Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

37. Sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế.


 Thời gian gần đây, khái niệm sức mạnh mềm được các học giả nhắc đến khá nhiều. Song, thực chất vai trò và ảnh hưởng của sức mạnh này đối với sức mạnh tổng thể của quốc gia, đặc biệt là tại các cường quốc như thế nào? Và phải chăng sức mạnh mềm sẽ trở thành công cụ chiếm ưu thế trong tương lai? Một số tổng hợp về lý thuyết và thực tiễn dưới đây sẽ phần nào giúp nhận diện sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế.
1. Sức mạnh từ khả năng gây ảnh hưởng
Theo định nghĩa khái quát, sức mạnh của quốc gia bao gồm các nhân tố: vật chất (phần cứng - sức mạnh cứng); tinh thần và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế (phần mềm - sức mạnh mềm). Người ta thường gọi chung cho hai loại sức mạnh này là sức mạnh tổng hợp của quốc gia hay còn gọi là thực lực quốc gia.
Mỗi quốc gia hay chủ thể quan hệ quốc tế đều cần có sức mạnh để tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với các quốc gia, chủ thể quan hệ quốc tế khác. Ở một định nghĩa đơn giản nhất, sức mạnh có thể hiểu là khả năng điều khiển, kiểm soát người khác, khiến người khác phải phục tùng và làm theo mệnh lệnh của người nắm giữ sức mạnh. Sức mạnh của một quốc gia được tạo nên bởi các yếu tố như diện tích lãnh thổ, vị trí địa lý, sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, giáo dục, truyền thông, quy mô dân số...
Để tác động lên hành vi của người khác nhằm có được kết quả mà mình mong muốn, nghĩa là phải dùng đến sức mạnh, người ta có thể thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp ba cách: một là, ép buộc, gây áp lực lên đối phương; hai là, dụ dỗ, mua chuộc (trả tiền) để đối tượng vì lợi ích mà thực hiện điều mình muốn; ba là, thu hút và dựa vào đối phương để đối phương tự nguyện thực hiện điều mình muốn (hấp dẫn đối phương). Quan niệm về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm cũng xuất phát từ ba cách thực hiện này. Theo đó, sức mạnh cứng là dùng bạo lực để cưỡng ép (như sức mạnh quân sự) và vật chất để mua chuộc (như sức mạnh kinh tế). Sức mạnh cứng của một quốc gia có thể nhận biết tương đối rõ ràng, thông qua những con số cụ thể về tiềm lực quân sự (số lượng và chất lượng quân đội; năng lực chỉ huy; trình độ lý luận quân sự và trang thiết bị, khí tài quân sự, đặc biệt là những vũ khí có sức hủy diệt lớn), thực lực kinh tế (quy mô kinh tế, GDP và cơ cấu kinh tế)...
Tuy nhiên, còn một nguồn sức mạnh khác cũng có thể nâng cao địa vị quốc tế của một nước, đó là sức mạnh mềm. Thuật ngữ này vốn được áp dụng trong lĩnh vực ngoại giao, nhưng cũng có thể được áp dụng trong phạm vi rộng hơn để phân tích sức mạnh văn hóa, uy tín quốc tế của một quốc gia, một dân tộc. Theo khái niệm của Giáo sư G.Nai (J.Nye) đưa ra năm 1990, sức mạnh mềm là khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc; xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia. Theo đó, một quốc gia được coi là thành công trong việc xây dựng sức mạnh mềm khi dựa trên sức hấp dẫn của văn hóa, quan điểm chính trị và chính sách ngoại giao đủ sức lôi cuốn nước khác đi theo mình, không như sức mạnh cứng bao gồm tiềm lực về kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật và nguồn tài nguyên cơ bản, mà xưa nay là những sức mạnh hữu hình chi phối các quan hệ quốc tế.
Gần một thập niên sau, năm 1999, trong bài viết Xác định lại mối quan tâm của quốc gia (Redefining the national interest) trên Tạp chí Foreign Affairs, G.Nai hoàn thiện khái niệm này khi nhấn mạnh vào sức thuyết phục của thông tin. Trong cuốn "Vì sao chỉ có sức mạnh quân sự là chưa đủ" (Why military power is no longer enough) xuất bản năm 2002, ông định nghĩa sức mạnh mềm chính là "khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn". Còn trong cuốn "Tái suy ngẫm về khái niệm sức mạnh mềm" (Think Again: Soft Power) xuất bản năm 2006, G.Nai đơn giản định nghĩa khái niệm này là "khả năng thông qua sự thu hút, hấp dẫn hoặc dụ dỗ của mình làm thay đổi hành vi của người khác, từ đó đạt được cái mà mình cần". Ngoài ra, ông còn chỉ ra 3 nguồn gốc của sức mạnh mềm, đó là văn hóa, thể chếchính trị và chính sách ngoại giao của một nước.
Như vậy, qua khảo cứu quá trình hoàn thiện định nghĩa về sức mạnh mềm của G.Nai, người được cho là tiên phong nghiên cứu về vấn đề này, có thể nói khái quát các nội dung cơ bản của sức mạnh mềm, bao gồm: Thứ nhất, sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng của văn hóa; Thứ hai, sức hấp dẫn về hình thái ý thức xã hội, các quan niệm về giá trị và chính sách quốc gia; Thứ ba, chính sách đối ngoại đúng đắn; Thứ tư, xử lý các mối quan hệ trong nước vừa có tình vừa có lý; Thứ năm, sức hấp dẫn của đường lối phát triển và hình thức chế độ; Thứ sáu, năng lực chỉ đạo, hoạch định và kiểm soát các quy phạm quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế và cơ chế quốc tế; Thứ bảy, mức độ ủng hộ, tán dương của dư luận quốc tế đối với hình ảnh quốc gia.
2. Sức mạnh mềm: Mỗi nước mỗi cách
Thời điểm thập niên 90 của thế kỷ trước chỉ là lúc mà sức mạnh mềm được chỉ rõ và được đặt tên gọi. Trên thực tế, nó đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng trong đối ngoại từ lâu như một thủ pháp nhằm thu phục đối phương.
Hàn Quốc là một đất nước nghèo tài nguyên, trước thập niên 60 của thế kỷ XX được người ta biết đến là một nước chưa phát triển. Nhưng từ thập niên 60 trở đi, kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh, đến giữa thập niên 80 đã trở thành nước công nghiệp phát triển mới (NICs). Các món ăn truyền thống (như kim chi, kimpab, mỳ lạnh...), những sản phẩm nổi tiếng (nhân sâm Hàn Quốc, mỹ phẩm, thời trang, các sản phẩm công nghệ cao...), hay điện ảnh Hàn Quốc... đã tạo sự lan tỏa ảnh hưởng văn hóa tới nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á. Làn sóng phim Hàn còn kéo xu thế thời trang Hàn, ẩm thực Hàn, phong cách Hàn, và đó là minh chứng rõ ràng cho sức hấp dẫn của văn hóa, các giá trị "made in Korea".
Nhật Bản là một trong những nước châu Á có những tiềm lực ấn tượng về sức mạnh mềm. Nghệ thuật, thời trang và ẩm thực của nền văn hóa lâu đời của Nhật Bản có sức thu hút mạnh mẽ đến thế giới. Thành công về kinh tế của Nhật Bản không làm nước này mất đi nền văn hóa độc đáo. Ảnh hưởng văn hóa toàn cầu của Nhật Bản phát triển từ lĩnh vực thời trang, thực phẩm đến nhạc pop, hàng điện tử tiêu dùng, kiến trúc và nghệ thuật. Các nhà sản xuất của Nhật Bản từng thống trị lĩnh vực video game, truyện tranh và phim hoạt hình. Hiện Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới về doanh số bán sách và các ấn phẩm nhạc.
Ấn Độ có nền văn minh Ấn Hà (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5.000 năm, là nơi khởi sinh của Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaina và đạo Sikh. Với dân số khoảng 1,1 tỉ người, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước có dân số lớn nhất thế giới vào năm 2034 và nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cho tới năm 2050. Đất nước này đã hết sức coi trọng sức mạnh mềm. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Y.Xin-ha (Y.Sinha) trong một bài phát biểu từng nói về sức mạnh mềm của Ấn Độ, đó là nền văn hóa, tôn giáo và triết học ưu việt, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu đời từ thời cổ đại. Phật giáo khởi nguồn từ ấn Độ trong khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên và đã lan truyền tới các nước châu Á, ảnh hưởng sâu đậm đến các nước trong khu vực. Ngoài ra, Yoga, ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, thời trang, vũ đạo, văn học ấn Độ đều thuhút được nhiều sự quan tâm, chú ý của thế giới.
3. Nước càng lớn càng cần sức mạnh mềm
Thực tiễn lịch sử chính trị - xã hội cho thấy ý nghĩa của sức mạnh mềm phụ thuộc vào mục đích sử dụng của từng quốc gia, nhằm tranh giành ảnh hưởng bên ngoài với các quốc gia khác hay đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước. Song, có một điểm chung là quốc gia nào càng có ảnh hưởng sâu rộng, cả về chính trị, văn hóa và kinh tế, thì quốc gia đó càng cần phải sử dụng song song hiệu quả cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.
Nước Mỹ là một ví dụ điển hình cho việc vận dụng thành công sức mạnh mềm, trong đó vũ khí lợi hại nhất là sức mạnh của truyền thông. Tuy nhiên, chính nước Mỹ lại không hoàn toàn tự tin vào sức mạnh mềm của mình. Ngay chính G.Nai cũng cho rằng thực lực của Mỹ chưa đủ khả năng tập trung các nước lại với nhau để cùng giải quyết các vấn đề quốc tế. Việc chính phủ Bu-sơ (con) tấn công I-rắc rõ ràng đã đi theo phái chủ nghĩa hiện thực khi sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sau khi bị sa lầy trong cuộc chiến này, Mỹ dường như không còn có thể "cứng" được nữa khi quay ra bày tỏ mong muốn hợp tác với các nước. Cũng theo quan điểm của G.Nai, nếu Mỹ lãng phí sức mạnh mềm của mình thì sẽ phải đối mặt với nhiều vụ tấn công khủng bố hơn nữa; đồng thời chế độ, văn hóa cũng như các giá trị Mỹ cũng sẽ dần mất đi sức hấp dẫn của mình. Theo ông, nước Mỹ thực sự có lợi thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự, nhưng nước Mỹ vẫn cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc chống chủ nghĩa khủng bố cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế. Thế nhưng nước khác có hợp tác với Mỹ hay không còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn, khả năng "thuyết khách" của Mỹ. Nói cách khác, điều đó còn phụ thuộc vào sức mạnh mềm của Mỹ lớn đến đâu.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống J.Các-tơ (J. Carter), một học giả nổi tiếng, ông Z.Brê-din-xki (Z.Brzezinski) năm 1993 đã nhấn mạnh trong cuốn sách "Mất kiểm soát: Sự hỗn loạn toàn cầu của đêm trước thế kỷ XXI" rằng, nước Mỹ thừa vũ lực nhưng Mỹ không thể chỉ dựa vào sức mình để thiết lập một trật tự thế giới mới kiểu Mỹ. Cuộc chiến ở I-rắc đã gây tổn thất lớn cho sức mạnh mềm của Mỹ, cụ thể là châu Âu không còn thích nghe Mỹ nói, thế giới Hồi giáo thì càng trở nên thù nghịch, phẫn nộ với Mỹ.
Hiện Mỹ là siêu cường đang nỗ lực xây dựng và khuếch đại bá quyền văn hóa. Mỹ là nước thu hút nhiều di dân nhất thế giới, gấp 6 lần so với nước đứng thứ hai là Đức; là nước xuất khẩu phim ảnh, chương trình truyền hình lớn nhất thế giới (khống chế 75% thị trường truyền hình thế giới và trên 60% chương trình phát thanh). Sản phẩm điện ảnh do Hô-li-út (Hollywood) sản xuất mặc dù chỉ chiếm 6% số lượng phim ảnh thế giới nhưng lại chiếm tới 80% thị trường điện ảnh toàn cầu. Các tập đoàn như M'cDonald, Coca Cola, Disney... đang "làm mưa, làm gió" trên thị trường các châu lục; trở thành thương hiệu của văn hóa Mỹ, khuếch trương quan điểm giá trị và lối sống Mỹ. Ngoài ra, Mỹ có lượng ấn phẩm xuất bản lớn nhất thế giới, ngành chế tác âm nhạc Mỹ gấp 2 lần nước đứng thứ hai là Nhật Bản. Giải Nobel về vật lý, hóa học, kinh tế học của Mỹ đứng đầu thế giới, giải Nobel văn học xếp sau Pháp, đứng thứ hai thế giới. Lượng bài phát biểu trên tạp chí khoa học gấp 4 lần nước đứng nhì là Nhật Bản.
Với Trung Quốc, sự trỗi dậy của đất nước này là một thực tế không thể phủ nhận. Sức mạnh mềm của Trung Quốc đang được mở rộng, nhất là trong bối cảnh sức mạnh cứng truyền thống không còn nhiều không gian và điều kiện sử dụng. Sau 30 năm thực hiện cải cách mở cửa, Trung Quốc ngày càng phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định được vai trò nước lớn của mình trên trường quốc tế, có ảnh hưởng lớn trong các mối quan hệ kinh tế - chính trị toàn cầu. Bản thân Trung Quốc đã đầu tư phát huy sức mạnh mềm như thúc đẩy ngoại giao văn hóa (điện ảnh, âm nhạc... ), giáo dục (tặng học bổng cho các nước, xây dựng các Học viện Khổng Tử... ), du lịch, ngoại giao kinh tế (viện trợ cho các nước ở châu Phi, Mỹ La-tinh... ), ngoại giao dầu khí, truyền thông (tuyên truyền về đất nước, con người, văn hóa... Trung Hoa) như một công cụ để khuếch trương ảnh hưởng của mình ở nhiều nơi trên thế giới như châu á, châu Phi, Mỹ La-tinh... Minh chứng cho điều này là trong những năm gần đây, thế giới nhắc nhiều đến Trung Quốc, đến sự phát triển vượt bậc cũng như mức độ gia tăng ảnh hưởng từ phía Trung Quốc. Nhắc tới Trung Quốc không thể bỏ quên văn hóa ẩm thực Trung Hoa đặc sắc với những triết lý sâu xa. Những nét đẹp, tinh tế trong ẩm thực Trung Hoa đã có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với bạn bè quốc tế.
Tuy sức mạnh mềm là một khái niệm tương đối mới, nhưng với Trung Quốc thì nội dung của nó không còn quá xa lạ. Từ cổ chí kim, người Trung Quốc thấm nhuần tư tưởng không thể chỉ dựa vào vũ lực (sức mạnh cứng) để cai trị thiên hạ cũng như trong quan hệ với nước khác. Các học giả Trung Quốc ngày càng quan tâm tới việc nghiên cứu về ảnh hưởng của sức mạnh mềm. Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa Diêm Học Thông cho rằng, "sức mạnh mềm là nguồn lực chính trị trong nước và ngoài nước của một quốc gia, nói cách khác đó là năng lực sử dụng và điều tiết sức mạnh cứng của quốc gia đó ở trong và ngoài nước". Giáo sư Lưu Kiến Phi thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế thì cho rằng khái niệm sức mạnh mềm của G.Nai không thật sự chặt chẽ bởi nó dựa vào tư duy phân chia phần mềm và phần cứng của máy tính. Trong khi đó, trên thực tế, phần mềm và phần cứng lại thống nhất biện chứng, cần phải được hợp nhất làm một, không thể tách rời. Quan điểm này trùng với lý thuyết về "sức mạnh thông minh" (Smart power) - sự kết hợp giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm - do Giáo sư G.Nai phát triển năm 2008.
Một trường hợp đặc biệt về sức mạnh mềm trong lịch sử cách mạng nhân loại không thể không kể đến, đó là hình ảnh của nước Nga ngày nay. Một điều chắc chắn rằng nước Nga đã tạo dựng được một "sức mạnh mềm" rất ấn tượng trên vũ đài lịch sử, khẳng định chỗ đứng của một cường quốc văn hóa, một dân tộc có một nền văn hiến lâu đời. Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Vĩnh Cư, trong bài "Mấy suy nghĩ về giao lưu văn hóa Việt - Nga" đăng trên Tạp chí Văn Học số 6 năm 1994 đã viết: "đó là sức mạnh vượt lên trên mọi sự khác biệt dân tộc, sắc tộc, ấy là chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, đỉnh cao của trí tuệ loài người, là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa ngày càng phát huy sức hấp dẫn, sức thu phục nhân tâm. Cảm hứng chủ đạo của nền văn hóa Xô-viết chính là cảm hứng sáng tạo thế giới mới, một thế giới tốt đẹp, huy hoàng chưa từng có trong lịch sử mà so với nó, tất cả các giai đoạn trước phải được xem như đêm trường tăm tối. Văn hóa Xô-viết, cũng như Liên bang Xô-viết, là một hiện tượng lịch sử không thể hồ nghi. Nó đã tạo nên nhiều giá trị chân chính, đạt được những thành tựu xuất sắc, được cả thế giới khâm phục, thiếu chúng không thể hình dung được diện mạo văn hóa thế kỷ XX".
Cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, nước Nga hôm nay cũng đã và đang xây dựng một giá trị Nga của thời đại mới. Trong thông điệp liên bang của Tổng thống Nga V.Pu-tin năm 2008, có đoạn "Nước Nga cần phải trở thành một đất nước hấp dẫn đối với đời sống con người. Và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm được điều đó, không phải hy sinh vì cái gọi là tương lai tươi sáng xa xôi, mà ngược lại là từng ngày cải thiện sự phồn vinh của con người... Khi phát triển tiềm lực con người, chúng ta cần dựa vào sự phong phú của nền văn hóa Nga, dựa vào những thành quả và truyền thống độc nhất vô nhị của Nga. Nước Nga đã không phải một lần chứng minh rằng, Nga có thể làm được những điều mà nước khác tưởng chừng như không thể làm". Sự trở lại của nước Nga trên vũ đài quốc tế với vai trò của một nước lớn, có uy tín và tiếng nói đã khẳng định rằng mục tiêu của thông điệp này là hoàn toàn có thể. Có thể thấy được điều đó qua những thành công trên mặt trận ngoại giao gần đây. Việc bất chấp sự phản đối của Lát-vi-a, 26 nước thành viên EU đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán với Nga về Hiệp định hợp tác và đối tác mới vốn bị trì hoãn sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Gru-di-a năm 2008 là minh chứng rõ nét cho thấy dù muốn hay không, EU khó có thể ngoảnh mặt hay cô lập với Nga. Sức mạnh mềm của Nga, lực hút từ những mối quan hệ kinh tế - xã hội đang đưa Nga trở thành một trong những thành viên chủ chốt trên vũ đài chính trị thế giới.
5. Tiềm năng sức mạnh mềm của Việt Nam
Trong lịch sử dân tộc, sức mạnh mềm của Việt Nam từng được vận dụng vô cùng khéo léo trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của cha ông ta. Khái niệm sức mạnh mềm rất gần gũi với quan điểm "đắc nhân tâm tất có được thiên hạ"; "Dĩ đức phục nhân", lấy đức (đạo đức, đạo lý) để thu phục lòng người trong tư tưởng phương Đông. Trong lịch sử giữ nước, có thể coi Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã thể hiện sức mạnh mềm khi chủ trương "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo". Trong Bình Ngô Sách dâng lên Lê Lợi trình bày sách lược đánh đuổi quân Minh, Nguyễn Trãi đã vạch ra nền tảng tư tưởng cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn bằng chiến lược phối hợp nhịp nhàng ba mặt trận là chính trị, binh vận và ngoại giao, nêu cao chính nghĩa của dân tộc và sức mạnh quyết định của nhân dân để giành chiến thắng. Đó là kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn khuất phục được đối phương (Ngã mưu phạt nhi công tâm, bất chiến tự khuất).
Giáo sư G.Nai khi trả lời phỏng vấn trực tuyến của báo Vietnamnet ngày 16-11-2007 đã từng nhận định: Việt Nam có nhiều thứ có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như sự nổi danh từ cuộc đấu tranh giành độc lập, sự chuyển đổi thành công trở thành một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng... Ông cho rằng, những điều này đã giúp gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam. Điểm hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay nằm ở sự độc lập dân tộc và phát triển kinh tế. Cũng theo G.Nai, văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn, có sức lôi cuốn các nước phương Tây.
Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa cần được đặc biệt chú trọng phát triển bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Để làm tốt điều này, các nguồn lực cấu thành cơ bản của sức mạnh mềm là văn hóa quốc gia, hệ giá trị quốc gia và chính sách quốc gia rất cần được bồi đắp, trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc./
 (Trích Tạp chí Công sản 2010, Tác giả Nguyễn Minh-Bộ ngoại giao)