Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

17. Tài liệu về Điiện Biên phủ - Võ Minh Tập (tổng hợp)


Tài liệu phục vụ dạy học

1.         Vài nét về Điện Biên Phủ


Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á.

Khi Lạng Chạng đưa một bộ phận người Thái Đen từ Mường Lò (Nghĩa Lộngày nay) đến Mường Thanh thì vùng đất này còn gọi là Song Thanh vì có hai mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noong Hét ngược về đầu nguồn sông Nậm Rốm và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noong Hét đến cuối sông Nậm Rốm. Tại đây có Viềng Xam Mứn (thành Tam Vạn) cổ kính của người Thái. Các mường thuộc Mường Thanh xưa gồm: Mường Phăng, Mường Nha, Mường Luân, Mường Lèo, Mường Lói nay thuộc huyện Điện Biên; Mường U nay thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào; Mường Và, Sốp Cộp nay thuộc tỉnh Sơn La.
Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục của Hoàng Bình Chính. Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh, chiếm đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ, phiên âm Hán -Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại.
Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu.
Thành phố Điện Biên được biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954, giữa quân đội Việt Minh (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng Chistian de Castries chỉ huy). Cuộc chiến mang ý nghĩa rất lớn trong việc kết thúc vai trò của người Pháp ở bán đảo Đông Dương, và đưa tới việc kí kết hiệp định chia Việt Nam ra thành 2 miền: Bắc và Nam. Trận Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây. Trong trận này, Lực lượng Việt Minh đã di chuyển pháo binh của họ lên những quả đồi xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiến công vào sườn của quân đội Pháp. Bằng cách huy động sức người một cách tối đa và với lực lượng hậu cần đông đảo của mình, Việt Minh đã làm nên một trong những chiến thắng quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam.
Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được chính thức xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 28 tháng 4 năm 1962. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Hiện nay chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là đại lộ 279, con phố chính và lớn nhất thành phố Điện Biên Phủ.
Bắt đầu từ năm 1958, một nông trường quân đội được xây dựng ở đây, kéo theo di dân từ đồng bằng Bắc bộ, biến Điện Biên là một thị trấn nông trường, sau được nâng cấp thành thị trấn huyện lỵ của huyện cùng tên thuộc tỉnh Lai Châu. Từ ngày 18 tháng 4 năm 1992 trở thành thị xã tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu. Thị trấn Mường Thanh ở phía tây được tách ra làm huyện lỵ huyện Điện Biên.
Theo Nghị định số 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/9/2003, Điện Biên Phủ trở thành thành phố từ tháng 10 năm 2003 và là đô thị loại ba. Sau khi tách tỉnh, Điện Biên Phủ trở thành tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên.
Điện Biên Phủ có diện tích 60,0905 km², gồm 7 phường và 1 xã. Các phường là: Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Bình, Nam Thanh, Thanh Trường, Noong Bua và xã Thanh Minh.
Mặc dù nhỏ hơn so với thời chiến tranh xảy ra, Điện Biên Phủ có số dân khoảng 70.639 người (cuối năm 2004). Cư dân sống ở đây không chỉ có người Kinh (người Việt) mà còn có một số đông là người Thái, người HMong, người Si La. Các dân tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số của thành phố.
Về đường bộ, Điện Biên Phủ nối với thị xã Mường Lay bằng đường 12, cách nhau 90 km. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474 theo đường 279 đến Tuần Giáo chuyển sang đường 6.
Về đường hàng không, Điện Biên Phủ có sân bay Điện Biên Phủ nối với Hà Nội./.
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

2.         Điện Biên Phủ - biểu tượng của ý chí quyết thắng Việt Nam

Nguyễn Mạnh Hưởng
PGS, TS. Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

1. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt",…của thực dân Pháp. Đến năm 1953, thế chiến lược trên chiến trường đã thay đổi. Quân dân ta giành thế chủ động trên chiến trường; quân viễn chinh Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng. Để cứu vãn tình thế, kế hoạch Na-va ra đời. Đây là cố gắng cao nhất và cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến tranh xâm lược Pháp. Quân dân ta chủ động đánh địch trên các chiến trường, đặc biệt là uy hiếp địch ở Tây Bắc, kế hoạch Na-va bị đảo lộn, thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, một "pháo đài khổng lồ không thể công phá", sẵn sàng "nghiền nát" quân chủ lực Việt Nam.
Với quyết tâm giành thắng lợi, Đảng ta thông qua "Phương án tác chiến mùa xuân năm 1954", trong đó xác định "Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta mở 3 đợt tiến công. Sau mỗi đợt tiến công, tinh thần chiến đấu của quân dân ta lại càng thêm hăng hái, thế và lực lại được tăng cường và vững mạnh hơn. Đợt 3 chỉ trong vòng 7 ngày, quân dân ta đã có sức mạnh áp đảo, tiến công tiêu diệt những cứ điểm còn lại. Sau 55 ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu gian khổ và anh dũng, cùng sự phối hợp chi viện của chiến trường cả nước với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị đập tan, toàn bộ 16.200 quân địch do tướng Đờ Cát-tơ-ri chỉ huy bị tiêu diệt và bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm xoay chuyển cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của thế lực thực dân hiếu chiến Pháp, tạo cơ sở căn bản cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Hội nghị Giơ-ne-vơ; là một cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, mở ra con đường thắng lợi cho phong trào giải phóng dân tộc, thức tỉnh khát vọng và niềm tin vào tương lai tốt đẹp của các dân tộc bị nô dịch, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
2. Sức mạnh cơ bản, nhân tố chủ yếu làm nên chiến thắng của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ không phải nằm ở vũ khí trang bị, mà là ở chính trị - tinh thần, ở khối đại đoàn kết dân tộc, ở tinh thần yêu nước nồng nàn, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc ta trước thế lực ngoại xâm. Trong tác phẩm “Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là sự đọ sức giữa hai quân đội; ở đây bọn thực dân xâm lược phải đánh nhau với cả một dân tộc; cả dân tộc Việt Nam, toàn thể nhân dân việt Nam đang đứng dạy chống lại chúng”(1).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ta chiến đấu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự hội tụ đến đỉnh điểm quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân ta nhằm thực hiện mục tiêu chính nghĩa ấy. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, nhiều tiểu đoàn pháo, công binh, xe tăng, lại được hỗ trợ nhiều máy bay và thường xuyên tăng viện trong quá trình chiến đấu đã tạo cho bọn xâm lược sự lạc quan rằng, đây là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”; chúng không thể hiểu được sức mạnh to lớn của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự không biết ng­ười, không biết ta là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại thảm hại của quân Pháp. Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, niềm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chính nghĩa…đã thôi thúc quân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện nghiêm túc quyết tâm chiến lược “Tất cả để chiến thắng” của Đảng và phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh ăn chắc, đánh chắc thắng”. Sức mạnh chính trị - tinh thần mà cốt lõi là ý chí quyết thắng của quân dân ta đã khắc phục được những hạn chế của ta về vũ khí trang bị, nâng cao hiệu quả chiến đấu, để khi bước vào những trận quyết định cuối cùng tạo ra được sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương. Đó là ưu thế tuyệt đối của quân dân ta so với đối phương.
Ưu thế về chính trị - tinh thần của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ biểu hiện trên những vấn đề chính: một là, ưu thế của những con người chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa so với những tên lính xâm lược, phi nghĩa; hai là, ưu thế của ý chí quyết thắng, tinh thần quyết tâm chiến đấu cao của những con người đầy khát vọng giải phóng, chống xâm lược so với quyết tâm chiến đấu của những tên lính đánh thuê; ba là, ưu thế của sức mạnh tổng hợp đang trên đà chiến thắng, hội tụ vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc so với sự cố gắng cao nhất của quân đội địch nhằm cứu vãn tình thế thất bại. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định:­ “về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần”(2).
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà quân sự Pháp, Mỹ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đ­ường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của chúng. “Một dân công mang 30 ki-lô-gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô-tô vận tải chuyển đ­ợc 2 tấn rư­ỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Nh­ư vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Da-cô-ta mang 5 tấn, bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng r­ưỡi đồng hồ?”(3). Chúng không thể ngờ rằng, với lòng yêu nước nồng nàn, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, quân dân ta đã chuyên trở hàng ngàn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Quân địch cũng không thể ngờ rằng, với cái cuốc, cái xẻng, quân dân ta đã tạo ra cả một mạng giao thông hào, địa đạo “khổng lồ” ngày càng bao vây xiết chặt cứ điểm Điện Biên Phủ, góp một phần quyết định vào thắng lợi, mà sau này một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”(4). Cuốc, xẻng vốn là những phương tiện cần thiết cho bộ đội trong chiến đấu, ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng đã thoát ra khỏi quan niệm thông thường về quân sự, trở thành một biểu tượng “sức mạnh của trí tuệ và lòng yêu nước” Việt Nam. Không thể cắt nghĩa được sự thoát ra khỏi “quan niệm thông thường về quân sự” của những trang bị thô sơ nếu không hiểu được một cách đầy đủ và sâu sắc sức mạnh chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của những con người sử dụng trang bị ấy.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân tố chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân ta đã được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù. Từ một nhân tố chiếm ưu thế tuyệt đối, thế và lực của ta không ngừng phát triển, trở thành ưu thế toàn diện áp đảo đối phương, làm cho cứ điểm “vững chắc” Điện Biên Phủ trở thành nơi chôn vùi quân xâm lược. Đây là một quy luật vận động và phát triển nhân tố chính trị - tinh thần của quân dân ta trong chiến tranh, nhất là trong các trận quyết chiến chiến lược.
3. Sự kiện Điện Biên Phủ đến nay đã lùi vào lịch sử 54 năm, dấu tích chiến tranh đã mai một trên thành phố Điện Biên đổi mới, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn cổ vũ chúng ta trên các chặng đường cách mạng. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo cơ sở quan trọng cho chúng ta tin tưởng và khẳng định rằng, trong điều kiện mới, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là khi chúng liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược, lời giải cơ bản của chúng ta là: phát huy sức mạnh tổng hợp; thực hiện chiến tranh nhân dân, sức mạnh cơ bản, cái quyết định làm nên chiến thắng của chúng ta vẫn là chính trị - tinh thần, là ý chí quyết chiến quyết thắng, với nội dung và chất lượng mới.
Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX mà Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, cùng với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đã tạo ra thế và lực cho đất nước hôm nay, để nhân dân ta ngẩng cao đầu, vững bước đi tới tương lai. Lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh xương máu của mình để có được độc lập tự do và hoà bình thực sự. Tinh thần Điện Biên Phủ, khí thế Điện Biên Phủ đã từng tiếp nối và nhân lên sức mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ chúng ta tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới với ý chí quyết thắng mới: đẩy lùi nghèo đói, chấn hưng đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, “sánh vai cùng các nước trên thế giới trong nhịp bước khẩn trương của thời đại”(5). Khí thế hào hùng, tinh thần Điện Biện Phủ vẫn là nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.


(1) Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Nxb ST, H, 1959, tr 100-101
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2000, tr 59.
(3) Điện Biên Phủ lắng đọng và suy ngẫm, Nxb Văn hoá-Thông tin, H. 1994, tr 106.
(4) Điện Biên Phủ lắng đọng và suy ngẫm, Nxb Văn hoá-Thông tin, H. 1994, tr 126.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 53

Số 8 (176) năm 2009

3.         Hồi ức của một chiến sĩ Điện Biên



Thượng sỹ cựu chiến binh Nguyễn Vạn Phúc, Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102,
 Sư đoàn 308.
TCCSĐT - “Tôi rất vinh dự và tự hào đã được tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngày nay vẫn khoẻ mạnh và lại chuẩn bị cho kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc”. Đó là lời cảm tưởng của thượng sỹ cựu chiến binh Nguyễn Vạn Phúc khi nhớ về thời gian chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông Nguyễn Vạn Phúc trầm tĩnh kể: Tôi sinh ngày 30 tháng 4 năm 1930, tại thị trấn Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; nhập ngũ ngày 03 tháng 2 năm 1947; vào Đảng ngày 20 tháng 2 năm 1962; tháng 2 năm 1959 chuyển ngành ra làm công nhân cơ khí mỏ A-pha-tít Lào Cai; tháng 2 năm 1969 tái ngũ làm công nhân viên quốc phòng công tác tại X24 Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần và tháng 1 năm 1974 về nghỉ hưu. Hiện nay tôi sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh thôn Lộc, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ tôi có một vài kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi vẫn còn nhớ mãi cho đến tận bây giờ đó là: đánh bộc phá mở đường cho quân ta tiến vào đồi A1, bắn tỉa ở đồi Nà Noọng và cắm cờ chuẩn ở đồn phía Đông Nà Noọng.
Đánh bộc phá mở đường cho quân ta tiến vào đồi A1
Tối hôm ấy Đại đội 269 thuộc Tiểu đoàn 54 có nhiệm vụ cắt dây thép gai mở cửa mở cho đơn vị bạn đánh chiếm đồi A1 (giai đoạn 1). Tổ tam tam do tôi chỉ huy dùng bộc phá luồn vào hàng rào dây thép gai của địch, sau khi đặt bộc phá ống xong, tôi báo cáo đồng chí trung đội trưởng, đồng chí ấy ra lệnh đợi khi có đạn bắn vạch đường thì giật nụ xoè cho bộc phá nổ, tổ tôi đã thực hiện được hai quả thành công, dọn được khoảng 4-5m lối vào lô cốt địch, thì bỗng xuất hiện hoả lực súng đại liên của địch bắn ra xối xả cản đường tiến trên hướng chủ yếu của quân ta, buộc đội hình C269 chúng tôi phải tản ra hai bên để chuẩn bị lại mở đường từ hướng khác. Đến đây chúng tôi mới nhận ra rằng mình đã chọn hướng đột phá nhầm vào chính diện trúng ổ hoả lực của địch, do chúng nguỵ trang quá kỹ nên ta không phát hiện được. Đây là bài học cho chúng tôi trong các trận đánh tiếp sau, và trong suốt thời gian chiến dịch. Trong trận này, tôi đã bị pháo địch bắn bị thương và phải về tuyến sau điều trị mất 10 ngày.
Sau ngày chiến thắng, tuy không giỏi thơ lắm nhưng cũng cố sáng tác một bài để ghi lại kỷ niệm sâu sắc trong trận đánh này. Bài thơ có đoạn:
Nhìn trời pháo sáng vạch đường
Ầm ầm đạn súng chiến trường bay ra
Tia xanh, tia trắng loé qua
Coi dây bộc phá lệnh đà chớ quên
Đây là quả pháo đầu tiên
Rào gai đặt dưới giật liền quay sau
Xì xì tiếng nổ rất mau
Tung ngay một mảng đi đâu không còn
Trong đồn súng lớn súng con
Nhằm ra cùng hướng bắn dồn như mưa
Tình hình diễn biến ai ngờ
Không may mảnh pháo lại sờ bắp chân...
Bắn tỉa ở đồi Nà Noọng và cắm cờ chuẩn ở đồn phía Đông Nà Noọng
Trong trận vây ép địch ở đồn Nà Noọng ở phía Tây Điện Biên Phủ, bắn tỉa để tiêu hao sinh lực địch và tạo ra sự căng thẳng cho quân địch trên chiến trường cũng là chủ trương của Bộ Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ. Thời đó chưa có súng bắn tỉa chuyên dụng có kính ngắm như bây giờ, chúng tôi đã phải dùng súng Trung chính để bắn tỉa, anh em chúng tôi đã chia nhau người quan sát, người đánh lừa địch bằng cách đội mũ vào đầu khẩu súng giơ lên nhấp nhô trên mặt giao thông hào nhử cho địch nhìn thấy để cho chúng bắn, khi bắn chúng tôi chúng buộc địch phải nhô lên khỏi công sự và các tay súng bắn tỉa của ta dễ phát hiện mục tiêu để bắn tiêu diệt địch. Tuy không thể đếm chính xác có bao nhiêu tên địch bị bộ phận bắn tỉa chúng tôi bắn chết, nhưng đây là hình thức đánh có hiệu quả trong quá trình vây ép địch làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên, luôn nơm nớp lo sợ bị ăn đạn của Việt Minh.
Cắm Cờ chuẩn

Tôi được giao nhiệm vụ bí mật tiếp cận chân lô cốt của địch ở đồi phía Đông Nà Noọng, khi tôi bò vào hướng lô cốt của địch thì gặp một tên lính Pháp gác nhưng đang ngồi ngủ gật ở giao thông hào, tôi ném lựu đạn làm nó bị thương nặng và kêu la ầm ĩ “Việt Minh ta la lát”, “Việt Minh ta la lát” (Việt Minh ném lựu đạn) trong khói súng đạn mịt mùng tôi đã kịp thời nhảy vọt lên cắm Cờ chuẩn vào cạnh lô cốt của địch, tạo điều kiện cho pháo ĐKZ 75 của ta bắn phá chính xác vào lô cốt của địch. Cờ chuẩn của chúng tôi lúc đó chỉ đơn giản là hai cái thông nòng súng K50 nối vào nhau và trên đầu buộc mảnh vải dù pháo sáng lấy được của địch đủ để cho pháo binh của ta phát hiện đo đạc mục tiêu, lấy phần tử bắn chính xác.
Sau khi cắm xong cọc chuẩn tôi kịp chạy về phía sau chừng 5 - 7 mét nằm xuống thì hàng loạt đạn pháo của ta đã trút lên lô cốt địch tạo điều kiện cho bộ binh ta tiếp cận đánh chiếm mục tiêu của địch. Thời gian này, tôi là tiểu đội trưởng trinh sát thuộc Đại đội 277, Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 102 Sư đoàn 308. Sau 40 năm tức là năm 1995, tôi lại có dịp quay lại chiến trường xưa, cho đến nay, 55 năm đã trôi qua, khi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về những đồng đội của tôi ngày ấy, tuy họ đã hy sinh nhưng hình như bên tai tôi tiếng nói của họ vẫn còn văng vẳng như chúng tôi đã từng chiến đấu bên nhau trong chiến hào ngày ấy.
Để ghi lại kỷ niệm của trận chiến đấu này tôi cũng đã làm một bài thơ với tiêu đề là Cắm cờ chuẩn, có nội dung như sau:
Đê Ka Z bảy lăm ly
Nay ta đã có vậy thì dùng ngay
Trên giao nhiệm vụ chiều nay
Cho người xem xét báo đây trước giờ
Ba(1) tôi nhận lệnh đang chờ
Mang nhiều lựu đạn với dù cắm trông
Lùi về sau tiến hướng đông
Nơi hào đã bé lại nông gập ghềnh
Đi đâu suy nghĩ phân vân
Nơi đây chính lúc lập công chắc rồi
Ồ trông tên giặc nó ngồi
Tay dang lựu đạn lăng rơi sát người
Xì vàng nổ đấy chết thôi
Bồi thêm vài quả cũng rơi đấy liền
Ôi ta la lát(2) Việt Minh
Nghe thêm nó cứ kêu rên luôn mồm
Đi sau Lĩnh, Lưu(3) cùng đường
Xì xì lăng tiếp chặn đường địch lui
Không xa dùng tiểu liên chơi
Băng này mà nổ hết đời bọn bay
Chưa ngờ nòng súng đất đầy
Thôi lao lên đấy cắm cây cờ dù
Xong rồi lại xuống yên du
Mường Thanh dội pháo vù vù tới đây
Oàng oàng mảnh pháo đất bay
Cờ dù nghiêng xuống ngả ngay mép hào
Pháo binh tín hiệu giơ cao
Mục tiêu không thấy tôi lao cắm liền
Được rồi cờ chuẩn đứng yên
Pháo binh nhìn rõ phất dền tránh xa
Anh em tạt mé rút ra
Ùng oàng trúng đích khói xà hơn mây./.
Đại tá Nguyễn Nhâm ghi theo lời kể của Thượng sỹ cựu chiến binh Nguyễn Vạn Phúc

Số 7 (175) năm 2009

4.         Câu chuyện về thắng - thua hay bồ câu - diều hâu

Hà Đăng

TCCSĐT - Đầu tháng 3 - 2009 vừa qua, tôi có dịp tiếp chuyện bà giáo sư sử học Ca-rô-lin Ai-xen-bớc, trường đại học Hofstra (Mỹ). Bà đến thăm Việt Nam để thu thập tư liệu viết cuốn sách về lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, giai đoạn 1969-1973. Tôi tiếp bà trong tư cách “một nhân chứng lịch sử” về Hội nghị Pa-ri. Đơn giản là bà phỏng vấn những gì cần biết và tôi trả lời những gì mình biết được. Đôi lúc, có những câu hỏi liên quan đến ai thắng, ai thua hay ai bồ câu ai diều hâu trong chiến tranh. Tôi nói lên nhận xét của mình mà không có ý gì tranh luận.
Thắng hay thua?
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến cuộc đàm phán Pa-ri giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khởi đầu từ tháng 5 năm 1968, và sau đó là Hội nghị bốn bên về Việt Nam từ tháng 1-1969 trở đi, tôi có trả lời rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là thắng lợi của chúng tôi và là thất bại của Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân miền Nam Việt Nam. Bà giáo sư hỏi lại:
- Theo các nhà quân sự Mỹ thì hồi đó, Mỹ không thua trên chiến trường mà chỉ thua trên các đường phố hay trong phòng họp của Quốc hội Mỹ.
Tôi trả lời:
- Người ta nói điều này không chỉ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của chúng tôi, mà cả sau khi Mỹ đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh. Hơn nữa, không chỉ giới quân sự nói mà cả nhiều chính trị gia hàng đầu của Mỹ, như Tổng thống Ních-xơn, cũng nói.
Cái Mỹ gọi là “thất bại về tâm lý” chính là điều chúng tôi khẳng định: Việt Nam đã đánh sập (hay làm lung lay) ý chí xâm lược của Mỹ. Chúng tôi đã tiến công và nổi dậy đồng loạt trong tất cả các thành phố và thị xã của miền Nam, trực tiếp đưa chiến tranh vào thành thị, đánh vào tất cả các cơ sở quân sự, cơ quan chỉ huy đầu não của Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn, gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy này, Nhà Trắng đã nhận ra rằng không thể thắng chúng tôi bằng quân sự mà phải tìm một con đường khác để rút ra khỏi cuộc chiến tranh, con đường đó là đàm phán. Nếu chúng tôi không có thắng lợi về quân sự thì sao có thể có thắng lợi về chính trị như thế được? Nếu Mỹ không thất bại về quân sự thì sao có thể giải thích được việc hàng loạt tướng lĩnh cao cấp của Mỹ bị mất chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra phải từ chức và Tổng thống Giôn-xơn đồng ý chấp nhận đàm phán và không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa?
- Nhưng sau Tết Mậu Thân, phải chăng đã có một cuộc phản công khiến các ông bị đẩy khỏi các vùng nông thôn và rút đến tận biên giới? Bà giáo sư hỏi lại.
Tôi không trực tiếp trả lời câu hỏi ấy, nhưng đã kể lại một chuyện vui trong một cuộc họp báo của người phát ngôn Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Hội nghị Pa-ri thời đó. Tại cuộc họp báo này, có một nhà báo Mỹ đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?” Người phát ngôn Mặt trận đáp: “Điều ông hỏi cũng là điều bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông cáo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy!” (hôm ấy, máy bay Mỹ ném bom dữ dội Củ Chi và vùng ngoại vi Sài Gòn). Có tiếng vỗ tay trong phòng họp.
Câu chuyện về “thắng - thua” giữa bà giáo sư và tôi một lần nữa trở lại khi chúng tôi đề cập nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973. Tôi có nói tới thất bại của Mỹ trong trận tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc vào cuối tháng 12 năm 1972. Bà giáo sư nói: “Chính quyền Mỹ lại cho rằng nếu không có thắng lợi của cuộc tập kích đó thì Việt Nam không nhanh chóng chịu ký kết Hiệp định”. Tôi hỏi bà giáo sư có từng nghe một danh từ nào đó là “Điện Biên Phủ” không? Bà đáp: “Có. Có. Điện Biên Phủ là trận thắng lừng lẫy của Việt Nam để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây” Tôi nói: “Đúng là như vậy. Chúng tôi coi thắng lợi của chúng tôi đập tan cuộc tiến công bằng B52 của Mỹ chính là một trận Điện Biên Phủ trên không. Ngày nay, không chỉ Pháp mà nhiều nước trên thế giới cũng hiểu rằng ba từ “Điện Biên Phủ” đồng nghĩa với một trận nốc-ao”. Tôi nói thêm: “Nếu không bị trận đòn nốc-ao ấy thì Mỹ dễ gì Mỹ nhận ký kết một bản Hiệp định mà nội dung của nó cơ bản không có gì khác bản dự thảo đã được thoả thuận giữa hai bên từ tháng 10 năm 1972 và sau đó, có sửa đổi chút ít trước khi xảy ra cuộc tiến công”. Tôi cũng nhắc lại một câu nói trong hồi ký sau này của ông Kit-xinh-giơ: “Điều đó có bõ công không? Những thay đổi đạt được liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng (của Mỹ) trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh?”.
Bà giáo sư cười thoải mái. Bà cho biết bà đã tham gia phong trào hoà bình ở Mỹ ngay từ những năm tháng chiến tranh Việt Nam.
Bồ câu hay diều hâu?
Trong câu chuyện, bà giáo sư có hỏi nhận xét của tôi về các vị đại sứ trưởng đoàn đàm phán của Mỹ tại Hội nghị Pa-ri.
Về Đại sứ Ca-bốt Lôt, Trưởng đoàn đầu tiên của Mỹ tại Hội nghị bốn bên, bà giáo sư hỏi: “Ông có nghĩ rằng ông Ca-bốt Lôt là thuộc phái bồ câu, trong khi ông Ních-xơn là thuộc phái diều hâu không?” Khái niệm “phái bồ câu” thường dùng để chỉ những người ôn hoà muốn thương lượng để giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh. Còn “phái diều hâu” là dùng để chỉ những người hiếu chiến chủ trương giành chiến thắng bằng quân sự. Câu hỏi này đối với tôi thật đột ngột. Ông Ca-bốt Lôt có thời đã làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Thời ấy trên báo Nhân Dân, tôi có viết bài “Toà đại sứ, phủ toàn quyền”, nội dung nói lên rằng cái toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hiện nay không khác gì phủ toàn quyền của Pháp ngày trước, và ông đại sứ Mỹ đối với ngụy quyền Sài Gòn cũng có vai trò như ông thống đốc toàn quyền của chính quyền thực dân Pháp đối với chế độ bù nhìn tay sai của họ. Ông Ca-bốt Lôt, khi đến Pa-ri được ca ngợi như là người thân cận của Tổng thống Ai-xen-hao-ơ, nhà ngoại giao nhiều sáng kiến. Tôi không tuỳ tiện trả lời mà chỉ nói ngắn gọn với bà giáo sư: “Thưa bà, vào thời điểm Hội nghị Pa-ri, tôi không có cảm nhận như bà nói. Ông Ca-bốt Lốt đến Hội nghị chỉ phát biểu ý kiến rất ngắn. Trong thời gian họp, ông thường lim dim mắt như người ngái ngủ, và ít biểu hiện thái độ lắng nghe người đối thoại với mình. Chỉ có một lần, vào ngày 8-5-1969 ấy, khi Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Trần Bửu Kiến trình bày giải pháp toàn bộ 10 điểm, đến điểm thứ hai, thì tôi thấy ông đại sứ bỗng ngồi thẳng người, mở mắt ra và cầm bút ghi chép. Sau đó, đến lượt mình phát biểu, ông hứa sẽ nghiên cứu ý kiến của đối phương. Tuy nhiên sau đó ít lâu, khi ông Nich-xơn tuyên bố chính sách Việt Nam hoá chiến tranh, thì ông Ca-bôt Lôt cũng bị rút về và thay bằng ông Đa-vít Bru-xơ”.
- Thế ông Đa-vít Bru-xơ như thế nào?
- Ông cũng được ca ngợi là nhà ngoại giao kỳ cựu, có nhiều sáng kiến, có thể góp phần đưa Hội nghị Pa-ri ra khỏi bế tắc… Rất tiếc, đó cũng là những lời quảng cáo. Sau mấy phiên họp, ông không đưa ra được điều gì mới mẻ. Dư luận tỏ ra thất vọng. Một số nhà báo đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ông Xuân Thuỷ trả lời: “Tôi thấy ông Đa-vít Bru-xơ chỉ lặp lại những gì mà Nhà Trắng nói. Ông Ních-xơn nói một chữ thì ông Đa-vít Bru-xơ nói một chữ. Còn ông Ních-xơn nói nửa chữ thì ông Đa-vít Bru-xơ cũng nói nửa chữ”.
Sau cuộc tiếp chuyện bà giáo sư, tôi thầm nghĩ: Trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, thật không dễ gì phân biệt rạch ròi ai là bồ câu, ai là diều hâu. Có những người một mực theo đuổi cuộc chiến tranh từ đầu đến cuối. Có những người trước sau vẫn không thay đổi lập trường chống lại cuộc chiến tranh. Lại có những người trước vốn là “diều hâu” sau chuyển thành “bồ câu”, tuy sớm hay muộn.
Ông Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra, tác giả của “hàng rào điện tử”, một trong những nhân vật chủ chốt dựng lên màn kịch “sự kiện vịnh Bắc Bộ, để mở ra chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, được coi là con diều hâu cỡ bự. Vậy mà, vào lúc cuộc chiến tranh đã leo đến nấc thang cao nhất vào cuối năm 1967 đầu năm 1968, sau thất bại của Mỹ trong Tết Mậu Thân, ông đã “bồ câu hoá”, kiên quyết xin từ chức, rũ áo ra đi bởi cho rằng cuộc chiến tranh là không có lối thoát, dù có tăng cường ném bom ồ ạt miền Bắc.
Tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn là người cầm đầu chiến tranh ở Nhà Trắng, tác giả kịch bản Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, người ra lệnh mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ với việc ồ ạt đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam đồng thời tiến công đánh phá miền Bắc, cũng là người buộc phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Trước khi rời ghế Nhà Trắng, ông ngậm ngùi thổ lộ: “Kết thúc năm 1968, sau nhiều năm điều hành cuộc chiến tranh gay cấn ở Việt Nam, tôi thực sự không tin rằng mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Vì tình hình đen tối của chúng ta ở Việt Nam đã làm cho tôi phải căng thẳng suốt 1886 đêm ít khi ngủ được trước 2 giờ sáng” (phát biểu ngày 9-11-1968).
Ông Ngoại trưởng Kit-xinh-giơ, một người chống cộng điên cuồng, người giữ vai trò chủ chốt của phía Mỹ trong đám phán Pa-ri cũng là một trong những nhân vật ở Nhà Trắng chịu trách nhiệm về cuộc tiến công bằng B52 chống Việt Nam, lại cũng là người đại diện phía Mỹ ký tắt Hiệp định Pa-ri vào ngày 23-1-1973. Con diều hâu ấy, cho đến tháng 5 năm 1975, trong một cuộc họp báo ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, đã thú nhận: “Chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành một nơi thí nghiệm chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam là biện pháp giải quyết tồi nhất, vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào…”
Tướng Mac-xen Tay-lo là một trường hợp điển hình. Trước đây, ông từng là tác giả Kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Năm 1965, khi là đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ông ta còn thúc giục Giôn-xơn “cần phải mạo hiểm để có một sự thay đổi, nếu không sẽ phải chấp nhận thất bại trong tương lai khá gần”. Vậy mà đến thượng tuần tháng 4-1975, khi quân giải phóng tiến công như vũ bão dọc ven biển miền Trung, thì ông thốt lên: “Tôi không thể giải thích nổi cuộc thảm bại của chúng ta. Đây là một trận Oa-téc-lô­­ của Mỹ”. Sau sự kiện Sài Gòn, ông còn nói thêm: Tất cả chúng ta đều góp phần của mình vào thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Thật chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói đến Tổng thống Ri-sớt Nich-xơn. Ông là con diều hâu từ đầu đến chân. Ngay sau khi lên làm tổng thống chưa đầy nửa năm, ông đã đề xướng chính sách Việt Nam hoá chiến tranh và đeo đuổi nó cho đến cùng. Mặc dù đã ký Hiệp định Pa-ri, ông vẫn tiếp tục đổ tiền của và vũ khí vào Nam Việt Nam để giúp chế độ Sài Gòn tiếp tục cuộc chiến. Cho đến khi xảy ra vụ Oa-tơ-ghết, bị phế truất khỏi Nhà Trắng, ông vẫn đầy lòng hậm hực. Ông là tác giả của nhiều quyển sách như: Cuộc chiến tranh thật sự; Kế hoạch chấm dứt chiến tranh; Không được có những Việt Nam nữa. Toàn là những lời biện hộ cho chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính ông chứ không ai khác là người đặt ra câu hỏi: Mỹ có thua ở Việt Nam không, mà nếu thua thì thua trên chiến trường, trong phòng họp của Quốc hội, trên đường phố hay trong lòng nhân dân Mỹ? Ông tức tối khi càng về cuối cuộc chiến tranh, Quốc hội càng bó tay Tổng thống, không cho dùng hết sức mạnh, trong khi đó thì dân chúng xuống đường phản đối chính quyền… Khẩu hiệu “Không được có những Việt Nam nữa” mà phong trào nhân dân Mỹ nêu lên đã bị ông lợi dụng để đặt tên cho một quyển sách của mình, trong đó ông cắt nghĩa: Có thể can thiệp vũ trang vào nơi nào đó mà Mỹ cho là cần thiết, miễn là Mỹ không được thua một lần nữa như đã thua ở Việt Nam (!)

Số 8 (176) năm 2009

5.         Hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ - nhìn từ góc độ sức mạnh chính trị - tinh thần

Lại Ngọc Hải
Đại tá, PGS.TS Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng.

TCCSĐT - Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) cách đây 55 năm luôn là đề tài hấp dẫn để nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế cũng như những nhà nghiên cứu suy ngẫm - suy ngẫm về những điều đã qua để nghĩ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay cũng như cho cả thế hệ mai sau.
Giữa những người không cùng ý thức hệ, quan niệm về hậu phương vẫn có một sự khác nhau nhất định. Nếu chúng ta có một quan niệm toàn diện về hậu phương, nhìn nhận hậu phương không chỉ là nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, mà còn là nơi tạo dựng và động viên, nhân lên các khả năng của con người để phát huy sức mạnh giành chiến thắng trong chiến tranh, thì đối phương chỉ thuần túy nhìn nhận hậu phương với tính cách là nơi tạo dựng và cung cấp các nguồn lực về vật chất - kỹ thuật cho các hoạt động tác chiến. Đây là điều lý giải vì sao các chiến lược gia quân sự Pháp cách đây 55 năm đã chọn thung lũng Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong trận chiến Đông Dương, làm nơi thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam lên giao chiến với quân đội viễn chinh Pháp. Và kết cục bi thảm đối với quân đội viễn chinh Pháp tại trận chiến Điện Biên Phủ nói riêng và của nước Pháp ở chiến trường Đông Dương nói chung, là một tất yếu.
1. Hậu phương của Việt Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ dưới con mắt của quân đội viễn chinh Pháp
Xét về mặt địa - quân sự, tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ cách rất xa căn cứ địa Việt Bắc và các vùng tự do của ta. Nếu lấy sân bay Mường Thanh làm tâm, quay một cung bán kính Hà Nội - Điện Biên Phủ sẽ thấy các vùng tự do của ta - hậu phương quốc gia của chiến tranh giải phóng và mặt trận này, đều nằm trên vòng cung đó. Từ Việt Bắc qua Phú Thọ sang Điện Biên Phủ, hoặc qua Lào Cai, Yên Bái đến lòng chảo Mường Thanh; từ Thanh Hóa qua Hòa Bình, Sơn La lên Điên Biên Phủ, mọi nguồn lực vật chất để chi viện cho bộ đội ta tại chiến dịch lịch sử này đều hết sức khó khăn bởi nó vừa xa xôi, lại phải vượt qua một vùng núi non hiểm trở, nhiều đèo dốc. Ngày nay, nếu chúng ta đi từ Hà Nội, hoặc Tuyên Quang lên Điện Biên Phủ bằng ô tô chỉ hết một ngày, thì ở vào thời điểm cách đây 55 năm, đó lại là cả một cuộc hành trình đầy gian truân.
Nghiên cứu lại các cứ liệu lịch sử có thể thấy, sở dĩ Na-va - Tổng chỉ huy quân đội Viễn chinh Pháp ở Đông Dương coi Điện Biên Phủ là cái bẫy, là cỗ máy nghiền nát quân chủ lực của Việt Minh và thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam đưa lực lượng chủ lực lên giao chiến tại Điện Biên Phủ đều xuất phát từ cách nhìn thuần tuý về những khó khăn trong việc bảo đảm các nguồn lực nhằm đáp ứng các yêu cầu tác chiến của quân đội ta tại mặt trận này.
Do chúng ta phải vận chuyển một khối lượng vật chất - kỹ thuật lớn từ hậu phương xa xôi lên tiền tuyến hiểm trở bằng phương tiện vận tải thô sơ dùng sức người là chính, trong khi hậu phương tại chỗ là vùng Tây Bắc thì dân cư thưa thớt, nghèo nàn, nên các tướng lĩnh Pháp cho rằng, với thực lực hiện có, cùng những khó khăn về mặt địa - quân sự và phương tiện vận tải, cộng với sự ngăn chặn bằng phi pháo của quân đội Pháp, việc cung cấp sức người, sức của của Việt Minh từ hậu phương ra mặt trận là vô kế khả thi.
Đổ quân xuống Điện Biên Phủ, tướng Na-va xuất phát từ một suy luận lô-gíc rằng: bằng cái bẫy về bảo đảm các nguồn lực về vật chất - kỹ thuật của cho các hoạt động tác chiến, ông ta sẽ nghiền nát lực lượng chủ lực của Việt Minh, qua đó làm thay đổi cục diện chiến trường hiện đang bất lợi cho nước Pháp. Trong lễ giáng sinh năm 1953, Na-va đã tuyên bố rằng, Việt Minh phải sửa lại hoàn toàn kế hoạch (ngụ ý nói về kế hoạch tác chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, "...Họ đã đưa quân lên những vùng núi hiểm trở, nghèo xác xơ và đường giao thông hoàn toàn không có. Vận tải của Việt Minh đều toàn đi bộ do những "phu” gánh, nếu có bằng ô tô chăng nữa thì cũng phải đi trên những đoạn đường rất xấu, luôn bị quân Pháp chia cắt" [1]. Còn Giuyn Roa, đại tá không quân Pháp ở chiến trường Đông Dương trong cuốn "Điện Biên Phủ", xuất bản tại Pa-ri năm 1963 thì cho rằng: "Địch khó có đủ sức tiến công vào Điện Biên Phủ, Việt Minh không thể để các sư đoàn của họ sống xa căn cứ của mình lâu được"[2].
Cho đến khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, người Pháp mới nhận ra rằng, họ đã sai lầm. Cái sai lầm chết người đưa đến sự thảm bại của nước Pháp ở chính cái nơi mà họ cho là Việt Minh vô kế khả thi trong việc bảo đảm các yếu tố vật chất - kỹ thuật cho tác chiến. Sự thảm bại đó còn là do họ không hiểu nổi yếu tố nào đã chi phối khiến những chiếc máy bay vận tải của quân đội viễn chinh Pháp lại thua những đôi bồ dân công của Việt Minh [3].
2. Thắng lợi tại mặt trận Điện Biên Phủ - thắng lợi từ "sức mạnh lòng dân" của nhân tố hậu phương
Khi quyết định chọn Tây Bắc làm địa bàn chiến lược đọ sức với quân đội viễn chinh Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), với điểm quyết chiến chiến lược là Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chính phủ, Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận thấy những khó khăn lớn mà quân đội và nhân dân ta phải đối mặt. Khó khăn lớn nhất của chúng ta là cung cấp, tiếp tế các nguồn lực vật chất từ hậu phương ra tiền tuyến. Để triển khai chiến dịch chúng ta cần huy động một lực lượng lớn bộ đội, dân công hoạt động dài ngày ở một địa bàn rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, trong khi tại đó dân cư lại thưa thớt, kinh tế lạc hậu, nghèo nàn, đời sống của người dân còn hết sức khó khăn.
Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng tình hình và khả năng, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh thấy rằng, tất cả những khó khăn về cung cấp, cụ thể là phương tiện vận tải dù chỉ bằng sức người và xe đạp thồ là chủ yếu nhưng chúng ta vẫn có thể vượt núi, băng rừng đưa vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm kịp thời đến tận tay chiến sĩ. Bởi Trung ương tin ở ý chí quyết chiến quyết thắng, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của quân đội, tin vào sức mạnh của toàn dân, ở tinh thần cả nước ra trận, quyết cùng với bộ đội giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này của nhân dân các địa phương vùng căn cứ địa Việt Bắc và các vùng tự do - hậu phương của chiến dịch. Còn nhân dân ta thì tin vào sự nhìn nhận và chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chính phủ, tin vào bản chất, truyền thống và những phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, vì thế mà dốc lòng, dốc sức ra trận, đi dân công phục vụ hỏa tuyến, quyết vượt mọi khó khăn nguy hiểm đem từng cân gạo, viên đạn đến tận tay người chiến sĩ. Và thực tế cho thấy, nhân dân các địa phương ở hậu phương của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm được điều mà kẻ thù của chúng ta cho là không thể.
Thực tiễn hoạt động của nhân dân các địa phương thuộc hậu phương của chiến dịch hơn 170 ngày đêm (tính từ khi các hoạt động triển khai vận chuyển các nguồn lực vật chất - kỹ thuật từ hậu phương ra tiền tuyến), với hơn 18 triệu ngày công của 261.000 dân công hỏa tuyến và bằng 29.991 xe đạp thồ, 500 ngựa, hậu phương đã đưa ra mặt trận 27.400 tấn gạo và toàn bộ nhu cầu về đạn dược, thuốc men, thực phẩm, quân trang, quân dụng [4] từ Liên khu IV và từ Việt Bắc vượt qua mọi khó khăn về khoảng cách, địa hình hiểm trở, sự đánh phá ác liệt của địch để biến cái không thể thành cái có thể. “Nhân dân ta đã làm được một việc vĩ đại hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của địch” [5].
Sức mạnh chính trị - tinh thần của hậu phương còn cho phép chúng ta nhân lên nguồn lực có hạn của một hậu phương với tiềm lực kinh tế còn nhỏ bé nhưng đủ sức cung cấp các nhu cầu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, cũng như một phần vũ khí đạn dược cho hoạt động tác chiến. Chính Na-va đã phải thú nhận rằng: "Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thực sự. Ảnh hưởng của họ lan rộng nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát thì họ cũng có một uy quyền bí mật, đánh bại được uy quyền của chúng ta và cho phép họ thu được một phần tài nguyên phụ thêm. Họ thu thuế ở đó, tuyển mộ quân số ở đó, họ chở ra rất nhiều gạo, muối, vải vóc mà họ cần dùng, họ mua sắm những chiếc xe đạp đã có tác dụng rất lớn trong công tác tiếp tế, các loại thuốc men cần thiết cho ngành y tế của họ, những hòn pin điện để lắp vào những quả mìn giết hại binh sĩ Pháp” [6].
Với tầm vóc về sức mạnh chính trị - tinh thần của hậu phương chiến tranh như vậy, sự thắng lợi của quân và dân ta, sự thất bại của quân Viễn chinh Pháp ở mặt trận Điện Biên phủ là hai hiện tượng mang tính tất yếu như nhau. Đại bại ở mặt trận Điện Biên Phủ đã làm cả quân đội Pháp ở Đông Dương, cả nội các Pháp ở Pa-ri và cả người Mỹ ở bên kia bờ đại dương đều bàng hoàng[7]. Một sự bàng hoàng hoàn toàn có thể hiểu được, bởi cả người Pháp và người Mỹ lúc đó cũng như người Mỹ sau này trong cuộc đụng đầu lịch sử với nhân dân Việt Nam ở mảnh đất phía Nam vĩ tuyến 17, đều đã không hiểu đầy đủ về tính chất của hậu phương trong chiến tranh. Cái điểm mạnh của Việt Minh về chính trị - tinh thần trong nhân tố hậu phương tại chiến dịch Điện Biên Phủ chính là cái gót chân Asin của họ.
3. Từ Điện Biên Phủ, nghĩ về xây dựng sức mạnh lòng dân trong chuẩn bị đất nước bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới
Thế giới đương đại mà chúng ta đang sống đã khác rất xa với thế giới của 55 năm trước đây, nhưng những nội dung cần có, những yếu tố, những khía cạnh để tạo dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của hậu phương thì vẫn giữ nguyên tính thời sự của nó. Bài học về vai trò của sức mạnh chính trị - tinh thần của nhân tố hậu phương đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 55 năm đã và đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhiều vấn đề cần nhiên cứu và giải quyết. Có rất nhiều việc chúng ta phải tiến hành theo như tinh thần của Nghị quyết Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám (khóa IX) và Văn kiện Đại hội X của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần trong sức mạnh tổng hợp quốc gia với tính cách là chuẩn bị đất nước - thực chất là xây dựng sức mạnh lòng dân nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Để là được điều này, thiết nghĩ cần tiến hành thực hiện tốt một số nội dung nhằm tạo ra sức mạnh lòng dân trong chuẩn bị đất nước bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Một là, bằng những biện pháp tích cực nhất, tiến hành các hoạt động xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mọi người dân Việt Nam. Nội dung xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân bao gồm nhiều vấn đề, trong đó mấu chốt là: 1) Bồi dưỡng nâng cao giác ngộ về truyền thống giữ nước bất khuất, lòng tự hào dân tộc, đem tinh thần và ý chí quyết tâm giữ nước trước đây vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân Việt Nam trong thời kỳ mới; bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho toàn dân về mối quan hệ không thể tách rời giữa Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại hiện nay. 2) Xây dựng, củng cố thái độ, tình cảm, niềm tin đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho mọi tầng lớp nhân dân, theo đó cần xây dựng tình yêu đối với quê hương, đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bồi dưỡng cho mọi người có tình cảm trong sáng, niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sức mạnh của đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. 3) Xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mỗi người dân Việt Nam. Biện pháp có nhiều nhưng trực tiếp và trước hết là tiến hành tốt các chương trình giáo dục quốc phòng cho tất cả các đối tượng theo tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị.
Hai là, với những biện pháp phong phú và đa dạng, thực hiện một cách chủ động và tích cực để xây dựng cho được khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Trong đó: 1) Đặt trọng tâm vào xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện, để trong mọi hoàn cảnh các tổ chức lãnh đạo và bộ máy quản lý, các tổ chức chính trị xã hội đó đủ sức tập hợp, quy tụ được sự đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp nhân dân tại địa phương thực hiện có chất lượng các yêu cầu, nội dung cụ thể của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 2) Xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Đây là các tổ chức có vai trò to lớn trong việc tập hợp, cổ vũ, động viên các thành viên thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 3) Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với việc tăng cường trật tự kỷ cương, giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và các chính sách của Nhà nước đảm bảo cho sự thống nhất ý chí trong xã hội; ngăn chặn những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống Đảng, chống Nhà nước ta.
Ba là, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của nhân dân, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là nhân dân ở các vùng đặc biệt khó khăn (vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến cũ, biên giới, hải đảo), đồng bào tại các địa phương thuộc các địa bàn chiến lược có tầm quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Đối với nước ta hiện nay, nếu kẻ thù liều lĩnh tiến hành gây chiến tranh xâm lược, nhất định đó sẽ là một cuộc chiến tranh công nghệ cao. Với một đất nước còn có những hạn chế nhiều mặt về các nguồn lực vật chất - kỹ thuật đáp ứng các nhu cầu tác chiến, nhưng lại rất giầu kinh nghiệm, truyền thống và tiềm lực chính trị - tinh thần, chúng ta cần và có thể khai thác triệt để ưu thế về mặt chính trị - tinh thần của nhân tố hậu phương để động viên, nhân lên các khả năng hữu hạn về vật chất - kỹ thuật đến mức cao nhất có thể, đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và giành thắng lợi trong chiến tranh. Việc thực hiện tốt những nội dung nói trên cho phép chúng ta từng bước đạt tới mục tiêu đó./.


(1) "Chiến thắng Điện Biên Phủ", tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.210.
(2) Giuy Roa, "Trận Điện Biên Phủ", Nxb Rune' Jullianrd, Pa-ri, 1963.
(3), (4), (5), Xem "Trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.159,228,166.
(6) Na-va "Đông Dương hấp hối", (Navare Henry, "Agonie de I' Indochine", Plon Pari 1958).
(7) Báo Tin tức cuối tuần, số 11 (212) 141 - ra ngày 17-2-2004.

Số 7 (175) năm 2009

6.         Ðiện Biên Phủ - nơi hội tụ sức mạnh của cả nước


Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ (ÐBP), là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của cả nước ra trận. Sức mạnh này được tổ chức, thực hiện dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chiến thắng ấy không chỉ là thể hiện, là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, mà cao hơn, còn là biểu tượng sáng ngời của sức mạnh đại đoàn kết.
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân luôn thấm nhuần trong các đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng. Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám và suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua những hình thức của mặt trận dân tộc thống nhất như: Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, rồi Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam..., khối đại đoàn kết toàn dân ấy không ngừng được củng cố và phát triển.
Chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, nhất là chiến dịch ÐBP, sức mạnh của khối đại đoàn kết được huy động ở mức cao nhất. Ðể phục vụ chiến dịch, ta đã huy động lực lượng dân công của đồng bào các dân tộc trên nhiều miền của Tổ quốc. Trong các chiến dịch trên ta đã huy động 1.298.930 dân công với 29.485.900 ngày công, 4.750 tấn lương thực, thực phẩm. Ðến chiến dịch ÐBP, tổng quân số tham gia lên tới 53.830 người. Do vậy, chúng ta phải huy động một lượng vật chất kỹ thuật, lương thực, thực phẩm rất lớn. Trong khi đó, chiến trường ÐBP ở cách xa hậu phương, có nơi tới 500-600 km. Ðịa thế hiểm trở. Quyết định mở chiến dịch ÐBP, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch, bảo đảm chắc thắng. Nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của hậu phương trong chiến tranh cách mạng, Ðảng khẳng định tất cả những khó khăn to lớn về cung cấp tiếp tế ấy sẽ được giải quyết vì nhân dân ta có lòng yêu nước và quyết tâm rất cao, cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi và đặc biệt là toàn dân ta đoàn kết chung quanh Ðảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ nhận định trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hạ quyết tâm: "Toàn dân, toàn Ðảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch ÐBP và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này"(1).
Một cuộc vận động nhân dân chi viện ÐBP đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Hội đồng cung cấp Mặt trận được thành lập để chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân tài vật lực của cả nước. Hậu phương đã dốc hết sức chi viện cho chiến trường ÐBP. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Tổng kết chiến dịch ÐBP, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công với 18.301.507 ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền(2).
Trong bối cảnh đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, lại trải qua tám năm kháng chiến, những con số trên có một ý nghĩa hết sức to lớn. Ðó chính là sự đóng góp của toàn dân... Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động nguồn hậu cần tại chỗ. Ðây là một nguồn rất quan trọng, không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc ở đây còn nghèo, nên việc huy động cũng bị hạn chế. Nhân dân Tây Bắc vốn giàu truyền thống yêu nước, biết ơn Ðảng, ơn Bác Hồ, dù còn bao khó khăn thiếu thốn nhưng vẫn tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm và dân công phục vụ chiến dịch. Ở miền Tây Bắc, nhân dân nghe tin bộ đội truy kích địch, thiếu gạo ăn, đã rủ nhau từ rừng sâu về nơi ở cũ để giúp bộ đội. Ðồng bào nhiều nơi còn rủ nhau đi đào củ mài, đồ xôi, hái rau, bắt cá ủng hộ bộ đội... Trong chiến dịch ÐBP, nhân dân Tây Bắc đã tiếp tế cho bộ đội 7.311 tấn gạo (vượt mức huy động 1.311 tấn), 389 tấn thịt và 800 tấn rau tươi(3)... Ðó là chưa kể số lương thực, thực phẩm nhân dân các bản, mường trực tiếp giao cho bộ đội. Nhân dân Tây Bắc còn đóng góp cho chiến dịch 31.818 dân công và hàng nghìn ngày công, ngựa thồ... Tại Lai Châu, khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Hà Nhì, Mảng, Khơ Mú... đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch...
Trước khi mở chiến dịch, Trung ương Ðảng và Tổng Quân ủy đã chỉ đạo bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, cùng nhân dân cả nước tích cực mở các hoạt động phối hợp cùng mặt trận chính là ÐBP. Ðó là các đòn hoạt động ở các hướng chiến lược để căng kéo quân địch dàn trải ra các chiến trường theo ý định của ta như Tây Bắc, Thượng Lào, Trung-Hạ Lào, Tây Nguyên..., tập kích Ðường 5 - tuyến đường vận tải chiến lược của địch từ Hà Nội về Hải Phòng; tập kích các sân bay Gia Lâm và Cát Bi để phá tuyến vận tải đường không chi viện cho ÐBP của địch. Kết quả là ta đã điều một bộ phận quan trọng lực lượng địch, buộc chúng phải căng sức đối phó, bị giam chân ở nhiều chiến trường... Ngay trong đợt 1 của chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, quân ta đã tiêu diệt hơn 20 nghìn tên địch, giải phóng nhiều vùng đất có ý nghĩa chiến lược và điều quan trọng là buộc địch phải điều 51% lực lượng cơ động của chúng từ đồng bằng lên giam chân trong các tập đoàn cứ điểm trên chiến trường rừng núi như ÐBP, Luông Pha Băng, Mường Sài, Sê Nô, Plây Cu, An Khê..., và 49% lực lượng cơ động còn lại bị chiến tranh du kích kìm chân, không còn cơ động nữa mà bị căng mỏng ra nhiều nơi. Do đó, khi bị ta vây đánh ở ÐBP, Pháp không còn đủ lực lượng lớn để lên ứng cứu. Ở chiến trường Nam Bộ, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục cũng đã chỉ đạo dốc toàn lực đẩy nhanh nhịp độ tiến công để phối hợp với chiến dịch ÐBP. Các đơn vị chủ lực của Khu và các tỉnh đã kết hợp với LLVT địa phương tiến công vào vùng địch hậu các tỉnh. Với nhiều hình thức như phục kích, tập kích, công đồn, các LLVT Nam Bộ đã diệt nhiều sinh lực địch, phá nhiều đồn bốt. Trong cả nước, nhân dân từ nam chí bắc, từ thành thị đến nông thôn liên tiếp mở nhiều cuộc đấu tranh, vùng lên diệt ác, phá tề, giành quyền làm chủ. Những cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, văn hóa liên tiếp nổ ra, làm cho hậu phương của kẻ thù luôn bị náo động.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ức của mình: "Chưa bao giờ, người dân Việt Nam đi ra trận nhiều như vậy. Chưa bao giờ người thanh niên ta đi đến nhiều nơi như vậy, biết thêm nhiều địa phương xa lạ của đất nước như vậy. Từ đồng bằng đến rừng núi, trên con đường lớn và các đường con, trên các dòng sông, các ngọn suối, đâu đâu cũng rộn rịp hẳn lên: cả một hậu phương đang tuôn người, tuôn của ra mặt trận để cùng quân đội ra mặt trận tiêu diệt địch, giải phóng đất nước. Hàng nghìn thư từ, điện từ các địa phương gần xa ngày ngày gửi đến trận địa ÐBP... Toàn dân ta, giai cấp công nhân, nông dân lao động, anh chị em thanh niên, trí thức, mỗi người dân Việt Nam yêu nước đều đã đáp lời kêu gọi của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh..."(4).
Chiến thắng ÐBP là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là kết quả của sự đóng góp của tất cả những người Việt Nam yêu nước trên nhiều vùng của đất nước. Chiến thắng đó cũng là kết tinh của sức mạnh cả nước ra trận, của một sự chung sức chung lòng và quyết tâm của các giai cấp, tầng lớp trên đất nước Việt Nam, của đồng bào các dân tộc từ miền xuôi đến miền ngược... ÐBP mãi mãi tiêu biểu cho tinh thần quật cường của dân tộc ta, đem sức mạnh đoàn kết muôn triệu người như một, đem tinh thần anh dũng của một dân tộc chiến đấu vì độc lập, tự do; của một Quân đội nhân dân non trẻ nhưng đầy sức mạnh chiến đấu mà chống lại một quân đội hùng mạnh của một nước đế quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân đó vẫn mãi là nguồn sức mạnh cho dân tộc ta lập nên những chiến công mới, cho đất nước ta trường tồn và phát triển./.


(1) Văn kiện lịch sử Ðảng, tập 8, Trường Nguyễn Ái Quốc xuất bản, H, 1964, tập 8, trang 129. (2) Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1954), Nxb QÐND, H, 1993, trang 305. (3) Trận tuyến hậu cần Ðiện Biên Phủ, Nxb QÐND, Hà Nội, 1993, trang 171. 
(4) Võ Nguyên Giáp - Ðiện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1994, tr.254, 256-258.

Số 7 (175) năm 2009

7.         Kỷ niệm xưa tiếp thêm động lực


Nhà báo Đỗ Xuân Lộc sinh năm 1930, tại thành phố Yên Bái. Ông nhập ngũ năm 1948 làm chiến sĩ liên lạc ở tỉnh đội, rồi đi học trường Chính trị Phùng Chí Kiên trở thành Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 432, Trung đoàn 249 chiến đấu tiêu diệt địch trên địa bàn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Chính trị viên Đại đội 338 vận tải bằng ngựa, thuộc Phòng Hậu cần, Khu Tây Bắc. Đã 55 năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về các “chiến sĩ” ngựa thồ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ông Lộc kể: Đại đội tôi thường được xé lẻ từ 5 đến 7 con ngựa đi một đợt công tác, nhiều nhất là một trung đội chuyên vận chuyển theo yêu cầu phục vụ các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của Khu. Giữa năm 1953 thì được lệnh tập trung toàn đại đội đi chuyển hàng phục vụ “đánh lớn”. Những mặt hàng mà đơn vị vận chuyển gồm các loại nhu yếu phẩm như: gạo, ngô, đường, sữa, thịt hộp, chè, thuốc… trên cung đường từ Thượng Bằng La (ngã ba đường Yên Bái - Nghĩa Lộ), vượt đèo Lũng Lô, qua Phù Yên đến chân đèo Chẹn, bàn giao cho đơn vị khác vận chuyển lên Cò Nòi, Tuần Giáo. Thời gian cứ đi ba ngày thì nghỉ một ngày. Đại đội tôi toàn anh em chiến sĩ trẻ, xuất thân từ nông dân, nhiều người không biết chữ, vào đơn vị được học chính trị, văn hóa, biết đọc, biết viết, lại có thư từ gia đình báo tin cải cách ruộng đất được chia ruộng nên phấn khởi, hăng hái lắm. Nhiều anh không ngủ trưa ra rừng đan mũ nan, vót tăm, chăm sóc ngựa như đuổi mòng, chải bờm, cho ăn cỏ, ngắm nghiá con ngựa.

Ban đầu chúng tôi không biết là vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng khi đường 13 mở xong, chúng tôi đi lẫn trong đội hình bộ đội, xe pháo, dân công nườm nượp như trảy hội mới thấy vinh dự quá. Thế nhưng, cũng có lúc anh em thấy tủi thân. Nhất là chị em nữ dân công, cứ thấy chúng tôi cùng đàn ngựa thồ lại hò: Chồng người ra trận lập công, hò lơ/ Chồng em lóc cóc làm ông ngựa thồ, này hò lơ, hò lờ hoặc; Nghe chức giám mã tưởng oai, hò lơ/ Hóa ra cắt cỏ ở ngoài bãi sông, này hò lơ, hò lờ… thế là cả đoàn dân công, bộ đội lại cười rộ lên. Khổ thêm nữa là ngựa thồ nặng, lên dốc thót bụng, ỉa dọc đường. Đi lẻ còn đỡ chứ đi cả đoàn hàng chục con thì ghê lắm, phân lẫn đất lầy lội và mùi hôi nồng nặc…
Khó khăn là thế nhưng anh em vẫn quyết tâm. Có đồng chí bị sốt rét, chỉ huy bắt ở lại, thế nhưng hai hôm sau đã đuổi kịp đơn vị, vì lo ngựa của mình giao cho người khác không quen dễ sinh hư. Có chiến sĩ thức suốt đêm đốt bồ kết xông cho ngựa bị đầy hơi chướng bụng. Những khi máy bay địch ném bom vào đội hình, ngựa sợ giật cương chạy vào rừng, cả đơn vị bổ đi tìm, thấy ngựa, chiến sĩ giám mã ôm đầu ngựa khóc vừa mắng, vừa mừng. Tuy thiếu thốn, đã có người phải đổi một chiếc đồng hồ để lấy một gói thuốc lào nhỏ, nhưng hàng phục vụ chiến dịch chúng tôi không tơ hào, không hao hụt. Gạo để người ăn, thóc cho ngựa mang kèm riêng theo cung đường. Mỗi tháng đại đội vận chuyển khoảng 30 tấn hàng, mưa nắng thì khắc phục, bom đánh tắc đường thì vòng tránh, ngựa không cần có đường đi sẵn, nên chúng tôi luôn bảo đảm về mặt thời gian đến hết chiến dịch...
Giải phóng Điện Biên, nhà báo Đỗ Xuân Lộc về Ban Tuyên huấn Cục Chính trị (Khu Tây Bắc), rồi lần lượt làm Tổng biên tập Báo Chiến sĩ Tây Bắc (Báo Quân khu 2 ngày nay), Chính trị viên Đoàn Văn công Quân khu 2. Ông chuyển ngành về Bộ Cơ khí luyện kim năm 1971, sau đó về phụ trách Bộ môn Tuyên truyền của Tổng cục Thể dục thể thao cho đến năm 1982 nghỉ hưu tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Những tưởng về hưu sẽ thảnh thơi, được nhân dân và chính quyền tín nhiệm ông tiếp tục có 10 năm công tác tại địa phương ở các vị trí như: Phụ trách công tác tuyên giáo Đảng ủy, nhân viên tư pháp, tổ hòa giải… của phường. Từ 1993 đến năm 2007 ông được Hội Cựu chiến binh Hà Nội giao làm Trưởng ban biên tập Bản tin Cựu chiến binh Thủ đô. Nay đã 80 tuổi nhưng ông vẫn rất hăng hái tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội (1989 - 2009). Ông tâm sự: Tuổi già, sức yếu nhưng cứ nghĩ đến những ngày phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tôi lại thấy khỏe thêm. Hào khí Điện Biên, nghĩa tình đồng đội, đức hy sinh vì đất nước đã tiếp thêm cho tôi động lực./.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Số 8 (176) năm 2009

8.         Những câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ: Quân lệnh như sơn


TCCSĐT - Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số các Tư lệnh đại đoàn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu nói: "Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: được lời như cởi tấm lòng!". Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho pháo binh:
- Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh? Không giải thích. Đầu dây đằng kia, tiếng đồng chí Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy pháo binh đáp:
- Rõ ! Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.
14 giờ 30 phút, nối liên lạc điện thoại với đồng chí Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308.
Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Pra-băng tiến quân, dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thế mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh, trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện.
Khi được hỏi mới trả lời.
- Rõ! (Đồng chí Vương Thừa Vũ đáp).
- Triệt để chấp hành mệnh lệnh?
- Xin chỉ thị về sử dụng binh lực như thế nào?
- Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay xuất phát.
- Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh !
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho một số bộ phận nhỏ, mang theo một đài vô tuyến điện, đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo "Đại đoàn 308 đã về tới...". Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Do những bức điện này, lúc đầu, địch đã tưởng 308 đang quay về đồng bằng. Tại mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mỗi người còn có những băn khoăn suy nghĩ khác nhau, nhưng toàn thể cán bộ, chiến sỹ đã triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân, biểu thị một niềm tin, một tinh thần kỷ luật tuyệt vời. Đại đoàn 312 cùng các chiến sỹ pháo binh trong bảy ngày đêm ròng rã, đã kéo pháo ra an toàn trên con đường hiểm trở bị máy bay và pháo địch biến thành con đường lửa.
Đại đoàn 308 lúc đầu được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm. Cách đánh này gọi là "Oa tâm chiến thuật" (thọc thẳng vào tim). Khi Đảng ủy Mặt trận quyết định thay đổi phương thức tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" thì Đại đoàn được lệnh cấp tốc tiến quân sang Luông Pra-băng, tạo điều kiện cho quân ta kẻo pháo ra và xúc tiến mọi việc chuẩn bị để thực hiện "đánh chắc thắng".
Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: chiến trường chưa được chuẩn bị, tình hình địch cụ thể chưa rõ, khó nhất là không có bảo đảm hậu cần. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ là một con người "quân lệnh như sơn". Nhận lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua điện thoại, Đại đoàn trưởng hiểu rằng nhiệm vụ Đại đoàn thay đổi đột ngột, nhất định phải có sự thay đổi ở tầm chiến lược, bây giờ chưa rõ thì sau sẽ tìm hiểu. Vấn đề trước mắt là suy nghĩ về quyết tâm tác chiến và triệu tập hội ý Thường vụ Đảng ủy Đại đoàn.
Thời gian rất gấp, lúc nhận lệnh là 14 giờ 30 mà 16 giờ đã phải xuất phát. Đi toàn đại đoàn hay đi một trung đoàn? Đi toàn đại đoàn thì có đủ lực lượng để tạo hiệu quả lớn và chủ động ứng phó với mọi tình huống bất trắc, nhưng khó khăn về hậu cần là không dễ giải quyết. Thường vụ Đảng ủy Đại đoàn hội ý cấp tốc, hạ quyết tâm đi toàn đại đoàn, đúng 4 giờ chiều xuất phát, vừa đi vừa làm công tác chính trị giải quyết tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ. Sở chỉ huy nhẹ do Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đi trước, có nhiệm vụ nắm tình hình địch và liên hệ với bộ đội Pa thét Lào để phối hợp tác chiến. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh chỉ huy Trung đoàn Thủ đô 102 hình thành một mũi tiến quân về Mường Sài. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và chính ủy Lê Quang Đạo (Phó chủ nhiệm chính trị mặt trận được cử xuống Đại đoàn 308 thay Chính ủy Song Hào bị ốm không đi chiến dịch) chỉ huy mũi chủ yếu: Trung đoàn 36 trên trước hướng về phía Luông Pra-băng, Trung đoàn 88 còn bận tham gia kẻo pháo của mặt trận, sẽ tiến sau, làm dự bị.
Toàn đại đoàn chia làm hai cánh quân lập tức lên đường, mỗi người chỉ có năm lạng gạo, tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần, sau 10 ngày giải phóng toàn bộ khu vực sông Nậm Hu, tiến sát đến Luông Phra-băng. Được lệnh quay về, lại thần tốc trở lại, kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số các Tư lệnh đại đoàn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu nói: "Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: được lời như cởi tấm lòng!". Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ nói: Tôi nghĩ nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể phải lui lại mười năm!"./.
Kỳ sau: Câu chuyện thứ tư: Đòn chiến lược thứ năm

Số 7 (175) năm 2009

9.         Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (Kỳ I)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy cả 8 chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, là đỉnh cao cuộc đọ sức giữa quân đội ta và quân viễn chinh Pháp. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt. Trải qua hơn 100 ngày có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy Điện Biên - chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà còn để lại cho cán bộ, chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng.
Cụ thể là: 1) Tấm gương mẫu mực về tinh thần quyết chiến, quyết thắng và ý chí tiến công địch; 2) Phong cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân người chỉ huy và 3) Tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với mọi tư tưởng sai trái, mở đường đi đến thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch.
Đó là những bài học luôn có giá trị mà tất cả chúng ta đều có thể suy nghĩ và vận dụng trên cương vị của mình vào công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và xây dựng đất nước trong quá trình đổi mới hiện nay.
Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, mặc dù đánh giá đây là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn đề nghị với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm chấp nhận giao chiến với Bộ chỉ huy Pháp, quyết tâm đánh bại hình thức phòng ngự chiến lược cuối cùng của chúng. Để thực hiện bằng được quyết tâm đó, ông đã vận dụng những biện pháp cần thiết trên các chiến trường toàn quốc để tạo thế chiến lược có lợi cho mặt trận trọng điểm Điện Biên Phủ cả trước và sau khi quân ta nổ súng tiến công.
Về phía địch, sau khi ném quân xuống Điện Biên Phủ, những người cầm đầu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lại phạm thêm một sai lầm có ý nghĩa chiến lược, đó là đánh giá không đúng sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta. Trong một bức điện gửi về Pa-ri đầu tháng 1 năm 1954, cao ủy Pháp Maurice Dejean đã dự báo với Thủ tướng Joseph Laniel rằng có thể tướng Giáp "không dám chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ", vì quân đội của Việt Minh chưa bao giờ đứng trước một trọng trách đáng sợ như nhiệm vụ tiến công một tập đoàn cứ điểm lớn như vậy. Phía Pháp có lý do để tin vào điều đó vì họ thấy rằng, trước đây quân ta đã không dám đụng đến tập đoàn cứ điểm lần đầu xuất hiện ở Hòa Bình, đã không thành công trong vài trận đầu tiến công vành ngoài của tập đoàn cứ điểm Nà Sản, tiếp đó lại không có cơ hội thử sức ở tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, mà so với các tập đoàn cứ điểm vừa nói thì Điện Biên Phủ vượt rất xa về nhiều mặt. Chẳng thế mà lúc đầu, cả Tổng chỉ huy Henri Navarre và chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries đều rất tự tin và họ nóng lòng chờ quân ta tiến công để hòng tiêu diệt mấy đại đoàn chủ lực của đối phương.
Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy cũng như cá nhân Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch ở Điện Biên Phủ, cũng không đánh giá quá cao khả năng chiến đấu còn hạn chế nhiều mặt của quân đội ta, nhất là về hỏa lực và khả năng đánh công kiên. Bộ Thống soái của ta đều biết tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một mục tiêu đông về quân số, áp đảo về số lượng sắt thép, rắn về công sự, gồm rất nhiều cứ điểm rải ra trên một cánh đồng bằng phẳng rộng hơn 100 ki-lô-mét vuông. Đây là một chiến trường mà địch đã lựa chọn và đã chuẩn bị rất công phu để thách thức giao chiến với bộ đội chủ lực của ta. Điều đó giải thích vì sao khi giao nhiệm vụ cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Đây là một trận đánh rất quan trọng, có ý nghĩa về nhiều mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, nên chỉ được đánh thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh.
Phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự mới nhất và hiện đại nhất của quân đội Pháp trong những năm cuối của cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Bộ chỉ huy Pháp tin rằng, tập đoàn cứ điểm là một giải pháp chiến lược quân sự màu nhiệm. Họ hy vọng rằng, với hình thức phòng ngự này, quân Pháp có thể vô hiệu hóa để tiến tới tiêu diệt các binh đoàn chủ lực trang bị còn hạn chế của đối phương. Họ không hề biết rằng, sau đợt một của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, vấn đề đặt ra với Bộ Thống soái Việt Nam và riêng với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không phải là tiến công hay không tiến công mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy? Không đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược mới này của quân Pháp thì cũng có nghĩa là không mở được một cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển. Đó chính là quyết tâm không lay chuyển và cũng là niềm tin của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, khi ông rời căn cứ Việt Bắc hành quân ra tiền tuyến sáng ngày 5-1-1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dừng lại ở quyết tâm tiêu diệt quân địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà điều quan trọng là ở chỗ ông đã sớm suy nghĩ để tìm ra những biện pháp chiến lược-chiến dịch để thực hiện bằng được quyết tâm đó. Cụ thể: Thứ nhất, phải làm sao cô lập cao độ và giữ chân được quân địch ở Điện Biên Phủ để tiêu diệt, không để chúng triệt thoái, không để mất mục tiêu như đã từng diễn ra ở Nà Sản hồi tháng 8 vừa qua; thứ hai là phải làm sao hạn chế khả năng tăng viện của địch cho mặt trận này trong quá trình ta chuẩn bị tiến công cũng như trong diễn biến chiến dịch và thứ ba là suy nghĩ về cách đánh như thế nào để tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm của địch.
Để cô lập và giữ chân quân Pháp ở Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt (biện pháp thứ nhất), sau khi quân ta giải phóng Lai Châu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho Đại đoàn 316 nhanh chóng cùng Đại đoàn 308 hình thành thế bao vây địch trên cánh đồng Mường Thanh; lệnh cho Đại đoàn 308 phái Trung đoàn 36 đứng chân ở Pom Lót tạo thành một cái chốt chiến dịch trên con đường độc đạo từ Điện Biên Phủ sang hướng Thượng Lào. Thế là ta đã sớm đẩy quân Pháp trên cánh đồng Mường Thanh vào thế “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Vậy mà suốt dọc đường ra mặt trận, cán bộ tham mưu đi cùng vẫn thấy Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều lần đặt câu hỏi: Liệu địch có rút khỏi Điện Biên Phủ trước khi ta nổ súng hay không? Mỗi lần dừng chân dọc đường, dây trời vô tuyến điện căng lên để nghe báo cáo tình hình ở Điện Biên Phủ, ông thường lưu ý bộ phận quân báo ở phía trước phải theo dõi chặt chẽ những hiện tượng không bình thường của địch, đặc biệt là những triệu chứng chúng chuẩn bị rút chạy. Những thực tế từ Hòa Bình, Nà Sản và gần đây là Lai Châu cho thấy, quân Pháp có đủ phương tiện để tổ chức những cuộc rút lui quy mô lớn bằng không vận. Chỉ bằng 150 lần/chuyến Dakota trong vòng 5 ngày, địch có thể “bốc” cả 6 tiểu đoàn từ Nà Sản về đồng bằng. Ở Điện Biên Phủ, không loại trừ khả năng chúng có thể mở một đường máu, vượt qua chốt Pom Lót của Trung đoàn 36 để chạy sang hướng sông Nậm Hu-Thượng Lào(1).
Ngày 12-1-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng đoàn cán bộ có mặt ở Tuần Giáo. Vừa gặp Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái, ông đã hỏi ngay: Thế nào, liệu địch có rút khỏi Điện Biên Phủ không? Đồng chí Hoàng Văn Thái cho biết, không những địch không rút mà đã từ hơn một tháng nay chúng vẫn tăng quân và hối hả củng cố thế phòng thủ… Câu trả lời của Tham mưu trưởng chiến dịch khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp “cảm thấy mừng” vì mục tiêu còn đó, cũng tức là Tổng tư lệnh có thời cơ để thể hiện quyết tâm và ý chí tiến công, đánh đòn quyết định trong mùa khô này.
Để hạn chế khả năng tăng viện của địch cho mặt trận (biện pháp thứ 2), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo các chiến trường trong cả nước đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ, tiếp tục buộc địch căng kéo lực lượng hơn nữa trên nhiều hướng, làm cho khối quân cơ động chiến lược của Bộ chỉ huy Pháp tiếp tục bị xé lẻ, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tăng viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Từ đầu mùa khô, Tổng hành dinh đã gửi điện động viên quân - dân Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động, nhất là trên các trục giao thông chiến lược, thu hút lực lượng địch, phối hợp đắc lực hơn nữa với chiến trường chính.
Trên miền Bắc, trong lúc một số đại đoàn đang từ Việt Bắc và Liên khu 4 rầm rộ tiến quân về hướng Điện Biên Phủ thì Đại đoàn 320 được lệnh tiếp tục đi sâu vào vùng đồng chiêm trũng, đánh mạnh vào phòng tuyến sông Đáy, cùng lực lượng vũ trang Liên khu 3 đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, buộc địch phải rải thêm quân ra đối phó hòng tránh cho vùng châu thổ sông Hồng khỏi lâm vào tình thế mà tướng Navarre gọi là “bị ruỗng nát”. Trước khi lên đường ra mặt trận, trong bức điện gửi Đại đoàn 320, Tổng tư lệnh viết: Nhiệm vụ của các đồng chí rất nặng. Hoàn thành được nhiệm vụ đó tức là góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung, tạo điều kiện để giành thắng lợi trong thời gian tới…
Trên các chiến trường miền Trung, sau đợt một của chiến cuộc Đông Xuân, Đại đoàn 325 và một trung đoàn của Đại đoàn 304 được lệnh tiếp tục nhằm vào các hướng sơ hở của địch ở Trung-Hạ Lào và Tây Nguyên, buộc địch tiếp tục co cụm trong các tập đoàn cứ điểm mới hình thành ở miền Trung Đông Dương… Thực tế sau này cho thấy, do khối cơ động của Pháp bị thu hút đi đối phó và giam chân trên nhiều hướng chiến lược cho nên khả năng địch điều lực lượng lên cứu nguy cho đồng bọn ở Điện Biên Phủ rất hạn chế.
Biện pháp thứ ba là tìm cách đánh phù hợp để tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính phong cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân người chỉ huy để tạo nên sự đồng thuận đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm ra cách đánh phù hợp. Để tìm ra cách đánh tối ưu đã có một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng ủy Mặt trận nhằm bác bỏ cách đánh mạo hiểm và đi đến chấp nhận cách đánh bảo đảm chắc thắng.
Cũng như các chiến dịch lớn khác trước đó, chịu trách nhiệm chung lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ là một Đảng ủy Mặt trận do Bộ Chính trị chỉ định, gồm: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng chiến dịch), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Hậu cần), v.v.. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chỉ huy trưởng Mặt trận. Ngoài ra, bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch còn có Đoàn cố vấn Trung Quốc do ông Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng.
Những gì đã diễn ra ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cho thấy, hai yếu tố khiến Tướng Giáp thành công trong việc cùng tập thể đi tới sự đồng thuận về cách đánh chiến dịch là: Trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, trước xương máu của cán bộ, chiến sĩ và phong cách sâu sát thực tế, dùng thực tế mà thuyết phục tập thể tiếp nhận yêu cầu cao nhất là bảo đảm đánh chắc thắng.
Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng với cố vấn tham mưu đi trước để chuẩn bị chiến trường. Khi Tổng tư lệnh vừa đến Tuần Giáo, đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo sơ bộ tình hình mặt trận. Lần đầu tiên qua tấm sơ đồ tập đoàn cứ điểm trải rộng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hình dung cụ thể hơn địa hình lòng chảo Mường Thanh và cũng lần đầu tiên ông thấy các vị trí địch ken dầy trên cánh đồng. Theo đồng chí Hoàng Văn Thái thì tập thể bộ phận tiền trạm cũng như cố vấn tham mưu là Mai Gia Sinh đều cho rằng, nhân lúc địch đứng chân chưa vững, ta nên tranh thủ đánh sớm, nếu không địch tiếp tục củng cố công sự, tăng thêm binh lực, tập đoàn cứ điểm trở nên quá mạnh sẽ khó đánh và chiến dịch sẽ kéo dài. Nếu chiến dịch kéo dài, ta phải giải quyết hàng loạt vấn đề về quân số, thương vong, đặc biệt là về tiếp tế trong điều kiện khó khăn vì mùa mưa đến.
Sau khi nghe báo cáo sơ bộ, trên đường đi tiếp từ Tuần Giáo và Sở chỉ huy lâm thời đặt tại Thẩm Púa, hàng loạt câu hỏi nảy sinh trong dòng suy nghĩ của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đánh ngay, đánh sớm nhưng cần có đủ thời gian chuẩn bị, nhất là thời gian củng cố những cây cầu quá yếu và mở rộng 80 ki-lô-mét đường để pháo lớn có thể từ vị trí trú quân hiện nay vào được trận địa. Thời gian cần thiết để hoàn thành việc đó là bao nhiêu trong khi địch có thể tiếp tục tăng quân và củng cố thế phòng thủ? Dù việc sửa đường chỉ cần 5 ngày như tham mưu dự kiến thì trong gần một tuần lễ đó, địch sẽ làm thêm được những gì? Khả năng tăng viện của địch ra sao? Đến lúc này vẫn chưa có báo cáo hoạt động của các chiến trường phối hợp trong toàn quốc...


(1) Dự kiến của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp về khả năng địch tháo chạy sang hướng sông Thượng Lào không phải là không có cơ sở. Sau này qua sách báo của các ký giả phương Tây và nhất là qua hai cuốn Hồi ký của Đại tướng Henri Navarre được biết, ngay sau khi ném quân xuống cánh đồng Mường Thanh, Bộ chỉ huy Pháp đã lệnh cho Trung tá Langlais đưa quân từ Điện Biên Phủ xuống, Thiếu tá Vaudrey đưa quân từ Luang Phabang (Lào) lên, hợp điểm ở Sốp Nao, nhằm thăm dò khả năng lập một đường liên lạc sẵn sàng đón quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Thượng Lào khi tình thế bắt buộc. Kế hoạch triệt thoái này được mang tên Xênophon. Sau khi hình thành, con đường này được gọi là hành lang chiến lược (couloir stratégique) với binh lực chừng 6 tiểu đoàn.
(còn nữa)
Theo Trần Trọng Trung, Báo Quân đội Nhân dân

Số 7 (175) năm 2009

10.     Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (kỳ II)


... Tại sở chỉ huy lâm thời, Đảng ủy Mặt trận hội ý lần đầu, nghe dự kiến kế hoạch của tham mưu về cách đánh chiến dịch. Qua ý kiến trao đổi, các đồng chí Đảng ủy viên đều thấy trong điều kiện địch đang trong thế phòng ngự dã chiến, công sự chưa củng cố, ta cần đánh ngay. Theo dự kiến kế hoạch của tham mưu thì ta sẽ sử dụng toàn bộ lực lượng, chia làm nhiều hướng, đánh cùng một lúc, có sự chi viện và hợp đồng của lựu pháo và cao xạ pháo. Chiến dịch sẽ bắt đầu bằng một trận pháo binh cấp tập dữ dội gây tổn thất nặng cho pháo binh và máy bay địch đỗ trên sân bay. Tiếp đó, các mũi đột kích của bộ binh từ các hướng sẽ thọc sâu vào chia cắt tập đoàn cứ điểm. Riêng mũi đột kích từ hướng tây sẽ đánh thẳng vào sở chỉ huy và trung tâm thông tin của địch, tạo nên sự rối loạn trong tung thâm phòng ngự của chúng, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào… Với phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh như vậy, ta có khả năng tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi trong ba đêm hai ngày.
Tuy chưa có ý kiến phát biểu trong lần hội ý đầu tiên này nhưng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tự hỏi: Đánh như vậy liệu có mạo hiểm không, có chắc thắng không? Ông hình dung nhiều trận đánh sẽ diễn ra ban ngày, trên một địa hình trống trải, bằng phẳng, bằng phẳng hơn nhiều so với chiến trường trung du năm xưa. Với so sánh lực lượng giữa ta và địch như hiện nay, liệu ta có thể huy động toàn bộ lực lượng để tiêu diệt hàng vạn tên địch trong tập đoàn cứ điểm trong vài ba ngày? Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ trình độ đánh công sự vững chắc của các đại đoàn dưới quyền chỉ huy của ông. Với binh lực nhiều hơn địch gấp nhiều lần trong mỗi trận đánh công kiên, bộ đội cũng chỉ mới đủ trình độ tiêu diệt một tiểu đoàn Âu Phi trong công sự vững chắc trong một trận đánh diễn ra vào ban đêm và phải kết thúc và lui quân trước khi trời sáng để tránh phi pháo địch.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tranh thủ trao đổi với cố vấn thì ý kiến Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh cũng đồng tình với cố vấn Mai Gia Sinh là nên đánh sớm, khi địch còn đứng chân chưa vững. Để lâu, chúng tiếp tục tăng quân và củng cố công sự, ta sẽ không đánh được và như vậy không còn thời cơ tiêu diệt địch.
Tổng tư lệnh không tin đánh như vậy có thể giành được thắng lợi nhưng vì là người mới đến, chưa có cơ sở để bác bỏ ngay phương án mà tập thể Đảng ủy lên trước hàng tháng đã lựa chọn, lại được sự đồng tình của Đoàn cố vấn. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ở xa, không thể dùng điện đài để xin ý kiến về một vấn đề tuyệt mật như thế này, mà biên thư thì không kịp. Với ý thức của người luôn tôn trọng tập thể và để khỏi lãng phí thời gian, ông đồng ý để tham mưu triệu tập hội nghị cán bộ và phổ biến kế hoạch tác chiến để các đơn vị tranh thủ triển khai chuẩn bị chiến đấu.
Nội dung cơ bản của kế hoạch tác chiến theo phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh được phổ biến trong hội nghị cán bộ họp vào ngày 14 tháng 1 năm 1954 là:
- Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực đột phá từ phía tây, đánh nhanh, đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh, có sự hợp đồng giáp công từ phía bắc và phía đông, buộc địch đối phó trên nhiều hướng.
- Trong bước đầu, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở trung tâm Mường Thanh và những cứ điểm ở phía tây và tây bắc.
- Sang bước thứ hai, giải quyết bộ phận địch còn lại ở phía đông, đông bắc và phía nam.
- Thời gian tác chiến dự kiến ba đêm hai ngày.
- Thời gian hoàn thành việc kéo pháo vào trận địa là chiều 19 tháng 1 để đúng 17 giờ hôm sau có thể nổ súng.
Tại hội nghị, sau khi nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt của chiến dịch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nêu lên những điều kiện thuận lợi của ta, động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững quyết tâm - kể cả trong trường hợp tình hình địch thay đổi. Ông chỉ rõ: Hiện nay, tình hình địch chưa có gì thay đổi lớn nhưng không phải hoàn toàn không có khả năng thay đổi. Chúng ta cần nắm vững tình hình địch để một khi có biến hóa thì kịp thời và chủ động xử lý. Ông nhấn mạnh để mọi người đánh giá đúng và không xem nhẹ những cố gắng và cách đối phó sắp tới của địch, thấy hết những khó khăn của ta và có biện pháp khắc phục, tránh chủ quan, đơn giản. Ông phân tích: Trong một chiến dịch quy mô lớn nhất của quân đội ta từ trước đến nay, chúng ta chưa có kinh nghiệm phối hợp nhiều binh chủng nên không tránh khỏi những khó khăn về chiến thuật (như chiếm lĩnh trận địa, hợp đồng động tác giữa các đơn vị và binh chủng, chiến đấu liên tục, phòng không, phòng pháo, phòng cơ giới, đảm bảo chỉ huy kịp thời thông suốt và ăn khớp trong những tình huống diễn biến nhanh chóng và phức tạp, nhất là trong tung thâm). Ông động viên cán bộ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trước mắt là tập trung lực lượng hoàn thành gấp đường kéo pháo vào trận địa dã chiến. Trả lời thắc mắc của cán bộ vì sao dùng sức người kéo pháo, ông giải thích: Không phải chúng ta không có xe kéo pháo, nhưng pháo lớn lần đầu xuất trận, ta chủ trương dùng sức người kéo pháo để giữ bí mật hoàn toàn đến giờ nổ súng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao không khí phấn khởi của cán bộ tham dự hội nghị, nhất là khi biết có lựu pháo 105mm và cao pháo 37mm tham gia chiến dịch. Một thói quen của ông khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới là thường gợi ý đến cán bộ nói lên những khó khăn có thể gặp phải, cùng nhau đề xuất phương hướng và biện pháp khắc phục. Lần này cũng vậy. Và ông thấy mọi người đều thể hiện quyết tâm rất cao, không một ý kiến đề xuất khó khăn hay đề nghị thay đổi nhiệm vụ chiến đấu, càng không có một ý kiến “bàn ngang”, có chăng chỉ là hỏi thêm cho rõ nhiệm vụ được giao. Gạn hỏi, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ (Đơn vị đảm nhiệm mũi thọc sâu vào sở chỉ huy trong tung thâm Mường Thanh) cũng không có ý kiến đề nghị gì với Bộ chỉ huy chiến dịch.
Bằng một linh tính nhạy bén của người đã trải qua nhiều năm già dặn kinh nghiệm cầm quân, Tổng tư lệnh cảm thấy đây là một hiện tượng không bình thường, rất đáng quan tâm(1). Dù lúc này chưa đồng tình với cách đánh nhanh nhưng tại hội nghị phổ biến nhiệm vụ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không hề lộ điều suy nghĩ của mình. Ông ân cần dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Về phần mình, ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.
Sau hội nghị, Chỉ huy trưởng chỉ thị cho Phó trưởng ban Quân báo Cao Pha hướng dẫn bộ phận trinh sát thường xuyên bám sát tình hình địch; giao cho Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Phạm Kiệt theo dõi tình hình chuẩn bị đường sá và việc kéo pháo vào trận địa; chia sẻ với Chánh văn phòng Nguyễn Văn Hiếu những suy nghĩ của mình để cùng ông cân nhắc thêm về cách đánh. Hằng ngày, ông dành nhiều thời gian lên điểm cao phía sau sở chỉ huy (khi đó đã chuyển về Nà Tấu) tự mình dùng ống nhòm quan sát địch trên cánh đồng Mường Thanh.
Thời gian lặng lẽ trôi và thêm một ngày là một ngày các cứ điểm của địch thêm rắn. Rõ ràng là để đánh nhanh, vấn đề là thời gian, là chạy đua với địch để hoàn thành càng sớm càng tốt công tác chuẩn bị. Càng tranh thủ được thời gian càng hạn chế khả năng địch tăng quân và củng cố thế phòng ngự. Ông vui mừng khi nhận được báo cáo Đại đoàn 308 đã hoàn thành việc mở rộng con đường kéo pháo dài 15 ki-lô-mét, rộng 3 mét, vượt thời gian dự kiến. Ra hiện trường, thấy con đường kéo pháo rải dài trên một địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu, ông trao đổi và động viên cán bộ Đại đoàn 312 (đơn vị đảm nhiệm kéo pháo) cố hoàn thành nhiệm vụ đưa pháo an toàn vào trận địa trong ba đêm theo kế hoạch.
Vì sao việc kéo pháo gặp khó khăn? Đó là do cơ quan tham mưu chưa có kinh nghiệm cho nên đường kéo pháo ở thực địa khác xa đường vạch trên bản đồ, cả về chiều dài lẫn độ dốc. Dự kiến độ dốc lớn nhất cũng chỉ chừng 30 đến 40 độ nhưng trên thực địa có đoạn đường dốc tới 60 độ. Điều đó giải thích vì sao sau một tuần, Bộ chỉ huy chiến dịch phải quyết định lui ngày N đến chiều 25 tháng 1, vậy mà đến chiều 23 trên trận địa hướng bắc mới chỉ đưa vào được 6 khẩu, tức mới đạt một nửa kế hoạch. Trong khi đó dân công chuyển đạn pháo chưa được bao nhiêu, vì đạn nặng, đường dốc.
Trong cuộc hội báo chiều 23-1, tham mưu báo cáo binh lực địch đã tăng lên hơn 10 tiểu đoàn, công sự và hệ thống phòng ngự không ngừng được củng cố vững chắc hơn, nhất là các cụm cứ điểm vành ngoài, như Gabrielle (trên điểm cao Độc Lập phía bắc) hay cụm cứ điểm Căng Na. Lui xuống phía nam, từ một cứ điểm biệt lập Hồng Cúm (Isabelle) đã phát triển thành một cụm cứ điểm mạnh và trở thành Phân khu nam, có sân bay dự bị và trận địa pháo riêng có thể yểm trợ cho Phân khu trung tâm. Các điểm cao phía đông vẫn là hướng địch mạnh hơn cả. Ngoài số pháo cối cỡ lớn (chừng 50 khẩu), đã thấy một số xe tăng xuất hiện trên cánh đồng.
Từ trận địa pháo, ông Phạm Kiệt gọi điện về cho biết, không những pháo chưa vào hết mà ông còn lưu ý Bộ chỉ huy rằng các khẩu pháo vào tới trận địa đều đang phơi mình trên bãi trống, rất dễ bị máy bay và pháo binh địch phá hủy. Trong một lần nói chuyện điện thoại với Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, Tổng tư lệnh được biết ông Tấn đang nghiên cứu tổ chức chiến đấu thế nào để bộ đội có thể đột phá liên tục ba phòng tuyến địch từ phía bắc xuống, qua các cụm cứ điểm đồi Độc Lập, Bản Kéo, Căng Na để vào khu vực sân bay và tiếp tục phát triển vào tung thâm địch. Ông Tấn nói với Tổng tư lệnh: Tình hình tuy khó khăn nhưng xin hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Lời hứa khiến Tướng Giáp suy nghĩ: Rõ ràng là 312 cần được sự giúp đỡ của trên. Ông không quên vừa được nghe tham mưu báo cáo Đại đoàn này đã trải qua 6 đêm liền kéo pháo mà mới tiến được 12 ki-lô-mét. Thêm một suy nghĩ đến với Tổng tư tệnh về vấn đề sức khỏe của bộ đội trước ngày nổ súng.
… Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự kiến trước khi chiến dịch mở màn sẽ phái Phó trưởng ban Quân báo Mặt trận xuống cùng đi với Đại đoàn 312, bám sát các mũi tiến quân của bộ binh, quân ta tiến đến đâu cố gắng bắt tù binh để khai thác tình hình phía trong của địch đến đấy, tạo điều kiện để Đại đoàn nắm chắc tình hình địch trong quá trình phát triển vào tung thâm. Ông suy nghĩ về nhận xét của Chánh Văn phòng nói rằng, nhìn chung toàn mặt trận lúc này công tác chính trị tư tưởng mới chỉ dừng lại ở việc củng cố quyết tâm mà chưa đi vào giải quyết những vướng mắc cụ thể về tổ chức chỉ huy và thực hành chiến đấu như thế nào. Chỉ cần dẫn một trường hợp của Đại đoàn 308 ở hướng tây, hướng đột kích chủ yếu của chiến dịch. Trên hướng này, quân ta không gặp những cứ điểm trên các điểm cao như các Đại đoàn 316, 312, nhưng bộ đội không có địa hình ẩn nấp, không những phải tiến công tiêu diệt các cứ điểm trên cánh đồng rộng có hàng rào dây thép gai và bãi mìn bao bọc, mà còn phải đối mặt với những trận phản kích của bộ binh địch có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ trên một địa hình bằng phẳng.
Do đài kỹ thuật của sở chỉ huy phát hiện bọn địch thông báo cho nhau về ngày giờ nổ súng của ta, lại nhân chưa tìm được lời giải của bài toán về cách đánh nên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định lui thời gian mở màn chiến dịch thêm 24 giờ, tức đến chiều 26 tháng 1. Ông cần có thêm thời gian để tiếp tục suy nghĩ.
Ngày 26 tháng 1 đã tới cũng là thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trải qua 12 đêm ngủ không trọn giấc. Điều trăn trở không chỉ vì những lời Cụ Hồ dặn rằng, chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của bộ đội. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường này. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Giơ-ne-vơ sẽ thế nào?
Tổng tư lệnh biết rằng lúc này ở các đơn vị mọi việc chuẩn bị cho trận đánh đã căn bản hoàn tất, cả về động viên chính trị tư tưởng đến biện pháp tổ chức chiến đấu theo phương hướng đánh nhanh. Bộ đội đang chờ lệnh ra vị trí xuất phát tiến công. Chỉ khoảng 10 giờ đồng hồ nữa, tiếng súng mở màn chiến dịch sẽ nổ.

 (1) Phải mười năm sau, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được nghe một số cán bộ Đại đoàn nói thực với ông về ý nghĩ của mình. Và cũng chỉ đến khi đó ông mới biết rằng trong hội nghị ngày 14 tháng 1 năm 1954 cán bộ thuộc quyền đều cảm thấy nhiệm vụ quá nặng, cụ thể là lo phải đột phá liên tục, trận đánh kéo dài, không giải quyết được vấn đề thương binh và tiếp tế khi vào tung thâm. Cũng chỉ khi đó ông Giáp mới được nghe ông Vương Thừa Vũ nói rằng: Nếu theo phương châm đánh nhanh thì cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ kéo dài thêm 10 năm. Còn ông Lê Trọng Tấn thì khẳng định: Nếu đánh như vậy thì chúng tôi đã không còn có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tức là đã ngã xuống trên chiến trường Điện Biên Phủ. Các ông đều nói rằng, hồi đó trong không khí hào hứng chung của hội nghị phổ biến nhiệm vụ, không ai dám nói những băn khoăn của mình. Giờ đây, với thế hệ hôm nay, bài học về dân chủ nội bộ vừa trình bày trên đây, đâu chỉ có giá trị trong thời chiến và đâu chỉ có giá trị trong giới quân sự.
(Còn nữa)
Theo Trần Trọng Trung Báo Quân đội Nhân dân

Số 7 (175) năm 2009

11.     Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (Tiếp theo và hết)


... Sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau (26 tháng 1), với nắm ngải cứu buộc trên đầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sang gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh. Ông thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình hơn 10 ngày qua, nêu lên những khó khăn về chiến thuật mà bộ đội ta chưa có điều kiện khắc phục và khẳng định đánh nhanh không bảo đảm thắng lợi. Cuối cùng ông nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm đánh chắc, tiến chắc.
Sau này được biết, chính ông Vi Quốc Thanh cũng đã trải qua những ngày đêm trăn trở trước tình hình địch đã thay đổi. Nay thấy người trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả chiến dịch chủ động nêu ý kiến quyết định thay đổi cách đánh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc cũng đồng tình cho rằng, đánh nhanh là mạo hiểm, không bảo đảm thắng lợi. Hai người bạn, hai người đồng chí dễ dàng nhất trí chỉ sau nửa giờ trao đổi.
Trong buổi họp Đảng ủy Mặt trận ngay sáng hôm đó, Bí thư Võ Nguyên Giáp thấy lúc đầu mỗi đồng chí Đảng ủy viên đều có lý do để bảo vệ ý kiến của mình, mà đều là những ý kiến không thuận. Có đồng chí nhấn mạnh: Bộ đội đã sẵn sàng xuất kích, một ví dụ là ở Đại đoàn 312, Chính ủy Trần Độ đã trịnh trọng làm lễ trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho đơn vị mũi nhọn. Khí thế bộ đội rất mạnh. Nay bỗng nhận được lệnh tạm ngừng tiến công, thu quân, thu pháo, liệu có tạo nên một sự hẫng hụt về tư tưởng hay không? Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp nhắc lại tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đề nghị các đồng chí Đảng ủy viên hãy vì trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và quân đội, hãy trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không?
Trải qua vài giờ trao đổi với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng thấy rằng thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến, nhưng không thể vì những khó khăn trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách đánh không bảo đảm thắng lợi. Và một khi chiến dịch đã “sượng” thì còn phải đối mặt với biết bao nhiêu vấn đề phức tạp mà lúc này chưa hình dung hết được. Đảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. Kết thúc buổi họp, Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp yêu cầu từng thành viên trong Đảng ủy phải làm cho ba cơ quan Mặt trận bộ và cấp lãnh đạo các Đại đoàn đồng tâm nhất trí thay đổi cách suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tình hình mới. Ông sẽ thay mặt Đảng ủy báo cáo và đề nghị Trung ương động viên hậu phương dốc toàn lực cùng bộ đội ở tiền tuyến khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.
Ngay sau đó là mệnh lệnh kéo pháo ra và lui quân về vị trí tập kết, đồng thời là lệnh cho Đại đoàn 308 bất ngờ hành quân lật cánh sang hướng Thượng Lào, phá sập hành lang chiến lược sông Nậm Hu làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ càng bị cô lập và buộc tướng Na-va phải tiếp tục điều quân từ đồng bằng lên đối phó.
Từ cuối tháng 4-1954, sau hai đợt tiến công của ta, quân Pháp trên cánh đồng Mường Thanh đã ở vào tình thế hết sức nguy ngập trên một không gian chừng một ki-lô-mét vuông. Mọi ý đồ đưa quân từ ngoài vào hòng giải vây cho đồng bọn trong tập đoàn cứ điểm đều không còn khả năng thực hiện.
Đánh giá tình hình bộ đội trong đợt tiến công vừa qua, Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp quan tâm đến một hiện tượng không bình thường, nhất là trong một số cán bộ khi tiến đánh các điểm cao phía đông. Đó là những biểu hiện tiêu cực như ngại hy sinh gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, cá biệt có cán bộ bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh. Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp suy nghĩ về cách triển khai Nghị quyết ngày 19-4-1954 của Bộ Chính trị mà ông mới nhận được(1). Ông biết rằng cùng chịu trách nhiệm với ông về chiến dịch quan trọng này là những đồng chí thân thiết đã cùng ông chung lưng đấu cật từ những ngày đầu của sự nghiệp vũ trang khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng. Vấn đề đặt ra là, với tinh thần trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phải động viên các đồng chí cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định nhất thiết phải khắc phục bằng được những tồn tại về tư tưởng trước khi bước vào đợt ba, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành toàn thắng cho chiến dịch.
Ngày 27-4, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp triệu tập các Bí thư Đảng ủy Đại đoàn và các đồng chí phụ trách ba cơ quan Tham mưu, Chính trị và Hậu cần mặt trận tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt trong ba ngày, từ 27 đến 29. Mục đích đợt sinh hoạt này nhằm cùng nhau kiểm điểm và chấn chỉnh tư tưởng chỉ đạo, chủ yếu là khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực tồn tại ngay trong những người chịu trách nhiệm chủ yếu về kết quả cuối cùng của chiến dịch.
Với tinh thần “dĩ công vi thượng”(2), Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã động viên mọi người thẳng thắn phê bình, tự phê bình trong cuộc họp Đảng ủy mở rộng, nhằm khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trước khi bước vào đợt ba của chiến dịch.
Sau hai ngày từng đồng chí tự kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị và thư của Tổng bí thư Trường Chinh, ngày 29-4 Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo kết luận. Sau khi tổng hợp nội dung kiểm điểm của từng người tham gia hội nghị, bản báo cáo tập trung phân tích những tồn tại trong tư tưởng cán bộ và khẳng định đó là trở ngại chủ yếu trên bước đường tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.
Bản báo cáo nhấn mạnh: Hiện nay, trong cấp ủy đại đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn đang tồn tại tư tưởng hữu khuynh tiêu cực và đó là đối tượng đấu tranh chủ yếu của chúng ta trong lúc này. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lý giải: Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực là tư tưởng thù địch, chống lại tư tưởng cách mạng của Đảng, ngăn cản quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Tư tưởng đó biểu hiện dưới nhiều hình thức. Một là, dao động, sợ khó, sợ khổ, sợ hy sinh, sợ thương vong, sợ tiêu hao mệt mỏi, thiếu tinh thần khắc phục khó khăn, tinh thần tích cực tiêu diệt địch, tinh thần đấu tranh với những sai lầm của bản thân và của đồng chí, đồng đội. Hai là, chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, quan liêu đại khái, biểu hiện trong khi chấp hành nhiệm vụ chiến đấu, thiếu tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, không tôn trọng và kiên trì chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Kết quả là không nhiệm vụ nào thực hiện được đầy đủ và đúng thời gian như quy định. Ba là, không nắm chắc chính sách cán bộ, chấp hành kỷ luật không nghiêm, không chú trọng phát triển đảng và dựa vào tổ chức đảng để động viên và lãnh đạo bộ đội chiến đấu. Chính vì tư tưởng hữu khuynh tiêu cực tồn tại ngay trong hàng ngũ cán bộ trung, cao cấp cho nên chỉ thị mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch bị cản trở, không quán triệt được xuống cấp dưới nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội.
Bằng một giọng chân thành và thẳng thắn, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp nói với các Bí thư Đảng ủy các Đại đoàn có mặt trong hội nghị: Các đồng chí có trách nhiệm rất lớn nhưng các đồng chí không phân biệt trách nhiệm của từng cấp nặng nhẹ khác nhau như thế nào. Ngay trong bản tự kiểm điểm của các đồng chí, tuy đã tương đối thành khẩn nhưng các đồng chí còn nói nhiều đến những hiện tượng hữu khuynh, tiêu cực trong đơn vị mà không đi sâu vào tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ngay trong Đảng ủy Đại đoàn và ngay ở bản thân các đồng chí. Như vậy, chứng tỏ tinh thần tự phê bình bôn-sê-vích, tinh thần đấu tranh với những sai lầm còn thiếu ở ngay trong bản thân Đảng ủy Đại đoàn. Đó cũng là một biểu hiện cụ thể của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực. Điều đó có nghĩa là, đối với những biểu hiện thực tế nhất, cụ thể nhất và nghiêm trọng nhất của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đã không được các đồng chí vạch ra trong bản kiểm thảo của mình. Các đồng chí không phân rõ trách nhiệm, chỉ phê phán một cách qua loa xong chuyện, nhận lỗi của mình nhưng lại biện bạch và đổ lỗi cho cấp trên.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến tư tưởng hữu khuynh tiêu cực tồn tại nghiêm trọng trong Đảng và trong quân đội là do thiếu sự giáo dục và đấu tranh nội bộ. Yêu cầu cụ thể và trực tiếp đối với công tác lãnh đạo trong chiến dịch này là phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực nhằm phát huy bằng được tinh thần tích cực cách mạng và nâng cao quyết tâm chiến đấu để tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch. Ông nhấn mạnh: Thái độ của chúng ta đối với quân địch ở Điện Biên Phủ như thế nào thì thái độ đấu tranh của chúng ta đối với tư tưởng hữu khuynh tiêu cực cũng phải kiên quyết như thế, tức là phải đấu tranh triệt để, tìm nó ở tất cả những nơi nó có thể ẩn náu, bài xích phê phán đến cùng, không nhân nhượng, không thỏa hiệp, không dung túng, không dĩ hòa vi quý. Dĩ hòa vi quý là tự do chủ nghĩa, là không tha thiết với thắng lợi của quân đội, với lợi ích của Đảng.
Sau đó bản báo cáo nêu lên phương hướng và biện pháp triển khai công tác lãnh đạo để đợt sinh hoạt chính trị đột xuất này đạt được kết quả thiết thực, tạo nên một chuyển biến mới về chính trị tư tưởng, làm cho kết quả của cuộc hội nghị này không những chỉ đặt cơ sở cho những thắng lợi sắp tới trong chiến dịch này mà còn đánh dấu một bước tiến bộ quan trọng trong quá trình khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong hàng ngũ của Đảng và của quân đội.
Tổng tư lệnh chiến dịch kết thúc bài phát biểu bằng những lời tâm huyết: Là những đồng chí chịu trách nhiệm trước Đảng chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình thành khẩn và nghiêm chỉnh đối với những tư tưởng sai lầm, phải tiến hành đấu tranh nội bộ để đi tới đoàn kết nhất trí, làm cơ sở để mở rộng cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm xây dựng, tăng cường niềm tin tưởng và phấn khởi, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong toàn quân, đoàn kết vì mục đích tối cao của chiến dịch này là tiêu diệt toàn bộ quân địch, đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi trọn vẹn.
Đêm 29-4, trong không khí lạc quan và tin tưởng của mỗi thành viên tham dự hội nghị, đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ các Bí thư Đảng ủy Đại đoàn ở lại hướng dẫn cụ thể biện pháp triển khai đợt sinh hoạt chính trị ở các đơn vị, trao đổi và góp ý kiến về phương hướng lãnh đạo sắp tới, nhất là biện pháp khắc phục những khó khăn của đơn vị khi bước vào đợt chiến đấu cuối cùng.
Như sau này việc tổng kết kinh nghiệm công tác chính trị trong quân đội đã đánh giá, đợt sinh hoạt chính trị đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ở Mặt trận Điện Biên Phủ là một thành công điển hình, một mẫu mực về công tác chính trị tư tưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
* * *
Từ những bài học rút ra khi nghiên cứu nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp thông qua một sự kiện cụ thể là chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể khái quát thành mấy điểm nổi bật sau đây về phẩm chất cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Đó là trách nhiệm chính trị của người cầm quân. Cụ thể, đó không chỉ là trách nhiệm trước nhân dân, trước tiền đồ của sự nghiệp kháng chiến mà trực tiếp trong chiến dịch này là trách nhiệm trước sinh mạng của chiến sĩ. Như Thượng tướng Trần Văn Trà nhận xét: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng đứng trên quan điểm cốt tử là giành thắng lợi nhưng phải hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của chiến sĩ. Ông không bao giờ chủ trương giành thắng lợi bằng mọi giá. Chính vì thế mà đã có người ví Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một cây đại thụ rợp bóng nhân văn.
Đó là tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngay trong thời điểm thử thách vừa quyết liệt vừa nhạy cảm như ngày 26-1-1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn vững tin vào cách suy nghĩ của mình để đưa ra một quyết định táo bạo. Quyết định đó không chỉ đơn thuần xuất phát từ kinh nghiệm cầm quân hay chỉ dựa trên tinh thần tích cực cách mạng, mà còn dựa trên cơ sở phân tích bằng một tư duy khoa học phù hợp với quy luật phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng cũng tức là phù hợp với điều kiện cụ thể của chiến trường Điện Biên Phủ.
Đó là cách xử lý đúng đắn trong quan hệ giữa "cái tôi" với tập thể lãnh đạo mà ông là người chủ trì. "Cái tôi" đó hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể nhưng trước hết là tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng thực tế về tương quan lực lượng và về khả năng chiến đấu của bộ đội. Nếu ý kiến của tập thể không phù hợp với thực tế khách quan thì "cái tôi" đó sẵn sàng chờ đợi nhưng không nghe theo một cách thụ động vô trách nhiệm, mà kiên trì đấu tranh thuyết phục để tập thể chấp nhận chân lý trên cơ sở công nhận thực tế khách quan trên chiến trường.
Đó là tác phong thực sự cầu thị, sâu sát, bám chắc thực tế làm cơ sở để hạ quyết tâm đúng đắn đồng thời cũng là cơ sở để thuyết phục tập thể Đảng ủy và Đoàn cố vấn. Sở dĩ Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thuyết phục được tập thể thay đổi cách suy nghĩ không phải vì ông dùng sức ép về quyền lực để áp đặt, mà vì ông dựa vào tình hình cụ thể về địch và khả năng của bộ đội mà ông nắm rất chắc trải qua 12 ngày đêm trăn trở, thao thức để vừa theo dõi vừa phân tích. Ông cũng đánh giá đúng tinh thần trách nhiệm và đánh giá đúng phẩm chất cũng như năng lực các đồng chí trong Đảng ủy và tin rằng, bằng cách đưa ra những dẫn chứng cụ thể khi thảo luận dân chủ cởi mở, phân tích lý lẽ giữa một bên là yêu cầu đánh chắc thắng với một bên là tính chất mạo hiểm của cách đánh nhanh thì sẽ tạo cho tập thể Đảng ủy có cơ sở để cùng nhau đi đến sự đồng thuận.
Chỉ qua một sự kiện lịch sử cụ thể là chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta thấy trong con người Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quy tụ đầy đủ 6 điểm về phẩm chất và tư cách người làm tướng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, đó là: Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung./.
 

(1) Đặt lợi ích chung lên trên. Đó là lời dạy của Cụ Hồ khi giao nhiệm vụ cầm quân cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mười năm trước đó.
(2) Sau khi nhận báo cáo về kết quả đợt 2 chiến dịch và những tồn tại khi bước vào đợt 3, Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết động viên toàn dân hậu phương dốc sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi cuối cùng. Đồng thời Bộ Chính trị chỉ thị cho Đảng ủy Mặt trận phải củng cố quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn, giành toàn thắng cho chiến dịch.
Theo Trần Trọng Trung Báo Quân đội Nhân dân

Số 8 (176) năm 2009

12.     Những câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ: Năm ngón tay của Bác Hồ



Trung tướng Phạm Hồng Cư
Trong căn phòng làm việc rất giản dị chừng 6m2, tại tư gia, Trung tướng Phạm Hồng Cư Nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm và những câu chuyện về những năm tháng ông tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
Cách đây 55 năm, tôi là Phó chính ủy Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 có vinh dự được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Lúc đó, tôi 28 tuổi, nay là cựu chiến binh 83 tuổi. Trong trí nhớ của một cựu chiến binh ở tuổi "xưa nay hiếm", nhiều sự việc đã rơi vào quên lãng, nhưng ký ức Điện Biên thì vẫn sống động trong tâm trí tôi.
Đầu tháng 10 năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh đến nơi Ở của Bác Hồ tại Tỉn Keo (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) để dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về đề án tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 .
Dự cuộc họp này có Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang mệt, không đến họp được. Cuộc họp có triệu tập thêm đồng chí Hoàng Văn Thái. Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp bào cáo tình hình: Na-va - Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động lớn chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương để hòng giành lại chủ động, Bác Hồ ngồi nghe, thái độ bình thản, bàn tay Bác đặt ở trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Bác Hồ nói :
- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán ra thì sức mạnh đó không còn.
Bàn tay Bác Hồ mở ra, năm ngón tay, mỗi ngón trỏ về một hướng. Năm ngón tay của Bác Hồ ứng với năm đòn tiến công chiến lược trước Điện Biên Phủ.
Năm đòn tiến công chiến lược ấy là: Giải phóng Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; Phối hợp với quân đội Pa-thét Lào giải phóng nhiều địa phương ở Trung Lào và Hạ Lào; Giải phóng Kon Tum và miền Bắc Tây Nguyên; Giải phóng Phông Sa Lỳ và lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát Luông Pra-băng; Thắng lợi của các chiến trường phối hợp ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Trung Trung Bộ, cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Các đòn tiến công chiến lược này đã buộc Na-va phải phân tán lực lượng đối phó và kế hoạch Na-va bắt đầu bị phá sản.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được Tỉnh Điện Biên mời lên kể chuyện, giao lưu với thế hệ trẻ tại cuộc mít tinh kỷ niệm, tổ chức buổi tối ngoài trời với rất đông người tham dự. Sáng hôm sau, tôi đang ngồi ăn sáng tại khách sạn Điện Biên, bỗng có 4 du khách người nước ngoài cũng đến ăn sáng. Họ nhận ra tôi và đến gần, tay họ nắm lại rồi bỗng xòe ra, năm ngón tay chỉ về 5 hướng. Họ cười nói rất vui vẻ, họ nắm tay lại, xòe ra tới ba lần, mỗi lần đều nói: "Hồ Chí Minh giỏi quá? giỏi quá! giỏi quá!
Tôi biết là họ hiểu nội dung câu chuyện đêm qua.
Kỳ sau: Quyết định khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308

Số 8 (176) năm 2009

13.     Những câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ: Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp(1)


Ngày 5 tháng 1 năm 1954 , Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Ông nhận thấy nhiệm vụ lần này rất nặng nề. Trong tờ trình về phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ gửi lên Bộ Chính trị ngày 6 tháng 12 năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự kiến: "Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày không kể thời gian tập trung bộ đội và tiến hành công tác chuẩn bị. Trận đánh có thể khởi đầu vào trung tuần tháng 2 năm 1954. Đây sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Lực lượng sẽ phải sử dụng ba đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không. Nếu kể cả cơ quan chỉ huy chiến dịch, các đơn vị trực thuộc, bộ đội bảo vệ tuyến cung cấp, bộ đội bổ sung, thì quân số tổng quát của chiến dịch sẽ là 42.000 người. Dự kiến này đã làm theo phương án "đánh chắc tiến chắc".

Từ trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ nhiều về cách tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Căn cứ vào trình độ tác chiến và trang bị của bộ đội ta lúc đó, chỉ có thể tiêu diệt những tập đoàn cứ điểm mạnh bằng cách đánh dần từng bước. Nhưng khi lên tới mặt trận thì bộ phận đi trước chuẩn bị chiến trường, cả phía ta và phía bạn (cố vấn Trung Quốc) đều đề nghị nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch.

Điện Biên Phủ là một cánh đồng khá rộng, nhưng vẫn nằm giữa địa hình rừng núi, thuận lợi cho ta. Bộ đội đã tập kết quanh Điện Biên Phủ. Lúc này, địch không thể rút lui mà không bị thiệt hại. Địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập về đường bộ, giao thông vận tải, tiếp tế đều trông vào máy bay. Lực lượng địch Ở Điện Biên Phủ có 10 tiểu đoàn. Chúng đã ra sức xây dựng công sự nhưng chỉ mới làm được công sự dã chiến, một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở. Về phía ta, các đơn vị bộ đội đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao. Sự xuất hiện của pháo binh và pháo cao xạ sẽ tạo cho địch một bất ngờ. Đánh nhanh thắng nhanh, bộ đội đang còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất và không phải đối phó với khó khăn rất lớn về cung cấp hậu cần cho hàng vạn chiến sĩ và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp triệu tập hội nghị Đảng ủy Mặt trận. Các đồng chí đảng ủy viên (gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch, Lê Liêm - Chủ nhiệm chính trị chiến dịch, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch) đều nhất trí cần đánh địch ngay trong lúc chúng chưa kịp tăng quân và củng cố công sự và có khả năng giành chiến thắng trong vài ngày. Mọi người lo nếu để địch tăng cường tập đoàn cứ điểm quá mạnh sẽ bở lỡ cơ hội tiêu diệt địch lớn trong Đông Xuân này; và cũng lo chiến dịch kéo dài sẽ không giải quyết được vấn đề tiếp tế hậu cần trên một con đường dài 500km từ hậu phương ra mặt trận thường xuyên bị máy bay địch đánh phá ác liệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và cho rằng, đánh nhanh thắng nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng ông chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được bộ phận chuẩn bị chiến trường đi trước và các cố vấn lựa chọn. Không có điều kiện và thời gian để báo cáo xin chỉ thị Bác Hồ và Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho đồng chí Cao Pha - Cục phó Cục 2 điều tra thật cẩn thận những vị trí địch trên cánh đồng hướng Tây, nơi được đánh giá là sơ hở và ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Đại tướng yêu cầu đồng chí Cao Pha phải báo cáo hàng ngày, nếu có những hiện tượng tăng quân hoặc rút quân thì phải báo cáo ngay.
Ngày 14 tháng 1 năm 1954, hội nghị phổ biến kế hoạch chiến đấu được triệu tập tại hang Thẩm Púa. Trước một sa bàn lớn, có mặt đông đủ các Tư lệnh đại đoàn: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long; các Chính ủy: Trần Độ, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu, cùng rất nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn ở các mũi thọc sâu và đơn vị chủ công. Nhiệm vụ thọc sâu được giao cho Đại đoàn 308, đánh từ hướng Tây thọc thẳng vào sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri. Đại đoàn 3 12 đột kích ở hướng Bắc, Đại đoàn 3 1 6 đột kích ở hướng Đông nơi có 5 ngọn đồi trọng yếu. Một đơn vị của Đại đoàn 304 chia cắt địch ở vị trí Hồng Cúm phía Nam. Trước mắt, tập trung lực lượng hoàn thành đường kéo pháo và kéo pháo vào trận địa dã chiến.
Trước mỗi trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn để cùng bàn cách khắc phục. Nhưng lần này, các đơn vị đều hăng hái nhận nhiệm vụ, chỉ hỏi rõ thêm, không có ai thắc mắc gì.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được biết là có những cán bộ chỉ huy cảm thấy nhiệm vụ của đơn vị quá nặng nề, nhưng trong không khí chung, không ai nói những ý nghĩ thực của mình.
Ngày nổ súng được quyết định là 25 tháng 1, giờ G là 17 giờ. Sau hoãn 24 tiếng nên ngày N là ngày 26 tháng 1 năm 1954. Từ khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu, suốt 1 1 ngày đêm theo dõi tình hình địch - ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở suy nghĩ đến mức đầu đau nhức, bác sĩ phải buộc trên trán Đại tướng một nắm ngải cứu. Đến sáng ngày N (ngày 26-l), Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Trong khi chờ đợi cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho đồng chí Hoàng Minh Phương - Trưởng đoàn phiên dịch, chuẩn bị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp đồng chí Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn quân sự của bạn.
Đồng chí Vi Quốc Thanh là một cán bộ cách mạng lâu năm, từng trải, lịch lãm, chín chắn. Từ Chiến dịch Biên giới (1950) đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), quan hệ giữa ta với các chuyên gia quân sự bạn rất tốt đẹp. Bạn đã giúp ta nhiều kinh nghiệm quý báu từ chiến tranh cách mạng của Trung Quốc và chiến tranh kháng Mỹ viện Triều. Quan hệ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vi Quốc Thanh rất cởi mở, chân tình. Trước ngày về nước, đồng chí Vi Quốc Thanh đã nói: những năm công tác tại Việt Nam là thời kỳ "hoàng kim" trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Đồng chí Vi Quốc Thanh đã tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp một bức tranh có con chim đại bàng với cây tùng và 5 chữ: "Đông phong nghênh khải hoàn".
Thấy nắm ngải cứu trên trán Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vi Quốc Thanh ân cần hỏi thăm sức khỏe và nói:
- Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp:
- Đây cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi ý kiến với đồng chí. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự nữa, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy, không thể đánh theo kế hoạch đã định. Về phía ta có ba khó khăn lớn của bộ đội:
Thứ nhất, từ trước đến nay, bộ đội chủ lực ta chỉ mới tiêu diệt được cao nhất là một tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc, nay tập đoàn cứ điểm có tới 12 tiểu đoàn và có tới 49 cứ điểm.
Thứ hai, từ trước đến nay chua có tác chiến hiệp đồng binh chủng bộ binh với pháo binh trên quy mô lớn, mà cũng chưa qua diễn tập, vừa qua đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt pháo vì không biết phối hợp thế nào.
Thứ ba, từ trước đến nay bộ đội ta quen đánh đêm, trên những địa hình dễ ẩn náu, nay đánh liên tục ngày đêm trên địa hình bằng phẳng, kẻ địch lại có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng. Tất cả những khó khăn này ta chưa bàn cách giải quyết. Nếu đánh theo kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh là thất bại.
Đồng chí Vi Quốc Thanh hỏi lại:
Vậy nên xử trí thế nào?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp:
-Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc tiến chắc".
Sau giây lát suy nghĩ đồng chí Vi Quốc Thanh nói:
- Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm việc với các chuyên gia.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói tiếp:
- Thời gian gấp, tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và tôi dự kiến cho Đại đoàn 308 tiến về phía Luông Phra-băng bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo không quân địch về phía đó, không để chúng gây khó khăn khi ta lui quân và kéo pháo ra.
Sau cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Trưởng đoàn cố vấn quân sự bạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về sở chỉ huy, các đồng chí trong Đảng ủy Mặt trận đã có mặt đông đủ.
Cuộc họp Đảng ủy Mặt trận bắt đầu.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ của mình đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.
Mọi người im lặng một lúc.
Đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm chính trị phát biểu:
- Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?
Đồng chí Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm hậu cần nói:
- Tôi thấy cứ nên giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn, nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được?
Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói:
- Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở... Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng quyết định là phải có cách đánh đúng.
Đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng nói:
- Anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) cân nhắc cũng phải. Nhưng lần này ta có ưu thế binh hoả lực, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi.
Trao đổi một hồi chưa đi đến kết luận. Cuộc họp tạm dừng một lát.
Khi cuộc họp tiếp tục, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói:
- Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi Bác trao nhiệm vụ: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời cầu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?
Đồng chí Chủ nhiệm chính trị nói:
- Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo đảm là sẽ chắc thắng trăm phần trăm.
Đồng chí Chủ nhiệm hậu cần nói tiếp:
Làm sao dám bảo đảm như vậy?
Đồng chí Võ Nguyên Giáp:
Tôi nghĩ, với trận này, ta phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm.
Bây giờ đồng chí Tham mưu trưởng mới nói:
- Nếu yêu cầu cần phải chắc thắng trăm phần trăm thì khó . . .
Lát sau, Đảng ủy đi đến nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp kết luận:
- Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Đảng ủy biểu quyết đồng tình trăm phần trăm.
Trong ngày hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông.
Không thể dùng điện đài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị. Ít ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được thư của đồng chí Trường Chinh cho biết, Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị nhất trí cho rằng, quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân, toàn lực chi viện cho tiền tuyến tới khi bộ đội giành toàn thắng tại Điện Biên Phủ./.
Kỳ sau : "Quân lệnh như sơn"

(1) Dựa theo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn Lịch sử (Quyết định khó khăn nhất). Nxb QĐND, H. 2000, tr.95-113.
 (Trích Tạp chí công sản)