas I ám chỉ đế chế Ottoman do sự thất bại trong kiểm soát tài chính của các cường quốc châu Âu và việc để mất lãnh thổ trong một loạt các cuộc chiến tranh thảm khốc.